24/05/2017, 14:27

Giải thích và bình luận câu tục ngữ Lá lành đùm lá rách

Đề bài: Em hãy giải thích và bình luận câu tục ngữ Lá lành đùm lá rách.  Kho tàng ca dao, tục ngữ của Việt Nam vô cùng phong phú, giàu có không chỉ bởi những câu ca dao, tục ngữ nói về kinh nghiệm trong sản xuất, về con người, về phong tục tập quán mà còn đúc kết những truyền thống văn hóa, ứng xử ...

Đề bài: Em hãy giải thích và bình luận câu tục ngữ Lá lành đùm lá rách.  Kho tàng ca dao, tục ngữ của Việt Nam vô cùng phong phú, giàu có không chỉ bởi những câu ca dao, tục ngữ nói về kinh nghiệm trong sản xuất, về con người, về phong tục tập quán mà còn đúc kết những truyền thống văn hóa, ứng xử tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Một trong số đó có thể kể đến là câu tục ngữ: “Lá lành đùm lá rách” Câu tục ngữ “Lá lành đùm lá rách” nói về cách ứng xử cũng như là tình nghĩa, sự ...

Đề bài: Em hãy giải thích và bình luận câu tục ngữ Lá lành đùm lá rách.

 Kho tàng ca dao, tục ngữ của Việt Nam vô cùng phong phú, giàu có không chỉ bởi những câu ca dao, tục ngữ nói về kinh nghiệm trong sản xuất, về con người, về phong tục tập quán mà còn đúc kết những truyền thống văn hóa, ứng xử tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Một trong số đó có thể kể đến là câu tục ngữ: “Lá lành đùm lá rách”

Câu tục ngữ “Lá lành đùm lá rách” nói về cách ứng xử cũng như là tình nghĩa, sự đoàn kết giữa con người với con người của dân tộc Việt Nam. Ở đây, ông cha ta dùng cách nói biểu tượng để truyền đạt thông điệp đầy nhân văn này đến các thế hệ hậu bối. Hình ảnh “lá lành” là dùng biểu tượng cho những con người có hoàn cảnh sinh sống thuận lợi hơn, có điều kiện về vật chất và tinh thần trong xã hội. Còn “lá rách” là chỉ những con người có hoàn cảnh khó khăn, những người gặp bất hạnh trong cuộc sống. Còn từ đùm lại rất mang ý nghĩa biểu tượng, bởi nó thể hiện được sự chở che, giúp đỡ, chia sẻ của những người có điều kiện, có hoàn cảnh thuận lợi hơn trong cuộc sống dành cho những người bất hạnh. Ngoài ra, nó còn thể hiện được sự đồng cảm sâu sắc, tình cảm gắn bó, tình nghĩa mà con người dành cho nhau.

“Lá lành đùm lá rách” cũng thể hiện được truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, một trong những nguyên nhân làm nên thắng lợi vang dội của các cuộc đấu tranh vệ quốc là xuất phát từ truyền thống tốt đẹp, thiêng liêng này của dân tộc ta. Trong chiến đấu thì con người đoàn kết, tương trợ sức mạnh cho nhau, trong sản xuất thì giúp đỡ, đùm bọc nhau để cùng phát triển làm ăn. Viết về tình thương giữa những con người, nhà thơ Chính Hữu cũng đã từng viết lên những vần thơ đầy xúc động:

“ Súng bên súng, đầu sát bên đầu

Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ”

Hay:

“Thương nhau tay nắm lấy bàn tay”

Trong hoàn cảnh mưa bom bão đạn của chiến tranh, đôi khi chỉ cần một cái nắm tay thôi, sự sẻ chia của những người lính cũng đã tiếp thêm sức mạnh, niềm tin để những người lính có thể vượt qua mọi gian khó. “Lá lành đùm lá rách” là cách ứng xử đầy tình nghĩa của con người dành cho nhau. Đối với những người gặp khó khăn, bất hạnh trong cuộc sống mà nói, sự hỗ trợ, giúp đỡ của những người có tấm lòng không chính là động lực để họ vượt qua tất cả.

Sự giúp đỡ, tương trợ ở đây có thể là về vật chất, song đôi khi cũng có khi là về tinh thần. Khi những người gặp những vấn đề bất hạnh trong cuộc sống, được nhận sự giúp đỡ nhiệt thành của mọi người xung quanh, không chỉ giúp họ có thêm nguồn lực để vượt qua, mà chính những hành động cao đẹp ấy cũng đã tiếp thêm một nguồn sức mạnh tinh thần to lớn, giúp họ có thêm niềm tin để vượt qua mọi chướng ngại. Trong cuộc sống, những trắc trở, khó khăn không bỏ qua bất cứ ai, bởi lẽ cuộc sống này vốn đầy biến động, không phải trải “toàn hoa hồng” nên người hôm nay thành công hơn, thuận lợi hơn nhưng không có gì đảm bảo là ngày sau ta không sa sút, trở ngại. Vì vậy, hành động giúp người cũng chính là tự giúp mình. Nếu ta giúp đỡ người gặp khó khăn bằng cả tấm lòng, cả tấm lòng nhiệt thành thì khi ta gặp khó khăn, ta cũng sẽ nhận được hỗ trợ, tấm lòng tương ái như khi ta đã cho đi.

Nếu trong xã hội, con người luôn thương yêu, giúp đỡ nhau thì không còn khó khăn, những vấn đề gì làm chùn bước của con người nữa. Như vậy, xã hội không chỉ phồn thịnh, phát triển mà còn tràn ngập tình thương mến, xã hội sẽ vững chắc tuyệt đối. Trong xã hội ngày nay, truyền thống “Lá lành đùm lá rách” vẫn được kế thừa và phát huy một cách mạnh mẽ. Cụ thể là đối với những người nghèo khó, hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống thì đã có các tổ chức, các hội như “ hội chữ thập đỏ” tổ chức giúp đỡ, tương trợ.

Ngoài ra, người dân cả nước cũng thường xuyên tổ chức quyên góp tình nguyện, có thể là tiền bạc, có thể là đồ dùng, quần áo cũ không mặc đến để quyên góp cho những gia đình nghèo khó, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn. Hay mỗi khi đồng bào miền Trung gặp khó khăn do bão lớn thì người dân cả nước lại chung tay giúp đỡ, không chỉ ủng hộ nguồn vật lực để người dân ổn định cuộc sống, khắc phục những khó khăn mà còn đưa cả nguồn nhân lực vào giúp đỡ, tổ chức lại cuộc sống khi thiên tai đi qua.

Như vậy, dù bất kì thời kì nào đi nữa, hễ là người dân Việt Nam thì đều mang trong mình truyền thống “Lá lành đùm lá rách”, tấm lòng thương yêu, đoàn kết của dân tộc ta chưa bao giờ vơi cạn trong trái tim mỗi người. Câu tục ngữ “Lá lành đùm lá rách” vừa thể hiện được truyền thống lâu đời của dân tộc, vừa thể hiện được phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam từ bao đời qua.

 

 

0