13/09/2017, 08:39

Tô Hoài và tác phẩm: Vợ chồng A Phủ

Tập Truyện Tây Bắc được Tô Hoài viết năm 1952, gồm có 3 truyện: Vợ chồng A Phủ, Mường Giơn, Cứu đất cứu mường. Tập truyện là kết quả của một chuyến đi dài 8 tháng, Tô Hoài đi theo bộ đội vào giải phóng Tây Bắc năm 1952. Tập truyện đã được tặng giải Nhất, giải thưởng của Hội Văn nghệ Việt Nam 1945 - ...

Tập Truyện Tây Bắc được Tô Hoài viết năm 1952, gồm có 3 truyện: Vợ chồng A Phủ, Mường Giơn, Cứu đất cứu mường. Tập truyện là kết quả của một chuyến đi dài 8 tháng, Tô Hoài đi theo bộ đội vào giải phóng Tây Bắc năm 1952. Tập truyện đã được tặng giải Nhất, giải thưởng của Hội Văn nghệ Việt Nam 1945 - 1955. Vợ chồng A Phủ là tác phẩm hay nhất trong tập truyện này.

I. TÁC GIẢ
1. Tiểu sử
Tô Hoài tên khai sinh là Nguyễn Sen, sinh năm 1920, người Hà Nội (bút danh Tô Hoài gắn với hai địa danh: sông Tô Lịch và phủ Hoài Đức). Là một nhà văn có nguồn sáng tạo dồi dào - một cây bút văn xuôi hàng đầu của nền văn học hiện đại Việt Nam.
 
Ông xuất thân trong một gia đình thợ thủ công, vào tuổi thanh niên, ông đã phải làm nhiều nghề để kiếm sống: dạy trẻ, bán hàng, kế toán hiệu buôn,... và nhiều khi thất nghiệp.
 
Đến với văn chương, ông nhanh chóng được người đọc chú ý, nhất là với truyện Dế Mèn phiêu lưu kí. Năm 1943, Tô Hoài gia nhập Hội Văn hoá cứu quốc. Trong kháng chiến chống Pháp, ông chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực báo chí, nhưng vẫn có một số thành tựu quan trọng như Truyện Tây Bắc...
 
Tính từ khi khởi nghiệp văn - năm 1940 - cho đến nay, Tô Hoài chuyên viết và có đóng góp đặc sắc trên bốn mảng đề tài: vùng quê ngoại thành Hà Nội - hiện tại và lịch sử; miền núi Tây Bắc, Việt Bắc trong cách mạng, kháng chiến và xây dựng chủ nghĩa xã hội; sáng tác cho thiếu nhi; chân dung và hồi ức.
 
2. Văn nghiệp
Tô Hoài đã có trên 150 tác phẩm với nhiều đề tài và nhiều thể loại: tiểu thuyết, truyện ngắn, bút kí, hồi kí, kinh nghiệm sáng tác... Trước cách mạng, Tô Hoài nổi tiếng với truyện Dế mèn phiêu lưu kí. Sau năm 1945, có Truyện Tây Bắc, Mười năm, Miền Tây, Cát bụi chân ai,...
 
Năm 1996, ông được Nhà nước Việt Nam phong tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (đợt I).
 
3. Phong cách
Tô Hoài là nhà văn đa phong cách. Ông viết truyện thiếu nhi, truyện người lớn. Thể loại nào cũng để lại dấu ấn riêng. Tuy nhiên cũng như tính cách ông, văn phong ông điềm đạm, không dễ “nổi nóng”, giản dị, trong sáng, đầy cảm xúc, hóm hỉnh với nhiều triết lí thâm trầm.
 
Ông viết về loài vật nhưng lại quá đỗi giống thân phận đời người. Ông yêu chữ và cố công tích cóp chữ của cõi nhân sinh để làm giàu cho trang viết của mình. Trả lời câu hỏi của Văn Cầm Hải: Sức đâu mà chữ nhiều thế? Ông tủm tỉm cười: “Một phần là trời cho, một phần là đọc, lượm lặt chữ của nhân gian, chữ của giời - ông chỉ tay ra ngoài khung cửa xanh - như cô hàng bánh nói gì, mình cũng phải học. Các anh trẻ bây giờ nhiều người viết được nhưng viết hay thì hiếm quá. Suốt đời tôi chỉ làm một người nhặt chữ. Văn chương nghệ thuật thì vô cùng nhưng suy cho cùng phải là người giỏi chữ. Anh có tư tưởng lớn lao đến đâu mà không giỏi chữ, anh không thể trở thành nhà văn”.
 
II. TÁC PHẨM: Vợ chồng A Phủ
1. Xuất xứ
Tập Truyện Tây Bắc được Tô Hoài viết năm 1952, gồm có 3 truyện: Vợ chồng A Phủ, Mường Giơn, Cứu đất cứu mường. Tập truyện là kết quả của một chuyến đi dài 8 tháng, Tô Hoài đi theo bộ đội vào giải phóng Tây Bắc năm 1952. Tập truyện đã được tặng giải Nhất, giải thưởng của Hội Văn nghệ Việt Nam 1945 - 1955. Vợ chồng A Phủ là tác phẩm hay nhất trong tập truyện này.
 
2. Tóm tắt
Ngày xưa, bố Mị lấy mẹ Mị, không đủ tiền cưới phải đến vay nhà thống lí, bố của thống lí Pá Tra. Mẹ Mị đã chết, bố Mị đã già mà món nợ mỗi năm phải trả lãi một nương ngô vẫn còn. Năm đó, ở Hồng Ngài Tết đến, A Sử, con trai thống lí Pá Tra lừa bắt cóc được Mị về đem cúng trình ma. Mị trở thành con dâu gạt nợ. Khổ hơn con trâu con ngựa, lùi lũi như con rùa trong xó cửa, Mị định ăn lá ngón tự tử. Thương cha, Mị chết không đành. Ở lâu trong cái khổ, Mị quen khổ rồi. Một cái Tết nữa lại đến. Mị thấy lòng phơi phới. Cô uống rượu từng bát, rồi chuẩn bị lấy váy áo đi chơi. A Sử bắt gặp đã trói đứng Mị bằng một thúng sợi đay.
 
A Phủ vì tội đánh con quan nên bị làng phạt vạ một trăm bạc trắng. A Phủ trở thành người ở trừ nợ cho Pá Tra. Một năm rừng động, A Phủ để hổ bắt mất một con bò. Pá Tra đã trói đứng anh vào một cái cọc bằng một cuộn mây.
 
Mấy ngày đêm trôi qua, A Phủ sắp chết đau, chết đói, chết rét thì được Mị cắt dây trói cứu thoát. Hai người trốn đến Phiềng Sa rồi nên vợ nên chồng. A Phủ gặp cán bộ là A Châu kết nghĩa làm anh em, được giác ngộ trở thành chiến sĩ du kích đánh Pháp.
 
3. Những giá trị nội dung, nghệ thuật
a. Nội dung
Vợ chồng A Phủ tập trung khắc hoạ 2 nhân vật là Mị và A Phủ. Trong đó, Mị là nhân vật trung tâm, là linh hồn của truyện. Mở đầu tác phẩm, người đọc bị thu hút ngay bởi hình ảnh người con gái “ngồi quay sợi bên tảng đá trước cửa, cạnh tàu ngựa”. Đó là Mị - cô con dâu của nhà thống lí Pá Tra - một chúa đất đầy quyền thế.
 
Mị là một cô gái Mông, sinh ra trong một gia đình nghèo. Trước lúc về làm con dâu gạt nợ cho nhà thống lí Pá Tra, Mị là người con hiếu thảo. Cô trẻ, đẹp, lao động giỏi, khao khát sống tự do, khao khát tình yêu và được trai làng theo đuổi. Thế nhưng vì cha mẹ không trả nổi nợ vay thống lí làm đám cưới lúc trẻ nên Mị phải làm dâu trả nợ.
 
Từ đó, Mị thành một nô lệ bị đoạ đày, bị hành hạ, bị tước hết mọi quyền sống nên không còn ý thức, sống như cái xác không hồn (cô ngồi bên tảng đá trơ lạnh, buồng Mị ở gần tàu ngựa, mặt luôn cúi xuống buồn rười rượi...).
 
Cô không còn ý niệm về thời gian. Thế giới mà cô nhận thức được qua cái ô cửa vuông bằng bàn tay là “mờ mờ trăng trắng” “không biết tà sương hay là nắng”. Mị gần như mất đi ý niệm về thời gian, ý nghĩa của cuộc sống cũng bị thủ tiêu.
 
Cầm nắm lá ngón định quyên sinh vì không chịu sống tủi nhục nhưng vì thương bố, Mị đành chấp nhận thân phận làm trâu ngựa.
 
Mùa xuân đến, tình xuân bất chợt trở về bừng nở trong lòng, đánh thức sức sống tiềm tàng mãnh liệt. Cô nhớ quá khứ, sống trong quá khứ, cô quên đi thực tại phũ phàng và lòng khát khao tự do trỗi dậy. Mị định đi chơi.
 
Nhưng A Sử (chồng Mị) coi Mị như một con trâu, con ngựa đã đứt dây buộc. Nó cũng rành rẽ các hành động để trói đứng Mị vào cột. Cả mái tóc cũng được “quấn tên cột”. Mị bị trói rồi mà cô vẫn không tin được đó là sự thật. Lòng ham sống được đánh thức trong đêm xuân vẫn còn một thế năng để cho “tiếng sáo đưa Mị đi theo những cuộc chơi”... Để rồi sau đó chua chát hơn nhận thấy mình “không bằng con ngựa”.
 
Những đêm khuya, Mị ra thổi lửa. Mị đã thấy A Phủ bị trói. “Nếu A Phủ là cái xác chết đứng đấy cũng thế thôi”- Mị đã sống vô ý thức, tâm hồn đã vô cảm.
 
Đêm đông, nhìn thấy dòng nước mắt chảy trên khuôn mặt hốc hác của A Phủ, Mị nhớ tới nước mắt của mình, Mị nghĩ tới cái chết nhãn tiền của A Phủ. Từ số kiếp A Phủ, Mị lại nghĩ tới mình đã về “trình ma nhà nó rồi” không phương thoát khỏi nhưng A Phủ không lí gì phải chết... Những ý nghĩ ấy thúc đẩy Mị đi đến hành động cởi trói cho A Phủ rồi chạy theo A Phủ, thoát ra khỏi cái địa ngục trần gian tại nhà thống lí Pá tra.
 
b. Nghệ thuật
Nghệ thuật kể chuyện khéo léo, kết hợp trần thuật theo quan điểm tác giả và trần thuật theo quan điểm nhân vật; khắc hoạ tinh tế các quá trình tàm lí nhân vật; nghệ thuật tả cảnh, dựng cảnh sống động; ngôn ngữ tác phẩm trong sáng, thanh thoát, nhuần nhị mang phong vị miền núi đậm đà... đó chính là những yếu tố khẳng định tài năng trong nghệ thuật văn xuôi của Tô Hoài.
0