18/06/2018, 16:59

Khảo sát chuyện Ngũ Đế phía nam vỗ về Giao Chỉ

Bản đồ Giao Chỉ bộ (交趾部) thời Tây Hán Nguyên tác tiếng Trung: Tống Hội Quần * Dịch và chú thích tiếng Việt: Tích Dã Tính chân thực của chuyện Ngũ Đế **“phía nam vỗ về Giao Chỉ” được các học giả xưa nay bàn luận không dứt, trở thành một chủ đề nổi cộm của giới ...

giao chi thoi hanjpeg Bản đồ Giao Chỉ bộ (交趾部) thời Tây Hán

Nguyên tác tiếng Trung: Tống Hội Quần*
Dịch và chú thích tiếng Việt: Tích Dã

Tính chân thực của chuyện Ngũ Đế **“phía nam vỗ về Giao Chỉ” được các học giả xưa nay bàn luận không dứt, trở thành một chủ đề nổi cộm của giới sử học chuyên nghiên cứu về thời Tiên Tần. Những học giả nghi ngờ chuyện này rất nhiều, nhưng có người tin chuyện này như học giả thời nhà Thanh là Diêm Nhược Cừ (閻若璩), trong quyển 2 sách Tiềm Khâu trát kí (潛邱劄記) chép: “Đất Tức Thận là Doanh châu, như thế thì nơi xa như ở ngoài đất Dương châu có (đất) Giao Chỉ cũng đáng nghi ngờ sao? Vả lại không chỉ có vua Thuấn vỗ về Giao Chỉ mà thôi, mà còn có vua Chuyên Húc cũng đã về phía nam đến Giao Chỉ rồi.”

Có người nghi ngờ chuyện này như học giả thời nhà Thanh là Hồ Vị (胡渭), trong quyển 19 sách Vũ cống chùy chỉ (禹貢錐指) chép: “Thái Khang địa chí chép ‘Giao châu vốn là đất thuộc Dương châu, là đất cực nam thời nhà Ngu’, thật là nói xằng, không đáng tin. Sử kí chép ‘bốn cõi đều ghi công của vua Thuấn, (vua Thuấn) phía nam vỗ về đất Giao Chỉ, phía bắc phát đến đất Tức Thận.’ Theo lời văn này mà cho rằng Giao châu là đất cực nam của nhà Ngu, không biết rằng đấy chỉ là nơi mà giáo hóa truyền đến mà thôi!”

Học giả thời nay phần nhiều đều nghi ngờ các sử liệu trên, cho rằng vua Chuyên Húc-Nghiêu-Thuấn là nhân vật truyền thuyết, lại nữa đất Giao Chỉ xa cách mấy nghìn cây số ở miền nam, chỉ đặt ra bộ Giao Chỉ vào thời Tây Hán, còn các thời Tiên Tần thì lãnh thổ Trung Quốc còn chưa đến miền Lĩnh Nam, cho nên vào thời Ngũ Đế không thể nào đến mà vỗ về Giao Chỉ được.

Chủ đề này là một câu hỏi lớn trong ngành nghiên cứu sử thời Tiên Tần, liên quan đến các chủ đề như sự giao lưu-dung hợp văn hóa giữa các bộ tộc, chuyện di dời của các bộ tộc, quan hệ chính trị giữa miền Lĩnh Nam đối với miền Trung Nguyên vào thời khởi đầu văn minh của Trung Quốc. Chúng tôi cho rằng đối với những ghi chép trong sách cổ đáng tin như Thượng thư (尚書), Sử kí (史記) thì không nên phủ định hết thảy, cũng không nên tin theo một cách dễ dàng. Nhân tố sự thật lịch sự trong việc nghiên cứu này không chỉ liên quan đến chuyện vua Chuyên Húc-Nghiêu-Thuấn có đến đất Giao Chỉ hay không, mà còn là liên quan đến chuyện các bộ tộc miền Trung Nguyên có đến đất Giao Chỉ hay không, còn liên quan đến chuyện di chuyển của các bộ tộc và giao lưu văn hóa giữa các bộ tộc hai miền Trung Nguyên và Lĩnh Nam đã bắt đầu được chép ở sách cổ. Do đó phải xét kĩ các tài liệu liên quan đến chuyện “đến Nam Giao”(宅南交) hay “vỗ về Giao Chỉ” (撫交趾), xét kĩ xem có phải Giao Chỉ là khái niệm văn hóa bộ tộc hay khái niệm vùng đất vào thời Tiên Tần hay không? Cũng phải dựa vào tư liệu khảo cổ để xét xem người miền Trung Nguyên thời Ngũ Đế có biết đến bộ tộc Giao Chỉ ở nơi xa cách hàng nghìn cây số ở miền nam hay không, để giải thích hợp lí một chủ đề lịch sử lớn lao, khôi phục lại giá trị sử liệu ghi chép về một chuyện được ghi trong Thượng thư-Sử kí, cũng làm sáng tỏ nền văn minh thời kì đầu của miền Lĩnh Nam.

I. Đối với sử liệu nói về chuyện “đến Nam Giao”, “vỗ về Giao Chỉ”

1. Xét ghi ghép chuyện “đến Nam Giao”

Chuyện “đến Nam Giao” được chép trong Thượng thư (尚書), nguyên văn là: “Ra lệnh cho Hi Thúc đến Nam Giao, xem Mặt Trời di chuyển về phía nam, xác định ngày hạ chí.” Đây là ghi chép sách vở sớm nhất về chuyện “phía nam vỗ về Giao Chỉ”. Nhưng người xưa đối với chuyện “đến Nam Giao” cũng có những giải thích không giống nhau.

– Một là thuyết sự giao nhau giữa mùa xuân và mùa hạ. Người thời Hán là Khổng An Quốc (孔安國) chép phần Truyện (傳) rằng: “Nam Giao là nói sự giao nhau giữa mùa xuân và mùa hạ, (vua Nghiêu) chọn một người đến một vùng để xem xét việc ấy, đấy là viên quan đến đấy để coi xét miền nam. Là viên quan coi xét về mùa hạ, nắm giữ các việc ở miền nam, kính theo giáo hóa mà làm việc, bốn mùa đều như thế, cũng chọn một người đến một vùng.”

Miền nam chủ về mùa hạ, miền đông chủ về mùa xuân, sự giao nhau giữa mùa xuân và mùa hạ là nói khí hậu biến đổi giữa mùa xuân và mùa hạ. Lời giải thích ấy về đất Nam Giao thật là khó hiểu. Học giả nổi tiếng thời nhà Tống là Lưu Xưởng (劉敞) đã chỉ ra thuyết này không hợp lí, trong quyển thượng sách Công thị thất kinh tiểu truyện (公是七經小傳) chép rằng: “Thượng thư – Nghiêu điển chép ‘ra lệnh cho Hi Thúc đến Nam Giao’, có người giải thích là sự giao nhau giữa mùa xuân và mùa hạ là không đúng. Có sự giao nhau giữa mùa thu và mùa đông, sự giao nhau giữa mùa xuân và mùa hạ, sự giao nhau giữa mùa hạ và mùa thu, sự giao nhau giữa mùa thu và mùa đông, sự giao nhau giữa mùa đông và mùa xuân thì sao lại không có các tên đất như Tây Giao, Bắc Giao, Đông Giao vậy? Vả lại chép mùa xuân thì đến đất Ngung Di gọi là Dương Cốc, mùa thu thì đi về phía tây gọi là Muội Cốc, mùa đông thì đến đất Sóc Phương gọi là U Đô, đấy đều là chỉ về vùng đất mà thôi, không phải là chỉ nói về khí hậu vào mùa hạ vậy.”

– Hai là thuyết đất Giao Chỉ. Học giả thời nhà Tống là Lưu Xưởng cho rằng câu văn “đến Nam Giao” lẽ ra phải chép là “đến miền nam, đất ấy gọi là Giao Chỉ”. Quyển thượng sách Công thị thất kinh tiểu truyện chép tiếp rằng: “Cõ lẽ bản gốc chép là ‘đến miền nam, đất ấy gọi là Giao Chỉ.’ Nhưng người đời sau vì sao chép thế nào mà sót mất hai chữ mới như thế, làm cho không đúng như bản gốc nữa vậy. Mùa xuân thì ‘đến Ngung Di’, mùa thu thì ‘đến miền tây’, suy ra mùa thu thì đi về phía tây và biết là đất Ngung Di ở phía đông vậy. Mùa hạ thì ‘đến miền nam’, mùa đông thì ‘đến Sóc Phương’, suy ra mùa hạ thì đi về phía nam và biết là đất Sóc Phương ở phía bắc vậy. Có lẽ đấy là chép về nơi mà bốn mùa mà vua Nghiêu-Thuấn sai người đi đến các nơi ấy, do Tứ Nhạc coi các việc ấy.”Lưu Xưởng dựa theo đặt trưng câu văn trên mà cho rằng ‘đến Ngung Di’, ‘đến miền tây’, ‘đến Sóc Phương’ đều là nói đến vùng đất, vậy thì ‘đến Nam Giao’ cũng phải là nói về vùng đất, không phải là nói về khí hậu vào mùa hạ. Nhân đó cho rằng bản gốc ‘đến Nam Giao’ lẽ ra phải chép là ‘đến miền nam, đất ấy gọi là Giao Chỉ’. Thuyết này cho rằng từ ‘Giao’ là ‘Giao Chỉ’ khiến cho câu văn trên dưới đều thấu tỏ, được nhiều học giả từ thời nhà Tống về sau thừa nhận. Ví như học giả thời nhà Tống là Tô Thức (蘇軾) trong quyển 1 sách Thư truyện (書傳), học giả thời nhà Tống là Lâm Chi Kì 林之竒) trong quyển 1 sách Thượng thư toàn giải (尚書全解), học giả thời nhà Tống là Hạ Tuyển (夏僎) trong quyển 1 sách Thượng thư tường giải (尚書詳解), học giả thời nhà Tống là Hoàng Luân (黄倫) trong quyển 1 sách Thượng thư tinh nghĩa (尚書精義), học giả thời nhà Thanh là Diêm Nhược Cừ (閻若璩) trong quyển 2 sách Tiềm Khâu trát kí (潛邱劄記) đều theo thuyết Nam Giao là Giao Chỉ. Đây là một thành quả được các học giả soạn sách đời sau chọn dùng, như Biên niên chí nhất quyển 6 sách Quảng Đông thông chí (廣東通志) đã chép rằng: “Vua Chuyên Húc đặt nên chín châu, phía nam đến ở Giao Chỉ. Vua Nghiêu sai Hi Thúc đến an định đất Nam Giao. Vua Thuấn tuần thú đến đất phía nam núi Hành.”Thuyết này rõ ràng thừa nhận là vào thời vua Nghiêu-Thuấn đã có khái niệm vùng đất Giao Chỉ. Nếu đúng như thế thì từ góc độ sử học mà xét thì ít nhất từ thời chương Nghiêu điển soạn xong (từ thời Xuân thu trở về trước) thì đã có đất Giao Chỉ rồi, nhưng sách địa lí nổi tiếng thời ấy là Vũ cống (禹貢) lại không chép đất Giao Chỉ, sách cổ từ thời Xuân thu trở về trước cũng đều không chép đến đất Giao Chỉ, việc này cũng khó tránh làm cho người ta nghi ngờ.

– Ba là thuyết không phải là vùng đất, mà là khái niệm chỉ vùng đất.Học giả thời nhà Tống là Hạ Tuyển (夏僎) trong quyển 1 sách Thượng thư tường giải (尚書詳解) chép: “Các câu văn ‘đến Ngung Di, đến Nam Giao, đến miền tây, đến Sóc Phương vốn là chỉ về vùng đất. ‘Đến’ nghĩa là đến an định, có lẽ nói đất Ngung Di ở phía chính đông, đất Giao Chỉ ở phía chính nam, đất Lũng Tây ở phía chính tây, đất U Đô ở phía chính bắc. Theo cách làm lịch là phải xác định vùng đất của bốn phía để làm biểu thức trước rồi mới xác định vùng đất ở giữa. Xác định vùng đất ở giữa xong thì mới xem biết được chỗ mà Mặt trời- Mặt trăng mọc-lặn và vị trí các vì sao xoay chuyển. Cho nên vua Nghiêu sai bốn vị quan đều đến an định bốn vùng đất, không phải là nói về vùng đất mà mình đến ở, chỉ là sai đi đến để xác định phương hướng mà thôi.”

Theo thuyết này thì Thượng thư (尚書) chép ‘dựa theo bốn ngôi sao ở xoay chuyển ở giữa’ để xác định hai ngày xuân phân-thu phân và hai ngày đông chí-hạ chí, cho rằng đến an định bốn phía đều là chỉ phương hướng, tức là đất Ngung Di ở phía chính đông, đất Giao Chỉ ở phía chính nam, đất Lũng Tây ở phía chính tây, đất U Đô ở phía chính bắc. ‘Đến an định’ bốn phương, tức là xác định phương hương bốn phương mà lập nên biểu thức, do đó ‘đến Nam Giao’ là xác định đất Giao Chỉ ở miền nam là phía chính nam, đều không phải là vua Nghiêu đã sai người đi đến đất Giao Chỉ mà cư trú ở đấy. Thuyết này phủ định chuyện vua Nghiêu đã từng đến ở đất Giao Chỉ, đây là thuyết suy luận hợp tình hợp lí, có tiến bộ một bước so với hai thuyết trên.

2. Xét ghi ghép chuyện “phía nam vỗ về Giao Chỉ”

Chuyện “đến Nam Giao” không phải là chuyện “phía nam vỗ về Giao Chỉ” nhưng chuyện “phía nam vỗ về Giao Chỉ” cũng được chép trong nhiều sách vở đáng tin cậy:– Sử kí – Ngũ Đế bản kỉ (史記·五帝本紀) có chép rằng: “Vua Chuyên Húc hiệu là Cao Dương, phía bắc đến ở U Lăng, phía nam đến ở Giao Chỉ. (Chính nghĩa: Chỉ, đọc là ‘chỉ’. Là đất Giao châu vậy.) Xét thấy công của Vũ rất lớn, san chín ngọn núi, thông chín cái đầm, vét chín con sông, đặt ra chín châu, đều theo chức phận mà đến cống, không làm mất trật tự, đất đai rộng năm nghìn dặm, liền đến nơi hoang phục. Phía nam vỗ về Giao Chỉ.”

Theo ghi chép của Sử kí thì vua Chuyên Húc đã “phía nam đến ở Giao Chỉ”. Đại thần của vua Thuấn là Vũ đã “phía nam vỗ về Giao Chỉ”. Sử kí vốn không chép bừa, mà phải có chỗ dựa, sớm hơn Sử kí đã có các sách vở chép chuyện ấy như sau:

– Mặc Tử – Tiết dụng (墨子·節用) chép: “Thời xưa vua Nghiêu trị thiên hạ, phía nam vỗ về Giao Chỉ.”

– Hàn Phi Tử – Thập quá (韓非子·十過) chép: “Ngày xưa vua Nghiêu có được thiên hạ, ăn cơm bằng niêu đất, uống nước bằng chén đất, đất của vua phía nam đến Giao Chỉ, phía bắc đến đất U Đô, phía đông-tây đến chỗ mà Mặt trời-Mặt trăng mọc-lặn, chẳng ai không thần phục. Kịp lúc vua Nghiêu truyền ngôi thì người nhà Ngu là Thuấn nhận lấy.”

– Đại đái lễ kí – Ngũ Đế đức (大戴禮記·五帝德) chép: “Khổng Tử nói: ‘Vua Chuyên Húc phía bắc đến ở U Lăng, phía nam đến ở Giao Chỉ.’”– Đại đái lễ kí – Thiếu nhàn (大戴禮記·少閒) chép: “Ngày xưa vua nhà Ngu là Thuấn vì có đức tốt mà nhận ngôi của vua Nghiêu, phía nam vỗ về Giao Chỉ, những nơi Mặt trời-Mặt trăng mọc-lặn chẳng nơi nào không thần phục.”

– Lữ thị xuân thu – Cầu nhân (呂氏春秋·求人) chép: “Vua Vũ phía đông đến Phù Mộc, phía nam đến các nước Giao Chỉ-Tôn Phác-Tục Man.”

– Thủy kinh chú (水經注) dẫn Thượng thư đại truyện (尚書大傳) chép: “‘Vua Nghiêu phía nam vỗ về Giao Chỉ’. Theo Vũ cống là miền nam của Kinh châu, ở ngoài cõi u hoang, là đất Việt ngày xưa vậy. Chu lễ chép là ‘phía nam có người Man, người dân ấy khắc trán-chéo chân, có dân không ăn cơm gạo’. Thời Xuân thu không chép trong thư truyện, không qua lại với người Hoa Hạ, ở trên biển đảo, người dân nói tiếng như chim hót. Tần Thủy Hoàng mở đất Việt miền Lĩnh Nam đặt ra các quận Thương Ngô-Nam Hải-Giao Chỉ-Tượng Quận.”

– Sở từ – Đại chiêu (楚辭·大招) chép: “Đức lành hợp trời, muôn dân noi theo, bắc đến U Lăng, nam cùng Giao Chỉ, tây đến Dương Tràng, đông cùng bờ biển.”

– Hoài Nam Tử – Tu vụ huấn (淮南子·脩務訓) chép: “Vua Nghiêu lên ngôi, phía tây dạy bảo Ốc Dân, phía đông đến Hắc Xỉ, phía bắc vỗ về U Đô, phía nam dẫn đến Giao Chỉ.”– Hoài Nam Tử – Thái tộc huấn (淮南子·泰族訓) chép: “Đất của vua Trụ, bên trái là Đông Hải, bên phải là Lưu Sa, trước mặt là Giao Chỉ, sau lưng là U Đô.”

– Hoài Nam Tử – Chủ thuật huấn (淮南子·主術訓) chép: “Đất của họ Thần Nông, phía nam đến Giao Chỉ, phía bắc đến U Đô, phía đông đến Dương Cốc, phía tây đến Tam Nguy, chẳng ai không nghe theo.”

Xem các ghi chép trên mới biết hai chỗ Sử kí chép là có chỗ dựa. Đại đái lễ kí, Lữ thị xuân thu cho rằng vua Chuyên Húc đã đến Giao Chỉ, vua Vũ đã vỗ về Giao Chỉ, nhưng các sách Mặc Tử, Hàn Phi Tử, Thượng thư đại truyện, Hoài Nam Tử – Tu vụ huấn đều chép là vua Nghiêu vỗ về Giao Chỉ, riêng Hoài Nam Tử – Chủ thuật huấn lại chép đất của họ Thần Nông phía nam đến Giao Chỉ. Lại nữa riêng Hoài Nam Tử – Thái tộc huấn thì chép đất của vua Trụ phía nam đến Giao Chỉ.

Các sách vở thời nhà Hán từ Sử kí trở về sau lại cho rằng vua Thuấn vỗ về Giao Chỉ:

– Quyển 19 sách Thuyết uyển (說苑) của Lưu Hướng (劉向) chép: “Vua Thuấn phía nam vỗ về Giao Chỉ. Người trong bốn cõi đều ghi công của vua Thuấn, do đó Vũ bèn hát khúc Cửu thiều, đem vật lạ đến cống, chim phượng hoàng bay đến đậu, nêu rõ là người có đức tốt trong thiên hạ.” Quyển 20 chép: “Thần nghe nói vua Nghiêu có được thiên hạ, ăn cơm bằng niêu đất, uống nước bằng chén đất, đất của vua phía nam đến Giao Chỉ, phía bắc đến U Đô, chiều đông-tây đến nơi mà Mặt trời-Mặt trăng mọc-lặn, chẳng ai không thần phục.”

– Tân tự – Tạp sự (新序·杂事) chép: “Vua Thuấn phía bắc phát đến Cừ Sưu, phía nam vỗ về Giao Chỉ, chẳng ai không mộ nghĩa, chim phượng-con lân đến ở ngoài thành, cho nên Khổng Tử nói ‘hiếu đễ hết mực, thông với thần minh, rọi sáng bốn cõi là nói về vua Thuấn’ vậy.”Do đó có thể thấy trong sách vở có chép những người từng “phía nam vỗ về Giao Chỉ” có thành phần đông đảo nhất là có Thần Nông, Chuyên Húc, Nghiêu, Thuấn.

Tuy không thể xem đây là tín sử nhưng đều đại khái nói là thời Ngũ Đế thì đã có sự giao lưu qua lại giữa miền Trung Nguyên và miền Lĩnh Nam. Mặc Tử, Hàn Phi Tử, Lữ thị xuân thu đều là sách vở soạn nên từ cuối thời Chiến quốc, cho nên chuyện “phía nam vỗ về Giao Chỉ” phải có có từ cuối thời Chiến quốc, tên gọi Giao Chỉ trở thành khái niệm vùng đất có từ ít nhất là cuối thời Chiến quốc. Tên gọi Giao Chỉ cùng tên gọi U Lăng, Lưu Sa, Bàn Mộc là đối xứng nhau, tuy là khái niệm vùng đất nhưng lại bao chứa khái niệm phương hướng, tức là bốn phía chính đông, chính tây, chính nam, chính bắc, bốn phía hợp lại thành tên gọi “ở trong bốn cõi”, dùng để nói tư tưởng thống nhất là “chiều đông-tây đến nơi mà Mặt trời-Mặt trăng mọc-lặn, chẳng ai không thần phục”. Thực tế lịch sử thì tên gọi Giao Chỉ để chỉ vùng đất xác định chỉ đặt ra vào thời vua Vũ Đế nhà Tây Hán trở về sau với việc đặt ra quận Giao Chỉ và bộ Giao Chỉ mà thôi.

II. Tên gọi Giao Chỉ là tộc danh và tên gọi Giao Chỉ là địa danh

Tên gọi Giao Chỉ theo ghi chép ở trên đều là khái niệm vùng đất và phương hướng, bở vì thật khó tưởng tượng ra nổi là theo truyền thuyết vào khoảng 4-5 nghìn năm trước mà Ngũ Đế đã từng vượt hàng nghìn cây số để đến được đất Giao Chỉ ở miền Lĩnh Nam.

Nhưng nếu tên gọi Giao Chỉ trong câu văn “phía nam vỗ về Giao Chỉ” là tên bộ tộc thì Ngũ Đế như các vua Nghiêu-Thuấn không hẳn là phải tự mình đến đất Giao Chỉ, mà là như lời mà học giả thời nhà Thanh là Hồ Vị nói chỉ là “giáo hóa của họ đã truyền đến nơi đấy” mà thôi, giống như là “vỗ về miền nam” vậy. Đây là giải thích hợp lí hơn cả cho chuyện vua Nghiêu-Thuấn tự mình đến Giao Chỉ trong ghi chép của Thượng thư-Sử kí.

Trong sách vở cũ đối với tên gọi Giao Chỉ còn có một thuyết khác nói rằng đấy là tập tục văn hóa và đặc trưng thân thể của một bộ tộc, như sách Lễ kí – Vương chế (禮記·王制) soạn xong sớm nhất vào thời Chiến quốc có chép: “Truyền dạy giáo hóa cho họ mà không thay đổi phong tục của họ, sửa chính trị của họ mà không thay đổi những điều thích hợp của họ. Người miền nam gọi là Man, họ xăm lên trán, bắt chéo chân, có dân không ăn thức ăn nấu chín.” Người thời nhà Hán là Trịnh Huyền (鄭玄) chú giải rằng: “‘Xăm lên trán’ là khắc hình lên trán, lấy mực xanh-đen để bôi vào nó. ‘Bắt chéo chân’ là chân hướng vào nhau, dân ấy có thói tắm cùng sông, nằm thì bắt chéo chân. ‘Không ăn thức ăn nấu chín’ là vì khí đất ấy nóng, ăn như vậy thì không bị bệnh.” Người thời nhà Đường là Khổng Dĩnh Đạt (孔穎達) chú thích rằng: “Nằm thì chéo chân, ý nói đầu ở ngoài mà chân thì hướng vào nhau.”

Theo sách Lễ kí – Vương chế trên chép thì trong các bộ tộc người Man ở miền nam thì có bộ tộc có tục “bắt chéo chân”. Theo người thời Hán là Trịnh Huyền chú giải thì đặc trưng thân thể của họ là “chân hướng vào nhau”, tập tục của họ là “tắm thì cùng sông, nằm thì bắt chéo chân, không ăn thức ăn nấu chín”, khí hậu của đất ấy là “đất ấy nóng, ăn như vậy không bị bệnh”.

Trên nói “chân hướng vào nhau”, “nằm thì chéo chân”, theo lời chú thích của Khổng Dĩnh Đạt cũng giống như vậy, tức là nói “đầu ở ngoài mà chân hướng vào nhau”. Tư thế nằm này theo Trung Hoa đại từ điển (中華大辭典) dựa vào Tập vận – Tuyến vận (集韵·線韵) chép rằng: “‘Nằm duỗi chân’, người Man-Di khi nằm thì chân hướng vào nhau.” Giải thích thành ra: “Hai người đưa chân đối nhau mà nằm.” Điều này trái với nghĩa gốc, một là người xưa không nói là hai người nằm đối nhau, thứ hai là không giải thích rõ “đầu ở ngoài” là thế nào.
 
Người Giao Chỉ có tục “chân hướng vào nhau”, cũng giống người Giao Hĩnh (交脛), Giao Cổ (交股):– Sơn hải kinh – Hải ngoại nam kinh (山海經·海外南經) chép người nước Giao Hĩnh (交脛國) rằng: “Nước Giao Hĩnh ở phía đông, người nước này có tục chéo chân.”

Người thời nhà Tấn là Quách Phác (郭璞) chú giải rằng: “Ý nói cẳng chân gấp khúc chéo nhau, vốn là dân xăm lên trán, bắt chéo chân vậy.” Người thời nhà Thanh là Hách Ý Hành (郝懿行) chú thích rằng: “Quảng vận (廣韵) dẫn sách Giao châu kí (交州記) của học giả thời nhà Tấn là Lưu Hân Kì (劉欣期) chép ‘người Giao Chỉ xuất từ huyện Nam Định, xương chân của họ không có đốt, thân người có lông, nằm xong thì nhờ người đỡ lên mới dậy được’. Lại nữa Thái bình ngự lãm (太平御覽) dẫn Ngoại quốc đồ (外國圖) chép ‘Người nước Giao Hĩnh chỉ cao bốn thước’.”

– Hoài Nam Tử – Trụy hình huấn (淮南子·墬形訓) chép đến dân Giao Cổ (交股民) rằng: “từ phía tây nam đến phía đông nam có người nước Giao Cổ.” Học giả thời Hán là Cao Dụ (高誘) chú thích rằng: “Người nước Giao Cổ có cẳng chân bắt chéo vào nhau.”

Có thể thấy, người Giao Hĩnh tức là người Giao Chỉ, tập tục “cẳng chân gấp khúc chéo nhau” của người Giao Hĩnh và tập tục “cẳng chân bắt chéo vào nhau” của người Giao Cổ là giống nhau, đều là đặc trưng thân thể của một bộ tộc ở miền nam. Theo sách Sơn hải kinh – Hải ngoại nam kinh chép đối với hình tượng “cẳng chân gấp khúc bắt chéo vào nhau” là khi người ta đứng thẳng thì bàn chân chéo nhau, tạo ra hình dáng cẳng chân bắt chéo vào nhau. Người thời nhà Tống là Nhạc Sử (樂史) soạn sách Thái bình hoàn vũ kí (太平寰宇記) có chép: “Xăm lên trán, bắt chéo chân. Chân là cẳng chân, ý nói người Man lúc nằm thì đầu hướng ra ngoài, chân ở trong mà bắt chéo nhau, cho nên gọi là Giao Chỉ.”

Theo đó mà nói thì người Việt xưa ở miền Lĩnh Nam có hình dáng thân thể đặc trưng là khi đứng thẳng thì hai cẳng chân gấp khúc như bắt chéo nhau, lại nữa lúc nằm ngủ thì nằm đối vào nhau, bắt chéo chân cho thoải mái, tập tục này thể hiện trong kiểu táng bó gối thịnh hành trong các nền văn hóa Thạch Hiệp (石峽文化) ở huyện Thiều Quan tỉnh Quảng Đông, văn hóa Đính Sư Sơn (頂螄山文化) ở tỉnh Quảng Tây.

giao chi.jpg

Hình vẽ người Giao Hĩnh (交脛) trong Sơn hải kinh

Chúng tôi cho rằng tên gọi Giao Chỉ sớm nhất là khái niệm về một ấn tượng hình dáng thân thể của các bộ tộc người Việt ở miền Lĩnh Nam đối với người Trung Nguyên. Theo ghi chép từ Lễ kí – Vương chế và Sơn hải kinh – Hải ngoại nam kinh thì khái niệm này đã hình thành từ thời Chiến quốc trở về trước, đồng thời từ hình dáng thân thể đặc trưng này mà tạo làm nên một tên gọi khái niệm chung cho người Việt ở miền Lĩnh Nam, chỉ chung cho các dân tộc hoang phục ở miền nam.

Do đó, chúng tôi cho rằng Giao Chỉ trong câu văn “phía nam vỗ về Giao Chỉ” trong các sách thời Tiên Tần như Mặc Tử, Hàn Phi Tử và câu văn “đến Nam Giao” trong sách Thượng thư đều là chỉ khái niệm tập tục văn hóa mà không phải là chỉ tên vùng đất xác định. Bởi vì vào thời Tần trở về trước còn chưa đặt ra tên vùng đất Giao Chỉ như quận Giao Chỉ và bộ Giao Chỉ, điều này cũng phủ định chuyện Ngũ Đế tự mình “phía nam vỗ về Giao Chỉ”.

Tên gọi Giao Chỉ rõ ràng là tên gọi khác mà người miền Trung Nguyên gọi các bộ tộc có tập tục “chân hướng vào nhau” ở miền nam, sau đó tên gọi này trở thành khái niệm hướng hướng chính nam của miền cực nam, tên gọi tộc danh dần dần trở thành tên gọi địa danh. Nếu suy luận này không sai thì các ghi chép “đến Nam Giao”, “phía nam vỗ về Giao Chỉ” đã phản ánh một sự thật lịch sử là: Vào thời đầu văn minh Trung Nguyên thì người miền Trung Nguyên đã biết được ở miền đất cực nam của mình có các bộ tộc với hình dáng thân thể đặc trưng là khi đứng thì cẳng chân chân chéo nhau, khi nằm thì chân hướng vào nhau và gọi chung là người Giao Chỉ. Biết được điều này thì đương nhiên các dân tộc thời ấy đã có qua lại giao lưu văn hóa, thậm chí các các bộ tộc đã di dời và dung hợp với nhau.

III. Sự giao lưu văn hóa và sự di dời bộ tộc giữa miền Trung Nguyên và miền Lĩnh Nam thời Tiên Tần

1. Sự di dời của bộ tộc Đan Chu-Hoan Đâu của miền Trung Nguyên đến định cư ở miền Lĩnh Nam

Chúng tôi đã chứng minh rằng vào khoảng hơn 4 nghìn năm trở về trước có bộ tộc Đan Chu (丹朱) của miền Trung Nguyên và một chi của bộ tộc Miêu Man (苗蠻) miền nam là bộ tộc Hoan Đâu (驩兜) đã từng cùng nhau chống lại sự xâm lược của bộ tộc Ngu (虞) của vua Thuấn (舜) mà tiến hành liên hợp với nhau, sau khi thua trận ở sông Đan (丹水) thì bị đày đến bên suối Đan (丹淵) và núi Sùng (崇山) rồi di dời về phía nam, cuối cùng đến miền phía đông sông Uất (鬱水)-sông Tả (左江), con cháu của họ định cư ở miền nam mà cúng tế tổ tiên, trở thành một nước cổ nhất ở miền Lĩnh Nam thời Tiên Tần.

Bộ tộc Đan Chu-Hoan Đâu đã di dời qua miền Tả Giang tỉnh Quảng Tây, đất này là chỗ người Giao Chỉ cư trú, tức là vào thời Tiên Tần là chỗ mà người Bách Việt ở. Rõ ràng vào thời Ngũ Đế đã có người miền Trung Nguyên đến định cư đến vùng đất của các bộ tộc Giao Chỉ, do đó vào thời ấy thì người miền Trung Nguyên đã biết đặc trưng hình dáng thân thể của các bộ tộc Giao Chỉ cũng không lấy làm lạ.

2. Tư liệu khảo cổ tỏ rõ sự giao lưu văn hóa giữa miền Trung Nguyên và miền Lĩnh Nam

Tư liệu khảo cổ đã chứng minh từ thời đầu văn minh Trung Quốc đến thời Tam đại (Hạ-Thương-Chu) thì đã có quan hệ giao lưu mật thiết giữa miền Trung Nguyên và miền Lĩnh Nam.– Vật phẩm tùy táng trong mộ táng ở tầng dưới cùng của di chỉ văn hóa Thạch Hiệp (石峽文化) ở tỉnh Quảng Đông rất phong phú, nhiều đến 60-110 vật, trong đó có không ít đồ trang sức tinh xảo như các loại đồ tông-viện-bích-hoàng-quyết-châu-quản, tầng thứ 3 trong di chỉ lại phát hiện được các đồ rìu ngọc-bích ngọc. C

ác đồ tông ngọc-bích ngọc cũng phát hiện được ở các di chỉ của văn hóa Long Sơn (龍山文化) ở các tỉnh Sơn Đông-Hà Nam-Hồ Bắc và ở di chỉ văn hóa Lương Chử (良渚文化) ở tỉnh Chiết Giang, đối với hai loại đồ này của di chỉ văn hóa Thạch Hiệp rõ ràng là có gốc từ miền Trung Nguyên du nhập vào, lấy ví dụ so sánh miếng tông ngọc lớn số hiệu M105 được khai quật ở đây với miếng tông ngọc lớn phát hiện được ở trên núi Thảo Khuê huyện Ngô tỉnh Giang Tô đều giống nhau ở điểm có hoa văn khắc nông và khoan lỗ tròn ở bên trong, rõ ràng do du nhập vào. Đây là đồ tế lễ sớm nhất từ miền Trung Nguyên du nhập vào miền Lĩnh Nam, chứng tỏ rằng đã có sự giao lưu giữa miền Lĩnh Nam và miền Trung Nguyên từ sớm.

– Di chỉ Hiểu Cẩm (曉錦遺址) thuộc thời giữa-muộn của thời đồ đá mới (thời thứ 1 là 6.000-6.500 năm trước, thời thứ 2 là 3.000-4.000 năm trước) ở huyện Tư Nguyên tỉnh Quảng Tây phát hiện được những nhân tố hạ tầng của văn hóa Tạo Thị (皂市文化) -văn hóa Thang Gia Cương (湯家崗文化) ở tỉnh Hồ Nam, văn hóa Đại Khê (大溪文化)-văn hóa Thạch Gia Hà (石家河文化) ở tỉnh Hồ Bắc, đều có chỗ rất giống nhau.

Chúng tôi cho rằng miền Lĩnh Nam và miền Lĩnh Bắc vào thời đồ đá mới đã có giao lưu qua lại, đến thời nhà Hạ-Thương-Chu lại có giao lưu càng phồn thịnh.– Tầng trên của di chỉ văn hóa Thạch Hiệp (石峽文化) phân bố ở tỉnh Quảng Đông là đại biểu cho hơn 200 di chỉ đồ gốm cứng vẽ hoa văn ngoằn nghèo (quỳ văn/夔紋) của miền Lưỡng Quảng cũng phát hiện nhiều đồ gốm có hoa văn theo phong cách của nhà Hạ-Thương ở miền Trung Nguyên, rõ ràng là kết quả của sự giao lưu văn hóa hai miền Nam-Bắc.
 
– Văn hóa đồng xanh phong cách Thương-Chu ở miền Lĩnh Nam chủ yếu là du nhập từ miền Trung Nguyên. Các huyện Thanh Viễn tỉnh Quảng Đông phát hiện được công cụ và binh khí, nhạc khí, lễ khí bằng đồng xanh thời nhà Thương, trong đó có những đồ vật giống nhau với miền Trung Nguyên.

– Trong mộ táng Nguyên Long Pha (元龍坡墓葬) ở thị trấn Mã Đầu huyện Vũ Minh tỉnh Quảng Tây có niên đại sớm nhất là 3.230 năm trước, là quần thể mộ táng có phát hiện được nhiều đồ tùy táng nhất của miền Lĩnh Nam, phát hiện được 110 đồ đồng xanh thời Thương-Chu, trong đó có nhiều binh khí như qua-mâu-rìu-búa-chủy-đao-mũi tên, lại có đồ đựng như chén đồng-mâm đồng.

– Tầng thứ 2 (cách nay khoảng 3.000- 3.800 năm) của di chỉ Cảm Đà Nham (感驮岩遗址) ở huyện Na Pha tỉnh Quảng Tây phát hiện được 1 chiếc nha chương (牙璋) làm bằng sừng và xương chân thú mài nhẵn. Di chỉ Thôn Đầu (村頭遺址) ở huyện Hổ Môn tỉnh Quảng Đông phát hiện được 3 chiếc nha chương, trong đó 2 chiếc làm bằng đá, 1 chiếc làm bằng xương thú. Di chỉ Đại Loan (大湾遺址) ở đảo Nam Nha đặc khu Hương Cảng phát hiện được 1 chiếc nha chương có niên đại vào cuối thời nhà Thương.

Trong di chỉ văn hóa Phùng Nguyên (馮原文化) ở nước Việt Nam phát hiện được 4 chiếc nha chương, trong đó 1 chiếc có răng dài rất giống chiếc nha chương điển hình của di chỉ văn hóa Nhị Lí Đầu (二里頭文化) ở huyện Yển Sư tỉnh Hà Nam, có nét hoa văn thể hiện tiếp nối từ nha chương của di chỉ Tam Tinh Đôi, di chỉ Nhị Lí Đầu, di chỉ văn hóa Nhị Lí Cương (二里崗文化) niên đại cũng ngang với thời Thương-Chu.

Nha chương có sớm nhất có ở văn hóa Long Sơn ở tỉnh Sơn Đông cho đến văn hóa Nhị Lí Đầu-văn hóa Nhị Lí Cương ở tỉnh Hà Nam, sau đó truyền vào các nền văn hóa ở các tỉnh Hồ Bắc-Hồ Nam-Tứ Xuyên-Phúc Kiến cho đến các tỉnh Quảng Đông-Quảng Tây-Hương Cảng và nước Việt Nam. Nha chương là lễ khí để tế sông núi-trời đất-thần linh, cũng là phù tiết của nhà vua tỏ rõ quân lễ, dùng để sai khiến quân sĩ. Từ việc phát hiện được nha chương ở miền Lĩnh Nam cho ta thấy miền Trung Nguyên và miền Lĩnh Nam vào thời Hạ-Thương-Chu đã có sự giao lưu qua lại, văn hóa Trung Nguyên có ảnh hưởng sâu sắc đến văn hóa Lĩnh Nam.

IV. Lời kết

Từ tư liệu khảo cổ đã chứng minh rằng thời đầu cho đến thời Thương-Chu của văn minh Trung Nguyên của Trung Quốc thì các bộ tộc Hoa Hạ ở miền Trung Nguyên và các bộ tộc Miêu Man ở miền Lĩnh Nam đã có rất nhiều tiếp xúc, có sự giao lưu văn hóa, thậm chí là có di dời và dung hợp giữa các bộ tộc. Trong hoàn cảnh ấy, người miền Trung Nguyên đã biết đến hình dáng thân thể đặc trưng của người miền nam là tập tục “chân hướng vào nhau” gọi là người Giao Chỉ. Các sách Thượng thư-Sử kí cho đến các sách thời Tiên Tần chép chuyện Ngũ Đế từng “đến Nam Giao”, “phía nam vỗ về Giao Chỉ” đương nhiên không phải là ngẫu nhiên, đấy là ghi chép trung thực về tri thức người Trung Nguyên vào thời vua Nghiêu-Thuấn đối với các bộ tộc Giao Chỉ. Chỉ là vào thời Chiến quốc thì người ta đã thêm thắt thêm chuyện vua Nghiêu-Thuấn đã từng tự thân đến Giao Chỉ mà thôi, nhưng không ảnh hưởng đến giá trị tư liệu lịch sử của các ghi chép đó, đó là: Giao Chỉ là tên gọi bộ tộc đặc trưng mà các bộ tộc Hoa Hạ thời vua Nghiêu-Thuấn đặt cho các bộ tộc ở miền cực nam. Các bộ tộc miền Trung Nguyên và miền Lĩnh Nam đã có sự qua lại, giao lưu, di dời và dung hợp không phải chỉ từ có từ thời Xuân thu về sau, mà là theo truyền thuyết đã bắt đầu có từ thời Ngũ Đế.

 

Chú thích:

*Giảng viên Khoa Du lịch của Học viện Thiều Quan tỉnh Quảng Đông

**Sử kí – Ngũ Đế bản kỉ chép Ngũ Đế gồm:
– Hoàng Đế (黃帝)
– Chuyên Húc (顓頊)
– Khốc (嚳)
– Nghiêu (堯)
– Thuấn (舜).

0