13/09/2017, 08:39

Hoàng Phủ Ngọc Tường và tác phẩm: Ai đã đặt tên cho dòng sông (Trích)

Ai đã đặt tên cho dòng sông? là một trong những tác phẩm bút kí đặc sắc của Hoàng Phủ Ngọc Tường, nét đặc sắc trong sáng tác của nhà văn là ở sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa chất trí tuệ và tính trữ tình, giữa nghị luận sắc bén với tư duy đa chiều được tổng hợp từ vốn kiến thức sâu rộng về triết học, ...

Ai đã đặt tên cho dòng sông? là một trong những tác phẩm bút kí đặc sắc của Hoàng Phủ Ngọc Tường, nét đặc sắc trong sáng tác của nhà văn là ở sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa chất trí tuệ và tính trữ tình, giữa nghị luận sắc bén với tư duy đa chiều được tổng hợp từ vốn kiến thức sâu rộng về triết học, văn hoá, lịch sử, địa lí... Tất cả sự tổng hoà ấy lại được diễn đạt bằng một hình thức ngôn từ trong sáng, đẹp đẽ.

I. TÁC GIẢ
1. Tiểu sử
- Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường sinh ngày 9 - 9 - 1937 tại thành phố Huế.
- Quê gốc ở xã Triệu Long, huyện Triệu Hải, tỉnh Quảng Trị, hiện sống ở Huế.
- Hoàng Phủ Ngọc Tường từng dạy học, tham gia tích cực phong trào học sinh, sinh viên và giáo chức chống Mĩ – Ngụy đòi độc lập, thống nhất Tổ quốc từ những năm 1950.
- Ông viết văn, viết báo từ khi còn rất trẻ, từng là Tổng thư kí Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hoà bình thành phố Huế. Tổng thư kí Hội Văn học nghệ thuật Trị Thiên - Huế, Tổng biên tập tạp chí Sông Hương, Cửa Việt.
 
2. Văn nghiệp
- Ngôi sao trên đỉnh Phu Văn lâu (bút kí, 1971)
- Những dấu chân qua thành phố (thơ, 1976)
- Rất nhiều ánh lửa (kí, 1979)
- Ai đã đặt tên cho dòng sông? (bút kí, 1985)
- Bản di chúc cỏ lau (1991)
- Người hái phù dung (thơ)
Ông đã được Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1980 với tác phẩm Rất nhiều ánh lửa.
 
3. Phong cách
Hoàng Phủ Ngọc Tường là cây bút tài hoa về thể văn bút kí. Ông có một phong cách viết rất riêng. Văn phong ông là sự kết hợp tài tình tri thức văn học, triết học, lịch sử, địa lí... Hầu như chạm đến vấn đề gì, ở bất kì thời điểm nào ông vẫn có thể thoải mái vung bút.
 
Bút kí của ông hấp dẫn người đọc ở tầm nhân văn sâu sắc, trí tuệ uyên bác và chất Huế thơ mộng đầy quyến rũ. Những trang viết của ông thể hiện sự tài hoa của một tài tử chốn kinh thành.
 
Bút kí Hoàng Phủ Ngọc Tường là những áng thơ văn xuôi thấm dẫm chất thơ. Trong khi đó, thơ ông mang vẻ đẹp của nỗi buồn hoài niệm, những suy ngẫm triết học về lẽ sống, cái chết,... từ trong sâu thẳm thời gian ngân vọng, day dứt tâm hồn người đọc.
 
II. TÁC PHẨM:  Ai đã đặt tên cho dòng sông?
Ai đã đặt tên cho dòng sông? là một trong những tác phẩm bút kí đặc sắc của Hoàng Phủ Ngọc Tường, nét đặc sắc trong sáng tác của nhà văn là ở sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa chất trí tuệ và tính trữ tình, giữa nghị luận sắc bén với tư duy đa chiều được tổng hợp từ vốn kiến thức sâu rộng về triết học, văn hoá, lịch sử, địa lí... Tất cả sự tổng hoà ấy lại được diễn đạt bằng một hình thức ngôn từ trong sáng, đẹp đẽ.
 
1. Bố cục
Bài bút kí gồm có 3 phần, đoạn trích trong SGK Ngữ Văn 12 thuộc phần thứ nhất của tác phẩm. Có thể chia đoạn trích thành 3 ý lớn sau:
 
Phần 1: (từ đầu... dưới chân núi Kim Phụng): Cảm xúc chung khi đến với dòng sông. Hành trình đi tìm vẻ đẹp của sông Hương nơi đầu nguồn.
Phần 2: (tiếp theo... mãi mãi chung tình với quê hương xứ sở): Hành trình đi tìm vẻ đẹp của sông Hương ở vùng đồng bằng và nơi con sông chảy vào thành phố.
Phần 3: (còn lại): Hành trình đi tìm lời giải về huyền thoại của dòng sông, ý nghĩa nhan đề của bài kí.
 
2. Những giá trị nội dung, nghệ thuật
Sinh sống nơi mảnh đất kinh thành giàu truyền thống văn hoá, sáng tác của Hoàng Phủ Ngọc Tường gắn bó máu thịt với vùng đất này. Với một tâm hồn nghệ sĩ tinh tế, một vốn văn hoá phong phú, tác giả đã phát hiện ra những vẻ đẹp tiềm ẩn, huyền diệu, thơ mộng của Hương Giang, vì thế Ai đã dặt tên cho dòng sông? tràn ngập cảm hứng ngợi ca.
 
a. Hành trình đi tìm vẻ đẹp của sông Hương nơi đầu nguồn
Về với thượng nguồn, sông Hương có mối quan hệ mất thiết với đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ. Cảnh dòng sông ở đây được tác giả khắc hoạ với nhiều hình ảnh đầy ấn tượng. Sông Hương tựa như “một bản trường ca của rừng già” với nhiều tiết tấu hùng tráng, dữ dội. Nhà văn đã nhận ra sức sống mãnh liệt, man dại nhưng cũng có lúc “dịu dáng và say đắm” của sông Hương. Theo Hoàng Phủ Ngọc Tường, nếu chỉ mải mê ngắm nhìn kinh thành mà không chú ý tìm hiểu dòng sông từ đầu nguồn thì sẽ không thể cảm nhận hết vẻ đẹp trong chiều sâu của sông nước Hương Giang.
 
b. Hành trình đi tìm vẻ đẹp của sông Hương ở vùng đồng bằng và nơi con sông chảy vào thành phố
Trong hành trình chảy xuôi về đồng bằng, nhà văn đã nhận ra sự thay đổi về tính cách của sông Hương. Bởi lẽ trước khi trở thành người tình thuỷ chung của cố đô, dòng sông đã trải qua một hành trình đầy gian truân và nhiều thử thách. Trong cái nhìn của tác giả, hành trình xuôi dòng của sông là hành trình tìm lại người tình nhân của một người con gái trong một câu chuyện tình yêu nhuốm màu cổ tích. Giữa cánh đồng Châu Hoá đầy hoa dại, sông Hương là cô gái đẹp ngủ mơ màng, nhưng ngay sau khi ra khỏi vùng rừng núi, thì cũng như nàng tiên được đánh thức, sông Hương bỗng bừng lên sức trẻ và niềm khát khao của tuổi thanh xuân.
 
Với Hoàng Phủ Ngọc Tường, sông Hương khi chảy về thành phố, dường như là lúc nó tìm lại được chính mình. Sông Hương “vui tươi hẳn lên giữa những biền bãi xanh biếc của vùng ngoại ô Kim Long”. Nằm ngay giữa lòng thành phố, sông Hương được ví như sông Xen của Pa-ri, sông Đa-nuýp của Bu- đa-pét,...
 
Sông Hương càng trở nên say đắm, quyến rũ lòng người hơn khi nó được cảm nhận bằng nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau. Dưới con mắt của hội hoạ, sông Hương và những chi lưu của nó tạo những đường nét thật tinh tế làm nên vẻ đẹp cổ kính của cố đô. Qua cảm nhận của âm nhạc, sông Hương “đẹp như điệu slow”, chậm rãi, sâu lắng, trữ tình.
 
Đoạn sông Hương rời thành phố là một đoạn tuyệt bút của nhà văn, phải có một tài năng cộng với một tình yêu mới có thể có những phát hiện vô cùng thú vị và sâu sắc đến vậy. Sông Hương giống như một người tình bịn rịn, luyến lưu, dùng dàng, day dứt khi tạm biệt cố nhân. Và rồi đến lúc sắp rời xa “như sực nhớ một điều gì chưa kịp nói, nó đột ngột đổi dòng, rẽ ngoặt sang hướng đông tây để gặp lại thành phố lần cuối ở góc thị trấn Bao Vinh xưa cổ”.
 
Đây là đoạn thể hiện tập trung những nét tài hoa, lịch lãm trong lối hành văn của Hoàng Phủ Ngọc Tường. Xuống đồng bằng, nhà văn nhận ra sông Hương có sự thay đổi về tính cách. Sức mạnh bản năng ở người con gái đã được chế ngự để mang một sắc đẹp dịu dàng và trí tuệ, trở thành một người mẹ phù sa.
 
Những kiến thức về địa hình, địa lí, địa chất... cộng với năng lực quan sát tinh tế, sự phong phú về ngôn ngữ hình tượng của nhà văn xứ Huế đã đem đến cho người đọc những xúc cảm thẩm mĩ, những rung động cực kì sâu đậm. Hai bút pháp kể và tả được kết hợp nhuần nhuyễn và tài hoa trong đoạn văn đã làm nổi bật một sông Hương đẹp bởi sự phối cảnh kì thú giữa nó với thiên nhiên xứ Huế.
 
c. Hành trình đi tìm lời giải về huyền thoại của dòng sông, ý nghĩa nhan đề của bài kí
Phần cuối của đoạn trích, tác giả đưa người đọc trở về với những bản anh hùng ca ghi dấu vinh quang từ thuở nó còn là một dòng sông biên thuỳ xa xôi của đất nước các vua Hùng. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, sông Hương đã có những đóng góp với lịch sử đấu tranh bảo vệ vùng biên giới phía Nam của Tổ quốc Đại Việt thời trung đại. Rồi “nó vẻ vang soi bóng kinh thành Phú Xuân của người anh hùng Nguyễn Huệ” vào thế kỉ mười tám. Sông Hương cũng là chứng nhân của giai đoạn lịch sử đầy bi tráng của thế kỉ mười chín, và trong giai đoạn hào hùng nhất của công cuộc đấu tranh giành lại độc lập cho dân tộc, nó chứng kiến những rung chuyển lớn lao của đất nước qua Cách mạng tháng Tám và cả hai cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc Việt trong thế kỉ hai mươi.
 
Trong phần cuối, người đọc tiếp tục bắt gặp những so sánh, liên tưởng thú vị của nhà văn. Tác giả đã gắn sông Hương với âm nhạc cổ điển Huế, lại liên tương đến Nguyễn Du và Truyện Kiều. Nhà văn cho rằng có một dòng thi ca về sông Hương, là một dòng thơ không lặp lại mình, ấy là “dòng sông trắng - lá cây xanh” trong thơ Tản Đà, là vẻ dẹp hùng tráng “như kiếm dựng trời xanh” trong thơ Cao Bá Quát, là nỗi u hoài trong thơ Bà Huyện Thanh Quan, là sức mạnh phục sinh tâm hồn trong thơ ca của Tố Hữu.
0