50 mùa xuân đồng hành cùng đất nước
(ĐHVH)- Cách đây vừa tròn 50 năm, ngày 26 tháng 3 năm 1959, Trường Cán bộ Văn hóa, tiền thân của Trường Đại học Văn hóa Hà Nội ra đời. Vào những ngày đầu thành lập, giữa bộn bề khó khăn của công cuộc khôi phục kinh tế - xã hội, hàn gắn vết thương chiến tranh, đội ngũ cán bộ, giảng viên, cơ ...
Năm 1961, trường được đổi tên thành Trường Lý luận và Nghiệp vụ Văn hóa. Trong thời gian này, nhà trường đã mở các lớp bồi dưỡng cho văn nghệ sỹ và cán bộ quản lý của ngành văn hóa. Bên cạnh đó, có các lớp đại học chuyên tu Văn hóa quần chúng và Thư viện có sự tham gia giảng dạy của chuyên gia Liên Xô. Điều đặc biệt, năm 1961 có một lớp đại học Thư viện khóa I đã được khai giảng và đào tạo trong 4 năm. Cũng từ đây, nhà trường bắt đầu đào tạo hệ trung cấp cho 04 ngành: Thư viện, Văn hóa quần chúng, Bảo tồn – Bảo tàng và Phát hành sách. Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn gay go, ác liệt, một số sinh viên của trường đã xếp lại bút nghiên, lên đường nhập ngũ. Đã có những người hy sinh vì Tổ quốc như liệt sĩ Hà Son (lớp trung cấp Bảo tàng khoá 3), Nguyễn Văn Song (lớp trung cấp Thư viện khoá 6). Các học viên của trường sau khi tốt nghiệp đã trở thành các chiến sỹ trên mặt trận văn hóa, góp phần quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Sau chiến thắng mùa Xuân năm 1975, trước yêu cầu cấp thiết về cán bộ văn hóa ở các tỉnh phía Nam, trường đã tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng cán bộ quản lý và nghiệp vụ văn hoá. Ngoài ra, trường còn chia sẻ và cử nhiều cán bộ có năng lực vào xây dựng Trường Văn hoá Thành phố Hồ chí Minh, nay trở thành Trường Đại học Văn hoá Thành phố Hồ Chí Minh.
Ngày 5/9/1977, trường đã được nâng cấp thành Trường Cao đẳng Nghiệp vụ Văn hóa. Cùng với việc đào tạo trình độ cao đẳng, các lớp đại học hệ chính quy các ngành Thư viện, Văn hóa quần chúng, Bảo tàng và Phát hành sách tiếp tục được đào tạo. Cuối tháng 11/1979, lớp chuyên tu Đại học Viết văn khóa I được khai giảng. Nhiều nhà văn có tên tuổi của đất nước đã theo học khóa này .
Với những cố gắng bền bỉ về xây dựng đội ngũ giảng viên, chương trình đào tạo và cơ sở vật chất, năm 1982, trường đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định nâng cấp thành Trường Đại học Văn hóa Hà Nội. Đây là cột mốc quan trọng trong quá trình phát triển của nhà trường, để từ đây Trường Đại học Văn hóa Hà Nội trở thành cơ sở đào tạo cán bộ văn hóa trình độ đại học lớn nhất trong cả nước.
Từ đó đến nay, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội không ngừng phát triển về đội ngũ giảng viên, quy mô đào tạo và xây dựng cơ sở vật chất. Năm 1989 Khoa Văn hóa các dân tộc thiểu số ra đời; năm 1992 chuyên ngành Thông tin – Cổ động được thành lập; năm 1993 chuyên ngành Văn hóa Du lịch bắt đầu được đào tạo. Năm 1995 quy mô của trường được mở rộng khi Trường Viết văn Nguyễn Du và Viện Văn hóa được sát nhập vào trường.
Bước vào thời kỳ Đổi mới và giao lưu, hội nhập quốc tế, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội có nhiều thay đổi để phù hợp với nhu cầu phát triển của đất nước. Đến năm 2000, Khoa Văn hóa Du lịch tách khỏi Khoa Bảo tàng để trở thành khoa độc lập; Khoa Sáng tác, Lý luận và Phê bình Văn học được hình thành từ Trường Viết văn Nguyễn Du; Khoa Văn hóa Quần chúng thay đổi mục tiêu đào tạo và trở thành Khoa Quản lý Văn hóa – Nghệ thuật; Khoa Phát hành sách đổi tên thành Khoa Phát hành Xuất bản phẩm. Tháng 12/ 2008, Khoa Văn hóa học chính thức được thành lập.
Năm 1991 đánh dấu một bước phát triển mới của nhà trường khi Khoa Sau đại học được thành lập và chính thức đào tạo bậc thạc sỹ với 02 ngành Văn hóa học và Thư viện học. Sau 17 năm đào tạo thạc sỹ, ngày 18/02/2008 Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định giao nhiệm vụ đào tạo tiến sĩ cho nhà trường. Việc chính thức nhận nhiệm vụ đào tạo tiến sĩ là mốc son đáng nhớ, đánh dấu sự phát triển về quy mô và trình độ đào tạo của Trường Đại học Văn hoá Hà Nội, đồng thời cũng mở ra một triển vọng mới cho việc đào tạo cán bộ và chuyên gia văn hóa trình độ cao, đáp ứng yêu cầu xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.
Từ năm 1982 nhà trường bắt đầu đào tạo hệ đại học tại chức ở các tỉnh thành trong toàn quốc. Hiện nay, Khoa Tại chức có hơn 3000 sinh viên, với 52 lớp đặt tại 35 tỉnh thành phố, từ Hà Giang đến Cà Mau. Hơn 1/4 thế kỷ qua, hàng nghìn cán bộ văn hóa được đào tạo hệ đại học vừa làm, vừa học đã góp phần to lớn cho sự phát triển của ngành văn hóa nói riêng và đất nước nói chung.
Đến nay, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội có 23 đơn vị trực thuộc, trong đó có 11 khoa, 01 viện nghiên cứu, 11 phòng, ban, tổ bộ môn, trung tâm. Trong 11 khoa có 08 khoa với các ngành đào tạo, đó là: Khoa Thư viện – Thông tin, Khoa Quản lý Văn hóa – Nghệ thuật, Khoa Bảo tàng, Khoa Phát hành Xuất bản phẩm, Khoa Văn hóa Du lịch, Khoa Văn hóa các dân tộc thiểu số, Khoa Sáng tác, Lý luận và Phê bình Văn học và Khoa Văn hóa học. Ngoài ra có Khoa Sau đại học, Khoa Tại chức và Khoa Mác – Lênin. Nhà trường đào tạo ở 4 cấp độ: cao đẳng, đại học, thạc sỹ và tiến sỹ.
Về những thành tích nổi bật của nhà trường
1. Về tạo đào tạo
Trong 50 năm qua Trường Đại học Văn hóa Hà Nội luôn là cơ sở đào tạo lớn nhất của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Nhà trường đã đào tạo trên 20.000 cử nhân văn hóa, gần 600 thạc sỹ bằng 2/3 số lượng thạc sĩ do các trường thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đào tạo. Các lớp bối dưỡng ngắn hạn cũng đã cung cấp kiến thức nghiệp vụ văn hóa cho hàng nghìn học viên.
Hiện nay, nhà trường đang đào tạo với quy mô là hơn 4.000 sinh viên các hệ cao đẳng, đại học, cao học và nghiên cứu sinh, trên 3.000 sinh viên hệ đại học tại chức. Tổng lưu lượng trung bình trên 7.000 người học mỗi năm. So với quy mô đào tạo những năm 90 của thế kỷ trước số lượng sinh viên đã tăng 3,5 lần.
Suốt nửa thế kỷ qua, nhiều thế hệ sinh viên ra trường đã tích cực lao động cống hiến trên khắp mọi miền của Tổ quốc. Trong số họ có nhiều người trở thành những người lãnh đạo, quản lý, đại biểu quốc hội, các chuyên gia văn hóa có trình độ chuyên môn cao ở các cơ quan văn hóa từ trung ương đến địa phương. Nhiều sinh viên tốt nghiệp đã trở thành các văn nghệ sỹ nổi tiếng, trong đó có 51 hội viên Hội Nhà Văn Việt Nam, tiêu biểu như các nhà văn, nhà thơ như: Hữu Thỉnh, chủ tịch Hội Nhà Văn Việt Nam, Nguyễn Tri Huân, Chu Lai, Lâm Thị Mỹ Dạ, Y Phương, Dạ Ngân… các nhạc sĩ, ca sĩ tên tuổi như: nhạc sĩ Văn Thành Nho, Thái Văn Hóa, ca sĩ Nghệ sỹ Ưu tú Vi Hoa, ca sĩ Ngọc Anh, giải Nhì Sao Mai toàn quốc, Huy chương Vàng cuộc thi Giọng hát Vàng ASEAN, sinh viên Nguyễn Hoàng Nhung đoạt giải Hoa hậu Dân tộc Việt Nam lần thứ nhất… Nhiều cán bộ văn hóa của Lào và Cămpuchia đã được đào tạo tại trường.
2. Về nghiên cứu khoa học:
Chỉ tính riêng từ năm 1993 đến nay cán bộ, giảng viên nhà trường đã thực hiện 55 đề tài nghiên cứu cấp Bộ; 81 đề tài nghiên cứu cấp trường; biên soạn 89 giáo trình. Tổ chức 38 hội thảo khoa học trong nước và 7 hội thảo quốc tế. Nhiều cuộc hội thảo có tiếng vang nhất định trong nước và quốc tế, thu hút nhiều chuyên gia, nhà khoa học trong toàn quốc và quốc tế tham gia. Đặc biệt Viện Văn hóa, trung tâm nghiên cứu văn hóa trực thuộc trường, đã đạt được nhiều thành tích trong nghiên cứu khoa học. Nhiều đề tài nghiên cứu cấp nhà nước, cấp Bộ, cấp Viện đã được thực hiện, nhiều hội thảo khoa học được tổ chức thành công. Nhiều công trình nghiên cứu được xuất bản thành sách và phổ biến rộng rãi. Đó là chưa kể hàng trăm bài báo đăng trên các báo, tạp chí chuyên ngành và hàng chục đầu sách được xuất bản của cán bộ, giảng viên nhà trường.
Hàng năm nhà trường đều tổ chức hội thảo khoa học sinh viên cấp khoa và cấp trường. Nhiều công trình nghiên cứu xuất sắc của sinh viên đã đạt các giải nghiên cứu khoa học do Bộ Giáo dục và Đào tạo trao tặng. Trường đã hai lần được nhận Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đạo tạo về thành tích nghiên cứu khoa học của sinh viên.
3. Về xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên:
Trong 50 năm qua, từ số lượng giảng viên ít ỏi, chưa được đào tạo bài bản của ngày đầu thành lập, đã phát triển thành một đội ngũ giảng viên có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao, đảm đương được nhiệm vụ giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Đội ngũ cán bộ quản lý cũng được đào tạo bài bản, tâm huyết với công việc, góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đào tạo.
Đến nay, nhà trường có 280 cán bộ, giảng viên. Trong đó có 144 giảng viên trong đó có 10 PGS, 32 tiến sĩ, đạt 22,22%; 108 giảng viên có trình độ thạc sĩ; 10 giảng viên được phong tặng Nhà giáo Ưu tú. Tính bình quân giảng viên đạt trình độ trên đại học đạt 96,52%. Đó là chưa kể nhiều giảng viên đang học cao học, nghiên cứu sinh, đang chuẩn bị bảo vệ luận văn, luận án trong thời gian tới.
4. Về quan hệ quốc tế:
Trong thế giới hội nhập và giao lưu quốc tế, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội đã tích cực đẩy mạnh quan hệ quốc tế trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học và đào tạo. Nhà trường đã đặt quan hệ và hợp tác với nhiều trường, viện và các tổ chức phi chính phủ thuộc Nga, Mỹ, Anh, Bỉ, Úc, Niu Di Lân, Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan và Lào. Nhiều cán bộ Lào – Cămpuchia đã được đào tạo tại trường.
Thông qua các mối quan hệ, nhà trường đã được tiếp nhận sự giúp đỡ trong việc xây dựng chương trình đào tạo, biên soạn giáo trình, tiếp nhận sinh viên, cấp học bổng cho các giảng viên và sinh viên, giao lưu văn hóa nghệ thuật…
Về phương hướng phát triển trường
Năm mươi năm đồng hành cùng sự nghiệp xây dựng nền văn hóa cách mạng là điểm tựa vững chắc để Trường Đại học Văn hóa Hà Nội tiếp tục cùng cả nước đi lên trong sự nghiệp Đổi mới và hội nhập quốc tế. Nhà trường xác định phương hướng cụ thể trong chặng đường tiếp theo là:
- Thứ nhất, tiếp tục đa dạng hóa các cấp độ và các loại hình đào tạo. Mở các ngành đào tạo mới mà xã hội có nhu cầu như: văn hóa học, xuất bản, báo chí, gia đình học, nghệ thuật…;
- Thứ hai, có kế hoạch xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên, nhân tố quan trọng của việc nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo;
- Thứ ba, tăng cường nghiên cứu khoa học của giảng viên và sinh viên, gắn nghiên cứu khoa học và đào tạo với thực tiễn, đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng tăng cường tính tích cực chủ động của sinh viên;
- Thứ tư, tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu khoa học;
- Thứ năm, tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật theo hướng hiện đại, đáp ứng nhu cầu giảng dạy và học tập của giảng viên và sinh viên.
Sự ra đời của Trường Đại học Văn hóa Hà Nội và những cống hiến của Nhà trường trong 50 năm qua là một minh chứng về sự sáng suốt của Đảng và Nhà nước đối với sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực để xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Những thành tựu của 50 năm xây dựng và phát triển là công sức và trí tuệ của lớp lớp các thế hệ cán bộ, giảng viên và sinh viên. 50 năm đồng hành cùng đất nước, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội đã phát triển không ngừng, trở thành cơ sở đào tạo trọng điểm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, sánh vai cùng nhiều trường đại học trong cả nước.
Nguyễn Văn Cương
Trường Đại học Văn hóa Hà Nội
khoá học thiết kế web tphcm giá rẻ thiet bi bếp nhà hàng tai tphcm cong ty thiet ke web tphcm cong ty may đồng phục tai tphcm mua mua container cũ gia re mua bán đàn guitar gia re ban mat ong rung nguyen chat gia re dai ly ống nước tien phong cuoc vũ đạo vu dao ban bình nóng lạnh tai tphcm Chóng mặt chong mat quan Cafe Phố Sữa Đá MacCoffee ống nhôm tien dat