Cuộc chinh phạt của người Mông Cổ
Sultan Bayezid bị Timur bắt giữ sau trận Ankara năm 1402, tranh của Stanisław Chlebowski, 1878 Trích từ “Tamerlane: Sword of Islam, Conqueror of the World” Tác giả Justin Marozzi Lưu Quang biên dịch Cuộc chinh phạt của người Mông Cổ, mà các sử gia ...
Trích từ “Tamerlane: Sword of Islam, Conqueror of the World”
Tác giả Justin Marozzi
Lưu Quang biên dịch
Cuộc chinh phạt của người Mông Cổ, mà các sử gia thường thích mô tả là “đã đảo lộn thế giới”, bắt đầu năm 1206. Sau khi chinh phục và thống nhất các bộ lạc hiếu chiến của Mông Cổ về dưới trướng mình, một thủ lĩnh tên là Temuchin[1], khi ấy khoảng gần bốn mươi tuổi, được tôn làm Genghis Khan – nghĩa là Khan của bốn bể, hay là vua của cả thế giới – bên bờ sông Onon. Kinh đô của đế chế đặt tại Karakorum. Dù có rất nhiều bộ tộc chiến đấu dưới quyền ông nhưng từ đó về sau họ chỉ được biết đến với tên gọi Người Mông Cổ. Khi đã được thành lập, lực lượng chiến đấu khổng lồ với quân số có thể không dưới một trăm ngàn người này cần phải có việc mà làm. Nếu không, đội quân ấy nhiều khả năng sẽ nhanh chóng tan rã thành các bộ lạc nhỏ như truyền thống, và làm xói mòn quyền lực của vị thủ lĩnh mới. Thành Cát Tư Hãn nhìn về phương Nam, phía bên kia biên giới và quyết định tấn công vương quốc Đại Kim, phía Bắc Trung Quốc[2].
Đội quân của ông, với tài cưỡi ngựa thần sầu và bắn cung cự phách, tràn qua Châu Á như một cơn sóng thần, đè bẹp bất kỳ kẻ thù nào họ gặp. Năm 1209, người Turkic Uyghurs[3] ở nơi mà ngày nay là Xinjiang[4] xin thần phục. Hai năm sau, người Mông Cổ xâm lược vương quốc phía bắc Trung Quốc và chiếm được thủ đô Peking[5] của vương quốc này vào năm 1215. Ba năm sau, người Quara-Khitay[6], tộc du mục kiểm vùng thảo nguyên dưới chân dãy Altay thuộc miền Bắc Trung Quốc, đầu hàng. Thế là đến năm 1218, đế chế non trẻ của Ghengis đã chạm tới biên giới của Sultan Mohammed, vua của vương quốc Hồi giáo Khorezm[7], người cai trị phần lớn Ba Tư và Mawarannahr[8], khi ấy đóng đô ở Samarkand. Việc Genghis có chủ ý tấn công vị hoàng đế hùng mạnh này hay không vẫn còn gây tranh cãi, nhưng khi một đoàn 450 thương gia Hồi giáo từ lãnh thổ của ông bị tàn sát dã man ở thành phố biên giới Otrar dưới quyền Mohammed vì bị nghi là gián điệp và Mohammed từ chối bồi thường thì chiến tranh là giải pháp duy nhất.
Năm 1219, quân Mông Cổ tràn vào Trung Á. Otrar bị tấn công và và chiếm đóng. Các con trai Ogedey và Chaghatay của Genghis bắt giữ quan tổng trấn và xử tử ông này bằng cách đổ vàng nóng chảy vào cổ họng. Đó là dấu hiệu đầu tiên của chiến dịch tàn bạo kinh hoàng sắp bắt đầu. Mohammed trốn chạy trong sợ hãi, bị truy đuổi gắt gao đến tận một hòn đảo trên biển Caspi, và chẳng bao lâu sau qua đời ở đó. Thành phố Bukhara phồn thịnh thất thủ, Samarkand nhanh chóng chung số phận. 110.000 quân và hai mươi voi chiến của họ không phải là đối thủ của quân Mông Cổ. Nhà nước Hồi giáo đã nếm trải toàn bộ cơn thịnh nộ của Genghis. Đó là kẻ miệt mài chinh chiến và chém giết, kẻ tin rằng, như ông thường nói với các tướng lĩnh của mình, “điều đáng giá nhất với con người là truy đuổi và đánh bại kẻ thù, cướp bóc toàn bộ tài sản của hắn, bỏ thê thiếp hắn gào thét đớn đau, cưỡi ngựa của hắn, lấy thân thể thê thiếp hắn làm chăn gối ban đêm, nhìn ngắm và hôn hít bầu ngực họ, hôn làn môi ngọt lịm của họ.”
Các thành phố bị san phẳng và tàn sát, tù binh bị giết hoặc bị bắt đi trước làm lá chắn cho quân đội trong chiến trận. Đến cả chó mèo cũng bị giết. Khi đi qua Azerbaijan, đội quân xâm lược cướp phá vương quốc Thiên Chúa giáo Georgia[9] vào năm 1221, tàn phá thủ đô Tiflis (tức Tbilisi). Họ tiến bước, qua vùng Caucasus và bán đảo Crimea, theo dòng Volga, đánh đuổi người Bulgar, người Turk và các vị quân vương Nga khi tiến đến bờ bắc biển Caspi. Một cuộc vây hãm khác nhằm vào Urganch, quê hương của các shah. Sau bảy tháng kháng cự, thành phố thất thủ. Nghệ nhân, phụ nữ và trẻ em bị tập trung vào một phía và bị bán làm nô lệ. Tất cả đàn ông còn sống sót bị giết. Mỗi người lính của Genghis được lệnh phải xử tử hai mươi tư tù nhân.
Ở phía Bắc sông Oxus, quân Mông Cổ ập tới thành cổ Termez. Chuyện kể rằng có một phụ nữ xin tha mạng và nói với những kẻ bắt giữ là bà đã nuốt một viên ngọc trai. Bà ta bị mổ bụng và viên ngọc bị lấy đi, và sau đó Genghis có lệnh phanh thây từng xác chết. Balkh, cố đô huyền thoại của đế chế Bactria, sụp đổ trước quân Mông Cổ. Tiếp đến là thành phố Merv, nơi lực lượng lượng của Tuli, một người con trai khác của Genghis, được nói là đã giết tới bảy trăm ngàn người. Herat, Nishapur và Bamiyan cũng chung số phận. Trong những tháng cuối năm 1221, Jalal ad-din, người lãnh đạo lực lượng chống quân Mông Cổ sau khi cha ông, Mohammed bỏ chạy, bị đánh bại trong trận chiến sông Indus. Cuộc chinh phục của người Mông Cổ kết thúc. Năm 1223, Genghis quay về phương Đông. Ông qua đời 4 năm sau, khi cai trị một đế chế chiếm trọn một lục địa, kéo dài từ Trung Quốc tới cửa ngõ châu Âu.
Dù không một người thừa kế nào có được tài năng kiệt xuất như ông nhưng những cuộc chinh phục của người Mông Cổ do Genghis khởi xướng vẫn tiếp tục dưới thời các con và các cháu ông. Lãnh thổ ông chiếm được được phân chia theo truyền thống. Tuli[10], người con út, được phần đất của cha ở Mông Cổ. Jochi[11], con trưởng, được phần đất xa Karakorum nhất, bên bờ Tây của sông Irtish, ở nơi mà sau này trở thành lãnh thổ của Hãn quốc Kim Trướng mà sách sẽ bàn đến ở Chương 2. Ogedey[12], con trai thứ ba và là Đại Hãn tương lai, người lãnh đạo hoàng tộc đứng trên tất cả các anh em khác, được nhận ulus (lãnh thổ) Tây Mông Cổ. Người con thứ hai của Genghis, Chaghatay[13] được thừa kế Trung Á. Vùng đất này về sau được biết đến với tên Chaghatay ulus, và nửa phía tây của nó hình thành nên Mawarannahr, nơi Temur lớn lên.
Năm 1234, Ogedey chinh phục xong nước Kim. Những năm 1240 và 1250 chứng kiến đế chế Mông Cổ vươn về phương Tây, qua miền Nam Nga tiến vào Đông Âu dưới ngọn cờ của Batu[14], người cháu đáng sợ của Genghis, người lập ra Hãn quốc Kim Trướng. Cùng lúc ấy, một người cháu của ông khác là Hulagu[15] cũng đang chinh phục lãnh thổ cho riêng mình bằng vũ lực và lập nên một đế chế bao gồm cả Armenia và Azerbaijan ở phía Tây, Baghdad và và Lưỡi liềm Phì nhiêu ở phía Nam, và trải dài về phía đông tới tận Khorasan, miền Đông Ba Tư. Là người lập nên Hãn quốc Y Nhi[16] ở Ba Tư, Hulagu được các đạo quân Mông Cổ dưới quyền người anh trai là Đại Hãn Mönke[17] cùng với các phân đội của cả Batu và Chaghatay. Khi hợp lực lại, các hãn quốc đã chứng tỏ họ là bất khả chiến bại.
Lịch sử chỉ ra rằng lập nên một đế chế thì dễ hơn là gìn giữ nó, và số phận của những người thừa kế Genghis cũng không nằm ngoài quy luật. Khi Đại Hãn Mönke chết năm 1259, thời đại chinh phục của người Mông Cổ tiến gần đến kết thúc. Năm 1260, quân Mông Cổ bị quân Ai Cập đánh bại trong trận Ain Jalut. Chỉ huy quân Ai Cập là Baybars, người sau đó trở thành sultan đầu tiên của đế chế Mamluk ngay trong năm đó. Châu Phi đóng sập cửa vĩnh viễn trước những kẻ xâm lăng ngoại đạo từ phương Đông. Ở Nam Trung Quốc, Nhà Tống sụp đổ trước người cháu nổi tiếng của Genghis là Kubilay[18] vào năm 1279 nhưng vào thời điểm ấy, Đế quốc Mông Cổ đã bị xé nát vì nội chiến trong suốt hai thập kỷ. Thay vì đoàn kết để tiếp tục vươn quyền kiểm soát về phương Tây, Kim Trướng và Y Nhi lại đánh lẫn nhau vào năm 1262 để tranh giành các mục trường ở Azerbaijan và Caucasus. Cùng lúc ấy ở phương Đông, nhà Tuli đang bị chia rẽ vì Kubilay và người em Arigh Boke[19] đánh lẫn nhau trong cuộc nội chiến kéo dài bốn năm tranh ngai vàng. Đến cuối thế kỷ mười ba, Chaghatay ulus chìm trong chiến trận với ba đế chế hậu duệ của Genghis khác. Các đế chế mà vị vua của thế giới trao lại cho các con mình đã quay ra cắn xé nhau.
Chú thích:
1] Thiết Mộc Chân – bản dịch này giữ nguyên tên tiếng Anh như trong bản gốc và chú thích thêm phiên âm Hán Việt.
[2] Tác giả dùng tên các quốc gia hiện đại để độc giả dễ hình dung; trên thực tế, các nước được nhắc đến đều đang nằm dưới quyền cai trị của các vương triều khác nhau và chưa có tên cũng như biên giới như chúng ta biết ngày nay.
[3] Duy Ngô Nhĩ
[4] Tân Cương
[5] Thực ra lúc đó Peking (Bắc Kinh) có tên là Trung Đô.
[6] Tây Liêu
[7] Còn được gọi là Vương quốc Khwarezmid hay Khwarazm.
[8] Transoxiana (hoặc Transoxania) trong tiếng Anh.
[9] Thường được người Việt Nam biết đến với tên Gruzia.
[10] Hoặc Tolui – Hán Việt: Đà Lôi.
[11] Truật xích
[12] Oa Khoát Đài
[13] Sát Hợp Đài
[14] Bạt Đô
[15] Húc Liệt Ngột
[16] Ilkhanid
[17] Mông Kha
[18] Hốt Tất Liệt
[19] A Lý Bất Ca
Nguồn bài đăng