23/05/2018, 15:03

Hoạt động sinh lý hệ tiêu hóa gia súc

Quá trình tiêu hóa xảy ra trên khắp các đoạn của ống tiêu hóa nhằm lấy thức ăn, biến đổi, phân giải thức ăn thành các chất đơn giản dễ hấp thu. Tiêu hóa ở miệng Bao gồm lấy thức ăn, nhai, nhai lại, nuốt. + Cách lấy thức ăn, nước uống: tùy từng loài gia súc mà có cách lấy thức ăn và nước ...

Quá trình tiêu hóa xảy ra trên khắp các đoạn của ống tiêu hóa nhằm lấy thức ăn,  biến đổi, phân giải thức ăn thành các chất đơn giản dễ hấp thu.

Tiêu hóa ở miệng

Bao gồm lấy thức ăn, nhai, nhai lại, nuốt.

+ Cách lấy thức ăn, nước uống: tùy từng loài gia súc mà có cách lấy thức ăn và nước uống khác nhau.

– Lợn dùng mõm cứng (hàm trên) cày dũi đất tìm kiếm thức ăn, dùng hàm dưới, lưỡi đưa thức ăn vào miệng.

-Trâu bò: lưỡi cứng, nhám dùng để vơ cỏ, rơm đưa vào miệng, sau đó ngậm miệng cắt đứt cỏ.

– Ngựa: môi trên và dưới dài, mềm mại dễ cử động. Ngựa dùng hai môi trên để lấy thức ăn, các răng cửa để cắt đứt thức ăn.

– Dê, cừu: lấy thức ăn giống ngựa và môi trên có khe hở giúp gậm được cỏ ngắn hơn.

– Chó: lấy thức ăn bằng răng cửa, xé bằng răng nanh, dùng lưỡi hắt nước vào miệng.

+ Nhai:

– Ở lợn: nhai là sự vận động lên xuống và đưa qua lại sang phải và sang trái của hàm dưới.

– Ở trâu bò: nhai là đưa hàm dưới gặp hàm trên và sang hai bên để nghiền nát thức ăn. Khi thức ăn được tẩm nước bọt đã mềm, động tác nuốt đưa thức ăn xuống dạ cỏ. Trâu, bò có phản xạ nhai lại, thời gian nhai lại: sau khi ăn, nhai lại lần đầu khoảng 30 – 70 phút (đối với trâu, bò), 20 – 45 phút (với dê, cừu) vật bắt đầu nhai lại (nhất là lúc nghỉ ngơi). Thời gian nhai lại khoảng 40 – 50 phút, nghỉ 30 – 60 phút động vật lại tiếp tục nhai lại. Một ngày đêm trâu bò nhai lại từ 6 – 8 lần. Bê, nghé đã ăn cỏ khoảng 16 lần, tổng thời gian nhai lại khoảng 7 giờ.

– Đặc điểm tuyến nước bọt:

Lượng tiết: Nước bọt tiết nhiều nhất khi gia giúc ăn, ngoài bữa ăn lượng tiết ít hơn.

Số lượng và tính chất nước bọt phụ thuộc và số lượng và thành phần, tính chất của thức ăn. Ví dụ: ăn thức ăn khô nước bọt tiết ra nhiều hơn. Lợn một ngày đêm tiết ra 15lít, ngựa 40lít, trâu bò 60lít.

+ Nuốt:

Là một phản xạ phức tạp có sự phối hợp của 3 bộ phận: màng khẩu cái, cơ yết hầu, sụn tiểu thiệt của thanh quản.

Đầu tiên thức ăn sau khi nhai lại được lưỡi nâng lên áp sát vòm khẩu cái và mặt trên gốc lưỡi.

Khi nuốt màng khẩu cái uốn cong lên trên, về phía sau để đóng kín đường lên mũi và ngừng thở.

Sụn tiểu thiệt uốn cong về phía sau đóng kín đường thanh quản và không cho thức ăn rơi xuống.

Cơ yết hầu co rút đẩy thức ăn rơi xuống thực quản.

Tiêu hóa ở dạ dày

Tiêu hóa ở dạ dày đơn

Dạ dày là nơi chứa thức ăn, cũng là nơi biến đổi thức ăn về mặt cơ học và hóa học.

+ Tiêu hóa cơ học: thức ăn khi xuống dạ dày sẽ được nghiền nát, nhào trộn và thấm đều vào dịch vị, do sự co bóp của các cơ dạ dày và tiết dịch vị của các tuyến. Sau đó nó được đưa xuống tá tràng từng đợt do sự đóng mở của van hạ vị

+ Tiêu hóa hóa học:

Tiêu hóa hóa học thức ăn trong dạ dầy đơn nhờ men tiêu hóa có trong dịch vị do tuyến dạ dầy tiết ra. Thức ăn đạm (Protein) dưới tác dụng của men pép xin thành các dạng đơn giản Am bu mo và po li pép tít. Mỡ trong dạ dầy hầu như chưa được tiêu hóa do men tiêu hóa chưa hoạt động.

Tiêu hóa ở dạ dày kép

+ Tiêu hóa thức ăn ở dạ cỏ:

– Tiêu hóa cơ học: nhờ nhu động của dạ cỏ thức ăn được nhào trộn giúp cho hệ vi sinh vật có trong dạ cỏ lên men sinh hơi để tiêu hóa thức ăn.

– Tiêu hóa học:

Tiêu hóa hóa học thức ăn trong dạ cỏ chủ yếu nhờ hệ vi sinh vật: gồm thảo phúc trùng, vi khuẩn và nấm. Chúng theo thức ăn vào dạ cỏ gặp điều kiện yếm khí (không có oxy) môi trường kiềm và độ ẩm, nhiệt đột thích hợp sinh sôi phát triển. Chúng có vai trò quan trọng tiêu hóa các chất sau:

* Tiêu hóa tinh bột và đường:

Tinh bột dưới tác dụng của men do vi sinh vật tiết ra sẽ phân hủy thành đường đơn ( glucoza ) được vi sinh vật sử dụng một phần, phần còn lại được cơ thể trâu, bò hấp thu

* Tiêu hóa chất xơ:

Chấy xơ ( cỏ, rơm, rạ) dưới tác dụng của men tiêu hóa chất xơ do vi sinh vật tiết ra, được phân giải thành a xít béo bay hơi, khí các bon níc (CO2) và khí mê tan (CH4)

Axit béo bay hơi như axit a xê tic, pờ rô pi ô níc, bu ty ric được thấm qua thành dạ cỏ rồi vào máu đến gan và các mô bào của trâu bò là nguồn cung cấp năng lượng cho trâu bò hoạt động.

* Tiêu hóa chất đạm (Protein): protein trong thức ăn được vi sinh vật phân giải thành Po li pép tít, di pép tít, axit a min và A mô ni ác (HN3) dùng cho bản thân chúng. Khi xuống dạ múi khế, vi sinh vật được tiêu hóa thành nguồn protein cho trâu, bò.

Vi sinh vật tổng hợp được vitamin nhóm B, vitamin K được vật chủ (trâu, bò) sử dụng.

Quá trình tiêu hóa thức ăn trong dạ cỏ của vi sinh vật, tạo ra khí CO2, CH4 các khí này được thoát ra ngoài nhờ phản xạ ợ hơi của con vật, vì một lý do nào đó hơi không thoát ra mà tích lại trong dạ cỏ sẽ gây bệnh chướng hơi dạ cỏ ở trâu, bò.

+ Tiêu hóa ở dạ tổ ong: là nơi vận chuyển, sàng lọc thức ăn, chứa thức ăn lỏng.

+ Tiêu hóa ở dạ lá sách: là nơi nghiền ép thức ăn sau khi nhai lại để chuyển xuống dạ múi khế. Phần mềm lỏng xuống trước, phần khô cứng tiếp tục được nghiền ép ở dạ lá sách, nước, axit được hấp thu mạnh.

+ Tiêu hóa ở dạ múi khế: được coi là dạ dày chính thức của loài nhai lại, làm chức năng tiêu hóa cơ học và tiêu hóa hóa học như dạ dày đơn.

Tiêu hóa ở ruột non

Tiêu hóa cơ học

Nhờ nhu động của ruột non, thức ăn tiếp tục được nghiền nhỏ, trộn đều với dịch ruột, dịch tụy, dịch mật và  được di chuyển trong ruột non để tiêu hóa hóa học trước khi chuyển xuống ruột già.

Tiêu hóa hóa học

Thức ăn (chưa được tiêu hóa hoàn toàn ở dạ dày) xuống ruột non dưới tác động của các men tiêu hóa có trong dịch mật, dịch tụy, dịch ruột sẽ phân giải hoàn toàn thành các chất đơn giản nhất để hấp thu qua niêm mạc ruột, vào máu đi nuôi cơ thể.

+ Dịch mật:

Dịch mật do tế bào gan tiết ra liên tục được tích trữ trong túi mật, theo ống dẫn mật đổ vào tá tràng 10 – 15 phút trước khi ăn. Ở ngựa, chuột, lạc đà, không có túi mật thì theo ống dẫn đổ thẳng vào tá tràng.

Dịch mật hơi nhớt, vị đắng, màu vàng sẫm ở gia súc ăn cỏ, vàng xanh ở gia súc ăn thịt do sắc tố mật tạo nên.

Tác dụng:

– Kích thích ruột nhu động.

– Trung hòa axit trong thức ăn từ dạ dày xuống.

– Cắt mỡ thành các hạt nhỏ (nhũ tương hóa mỡ) để men tiêu hóa mở (lipaza) tác động có hiệu quả.

– Làm tăng tác dụng của các men tiêu hóa mỡ, bột đường, chất đạm có trong dịch ruột.

– Tăng hấp thu mỡ trong ruột non

+ Dịch tụy do tuyến tụy tiết ra được đổ vào ruột non để tiêu hóa thức ăn.

Trong dịch tụy chứa nhiều men tiêu hóa chất đạm Tờ ríp xin, ki mô tờ ríp xin,

men tiêu hóa chất bột đường Sác ca rô za và men tiêu hóa mỡ li pa za

+ Dịch ruột do tuyến ruột tiết ra, chứa nhiều men tiêu hóa chất đạm, chất bột đường và mỡ.

+ Kết quả tiêu hóa ở ruột non

Thức ăn trong ruột non hầu như được tiêu hóa hoàn toàn thành những chất đơn giản nhất cơ thể có thể sử dụng được cụ thể. Chất đạm (protein) dưới tác dụng của men tiêu hóa (tripxin và kimotripxin) thành a xít amin. Chất bột đường dưới tác dụng của men Amilaza thành đường đơn Glucoza. Chất mỡ dưới tác dụng của mên tiêu hóa lipaza thành a xít béo và glyxezin. Những chất này tạo thành một huyễn dịch gọi là dưỡng chấp được hấp thu qua niêm mạc ruột vào máu để đi nuôi cơ thể. Chất cặn bã được đưa xuống ruột già, tại đây nước được ruột già hấp thu, chất cặn bã được đóng khuân trước dưa ra ngoài qua hậu môn.

Quá trình hấp thu

Cơ quan hấp thu

Suốt chiều dài ống tiêu hóa chỉ có 3 cơ quan hấp thu là dạ dày, ruột non và ruột già.

– Dạ dày: dạ dày đơn hấp thu nước, rượu là chủ yếu, một ít đường glucose và khoáng, lí do vì chất nhày muxin phủ kín niêm mạc dạ dày.

Dạ dày loài nhai lại ngoài các chất trên còn hấp thu được axit béo bay hơi.

– Ruột non: là cơ quan hấp thu chủ yếu các chất dinh dưỡng của cơ thể vì:

Niêm mạc có nhiều nếp gấp làm tăng diện tích tiêu hóa hấp thu.

Niêm mạc tạo thành các lông nhung được phủ bởi tế bào biểu mô có vi nhung tăng khả năng tiêu hóa hấp thu thức ăn.

Chính giữa lông nhung có động mạch, tĩnh mạch và mạch bạch huyết dễ dàng tiếp nhận các chất từ tế bào biểu mô thấm vào.

– Ruột già: ruột già hấp thu được nước, muối khoáng, glucose, axit béo bay hơi khí CH4 , H2S.

Đường vận chuyển chất dinh dưỡng

– Nước, khoáng, vitamin tan trong nước, đường đơn, amino axit, 30% axit béo và glyxerin được hấp thu theo con đường máu.

– Vitamin tan trong dầu, 70% axit béo và gluxerin hấp thu và vận chuyển theo con đường bạch huyết..

Đường đi: các tĩnh mạch niêm mạc ruột hấp thu các chất dinh dưỡng đổ về tĩnh mạch ruột, ở dạ dày đổ về tĩnh mạch dạ dày, các tĩnh mạch này đổ vào tĩnh mạch cửa vào gan để được lọc sạch, khử độc, tiêu diệt vi khuẩn rồi đổ vào tĩnh mạch chủ sau về tim đi nuôi cơ thể. Đường bạch huyết cuối cùng đổ về tim.

Các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa, hấp thu

Quá trình tiêu hóa, hấp thu ở gia súc chịu ảnh hưởng các yếu tố sau:

– Tình trạng sức khỏe của con vật: vật khỏe mạnh, không có tổn thương bệnh lý đường tiêu hóa sẽ tiêu hóa, hấp thu tốt.

– Chất lượng thức ăn và kỹ thuật chế biến tốt.

– Thành lập các phản xạ có điều kiện khi cho ăn sẽ tăng tính thèm ăn, kích thích tiết dịch như; Ăn đúng giờ, đúng bữa, đủ khẩu phần, đủ chất dinh dưỡng có thời gian nghỉ ngơi hợp lý.

0