23/05/2018, 15:03

Kỹ thuật nuôi lươn

Xây bể nuôi lươn Cũng có người đã nuôi lươn bằng chum, bằng thùng phuy. Tuy nhiên, đó chỉ là cách tạm bợ. Tốt nhất ta nên xây bể. Bể xây cần chắc chắn, có thành cao. Bể cần gần nguồn nước, không bị lụt hay khô cạn, dể tháo nước. Chúng ta biết rằng, lươn là loài cá hình rắn, da đầy nhớt và trơn. ...

Xây bể nuôi lươn

Cũng có người đã nuôi lươn bằng chum, bằng thùng phuy. Tuy nhiên, đó chỉ là cách tạm bợ. Tốt nhất ta nên xây bể. Bể xây cần chắc chắn, có thành cao. Bể cần gần nguồn nước, không bị lụt hay khô cạn, dể tháo nước. Chúng ta biết rằng, lươn là loài cá hình rắn, da đầy nhớt và trơn. Chúng luồn lách tài giỏi và luôn tìm mọi cách ngoi lên khỏi nơi chứa chúng để thoát thân.

Bể nuôi có nhiệm vụ chính là ngăn chặn. Tuy nhiên, ta cũng nên cố gắng thiết kế chúng sao cho giống như môi trường sống bên ngoài tự nhiên của lươn.

Kích thước của bể không cần cố định. Tuỳ địa thế và điền kiện của từng gia đình mà ta xây bể rộng hay hẹp. Tuy nhiên, có một số kích cỡ cần lưu ý.

Trước hết, bể phải đảm bảo độ cao để lươn không vượt ra được. Giống với rắn, lươn có thể dựng thân vào tường để ngoi len. Độ cao tối đa mà chúng có khả năng vươn lên bằng 2/3 chiều dài thân của chúng. (Ví dụ: con lươn dài 60cm có khả năng dựng thân lên tới 40cm).

Thứ hai, không nên xây bể ngang cửa bể quá rộng, gây khó khăn cho việc chăm sóc. Cố gắng làm sao để chúng ta đứng bên ngoài mà có thể vươn tay tới mọi nơi trong bể.

Chiểu dài của mỗi bể nuôi có thể từ 2-5m. Không nên xây bể quá dài. Nếu có địa thế xây dài thì nên ngăn ra thành nhiều bể.

Một số cơ sở đã xây bể theo kích thước: rộng 1m, dài 3-5m và cao 1-1,2m.

Tốt nhất là bể được xây chìm dưới mặt đất từ 20-40cm. Trong đó đổ một lớp bùn nhuyễn cũng khoảng 20-40cm. Phía trên có một lớp nước khoảng 10-20cm. Ở một đầu bể ta đổ một lớp đất thịt cao độ 50-60cm và rộng ít nhất từ 40-50cm. Đất cho vào không đổ lẫn mảnh sành, đá sỏi hoặc gạch vỡ. Đây chính là chỗ để lươn đào lỗ làm tổ. Cần làm kè chắn đất bằng tre, nứa đan thưa để có chỗ cho lươn chui ra chui vào. Cũng có thể là một miếng gỗ được đục nhiều lỗ. Đơn giản nhất là ta xếp gạch nhưng xếp cách nhau 5cm để có một chỗ cho lươn lách qua.

Phía trên lớp đất ta nên trồng cỏ, rau khoai hoặc khoai nước để giữ đất và cho mát.

Bố trí một nơi cố định trong bể làm chỗ cho lươn ăn. Nơi này nên khoanh gọn vào một khu vực nhỏ để tiện việc theo dõi lươn ăn đổng thời làm vệ sinh các phần thức ăn còn thừa hoặc lươn loại bỏ.

Bể nuôi lươn khang nên bổ trống ngoài trời. Nó cần một mái che thoáng hoặc một dàn cây leo phía trên. Ta thả bèo tây khoảng 1/2 diện tích mặt nước để che mát và lọc nước cho bể. Bèo tây lọc nước rất tốt.

Ngang với mặt bùn, nên có một lỗ thoát để dễ dàng tháo thay nước. Thấy nước bắt đầu bẩn mà thay ngay được là tốt nhất. Lưu ý, ở chỗ nước ra phải có lưới che để ngăn lươn con ra theo. Nút đậy phải chắc chắn.

Thả lươn

Vì ở mỗi miền chỉ có một loại nên có thể mua lươn ở chợ hoặc đi bắt đem về làm giống.

Cố gắng thả cả lươn đực và lươn cái để chúng sinh sản. Cũng có thể chủ động cho lươn đẻ để tạo giống.

Cần chú ý phân biệt lươn đực và lươn cái:

Lươn đực thường có đuôi dài, bụng nhỏ và rắn, đầu thon, mỏm nhọn, đanh con, năng hoạt động hơn lươn cái. Những lươn dài từ 54cm trở lên hầu như toàn là lươn đực.

Lươn cái: bụng to và mềm, da mỏng, đầu to, lộ hậu môn rộng và hơi đỏ hồng. Những lươn có chiều dài từ 22-26cm chủ yếu là lươn cái.

Trong tự nhiên, lươn thường đẻ rộ sau những trận mưa rào. Chúng đẻ vào sáng sớm. Lươn đực lởn vởn canh phòng bên ngoài gần hết tháng cho tới khi trứng nở và lươn con bơi ra. Lươn ra khỏi tổ thường hay rúc vào rễ và cánh bèo tây. Đặc điểm này cần lưu ý đối với những người đi xúc lươn con.

Mật độ thả vào bể nuôi tuỳ thuộc vào cỡ lươn, thời gian nuôi và khả năng cung cấp thức ăn.

Có rất nhiều nơi nuôi lươn theo kiểu vỗ cấp tốc. Họ mua hoặc bắt lươn choai choai rồi tập trung vỗ béo trong vài tháng. Nhiều nhà hàng đặc sản thì nuôi theo kiểu trữ sẵn, lúc nào cần thì bắt lên. Họ đã để lươn sống với mật độ rất dày: 5-10 kg/m2. Tuy nhiên, với những mật độ này lươn vẫn sống được nhưng chúng ta phải chú ý thay nước thường xuyên và cho chúng ăn đủ.

Tại các cơ sở nuôi lươn hiện nay, chúng tôi cho thả với mật độ từ 50-300 con/m2 và cỡ lươn từ 10-40cm. Lươn càng lớn mật độ thả càng giảm đi.

Cần chú ý thả cùng một loại lươn. Không nên thả lươn lớn lấn với lươn con, đề phòng lúc đói lươn lớn có thể ăn cả lươn con. Cũng vì vậy ở các bể nuôi lươn, sau khi lươn con sinh ra, ta nên tách để nuôi riêng. Việc tách mẹ có thể tiến hành dần dần, mỗi lần một ít. Dùng các cụm bèo tây thả ở trước cửa hang để nhử lươn con khi chui ra sẽ rúc vào đó. Ta dùng rổ đan dày vớt cả cụm.

Khi mới thả, lươn hay tìm cách ngoi lên bờ để thoát thân, vì vậy phải đảm bảo độ cao của thành bể để lươn khỏi vượt.

Bắt đầu thả lươn là bắt đầu phải cho chúng ăn.

Cho lươn ăn

Thức ăn của lươn chủ yếu là động vật. Chúng thích ăn các loại động vật đã chết và bắt đầu rữa: chó chết, mèo chết, gà chết… khi vùi vào bể nuôi lươn đều được chúng xơi sạch. Các phụ phẩm của lò mổ: lá sách của trâu, da động vật loại bỏ, cua, cá, ốc đập nhỏ, v.v… đều được lươn ăn ngon lành.

Giống với nhiều loài thuỷ sản khác, lươn rất thích ăn . Trẻ em đi câu lươn thường vẫn dùng mồi giun. Vì vậy, nếu nuôi lươn nên kết hợp tổ chức nuôi giun đất. Giun đất dễ nuôi và chúng tăng đàn rất nhanh.

Lượng giun cho lươn ăn cũng có thể được tăng cường bằng đào bắt trong tự nhiên hoặc bẫy. Bẫy giun là hình thức nhử chúng vào những hố nông có chứa đầy các loại phân hữu cơ hoại mục. Phía dưới hố có lót một tấm ni lông. Sau 2-3 ngày nhấc ni lông lên theo kiểu vó. Trong đo ta sẽ thu được rất nhiều giun để cho lươn ăn.

Ốc vàng, ốc sên, ốc vặn… đập vỡ và vứt vào ô nuôi lươn. Lươn sẽ ăn hết.

Dùng cua làm thức ăn cho lươn thì nên xé nhỏ. Con tôm, tép ta cứ thả trực tiếp vào.

Một số thí nghiệm cho thấy, có thể độn thêm bột và rau vào thức ăn cho lươn. Người ta ủ chua rau, bèo với bã đậu, cám, bột cá và cho lươn ăn. Tuy nhiên, thức ăn động vật vẫn là nguồn chủ yếu để nuôi lươn.

Lươn thích ăn vào buổi tối. Nên cố định giờ ăn để lập thành phản xạ. Có thể kết hợp thêm một số tín hiệu như bật, tắt đèn, gõ nhẹ v.v…

Thức ăn nên được đổ vào một tấm liếp và để chìm dưới nước hoặc cho gọn vào một khu vực. Không nên để lươn đói nhưng cũng không nên để thừa thức ăn, lưu cữu qua ngày. Phải thường xuyên theo dõi lượng thức ăn tiêu thụ của lươn để điều chỉnh cho phù hợp. Dọn sạch những phần lươn loại bỏ, không ăn.

Cũng như các loài khác, thức ăn là khâu then chốt đối với việc nuôi lươn. Giải quyết tốt khâu thức ăn là đã nhìn thấy thắng lợi.

Chăm sóc lươn

Lươn là loài hoang dã. Vì vậy nó có khả năng thích ứng cao với các biến đổi của môi trường.

Tuy nhiên, trong điểu kiện nuôi dưỡng với mật độ dày đặc, lươn cũng có thể mắc một số bệnh như: Bệnh trùng mỏ neo, bênh sán lá, bệnh mốc nước… Bệnh có thể lan truyền nhanh và khó chữa. Các bệnh này sinh ra chủ yếu do môi trường nuôi bị ô nhiễm.

Để đảm bảo phòng bệnh ta phải luôn giữ sạch nguồn nước. Cố gắng mỗi tuần thay được: nước 1-2 lần. Loại bỏ những con chết hoặc những con có biểu hiện ốm đau. Định kỳ làm vệ sinh bờ đất trong bể nuôi.

Tránh để bể nuôi bị mặt trời hun nóng. Phía trên bể nên có dàn che thưa.

Buổi tối, lươn ngoi lên cạn cũng có thể bị mèo, chuột bắt ăn. Ta phải tìm cách ngăn chặn.

Tuyệt đối không cho các nguồn nước có xà phòng, vôi, tro vào bể nuôi lươn.

Mùa rét, lươn thường rúc vào hang. Ta chú ý ủ thêm rơm trên ô đất để giữ nhiệt cho chúng.

Tuỳ thuộc vào từng kích cỡ của đàn lươn mà chúng ta phải chuẩn bị thức ăn cho chúng luôn đầy đủ. Thức ăn tốt lươn sẽ rất khỏe.

Khi vận chuyển lươn đi xa, ta nên dùng các dụng cụ trơn, nhẵn như thùng sơn, thùng bằng tôn, nổi, chậu v.v… Nên cho vào đó một ít nước để lươn dễ sống. Nếu có con chết phải vớt ra ngay. Nên vận chuyển lươn vào hôm mát trời.

Kết luận

Trong việc nuôi các loài thủy sản tại gia đình, có lẽ lươn là một trong những loài dễ nuôi nhất. Nó đòi hỏi diện tích mặt bằng không nhiều, công sức bỏ ra ít. Tuy nhiên, hiệu quả của việc nuôi lươn cũng rất cao. Thị trường trong, ngoài nước luôn đòi hỏi nhiều lươn. Đặc biệt, yêu cầu hiện nay của Trung Quốc rất lớn. Chỉ riêng phục vụ cho thị trường này, có lẽ chúng ta làm cật lực cũng không đủ.

Mặt khác, cần tăng cường món lươn cho bữa cơm gia đình. Lươn bổ và ngon. Khi có khách tới nhà, ta chỉ mất vài chục phút là đã có những bát miến lươn ngon lành để chiêu đãi. Việc chi phải lo bắt gà!…

Con lươn nên trở thành một loại trong mỗi gia đình. Đây cũng là một nghề nhiều tiềm năng giúp bạn phát triển kinh tế gia đình, góp phần xây dựng đất nước.

0