31/05/2017, 12:28

Kỳ thi THPT Quốc gia 2015: Căng thẳng lựa chọn môn thi, khối thi

Cùng với việc Bộ GD&ĐT cho phép thí sinh lựa chọn các môn thi để xét tuyển vào ĐH-CĐ, các trường ĐH-CĐ cũng “đua nhau” mở thêm khối “lạ” khiến thí sinh căng thẳng lựa chọn khối thi, môn thi. Phụ huynh cũng ngán ngẩm vì con em mình sắp vướng phải “mớ bòng bong” đăng kí môn thi và lịch học ôn dày ...

Cùng với việc Bộ GD&ĐT cho phép thí sinh lựa chọn các môn thi để xét tuyển vào ĐH-CĐ, các trường ĐH-CĐ cũng “đua nhau” mở thêm khối “lạ” khiến thí sinh căng thẳng lựa chọn khối thi, môn thi. Phụ huynh cũng ngán ngẩm vì con em mình sắp vướng phải “mớ bòng bong” đăng kí môn thi và lịch học ôn dày đặc.

Hải Long, học sinh lớp 12 Trường THPT Cao Bá Quát (Hà Nội): “Em định chọn khối D, A1 để chỉ thi 4 môn. Nhưng với nhiều người lựa chọn như thế thì xét tuyển vào hai khối này sẽ cực kì căng thẳng, nên em đang dự tính thi thêm 1 - 2 môn nữa”. Ảnh: Q.Anh

 “Cân não” chọn môn, khối thi

Kỳ thi THPT Quốc gia 2015 sắp tới, Bộ GD&ĐT không giới hạn số môn đăng ký, nên có thí sinh đã lựa chọn nhiều môn thi để tham gia nhiều khối thi trong kỳ xét tuyển vào ĐH-CĐ. Đánh giá kỳ thi mở ra nhiều cơ hội, song cũng tạo nhiều thách thức và áp lực, Trịnh Ngọc Sinh (học sinh lớp 12 Trường THPT Đào Duy Từ, Hà Nội) cho rằng, quy chế năm nay có nhiều sự thay đổi và các khối thi quá nhiều nên cũng gây lo lắng đối với học sinh trong việc lựa chọn ngành, chọn khối thi.

Trịnh Ngọc Sinh cho biết thêm: “Kì thi năm nay em đăng kí dùng kết quả tốt nghiệp THPT để xét tuyển vào đại học. Em đăng ký dự thi các môn ở khối D, A, C. Theo đó, ngoài 3 môn bắt buộc (Văn, Toán, Anh), em sẽ thi thêm môn Sử, Địa, Lí, Hóa để dùng kết quả xét tuyển vào ĐH-CĐ. Tổng cộng, em thi 7/8 môn. Dù phải học nhiều môn nhưng em nghĩ, thêm khối thi sẽ thêm cơ hội trúng tuyển. Không chỉ riêng em, gần một nửa các bạn trong lớp em cũng chọn thi từ 6-8 môn”.

Hải Long (học sinh lớp 12 Trường THPT Cao Bá Quát, Hà Nội) cho biết: “Nếu chỉ học ôn để thi tốt nghiệp THPT thì em thấy không có gì khó khăn, nhưng làm sao để tính toán thêm môn thi xét tuyển vào ĐH-CĐ mới là điều chúng em phải băn khoăn, suy nghĩ thật kĩ trước khi đưa ra lựa chọn. Em đã dự kiến chọn khối D, A1 để chỉ phải thi 4 môn. Nhưng với nhiều người, lựa chọn như thế thì xét tuyển vào hai khối này sẽ cực kì căng thẳng nên em đang tính thi thêm 1 - 2 môn nữa để có thể chuyển khối khác cho thêm cơ hội đỗ ĐH-CĐ”.

Còn Thu Hương (học sinh lớp 12 Trường THPT Đống Đa, Hà Nội) thì cho rằng: “Do năm nay không hạn chế số môn đăng kí dự thi nên chúng em khá áp lực. Nếu chọn khối A, D thì rất đông bạn đăng ký, mà chọn các khối thi khác lại phải học thêm, ôn tập thêm vài môn nữa. Vô tình, chúng em phải ôn tập nhiều môn thi hơn. Thậm chí, đến giờ vẫn có bạn băn khoăn chưa biết khối thi nào là chính, khối thi nào là thêm”.

Thêm lựa chọn, thêm băn khoăn

Đối với nhiều bậc phụ huynh, giai đoạn này cũng căng thẳng không kém thí sinh khi chứng kiến con cái lo lắng, băn khoăn trước việc lựa chọn môn thi, khối thi. Phụ huynh Dương Xuân Hà có con học lớp 12 Trường THPT Nhân Chính (Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ: “Về lý thuyết, học sinh chỉ phải thi 4 môn để xét tốt nghiệp THPT, còn xét tuyển vào ĐH-CĐ thì phải đăng ký thêm các môn thi theo các khối thi… Tôi thấy cách làm này nếu chỉ để thi tốt nghiệp THPT thì hoàn toàn hợp lí, nhưng để xét tuyển vào ĐH-CĐ thì đa số học sinh sẽ thi thêm vài môn nữa. Vậy là vẫn phải thi nhiều môn. Ôn nhiều môn cùng lúc như vậy dẫn đến căng thẳng, mệt mỏi. Thời gian này, các cháu còn học ở trường, lấy đâu ra thời gian mà ôn tập hết các môn nữa?”.

Đánh giá phương án cho phép thí sinh lựa chọn môn thi, xét tuyển theo nhiều khối để vào ĐH-CĐ có một số bất cập, phụ huynh Vũ Quốc Hoàn (khu tập thể Thành Công, Hà Nội) có con chuẩn bị tham gia kỳ thi THPT Quốc gia 2015, cho biết: “Thấy con căng thẳng trong việc chọn môn, chọn khối thi mà tôi không sao yên tâm được. Thi tốt nghiệp THPT 4 môn là phù hợp, nhưng để vào ĐH-CĐ thì lại phải thi thêm các môn khác. Trước đây, con tôi dự tính thi khối A, giờ phải chuyển hướng thi thêm khối D nữa, vậy là phải học tới 5 môn. Việc cho phép lựa chọn môn thi và sử dụng khối thi trong tuyển sinh ĐH-CĐ vô tình đã đẩy học sinh vào thế khó khi rất nhiều cháu sẽ chọn thi nhiều môn. Quy chế thi như vậy, làm sao tôi đủ tự tin để cho con dự thi ít môn, ít khối?”.

Ngoài tâm lý dự phòng của thí sinh và phụ huynh khi lựa chọn nhiều môn thi, một nguyên nhân nữa được chỉ ra là các trường ĐH-CĐ “đua nhau” mở tổ hợp khối thi mới, dẫn đến thí sinh muốn thi thêm môn để gia tăng cơ hội vào ĐH-CĐ. Đánh giá về vấn đề này, TS Phạm Mạnh Hà - Phó Trưởng khoa Công tác thanh niên (Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam) cho rằng: “Mùa tuyển sinh ĐH-CĐ 2015, bên cạnh các khối thi truyền thống thì nhiều trường ĐH-CĐ áp dụng tổ hợp môn thi mới. Tuy thí sinh có nhiều sự lựa chọn khối thi nhưng thật sự bối rối. Với việc có thêm nhiều tổ hợp môn mới, các em sẽ gặp khó khăn hơn trong việc xác định khối thi, sở trường ở các môn học. Điều này sẽ gây ảnh hưởng lớn đến việc chọn ngành, chọn nghề của các em”.

“Thời điểm này, nhiều thí sinh lựa chọn nhiều khối thi cho chắc ăn. Nếu tập trung quá nhiều môn khác nhau thì thời gian học ôn không được nhiều, chất lượng ôn tập thấp dẫn đến điểm số sẽ thấp. Vì vậy, thí sinh không nên học ôn nhiều môn quá, ảnh hưởng tới sức khỏe và chất lượng ôn thi”.

TS Phạm Mạnh Hà - Phó Trưởng khoa Công tác thanh niên (Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam)

Lịch thi, thời gian làm bài thi và thời gian làm thủ tục dự thi cụ thể:

Ngày

Buổi

Môn thi

Thời gian

làm bài

Giờ

phát đề thi cho thí sinh

Giờ bắt đầu

làm bài

30/6/2015

SÁNG

từ 8 giờ

Thí sinh làm thủ tục dự thi: nhận Thẻ dự thi và đính chính các sai sót (nếu có)

01/7/2015

SÁNG

Toán

180 phút

7 giờ 55

8 giờ 00

CHIỀU

Ngoại ngữ

90 phút

13 giờ 45

14 giờ 00

02/7/2015

SÁNG

Ngữ văn

180 phút

7 giờ 55

8 giờ 00

CHIỀU

Vật lí

90 phút

13 giờ 45

14 giờ 00

03/7/2015

SÁNG

Địa lí

180 phút

7 giờ 55

8 giờ 00

CHIỀU

Hóa học

90 phút

13 giờ 45

14 giờ 00

04/7/2015

SÁNG

Lịch sử

180 phút

7 giờ 55

8 giờ 00

CHIỀU

Sinh học

90 phút

13 giờ 45

14 giờ 00

Danh sách các cụm thi:

1. Các cụm thi đặt tại Thành phố Hà Nội

Khu vực Hà Nội có 08 cụm thi do các trường đại học (ĐH) chủ trì như sau:
Cụm thi số 1: Trường ĐH Bách khoa Hà Nội; 
Cụm thi số 2: Trường ĐH Kinh tế quốc dân;
Cụm thi số 3: Trường ĐH Thủy lợi;
Cụm thi số 4: Học viện Kỹ thuật quân sự;
Cụm thi số 5: Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội;
Cụm thi số 6: Trường ĐH Sư phạm Hà Nội;
Cụm thi số 7: Trường ĐH Lâm nghiệp;
Cụm thi số 8: Học viện Nông nghiệp Việt Nam.
Các cụm thi này dành cho thí sinh của Thành phố Hà Nội và 05 tỉnh: Nam Định, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Hòa Bình và Bắc Ninh.
 
2. Các cụm thi đặt tại Thành phố Hồ Chí Minh
 
Khu vực Thành phố Hồ Chí Minh có 08 cụm thi do các trường ĐH chủ trì như sau:
Cụm thi số 9: ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh;
Cụm thi số 10: Trường ĐH Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh;
Cụm thi số 11: Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh;
Cụm thi số 12: Trường ĐH Sư phạm TP. Hồ Chí Minh;
Cụm thi số 13: Trường ĐH Sài Gòn;
Cụm thi số 14: Trường ĐH Tôn Đức Thắng;
Cụm thi số 15: Trường ĐH Y Dược TP. Hồ Chí Minh;
Cụm thi số 16: Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh.
Các cụm thi này dành cho thí sinh của Thành phố Hồ Chí Minh và 06 tỉnh: Đồng Nai, Bình Phước, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Thuận và Tây Ninh.
 
3. Các cụm thi đặt tại Thành phố Hải Phòng
 
Khu vực Hải Phòng có 02 cụm thi do các trường đại học (ĐH) chủ trì như sau:
Cụm thi số 17: Trường ĐH Hàng hải Việt Nam; 
Cụm thi số 18: Trường ĐH Hải Phòng (phối hợp với Trường Đại học Giao thông vận tải).
Các cụm thi này dành cho thí sinh của Thành phố Hải Phòng, tỉnh Quảng Ninh và tỉnh Hải Dương.    
 
4. Các cụm thi đặt tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác
 
Cụm thi số 19: đặt tại tỉnh Sơn La, do Trường ĐH Tây Bắc chủ trì (phối hợp với Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội), dành cho thí sinh của 02 tỉnh: Điện Biên và Sơn La
Cụm thi số 20: đặt tại tỉnh Thái Nguyên, do ĐH Thái Nguyên chủ trì, dành cho thí sinh của 05 tỉnh: Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Kạn và Thái Nguyên.
Cụm thi số 21: đặt tại tỉnh Tuyên Quang, do Trường ĐH Tân Trào chủ trì (phối hợp với Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2), dành cho thí sinh của 02 tỉnh: Hà Giang và Tuyên Quang. 
Cụm thi số 22: đặt tại tỉnh Phú Thọ, do Trường ĐH Hùng Vương chủ trì (phối hợp với Trường ĐH Mỏ - Địa chất), dành cho thí sinh của 04 tỉnh: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ và Lai Châu.
Cụm thi số 23: đặt tại tỉnh Thái Bình, do Trường ĐH Y Thái Bình chủ trì, dành cho thí sinh của 02 tỉnh: Thái Bình và Hưng Yên.
Cụm thi số 24: đặt tại tỉnh Thanh Hóa, do Trường ĐH Hồng Đức chủ trì (phối hợp với Trường ĐH Y Hà Nội), dành cho thí sinh của 02 tỉnh: Thanh Hóa và Ninh Bình.
Cụm thi số 25: đặt tại tỉnh Nghệ An, do Trường ĐH Vinh chủ trì, dành cho thí sinh của 02 tỉnh: Nghệ An và Hà Tĩnh.
Cụm thi số 26: đặt tại tỉnh Thừa Thiên-Huế, do ĐH Huế chủ trì, dành cho thí sinh của 03 tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế. 
Cụm thi số 27: đặt tại Thành phố Đà Nẵng, do ĐH Đà Nẵng chủ trì, dành cho thí sinh của thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam. 
Cụm thi số 28: đặt tại tỉnh Bình Định, do Trường ĐH Quy Nhơn chủ trì, dành cho thí sinh của 02 tỉnh: Bình Định và Quảng Ngãi.
Cụm thi số 29: đặt tại tỉnh Gia Lai, do Cơ sở Trường ĐH Nông lâm TP. Hồ Chí Minh tại tỉnh Gia Lai chủ trì, dành cho thí sinh của các tỉnh: Gia Lai và Kon Tum.
Cụm thi số 30: đặt tại tỉnh Đắk Lắk, do Trường ĐH Tây Nguyên chủ trì, dành cho thí sinh của 02 tỉnh: Đắk Lắk và Đắk Nông.
Cụm thi số 31: đặt tại tỉnh Lâm Đồng, do Trường ĐH Đà Lạt chủ trì, dành cho thí sinh của các tỉnh: Lâm Đồng và Ninh Thuận. 
Cụm thi số 32: đặt tại tỉnh Khánh Hòa, do Trường ĐH Nha Trang chủ trì, dành cho thí sinh của 02 tỉnh: Khánh Hòa và Phú Yên.
Cụm thi số 33: đặt tại Thành phố Cần Thơ do Trường ĐH Cần Thơ chủ trì, dành cho thí sinh của Thành phố Cần Thơ, tỉnh Sóc Trăng và tỉnh Hậu Giang.
Cụm thi số 34: đặt tại tỉnh Đồng Tháp, do Trường ĐH Đồng Tháp chủ trì, dành cho thí sinh của 02 tỉnh: Đồng Tháp và Long An
Cụm thi số 35: đặt tại tỉnh Trà Vinh, do Trường ĐH Trà Vinh chủ trì (phối hợp với Trường ĐH Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh), dành cho thí sinh của 02 tỉnh: Trà Vinh và Vĩnh Long.
Cụm thi số 36: đặt tại tỉnh Tiền Giang, do Trường ĐH Tiền Giang chủ trì (phối hợp với Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh), dành cho thí sinh của 02 tỉnh: Tiền Giang và Bến Tre.
Cụm thi số 37: đặt tại tỉnh An Giang, do Trường ĐH An Giang chủ trì (phối hợp với Trường ĐH Luật TP. Hồ Chí Minh), dành cho thí sinh của 02 tỉnh: An Giang và Kiên Giang. 
Cụm thi số 38: đặt tại tỉnh Bạc Liêu, do Trường ĐH Bạc Liêu chủ trì (phối hợp với Trường ĐH Y Dược Cần Thơ), dành cho thí sinh của 02 tỉnh: Bạc Liêu và Cà Mau
Nguồn: Quang Anh/Gia đình & Xã hội
0