06/02/2018, 15:37

Giải thích câu tục ngữ: “Có học phải có hạnh”

Đề bài: Anh/ chị hãy giải thích câu tục ngữ: "Có học phải có hạnh" Bài làm Đã có nhiều câu tục ngữ, ca dao dạy con người ta cách sống, cách làm người sao cho đúng đắn, chuẩn mực, phù hợp với xã hội. Ta thầm cảm ơn những thế hệ đi trước đã để lại những kinh nghiệm, bài học ...

Đề bài: Anh/ chị hãy giải thích câu tục ngữ: "Có học phải có hạnh"

Bài làm

Đã có nhiều câu tục ngữ, ca dao dạy con người ta cách sống, cách làm người sao cho đúng đắn, chuẩn mực, phù hợp với xã hội. Ta thầm cảm ơn những thế hệ đi trước đã để lại những kinh nghiệm, bài học cao quý để cho ta áp dụng, nó có lẽ theo ta cho hết cả cuộc đời. Quan điểm: “có học phải có hạnh” cũng là một trong số tư tưởng ấy, mở ra cho ta những suy nghĩ về lời dạy của người xưa trong sự nghiệp học hành và  rèn luyện phẩm chất mỗi cá nhân.

Con người ta đều biết sự học có vai trò quan trọng như thế nào đến với cuộc đời mỗi người. Có lẽ cũng chính vì điều ấy, ngay từ tấm bé ta được sự chỉ bảo tận tình của cha mẹ, người thân, rồi đến nhà trường, giáo viên để được học cái chữ, lấy kiến thức áp dụng vào thực tế, sau ra đời là xã hội chỉ dạy cách sống, đương đầu với những khó khăn, thử thách để rồi kinh nghiệm ngày càng dày dặn qua thời gian. Bao bọc trong cả một xã hội ưu ái, tâm huyết dành hết sự quan tâm cho việc bồi dưỡng, tu bổ những thế hệ để có thể trở thành người có ích cho cộng đồng, sẵn sàng cống hiến cho đất nước.  

có học phải có hạnh

Trong câu tục ngữ kia, ta hiểu được đề cập đến việc học có hai khía cạnh đầy đủ, trọn vẹn. Thứ nhất, phải kể đến là việc đi học lấy kiến thức trong sách vở, trong lời giảng, trong những sự chỉ bảo tận tình, lấy những tinh hoa của nhân loại để áp dụng ngay giải bài tập khó, là mỗi nét chữ đẹp để thể hiện nết người, những bài văn, các môn xã hội khác để bồi dưỡng hoàn thiện con người ta về nhiều mặt, những môn ngoại ngữ sẽ giúp ta có kiến thức để tự tin giao tiếp với người nước ngoài, theo đuổi những khát vọng trong tương lai, những bài thảo luận nhóm để tăng khả năng liên kết, trao đổi với người khác để cho mỗi kì thi đánh giá quan trọng, xa hơn là việc ra đời nuôi đam mê, để áp dụng những kiến thức đó, phát triển tìm hiểu thêm nhờ sự hướng dẫn của thầy cô, sách vở để hiện thực hóa những điều còn là nghiên cứu, trang tính…Thứ hai là việc học từ kiến thức thực tế trong xã hội mà không có trên sách vở, trường lớp nó nhiều vô kể và cũng quan trọng không kém,…Ta chỉ thấy việc đi học từ xưa đến giờ toàn là lợi ích chứ không có mặt nào là hại, bởi lẽ đó đều là những thứ cần cho tương lai của ta. Và có lẽ, cũng vì vậy con người cảm thấy việc học dễ nhất,sung sướng nhất, ta ngồi nghe, tiếp thu, thực hành những kiến thức đó ngay chính trong cuộc sống của ta.

Việc học dễ, nhưng việc rèn luyện được cái tâm càng quý, khó hơn. Bởi có rất nhiều người tuy học giỏi nhưng lại không lễ phép, không có kiến thức xã hội, không biết giúp đỡ người khác. Đó là một ví dụ, vậy nếu để mà nói thực hiện câu nói của Bác Hồ của chúng ta căn dặn: “Có tài mà không có đức là người vô dụng. Có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó” thì những người đó có thực hiện trọn vẹn được hay không?. Ta thấy rằng cùng với việc học văn hóa mở rộng kiến thức, đương nhiên những bài học làm người  lại càng ngày càng cần thiết, nếu như người đó vừa có văn hóa, vừa có trình độ được mọi người kính nể.

Dễ hiểu khi người ta nói rằng đạo đức chính là thước đo để đánh giá một con người. Chưa cần biết người ta giỏi đến đâu, kiến thức sâu rộng đến thế nào, nhưng chính trong cách ứng xử, những nguyên tắc làm người, những đạo đức cơ bản, nhỏ nhặt nhất mà yếu kém không có như: không biết chào hỏi, không biết quan tâm, chia sẻ, không biết thân thiện, không rèn luyện được tính có mặt đúng giờ trước mỗi sự kiện quan trọng, không biết giữ lời hứa khi mượn đồ, mượn tiền người khác,….thì không những làm giảm bớt sự kính nể mà còn bị xa lánh, khinh thường từ mọi người xung quanh, người đó cũng sẽ khó mà hoàn thiện, khó mà tiến xa hơn được trong các mối quan hệ, khó khăn khi chạm đến thành công trong xã hội này. Và nghiêm trọng hơn, phải kể đến đôi khi những con người ấy, sẽ dùng tài năng ấy vào mục đích không chính đáng vì thiếu vắng đức tính “hạnh”.

Từ bây giờ, chúng ta có hai việc cần làm, hai điều ấy phải được tiến hành, rèn luyện song song, không phải ngày một ngày hai, không phải dễ dàng có được, đó là một chặng đường dài cần sự nỗ lực. "Có học phải có hạnh" giờ đây đã là chân lí, là hai yếu tố làm nên giá trị một con người toàn diện. Dễ điểm qua trên thế giới, cũng như Việt Nam đã có những con người để lại ấn tượng khó phai, là tấm gương cho mỗi chúng ta vì chính cái nết, cái sự ham học hỏi ngay cả trong khó khăn nhất để thành tài của họ, làm rạng danh, đóng góp cho cá nhân, gia đình và xã hội.

Là người học sinh đang còn ngồi trên ghế nhà trường, ta luôn cần phải nghe lời dạy bảo của người lớn, đặc biệt có thể học tập câu nói “có học phải có hạnh” của cha ông, tìm kiếm sự phù hợp với bản thân, liên tục tu dưỡng cả hai mặt cả về kiến thức và đạo đức con người, định hình con người tương lai mình ngay từ bây giờ, để có thể trở  thành những đóa hoa thơm giữa cuộc đời- người tốt, toàn diện, đáng kính trọng.

0