13/09/2017, 08:39

Nguyễn Thi và tác phẩm: Những đứa con trong gia đình

Nguyễn Thi (1928 - 1968), tên thật là Nguyễn Hoàng Ca, bút danh Nguyễn Ngọc Tấn, quê xã Hải Anh, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Thuở nhỏ ông học ở quê, năm lên 10 tuổi, ông mồ côi cha, phải sống nhờ họ hàng. Hoàn cảnh gia đình nghèo túng nhưng Nguyễn Thi rất có chí học hành. I. TÁC GIẢ 1. Tiểu ...

Nguyễn Thi (1928 - 1968), tên thật là Nguyễn Hoàng Ca, bút danh Nguyễn Ngọc Tấn, quê xã Hải Anh, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Thuở nhỏ ông học ở quê, năm lên 10 tuổi, ông mồ côi cha, phải sống nhờ họ hàng. Hoàn cảnh gia đình nghèo túng nhưng Nguyễn Thi rất có chí học hành.

I. TÁC GIẢ
1. Tiểu sử

 
Nguyễn Thi tham gia Cách mạng tháng Tám ở Sài Gòn. Kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ, ông gia nhập quân đội, làm công tác tuyên huấn, đội trưởng đội văn công 330 quân khu miền Đông Nam Bộ.
 
Đầu năm 1955, ông tập kết ra Bắc. Năm 1956, ông chuyển về công tác ở tạp chí Văn nghệ quân đội. Năm 1962, ông trở lại chiến trường miền Nam, tham gia chống Mĩ trong lực lượng Văn nghệ Giải phóng. Năm 1968, ông theo một tiểu đoàn pháo binh, tham gia tổng tấn công đợt II và đã hi sinh trong tư thế một người chiến sĩ cảm tử tại đường Minh Phụng thành phố Sài Gòn vào ngày 9 tháng 5 năm 1968 (Con đường này hiện nay mang tên ông).
 
2. Văn nghiệp
Nguyễn Thi viết nhiều thể loại: thơ, bút kí, truyện ngắn, tiểu thuyết.

Tác phẩm tiêu biểu: Hương đồng nội (thơ, 1950), Trăng sáng (1960), Đôi bạn (tập truyện ngắn, 1965), Truyện và kí Nguyễn Thi (1969)... Năm 1996, tập hợp lại thành Nguyễn Ngọc Tấn - Nguyễn Thi toàn tập (4 tập - 2700 trang).
 
3. Phong cách
Là nhà văn Nam Bộ, văn Nguyễn Thi đậm đà màu sắc dân gian mà hiện đại, lối kể chuyện tự nhiên như cách cảm, cách nghĩ của người nông dân Nam Bộ.
 
Nhân vật của Nguyễn Thi luôn được trình bày trong mối quan hệ phức tạp và sự vận động phát triển đầy ấn tượng trước những vấn đề thuộc về đạo đức, ý thức, trách nhiệm của một công dân: trẻ trung, bộc trực, mãnh liệt, đáng yêu.
 
Ông là nhà văn sử dụng thành công ngôn ngữ bình dị, thẳng thắn, đầy nghĩa tình của miền đất Nam Bộ.
 
II. TÁC PHẨM: Những đứa con trong gia đình
1. Tóm tắt
Truyện viết dựa trên dòng hồi tưởng. Kí ức của nhân vật mở ra từng trang trong quá khứ, một quá khứ không xa xôi, đó là những ngày gần gũi sống trong gia đình với ba má, chị Chiến với bao kỉ niệm tốt đẹp.
 
Truyện kể về chiến sĩ Việt bị thương trong trận đánh. Việt tấn công xe bọc thép bằng thủ pháo và tiêu diệt được nó. Bị ngất đi và lạc đồng đội, nằm giữa một khu rừng xa vắng, Việt tỉnh lại nhiều lần sau cơn ngất. Anh nhớ về gia đình, kỉ niệm về ba má, về chị Chiến, nghĩ đến đồng đội, nghĩ đến sự sống và cái chết. Những suy nghĩ đó góp phần nói lên phẩm chất tốt đẹp của người chiến sĩ Giải phóng quân.
 
Lần thứ nhất thức dậy, thấy trời đất tối đen, trận địa thì phẳng lặng, mùi xác chết tanh tưởi, hôi hám của lính Mĩ, rồi hố bom, công sự, Việt lê từng bước với những vết thương rỉ máu. Cảnh ngộ trong hiện tại thật bi đát nhưng người chiến sĩ vượt lên. Anh vẫn hồi ức về những kỉ niệm đẹp về gia đình về tình chị em.
 
Lần thứ hai tỉnh dậy, nghe tiếng nhái kêu, Việt nhớ lại những ngày cùng chị đi bắt ếch, Việt thường giành phần nhiều về mình. Một lần bắn tàu Mĩ trên sông Định Thuỷ, Việt cũng đòi tranh công và Chiến lại nhường em.
 
Lần thứ ba tỉnh dậy, tiếng súng kẻ thù vẫn nổ. Xe bọc thép chạy một lúc một gần. Pháo nổ càng gần hơn. Bị thương nên cả người Việt rất đau đớn, mắt không nhìn rõ được vật gì. Việt nghĩ tới hoàn cảnh nếu không may bị kẻ thù bắt và giết chết. Việt không sợ chết nhưng lại suy nghĩ nếu chết mà không được sống chung với anh Tánh và không còn được đi bộ đội nữa thì buồn lắm.
 
Lần thứ tư tỉnh dậy, Việt vẫn nghe tiếng súng từ xa vọng lại, ý nghĩ trở về sâu sắc nhất là những ngày đầu nhập ngũ, lúc đó Việt 18 và Chiến 19 tuổi. Hai chị em tranh nhau đi bộ đội để trả thù cho má. Những chi tiết cuối cùng rất cảm động, hai chị em cùng đi bộ đội, họ bàn bạc đem bàn thờ má qua gởi nhà chú Năm.
 
Câu chuyện kết thúc khi Việt gặp lại đơn vị và được đưa đi điều trị. Việt lại nhớ đến chị Chiến với biết bao những tình cảm xúc dộng nhớ thương.
 
2. Những giá trị nội dung, nghệ thuật
Con đường nghệ thuật của Nguyền Thi là con đường của một nhà văn chiến sĩ, nhà văn của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Không chỉ cuộc đời của ông mà chính những trang viết của ông là những minh chứng hùng hồn cho một cây bút không bao giờ đứng ngoài hoặc tụt lại đằng sau trong cuộc chiến đấu vĩ đại của dân tộc.
 
Về nghệ thuật, ông đã tạo nên một phong cách độc đáo. Nguyễn Thi là nhà văn của người nông dân Nam Bộ, những con người hồn nhiên, yêu đời, bộc trực, căm thù giặc sâu sắc. Nguyễn Thi là cây bút có biệt tài phân tích tâm lí nhân vật, ngôn ngữ trong sáng giàu hình tượng.
 
* Những điểm giống nhau, khác nhau trong tâm lí, tính cách giữa hai nhân vật Chiến và Việt.
+ Nhân vật Chiến
Nhân vật Chiến được hiện rõ qua hồi ức của người em trai. Chiến là một mẫu nhân vật nữ khá tiêu biểu cho người phụ nữ Nam Bộ giỏi giang, hiếu thảo, hết lòng yêu thương gia đình, quê hương và là người con gái mang truyền thống chống giặc ngoại xâm.
 
Sinh ra trong hoàn cảnh hết sức khốc liệt của chiến tranh nên dường như Chiến già dặn hơn nhiều so với tuổi của cô. Mẹ mất, Chiến trở thành một người đảm đương tất cả chuyện của gia đình. Từ chuyện ruộng vườn, chuyện nhà cửa, chuyện bàn thờ mẹ...
 
Chiến là một người em, người chị mẫu mực, luôn viết thư cho chị Hai, hỏi ý kiến chị để xử lí công việc, luôn nhường nhịn em, hỏi ý kiến em một cách khéo léo về những vấn đề cần giải quyết trước khi hai chị em lên đường nhập ngũ. Chiến có tính cách rất giống mẹ, giống từ dáng đi, giọng nói (giọng nói của Chiến làm hai lần Việt so sánh với má). Chiến tính toán một cách rạch ròi từng việc trong nhà. Sống trong một gia đình nghèo lại mồ côi sớm nên Chiến biết tính toán như một người chủ thật sự.
 
Chiến là một cô gái đầy ý thức trách nhiệm đối với quê hương đất nước. Chị có một tình yêu thương vô bờ đối với bà con làng xã, chị lên đường chiến dấu không chỉ để trả thù nhà mà cả vì ý thức trách nhiệm đối với quê hương. Tinh thần chiến đấu của cô đúng như cái tên cô gái mang là Quyết Chiến, câu nói điển hình của cô với em là: “Nếu giặc còn thì tao mất...”.
 
+ Nhân vật Việt
Cũng như Chiến, Việt hiện lên khá sinh động qua ngòi bút của Nguyễn Thi. Việt chưa tròn mười tám tuổi vì vậy mà còn rất trẻ con và hồn nhiên. Được mẹ nuông chìu, Việt hay làm nũng, hay tranh giành với chị; đi bắt ếch cậu cũng giành phần nhiều, cả vết đạn bắn thằng Mĩ trên sông Định Thuỷ cậu cũng tranh công.
 
Việt hồn nhiên, trẻ con vậy nhưng cũng vì hoàn cảnh khốc liệt của chiến tranh, anh cũng trở thành người lớn hơn trước tuổi của mình. Bên cạnh cái hồn nhiên, vô tư của những đứa trẻ bình thường, Việt có phẩm chất của một con người kiên cường anh dũng, phẩm chất này được tôi luyện từ trong đau thương mất mát. Từ ngày còn bé, Việt đã chạy theo má để đòi đầu cha. Rồi mẹ mất, Việt không gục ngã. Hành động đòi lên đường tòng quân khi chưa tròn mười tám tuổi của Việt xuất phát từ ý thức thù nhà, nợ nước.
 
Nét “trẻ con”“người lớn” đan xen vào nhau đã góp phần dựng lên sinh động chân dung nhân vật. Đi bộ đội, anh vẫn mang theo cái ná thun; Việt rất quý đồng đội nhưng lại giấu biệt các anh là mình có người chị chỉ vì Việt thương chị, sợ mất chị. Giữa chiến trường khốc liệt, Việt không hề sợ hi sinh mà lại sợ ma.
 
Phẩm chất đẹp của người chiến sĩ được thể hiện rất rõ trong thời gian Việt lạc đồng đội ở lại giữa chiến trường. Khi cái chết đã cận kề, hai mắt đã bị thương, Việt vẫn ở trong tư thế sẵn sàng chiến đấu:
 
- Đêm đầu tiên, Việt lạc đơn vị giữa rừng đầy xác giặc, chân tay tê dại, khắp người rỉ máu, anh vẫn cố bò đi, sẵn sàng chiến đấu, mười ngón tay không lên đạn được, anh dùng răng giật cơ bẩm đưa đạn lên nòng.
 
- Đêm thứ hai, thể trạng gần như kiệt sức hoàn toàn, anh vẫn chuẩn bị lựu đạn để xung phong hợp đồng chiến đấu với đồng đội. Bốn lần ngất đi, tính lại đều có bóng dáng căm thù, trong tâm tư, cử chỉ của người lính bị thương ấy.
 
* Những điểm giống nhau và khác nhau trong tính cách của Chiến và Việt
Những đứa con trong gia đình đã khẳng định thành công của Nguyễn Thi trên nhiều mặt, trong đó nổi trội là nghệ thuật xây dựng nhân vật.
 
Trước hết, Việt và Chiến có nhiều nét giống nhau về bản chất bởi họ là hai chị em ruột sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng, có mối thù không đội trời chung với giặc đã tàn sát cha mẹ, ông bà mình một cách tàn ác, dã man.
 
Nét tính cách giống nhau cơ bản của Việt và Chiến là thương cha, thương mẹ, căm thù giặc sâu sắc, cùng một ước nguyện được cầm súng đánh giặc trả thù cho ba, má. Tình cảm này thể hiện sâu sắc và cảm động nhất là trong đêm hai chị em giành nhau ghi tên tòng quân.
 
Tuy nhiên hai chị em còn rất trẻ (Việt mới mười bảy, Chiến mười tám), vì thế cả hai đôi lúc vẫn còn tính ngây thơ, trẻ con. Họ rất yêu thương nhau nhưng hay giành nhau.
 
Hai chị em Chiến và Việt đều là những chiến sĩ dũng cảm, gan dạ và từng lập được nhiều chiến công.
 
Việt và Chiến là những nhân vật tiêu biểu cho một thê hệ thanh niên miền Nam trước đây, cầm súng vì thù nhà, nợ nước nhưng đồng thời mỗi nhân vật đều có những nét riêng sinh động, tạo sức hấp dẫn với người đọc.
 
Nguyễn Thi đã sáng tạo ra những nét tính cách khác nhau giữa Việt và Chiến mỗi người một vẻ, khó lẫn. Những nét tính cách khác nhau đó xét cho cùng là do một người là gái, một người là trai, một người là chị, một người là em.
 
Là gái nên Chiến có cái gan góc riêng của phụ nữ, Việt dũng cảm trong chiến đấu nhưng không thể có được cái gan kiên trì ngồi đánh vần cuốn sổ gia đình của chú Năm như Chiến.
 
Là con trai nên Việt rất hiếu động, chỉ thích bắt ếch, câu cá, bắn chim, lúc nào cũng có cái ná thun trong người.
 
Là chị nên Chiến tuy chưa hết tính trẻ con, có lúc cũng tranh hơn với em, nhưng cuối cùng cũng nhường em. Tuy nhiên khi ghi tên tòng quân thì nhất định Chiến không nhường em. Nguyên nhân sâu xa là xuất phát từ tấm lòng của người chị thương em, sợ em phải đương đầu với nguy hiểm của cuộc chiến khốc liệt.
 
Tóm lại, Chiến và Việt là hai chị em có nhiều nét tính cách giống hệt nhau đồng thời cũng có những cá tính khác nhau. Nhưng cả hai đều rất đáng mến, đáng yêu.
0