23/05/2018, 15:03

Nuôi ếch ở nước ta hiện nay

Nuôi ếch một nghề dễ làm và mau chóng trở nên giàu có. Con ếch là một loại thực phẩm quen thuộc của chúng ta. Người giàu, người nghèo đều có thể thường xuyên ăn ếch. Món ếch xưa nay vẫn được coi là món đặc sản ngon lành. Khi chiêu đãi khách quốc tế, chúng ta thường không quên món ếch tẩm bột ...

Nuôi ếch một nghề dễ làm và mau chóng trở nên giàu có.

Con ếch là một loại thực phẩm quen thuộc của chúng ta. Người giàu, người nghèo đều có thể thường xuyên ăn ếch. Món ếch xưa nay vẫn được coi là món đặc sản ngon lành. Khi chiêu đãi khách quốc tế, chúng ta thường không quên món ếch tẩm bột rán…

Tuy vậy, chúng ta chưa đánh giá hết giá trị thương phẩm của ếch trên thị trường thế giới. Vì vậy, chú ếch vẫn bị xếp ngang hàng với các loại cua, cáy bình thường.

Đã có thời, các bạn Cu Ba gửi cho ta một giống ếch lớn (mà chúng ta gọi là ếch Cu Ba). Mỗi con ếch Cu Ba có thể nặng tới 1kg, tương đương một chú choai choai. Chúng ta cũng đã tiến hành nuôi nhưng không thành công. Theo chúng tôi, có lẻ thất bại là do khâu thức ăn giải quyết chưa tốt. Như vậy, việc nuôi ếch ở Việt Nam đã có nhưng không phải với chú ếch đồng của ta mà ếch Cu Ba. Dù sao, thì ta cũng đã có một lần bắt tay nuôi ếch. Các cụ vẫn thường nói: “Thất bại là mẹ thành công”. Những kinh nghiệm rút ra từ lần đầu chắc chắn lẽ là bài học giá trị cho lần sau.

Gần đây, chúng tôi được biết ở Ấn Độ mỗi năm đã xuất khẩu được 3.700 tấn đùi ếch. Họ rất chú trọng tới mặt hàng này. Tại viện nghiên cứu trung tâm về cá ngọt của Ấn Độ đóng ở tỉnh Orissa đã có một khu dành riêng nghiên cứu về nuôi ếch. Khu này rộng tới 20 ha. Ấn Độ đã thấy trước được thế mạnh của con ếch trên thương trường và đang đi sâu vào nghiên cứu để phát triển việc nuôi ếch.

Cũng trong một vài năm trở lại đây, khi biên giới Việt – Trung được cải thiện, hàng loạt các loài thuỷ đặc sản, mà trong đó có con ếch, đã được nhân dân Trung Quốc mua với số lượng lớn với giá cao. Người Trung Quốc rất thích món ếch. Bạn đã cử nhiều đoàn sang ta. Năm 1992, chúng tôi đưa đoàn đại biểu tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) tới thăm một số cơ sở nuôi ba ba và nuôi ếch của huyện Yên Phong (Bắc Ninh). Họ rất thích mô hình nuôi theo kiểu trong từng hộ gia đình của chúng ta. Bạn đặt ngay yêu cầu: Mỗi tháng bán cho bạn 2 tấn ba ba và 10 tấn ếch. Nếu có nhiều hơn thì càng tốt, bạn xin mua hết!…

Rõ ràng, một thị trường khổng lồ với 1,2 tỷ dân số là nguồn động viên lớn đối với việc sản xuất bất cứ vật gì mà họ ưa thích.

Hiện nay, chúng tôi đã có nhiều cơ sở nuôi ếch đạt hiệu quả cao. Các điểm ở Bắc Ninh, Hải Hưng, Hà Tây, Vĩnh Phú… đã kết thúc giai đoạn thăm dò để bước vào giai đoạn sản xuất lớn. Nhiều gia đình đã nuôi được 5-6 tạ ếch. Lò lẻ có nhà đủ sức nuôi tới 10 tạ ếch. Gia đình anh Lê Hồng Vinh ở khu 1, xã Đại Đồng, huyện Vĩnh Lạc (Vĩnh Phú) năm 1993 đã xuất được 2 tấn ếch. Chúng ta cần nhớ rằng, 1 tạ lợn hơi chỉ khoảng 600.000 – 700.000đ. Thế nhưng tới đầu tháng 12/1991, 1 tạ ếch đã lên tới 3,1 triệu đồng. Nuôi ếch sẽ mau chóng đưa lại lợi nhuận lớn cho bạn. Có người băn khoăn vì cho rằng, thức ăn của ếch khó kiếm. Đây chính là khó khăn lớn nhất mà những người nuôi ếch đã vượt qua.

Trong tự nhiên, ếch chỉ ăn các con mồi di động như: Châu trấu, cào cào, cua, cá, , sâu bọ, v.v… Nhưng, chúng ta cũng có thể luyện cho chúng ăn các loại thức ăn tĩnh. Việc giải quyết được cơ bản vấn đề thức ăn đã mở ra cho ngành nuôi ếch một triển vọng to lớn. Chúng ta hoàn toàn có thể nuôi ếch theo lối công nghiệp với các loại thức ăn tổng hợp.

Các gia đình đi tiên phong trong việc nuôi ếch đã dần dần tự sửa được nhà cửa, mua sắm thêm xe máy. Chứng tỏ hoàn toàn tin tưởng rằng, nuôi ếch chắc chắn sẽ là nghề đem lại giàu có cho các bạn.

Một vài hiểu biết về con ếch

Ếch nhái là nhóm động vật rất phổ biến ở vùng nhiệt đới. Chúng có tới 2.100 loài.

Riêng ở Việt Nam cũng có chừng 80 loài. Hầu như ở đâu, chúng ta cũng bất gặp ếch nhái. Nhóm ếch nhái gồm toàn những loài vừa nhỏ, vừa xấu xí, chúng lại luôn chui rúc ở những nơi ẩm thấp nên con người thường ít quan tâm, thậm chí coi thường.

Tuy nhiên, trong quá trình phát triển của các loài động vật trên trái đất qua hàng triệu năm, ếch nhái có một vị trí rất đáng tự hào: Chúng là loài đầu tiên chuyển đời sống từ nước lên cạn.

Cách đây 300 triệu năm – khi trái đất chưa hề có chim chóc và thú rừng thì ếch nhái đã bắt đầu xuất hiện. Những con cá vây tay cổ xưa tìm đường bò lên cạn. Chính chúng là tổ tiên xa xôi của loài ếch, nhái ngày nay. Cuộc sống trên cạn đầy bỡ ngỡ. Chúng phải trải qua rất nhiều thử thách thì mới có được sự thích nghi như ngày nay. Tuy nhiên, tiếng gọi của những vực nước vẫn rất mãnh liệt. Cuộc sống của chúng vẫn không thể xa rời môi trường nước. Toàn bộ giai đoạn nòng nọc, chúng sống dưới nước. Cả quá trình sống trên cạn sau này ếch nhái vẫn luôn luôn đi đi về về với mặt nước. Vì vậy, người ta gọi chúng là nhóm lưỡng cư hay lưỡng thể (có nghĩa là chúng có 2 nơi sống: vừa ở nước, vừa ở cạn).

Ếch nhái được xếp vào nhóm động vật có ích vì với đội ngũ đông đảo và có mặt ở khắp mọi nơi, chúng tham gia việc truy bắt và tiêu diệt mọi loại côn trùng phá hoại mùa màng và cả những vật chủ trung gian mang mầm bệnh cho người và gia súc. Trong nhóm ếch nhái thì ếch đồng (ranatigrina rugolosa vv. ) là đại diện đáng quan tâm nhất. Ngoài ếch đồng, trong giới ếch nhái còn có nhiều loài ếch như: Ếch vạch, ếch gai, ếch xanh, ếch suối nhỏ, ếch mõm, ếch bám đá, ếch cây, v.v… Chúng khá phổ biến nhưng không nhiều bằng ếch đồng. Ếch đồng còn được gọi là ếch ruộng. Nó rất gần đối với chúng ta. Ếch đồng thường sống ở bờ ruộng, bờ ao, quanh các đầm, phá, trong các thung lũng, dọc các mương máng và đôi khi cả ở ven sông, ven suối. Chúng có cơ thể trung bình, thân dài độ 7-10cm. Ếch không chịu được rét. Vào khoảng tháng 10-11, khi những đợt gió mùa đông bắc đầu tiên tràn về, chúng bắt đầu chui vào các hang để trú đông. Các hang này được gọi là “mà”. ”Mà” là những hang hốc, những ngóc ngách ven bờ ruộng, bờ ao, đôi khi là cả những hầm hố kín đáo, khuất gió. Chúng nằm bẹp trong đó suốt mùa đông. Không ai nhìn thấy chúng. Mãi tới cuối xuân, khi thời tiết ấm dần lên, ếch mới lo dò ra khỏi hang để đi kiếm ăn. Lúc này chúng ta cũng không phát hiện ra chúng và tưởng rằng chúng vẫn ngủ đông. Vì rằng, ếch đồng ưa đi tìm mồi vào ban đêm. Còn ban ngày, chúng chui rúc trong hang hoặc thả mình trôi nổi giữa ao, dưới các đám bèo, đám rau, bốn chân giang rộng, miệng nhô lên khỏi một nước. Chúng chờ tới xẩm tối mới nhảy lên bờ, đi kiếm mồi. Thời kỳ này cũng là giai đoạn chờ sinh sản của chúng. Tới dịp cốc vũ, sau những đợt mưa lớn, ếch từ mọi ngóc ngách lao ra, kêu vang trời để gọi nhau cặp đôi. Ở ếch đực có hai túi kêu ở phần họng, chúng có thể phồng lên rất to để giúp cho tiếng kêu của ếch vang xa, trầm bổng, thôi thúc và kêu gọi ếch cái. Tuy nhiên ếch cái chỉ tun tới ếch đực khi đã tối hẳn. Chúng ghép đôi với nhau và tiếng kêu thưa dần như lịm đi trong đêm vắng. Cuộc giao hoan kéo dài và say đắm tới 1-2 giờ khuya. Những người bắt ếch đã dựa vào đặc điểm này để xuất phát và tóm gọn hàng chục cặp ếch trong một đêm. Ếch đồng hoạt động mạnh nhất từ tháng 4 đến tháng 7 và giảm dần đến tháng 10 tháng 11. Sau đó là giai đoạn ngủ đông của chúng. Ếch thuộc nhóm ếch nhái không đuôi, có cơ thể ngắn, chân sau dài hơn chân trước và màng hơi phát triển giữa các ngón. Chúng bơi lội rất giỏi. Khi di chuyển trên cạn thì chủ yếu bằng các bước nhảy rất xa so với chiểu dài cơ thể cua chúng. Người nuôi ếch phải chú ý tới đặc điểm này để xây tường ngăn những bước nhảy “vượt rào” của chúng. Ếch không uống nước bằng miệng. Da ếch làm nhiệm vụ lấy nước và điều tiết nước. Chúng tích nước dưới da thành những kho căng phồng.

Ếch có thể nhận biết được một số màu sắc. Vì vậy, cơ thể của ếch cũng có khả năng thay đổi màu sắc cho phù hợp với cảnh quan của môi trường và trốn tránh kẻ thù. Cơ quan thính giác của ếch có khả năng tiếp thu các tiếng động trên cạn. Chúng cũng có tai trong, tai giữa và màng nhĩ ở bên ngoài. Ếch có khả năng nghe được tần số từ 30-15.000 Hz, như vậy là tương đương với khả năng nghe của con người.

Khứu giác của ếch tuy không nhậy nhưng cũng có khả năng phát hiện các mùi quen thuộc. Nhiều người đã cho rằng, ếch không có khả năng ngửi. Tuy nhiên, khi tiến hành nuôi ếch, chúng ta có thể quan sát rất rõ hiện tượng ếch đánh hơi, tìm mồi.

Ếch được xếp vào loại “to mồm”. Quả đúng như vậy, tiếng “ẹc ẹc, ộp ộp” của ếch rền vang, ngân xa, vừa trầm hùng, bi tráng, vừa tha thiết, khát vọng. Người ta nghĩ rằng đó là tiếng kêu của cả ếch đực và ếch cái. Nhưng không phải, đó chỉ là giọng kêu của ếch đực. Ếch cái kêu kém, tiếng vừa nhỏ vừa rời rạc, không đủ để vang xa. Ếch đực thường kêu vào mùa sinh sản để báo hiệu cho ếch cái tìm tới. Tiếng của chúng vang to được là nhờ ở cổ chúng có 2 túi kêu. Đây là hai túi mỏng thông với xoang miệng. Chúng tạo thành hai “thùng loa” cộng hưởng làm cho tiếng kêu của ếch khuếch đại lên.

Theo Giáo sư-Tiến sỹ Trần Kiên thì ở ếch có tới 6 loại tiếng kêu khác nhau: Một loại dùng khi vào mùa sinh sản, hai loại dùng để phân biệt và báo hiệu vùng do từng cá thể đực cai quản, hai loại nữa dùng để kêu không được sống tự do trong thanh bình và loại cuối cùng dùng để báo động. Với ngôn ngữ ít ỏi như vậy nhưng chúng cũng đã làm vang cả trời đất lên rồi!

Sự cạnh tranh để giành nhau một con cái giữa hai ếch đực không xảy ra xô xát như ở các loài khác. Nó diễn ra bằng đấu khẩu. Hai bên thi nhau kêu. Con nào tiếng kêu bé hơn sẽ tự giác tìm đường lùi đi. Con to mồm giành thắng lợi và kiêu ngạo kêu to hơn nửa như chính thức báo với ếch cái: “Ta ở đây và đã sẵn sàng!”. Ếch cái hướng theo tiếng kêu của ếch đực để tìm tới.

Mùa sinh sản là những ngày hội của ếch, nó lôi kéo muôn loài hoà nhịp vào không khí rộn ràng và náo nức ấy. Con người cũng lên đường. Họ mang theo đèn đuốc, vợt và các loại bao cùng thùng đựng để bắt ếch. Chính họ đã làm vỡ đi một phần những cân bằng sinh học đã được tạo dựng từ bao đời nay. Nếu chỉ bắt mà không nghĩ đến việc nuôi thì lượng ếch trong tự nhiên sẽ cạn đi nhanh chóng và không sao đáp ứng được yêu cầu của xã hội. Chỉ còn con đường khẩn trương tổ chức nuôi với quy mô trong mọi gia đình thì chúng ta mới có thể đảm bảo được yêu cầu hiện nay. Đây cũng chính là một trong những giải pháp để nông dân chúng ta mau chóng tăng thu nhập, nâng cao dần mức sống.

0