18/06/2018, 12:12

Hà Nội - Chợ Bưởi

Chợ Bưởi Hà Nội Vào những năm cuối của thế kỷ 20, người Hà Nội cứ mở cửa ra đường, là đã có thể cùng lúc mua được hàng trăm loại mặt hàng khác nhau, từ mớ rau, con cá cho đến cả áo quần, mũ nón. Nhưng vẫn có những thứ mà hễ cần đến, nhất thiết phải đợi tới 6 ngày nhất định trong tháng ...

Chợ Bưởi Hà Nội
 

Vào những năm cuối của thế kỷ 20, người Hà Nội cứ mở cửa ra đường, là đã có thể cùng lúc mua được hàng trăm loại mặt hàng khác nhau, từ mớ rau, con cá cho đến cả áo quần, mũ nón. Nhưng vẫn có những thứ mà hễ cần đến, nhất thiết phải đợi tới 6 ngày nhất định trong tháng âm lịch, đánh một chuyến lên chơi chợ Bưởi.

Cho đến bây giờ, ở Hà Nội, chỉ còn có 2 cái chợ còn mang dấu ấn xưa cũ và còn giữ lệ họp theo phiên. Ðó là chợ Mơ, họp vào ngày mồng 2 và mồng 7, chợ Bưởi họp vào ngày mồng 4 và mồng 9.

Ca dao Hà Nội cổ có câu:

"Chợ Bưởi một tháng sáu phiên

 Ngày tư, ngày chín cho duyên đèo bòng".

Ngày xửa ngày xưa, chợ Bưởi vốn đã được định vị ở nơi đây trên đất làng Yên Thái ở bờ Tây Nam của Hồ Tây. Chợ nằm ở trung tâm của vùng Kẻ Bưởi cũ, giữa một vùng làng nghề thủ công làm giấy, dệt lụa, dệt lĩnh, nấu nha, nuôi lợn, trồng dâu... Kẻ Bưởi gồm gần chục làng mang tên Nghĩa Ðô, Trung Nha, Vạn Long, Bái Ân, Yên Thái, Võng Thị, Trích Sài, Ðông Xã, Hồ Khẩu... Chợ Bưởi nằm bên chốn hợp lưu giữa 2 con sông tự nhiên Tô Lịch và Thiên Phù, nên thuận lợi trong việc giao lưu buôn bán trên bến dưới thuyền. Chợ lại nằm kề vòng tường thành bao quanh kinh đô Thăng Long nên dân cư tập trung qua lại khá đông đúc.

Chợ Bưởi từ xưa vốn là nơi buôn bán hàng hoá của dân các làng nghề trong vùng. Theo các thư tịch cũ còn lại, chợ Bưởi từng có tới 15 gian hàng bán buôn các loại giấy do dân các làng nghề Kẻ Bưởi làm ra. Ðó là giấy bản của làng Yên Thái, giấy moi của làng Hồ Khẩu, giấy quỳ của làng Ðông Xã, giấy xề của làng Yên Hoà. Nhưng cho đến bây giờ thì như chị Ba, một người hàng giấy thật thà bộc bạch: “Tôi là con gái làng Bưởi, bán hàng ở chợ cũng đã lâu, nhưng làng Bưởi bây giờ chẳng còn mấy nhà làm giấy, giấy này tôi phải ra chợ Ðồng Xuân cất về”.

Trong làng còn vài cơ sở làm giấy nhuộm màu cho các nhà làm hàng mã hay học sinh dùng làm thủ công và giấy vệ sinh các loại. Ở chợ Bưởi còn có các hàng nông cụ phục vụ cho bà con nông dân các vùng xung quanh: cuốc cày, xén hái, mai thuổng...màu thép loáng lên xanh ngời trong ánh nắng, song xem ra người mua cũng thưa thớt.

Chợ Bưởi trước đây còn là nơi đầu mối bán buôn các loại hàng lụa, lĩnh của các làng nghề ven Hồ Tây thuộc vùng Kẻ Bưởi. Phương ngôn Kẻ Chợ có câu: Lĩnh hoa Yên Thái, đồ gốm Bát Tràng, thợ vàng Ðịnh Công, thợ đồng Ngũ Xã.

Nhưng bây giờ đi cả chợ, bói cũng không ra một tấm lĩnh cổ truyền, khắp chợ tràn ngập vải vóc, lụa là nhập từ nước ngoài về. Ngày xưa, chợ còn là nơi bán buôn các loại hàng hoá do dân trong vùng sản xuất như mạch nha An Phú, bánh kẹo Xuân Ðỉnh, cốm Vòng (Dịch Vọng)..., nay cũng vẫn thấy bày bán loáng thoáng trong chợ, chưa mất hẳn bóng dáng.

Chợ Bưởi cũng còn là nơi mà bà con các vùng ven Hà Nội đem hàng nghề truyền thống đến bán buôn. Bây giờ, cứ đến ngày chợ phiên, ở phía cổng chợ, lối lên xuống từ đường Hoàng Hoa Thám, người ta vẫn ngóng bóng bà bán kẹo bột làng Lủ (Thanh Trì) đầu trùm khăn mỏ quạ, răng nhuộm đen, miệng ăn trầu bỏm bẻm. Hai đầu quang gánh lỉnh kỉnh những là kẹo vừng, kẹo lạc, bỏng ngô, bỏng gạo bọc trong những tấm lá chuối khô chéo lạt rơm và lủng lẳng mấy xâu bánh men rượu như những mảnh trứng nhện trắng màu vôi bột, còn dính mươi mảnh vỏ trấu vàng ươm.

Ở chợ Bưởi, người ta có thể lựa mua được những thứ rau quả tươi ngon còn thấm đẫm sương đêm mới được cất về từ những làng rau chuyên canh ven sông Tô và sông Nhuệ hay các loại rau quả đặc sản của các vùng trên đất nước. Và cũng ở chợ Bưởi, các loại cá tôm tươi rói như thể vừa được cất lưới từ mặt nước hồ Tây hay đưa từ các lồng cá trên sông Nhuệ, các thuyền cá trên sông Hồng đem về. Những mặt hàng tươi sống ở chợ Bưởi hình như có rẻ hơn ở các chợ trong trung tâm thành phố chừng vài ba giá. Một trong những mặt hàng đặc sắc ở chợ Bưởi là cây giống các loại từ các làng trồng hoa, cây cảnh cổ truyền ven hồ Tây như Yên Phụ, Nghi Tàm, Quảng Bá, Nhật Tân hoặc các xã vùng rau, hoa như Tây Tựu, Phú Thượng đem về vào các buổi chợ phiên. Số lượng các mặt hàng cây hoa giống tăng lên gấp hàng chục lần so với ngày thường.Các loại cây hoa đẹp như hồng, huệ, nhài, tường vi, dâm bụt, trinh nữ, cẩm tú cầu... trăm thức khác nhau, mỗi thứ một vẻ. Thậm chí, muốn tìm mấy giống cây ăn quả, hay những cây bóng mát loại lớn, người Hà Nội cũng chỉ tìm lên chợ Bưởi. Nào là ngọc lan, hoàng lan, bằng lăng, gạo gai, phượng vĩ. Rồi các giống cây ăn quả đặc sản như hồng xiêm Xuân Ðỉnh, cam Canh, bưởi Diễn... thứ gì cũng có, song cũng tuỳ theo mùa, theo tiết, hợp với việc bán giống, trồng cây.

Nghe nói ngày xưa, vào phiên chợ 19 tháng Chạp âm lịch hàng năm, chợ Bưởi còn có bán cả các loại đại gia súc như trâu, bò, ngựa... bây giờ thì không thấy có. Thay vào đó là có các hàng bán chim cảnh, vật nuôi như chó, mèo…Người ta thường nói: "Ði một ngày đàng học một sàng khôn". Nhưng mà, kỳ thực, chỉ cần đi chợ Bưởi vài giờ thôi, thì có khi cũng đong đầy cả mấy túi khôn. Nào là cách chọn gà, chọn vịt, chọn chó, chọn mèo, chọn chim, chọn thỏ.

Chợ Bưởi, theo tên gọi dân gian lâu đời vốn là chợ bán hoa quả, chủ yếu là hoa quả các làng trong vùng. Phương ngôn Kẻ Chợ có câu:

                                   "Chợ Bưởi một tháng sáu phiên

                              Riêng đến tháng tám lại thêm phiên rằm

                                    Ai ơi nhớ lấy kẻo lầm

                              Ði mua hoa quả chơi rằm Trung thu".

Đặc biệt hơn là phiên chợ Bưởi giáp Tết. Ngồn ngộn những hoa thơm, quả lạ, hàng mấy chục gánh gà, vịt, ngỗng, ngan, và còn tươi rói những trăm lá dong, lạt màu, rộn ràng, lộng lẫy, véo von hàng trăm lồng chim, chậu cá. Và đào Nhật Tân, quất Quảng Bá, ken thành một dòng suối hoa rực rỡ chảy tràn sang tận các ngả đường từ Lạc Long Quân đến Thuỵ Khê, Hoàng Hoa Thám.


0