23/05/2018, 15:48

Hướng dẫn làm đất trồng chuối

Làm đất trồng chuối Mục đích của việc làm đất * Mục đích của việc làm đất – Cải thiện tính chất lý, hoá học của đất. – Làm tăng tính thấm nước, tính giữ nước, giữ phân của đất. – Làm đất còn góp phần cải thiện chế độ nước chế độ không khí, làm tăng cường hoạt động của tập đoàn vi sinh ...

Làm đất trồng chuối

Mục đích của việc làm đất

* Mục đích của việc làm đất

– Cải thiện tính chất lý, hoá học của đất.

– Làm tăng tính thấm nước, tính giữ nước, giữ phân của đất.

– Làm đất còn góp phần cải thiện chế độ nước chế độ không khí, làm tăng cường hoạt động của tập đoàn vi sinh vật trong đất.

– Làm đất còn có tác dụng diệt trừ cỏ dại và mầm mống sâu bệnh hại trong đất.

Yêu cầu kỹ thuật làm đất

Việc chọn quy trình làm đất phù hợp tùy theo khả năng thâm canh của người trồng chuối trên đất trồng và địa hình

* Nếu đất bằng phẳng có kết hợp trồng xen các khác cần đạt các yêu cầu sau:

– Làm đất đúng thời vụ, làm sớm trước khi trồng 1 – 1,5 tháng.

– Làm đất kỹ, sạch cỏ dại, dọn sạch các loại gốc cây.

– Làm đúng độ sâu, nếu làm đất bằng máy cày sâu 30 – 35cm.

– Chuẩn bị đất cẩn thận tăng độ tơi xốp cho đất, tăng khả năng giữ nước, tăng khả năng hút và thoát nước, rễ cây phát triển tốt.

Trường hợp trồng với quy mô lớn, không kết hợp được trồng xen và địa hình vườn trồng khó có thể làm đất cơ giới.

– Tiến hành dọn cỏ theo từng băng và đốt

– Nếu tên đất có cây thân gỗ  thì phá bỏ cây thân gỗ dọn ra khỏi vườn sau đó tiến hành đào hố trồng.

Các phương pháp làm đất

* Làm đất trồng chuối ở vùng đồng bằng và vùng tương đối bằng phẳng

– Trồng chuối ở vùng đất tương đối bằng phẳng khả năng rửa trôi xói mòn thấp, cần tiến hành cày bừa kỹ để diệt các loại cỏ nguy hiểm như cỏ tranh, cỏ ống… trước khi trồng chuối. Cày đất trồng chuốiCày đất trồng chuối

* Làm đất trồng chuối ở vùng đồi núi

– Cần tiến hành làm đất tối thiểu để hạn chế xói mòn rửa trôi.

– Cày theo đường đồng mức (là đường có cùng độ cao, chạy ngang qua đồi trên vùng đất dốc).

– Cày theo hàng trồng chiều rộng khoảng 1m.

* Làm đất trồng chuối ở vùng mực nước ngầm cao và vùng trũng.

– Vùng có mực nước ngầm cao (Đào sâu 20 – 30 cm đã có nước), đất phèn, đất khó thoát nước thì tiến hành lên liếp (líp).

Một liếp rộng có thể trồng từ 1 đến 2 hàng chuối, hàng cách hàng 2 – 3 m. Cây ngoài bìa cách mép (mí) líp 1m.

Bề rộng mương thay đổi tùy theo thế đất cao hay thấp. Có thể chỉ rộng 50 cm và sâu 30 – 50 cm.

Mô hình liếp trồng  chuốiMô hình liếp trồng chuối

– Ở những vùng thấp, đất trũng hơn như đồng bằng Sông Cửu Long.

Một liếp rộng có thể trồng từ 1 đến 2 hàng chuối, nhưng có thể đào mương với kích thước khá lớn để kết hợp với việc nuôi thả cá, mương có thể rộng tới 4 – 6m sâu 1,2m Mương và líp trồng chuối ở vùng đất trũngMương và líp trồng chuối ở vùng đất trũng

Đào hố trồng chuối

Xác định mật độ, khoảng cách trồng chuối

Khoảng cách trồng có liên quan mật thiết đến những đặc tính sinh thái, yêu cầu sinh lý và năng suất, chất lượng của cây chuối. Trồng chuối với mật độ thấp quá hay mật độ cao quá đều ảnh hưởng đến năng suất chuối. Cần xác định  khoảng cách và mật độ thích hợp để cây chuối phát triển trong điều kiện thuận lợi.

 Cơ sở xác định mật độ

* Xác định mật độ trồng căn cứ vào các yếu tố sau:

Mật độ trồng dày hay thưa phụ thuộc vào giống chuối.

Đối với giống càng thấp cây, tán lá hẹp như chuối tiêu lùn, chuối ngự có thể trồng dày, còn các loại như chuối tiêu vừa, chuối tiêu cao, chuối sứ (chuối tây), chuối bom…thì trồng thưa hơn.

– Đặc điểm khí hậu, thời tiết.

– Độ phì nhiêu của đất. Thường dựa vào nguyên tắc: đất tốt trồng thưa, đất xấu trồng dày.

– Địa hình đất. Trên đất dốc chuối được trồng dày hơn trên đất bằng phẳng, nên trồng theo kiểu nanh sấu để hạn chế xói mòn đất.

– Khả năng đầu tư.

Theo nhiều kinh nghiệm cho biết, ở nước ta, một số giống chuối có thể trồng dày (giống tiêu lùn, chuối cau). Tuy nhiên, khi trồng mật độ dày cần phải chú ý chọn cây con thật đồng đều nhằm tránh hiện tượng lấn át, tranh chấp dinh dưỡng, ánh sáng giữa các cây.

Trồng dày hợp ký có tác dụng tốt cho vườn chuối, vườn chuối sớm được che bóng, ít cỏ dại, tạo điều kiện nóng, ẩm phù hợp với cây chuối và tốt hơn cả là tăng năng xuất chuối.

Khi trồng dày chú ý bón phân đúng mức và phòng trừ kịp thời bệnh đốm lá cho cây.

Mật độ, khoảng cách trồng

* Mật độ trồng chuối tiêu

– Chuối tiêu thấp (lùn).

+ Hàng cách hàng 2m, cây cách cây 2m (mật độ 2500cây/ha)

+ Hoặc hàng cách hàng 2m, cây cách cây 2,5m (mật độ 2.000 cây/ha).

Theo nhiều kinh nghiệm cho biết, ở nước ta đối với giống chuối tiêu lùn, có thể trồng 2.000-2.500 cây/ha. Tuy nhiên, khi trồng mật độ dày cần phải chú ý: Chọn cây con thật đồng đều nhằm tránh hiện tượng lấn át, tranh giành dinh dưỡng và ánh sáng giữa các cây; chú ý bón phân đúng mức và phòng tránh kịp thời bệnh đốm lá cho cây; trồng dày hợp lý có tác dụng tốt cho vườn chuối, vườn sớm được che bóng, ít cỏ dại, tạo điều kiện nóng ẩm phù hợp với cây chuối và tốt hơn cả là tăng năng suất chuối.

– Chuối tiêu vừa.

+ Hàng cách hàng  2,5m, cây cách cây 3m (mật độ 1300 cây/ha)

– Chuối tiêu cao.

+ Hàng cách hàng 3m, cây cách cây 3m (mật độ 1.111cây/ha)

+ Hoặc hàng cách hàng 3m, cây cách cây 4m (mật độ 833cây/ha)

* Mật độ trồng chuối tây.

– Trồng bằng cây con: Hàng cách hàng  3m, cây cách cây 1,5m (mật độ 2200 cây/ha)

– Trồng bằng cây con nuôi cấy mô: Hàng cách hàng 2,2m x cây cách cây 2,5m (mật độ 1800 cây/ha)

* Mật độ trồng chuối bom 2.000 – 2500 cây/ha trồng hàng đôi cách nhau 2m

* Mật độ trồng chuối cau.

Hàng cách hàng 2m, cây cách cây 2m (mật độ 2500cây/ha)

 

– Đất đã được cày bừa thật kỹ, làm sạch cỏ, tiến hành dăng dây cắm cọc theo khoảng cách đã xác định để tiến hành đào hố.

Đào hố trồng chuối

– Kích thước hố 40 x 40 x 40 (cm) hoặc 50 x 50 x 50 (cm). Nếu đất xấu đào kích thước rộng hơn. Kích thước hố trồngKích thước hố trồng

– Khi đào, lớp đất mặt tơi xốp nhiều mùn để sang một bên miệng hố. Lớp đất phía dưới để sang một bên.

Bón lót là bón phân vào đất trước khi gieo trồng nhằm cung cấp kịp thời dinh dưỡng cho cây chuối

Bón lót

Một số loại phân mà chất chất dinh dưỡng cung cấp cho cây nằm phần lớn ở dạng khó tiêu hoặc chậm phân giải thì cần có thời gian cho sự chuyển hoá các chất này sang dạng dễ tiêu hơn. Vì thế các loại phân này cần được bón sớm để có thời gian phân giải cung cấp từ từ chất dinh dưỡng cho cây chuối.

Các loại phân và lượng phân bón lót

Vôi

* Tác dụng

– Vôi cung cấp canxi cho cây chuối: Canxi là chất trung lượng cần thiết cho trong đó có cây chuối.

– Vôi có tác dụng khử chua đất:  Hầu hết đất canh tác nông nghiệp đều chua mà cây chuối phát triển tốt trong điều kiện đất hơi chua cho đến trung tính (pH> 5.5) nếu đất có pH<5.5 thì phải bón vôi khử chua trước khi trồng chuối. Đặc biệt là những vùng đất bị nhiễm phèn

– Ngoài ra vôi còn có tác dụng làm cho đất tới xốp tạo thuận lợi cho rễ chuối phát triển và hút nhiều dinh dưỡng từ đất

* Liều lượng bón

Tùy vào độ chua của đất mà xác định lượng vôi bón cho phù hợp. Để đánh giá độ chua của đất người ta dùng trị số pH đây là ký hiệu để chỉ độ chua. Phân cấp độ chua của đất theo trị số pHPhân cấp độ chua của đất theo trị số pH

– Hoà đất vào nước theo tỷ lệ 1 đất + 2,5 nuớc lắc nhẹ, để lắng sau đó dùng giấy thử ( giấy quỳ) để đo. Phương pháp này đơn giản nhất mà  người làm nông có thể thực hiện được.Để biết được độ chua của đất, có thể tiến hành như sau:

– Dùng dụng cụ đo pH để đo (dụng cụ được cắm trực tiếp vào đất)

– Phân tích đất để xác định độ chua.

Trong trường hợp không xác định được độ chua của đất người ta có thể dựa vào cây chỉ thị hoặc một số biểu hiện sau để đánh giá đất chua hay không chua:

+ Đất vùng đồi nếu có cây sim, cây mua, cây trinh nữ (cây xấu hổ) thì đất chua.

+ Đất vùng đồng bằng và vùng trũng nước trên mặt đất trong, xung quanh có váng màu vàng thì đất chua

Sau khi xác định được độ chua của đất, nếu pH < 5.5 thì cần phải bón vôi, lượng vôi bón có thể dựa vào bảng sau: Mức độ cần bón vôi theo độ chua và thành phần cơ giới của đấtMức độ cần bón vôi theo độ chua và thành phần cơ giới của đất

Phân hữu cơ

Điều khẳng định rằng bón phân hữư cơ cải thiện độ phì nhiêu của đất nên tăng năng xuất và chất lượng cây trồng đáng kể trong đó có cây chuối. Mặt khác phân hữu cơ khi bón vào đất cần có thời gian phân huỷ thì cây mới sử dụng được, vì vậy trước khi trồng chuối phải bón lót phân hữu cơ.

* Tác dụng

– Phân hữu cơ gồm các loại phân có thể sản xuất tại chỗ như: Phân hữu cơ vi sinh, phân chuồng, phân xanh, phân rác mục, thải vật của công nghiệp chế biến nông sản.

– Phân hữu cơ thường cung cấp đủ cả đạm, lân, kali nhưng với hàm lượng thấp

Ngoài ra phân hữu cơ còn cung cấp các nguyên tố trung và vi lượng như: Mg, Mn, Bo, Cu, Mo…là những chất cây cần ít, nhưng không thể thiếu được.

– Giá trị chủ yếu của việc bón phân hữu cơ là cung cấp chất mùn cho đất, cải tạo đất được xốp, thoáng, giữ được nước và dinh dưỡng để cung cấp từ từ cho cây sử dụng;

* Liều lượng

Tùy khả năng đầu tư và chất đất mà bón lượng phân hữu cơ đã được ủ hoai khoảng 10 -25 tấn/ha. Phân hữu cơPhân hữu cơ

Do đặc tính của cây trồng là có nhu cầu lân rất sớm, lúc còn nhỏ để bộ rễ phát triển, mặt khác khi bón vào đất sẻ bị keo đất hấp phụ ngay, sau đó mới giải phóng dần vào dung dịch đất cho nên lân cần phải tập trung bón lót.

Phân lân

* Tác dụng:

– Giúp cây chuối đâm nhiều rễ.

– Mau hồi sức khi mới trồng, chống sâu bệnh.

– Tăng khả năng chịu hạn cho cây khi lớn.

* Loại phân lân thường sử dụng

– Lân supe: hàm lượng  16-18% P2O5

– Lân nung chảy: hàm lượng 15-17% P2O5

* Liều lượng:

Lượng phân bón lót 0,2 – 0,3 Kg/hố, 500 – 600 Kg/ha

Cách bón lót

– Trộn lớp đất mặt để riêng với 10 – 15 kg phân hữu cơ + 0,2 – 0,3 kg phân lân  0,4 – 0,5 kg vôi bột (ở những nơi chưa bón ở lần cày bừa cuối cùng).

– Sau khi đã trộn đều phân với lớp đất mặt, dùng cuốc cào đất lấp đầy lòng hố.

Cũng có thể đưa lớp đất mặt xuống hố sau đó đổ các loại phân bón lót lượng như trên vào hố, trộn đều phân và đất trong hố.

– Dùng que nhỏ đánh dấu tâm hố để tiện cho việc trồng sau này.

Việc trộn phân lấp hố phải hoàn thành trước khi trồng ít nhất từ 15 – 30 ngày.

* Chú ý:

– Vôi ngoài trộn chung với phân hữu cơ bón ngay còn có thể bón ở lần cày bừa cuối cùng trước khi trồng chuối.

Khi bón phân, trộn phân, lấp hố cần phải lấp kín phân, không để phơi phân ra ngoài nắng đặc biệt là phân hữu cơ, vì nếu lấp phân không kín thì phẩm chất phân giảm nghiêm trọng do giảm lượng đạm trong phân, diệt bớt vi khuẩn có lợi trong phân, giảm các men và các chật kích thích sinh trưởng trong phân.

0