Khủng hoảng trí tuệ và sứ mệnh tầng lớp trí thức
N. A. Berdaev* - Phạm Nguyên Trường dịch và chú thích "Về trí thức Nga" - NXB Tri thức, 2009 Tình hình trong lĩnh vực trí tuệ và các đại diện của nó, tức là tầng lớp trí thức [1] , càng ngày càng trở thành nặng nề và nguy hiểm. Sự độc lập trong tư duy, tự do trong sáng tạo đang bị những phong ...
N. A. Berdaev* - Phạm Nguyên Trường dịch và chú thích
"Về trí thức Nga" - NXB Tri thức, 2009
Tình hình trong lĩnh vực trí tuệ và các đại diện của nó, tức là tầng lớp trí thức[1], càng ngày càng trở thành nặng nề và nguy hiểm. Sự độc lập trong tư duy, tự do trong sáng tạo đang bị những phong trào đầy sức mạnh của thời đại chúng ta phủ nhận. Các thế hệ hiện nay và các lãnh tụ của chúng không công nhận vai trò định hướng của trí tuệ và tư duy. Trong lĩnh vực này thì thế kỷ của chúng ta khác xa với các thế kỷ XIX và XVIII. Những người trí thức, những người sáng tạo văn hóa tinh thần hiện nay cần phải thực hiện các đơn đặt hàng của đời sống, phải phụng sự các quyền lợi của xã hội và ước muốn bá quyền. Vấn đề đặt ra không chỉ là số phận của trí tuệ mà còn là số phận của tâm hồn nữa. Ở đây tôi không muốn đưa ý nghĩa tôn giáo vào từ tâm hồn. Nhưng mọi người đều đồng ý với nhau về một số biểu hiện của tâm hồn. Tâm hồn là tự do, là hoạt động sáng tạo, là tư duy, là trí tuệ, là giá trị, là phẩm chất và sự độc lập, trước hết là độc lập khỏi thế giới bên ngoài, cả tự nhiên lẫn xã hội. Tâm hồn của con người được quyết định từ bên trong, khác với thể xác, được quyết định từ bên ngoài. Vì có tâm hồn cho nên con người là một thực thể năng động, sáng tạo, tự do. Đời sống tinh thần khác hẳn với đời sống xã hội, không phải do môi trường xã hội quyết định, nó có những cội nguồn khác, nó tìm được sức mạnh tinh thần của mình từ bên trong. Điều này phù hợp với tinh thần Phúc âm, phân biệt giữa nước Chúa và nước của Caesar[2]. Tâm hồn ăn sâu bén rễ trong nước Chúa, vì thế mà nó có tự do, trong khi xã hội đòi điều khiển tâm hồn và buộc nó phải khuất phục, vì vậy mà là nước của Caesar. Đấy chính là chủ nghĩa nhị nguyên, chỉ có thể được khắc phục sau khi thế giới đã được cải tạo hoàn toàn mà thôi. Nó đối lập với thái độ khuất phục. Tâm hồn không chấp nhận chuyên chế. Chuyên chế có nghĩa là bóp chết và hủy diệt tâm hồn. Hiện nay ước muốn bá quyền, ước muốn đưa mọi thứ vào tổ chức đang làm một cuộc nổi dậy chống lại tâm hồn, chống lại phẩm chất của tâm hồn, chống lại tự do tinh thần, và cuộc nổi dậy này lại đi kèm với việc lý tưởng hóa những bản năng và quyền lợi, bản năng và quyền lợi được đặt cao hơn các giá trị.
Trên thế giới bao giờ cũng có xung đột giữa chất lượng và số lượng, giữa suy tưởng và hành động. Nhưng trong thời đại chúng ta cuộc xung đột này đã trở thành sâu sắc hơn bao giờ hết. Tại sao lại như thế? Chúng ta đang bước vào thời đại khi quần chúng tích cực xông lên và giữ quyền bá chủ trong lịch sử. Đã từng có những thời đại như thế. Đấy là thời của Caesar. Đặc trưng quý phái của nền văn hóa Hy Lạp - La Mã bị vứt bỏ. Quyền bá chủ của quần chúng thường tạo ra các chế độ chuyên chế, nó đưa ra các lãnh tụ của mình, cho lính tráng chiếm ưu thế và nó đưa các hoàng đế Bi-dăng-tin[3] và La Mã lên ngai vàng. Trong khi đó nó lại thường tạo ra chế độ xã hội gò bó, cứng nhắc. Chuyện đó đã xảy ra dưới thời Diocletianus[4]. Toàn bộ sự phức tạp của thời đại chúng ta, làm cho trí thức khó đánh giá, là ở chỗ các đòi hỏi về mặt kinh tế của quần chúng là hoàn toàn chính đáng và có thể biện minh được. Yêu cầu của quần chúng là nền văn minh phải thuộc về họ cũng hoàn toàn chính đáng và biện minh được. Thái độ bàng quan của nhà tư tưởng, nhà văn hay nghệ sĩ với những nhiệm vụ này là không thể chấp nhận được. Công bằng xã hội là cội nguồn của tâm hồn. Nhưng trong những giai đoạn đầu, khi quần chúng mới xông lên thì nguyên tắc chất lượng nhất định sẽ bị hạ thấp một cách không đảo ngược được, tính quý phái của văn hóa bị vứt bỏ, quyền tự do sáng tạo bị xâm phạm. Trí tuệ mang tính thượng lưu, nó đòi hỏi chất lượng và yêu cầu vươn lên đến mức toàn thiện toàn mỹ. Tự do, trái với quan niệm thông thường, cũng mang tính thượng lưu. Quần chúng không đánh giá cao tự do. Quần chúng, với những đòi hỏi của mình, xông lên đúng vào giai đoạn yếu kém và suy sụp của các tôn giáo cổ truyền, đúng vào lúc vai trò của tâm linh bị lu mờ. Quần chúng, trước đó chưa được tiếp xúc với những lợi ích và giá trị của văn hóa, sẽ thấy kỹ thuật là tương đối dễ hiểu, còn văn hóa, trong ý nghĩa cao quý nhất của từ này, là lĩnh vực khó khăn hơn. Người ta đã nhận thấy rằng một kẻ bán khai và một người có văn hóa đều có khả năng sử dụng điện thoại và vũ khí giết người thành thạo như nhau. Thành tựu kỹ thuật của lĩnh vực khoa học cần thiết cho việc tổ chức đời sống, cho việc thực hiện ước vọng bá quyền. Quần chúng khó mà hiểu được thang bậc của trí tuệ, trong đó kiến thức trong lĩnh vực kỹ thuật nằm ở nấc thang thấp nhất lại phụ thuộc vào kiến thức vô tư, bất vụ lợi trên nấc thang cao nhất. Nguyên tắc số lượng đã chiến thắng. Trước Chiến tranh thế giới[5], thế giới nằm trong trạng thái tương đối ổn định, lúc đó các xã hội cũng giống như những cơ thể khoẻ mạnh, vững vàng. Người ta đã đứng lên đấu tranh chống lại cái xã hội cổ lỗ, có nhiều bất công và dối trá đó; người ta đã tiến hành cách mạng, nhưng người ta vẫn phải dựa vào nó, vẫn được nó nuôi dưỡng. Thế giới đã rơi vào tình trạng yếu đuối, trong xã hội không còn các trụ cột nữa, mọi sự liên kết cố hữu đều bị phá vỡ, cuộc sống ngày càng trở nên khó khăn và bếp bênh hơn. Quần chúng thanh niên đòi phải tổ chức xã hội một cách nhanh chóng, phải đạt được thống nhất bằng mọi giá, ngay cả nếu phải dùng những biện pháp cưỡng bách, để không bị hủy diệt trong sự rối loạn toàn diện. Các chế độ chuyên chế, các chế độ độc tài toàn trị hiện đại chỉ là mặt kia của tình trạng vô chính phủ mà thôi. Cái thế giới quan thống nhất, mà các chế độ độc tài toàn trị đòi hỏi, được hình thành không phải từ bên trong, không phải từ sự thống nhất của những niềm tin sâu sắc, mà được ấn định từ bên trên và từ bên ngoài, được quy định trong các chỉ thị của chính quyền nhà nước. Trong đó tự do tư tưởng, tự do sáng tạo đã bị phủ nhận hoàn toàn. Sự suy tưởng mang tính trí tuệ, kiến thức bất vụ lợi và sự sáng tạo bị coi là trở ngại cho công việc tổ chức cuộc sống và sự thống nhất. Trong thời đại của chúng ta, cuộc nổi dậy của khát vọng sống, khát vọng sức mạnh không phải là biểu hiện của sự dư thừa khả năng sáng tạo mà là kết quả của bất hạnh, của sự yếu đuối. Khuynh hướng bạo lực của thanh niên ngày nay là biểu hiện của sự yếu đuối về mặt tâm hồn. Hành động bạo lực là hành động yếu đuối. So với thời Trung cổ, thời của chúng ta rõ ràng là kém cỏi hơn. Lúc đó đã có một sự thống nhất thực sự, nó được tạo ra bởi những niềm tin sâu sắc, còn bây giờ thì không có, bây giờ nó được các chế độ chuyên chế tạo nên a hoc[6]. Vì vậy, trong thời Trung cổ có nhiều tự do tư tưởng hơn là trong các chế độ toàn trị hiện nay. Chỉ cần nhớ lại các trường phái triết học, thần học, huyền học thời Trung cổ là đủ. Lúc đó tính quý phái của trí tuệ vẫn còn.
Trong những giai đoạn diễn ra những cuộc cải tạo xã hội sâu sắc, khi xã hội cũ đã bị phá hủy mà xã hội mới vẫn chưa hình thành thì các giá trị tinh thần sẽ bị đẩy ra phía sau, những người sáng tạo lập nên những giá trị đó sẽ bị chèn ép. Con người là một thực thể bất toàn, nó không thể nhận thức được một cách toàn diện và chỉ sống bằng phản ứng. Cách mạng, về mặt tâm lý, cũng là phản ứng; cùng với cách mạng, kiến thức thường bị co lại, nhiều khát khao sáng tạo và giá trị bị loại bỏ. Nấc thang giá trị cao nhất có thể bị coi là thừa, thậm chí là có hại nữa. Người ta có thể buộc những giá trị cao nhất phải khuất phục những giá trị thấp nhất.
Người ta có thể bắt tâm hồn trở thành đầy tớ cho những quyền lợi và nhu cầu vật chất. Phong trào cách mạng về mặt xã hội có thể trở thành phong trào phản động về mặt tâm hồn. Nhận thức tiến trình lịch sử theo lối nhất nguyên luận không thể đứng vững trước những lời chỉ trích. Không có tri thức thì không thể làm được bất cứ việc gì. Nhưng tri thức có thể bị biến thành phương tiện đơn giản cho quá trình tự tổ chức của đời sống. Còn tâm hồn thì bị coi là xa xỉ. Cuộc xung đột giữa thiên chức chân chính của những người phụng sự tâm hồn và những yêu cầu đặt ra cho họ diễn ra trên cơ sở đó. Nhưng câu hỏi ai là người có lỗi hóa ra là khó trả lời hơn người ta tưởng. Giới tinh hoa văn hóa có lỗi một phần. Giới tinh hoa văn hóa Nga có lỗi vì đã để xảy ra thảm họa trong nền văn hóa tinh thần Nga. Đấy là tính ích kỷ khủng khiếp của giới tinh hóa văn hóa, đấy là sự tự cô lập và khinh thường những đòi hỏi của quần chúng nhân dân của nó. Chủ nghĩa cá nhân của những người có học, bắt đầu phát triển từ thời Phục hưng, không phải lúc nào cũng có nghĩa là bảo vệ sự tự chủ về mặt tinh thần và tự do sáng tạo. Nó cũng có nghĩa là sự vô cảm về mặt xã hội và đạo đức, có nghĩa là không nhận thức được sứ mạng của mình nữa. Ý tưởng về phục vụ mục tiêu cao cả là cải tạo đời sống đã lu mờ trong nhận thức của những người sáng tạo trong lĩnh vực văn hóa tinh thần. Người ta đã lầm khi đem tự do đối lập lập với phụng sự. Các nhà văn và nghệ sĩ lớn mang sẵn trong mình nhận thức về phụng sự. Những người trí thức (intellectuels) chân chính là những người đại diện của tâm hồn, tức là của tự do, của tư duy, của giá trị và phẩm chất chứ không phải là đại diện cho nhà nước, không phải là đại diện của một giai cấp xã hội và quyền lợi xã hội cụ thể nào. Người đại diện của tâm hồn, người sáng tạo văn hóa tinh thần mang sẵn trong mình sứ mạng của những nhà tiên tri. Khả năng tiên tri hiện diện không chỉ trong đời sống tôn giáo, những nhà tiên tri Do Thái cổ đại là nguyên mẫu của khả năng này, mà còn có mặt cả trong triết học, trong văn học, nghệ thuật và cả đời sống xã hội nữa. Dante[7], Michelangelo[8], Beethoven[9], Carlyle[10], Nietzsche[11], Ibsen[12], Kierkegaard[13], L. Tolstoi[14], Dostoievski[15] là những người có khả năng tiên tri. Người có khả năng tiên tri không nghe theo tiếng nói dội tới từ bên ngoài, không nghe tiếng nói của xã hội và nhân dân mà chỉ nghe theo tiếng nói từ bên trong, tức là nghe theo tiếng nói của Chúa mà thôi. Nhưng đây là người quan tâm tới số phận của nhân dân, của xã hội và nhân loại. Tiên tri là người cô đơn, là người luôn luôn xung đột với tập thể, dù đấy có là tập thể tôn giáo hay xã hội thì cũng thế mà thôi, người luôn luôn bị người ta ném đá, bị coi là “kẻ thù của nhân dân”, nhưng cũng là người phụng sự xã hội, người nói sự thật cho nhân dân, người nhìn thấy trước số phận của nhân loại. Có thể điều cần thiết nhất đối với chúng ta là đánh thức tinh thần tiên tri này. Đấy là tinh thần tự do và tự chủ, không chấp nhận bất kỳ thái độ khuất phục nào nhưng đồng thời nhận thức được trách nhiệm phụng sự cho mục tiêu cao cả. Người đại diện của tâm hồn không chấp nhận để cho nhà nước và xã hội quyết định, người đó tự quyết định từ bên trong.
Cần phải phân biệt một cách rạch ròi thiên chức xã hội và đơn đặt hàng của xã hội, theo cách diễn đạt ở nước Nga Xô-viết hiện nay. Người trí thức (intellectuel), nhà tư tưởng, nhà văn, người nghệ sĩ mang sẵn trong mình thiên chức xã hội, anh ta không thể bàng quan đối với tất cả những gì đang diễn ra trong xã hội loài người. Tất cả những hiện tượng xã hội đều có liên hệ chặt chẽ, tích cực hay tiêu cực, với đời sống tinh thần và phản ảnh những điều đang diễn ra trong đời sống tinh thần. Nhưng người trí thức không bao giờ được thực hiện các đơn hàng do xã hội đưa cho, đấy chính là sự phủ nhận tự do của tâm hồn. Thiên chức xã hội xuất phát từ bên trong, nó là tự do, còn đơn hàng của xã hội là từ bên ngoài, nó chính là sự ép buộc. Nói cho ngay, trong nghệ thuật tạo hình, các nghệ sĩ luôn luôn nhận được đơn hàng của các vương tôn, công tử là phải vẽ bức chân dung này, phải làm bức tượng kia, phải trang hoàng lâu đài nọ. Nhưng nghệ thuật của họ vẫn là tự do vì rất ít phục thuộc vào đề tài. Hiện nay tình hình có khó khăn hơn và quyền tự do sáng tác của các nghệ sĩ tạo hình cũng bị xâm phạm nhiều hơn. Tình hình của các nhà văn bao giờ cũng khác. Các nhà văn, ít nhất là các nhà văn lớn, có cái bất hạnh là họ luôn theo đuổi một số tư tưởng hay tín điều nào đó. Và như thế xung đột là không tránh khỏi. Người trí thức buộc phải đấu tranh để giành lấy quyền tự do cho mình. Nhà nước toàn trị gây ảnh hưởng lên những người sáng tạo trong địa hạt văn hóa tinh thần bằng hai cách. Nó có thể mua những người trí thức, hứa hẹn cho họ đủ thứ phúc lợi và buộc họ phải ngoan ngoãn thực hiện các đơn hàng do xã hội giao cho hoặc là đàn áp họ, biến họ thành những người tuẫn đạo. Câu hỏi vĩnh cửu về thái độ khuất phục luôn được đặt ra. Một số người chịu khuất phục, họ thích nghi, họ đồng ý từ bỏ tự do tư tưởng và tự do sáng tạo, một số khác không chấp nhận thái độ khuất phục và rơi vào hoàn cảnh cực kỳ khó khăn. Vấn đề khó khăn là ở chỗ sự tự chủ về trí tuệ, sự tự do của tâm hồn không thể và không nên được bảo vệ bằng cách giữ nguyên tình trạng bất công trong xã hội. Trong chế độ tự do, những người trí thức luôn được tự do hơn, họ không bị áp bức trực tiếp (áp bức gián tiếp, thông qua đồng tiền thì có thể), họ có thể tuỳ cơ ứng biến, nhưng đấy lại là chế độ bất công, gắn bó chặt chẽ với chủ nghĩa tư bản, với sự thống trị của các giai cấp có của, giai cấp nắm tất cả các phương tiện vật chất. Sự bất công liên quan không phải với chính nguyên tắc tự do mà với sự thiếu tự do, tự do là giả dối, chỉ dành cho một số ít người chứ không phải cho tất cả. Gắn tự do tinh thần và tự do trí tuệ với việc bảo vệ bất công xã hội là một sai lầm vô cùng nguy hiểm. Chính điều đó đã tạo ra mối ngờ vực của các phong trào xã hội, nhất là của những người mác-xít đối với giới trí thức. Những sự ngờ vực và những lời kết án của họ thường là bất công một cách khủng khiếp, đôi khi là những lời dối trá có chủ đích, nhưng lý do là có, đấy là thói ích kỷ, đấy là sự cô lập và bàng quan đối với xã hội của một bộ phận, thậm chí phần lớn, tầng lớp tinh hoa văn hóa. Thế mà cuộc đấu tranh cho tự do và chống lại thái độ khuất phục của những người nghệ sĩ trong lĩnh vực văn hóa tinh thần lại không được gắn bó với thái độ bàng quan đối với xã hội và dung túng những bất công xã hội mà phải gắn liền với thiên chức mang tính xã hội do mình tự nguyện thực hiện. Người của tâm hồn và trí tuệ phải nhận chân được sự tự chủ và tự do của mình, sự quyết định từ bên trong của mình, sứ mệnh mang tính xã hội của mình, thiên chức phụng sự cho lẽ công bằng thông qua tư tưởng và sự sáng tạo của mình. Tương lai của nhân loại phụ thuộc vào việc các phong trào tinh thần và các phong trào xã hội có hợp nhất được với nhau hay không, việc xây dựng các xã hội công bằng hơn có đi liền với việc xây dựng các xã hội nhân bản hơn, cùng với việc bảo vệ các giá trị tinh thần và tự do lương tâm, với phẩm giá của con người, như một thực thể có tâm hồn hay không. Nếu trí tuệ bị tách ra và trở thành đối lập với cuộc đời toàn vẹn, chỉ còn là trí năng mang tính lý thuyết thì nó sẽ không được bảo vệ; chỉ khi là một phần hữu cơ của cuộc đời toàn vẹn, hay là phần sáng tạo của tâm hồn thì nó mới có thể được bảo vệ mà thôi.
Năm 1938
Nguồn: Viện Hàn lâm khoa học Nga. Viện Triết học.
Tầng lớp trí thức - Quyền lực - Nhân dân.
Cội nguồn môn triết học xã hội ở nước Nga (Tuyển tập).
Nhà xuất bản Khoa học, M, 1992
Chú thích:
* N. A. Berdaev (1874-1948) một nhà triết học lớn, từng có thời say mê chủ nghĩa Marx và đã từng bị đi đầy vì các hoạt động cách mạng trong phong trào sinh viên. Bị bắt đi lưu vong từ năm 1922, từ đó hoạt động khoa học của ông diễn ra ở Paris cho đến cuối đời. Bài Khủng hoảng trí tuệ và sứ mệnh của tầng lớp trí thức được đăng trong tập Thành phố mới, xuất bản năm 1938 ở Paris.
[1] Từ tầng lớp trí thức tôi dùng ở đây chủ yếu theo nghĩa intellectuels (những người trí thức) của phương Tây chứ không phải theo nghĩa đặc thù trong tiếng Nga. (Chú thích trong nguyên bản)
[2]
Gāius Jūlius Caesar (năm 100-44 trước Công nguyên) là một lãnh tụ quân
sự và chính trị của La Mã và là một trong những người có ảnh hưởng lớn
nhất trong lịch sử thế giới. Ông đóng một vai trò then chốt trong sự
chuyển đổi Cộng hòa La Mã thành đế chế La Mã.
[3] Đế chế
Bi-dăng-tin (thế kỷ IV-XV) được thành lập trên phần phía Đông của đế
chế La Mã khi đế chế này sụp đổ, gồm các khu vực bán đảo Ban-căng, Tiểu
Á, Đông-Nam Địa Trung Hải.
[4] Diocletianus (243-316),
hoàng đế La Mã từ năm 284 đến năm 305. Ông đã tạo ra một vương triều có
quyền lực vô giới hạn. Ông đã ổn định được tình hình của đế chế và thực
thi chính sách đàn áp Thiên chúa giáo trong các năm 303-304. Năm 316
ông tự nguyện rời bỏ ngai vàng.
[5] Chiến tranh thế giới I.
[6] Cho trường hợp này (tiếng Latin trong nguyên bản).
[7]
Durante degli Alighieri hay Dante Alighieri hay, đơn giản hơn, Dante
(1265-1321) là một nhà thơ, nhà thần học người Italia, tác giả của hai
kiệt tác La Divina Commedia (Thần khúc) và La Vita Nova (Cuộc đời mới).
[8] Michelangelo
di Lodovico Buonarroti Simoni (1475-1564), thường được biết đến dưới
tên gọi Michelangelo, là cha đẻ của những tác phẩm có sức lôi cuốn cao
nhất trong lịch sử mỹ thuật và cùng với Leonardo da Vinci, ông đã tạo
ra giá trị rực rỡ cho thời kỳ Phục hưng đỉnh cao. Ông là một nhà điêu
khắc, kiến trúc sư, họa sĩ và thi sĩ, đã tạo ra một sức ảnh hưởng mãnh
liệt đến nền tảng mỹ thuật phương Tây sau này.
[9] Ludwig
van Beethoven (1770-1827) là một nhà soạn nhạc cổ điển người Đức. Ông
là một nhà soạn nhạc quan trọng trong giai đoạn giao thời từ thời kỳ âm
nhạc cổ điển sang thời kỳ âm nhạc lãng mạn. Ông có thể được coi là
người dọn đường cho thời kỳ âm nhạc lãng mạn. Beethoven được công nhận
là một trong những nhà soạn nhạc vĩ đại và ảnh hưởng tới rất nhiều
những nhà soạn nhạc, nhạc sĩ, và khán giả về sau.
[10] Thomas Carlyle (1795-1881) nhà văn và nhà sử học người Scotland tác phẩm của ông tạo được nhiều ảnh hưởng trong thời Victoria.
[11]
Friedrich Wilhelm Nietzsche (1844-1900) là một nhà triết học người Phổ.
Nietzsche đã được xem là một nhân vật quan trọng có ảnh hưởng lớn trong
triết học hiện đại. Trực tiếp và gián tiếp (thông qua Martin
Heidegger), Nietzsche đã ảnh hưởng đến thuyết hiện sinh, chủ nghĩa hậu
hiện đại, phân tâm học và nhiều tư tưởng theo sau đó.
[12] Henrik
Johan Ibsen (1828 - 1906) là một nhà soạn kịch người Na Uy, ông được
coi là cha đẻ của kịch nói hiện đại và là nhà văn vĩ đại nhất của Na
Uy. Ibsen là một trong những nhà soạn kịch có tầm ảnh hưởng nhất mọi
thời đại và được xem như là biểu tượng của đất nước Na Uy.
[13] Søren Aabye Kierkegaard (1813-1855) triết gia và nhà thần học nổi tiếng người Đan Mạch.
[14] Lev Tolstoi (1828-1910), đại văn hào Nga. Tác phẩm chính: Chiến tranh và hòa bình, Anna Karenina, Phục sinh...
[15] Fiodor Dostoievski (1821-1881), nhà văn vĩ đại của nước Nga. Tác phẩm chính: Anh em nhà Karamazop, Tội ác và hình phạt, Lũ người quỷ ám, Gã khờ...
Nguồn: "Về trí thức Nga" - NXB Tri thức, 2009