13/09/2017, 08:39

Nguyễn Trung Thành và tác phẩm: Rừng xà nu

Mùa hè năm 1965, đế quốc Mĩ bắt đầu đổ quân ào ạt vào bãi biển Chu Lai, cuộc chiến đấu mới vô cùng gay go và ác liệt. Nguyễn Trung Thành viết Rừng xà nu như là một biểu tượng cho một tinh thần bất khuất, kiên cường của đồng bào Tây Nguyên nói riêng và đồng bào ta nói chung. I. TÁC GIẢ Nguyễn ...

Mùa hè năm 1965, đế quốc Mĩ bắt đầu đổ quân ào ạt vào bãi biển Chu Lai, cuộc chiến đấu mới vô cùng gay go và ác liệt. Nguyễn Trung Thành viết Rừng xà nu như là một biểu tượng cho một tinh thần bất khuất, kiên cường của đồng bào Tây Nguyên nói riêng và đồng bào ta nói chung.

I. TÁC GIẢ
Nguyễn Trung Thành tên khai sinh là Nguyễn Văn Báu, bút danh Nguyên Ngọc, ông sinh Năm 1932 ở huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam nhưng trong suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ, nhà văn chủ yếu sống ở Tây Nguyên.
 
Ông có hiểu biết sâu sắc, gắn bó mật thiết với cảnh vật và con người Tây Nguyên. Do đó, những thành công lớn nhất với sự nghiệp của ông cũng gắn bó với mảnh đất này.
 
Năm 1950, khi đang học trung học phổ thông, ông gia nhập Quân đội Nhân dân Việt Nam, chủ yếu hoạt động ở Tây Nguyên - chiến trường chính của Liên khu V bấy giờ. Sau một thời gian ở đơn vị chiến đấu, ông làm phóng viên báo Quân đội nhân dân liên khu V và lấy bút danh Nguyên Ngọc.
 
Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, ông tập kết ra Bắc. Ông viết tiểu thuyết Đất nước đứng lên, kể về cuộc kháng chịến chống Pháp của người Ba-na, tiêu biểu là anh hùng Núp và dân làng Kông Hoa, dựa trên câu chuyện có thật của Đinh Núp.
 
Năm 1962 ông trở lại miền Nam, lấy tên là Nguyễn Trung Thành, hoạt động ở khu V, là Chủ tịch Chi hội Văn nghệ giải phóng miền Trung Trung Bộ, phụ trách Tạp chí Văn nghệ quân giải phóng của Quân khu V.
 
Sau chiến tranh ông làm Phó Tổng thư kí Hội Nhà văn Việt Nam, Tổng biên tập báo Văn nghệ.
 
Hiện nay, ông vẫn tham gia hoạt động trong lĩnh vực văn hoá, giáo dục. Ông đã dịch một số tác phẩm lí luận văn học như Độ không của lối viết (Rollana Barthes), Nghệ thuật tiểu thuyết (Milan Kundera)...
 
II. VĂN NGHIỆP
Những tác phẩm tiêu biểu của Nguyễn Trung Thành (Nguyên Ngọc) là: Đất nước đứng lên (1954), Rẻo cao (1961), Đất Quảng (2 tập, 1971 - 1974)... .

III. PHONG CÁCH
Văn Nguyên Ngọc mang đậm âm hưởng sử thi của núi rừng Tây Nguyên. Ở đó, chất thơ hoà quyện với độ hoành tráng của núi rừng, của những con người bất khuất, kiên trung với quê hương, đất nước.

Sức sống bất diệt, khả năng trỗi dậy vô tận của con người, sự sống luôn được đề cao trong tác phẩm của ông.
 
IV. TÁC PHẨM: Rừng xà nu
1. Hoàn cảnh sáng tác
- Mùa hè năm 1965, đế quốc Mĩ bắt đầu đổ quân ào ạt vào bãi biển Chu Lai, cuộc chiến đấu mới vô cùng gay go và ác liệt. Nguyễn Trung Thành viết Rừng xà nu như là một biểu tượng cho một tinh thần bất khuất, kiên cường của đồng bào Tây Nguyên nói riêng và đồng bào ta nói chung.
 
Rừng xà nu đăng lần đầu tiên trên tạp chí Văn nghệ quân giải phóng miền Trung Trung Bộ (số 2, 1965), sau đó được tuyển in trong tập truyện và kí Trên quê hương những anh hùng Điện Ngọc.
 
2. Tóm tắt truyện
Sau ba năm đi “lực lượng”, Tnú về thăm làng. Bé Heng gặp anh ở con nước lớn dẫn anh về. Con đường cũ, nhưng bây giờ chằng chịt hố chông, hầm chông, giàn thò sắc lạnh. Mặt trời chưa tắt thì anh về đến làng. Cụ Mết già làng và bà con dân làng reo lên mừng rỡ. Cụ Mết đưa anh về nhà ăn cơm.
 
Từ nhà ưng vang lên một hồi, ba tiếng mõ dài, cả lũ làng cầm đuốc kéo tới nhà cụ Mết gặp Tnú. Dít thay mặt lũ làng xem giấy có chữ kí chỉ huy cho phép Tnú về thăm làng một đêm.
 
Cụ Mết kể lại cuộc đời Tnú cho lũ làng nghe. Tiếng nói rất trầm: Anh Xút bị giặc treo cổ, bà Nhan bị giặc chặt đầu, Tnú và Mai đi vào rừng nuôi anh Quyết cán bộ. Anh dạy Tnú học chữ. Một lần Tnú vượt thác Đắc Năng thì bị giặc bắt, bị tra tấn, bị đầy đi Kon Tum. Ba năm sau, Tnú vượt ngục trốn về, lưng đầy thương tích. Tnú đọc thư tuyệt mệnh của anh Quyết gửi cho dân làng Xô Man trước khi anh tử thương.
 
Tnú đi bộ lên núi Ngọc Linh đem về một gùi đá mài. Đêm đêm làng Xô thức mài vũ khí. Thằng Dục chỉ huy Đồn Đắc Hà đưa lũ ác ôn về vây ráp làng. Cụ Mết và trai tráng lánh vào rừng, bí mật bám theo giặc. Bọn giặc đã giết chết mẹ con Mai. Tay không ra cứu vợ con, Tnú bị giặc bắt. Chúng lấy nhựa xà nu đốt cháy 10 ngón tay anh. Cụ Mết và lũ thanh niên từ rừng xông ra, dùng mác, rựa chém chết tất cả 10 tên ác ôn. Làng Xô Man ào ào rung động. Và lửa cháy khắp rừng. Sau đó, Tnú ra đi tìm cách mạng...
 
Cụ Mết ngừng kể, rồi hỏi Tnú đã giết được, mấy thằng Diệm, mấy thằng Mĩ rồi? Anh kể chuyện đánh đồn, xông xuống hầm ngầm dùng tay bóp chết thằng chỉ huy... thằng Dục, “đúng chớ... chúng nó đứa nào cũng là thằng Dục !”. Mưa rơi nặng hạt. Không ai nhận thấy đêm đã khuya. Sáng hôm sau cụ Mết và Dít tiễn Tnú lên đường. Ba người đứng nhìn những rừng xà nu nối tiếp chạy đến chân trời.
 
3. Những giá trị nội dung, nghệ thuật
a. Hình ảnh cây xà nu
Hình ảnh cây xà nu trong truyện ngắn này vừa là hình ảnh thực vừa là hình ảnh mang nghĩa biểu trưng. Đó là một hình ảnh vừa lớn lao, vừa đau đớn, vừa anh dũng. Vì thế cây xà nu đã trở thành một nhân vật cực kì quan trọng trong tác phẩm. Cây xà nu vừa là nạn nhân vừa là nhân chứng cho cuộc chiến tranh.
 
+ Cây xà nu được miêu tả bằng bút pháp tạo hình đặc sắc với đường nét, màu sắc, hương vị.
+ Nghệ thuật nhân hoá đậm đặc liên tưởng: Không chỉ là những đời cây xà nu mà là đời người.
+ Cây xà nu còn được nhắc đến nhiều lần trong tác phẩm với một dụng ý nghệ thuật rõ nét.
+ Cây xà nu gắn bó mật thiết với cuộc sống thường nhật của dân làng Xô Man, gắn bó với những sự kiện trọng đại của dân làng, thấm sâu vào nếp suy nghĩ và cảm xúc của họ.
 
Hình tượng cây xà nu tạo nên một không khí Tây Nguyên, chất Tây nguyên độc đáo cho tác phẩm này.
 
b. Những người con bất khuất của dân làng Xô Man
Nhân vật Tnú, nhân vật trung tâm của tác phẩm được xây dựng bằng bút pháp sử thi mang đậm cảm hứng lãng mạn.
 
Cuộc đời và số phận của Tnú khá tiêu biểu cho cuộc đời và số phận chung của những con người Tây Nguyên đau thương, anh dũng, bất khuất, quật khởi đứng lên.
 
Tnú gắn bó với cách mạng từ nhỏ, anh rất gan dạ, dũng cảm. Tnú làm liên lạc cho cán bộ từ xã lên huyện, thường xé rừng mà đi, lọt qua các vòng vây của giặc. Bị giặc phục kích bắt, đánh đập dã man, Tnú nhất quyết không khai.
 
Tnú vượt tù trở lại làng thì anh đã trở thành một chàng trai hoàn hảo: rắn chắc, cao lớn, đẹp đẽ như cây xà nu cường tráng nhất. Rồi Tnú có vợ, có con.
 
Nhưng biến cố đã ập đến đối với cuộc đời Tnú nói riêng và dân làng Xô Man nói chung. Kẻ thù tàn bạo kéo về làng Xô Man để đàn áp phong trào nổi dậy. Để truy tìm Tnú, chúng đã bắt vợ con anh. Chúng tra tấn và giết chết vợ con anh. Tnú không cứu được vợ con, lòng căm thù đã biến hai mắt anh thành hai cục lửa hồng, anh xông vào lũ giặc. Tnú cũng không bảo vệ được chính mình, anh bị giặc bắt và đốt cháy mười đầu ngón tay.
 
Lửa trên mười ngón tay của Tnú đã làm rực cháy ngọn lửa căm thù của con người Xô Man. Họ đã quật khởi đứng lên tiêu diệt kẻ thù.
 
Từ đau thương, Tnú đã trở thành anh hùng, cây xà nu ngày một trưởng thành. Câu chuyện của Tnú là một câu chuyện đầy bi tráng. Tnú là nơi tập trung tất cả những đau thương mà con người nơi đây phải gánh chịu và Tnú cũng hội đủ mọi phẩm chất anh hùng, bất khuất của dân làng Xô Man nói riêng và đồng bào Tây Nguyên nói chung.
 
Các nhân vật khác:
- Cụ Mết, cây xà nu trưởng thành, người thủ lĩnh tinh thần của làng Xô Man. Hình ảnh ông nổi lên bằng những nét chạm khắc đẹp, bàn tay nặng trịch như kìm sắt, râu dài tới ngực, mắt sáng xếch ngược, ngực trần như cây xà nu lớn, tiếng nói ồ ồ, dội vang. Chính cụ là người truyền cho con cháu cái chân lí thiêng liêng “chúng nó đã cầm súng, mình phải cầm giáo”. Hình ảnh cụ Mết với lưỡi mác dài trong tay hiện lên thật uy nghiêm trong đêm quật khởi. Cụ Mết là một điển hình của một già làng Tây Nguyên yêu nước, yêu buôn làng.
 
- Mai và Dít là những nhân vật tiêu biểu cho người phụ nữ Tây Nguyên. Họ cũng sớm giác ngộ cách mạng, kiên trung, bất khuất. Mai hi sinh, Dít ngày một trưởng thành hơn.
 
- Bé Heng, cây xà nu mới lớn, tượng trưng cho thể hệ nối tiếp của đồng bào Tây Nguyên, hình ảnh chú bé “súng đeo chéo ngang lưng ra vẻ một người lính thực sự” mang tính dự báo về sự trưởng thành, lớn mạnh hơn các thế hệ đi trước. Rồi dân làng Xô Man, đồng bào Tây Nguyên sẽ đường hoàng đương đầu với kẻ thù bằng một phẩm chất mới.
 
c. Cuộc vùng dậy của dân làng Xô Man
Cảm hứng trong Rừng xà nu đã được khởi phát từ một vấn đề trọng đại bậc nhất trong hoàn cảnh lịch sử của đất nước ta lúc bấy giờ. Trước sức mạnh huỷ diệt của kẻ thù, vấn đề lớn được đặt ra là: chúng ta phải làm gì?.
 
Đêm vùng dậy, quật khởi của dân làng Xô Man là một tất yếu. Lời cụ Mết vang vang: “Thế là bắt đầu rồi. Đốt lửa lên”. Ngọn lửa căm hờn đã cháy lên lòng yêu nước, dân làng Xô Man, đồng bào Tây Nguyên và nhân dân miền Nam đã đồng khởi đứng lên đương đầu với kẻ thù bạo tàn để giành lại độc lập, tự do.
 
Nghệ thuật: Khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn đã được thể hiện rõ nét trong truyện ngắn này. Cảm hứng sử thi thể hiện đậm nét trong cách miêu tả thiên nhiên, miêu tả nhân vật, trong nghệ thuật khắc hoạ cuộc đời, số phận và tính cách các nhân vật, đặc biệt là nhân vật Tnú. Câu chuyện của một buôn làng anh hùng được lồng vào một thiên nhiên hoành tráng đã chắp cánh cho những chân trời cảm xúc mở ra đến vô tận.
0