31/05/2017, 12:28

Học sinh trong phóng sự áo trắng học trò chìm trong khói shisha kêu oan

Những học sinh xuất hiện trong phóng sự “Khi áo trắng học trò chìm trong khói shisha” phát trên Kênh VTC 14 (Đài TH KTS VTC) đều cho rằng các em bị oan, phóng sự không đúng bản chất sự thật mà được dàn dựng để quay. Phía VTC thì khẳng định chương trình được ghi hình hiện trường bình thường. ...

Những học sinh xuất hiện trong phóng sự “Khi áo trắng học trò chìm trong khói shisha” phát trên Kênh VTC 14 (Đài TH KTS VTC) đều cho rằng các em bị oan, phóng sự không đúng bản chất sự thật mà được dàn dựng để quay. Phía VTC thì khẳng định chương trình được ghi hình hiện trường bình thường.

Học sinh “bị lừa”?

Video trong phóng sự trên được kênh VTC 14 phát sóng vào ngày 27/3/2015, có ghi lại cảnh 1 nhóm học sinh đang quây quần tụ tập tại 1 quán cà phê để hút shisha. Trong đó có 1 học sinh trường THPT Việt Đức (Hà Nội), 3 học sinh trường THPT Trần Nhân Tông (Hà Nội). Nội dung của phóng sự là muốn cảnh báo tình trạng hút shisha trong giới trẻ và những tác hại khi hút shisha. 

Các học sinh trong phóng sự được cho là đang đóng thế theo yêu cầu của người quay...
Các học sinh trong phóng sự khẳng định đang "đóng thế" theo yêu cầu của người quay (?).

Ngay khi phóng sự được phát sóng, những học sinh xuất hiện trong đoạn phóng sự trên đã bức xúc phản ứng, cho rằng nội dung phóng sự không đúng với bản chất sự việc, các em đã được phóng viên có tên M.A.T. của kênh VTC 14 mời tham gia để dàn dựng quay phóng sự này.

Để tìm hiểu rõ sự việc trên, chiều ngày 2/4, PV Dân trí đã tìm đến trường THPT Trần Nhân Tông, Trường THPT Việt Đức và đã được 2 nhà trường cho gặp 4 em học sinh xuất hiện trong phóng sự trên là N.Đ.A (lớp 11D5, trường THPT Việt Đức), T.P.L., N.T.T.T., P.A.V. (đều học lớp 11A7 của Trường THPT Trần Nhân Tông).

Em T,P.L. cho biết: “Ngày 25/3 em được bạn tên là Q. ở trường Đông Kinh rủ đi quay phóng sự về giới trẻ. Sau đó em rủ thêm bạn Đ.A ở trường THPT Việt Đức và 2 bạn T., V. lớp em. Bọn em được hẹn đến 1 quán cà phê trên phố Đào Duy Từ để quay, sau đó bọn em lên tầng 4. Có 1 chị tên là M.A.T nói là của kênh VTC 14 và 2 anh quay phim khác. Sau đó chị T. có nói nội dung trước cho bọn em, đưa ra những câu hỏi và gợi ý trả lời liên quan đến hút shisha. Rồi các anh, các chị ấy gọi 1 bình shisha lên bảo đó là “đạo cụ” để bọn em hút và quay. Nhưng chỉ có bạn T., Đ.A. hút và 2 bạn khác nữa không phải trường em”.

Còn N.Đ.A. chia sẻ, em đã trả lời rất nhiều nội dung về shisha, nhưng trong phóng sự chỉ lấy một câu “shisha chỉ là thứ để giải trí, hút cho vui mồm”. Điều này Đ.A. cho rằng đã bị cắt xén, làm sai lệch nội dung, nhiều người sẽ nghĩ các em rất xấu xa. “Em có hút và các anh ấy bảo nhả khói vào ống kính để quay” – Đ.A. nói.

Em N.T.T.T. cũng suýt bật khóc khi trò chuyện với phóng viên: “Các bạn ấy rủ đi quay phóng sự thì em đi. Hôm đó bạn khác trả lời không được tự nhiên, nên em mới được chị M.A.T bảo trả lời phỏng vấn. Các anh các chị ấy bảo em hút để quay nên em cũng nghe theo và hút. Em rất buồn, hoang mang khi phóng sự này phát sóng, mọi người nghĩ em hư hỏng. Bố mẹ em cũng đang có đề nghị nhà trường phối hợp làm rõ sự việc”.

Em P.A.V. thông tin thêm, các em có nhận được thông tin là phải mặc áo đồng phục để đi quay. Nhưng khi quay xong, các em có đề nghị là phải xóa logo nhà trường vì sợ ảnh hưởng đến hình ảnh nhà trường và phóng viên M.A.T đã đồng ý. Nhưng khi phóng sự phát sóng thì các em thấy vẫn hiện rất rõ logo nhà trường trên áo.

Tất cả 4 học sinh này đều khẳng định phóng sự “Khi áo trắng học trò chìm trong khói shisha” là được dàn dựng 100%. Hiện tâm lý của các em đang rất bất ổn và lo sợ. 

Nhà trường ngỡ ngàng…

Cũng trong chiều 2/4, làm việc với PV Dân trí, đại diện Ban Giám hiệu 2 nhà trường có học sinh xuất hiện trong phóng sự đều cho rằng rất bất ngờ khi chương trình kể trên.

Cô Lê Thị Mỹ Hạnh trao đổi với PV Dân trí
Cô Lê Thị Mỹ Hạnh trao đổi với PV Dân trí

Cô Lê Thị Mỹ Hạnh – Phó Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức – cho biết: “Ngay khi tôi xem xong phóng sự đó, tôi rất bất ngờ, học sinh trường mình lại hút shisha và hồn nhiên trả lời phỏng vấn như vậy. Ngày 30/3, tôi có gọi em Đ.A. lên vào hỏi em và yêu cầu em viết tường trình. Tôi cũng động viên em nên nói ra sự thật, em Đ.A. có nói là được 1 bạn tên là P.L. ở trường THPT Trần Nhân Tông rủ đi. Ngay sau đó, tôi có liên hệ với cô Nguyệt, Phó Hiệu trưởng trường bên đó và nói là cần yêu cầu 3 em học sinh bên đó viết tường trình ngay để tránh các em có sự trao đổi thống nhất để dối trá. Nhưng sau đó nghe cô Nguyệt nói về nội dung tường trình của 3 em học sinh bên đó thì đều trùng khớp với em Đ.A. trường tôi”.

Cô Lê Thị Mỹ Hạnh trao đổi với PV Dân trí
Cô Nguyễn Thị Minh Nguyệt: Học sinh của tôi khẳng định phóng sự là dàn dựng.

Đại diện Ban Giám hiệu Trường THPT Trần Nhân Tông, cô Nguyễn Thị Minh Nguyệt – Phó Hiệu trưởng thông tin thêm: Ngay khi yêu cầu 3 học sinh của trường có liên quan đến phóng sự trên viết bản tường trình, các em đều khẳng định được mời đến dàn dựng để quay. Chiều 31/3, phóng viên A.T. của kênh VTC 14 đã đến làm việc với nhà trường và đưa 1 công văn dấu đỏ của lãnh đạo kênh VTC 14 có nội dung mong muốn “xử nhẹ” các em học sinh có liên quan.

“Tôi cứ ngỡ là công văn xin lỗi vì nội dung của phóng sự đã bị dàn dựng làm ảnh hưởng đến các em học sinh, gia đình, nhà trường và ngành giáo dục chúng tôi. Nhưng đó chỉ là công văn xin “xử nhẹ” các em mà thôi” – cô Nguyệt nói.

Trưa nay (3/4), làm việc với PV Dân trí, ông Hoàng Trọng Hiếu - Phó Trưởng ban Kênh VTC 14 - cho biết: "Phóng sự "Khi áo trắng học trò chìm trong khói shisha" các phóng viên thực hiện quy trình tổ chức ghi hình hiện trường rất bình thường. Trước khi làm, phóng viên đã liên hệ với các nhân vật phù hợp và nhận sự hưởng ứng của em rất nhiệt tình. Đó cũng là quy trình sản xuất phóng sự truyền hình rất bình thường. Bởi trước khi làm phóng sự truyền hình khác, chúng tôi cũng có những setup nhân vật, ánh sáng... và cũng có những chi phí cho sản xuất hiện trường nhất định. Còn nhiều ý kiến cho rằng phóng sự là dàn dựng tôi cũng không có ý kiến gì. Nhưng tôi nhắc lại, đó là quy trình sản xuất hết sức bình thường". 

Tuy nhiên, ông Hiếu cũng nhận sai sót trong khâu xử lý hậu kỳ là không làm mờ nhân vật nhận diện cá nhân đối với hình ảnh của nhân vật tham gia ghi hình, nhất là các em còn là học sinh, xuất hiện trong một bối cảnh nhạy cảm. Đây là bài học nghiệp vụ sâu sắc của cả phóng viên và êkip thực hiện, phê duyệt chương trình.

Nguồn: Dan Tri
0