Tư tưởng hồ chí minh về đại đoàn kết quốc tế
1. Sự cần thiết xây dựng đoàn kết quốc tế. Thực hiện đại đoàn kết quốc tế nhằm kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, tạo sức mạnh tổng hợp cho cách mạng. Sức mạnh của dân tộc Việt Nam là sự tổng hợp của các yếu tố vật chất và tinh thần. Trước hết là chủ nghĩa yêu nước và ý ...
1. Sự cần thiết xây dựng đoàn kết quốc tế.
- Thực hiện đại đoàn kết quốc tế nhằm kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, tạo sức mạnh tổng hợp cho cách mạng.
Sức mạnh của dân tộc Việt Nam là sự tổng hợp của các yếu tố vật chất và tinh thần. Trước hết là chủ nghĩa yêu nước và ý thức tự lực, tự cường dân tộc; sức mạnh của tinh thần đoàn kết, của ý chí đấu tranh anh dũng, bất khuất cho độc lập tư do…chính sức mạnh đó được lịch sử cách mạng Việt Nam chứng minh trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước.
Trong quá trình hoat động cách mạng của mình, Hồ Chí Minh luôn chú ý tổng kết thực tiễn dưới ánh sáng chủ nghĩa Mác- Lênin, Người đã từng bước phát hiện ra sức mạnh vĩ đại tiềm ẩn trong các trào lưu cách mạng thế giới mà Việt Nam cần tranh thủ, điển hình là cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917.
Theo Người, đối tượng đoàn kết quốc tế rất rộng lớn. Đó là phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, phong trào cách mạng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động ở chính quốc và các nước TBCN nói chung, đoàn kết với nước Nga XôViết và các nước dân chủ. Đặc biệt là đoàn kết với nhân dân Lào và nhân dân Campuchia, thực hiện khối đại đoàn kết Việt- Miên- Lào, trong cuộc đấu tranh chống CNĐQ thực dân giành độc lập, tự do cho nhân dân mỗi nước.
- Thực hiện đoàn kết quốc tế, nhằm góp phần cùng nhân dân thế giới thực hiện thắng lợi các mục tiêu cách mạng.
Thời đại mà HCM sống và hoạt động chính trị là thời đại đã chấm dứt thời kỳ tồn tại biệt lập giữa các quốc gia, mở ra các quan hệ quốc tế ngày càng sâu rộng cho các dân tộc, làm cho cận mệnh của mỗi dân tộc không thể tách rời vận mệnh chung của cả loài người. Vì lẽ đó, HCM cho rằng, Đảng phải lấy toàn bộ thực tiễn của mình để chứng minh: chủ nghĩa yêu nước triệt để không thể nào tách rời với chủ nghĩa quốc tế vô sản trong sáng.
Theo HCM, muốn tăng cường đoàn kết quốc tế trong cuộc đấu tranh vì mục tiêu chung, các Đảng Cộng sản phải kiên trì chống lại mọi khuynh hướng sai lầm của chủ nghĩa cơ hội, chủ nghĩa vị kỷ dân tộc, chủ nghĩa Sôvanh…những khuynh hướng làm suy yếu sức mạnh đoàn kết thống nhất của các lực lượng cách mạng thế giới.
Như vậy, trong tư tưởng HCM, thực hiện đoàn kết quốc tế, kết hợp chặt chẽ chủ nghĩa yêu nước với chủ nghĩa quốc tế vô sản là nhằm góp phần cùng nhân dân thế giới thực hiện thắng lợi các mục tiêu cách mạng của dân tộc và của thời đại. Bởi lẽ, theo Người: Độc lập cho dân tộc mình đồng thời là độc lập cho dân tộc bạn, giúp bạn là tự giúp mình.
2. Nội dung và hình thức đoàn kết quốc tế
- Các lực lượng cần đoàn kết
– Theo HCM các lực lượng cần đoàn kết là:
+ Phong trào cộng sản và công nhân quốc tế
+ Phong trào đấu tranh GPDT
+ Phong trào hòa bình dân chủ thế giới
– Đối với phong trào cộng sản và công nhân thế giới: Sự đoàn kết giữa giai cấp vô sản quốc tế là một đảm bảo vững chắc cho thắng lợi của chủ nghĩa cộng sản. Điều này được HCM thể hiện trong lời phát biểu của mình tại Đại hội Tua Tháng 12/1920: “Nhân danh toàn thể loài người, nhân danh tất cả các đảng viên xã hội, cả phái hữu lẫn phái tả, chúng tôi kêu gọi: các đồng chí hãy cứu chúng tôi”. (HCMTT, tập 1, tr 23- 24, NxbCTQG, HN 2002).
– Đối với phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc: CNĐQ là kẻ thù của nhân loại, chúng có âm mưu chia rẽ dân tộc, tạo sự biệt lập, đối kháng và thù ghét dân tộc, chủng tộc…nhằm làm suy yếu phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa. Vì lẽ đó, Người đã kiến nghị Ban phương Đông Quốc tế Cộng sản về những biện pháp nhằm: “ Làm cho các dân tộc thuộc địa, từ trước đến nay vẫn cách biệt nhau hiểu biết nhau hơn và đoàn kết lại để đặt cơ sở cho một liên minh Phương Đông tương lai, khối liên minh này sẽ là một trong cái cánh của cách mạng vô sản”.
– Đối với các lực lượng tiến bộ, những người yêu chuộng hòa bình dân chủ, tự do và công lý: HCM cũng tìm mọi cách để thực hiện đoàn kết. Trong quá trình đó, đã gắn cuộc đấu tranh vì độc lập ở VN với mục đích bảo vệ hòa bình, tự do, công lý và bình đẳng để tập hợp và tranh thủ sự ủng hộ của các lực lượng tiến bộ trên thế giới, từ đó HCM đã khơi gợi lương tri của loài người tiến bộ, tạo những tiếng nói ủng hộ mạnh mẽ từ các tổ chức quần chúng, các nhân sĩ trí thức và từng con người trên hành tinh, tích cực đấu tranh vì sự tiến bộ và phát triển của loài người.
- Hình thức đoàn kết
Dựa trên cơ sở các quan hệ về địa lí- chính trị và tính chất chính trị xã hội trong khu vực và trên thế giới, cũng như tình hình và nhiệm vụ cách mạng trong mỗi thời kì. HCM đã từng bước xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết quốc tế tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của các trào lưu cách mạng thời đại, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam.
Trong mối quan hệ quốc tế, HCM luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với các dân tộc trên bán đảo Đông Dương. Bởi lẽ, cả ba dân tộc đều là láng giềng gần gũi của nhau, có nhiều điểm tương đồng về lịch sử, văn hóa và cùng chung một kẻ thù là thực dân Pháp. Năm 1941, để khơi dậy sức mạnh và quyền tự quyết của mỗi dân tộc. Người quyết định thành lập riêng biệt Mặt trận độc lập đồng minh cho từng nước Việt Nam, Lào, Cao Miên, tiến tới thành lập Đông Dương độc lập đồng minh và Mặt trận đoàn kết Việt- Miên- Lào nhằm phối hợp và giúp đỡ nhau cùng chiến đấu, cùng thắng lợi.
Đối với các nước khác, Người chăm lo củng cố mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị, hợp tác nhiều mặt theo tinh thần “ vừa là đồng chí, vừa là anh em”.
Như vậy, trong tư tưởng đại đoàn kết, HCM đã định hướng cho việc hình thành bốn tầng mặt trận:
+ Mặt trận đại đoàn kết dân tộc
+ Mặt trận đoàn kết Việt- Miên- Lào
+ Mặt trận nhân dân Á- Phi đoàn kết với Việt Nam
+ Mặt trận nhân dân thế giới đoàn kết với VN chống đế quốc xâm lược.
3. Nguyên tắc đoàn kết quốc tế
- Đoàn kết trên cơ sở thống nhất mục tiêu và lợi ích có lý, có tình
Hồ Chí Minh đã phát hiện ra sự tương đồng giữa các nước chống đế quốc chủ nghĩa nhờ đặt cách mạng Việt Nam trong bối cảnh chung của thời đại kết hợp lợi ích của cách mạng Việt Nam với trào lưu cách mạng thế giới và nhận thức về nghĩa vụ của Việt Nam đối với sự nghiệp chung của loài người tiến bộ.
Đối với phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, Hồ Chí Minh giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, thực hiện đoàn kết thống nhất trên nền tảng của chủ nghĩa Mác – Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản có lý, có tình.
– “Có lý”: phải tuân thủ những nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin, phải xuất phát từ lợi ích chung của cách mạng thế giới.
– “Có tình”: là sự tôn trọng lẫn nhau, thông cảm, chia sẻ, trên tinh thần tình cảm của những người cùng chung lý tưởng, cùng chung mục tiêu đấu tranh, cùng hành động vì lợi ích chung.
– “Có lý”, “có tính” vừa thể hiện tính nguyên tắc, vừa là một nội dung của chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh – chủ nghĩa nhân văn cộng sản. Nó có tác dụng rất lớn trong việc củng cố khối đoàn kết quốc tế của giai cấp công nhân và của nhân dân lao động. Vì vậy, Hồ Chí Minh luôn giương cao ngọn cờ độc lập, tự do và quyền bình đẳng giữa các dân tộc và hòa bình trong công lý, tiến tới một nền hòa bình thật sự cho tất cả các dân tộc – “hòa bình trong độc lập tự do”. Chủ tịch Hội đồng Hòa bình thế giới Rômét Chanđra từng nói: “Bất cứ nơi nào chiến đấu cho độc lập, tự do, ở đó có Hồ Chí Minh và ngọn cờ Hồ Chí Minh bay cao…”.
- Đoàn kết trên cơ sở độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường
Theo Hồ Chí Minh đoàn kết quốc tế là tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ, giúp đỡ của các lực lượng quốc tế. Để đoàn kết quốc tế tốt phải có nội lực tốt. Nội lực là nhân tố quyết định, còn nguồn lực ngoại sinh chỉ có thể phát huy tác dụng thông qua nguồn lực nội sinh. Vì vậy, trong đấu tranh cách mạng, Hồ Chí Minh luôn nêu cao khẩu hiệu: “Tự lực cánh sinh, dựa vào sức mình là chính”; “muốn người ta giúp cho thì trước hết mình phải tự mình giúp lấy mình đã”; và Người chỉ rõ: “Một dân tộc không tự lực cánh sinh mà cứ ngồi chờ dân tộc khác giúp đỡ thì không xứng đáng được độc lập”.
Hồ Chí Minh cho rằng: muốn tranh thủ được sự ủng hộ quốc tế. Đảng phải có đường lối độc lập, tự chủ đúng đắn. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và kháng chiến chống thực dân Pháp của Việt Nam là thắng lợi của đường lối đúng đắn và sáng tạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, đến kháng chiến chống Mỹ thắng lợi với đường lối độc lập, tự chủ giương cao hai ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, kết hợp hài hòa lợi ích dân tộc và lợi ích quốc tế.
Kết luận:
– Đại đoàn kết dân tộc là chiến lược cách mạng, là cội nguồn sức mạnh làm nên mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam, một đóng góp quan trọng vào cách mạng thế giới. Đây là đóng góp sáng tạo của HCM mà các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác- Lênin chưa đề cập tới.
– Tư tưởng đại đoàn kết dân tộc của HCM là một đóng góp quan trọng vào kho tàng kinh nghiệm cách mạng thế giới, làm phong phú lý luận chủ nghĩa Mác- Lênin về công tác vận động và tổ chức quần chúng của Đảng Cộng sản.
– Thực tiễn CMVN đã và đang chứng minh sức sống ký diệu của tư tưởng đại đoàn kết HCM, đây là một trong những nhân tố quan trọng giúp chúng ta vượt qua mọi khó khăn thử thách để tiến tới mục tiêu: “ Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.
Trong công cuộc đổi mới hiện nay, trong quá trình lãnh đạo, Đảng ta đã kế thừa, vận dụng và phát triển đất nước rửa được cái nhục đói nghèo, lạc hậu, cái nhục tụt hậu xa hơn về kinh tế, khoa hoc, công nghệ so với các nước trong khu vực và trên thế giới, quyết tâm chấn hưng đất nước, không bỏ lỡ thời cơ, vận hội, phát huy tinh thần tự lực tự cường, đẩy lùi mọi nguy cơ, vượt qua mọi thử thách, phát huy được tính năng động của mỗi người của cả cộng đồng.
Trong điều kiện hiện nay, đại đoàn kết theo tư tưởng HCM đòi hỏi phải xây dựng được một Đảng cầm quyền thật sự trong sạch, vững mạnh, cán bộ, đảng viên thật sự vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân.
Trong khuôn khổ luật pháp, tiếp tục đổi mới chính sách giai cấp, chính sách xã hội, hoàn thiện chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo…
Muốn vậy, Đảng và Nhà nước phải chủ động xác định rõ các bước hội nhập quốc tế trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay. Thực hiện chính sách mở cửa giao lưu, hợp tác, đa dạng hóa, đa phương hóa, củng cố khối đoàn kết với mọi lực lượng tiến bộ trên thế giới vì mục tiêu hòa bình, độc lập dân tộc dân chủ và phát triển.