11/05/2018, 14:53

Khái niệm, Cơ cấu, Tiểu và phản văn hoá, Tính xã hội của văn hoá?

11.1. Khái niệm văn hoá – Trong tiếng Việt thuật ngữ “văn hoá” cũng có nhiều nghĩa, có lúc nó dùng để chỉ những phong cách ứng xử giữa các cá nhân mà phù hợp với các chuẩn mực, giá trị của các xã hội. Trong trường hợp khác nó chỉ những người có học thức. Lúc này khái niệm văn hoá ...

11.1. Khái niệm văn hoá
– Trong tiếng Việt thuật ngữ “văn hoá” cũng có nhiều nghĩa, có lúc nó dùng để chỉ những phong cách ứng xử giữa các cá nhân mà phù hợp với các chuẩn mực, giá trị của các xã hội.
Trong trường hợp khác nó chỉ những người có học thức. Lúc này khái niệm văn hoá được hiểu như là trình độ học vấn. Thuật ngữ văn hoá còn được dung để chỉ các loại hình nghệ thuật như phim ảnh, hội hoạ, điêu khắc, kịch… và các loại hình mang tính chất giải trí khác.
– Có nhiều cách định nghĩa khác nhau về văn hoá. Mỗi ngành khoa học nghiên cứu về văn hoá (như Xã hội học, tâm lý học, sử học…) có những cách nhìn nhận khác nhau. Triết học coi “văn hoá là toàn bộ những giá trị vật chất và tinh thần do con người tạo ra trong quá trình thực tiễn lịch sử xã hội và đặc trưng cho trình độ đạt được trong sự phát triển lịch sử của xã hội”. Trong Xã hội học “văn hoá có thể được xem xét như là một của các giá trị, chân lý, các chuẩn mực và mục tiêu mà con người cùng thống nhất với nhau trong quá trình tương tác và trải qua thời gian”.

11.2. Cơ cấu của văn hoá

– Chân lý: là tính chính xác, rõ ràng của tư duy hoặc chân lý là những nguyên lý được nhiều người thừa nhận, là sự phản ánh đúng đắn thế giới khách quan trong đầu óc con người.
– Giá trị: là cái mà ta cho là đáng có, mà ta thích, ta cho là quan trọng để hướng dẫn cho hành động của con người. Giá trị chứa đựng một số yếu tố nhận thức có tính chất hướng dẫn và lựa chọn.
– Mục tiêu: được coi như sự dự đoán trước kết quả của hành động. Là cái đích cần phải hoàn thành, mục tiêu có khả năng hợp tác các hành động khác nhau của con người vào trong một hệ thống, kích thích đến khả năng xây dựng phương án và tổ chức hành động. Mục tiêu chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của giá trị. Giá trị thé nào thì mục tiêu như thế ấy.
– Chuẩn mực: là tổng số những mong đợi, những yêu cầu, những quy tắc của xã hội được ghi nhận bằng lời, bằng ký hiệu hay bằng các biểu tượng để hướng dẫn và quy định đối với các hành vi của các thành viên trong xã hội.

11.3. Tiểu văn hoá và phản văn hoá

– Tiểu văn hoá: Các nhóm, các cộng đồng của mỗi xã hội đều xây dựng những khuôn mẫu hành vi, các quan điểm, các giá trị đặc trưng của mình. Thông thường chúng phù hợp với các chuẩn mực, giá trị chung của xã hội. Khi tập hợp các giá trị của các chuẩn mực, khuôn mẫu hành động của nhóm khác biệt với các chuẩn mực chung, nhưng không đối lập với chúng thì trong các nhóm xã hội đó đã có một nền tiểu văn hoá.
– Phản văn hóa: Phản văn hoá được coi như tập hợp các chuẩn mực, giá trị của một nhóm người trong xã hội, mà chúng đối lập với các giá trị và chuẩn mực chung của toàn xã hội.

11.4. Tính xã hội của văn hoá

– Văn hoá là sản phẩm của loài người, vì nếu như hành vi của con vật chủ yếu đã được chương trình hoá theo gen di truyền, hoặc theo bản năng thì hành vi của con người có được chủ yếu là do học hỏi bằng con đường chính thức và không chính thức. Vai trò của văn hoá trong cuộc sống con người cũng như bản năng trong cuộc sống động vật.
– Văn hoá được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác thông qua quá trình xã hội hoá. Một trong những tác nhân quan trọng nhất của quá trình xã hội hoá là ngôn ngữ. Mà ngôn ngữ là trong những biểu hiện cơ bản để phân biệt người với các động vật khác. Ở đây ngôn ngữ được định nghĩa như là một hệ thống giao tiếp, sử dụng âm thanh hoặc các biểu trưng khác nhau nhưng có những nghĩa được quy định. Như vậy cho dù rất nhiều biểu hiện của văn hoá không dung đến lời nói như hội hoạ, múa… các thói quen vẫn có thể được mô tả qua ngôn ngữ. Chính vì vậy ngôn ngữ là công cụ giao tiếp chủ yếu. Nhờ ngôn ngữ mà tư duy con người có thể chuyển giao và thu nhận các giá trị, chuẩn mực, văn hoá, các khuôn mẫu của hành vi cá nhân.
Ngôn ngữ có tính xã hội, con người không thể học được ngôn ngữ bên ngoài xã hội.

0