25/05/2018, 17:42
Kẻ Chợ - Kattigara xa xăm thân yêu
Ngô Đức Thọ 1. Để mở đầu bài viết tôi xin trích Từ điển bách khoa Việt Nam giải thích địa danh Kẻ Chợ như sau: Ngoài một cụm từ khá mới: “Hạt nhân kinh tế -xã hội”, mấy thông tin chủ yếu trong mục từ nói trên đại thể cũng giống như Lịch sử Việt Nam ...
Ngô Đức Thọ
|
1. Để mở đầu bài viết tôi xin trích Từ điển bách khoa Việt Nam
giải thích địa danh Kẻ Chợ như sau: Ngoài một cụm từ khá mới: “Hạt nhân
kinh tế -xã hội”, mấy thông tin chủ yếu trong mục từ nói trên đại thể
cũng giống như Lịch sử Việt Nam Tập I đã viết ngót 30 năm
trước:“Thăng Long bấy giờ quen gọi là kinh kỳ hay Kẻ Chợ, là một thành
thị vào loại lớn ở Á Đông. Người phương Tây đến nước ta hồi thế kỷ XVII
đều nhận xét Thăng Long là một thành thị lớn ở châu Á…”
Nói tóm gọn thì cả hai tài liệu dẫn trên đều cho rằng:-Từ Kẻ Chợ do
người phương Tây thường gọi kinh thành Thăng Long mà có.-Thời gian xuất
hiện và quen dùng chỉ trong khoảng hai thế kỷ 17 -18.Càng gần đến Đại lễ
kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, trên các trang báo giấy báo mạng
xuất hiện nhiều bài viết về Kẻ Chợ, nhiều chi tiết bình luận, dẫn chứng
ca dao tục ngữ v.v.., nhưng chủ yếu vẫn chỉ có hai thông tin như trên.
Đáng chú ý có bài của tác giả Phan Văn Tình phát hiện tên “người phương
tây”đã ghi về địa danh Kẻ Chợ: Đó là Alexandre de Rhodes: Trong Từ điển Việt - Bồ - La (1651), ở mục từ Kẻ, soạn giả giả thích: "Những
người, chỉ dùng nói về người ta khi nói cách không kính trọng. Kẻ chợ:
Những người ở trong chợ, nghĩa là những người ở kinh đô Đông Kinh" (tr.123, phần Phụ lục tiếng Việt).
Bài sưu tầm của ông Tình[1]
được nhiều báo chuyển tải, cho là “thông tin rất độc đáo”. Đáng tiếc đó
là một mục từ đã bị A.de Rhodes định nghĩa và giải thích sai (xin xem ở
dưới)
2.Tôi
không có nhiệm vụ chuyên trị địa danh “Kẻ Chợ”, nhưng một dịp cách đây
6-7 năm có bạn nghiên cứu là một giáo sư người Pháp bất ngờ hỏi tôi:
trong tài liệu Hán Nôm có chỗ nào có từ Kẻ Chợ không? Câu hỏi thật bất
ngờ nhưng thú vị. Điểm nhanh quả thật thấy chưa có bài viết nào nói đến
từ Kẻ Chợ trong thư tịch bi ký Hán Nôm, đành trả lời không với câu hỏi
của người bạn. Nhưng vì câu hỏi đó, hễ có dịp là tôi tìm đọc trong các
sách của Lê Quý Đôn, Phạm Đình Hổ, Phan Huy Chú v.v…, cả nhiều thác bản
văn bia mà tôi thường xem đọc: Tịnh vô không một tài liệu nào có từ Nôm
cổ quý thân yêu đó. Bây giờ tôi đã có cả “ lô sêcxông” tư liệu từ Kẻ Chợ
trong sách Hán Nôm. Hân hạnh trích ảnh dẫn ra đây một số để quý vị và
các bạn tham dự Hội thảo tận mắt nhìn thấy từ Nôm đặc sắc này:
Q.1-61a Q.1-66a Q.1- 67a
-Sơ thụ Kinh quan giáo chức = Mơi sơ chịu làm chịu làm quan giáo chức KẺ CHỢ (Trà đồng giáng đản lục, Q.1-52b)
-Thiệu Bình gian ngụ cư Trường An = Năm Thiệu Bình thủa ấy ra ở KẺ CHỢ (Tây Viên kỳ ngộ ký, Q.1- 61a)
-Kinh thành sĩ nữ quan du tứ xuất = Trai gái trong KẺ CHỢ bốn bề ra xem chơi (Tây Viên kỳ ngộ ký, Q.1- 66a)
-Sổ nguyệt hậu, sinh hương tín chí Trường An = Sau vài tháng, ngươi Nhân Giả có tin nhà đến KẺ CHỢ (Tây Viên kỳ ngộ ký, 67 a-b)
Trích hết phải đến 3-40 câu. Từ Kẻ Chợ như vậy có cứ liệu văn bản Hán Nôm khá rõ ràng:
Về
chữ Nôm không có gì mới lạ: chữ KẺ 几(Nôm) viết bằng chữ Kỷ 几(Hán Việt).
Chữ CHỢ (Nôm) trên là chữ Trợ 助(giúp), dưới là chữ Thị 市(chợ), thuộc
cấu trúc biểu âm kiêm biểu ý. Cái đáng chú ý nhất đó là minh chứng xác
tạc, nói lên rằng tên gọi kẻ Chợ do người nước ta ghi trên văn bản của
ta chứ không phải nhờ người Tây ghi mà có.
Nhưng về niên đại, Truyền kỳ mạn lục
khắc in năm Cảnh Hưng 24 (1763), chưa vuợt khỏi cái vành đai hai thế kỷ
17-18. Có thể biện luận để đẩy từ Kẻ Chợ ở sách này lên thế kỷ 16 vì
Nguyễn Dữ là người thế kỷ 16. Nhưng từ Nôm Kẻ Chợ lại thuộc phần dịch
Nôm của Nguyễn Thế Nghi, mà tiểu truyện Nguyễn Thế Nghi trong phần Tục biên của Công dư tiệp ký - tuy có ghi “ông có diễn Truyền kỳ truyện nghĩa”, không chỉnh lắm, nhưng có thể hiểu đó là nói việc Nguyễn Thế Nghi dịch Nôm Truyên kỳ mạn lục
của Nguyễn Dữ - các chi tiết khác có vẻ giai thoại nghich ngợm, nửa tin
nửa ngờ (như nói sau khi được phong tước Đại Hưng hầu, Nguyễn Thế Nghi
bèn đến cửa Đại Hưng (tức Cửa Nam) đề một câu thơ: “Anh hùng ai nấy nhung nhăng, Nào ai đến cửa Đại Hưng chẳng luồn!). Nhà Mạc không có sử riêng, nhưng chính sử như Toàn thư, Cương mục, hoặc tư sử như Đại Việt thông sử của Lê Quý Đôn không một lần nào nhắc đến Đại Hưng hầu v.v…
3.Việc
tìm thấy từ Kẻ Chợ trong TKML thúc đây tôi phải cố tìm nữa để có tư
liệu càng cổ hiếm hơn càng tốt! Hoá ra tài liệu cần tìm vốn dĩ tôi đã có
trong tay từ lâu: Đó là nguyên bản in của cuốn từ điển song ngữ Hán Nôm
mang tên Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa. Tôi đã nghiên cứu một số chuyên đề về cuốn sách này, không ngờ trong đó hai chữ muôn vàn quý giá:
Bang kỳ: KẺ CHỢ khoẻ bền muôn thu
邦畿:几助劸卞門秋
(Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa, 5a)
Chữ thuộc cấu trúc biểu âm, dùng Trợ 助Hán Việt để ghi âm Nôm Chợ. Niên đại của bản in sách Chỉ nam ngọc âm
cũng tức là niên đại của địa danh Nôm KẺ CHỢ đã trích dẫn ảnh trên
đây, tôi đã có chuyên đề nhiều năm tìm kiếm cứ liệu và thực hiện một
nghiên cứu bao gồm liên tiếp 9 công đoạn: 1-Khảo sát và chứng minh chữ
không phải chữ “sào巢”như TS.TXNL đã đọc. 2. Dẫn các mẫu và công trình
nghiên cứu để chứng minh đó là một chữ viết kiêng huý - gồm chữ đặt dưới
một ký hiệu có 4 nét gãy chuyên dùng để thể hiện các chữ kiêng huý.
3-Tìm cách đọc âm của chữ 踝(chữ này ";rất cổ và hiếm, phải tra cứu trong
các từ thư tự điển trước thời Đường Tống như Ngọc thiên,Nhĩ nhã
v.v…), các định chính âm của nó đọc là “hoả” (hô ngoã thiết), chứ không
phải là “khoả” như chị L. đã đọc. 4. Khảo cứu chứng minh chữ viết bộ
“túc足” chứ không phải chữ bộ “nhật” 暕5.Tìm kiếm xác định “HOẢ” là chữ
tên huý của vị vua chúa nào trong lịch sử Việt Nam. – Vì thời Hồ không
còn một thư tịch bi ký nào nên khi thống kê hay nghiên cứu giai đoạn
này, hết triều Trần chúng ta thường chuyển ngay sang triều Lê sơ. Do đó
tôi quyết định phải nghiên cứu vấn đề kiêng huý dưới triều Hồ. 6.Tận sức
sưu tập từ nguồn tư liệu hết sức ít ỏi để dựng cho được bản lược đồ phả
hệ của họ Hồ. 7.Lược đồ dựng xong vẫn không thấy chữ “Hoả” xuất hiện,
kiểm tra lại, quả nhiên phát hiện thông tin cần tìm trong Đại Việt sử ký toàn thư. Toàn thư
ghi rõ Hồ Hán Thương - vị vua thứ hai của triều Hồ - khi nhỏ (trước khi
làm vua) tên là HOẢ. Xác định “踝”( Hoả) là tên của Hồ Hán Thương trước
khi nối ngôi, do kiêng huý được viết thêm thành 8.Tìm cứ liệu chứng minh
việc kiêng huý chữ Hoả: Núi Hoả Vân sơn và ngôi lầu trên núi ấy là Hoả Vân lâu từ đời Trần về trước đều ghi với tên ấy, từ đầu đời Hồ Hán Thương đổi gọi là Đại Vân sơn và Đại Vân lâu. Toàn thư đã chép theo tên đã đổi đó (Toàn thư, BK1-16b) 9.Không chỉ chữ huý của Hồ Hán Thương, cả chữ kiêng huý Hồ Quý Ly cũng được tìm thấy (Chỉ nam ngọc âm, 5b) [2FONT>Quá
trình khảo cứu trải qua 9 công đoạn liên hoàn, phải có kết quả chính
xác ở công đoạn trước mới có thể thực hiện được công đoạn sau, để đi đến
kết luận chữ viết trên văn bản là chữ tên huý của Hồ Hán Thương
(1401-1407) và năm Tân Tị khắc trên nguyên bản là năm Tân Tị 1401 niên
hiệu Thiệu Thành thứ 1 đời Hồ Hán Thương.
Đến đây chúng ta có bằng chứng chắc chắn để xác định niên đại khắc in của nguyên bản sách Chỉ nam ngọc âm hiện có là năm Tân Tị 1401.[3]
Đó
cũng là niên đại tối thiểu của từ KẺ CHỢ xuất hiện trong sách này (đầu
thế kỷ XV), nhưng sách phải qua quá trình biên soạn và khắc in trước đó
nhiều năm và hoàn toàn có thể nâng tuổi thọ của hai chữ KẺ CHỢ đó vào
trong khung của thế kỷ 14.- đã cổ hơn 3-4 thế kỷ so với vành đai quá gò
bó hai thế kỷ 17-18!
4.a “Chắc đằng chân lân đằng đầu”: địa danh KẺ CHỢ như vậy chắc chắn đã có tuổi đời từ thế kỷ 14-15 rồi. Lời Chỉ nam ngọc âm rất vang:
Kinh kỳ: KẺ CHỢ khoẻ bền muôn thu!
Lần
này phải tìm sâu trong lịch sử dân tộc. Thú thực, chắc cũng nhiều người
nhận thấy cổ sử nước ta còn như một cái vườn hoang: nào tên nước là Văn
Lang, các bộ Giao Chỉ, Chu Diên, v.v...Thời đó nước ta đã đã bị người
Tàu đô hộ đâu mà họ nhảy sang đặt tên cho các bộ của vua Hùng? Còn nhiều
vấn đề trống trơn quá. Từ lâu tôi vẫn suy nghĩ về địa danh Giao Chỉ,
nhân dịp này cũng cố gắng tìm kiếm thêm. Nhờ khoa học kỹ thuật tiến bộ,
ngày nay việc tra cứu trên mạng đem lại nhiều tiện ích. Hãy dẫn ra đây
muc “Giao Chỉ” trong Bách khoa toàn thư mở Wikipedia xem họ nói thế nào:
Giao Chỉ (chữ Hán交趾 hoặc 交阯) là tên gọi địa danh một phần lãnh thổ Việt Nam trong lịch sử, từ thời Hùng Vương đến các kỳ thời Bắc thuộc.:
Định
nghĩa như vậy xét nội hàm xem ra không sai, nhưng vẫn bám vào từ Giao
Chỉ là không ổn, lý do như trên đã nói. Thời ấy đã có giao lưu văn hoá
mở trường dạy tiếng Tàu đâu? Sử ghi người Việt Thường sang sứ nhà Chu
phải qua hai lần phiên dịch (trùng dịch) mới hiểu ý nhau. Tóm tắt mấy
điểm chính Wikipedia giải thích từ Giao Chỉ:
-Theo Từ hải,
chữ 趾 có 4 nghĩa: 1 Cùng nghĩa với "cước" là chân. 2-Nghĩa là "cước
chỉ", tức ngón chân. 3-Nghĩa là "tông tích", tức dấu tích. 4-Thông nghĩa
với chữ chỉ có bộ thổ 址, nghĩa là cái nền, nền móng, như "cơ chỉ", "trụ chỉ"
-Do vậy chữ Chỉ được hiểu theo nhiều cách, từ đó chữ Giao Chỉ cũng được hiểu theo nhiều cách. Đỗ Hựu trong bộ Thông điển
cho rằng: "Giao Chỉ là người Nam di, ngón chân cái toạc ra, đứng thẳng
hai bàn chân thì ngón chân cái giao vào nhau, cho nên gọi là Giao Chỉ
(chỉ là ngón chân cái)". Ý kiến này được nhiều học giả Trung Hoa và Việt
Nam chấp nhận”. (không dẫn hết)
Về
ý thứ 3 nói: vì người Giao Chỉ hai ngón chân cái xoạc ra như giao vào
nhau thì đúng là khá phổ biến. Tôi từ nhỏ đã được người lớn giảng cho
nghe như thế. Sau này thấy nhiều cụ già có hai ngón chân cái xoạc ra,
tôi vẫn nghĩ do người mình từ nhỏ đã phải gánh vác nặng, đường đất mưa
bùn lầy lội phảm bám chân chặt, ngón cái lâu ngày xoạc ra v.v…
Wikipedia
có thể ghi lại như vậy để biết, nhưng coi đó như giải thích chính thức
thì sai lầm là cái chắc! Tôi từ lâu đã không còn tin vào cách giải thích
địa danh theo kiểu giai thoại như vậy. Không ít tác giả đã viết về Giao
Chỉ, nhưng về tên gọi thì hoặc không đề cập đến, hoặc nhắc lại các quan
niêm sai rất cũ như thể hiện ở Wikipedia đã trích trên đây[4]. Wikipedia
chỉ đúng được một điều khi nói Giao Chỉ “còn được dùng để gọi người
Việt cổ”, không gắn từ Giao Chỉ với cuộc xâm lăng của Mã Viện gợi lại
thời Bắc thuộc tủi nhục ngày xưa. Nay cũng trên mạng tôi thấy có các
cháu thiếu niên chát với nhau lấy nicnam “Giao Chỉ” một cách thích thú.
Đúng như thế, riêng tôi qua tìm hiểu cảm thấy rất tự hào với từ Kẻ Chợ
(phiên âm tiếng Hán là Giao Chỉ) chứ không phải vay mượn của Trung Hoa.
4.b
Không đủ sức đọc và giới thiệu hết các thư tịch của Trung Quốc xưa và
nay viết về Giao Chỉ, chỉ nhắc lại tư liệu khởi đầu rất quan trọng: Địa
danh Giao Chỉ đã được nói đến ngay sát trang đầu trong bộ sách kinh điển
quan trọng bậc nhất và cổ nhất của Trung Quốc là Thư kinh. Công việc đầu tiên của vị vua đầu tiên của Trung Quốc là vua Nghiêu[5]
ngay sau khi nhận ngôi là sai 4 người anh em của Hi và Hoà đi bốn
phương quan sát thiên văn: “ Thân mệnh Hi thúc trạch Nam Giao”. Hết thảy
các nhà chuyên trị kinh Thư xưa nay đều nhất trí chú giải “Nam Giao là
đất Giao Chỉ ở phương Nam ”. “Trạch Nam Giao” chỉ có nghĩa là đến ở nơi
gần, tiếp giáp với Giao Chỉ, chứ không phải là đến làm nhà trên đất Giao
Chỉ - Bởi vì trong Cửu Châu của Trung Quốc cổ không có tên Giao Chỉ, mà
người Trung Quốc xưa nay cũng tuyệt đối không ai dám nhận đất Giao Chỉ
thuộc Trung Quốc từ thời vua Nghiêu. Câu dẫn trên chỉ chứng tỏ một điều:
từ rất lâu đời, ngang thời vua Nghiêu và trước đó nhiều nữa, phía nam
Trung Quốc có một miền đất gọi là Giao Chỉ. Tuyệt đối cũng không có tài
liệu nào nói cái tên Giao Chỉ đó do một ông vua hay một người Tàu nào
đặt ra, đơn giản họ chỉ ghi tên đất ấy là Giao Chỉ. Nhưng tại sao địa
danh của một nước khác lại ghi bằng chữ Trung Quốc? Chẳng lẽ thời ấy
người đất ấy đã thông dụng Hán văn? (Ghi thêm: Cũng có tài liệu của ta
nói thời Hùng vương đã có người Tàu sang mở trường dạy học! Nhưng đó là
câu chuyện của thần tích viết trên trời dưới biển chứ chẳng phải chuyện
thật!)
Thời
gian độc lập của người Việt lâu dài cả mấy ngàn năm như vậy. Năm 214
TCN Tần Thuỷ Hoàng sai Đồ Thư tiến quân xuống Lĩnh Nam chiếm lấy các đất
Lục Lưong, đặt các quận Quế Lâm , Nam Hải và Tượng quận. Ghi về sự kiện
ấy, người chú thích nguyên bản Đại Việt sử ký toàn thư (viết tắt: Toàn thư)
đã chú nhầm Tượng quận “tức là An Nam”. Thực ra thì Đồ Thư chỉ chiếm
được đến miền đất phía nam Quảng Tây và nam Quý Châu ngày nay[6], không có chuyện quân nhà Tần xâm chiếm nước ta. Đất Giao Chỉ chỉ thực sự mất vào tay Triệu Đà năm 207 TCN như sử đã ghi[7]
. Hán Vũ đế sai Lộ Bác Đức và Dương Bộc sang xoá nhà Triệu, nước ta từ
đó bị đặt vào chế độ quận huyện lệ thuộc Trung Quốc. Nhà Hán sai Thạch
Đái làm Thái thú Giao Châu gồm 9 quận, trong đó có một quận gọi tên là
quận Giao Chỉ (miền Bắc nuớc ta hiện nay). Địa danh Giao Chỉ như vậy là
có gắn với thời Bắc thuộc, nhưng không phải Thạch Đái tự nghĩ ra, y chỉ
nhân theo tên nước Giao Chỉ cũ lấy đặt tên cho một quận - Việc này cũng y
hệt như sau này ta lại mất nước về tay người Pháp, thực dân Pháp lấy
ngay tên gọi An Nam có từ đời thuộc Đường (thời Lê người nước ta cũng có
khi dùng[8], chứ không phải do người Pháp có dụng ý thiếu tôn trọng mà đặt ra!
Hiểu
sai từ Giao Chỉ là miền đất của Trung Quốc cổ thì chỉ có những sử gia
người Tàu mà thôi. Không điểm hết được, chẳng hạn trang mạng Bách độ Bách khoa:
“Giao Chỉ: địa danh thời cổ của Trung Quốc ( vị trí ở nước CHXHCN Việt Nam hiện nay)” (!!)[9].
Nhưng cũng có những người hiểu đúng, như Hỗ động bách khoa viết:
“Giao Chỉ tức nước Việt Nam (tên thời cổ là nước Giao Chỉ [Giao Chỉ quốc])”[10]
Tác
giả này viết rất rõ: “Việt Nam tên thời cổ là nước Giao Chỉ.” Không có
lý do gì để phản bác định nghĩa rất đúng đó! Giao Chỉ trước khi bị xâm
lược là đất nước độc lập tự chủ, có truyền thống lâu đời, sánh ngang với
Trung Quốc. Có thể vì thế mà cụ Phan Bội Châu khi hoạt động ở Trung
Quốc lấy bút danh là “Giao Chỉ khách” (người khách nước Giao Chỉ).
Vậy,
có thể khẳng định nội dung của địa danh Giao Chỉ là chỉ vào nước Việt
Nam thời cổ, khi đất nước còn độc lập tự chủ, không có gì phải băn khoăn
nghi ngờ nữa. Chúng ta chỉ còn phải lý giải một điều tại sao không gọi
bằng tiếng Việt mà lại gọi từ Hán Việt là Giao Chỉ?
Qua giải thích của Wikipedia đã
dẫn trên đủ thấy quan niệm tên Giao Chỉ gắn với đặc điểm ngón chân cái
của người Việt là một thiên kiến hết sức sai lầm cho đến nay vẫn còn
chiếm ưu thế.
Dù
sao cũng không phải tất cả, vẫn có người hiểu đúng tên gọi này. Trước
khi giới thiệu cách hiểu đúng, có thể còn ít người biết, do nội dung
liên quan xin được nói đến một công trình có giá trị rất lớn: Đó là cuốn
Địa lý học (Geographia)của Claudius Ptolemaeus (tiếng Hy Lạp: Κλαύδιος Πτολεμαῖος Klaudios Ptolemaios), người Hy Lạp (khoảng 100-178 SCN) được coi là người khai sáng ra môn địa lý học[11].
(Nguồn: Wikipedia. Mảnh cắt phóng to do bút giả thực hiện)
Tham khảo nhiều nguồn, đã biết trước địa danh Giao Chỉ từng được ghi là Kattigara hoặc Cattigara
, nhưng xem trên bản đồ vài lần tôi cũng chưa thấy. Sau tham khảo tài
liệu của một chuyên gia hàng hải, tôi mới nhận ra địa điểm ấy. Nhà
nghiên cứu ấy là ông Vũ Hữu San hiện định cư ở nước ngoài, gần đây có
những công trình khảo cứu có giá trị về chủ quyền Việt Nam ở hai quần
đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ông không nghiên cứu từ Kẻ Chợ, nhưng trong
bài của ông viết về chủ quyền biển đảo tôi đọc được chỉ dẫn của ông, nhờ
đó mà làm được mảnh trích ảnh phóng to địa danh Kattigara trên bản đồ
của Ptolémy. Lần đầu tiên thấy mấy chữ đó tôi cảm nhận một điều gì đó
rất phấn chấn. Thì ra mảnh đất Giao Chỉ thân yêu của chúng ta cách nay
ngót hai nghìn năm đã có tên trên tấm bản đồ thuộc hạng cổ nhất nổi
tiếng nhất của thế giới.Xin dẫn Vũ Hữu San để độc giả tham khảo:
"Sau
cuộc viễn chinh của Alexandre Đại đế (336-323 Tây lịch) sang Ấn Độ,
nhiều giao tiếp đã xảy ra giữa Á - Âu, người Hy Lạp biết thêm nhiều sinh
hoạt của người Á Châu. Eratosthene (275-195 TTL) viết sách Geographia,
Ptolemy (khoảng 100-170) phát triển môn địa lý, viết sách và hình dung
ra một bản đồ thế giới mà tận cùng về phía Đông – Đông Nam là bán đảo
Vàng Chersonese và hải cảng Kattigara (hay Catigara, kinh độ 117 độ
Đông, vĩ độ 8 độ nam Kinh tuyến gốc lấy từ đảo Ferro (Islands of the
Blest - quần đảo Canary.) Bán đảo Vàng là Đông Dương và Kattigara (có bản đồ ghi là Cattigara) chỉ Kẻ Chợ (Kesho), Long Biên (Lugin) hay Hà Nội ngày nay.[12]
Trong
một bài viết về con đường tơ lụa, Vũ Hữu San đã xác định trạm hải hành
cuối cùng giữa Tây phương và Đông Á trong thời cổ là Cattigara mà ông đặt hẳn trong ngoặc đơn chỉ rõ đó là miền đất Hà Nội -Hải Phòng hiện nay[13].
Con đường tơ lua. Bản đồ do Vũ Hữu San vẽ.
Vấn
đề thời gian của địa danh Kẻ Chợ như vậy đã rõ dần ra, nhưng còn phải
giải thích và kiểm chứng: Ngay ông Vũ Hữu San, tuy thừa nhận Kattigara
là Kesho -Kẻ Chợ, nhưng ông nhận thấy bản đồ Ptolémé đặt Cattigra quá xa về phía nam. Chủ kiến của ông dựa vào mấy bản đồ khác để xác định Cattigara vào vị trí Hà Nội - Hải Phòng như ông đã ghi rõ trên bản đồ con đường tơ lụa.
Bình
Nguyên Lộc biết từ Cattigara sớm hơn Vũ Hữu San. Vị học giả này đọc rất
nhiều mà phạm vi bàn bạc khảo cứu cũng rất rộng. Về Cattigara, ông chú ý đến Hòn Gay, nơi hòn đảo có tên xưa là Bến Ghe và cho rằng “nó ăn khớp phần nào với Kattigara của Ptolémée, chớ Kattigara không thể là Óc Eo như Melleret đã viết”. Giả thuyết cho Melleret – và cả R.A. Stein cho rằng Kattigara ở Óc Eo vậy là đã bị Bình Nguyên Lộc từ chối. Bình Nguyên Lộc cũng phê phán luôn cả những ông Tây đặt Kattigara vào tỉnh Quảng Đông TQ vì cho rằng không một địa danh nào ở Quảng Đông hợp với từ Kattigara cả. Quan điểm cuả Bình Nguyên Lộc thì ông lưu ý nhóm âm tiết Katthi “có
thể nào là Kẻ Thị chăng? Vâng, Kẻ Thị và Kẻ Chợ cũng thế thôi. Và Kathi
Gara là Kẻ Thị Gay, tức thành phố ghe thuyền, tức thương cảng”[14].
Tôi thấy vế đầu trong câu đó của ông Lộc là chính xác (xem thêm cứ liệu
ở đoạn dưới), nhưng vế sau nói “Kẻ Thị Gay tức thành phố ghe thuyền”
thì không dám coi là đúng.
5.
Nhưng sớm hơn Bình Nguyên Lộc nhiều, từ cuối thế kỷ XIX đã có một nhà
nghiên cứu người Pháp là Edouard Chavannes dùng phương pháp cổ ngữ học
để giải thích từ Giao Chỉ:
“Kiao-tche 交
阯 (Giao Chỉ) : Người ta thường viết chữ thứ hai với bộ "túc"趾, bởi vì,
theo một truyền thống mà ta thấy được lặp lại nhiều lần đến phát chán
trong giới tác giả Trung Hoa, cho rằng người nước này vốn có ngón chân
cái chĩa ra ; tuy vậy, có thể đương thời sự lý giải ấy là không có căn
cứ, và cái từ Giao Chỉ ban đầu là sự biểu đạt ngữ âm của một cái tên bản địa. Liệu có thể Giao Chỉ chính là tên Kẻ Chợ, tức Hà Nội…M. Richthofen xác định nơi này với tên Kattigara trong bản đồ của Ptolémée (China , vol I, pp.509 et 510, note 1)”[15]
trước cả E.Chavannes khoảng hơn chục năm còn có tấm bản đồ Đông Dương xuất bản năm 1881 (Thư viện Quốc Hội Mỹ), trong đó thậm chí ở vị trí Hà Nội không đề tên Hanoi mà ghi tên Kesho – Có thể hiểu người soạn bản đồ rất quý địa danh cổ Kesho hơn Hà Nội mới có từ thời Minh Mệnh (1832).
Đến đây có thể thấy người Pháp đã biết Kesho là Kẻ Chợ tức Hà Nội là một địa danh rất cổ và quan trọng (chứ không đánh đồng Kẻ Chợ với các từ Kẻ khác như A.de Rhos), nhưng phải đến 1894 Edouard Chavannes mới lý giải được rằng: Kesho cũng như Giao Chỉ, Kattigara đều là từ phiên âm tiếng bản địa (Việt) là Kẻ Chợ, hoàn toàn không có nghĩa gì liên hệ với ngón tay ngón chân!
Thế
nhưng kiến giải khoa học ấy của E. Chavannes có lẽ ít người biết, hoặc
biết mà bỏ qua, vì thế sau nhiều năm vẫn có người bảo Cattigara
là cửa Ốc Eo hay ở vịnh Lăng Cô thuộc Thừa Thiên Huế v.v... Thời gian
lịch sử cả mấy nghìn năm như vậy đến sát tận nay, không chỉ báo chí mà
cả sách nghiên cứu nữa, vẫn như không nghe không biết, cứ trói chặt
Kattigara - Kẻ Chợ với hình ảnh một Thăng Long dân dã chỉ với hai thế kỷ
17-18!
6.Trong khi người nước ta có vẻ như bỏ quên hoặc không chấp nhận Kattigara -Kẻ Chợ có
thật từ đầu công nguyên, thì sau ngót trăm năm có một nhà nghiên cứu
Trung Quốc xác nhận thuyết của E. Chavannes là đúng. Trong cuốn Đảo di chí lược
島夷志略của Uông Đại Uyên 汪大淵đời Nguyên mới xuất bản, ở tiểu mục Giao Chỉ,
người chú giải là Tô Kế Khanh 蘇繼廎đã gạt bỏ tất cả các cách hiểu thô
thiển sai lầm coi Giao Chỉ như lãnh thổ thời cổ của Trung Quốc, cũng
chia tay với kiểu giải thích võ đoán cho rằng có tên Giao Chỉ là do
người Giao Chỉ có hai ngón chân cái quay vào nhau, hoặc thuyết cho rằng
người Giao Chỉ khi nằm thường gác chéo hai chân (giao) v.v...Đặc biệt
ông đã dẫn công trình của E.Chavannes đã giải mã địa danh 交趾 (Kiao-Tche)
là từ phiên âm của từ tiếng Việt Kẻ Chợ. Thuật ngữ Trung Quốc
không gọi là phiên âm mà gọi là “đối âm 對音”tức là cách phiên âm âm vị
học cổ điển, dùng các chữ đồng âm hoặc cận âm để làm đối âm. Cổ âm tiếng
Việt cũng như cổ âm tiếng Hán không có thanh điệu, cho nên cổ âm của Ke
Chơ rất giống cổ âm của 交趾 [keau . Từ 交趾 [keau này gần giống với cách phát âm của chữ Hy Lạp Kattigara, còn từ Kesho (tiếng Pháp) là phiên âm trực tiếp: phụ âm “Ch” của tiếng Việt người Pháp quen phiên “sh”
Việc Tô Kế Khanh dẫn E.Chavannes giải thích lý do và mối liên quan các địa danh Kẻ Chợ > Giao Chỉ > Ke sho > Kattigara
là một xác nhận khảo cứu của E.Chavannes là chính xác. Tô Kế Khanh còn
cung cấp thêm tư liệu ở xứ sở Thổ Nhĩ Kỳ xa xôi, trong tác phẩm của nhà
sử học Rashid-eddin cũng có ghi địa danh Kẻ Chợ với từ phiên âm là Kafchikn. Tô Kế Khanh giải thích lý do tên gọi Kẻ Chợ:
“Từ
mấy thế kỷ trước Công nguyên, Kẻ Chợ (Giao Chỉ) đã là một trung tâm mậu
dịch ở khu vực Nam Hải (tức biển Đông)...Thời Đông Hán, năm Diên Hy thứ
9 (166 SCN) vua nước Đại Tần (tức nước Do Thái/ Judaea) là An Đôn
(Marcus Aurelius, 121-180) sai sứ giả đến Trung Quốc khoảng sau khi
Ptolémé đã soạn xong sách Địa lý học (Geography) hơn mười năm, mà
nơi lên bộ của đoàn sứ giả ấy vẫn là hải cảng ở Kẻ Chợ (Giao Chỉ). Đến
trước đời Đường, Giao Chỉ đích thật là trung tâm mậu dịch chủ yếu của
các nước ven biển Nam Hải (tức biển Đông) buôn bán trao đổi hàng hóa với
Trung Quốc”[16]
Vì Kẻ Chợ (交趾 [keau /Ke
sho/Kattigara ] có nghĩa là một cái chợ lớn, một dại thị trường có vẻ
trái ngược với một nơi góc biển âm u lam chướng độc hại vẫn ghi sơ sài
trong một vài sử liệu quen thuộc nên nhà nghiên cứu Trung Quốc phải chú
thích bổ sung để khẳng định: Cho đến truớc đời Đường Giao Chỉ đích thực
là một trung tâm mậu dịch chủ yếu của các nước ven bờ biển Đông buôn bán
trao đổi hàng hoá với Trung Quốc. Đoạn chú thích trên cơ bản là thoả
đáng, nhưng để chính xác hơn tôi thấy cần phải bổ sung: Kẻ Chợ không chỉ
là một trung tâm mậu dịch chủ yếu của các nước ven biển Nam Hải mà còn
là một thương cảng quốc tế quan trọng nữa:
Bộ Lịch sử Việt Nam
đã nêu sự kiện năm 284 lái buôn La Mã đã vào Giao Chỉ mua 3 vạn tờ giấy
làm quà tặng cho vua Tấn. Nhưng các tác giả chú ý hơn vai trò giao
thương hàng hải của Giao Chỉ đối với Trung Quốc đời Đường: thuyền buôn
và sứ giả các nước Nam á (Ấn Độ), Tây Á (Iran), Địa Trung Hải (La Mã)
v.v…muốn đến Trung Quốc đều phải “đi theo con đường Giao Chỉ”. Giao chỉ
không những là hải cảng tốt cho thuyền tàu dừng lại tiếp lương thực,
nước ngọt, tránh bão tố v.v…, mà còn là vì Giao Chỉ có rất nhiều sản
phẩm quý như ngà voi, sừng tê, đồi mồi, ngọc trai, gia vị (hồ tiêu),
hương liệu (quý nhất là trầm hương, kỳ nam) [17]
v.v…. Tiếc là các tác giả chưa đi sâu để thấy vai trò trung tâm thương
mại của Giao Chỉ từ đầu và cả từ rất lâu trước Công Nguyên.
Gần
đây nhân chuyên đề khảo cứu con đường tơ lụa quốc tế, nhiều tác giả
phương Tây như G. R. G. Worcester đã nhận xét: vùng vịnh Bắc Bộ, Kẻ Chợ
(Hà Nội) “có thể đã có những ảnh hưởng qua giao tiếp đường biển rất sớm
sủa với dân Địa Trung Hải, vì người ta tin rằng những thương gia
Phoenicia trên hải trình tìm kiếm "đường tơ lụa", đã tới Đông Dương vào
năm 650 TCN"[18]. Đó là vào thời nuớc Văn Lang của các vua Hùng ở nước ta .
Không
những gắn Giao Chỉ với giao thương đời Đường, trước đây một cách mơ hồ
chúng ta thường gắn thương mại (buôn bán) với kinh tế hàng hoá, với sự
ra đời của chủ nghĩa Tư bản. Nền kinh tế hàng hoá không phải mới có từ
thế kỷ 16 -17 với sự ra đời của chủ nghĩa tư bản. Các quốc gia cổ đại
như Hy Lạp, La Mã, Ấn Độ v.v…đều có những trung tâm thương mại sầm uất.
Chỉ là đến thế kỷ 16-17 trên thé giới mới có các nền kinh tế hàng hoá
phát triển đặc biệt mạnh mẽ, gắn liền với sự ra đời chủa chủ nghĩa tư
bản. Có thể chính với tư duy này khiến người ta hiểu lầm rằng tên gọi Kẻ
Chợ chỉ là do người phương gọi kinh đô Thăng Long của ta, mà cũng hạn
chế ở thời gian khoảng thế kỷ 17-18 mà thôi!
Trong
khi đó sử gia phương Tây có cách nhìn toàn diện hơn, khớp hợp với các
cứ liệu như tôi đã dẫn ra ở trên. Chẳng hạn G.R.G.Worcester nhận xét
Giao Chỉ (vùng Hà Nội) “...có thể đã có những ảnh hưởng qua giao tiếp
đường biển rất sớm sủa với dân Địa Trung Hải, vì người ta tin rằng những
thương gia Phoenicia trên hải trình tìm kiếm "đường tơ lụa”, đã tới
Đông Dương vào năm 650 TTL”. Chú giải thêm của người phân tích: “Vào
thời đó, nước Văn Lang của chúng ta đang lúc thịnh thời và do các vua
Hùng (2879-258.TCN) trị vì.”
&
Tham
luận của tôi đến đây đã trình bày không chỉ về một miền đất Kinh kỳ mà
là cả một đất nước KẺ CHỢ tồn tại từ đầu và cả trước Công nguyên nhiều
năm mà người nước ngoài dịch tên là Giao Chỉ quốc, Késho, Kattigara,Kafchikn v.v…Chút
đóng góp của tôi chỉ ở một tư liệu khẳng định sự tồn tại của địa danh
Kẻ Chợ ở thế kỷ 14-15, phần còn lại chỉ giới thiệu khảo cứu của một số
nhà nghiên cứu có danh tiếng. Những khảo cứu ấy thật rất có ý nghĩa cho
việc nghiên cứu lịch sử nước ta. Có điều là những ý kiến như vậy rất rải
rác, lại bị lớp bụi thời gian cả ngàn năm che lấp, chứ không hẳn bày
sẵn trên các trang chữ lộ thiên. Cái gì giữ lại quá lâu đời cũng thành
ra có vẻ quê mùa, cái tên gọi Kẻ Chợ cũng như thế chăng? Nhưng ai
mà dám bảo rằng hồi xưa ấy lại còn có một lớp từ vựng nào “sang trọng”
hơn? Vả lại không ít người có thiên kiến sôvanh, không dễ gì để họ phải
thừa nhận Kẻ Chợ (Giao Chỉ) là một trung tâm mậu dịch quốc tế sầm uất
bên bờ biển Đông hồi đầu Công nguyên, thì biết đâu cái từ Kẻ Chợ ấy
đương thời là một địa danh rất sang trọng hấp dẫn. Người Kẻ Chợ
tức là dân tộc Kinh chúng ta đấy! Viết đến đây tôi nhớ đến Bình Nguyên
Lộc: Ông đã vào sâu trong rừng Trường Sơn, sang cả bên Lào để tiếp cận,
tìm hiểu một bộ tộc có tên là Kha Lá Vàng. Bộ tộc này sống di cư, chặt
cây dựng lán làm nhà, khi lá đổ vàng lại ra đi. Nhận thấy họ có nhiều
đặc điểm ăn ở giống người kinh, ông phỏng đoán họ là hậu duệ của người
Lạc (Lạc Việt), vì không muốn bị Hán hoá nên phải lánh vào rừng sâu. Đặc
biệt là những người trong bộ tộc ấy còn giữ được ký ức về việc tổ tiên
họ xa xưa chỉ tiêu dùng toàn một thứ tiền vàng… Uớc gì nay mai cả nước
ta sẽ trở thành cả một thị trường hiện đại thịnh vượng mà mỗi người dân
đều có thể cầm nắm được những đồng tiền vàng như người KẺ CHỢ xưa kia.
Nhân Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long –Hà Nội, xin mượn lời của CNNÂ để khánh chúc: BANG KỲ KẺ CHỢ KHOẺ BỀN MUÔN THU!
Chú thích:
[1] “Kẻ chợ”- dấu tích ngôn ngữ về một hoạt động phổ biến của đất Kinh kì.http:// thanglong.chinh phu.vn/Home.27/02/2010 | 17:09:00
[2] Xem: Ngô Đức Tho, Thông tin mới nhất về Chỉ nam ngọc âm. Hội thảo quốc tế về chữ Nôm. Hà Nội, 11-2004. Kỷ yếu: Cũng xem:www.tapchithoidai.org/ThoiDai5/200505_NgoDucTho.pdf
[3]
Tham khảo ý kiến mới đây của GS Nguyễn Ngọc Bích về kết quả khảo cứu
niên đại CNNÂ của Ngô Đức Thọ: “ Vấn đề xem chừng chưa được giải quyết
cho đến khi ông Ngô Đức Thọ, một chuyên gia về “chữ huý,” trong một bài
thuyết trình đọc tại Hội nghị quốctế về Nôm họp ở Hà nội cách đây hơn ba
năm (hai ngày 13 và 14 tháng 11, 2004), chứng minh được một cách khá
thuyết phục rằng đây là một tác phẩm có từ đời nhà Hồ (1400-1407). Năm
Tân tỵ mà ta thấy được ghi trong bài tựa, do đó, chỉ có thể là năm 1401,
và như vậy cuốn sách là đương thời với thơ quốc âm Nguyễn Trãi, và điều
này giải thích được một số đặc điểm mà ta sẽ không thể hiểu được nếu
cho nó một niên đại chậm muộn hơn nhiều…) http://www.vietthuc.org/?p=2691.
[4]
PGS.TS Nguyễn Lân Cường môt chuyên gia khảo cổ nổi tiếng mới đây cũng
còn viết thế! (“ …Khi đường trơn ngón chân phải choãi ra để chống trơn,
từ đó thành Chân Giao Chỉ”. Đi tìm bàn chân Giao Chỉ, http://www.xaluan.com/modules.php? name= News&file =article&si
[5]
Trước vua Nghiêu theo truyền thuyết có 6 vua khác, nhưng chỉ là truyền
thuyết, chỉ từ Đế Nghiêu mới tính là lịch sử vì có sách Nghiêu điển.
[6] Việc này khi dịch chú Toàn thư (NK1-8b) chúng tôi đã có chú thích nêu rõ người chú của nguyên bản căn cứ theo chú thích của Hán thư
(Q.28 Hạ, tr.11a) nói: “quận Nhật Nam tức là Tượng quận thời Tần”.
Thuyết này từ cuối thế kỷ XĨ đã bị nhiều học giả bác bỏ, bởi vì ngay
trong Hán thư , Bản kỷ Q.7,tr.9a đã nói rõ: năm Nguyên Phượng thứ
5 (76 TCN) đời Hán Chiêu đế đã bãi bỏ Tượng quận, chia đất vào hai quận
Uất Lâm và Tường Kha”. Quận Uất Lâm nay là đất Quảng Tây, quận Tường
Kha gồm tây Quảng Tây và nam Quý Châu (x. Đại Việt sử ký toàn thư, Ngô Đức Thọ dịch chú, H.,Nxb KHXH, 1993. T.I tr.138)
[7]Vấn đề nhà Triệu có nhiều khía canh cần làm sáng tỏ, bài này không bàn đến.
[8] Như cuốn Hoàng Lê nhất thống chí, đúng tên nguyên bản là An Nam nhất thống chí.
[9]http://baike.baidu.com/view/229607.htm
[10] http://so. hudong.com/search.do?so= doc&isFrom= intoDoc&q=%.
[11] Chân thành cám ơn Wikipedia và Google đã đưa lên mạng toàn cầu nhiều tài liệu quý báu, trong đó có cuốn Geographia của Claudius Ptolemaeus.
[12] Vũ Hữu San, Tài-liệu Pháp-lý về "Chủ-quyền Việt-Nam trên các quần-đảo Hoàng-Sa Trường-Sa" sau năm 1974.Mar 28, 2004. http://www.viet-studies.info/kinhte/HoangSa-TruongSa-_VuHuuSan.pdf.
[13] Vũ Hữu San,Hàng Hải Nước Việt Xưa.http://www.lyhocdongphuong.org.vn/ News/03/ Hang-Hai-Nuoc-Viet-Xua-Phan-1/8/1945/
[14] Bình Nguyên Lộc, Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam , Chương V.
[15] Edouard Chavannes. Memoi re Réligieux éminents. Paris, Ernest Leroux, Éditeur, 1894. Cám ơn chị Mai Anh chuyên viên của EFEO đã giúp tôi tìm kiếm cuốn sách quý này.
[16] Uông Đại Uyên 汪大淵 , Đảo di chí lược 島夷志略. Tô Kê Khanh 蘇繼廎hiệu thích. (Trung ngoaij giao thông sử tùng thư). Bắc Kinh, Trung Hoa thư cục, 2000. tr.52-53.
[17] Lịch sử Việt Nam. T.1 NXb.KHXH, 1971, tr.98; 99-100.
[18] G. R. G. Worcester, The Junks & Sampans of the Yangtze. Dẫn theo Vũ Hữu San, TL đã dẫn. |