23/05/2018, 15:47

Giới thiệu chung về cây Quế

Giá trị kinh tế cây Quế Quế là loài cây đa tác dụng. Vỏ và quả Quế dùng làm thuốc, lá và vỏ khô cho tinh dầu và làm gia vị, gỗ dùng trong xây dựng và làm đồ dùng gia đình. Đây là loài cây cho hiệu quả kinh tế cao và được trồng ở nhiều nơi Theo tài liệu thống kê cho thấy: Nếu 1ha Quế sau chu kỳ ...

Giá trị kinh tế cây Quế

Quế là loài cây đa tác dụng. Vỏ và quả Quế dùng làm thuốc, lá và vỏ khô cho tinh dầu và làm gia vị, gỗ dùng trong xây dựng và làm đồ dùng gia đình. Đây là loài cây cho hiệu quả kinh tế cao và được trồng ở nhiều nơi

Theo tài liệu thống kê cho thấy: Nếu 1ha Quế sau chu kỳ 15 – 20 năm thu được 1,5 – 2 tấn vỏ trị giá 15 – 20 triệu đồng tương ứng với 10 tấn thóc. Để thu được 10 tấn thóc phải canh tác trên 10 ha lúa nương (sản lượng lúa nương 1 tấn/ha/năm) hoặc 20 ha sắn hoặc ngô.

Tuy nhiên trồng cây trên đất dốc không tiến hành liên tục trong 10 năm được vì sau 3 – 5 năm lại bỏ hoang rồi mới trở lại canh tác. Như sau trong 10 năm 1 ha lúa nương chỉ canh tác được 3 – 5 năm và cho sản lượng 3 – 5 tấn thóc.

Ngoài ra trồng cây lương thực trên đất dốc liên tục còn làm tăng xói mòn đất, giảm độ phì đất, trong khi đó rừng Quế thuần loài ở 5 – 6 tuổi đã khép tán, dưới tán rừng Quế cây bụi thảm tươi phát triển, đất được bảo vệ và lượng lá rơi rụng có tác dụng cải tạo đất.

Trong những năm 2000 – 2001 tại Yên Bái trồng Quế với mật độ ban đầu là 3300 cây/ha.

– Chi phí cho 4 năm đầu là 7 – 8 triệu đồng/ha

– Lợi nhuận bình quân : 20 – 22 triệu đồng/ha

Xác định hiệu quả trồng Quế tại Na Mèo, Thanh Hóa cho thấy: Sau 15 năm lợi nhuận thu được từ 1 ha quế là > 21 triệu đồng.

Như vậy trồng Quế ở các địa phương đều mang lại hiệu quả kinh tế cao

Công dụng của quế

Trong y học

– Theo nghiên cứu của hội hóa học Hoa Kỳ “Mùi hương của tinh dầu Quế giúp cải thiện trí tuệ con người”. Khi ngửi mùi hương này giúp nâng cao sức tập trung, ghi nhớ và xử lý các hình ảnh nhanh và chính xác khi đang làm việc với máy tính.

– Có tác dụng kích thích tuần hoàn máu, hô hấp tăng lên, kích thích tăng bài tiết, tăng cường co bóp tử cung, tăng nhu động ruột.

– Tinh dầu quế dùng để xoa bóp vùng đau bầm tím do chấn thương, đánh gió khi cảm.

– Tinh dầu quế có tác dụng làm ấm toàn thân, khử mùi hôi, trừ cảm cúm, cảm lạnh, tiêu chảy, có tác dụng kích dục, giảm buồn phiền, chống đau cơ.

rung que

– Quế được coi là một trong bốn vị thuốc rất có giá trị (Sâm, Nhung, Quế, Phụ). Nhục quế có vị ngọt cay, tính nóng, thông huyệt mạch làm mạnh tim, tăng sức nóng, chữa các chứng trúng hàn, hôn mê mạch chạy chậm, nhỏ, yếu (trụy mạch, huyết áp hạ) và dịch tả nguy cấp.

– Tinh dầu quế có tính sát trùng mạnh làm ức chế nhiều loại vi khuẩn đặc biệt là vi khuẩn tả. Ở các nước Châu Âu quế được sử dụng là thuốc chữa các bệnh đau bụng tiêu chảy, sốt rét, ho và một số bệnh khác.

Trong công nghiệp, thực phẩm

– Quế được sử dụng một khối lượng lớn để làm gia vị vì quế có vị thơm, cay và ngọt có thể khử bớt được mùi tanh, gây của cá, thịt, làm cho các món ăn hấp dẫn hơn, kích thích được tiêu hoá.

– Quế còn được sử dụng trong các loại bánh kẹo, rượu: như bánh quế, kẹo quế, rượu quế được sản xuất và bán rất rộng rãi. Bột quế còn được nghiên cứu thử nghiệm trong thức ăn gia súc để làm tăng chất lượng thịt các loại gia súc, gia cầm.

– Quế được sử dụng làm hương vị, bột quế được trộn với các vật liệu khác để làm hương khi đốt lên có mùi thơm được sử dụng nhiều trong các lễ hội, đền chùa, thờ cúng trong nhiều nước châu á nhất là các nước có đạo phật, đạo Khổng Tử, đạo Hồi.

– Gần đây nhiều địa phương còn sử dụng gỗ quế, vỏ quế để làm ra các sản phẩm thủ công mỹ nghệ như bộ khay, ấm, chén bằng vỏ quế, đĩa quế, đế lót dầy có quế.

– Một số dân tộc Châu Á dùng quả chín và nụ hoa quế lấy hương thơm làm bánh và ướp chè hay thay nước hoa.

– Ở Ấn Độ, Quế được sử dụng rộng rãi như một thứ gia vị chủ yếu để chế thức ăn.

– Gỗ Quế được dùng làm đồ gia dụng và ván ép. Người Dao ở miền Bắc và một số dân tộc ở huyện Trà My (Quảng Nam) và Trà Bồng (Quảng Ngãi).

Đặc điểm hình thái cây quế

– Cây quế là loài cây thân gỗ, sống lâu năm, ở cây trưởng thành có thể cao trên 15 m, đường kính ngang ngực (1,3 m) có thể đạt đến 40 cm.

– Quế có lá đơn mọc cách hay gần đối lá có 3 gân gốc kéo dài đến tận đầu lá và nổi rõ ở mặt dưới của lá, các gân bên gần như song song, mặt trên của lá xanh bóng, mặt dưới lá xanh đậm, lá trưởng thành dài khoảng 18 – 20 cm, rộng khoảng 6 – 8 cm, cuống lá dài khoảng 1 cm.

– Quế có tán lá hình trứng, thường xanh quanh năm, thân cây tròn đều, vỏ ngoài màu xám, hơi nứt rạn theo chiều dọc.

– Trong các bộ phận của cây quế như vỏ, lá, hoa, gỗ, rễ đều có chứa tinh dầu, đặc biệt trong vỏ có hàm lượng tinh dầu cao nhất, có khi đạt đến 4 – 5%.

– Cây quế khoảng 8 đến 10 tuổi thì bắt đầu ra hoa, hoa quế mọc ở nách lá đầu cành, hoa tự chùm, nhỏ chỉ bằng nửa hạt gạo, vươn lên phía trên của lá, màu trắng hay phớt vàng.

– Quế ra hoa vào tháng 4, 5 và quả chín vào tháng 1, 2 năm sau. Quả quế khi chưa chín có màu xanh, khi chín chuyển sang màu tím than, quả mọng trong chứa một hạt, quả dài 1 đến 1,2 cm, hạt hình bầu dục, 1 kg hạt quế có khoảng 2500 – 3000 hạt.

– Hạt quế có dầu nên khi gặp điều kiện nhiệt độ, ẩm độ cao hạt sẽ bị chảy dầu mất sức nảy mầm

– Bộ rễ quế phát triển mạnh, rễ cọc cắm sâu vào lòng đất, rễ bàng lan rộng, đan chéo nhau vì vậy quế có khả năng sinh sống tốt trên các vùng đồi núi dốc.

Đặc điểm sinh thái cây quế

Cây sinh trưởng trong rừng nhiệt đới, ẩm thường xanh, ở độ cao dưới 800m. Quế là cây gỗ ưa sáng, nhưng ở giai đoạn còn non cây cần được che bóng. Khi trưởng thành 3 – 4 năm cây cần được chiếu sáng đầy đủ. Ánh sáng càng nhiều, cây sinh trưởng càng nhanh và chất lượng tinh dầu càng cao.

Quế có hệ rễ phát triển mạnh, rễ trụ ăn sâu vào đất và cây có tốc độ tăng trưởng tương đối nhanh. Tại vùng đồi núi A Lưới (Quảng Trị), từ hạt đến giai đoạn 3,5 năm tuổi đã đạt chiều cao trung bình 2,2m (tối đa 2,7m). Cây 9 năm tuổi có chiều cao trung bình 6,9 – 7,0 m với đường kính thân trung bình 20 – 21 cm. Quế có khả năng tái sinh chồi từ gốc khá mạnh.

Trong sản xuất, sau khi chặt cây thu vỏ, từ gốc sẽ sinh nhiều chồi non. Có thể để lại một chồi và tiếp tục chăm sóc để sau này lại cho thu hoạch vỏ

Yêu cầu ngoại cảnh

Khí hậu

Quế là loài cây thích hợp khí hậu nhiệt đới ẩm, mưa nhiều, nắng nhiều, vì vậy các vùng có quế mọc tự nhiên ở nước ta là vùng có:

– Lượng mưa cao từ 2000 – 4000 mm/năm; lượng mưa thích hợp nhất 2000 – 3000mm/năm. Lượng mưa hàng năm ở các địa phương trồng quế ở nước ta thường vào khoảng 1.600 – 2.500mm.

– Quế ưa khí hậu nóng ẩm. Nhiệt độ thích hợp cho sự sinh trưởng, phát triển của quế là 20 – 25C.

– Tuy nhiên quế vẫn có thể chịu được điều kiện nhiệt độ thấp (lạnh tới 10 C hoặc 00 C) hoặc nhiệt độ cao tối đa tới 37 – 38C

– Nhiệt độ bình quân hàng năm từ 20 – 29C

– Độ ẩm không khí trên 85%;

Đất đai

Quế có thể mọc được trên nhiều loại đất có nguồn gốc đá mẹ khác nhau (sa thạch, phiến thạch…), đất ẩm nhiều mùn, tơi xốp; đất đỏ, vàng, đất cát pha; đất đồi núi, chua (pH 4-6), nghèo dinh dưỡng, nhưng thoát nước tốt (trừ đất đá vôi, đất cát, đất ngập úng).

Tốt nhất nên trồng Quế những nơi còn tính chất đất rừng, đất có tầng trung bình đến dày, đất rừng mới phục hồi sau nương rẫy, rừng còn cây bụi mọc rải rác… phoi vo quephoi vo que

Quế thường trồng ở những nơi có độ cao so với mặt nước biển:

+ Ở miền Bắc: 200m

+ Ở miền Trung: 500m

+ Ở miền Nam: 800m

Nhân dân các vùng trồng quế cho biết lên cao hơn cây quế có xu hướng thấp lùn, chậm lớn nhưng vỏ dày và có nhiều dầu, xuống thấp hơn cây quế thường dễ bị sâu bệnh, vỏ mỏng và ít dầu trong vỏ, đời sống cây cũng ngắn hơn.

Ở những nơi mùa khô kéo dài, ít mưa, vùng đồi núi trọc, đất xấu, đất thoái hóa, đất đá ong, khô cằn, có lẫn đã hoặc chứa nhiều sỏi sạn, đất đã mất tầng thảm mục, tầng mùn bị rửa trôi, nghèo dinh dưỡng, mất tính chất đất rừng không thích hợp với quế.

Giới thiệu các giống Quế ở Việt Nam

Theo các kết quả điều tra cho thấy hầu hết các giống Quế đang được trồng ở nước ta đều có thân thẳng, tán lá dày, hình trứng. Về hình dạng thân, tán và lá quế ở các vùng Yên bái, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An về cơ bản giống nhau. Riêng quế ở vùng Trà My, Quảng Nam lá có màu xanh thẫm, cây không cao vỏ thường xù xì và có nhiều tua mực ở cành và thân, tỷ lệ tua mực cao khi quế được trồng ở các lập địa thấp, ẩm ướt

Quế Thanh Hóa

Đặc điểm hình thái

Cây gỗ thường xanh, cao 10 – 20m, vỏ thân màu nâu xám hay nâu sẫm, rất thơm.

Cành non có dạng 4 cạnh theo lát cắt ngang, nhẵn. Lá mọc gần như đối hoặc mọc cách;phiến hình bầu dục thuôn đến hình mác thuôn, đầu có mũi nhọn, mềm, gốc hình nêm;thường dài 12 – 15cm, rộng 5 cm màu xanh đậm; mặt dưới có phủ vẩy nhỏ, gân chính 3; cuống lá có rãnh, dài 1,2 – 1,5cm.

Cụm hoa dạng chuỳ mọc ở kẽ lá hay đầu cành. Hoa nhỏ, lưỡng tính, màu trắng hay trắng vàng nhạt.

Quả hình trứng, dài khoảng 1cm, khi chín có màu đen hay tím, nhẵn, đài tồn tại. Mỗi quả 1 hạt.

Đặc điểm sinh học

Cây mọc trong rừng nhiệt đới lá rộng, ẩm trên dãy Trường Sơn từ bắc Thanh Hóa đế Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng nam, Quảng Ngãi ở độ cao trung bình, đôi khi có thể lên tới độ cao 2.000m.

Cây ưa điều kiện nóng, ẩm; thường mọc ở các khu vực có tổng lượng mưa hàng năm cao (2.500 – 3.000mm), trên các loại đất feralit đỏ, vàng; đặc biệt là trên đất phong hoá từ nham thạch núi lửa.

Hệ rễ của cây phát triển nhanh, rễ trụ ăn sâu vào đất. Cây tái sinh chồi khỏe. Khi còn non chịu bóng, nhưng cây trưởng thành lại ưa sáng. Mùa hoa quả tháng 4 đến tháng 8.

Quế Yên Bái

Quế Yên Bái hay còn gọi là quế đơn, quế rành, quế Trung Quốc, quế bì, nhục quế…Loài này phân bố chủ yếu ở Bắc bộ và một số vùng của Việt Nam.

Đặc điểm hình thái

Cây gỗ thường xanh, cao 10 – 20m, đường kính thân có thể đạt 50 – 80cm. Vỏ ngoài màu nâu xám, thường bong ra từng mảnh; thịt vỏ màu nâu, dày 0,4 – 0,6cm, có mùi thơm.

Cành non nhẵn, màu xanh nhạt. Lá mọc đối hoặc gần như đối; phiến lá nguyên, đơn, hình bầu dục thuôn tới hình mác, kích thước 4 – 8(-15) x (2-)3 – 5(-6)cm, đầu nhọn, gốc hình nêm hay nêm rộng; khi còn non thường có màu đỏ nhạt và phủ lông mịn, sau đó nhẵn;mặt trên màu lục sẫm, mặt dưới lục nhạt; cuống lá dài 0,5 – 1cm. Cụm hoa chùy, mọc ở nách lá; cuống ngắn, dài 0,4 – 1,2cm.

Hoa lưỡng tính; bao hoa 6 mảnh, màu trắng xanh hoặc xanh vàng nhạt; nhị 9, xếp thành 3 vòng, chỉ nhị ngắn, gốc của vòng nhị thứ 3 có 2 tuyến mật; bầu thượng, nhỏ.

Quả hình trứng hay gần hình cầu; khi chín có màu nâu vàng, đài tồn tại.

Đặc điểm sinh học

Cây mọc rải rác trong rừng nhiệt đới, thường xanh, có tán che thưa thớt; rất ít gặp trong rừng rậm. Cây chịu bóng ở mức độ trung bình, ưa ẩm; song cũng chịu hạn.

Tại Indonesia, có thể gặp quế rành sinh trưởng tốt ở những nơi có lượng mưa từ 500 – 1000mm/năm (Padang) đến các khu vực có lượng mưa lớn tới 2000 – 2500mm/năm.

Quế rành cho vỏ dày, với chất lượng cao khi sinh trưởng ở những nơi có đầy đủ ánh sáng và đất đai giàu dinh dưỡng.

Ở điều kiện tự nhiên, quế rành tái sinh bằng hạt kém, tỷ lệ nẩy mầm của hạt thấp. Cây có tốc độ tăng trưởng trung bình. Trong quá trình sinh trưởng, đến giai đoạn 20 – 30 năm tuổi cây có tốc độ tăng trưởng theo đường kính thân mạnh nhất. Mùa hoa tháng 5 – 8.

Quế quan

Cây quế quan phân bố chủ yếu ở vùng cực Nam Trung bộ

Đặc điểm hình thái

Cây gỗ thường xanh, cao 10 – 18m, đường kính thân có thể đạt 50 – 60cm. Cây thường phân cành từ gần gốc, tạo thành tán rậm, hình bán cầu.

Vỏ ngoài ở cành non có màu nâu nhạt, nhẵn; nhưng ở cành và thân già lại có màu nâu xám hay nâu đậm. Các tế bào chứa tinh dầu thường có trong vỏ hoặc ở lớp gỗ dác trên thân.

Lá đơn, mọc đối; phiến lá hình trứng hay hình trái xoan, kích thước 5 – 25 x 3 – 10cm; đầu nhọn, gốc gần như tròn; mặt trên xanh đậm, bóng; mặt dưới xanh nhạt, có mùi thơm mạnh; gân chính 3 hoặc 5;cuống lá dài 1 – 2cm.

Cụm hoa thường dạng chùm, mọc ở nách lá hay ở đầu cành, dài khoảng 10cm, cuống có lông mềm, màu trắng kem. Hoa nhỏ, màu vàng nhạt; đài hợp ở phía dưới, dạng hình chuông ngắn; nhị hữu thụ 9, xếp thành 3 vòng, chỉ nhị có lông mượt; vòi nhụy ngắn. Quả hình trứng hay hình trái xoan, dài 1,3 – 1,7cm, có đài tồn tại, to, khi chín có màu đen, hạt

Đặc điểm sinh học

Cây sinh trưởng thuận lợi ở những khu vực có khí hậu ẩm, ấm áp với nhiệt độ trung bình năm đạt 27C, tổng lượng mưa hàng năm 2000 – 2500 mm và phân bố đều trong các tháng. Cây ưa sáng, sinh trưởng tốt ở những khu vực đất thấp, quang đãng.

Điều kiện đất đai có ảnh hưởng rõ rệt đến chất lượng vỏ

Quế có hệ rễ phát triển mạnh và tương đối sâu. Cây phân cành nhiều ngay từ đoạn thân gần gốc, tạo thành bộ tán rậm, nhiều cành. Ngọn và lá non thường có màu đỏ nhạt, sau đó chuyển dần sang màu xanh đậm. Cây thụ phấn chéo nhờ côn trùng. Mùa quả tháng 4 – 9.

Phân bố

Ở nước ta cây quế tự nhiên mọc hỗn giao trong các khu rừng tự nhiên nhiệt đới ẩm, từ Bắc vào Nam. Tuy nhiên cho đến nay quế tự nhiên đã không còn nữa và thay vào đó cây quế đã được thuần hoá thành .

Việt Nam có 4 vùng trồng Quế chính là: Vùng quế Hoàng Liên Sơn (thuộc vùng trung tâm Bắc bộ cũ), Quảng ninh (nay là vùng Đông Bắc), Thanh Hóa – Nghệ An (nay là vùng Bắc trung bộ) và vùng Quảng Nam – Đà Nẵng (nay là Duyên hải Nam trung bộ)

Vùng Hoàng Liên Sơn (Trung tâm Bắc bộ cũ)

– Vùng này Quế được trồng ở hầu hết các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang , Tuyên Quang…tuy nhiên chủ yếu tập trung ở Yên Bái, đây là vùng trồng Quế lớn nhất nước ta

– Vùng quế Yên Bái tập trung ở các huyện Văn Yên, Văn Chấn, Văn Bàn và Trấn Yên tỉnh Yên Bái. Các khu vực có quế nhiều như Đại Sơn, Viễn Sơn, Châu Quế, Phong Dụ, Xuân Tầm… có diện tích trồng quế và sản lượng vỏ quế chiếm khoảng 70% của cả vùng.

– Đặc điểm của vùng quế Yên Bái là vùng rừng núi chia cắt, hiểm trở, nằm phía Đông và Đông Nam của dãy núi Hoàng Liên Sơn

+ Độ cao tuyệt đối khoảng 300 – 700 m;

+ Nhiệt độ trung bình năm là 22,7C.

+ Lượng mưa bình quân năm trên 2000 mm, có nơi như Phong Dụ lượng mưa bình quân năm đạt đến trên 3000 mm;

+ Độ ẩm bình quân là 84%.

+ Đất đai phát triển trên đá sa thạch, phiến thạch, có tầng đất dày, ẩm, nhiều mùn và thoát nước.

Vùng quế Quảng Ninh (nay là vùng Đông Bắc)

– Ở Quảng Ninh quế được trồng tập trung tại các huyện Hải Ninh, Hà Cối , Đầm Hoà, Tiên Yên, Bình Liêu, Hoành Bồ, Quất Động… đây là vùng đồi núi san sát nhau thuộc cánh cung Đông Bắc kéo dài về phía biển.

+ Lượng mưa trong vùng rất cao khoảng trên 2300 mm/năm,

+ Nhiệt độ bình quân năm là 23C.

+ Quế được gây trồng trên đai cao khoảng 200 – 400 m.

– Quế Quảng Ninh là nguồn lợi đáng kể của đồng bào Thanh Y, Thanh Phán sinh sống trong vùng.

Vùng quế Thanh Hóa – Nghệ An (nay là vùng Bắc trung bộ)

– Ở Bắc trung bộ quế được trồng ở các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, chủ yếu tập trung ở Thanh Hóa và Nghệ An

+ Có vĩ độ từ 190 – 200 vĩ độ Bắc.

+ Phía Tây thượng nguồn là các dãy núi cao khoảng 1500 – 2000 m án ngữ biên giới Viêt Lào và thấp dần về phía Đông.

+ Vùng quế Quế Phong, Thường Xuân kẹp giữa lưu vực sông Chu và sông Hiến; có độ cao bình quân khoảng 300 – 700m.

+ Địa hình chia cắt và đón gió Đông – Nam nên lượng mưa của vùng rất cao trên 2000 mm/năm, nguồn nước dồi dào,

+ Nhiệt độ bình quân năm 23,1C, ẩm độ bình quân là 85%.

– Tại Thanh Hóa quế được trồng tập trung ở các huyện Thường Xuân, Quan Sơn, Ngọc Lặc. Ngoài ra quế còn được trồng rải rác ở nhiều huyện khác trong tỉnh (hầu hết là những diện tích mới trồng). Quế Thanh Hóa có đặc điểm về hình thái giống quế Yên bái, cây thân thẳng, vỏ nhẵn, tán lá dày, lá xanh tuy nhiên cây thường nhỏ hơn quế Yên bái

– Ở Nghệ An quế được trồng tập trung ở hai huyện Quỳ Châu và Quế Phong

– Quế Quỳ là tên gọi một giống Quế bản địa tại phủ Quỳ Châu trước đây bao gồm các huyện Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Quỳ Châu và Quế Phong hiện nay. Quế quỳ nổi tiếng về chất lượng, được các thày lang và thương lái mua để bán ra các địa phương trong nước và nước ngoài. Trước đây quế quỳ đã nổi tiếng với thương hiệu: “ Nhất quế Quỳ nhì quế Quảng”

– Quế Thanh và quế Quỳ là quế tốt vì hàm lượng và chất lượng tinh dầu cao nổi tiếng trong cả nước. Ở đây được xác định là còn các diện tích quế tự nhiên, đó là nguồn gen rất quí hiếm cần được bảo tồn và phát.

Vùng Quảng Nam- Quảng Ngãi (nay là Duyên hải Nam trung bộ)

– Vùng Duyên hải Nam trung bộ quế được trồng ở 2 tỉnh Quảng nam và Quảng Ngãi.

+ Tại Quảng Nam quế được trồng ở các huyện Trà My, Phước Sơn, Tiên Phước

+ Tại Quảng Ngãi quế tập trung ở các xã Trà Quân, Trà Hiệp, Trà Thủy và Trà Bồng

– Cây quế ở vùng này có đặc điểm: Thân không thẳng, vỏ xù xì, phân cành thấp, tỷ lệ bênh tua mực cao đạc biệt là những nơi ẩm thấp

– Các huyện Trà My (tỉnh Quảng Nam) và huyện Trà Bồng (Tỉnh Quảng Ngãi) cùng năm về phía đông của dẫy Trường Sơn. Thượng nguồn phía Tây là đỉnh Ngọc Linh cao khoảng 1500m thấp dần về phía Đông.

+ Vùng quế Trà Mi, Trà Bồng có độ cao khoảng 400 – 500 m;

+ Nhiệt độ bình quân năm 220 C;

+ Lượng mưa bình quân là 2300mm/năm;

+ Ẩm độ bình quân 85%;

+ Đất đai phát triển trên các loại đá mẹ, sa thạch hoặc sa phiến thạch có tầng đất dày ẩm, thoát nước, thành phần cơ giới trung bình.

– Vùng quế Trà my, Trà bồng đến nay đã được mở rộng ra các huyện xung quanh như Quế sơn, Phước sơn, Sơn Tây, Sơn Hà.

Xác định giống quế đem trồng

Để tăng sản lượng vỏ quế, hàm lượng và chất lượng tinh dầu cần phải chọn nguồn giống quế đem trồng

Thực tiễn việc đưa giống Quế có ở các tỉnh phía Bắc vào trồng tại các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi đã cho thấy rõ tầm quan trọng của nguồn giống. Các vườn quế có nguồn giống từ các tỉnh phía Bắc trồng ở các tỉnh phía Nam thường cho vỏ mỏng, hàm lượng tinh dầu thấp nên giá trị không cao bằng quế địa phượng. Kết quả khảo nghiệm cho thấy quế ở vùng nào sinh trưởng tốt ở vùng đó. Vì vậy có thể lấy:

– Giống Quế ở Yên Bái trồng cho các tỉnh phía Bắc

– Giống Quế ở Thanh Hóa, Nghệ An trồng cho các tỉnh miền Trung cũ từ Thanh Hóa đến Quảng Bình, Quảng Trị

– Giống ở Quảng Nam, Quảng Ngãi trồng cho các tỉnh phía Nam và Nam Trung bộ

0