18/06/2018, 16:27

Người làm công tác lịch sử Đảng với việc Bảo tồn và phát huy những giá trị lịch sử của các cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới, hải đảo và chủ quyền quốc gia thời hiện đại

Tọa Đàm “Bảo tồn và phát huy những giá trị lịch sử cùa các cuộc chiến tranh bảovệ biên giới, hải đảo và chủ quyền quốc gia thời hiện đại” ngày 9.3.2014 do Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức Khổng Đức Thiêm ( Hà Nội) Rất ít khi những người làm công tác nghiên ...

P1330043

Tọa Đàm “Bảo tồn và phát huy những giá trị lịch sử cùa các cuộc chiến tranh bảovệ biên giới, hải đảo và chủ quyền quốc gia thời hiện đại” ngày 9.3.2014 do Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức

Khổng Đức Thiêm (Hà Nội) 

Rất ít khi những người làm công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng chúng tôi được với đến những cuộc hội thảo khoa học liên quan đến những vấn đề lịch sử thời kỳ hiện đại ở Việt Nam. Do nhiều điều ngẫu nhiên, ông Dương Trung Quốc biết thời gian qua chúng tôi từng soạn thảo nhiều sự kiện trong các bộ lịch sử biên niên và Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Chính phủ Việt Nam, Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam liên quan đến chủ đề của cuộc Hội thảo hôm nay. Và do đó đại diện những người làm công tác lịch sử Đảng mới có mặt cùng các đồng nghiệp của mình.

Xin cảm ơn sự ưu ái đã giúp cho những người làm công tác lịch sử Đảng được bày tỏ rằng họ cũng đã từng góp phần làm sáng tỏ nhiều điều, nhiều góc khuất của lịch sử hiện đại, hoặc ít nhất cũng là khai mở và cung cấp những nguồn tư liệu vốn mang tính định hướng xã hội chẳng hạn mà lâu nay ít người biết đến.

Như chúng ta đã biết, sau năm 1975, đất nước vừa trải qua muôn vàn khó khăn, thử thách do hệ quả của 30 năm chiến tranh khốc liệt với người Pháp và người Mỹ thì lại phải bước vào cuộc chiến tranh để bảo vệ chủ quyền quốc gia ở biên giới phía Tây Nam và biên giới phía Bắc. Đồng hành với sự thảm khốc đó là sự sụp đổ của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu, là thiên tai và những sai lầm, thiếu sót trong công tác lãnh đạo và chỉ đạo, tổ chức và quản lý của Đảng và Nhà nước… đã tạo ra mối hiểm họa to lớn đe dọa sự trường tồn của đất nước và dân tộc.

Nhìn lại chặng đường ấy, tổng kết và đánh giá để rút ra những giá trị lịch sử, nhất là trong lĩnh vực đấu tranh bảo vệ biên giới, hải đảo và chủ quyền quốc gia trong giai đoạn này, những người làm công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng đã có đóng góp gì, hạn chế gì và đâu là lực cản tạo ra những hạn chế đó.

Trong những năm cuối cùng của thế kỷ XX, Giáo sư Nguyễn Văn Phùng, nguyên Phó trưởng ban Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương, sau là Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, mặc dù tuổi đã cao, vẫn được Ban Bí thư giao làm Chủ nhiệm công trình Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, tập III (1975-1995). Công trình đã tập hợp được nhiều cây bút kỳ cựu và già giặn, sau 3 năm miệt mài sưu tầm, biên soạn, được Hội đồng cấp Nhà nước nghiệm thu, xếp loại xuất sắc. Là người đã từng chỉ đạo, tổ chức biên soạn Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam (Sơ thảo, tập I, 1920-1954), Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam (tập II, 1954-1975) mặc dù còn có mặt này, điều nọ chưa đáp ứng được sự mong mỏi của độc giả nhưng những công trình trên đã ghi đậm dấu ấn Nguyễn Văn Phùng. Những thành công cũng như tiếng vang mà hai công trình trên để lại khá sâu đậm khiến cho những người kế nhiệm khó lòng vượt qua.

Trở lại Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, tập III (1975-1995), điểm nổi bật nhất chính là sự gia công hết sức công phu, thận trọng, có nhiều đổi mới, đúng thể loại lịch sử Đảng hơn cả. Khi tiếp cận công trình, bạn đọc có thể thấy ở đấy tầm quan trọng đối với mỗi kỳ Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lớn lao đến mức nào, sự chuẩn bị cho từng bước đi công phu đến mức nào. Ở đó, ta có thể thấy được chính những kết quả thu được từ Đại hội trù bị mới thật sự quan trọng và qua đấy, lần đầu tiên độc giả được theo dõi một cách đầy đủ các diễn biến nội bộ, mang tính quyết định còn đối với Đại hội chính thức thì chỉ làm các thủ tục một cách công khai do Đại hội trù bị tạo ra và chỉ dành cho công việc đối nội và đối ngoại mà thôi. Đối với chủ đề chiến tranh biên giới, bảo vệ chủ quyền của đất nước, công trình đã để ra hàng trăm trang trình bày một cách kỹ càng, đầy đủ chân xác những diễn biến cuộc chiến tranh ở biên giới Tây Nam do tập đoàn Pôn Pốt gây ra kể từ ngày 1-5-1975 cho đến khi quân đội Việt Nam phối hợp với nhân dân và các lực lượng cách mạng Campuchia tiến vào giải phóng Phnompênh ngày 7-1-1979 và chiến tranh biển đảo năm 1988. Đối với cuộc chiến tranh bảo vệ chủ quyền ở biên giới phía Bắc, công trình đã trình bày khá đầy đủ và cặn kẽ từ chuyến đi của Bí thư thứ nhất Lê Duẩn cuối tháng 9-1975 đến Bắc Kinh để bày tỏ lòng biết ơn đối với người anh em láng giềng gần gũi; những khoản viện trợ và cho vay của Trung Quốc trong 2 năm 1976-1977 mặc dù từ cuối năm 1976 hai nước đã có những cuộc xung đột ở biên giới Cao Lạng – Quảng Tây, hai bên tiến hành đàm phán nhưng vấn đề Campuchia và vấn đề cải tạo Hoa thương ở thành phố Hồ Chí Minh đã tạo ra những bất đồng sâu sắc. Cùng với việc Trung Quốc rút chuyên gia về nước, cắt viện trợ, xung đột biên giới tiếp diễn, vấn đề nạn kiều ngày càng trở nên nghiêm trọng. Đối với các chiến tranh do Trung Quốc phát động, công trình dành nhiều trang viết về tội ác của 60 vạn quân Trung Quốc trên tuyến biên giới dài trên 1.400km ở phía Bắc, các biện pháp đấu tranh quân sự và ngoại giao của Việt Nam cũng như những chiến công lừng lẫy của quân dân Việt Nam. Công trình cũng giành nhiều trang trình bày về những diễn biến tiếp theo kể từ khi quân Trung Quốc rút hết quân về nước trên các lĩnh vực ngoại giao và an ninh quốc phòng.

Sau khi công trình Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, tập III (1975-1995) đưa vào nghiệm thu, vào năm 2001, Viện Lịch sử Đảng được duyệt đề án nâng cao, sửa chữa và bổ sung để trở thành công trình mới mang tên Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, tập III (1975-2001) rồi vài năm sau lại thành Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, tập III (1975-2006). Ngoài việc chủ nhiệm mới của công trình chỉ đạo việc bổ sung giai đoạn 1996-2006 gồm 2 nhiệm kỳ với 3 kỳ Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc, công trình cũ của Giáo sư Nguyễn Văn Phùng bị tháo dỡ hoàn toàn trên danh nghĩa đưa thêm tư liệu mới, kết cấu lại một số chương, tiết nhưng cuối cùng đã bị lược bỏ hoàn toàn những nội dung trình bày về các Đại hội trù bị. Riêng về cuộc chiến tranh biên giới, bảo vệ chủ quyền chỉ còn được giữ lại rất ít – trong đó cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam được viết gần 6 trang còn cuộc chiến đấu bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ ở biên giới phía Bắc chỉ còn lại trên 20 dòng mà thôi. Nguyên văn như sau:

“Cuộc chiến đấu bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ ở biên giới phía Bắc

Ngày 17-2-1979, 60 vạn quân Trung Quốc vô cớ tiến công sâu vào lãnh thổ Việt Nam tại các tỉnh biên giới Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh. Chính phủ Việt Nam ngay lập tức ra Tuyên bố phản đối.

Ngày 4-3-1979, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam ra lời kêu gọi đồng bào chiến sĩ cả nước sát cánh xung quanh Đảng, Nhà nước trong cuộc chiến đấu bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ. Ngày 5-3-1979, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam công bố lệnh tổng động viên. Hội đồng Chính phủ ra Nghị định về việc thực hiện quân sự hóa toàn dân, vũ trang toàn dân để bảo vệ Tổ quốc.

Cuộc chiến đấu bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của nhân dân Việt Nam đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của Nhà nước và nhân dân Liên Xô, nhiều nước xã hội chủ nghĩa, Hội đồng hòa bình thế giới và Ủy ban Bảo vệ hòa bình của Phần Lan đã tổ chức Hội nghị quốc tế khẩn cấp tại Henxinki với sự tham gia của các đoàn đại biểu từ hơn 100 nước và hơn 30 tổ chức quốc tế để ủng hộ nhân dân Việt Nam.

Trước tình hình hai nước Việt Nam và Trung Quốc bước vào thời kỳ căng thẳng, quan hệ ngày một xấu đi và sự phản đối của dư luận thế giới, ngày 1-3-1979, Trung Quốc đề nghị tiến hành đàm phán Trung – Việt ở cấp Thứ trưởng ngoại giao để khôi phục hòa bình, an ninh ở biên giới, tiến tới giải quyết tranh chấp về biên giới lãnh thổ. Ngày 5-3-1979, Trung Quốc tuyên bố sẽ rút hết quân về nước. Ngày 14-3-1979, Trung Quốc thực hiện tuyên bố do họ nêu ra.

Cuộc chiến đấu bảo vệ sự vẹn toàn lãnh thổ ở biên giới phía Bắc đồng thời kết thúc”.

Tại sao lại có kết cục đối với số phận của một cuộc chiến đấu bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ ở biên giới phía Bắc một cách đột ngột đến như vậy. Số là vào giữa năm 2002, khi mà chúng tôi được phân công viết lại chương sách có sự kiện về 2 cuộc chiến tranh ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc vừa xong thì có đề xuất của Bộ Ngoại giao gửi lên Ban Bí thư về việc chỉ đạo biên soạn lịch sử có liên quan tới các vấn đề trên vì nghe đâu Đại sứ quán Trung Quốc phản kháng một số bộ lịch sử của cả địa phương và Trung ương và đã lên án mạnh mẽ cuộc xâm lược của bành trướng Bắc Kinh, gây bất lợi cho việc bình thường hóa quan hệ Việt – Trung. Ban Bí thư đã giao cho Bộ Ngoại giao biên soạn phần này và sau đó có văn bản chỉ đạo các cấp bộ Đảng mỗi khi viết về cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc tháng 2-1979 chỉ được gói đúng ngần ấy chữ trong 16-17 dòng trên do Bộ Ngoại giao đệ trình.

Chính vì lẽ đó, phần viết lại có bổ sung, thu gọn của chúng tôi trong chương sách tuy mặc dù chỉ còn khoảng 30 trang vẫn bị loại bỏ. Thay thế vào đó là những câu chữ như chúng tôi đã trình bày.

Đồng thời, Đề tài KXĐL92-20 mang tên Biên niên sự kiện lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam (5-1975 – 12-1995) do Giáo sư Nguyễn Văn Phùng làm Chủ nhiệm cũng được ấn hành vào năm 2002 tại Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia (lúc này Giáo sư đã qua đời). Toàn bộ cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc chỉ còn được giữ lại vẻn vẹn như sau:

“Từ ngày 17 tháng 2 đến ngày 18 tháng 3: Chiến đấu bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc

Ngày 17-2-1979, Trung Quốc vô cớ mở cuộc tiến công quân sự trên toàn tuyến biên giới phía Bắc Việt Nam, dài 1.400km, bao gồm các tỉnh: Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn và Quảng Ninh, có nơi họ tiến sâu vào lãnh thổ Việt Nam 50km.

Quân đội và nhân dân Việt Nam, trực tiếp là quân, dân sáu tỉnh biên giới phía Bắc buộc phải chiến đấu để tự vệ và chiến đấu ngoan cường để giữ vững chủ quyền lãnh thổ, độc lập của Tổ quốc.

Nhân dân yêu chuộng hòa bình và công lý trên thế giới đã ủng hộ cuộc chiến đấu chính nghĩa của Việt Nam.

Ngày 5-3-1979, Trung Quốc tuyên bố rút quân và ngày 18-3-1979 đã rút hết quân về nước”[1].  

Những câu chữ này được coi là khuôn mẫu mỗi khi đụng chạm tới cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc mùa xuân năm 1979. Khi Văn kiện Đảng toàn tập, tập 40 (1979) được xuất bản, toàn bộ những văn bản chỉ đạo của Đảng về các vấn đề liên quan cũng không được công bố. Đó cũng là điều đáng tiếc cho giới nghiên cứu sử học nói chung.

Năm 2004, ba tập Biên niên sự kiện lịch sử Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam (1930-2000) và năm 2007 ba tập Lịch sử Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam (1930-2004) do chúng tôi biên soạn, được Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia ấn hành, đã dẫn nguyên văn từng câu chữ trong Biên niên sự kiện lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam (5-1975 – 12-1995), có bổ sung thêm một số sự kiện về mấy hoạt động của Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đối với những vấn đề liên quan.

Tuy nhiên, kể từ đây hình như sự hạn chế đã được nới lỏng hơn, cụ thể là vào năm 2006, Biên niên lịch sử Chính phủ Việt Nam 1945-2005 được Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin ấn hành, hầu như những sự kiện liên quan đến cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc mùa xuân năm 1979 do chúng tôi biên soạn vẫn được giữ nguyên như:

– Ngày 10-2-1979 Phó Thủ tướng Nguyễn Duy Trinh gửi thư tín các ông Chủ tịch Hội đồng Bảo an và Tổng Thư ký Liên hợp quốc tố cáo Trung Quốc đe dọa chiến tranh đối với Việt Nam.

– Ngày 17-2-1979 Việt Nam ra tuyên bố về cuộc chiến tranh chống Việt Nam của Trung Quốc.

– Ngày 5-3-1979 Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi điện tới Hội nghị Quốc tế khẩn cấp ủng hộ Việt Nam.

– Ngày 11-3-179 Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị về chế độ làm việc và luyện tập quân sự trong tình hình mới.

– Ngày 28-5-1979 Phó Thủ tướng Võ Nguyên Giáp báo cáo về thắng lợi vĩ đại của hai cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và nhiệm vụ của toàn quân, toàn dân Việt Nam trước tình hình mới tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa VI.

Cũng trong năm 2006, Lịch sử Chính phủ Việt Nam 1945-2005 được Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia ấn hành, toàn bộ những vấn đề có liên quan tới cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ ở biên giới Tây Nam và phía Bắc được giành dung lượng tới gần 7 trang – trong đó phần biên giới phía Bắc chiếm tới 4 trang, bao gồm những sự kiện từ cuối tháng 9-1975 khi Bí thư thứ nhất Lê Duẩn sang Trung Quốc cho tới 27-12-1979 khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 387-TTg về việc huấn luyện sinh viên thành sĩ quan dự bị. Nội dung cụ thể như sau:

“Đối với Trung Quốc, cuối tháng 9-1975, đoàn đại biểu cấp cao của Đảng và Nhà nước Việt Nam do Bí thư thứ nhất Lê Duẩn dẫn đầu đã tới Bắc Kinh để bày tỏ lòng biết ơn đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân Trung Quốc – người anh em láng giềng gần gũi, “núi liền núi, sông liền sông” đã nhiệt tình ủng hộ và giúp đỡ quý báu cho Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Tháng 10-1976, Trung Quốc vẫn viện trợ cho Việt Nam vũ khí phòng thủ. Năm 1977 Trung Quốc cho Việt Nam vay 900.000 tấn lương thực nhằm giúp Việt Nam đẩy mạnh tốc độ khôi phục kinh tế – xã hội, ổn định đời sống, đảm bảo an ninh – quốc phòng sau chiến tranh.

Tuy nhiên, từ cuối năm 1976 giữa hai nước đã có xung đột ở biên giới Cao Lạng – Quảng Tây.

Sau khi nổ ra xung đột, Việt Nam và Trung Quốc đã tiến hành đàm phán về vấn đề biên giới Cao Lạng – Quảng Tây. Tiếp đó, hai bên lại tiến hành ba vòng đàm phán về vấn đề biên giới vào tháng 9 và tháng 12-1977 tại Bắc Kinh và Hà Nội nhưng đều không đạt kết quả. Giữa Trung Quốc và Việt Nam xuất hiện bất đồng sâu sắc về vấn đề Campuchia.

Đồng thời, vấn đề người Hoa ở Việt Nam lại được Trung Quốc nêu lên, do việc từ tháng 4-1978, Việt Nam tiến hành cải tạo công thương nghiệp ở thành phố Hồ Chí Minh, một số người Hoa bỏ về Trung Quốc. Nghiêm trọng hơn, Trung Quốc công bố cắt toàn bộ viện trợ và từ tháng 5 đến cuối tháng 6-1978 rút chuyên gia về nước. Lúc này các vụ xung đột ở biên giới vẫn tiếp diễn.

Tháng 8-1978, hai bên bắt đầu đàm phán về vấn đề người Hoa ở Việt Nam qua bảy phiên họp, nhưng không thu được kết quả.

Ngày 17-2-1979, 60 vạn quân Trung Quốc tiến đánh Việt Nam, trên toàn tuyến biên giới phía Bắc dài hơn 1.400km của sáu tỉnh: Lai Câu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn và Quảng Ninh.

Ngay trong ngày xảy ra chiến sự, Chính phủ Việt Nam đã ra Tuyên bố khẳng định ý chí và quyết tâm bảo vệ độc lập, chủ quyền của Tổ quốc.

Trong phiên họp ngày 19-2-1979, Hội đồng Chính phủ đã cực lực lên án phía Trung Quốc ngang nhiên tiến hành đánh phá các tỉnh biên giới phía Bắc, biểu dương quân và dân các địa phương đã anh dũng chiến đấu và giành những thắng lợi bước đầu. Cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc tiếp diễn rất khẩn trương. Hội đồng Chính phủ đã quyết định giao cho các ngành ở trung ương tiến hành ngay một số nhiệm vụ cấp bách về vận tải lên biên giới, về tiếp tế cho các tỉnh biên giới, về cứu chữa những người bị thương, về củng cố thông tin liên lạc, về bảo đảm nguồn điện cho chiến đấu, về an ninh chính trị, bảo vệ tính mệnh và tài sản của nhân dân và về một số vấn đề chính sách.

Sự chỉ đạo, điều hành kiên quyết và kịp thời của Chính phủ đã góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, đã động viên cố gắng cao độ của toàn dân, toàn quân, của các ngành, các cấp hoàn thành một khối công việc rất lớn để tăng cường khả năng phòng thủ trên biên giới phía Bắc và các hướng khác. Trong một thời gian ngắn, quân và dân Việt Nam đã biến một dải biên giới trước đây vốn là một vùng nằm sâu trong hậu phương lớn, một biên giới hữu nghị trong nhiều năm, bước đầu trở thành một tuyến phòng thủ vững chắc trên tuyến đầu của Tổ quốc. Tuy vậy, ngay khi quân Trung Quốc tiến công, dựa vào thế trận đã chuẩn bị sẵn, quân và dân sáu tỉnh biên giới phía Bắc đã lập tức đánh trả. Các lực lượng vũ trang tại chỗ bao gồm ba thứ quân cùng với lực lượng công an nhân dân vũ trang và đồng bào các dân tộc kết thành một khối, chặn từng bước tiến của quân Trung Quốc, giữ vững từng tấc đất của Tổ quốc.

Để động viên toàn dân và toàn quân quyết tâm bảo vệ Tổ quốc, ngày 4-3-1979, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã ra Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước.

Trên cơ sở lời kêu gọi của Đảng và Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngày 5-3-1979, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam công bố Lệnh tổng động viên trong cả nước, Hội đồng Chính phủ ra Nghị định số 83-CP về việc thực hiện quân sự hóa toàn dân, vũ trang toàn dân để đánh thắng xâm lược, bảo vệ Tổ quốc. Ngày 11-3-1979, Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị số 88-TTg yêu cầu mọi công nhân, viên chức làm việc trong các cơ quan, xí nghiệp, công trường, nông trường, lâm trường của Nhà nước đều chuyển sang chế độ ngày làm việc 10 giờ – trong đó có 8 giờ lao động sản xuất, công tác và 2 giờ luyện tập quân sự, làm nhiệm vụ canh gác bảo vệ. Từ ngày 15-3-1979, trên 3 vạn thanh niên và nhân dân Thủ đô Hà Nội được phiên chế thành nhiều trung đoàn thuộc Đoàn Nguyễn Huệ lên đường xây dựng tuyến phòng thủ và phục vụ chiến đấu.

Ngày 5-3-1979, Trung Quốc tuyên bố rút quân và ngày 18-3-1979 rút hết quân về nước.

Khi chiến tranh lấn chiếm biên giới phía Bắc tạm lắng, ngày 18-4-1979 Việt Nam và Trung Quốc bắt đầu đàm phán tại Hà Nội, tiếp theo là vòng 2 tại Bắc Kinh từ ngày 8-6-1979. Do còn nhiều bất đồng về các vấn đề mang tính nguyên tắc và nội dung chủ yếu cho một giải pháp về những vấn đề quan hệ giữa hai nước nên các cuộc họp chỉ đạt được thỏa thuận trao trả người bị bắt. Đầu năm 1980, đàm phán giữa hai bên đình chỉ.

Nhằm tăng cường cảnh giác và sẵn sàng đối phó với mọi hành động chống phá từ bên ngoài, Chính phủ rất chăm lo việc xây dựng lực lượng dự bị cho quốc phòng. Ngày 30-5-1979, Thủ tướng Chính phủ ra chỉ thị về việc tổ chức huấn luyện, đào tạo sĩ quan dự bị trong sinh viên các trường đại học tốt nghiệp năm 1979; sau khi học xong chương trình huấn luyện quân sự họ sẽ được phong quân hàm sĩ quan dự bị hoặc được động viên vào phục vụ trong quân đội theo chỉ tiêu kế hoạch của Nhà nước. Ngày 29-6-1979, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 288-TTg về tổ chức các đơn vị dự bị động viên và tập trung huấn luyện.

Đối với việc huấn luyện sĩ quan dự bị trong sinh viên các trường đại học và cán bộ công tác tại các ngành ngoài quân đội, ngày 27-12-1979, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 387-TTg chỉ rõ, việc huấn luyện sĩ quan dự bị trong sinh viên các trường đại học và cán bộ công tác tại các ngành ngoài quân đội với yêu cầu tổ chức tuyên truyền giáo dục sâu rộng ý nghĩa chiến lược của lực lượng dự bị và xây dựng đội ngũ sĩ quan dự bị trong cán bộ, nhân dân và thanh niên học sinh thuộc lứa tuổi làm nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc.

Trong khi tập trung chỉ đạo nhiệm vụ củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. Hội đồng Chính phủ vẫn luôn luôn đặt lên hàng đầu nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội – mục đích của toàn bộ sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân tộc, sự vững mạnh của chế độ xã hội chủ nghĩa và sự bảo đảm chắc chắn cho độc lập, tự do của Tổ quốc”[2].

Đối với vấn đề hải đảo, trong Lịch sử Chính phủ Việt Nam 1945-2005, chúng tôi cũng đã có những trang viết khá đầy đủ và cặn kẽ như sau:

“Quan hệ Việt – Trung tiếp tục căng thẳng. Từ cuối năm 1987, ở biên giới phía Bắc, ngoài việc pháo kích và tiến công khiêu khích, họ đồng thời đẩy mạnh phá hoại ta về chính trị và kinh tế, tăng cường lực lượng vũ trang ra biên giới và đẩy mạnh các hoạt động gián điệp xâm nhập nước ta. Họ bố trí lại căn cứ, mở thêm nhiều chợ đường biên và các tụ điểm hàng hóa để lôi kéo dân và bộ đội ta sang biên giới Trung Quốc mua hàng, mở cửa biên giới cho dân Trung Quốc sang vét hàng của ta, nhất là gạo và thực phẩm là những thứ mà chúng ta đang thiếu nghiêm trọng. Họ tăng cường các hoạt động chiến tranh tâm lý, gây chia rẽ, làm tê liệt cảnh giác trong quân dân ta.

Ngày 5-10-1987, Trung Quốc bắn rơi một máy bay Mig của không quân ta đang bay tập ở phía Bắc nước ta. Tháng 11-1987, nhiều tàu của Trung Quốc đến thăm dò, khảo sát vùng quần đảo Trường Sa. Những hoạt động khác thường này diễn ra sau khi Trung Quốc biến đảo Hải Nam thành một tỉnh bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam và tung ra lập luận về cái gọi là “biên giới chiến lược”. Tất cả những hành động đó cho thấy họ quyết tâm theo đuổi chính sách tiến xuống biển Đông.

Từ đầu năm 1988, nhà cầm quyền Trung Quốc đã huy động một lực lượng lớn tàu chiến các loại đánh chiếm bãi đá ngầm Chữ Thập, Châu Viên, Gaven, Kenan, khống chế bãi đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Trung Quốc đã đưa trang bị và phương tiện quân sự vào các bãi đá nói trên. Đặc biệt ngày 14-3-1988, Trung Quốc cho các tàu chiến bắn chìm ba tàu vận tải không có vũ trang của Việt Nam, bắn vào các thủy thủ Việt Nam đang làm nhiệm vụ, làm chết và mất tích một số người. Đến cuối tháng 3-1988, Trung Quốc đã đóng quân làm nhà trên các bãi đá Chữ Thập, Châu Viên, Huy Gơ, Gạc Ma, Xu Bi. Những hành động đó đã phơi bày mưu toan của Trung Quốc dùng vũ lực mở rộng quy mô và cường độ xung đột ở vùng biển Trường Sa, thực hiện ý đồ kiểm soát biển Đông.

Trước tình hình đó, ngày 14 và 25-3-1988, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã ra Tuyên bố lên án và tố cáo hành động lấn chiếm của nhà cầm quyền Trung Quốc ở khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ngày 15, 17, 23 và 25-3-1988, Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi Công hàm cho Trung Quốc nêu rõ nhân dân và Chính phủ Việt Nam khẳng định chủ quyền của mình ở hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa và yêu cầu Trung Quốc rút ngay các tàu của họ ra khỏi cụm đảo Sinh Tồn, không được ngăn chặn các tàu vận tải, tàu cứu hộ của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa, chấm dứt ngay mọi hành động dùng vũ lực lấn chiếm lãnh thổ Việt Nam. Chính phủ hai nước đàm phán giải quyết tranh chấp về quần đảo Trường Sa. Trong khi chờ đợi đàm phán hai bên cam kết không dùng vũ lực để giải quyết tranh chấp.

Những đề nghị của Việt Nam không được phía Trung Quốc chấp nhận. Vì vậy, ngày 6-4-1988, Bộ Ngoại giao Việt Nam lại ra Tuyên bố nêu rõ quan điểm của mình: Chính phủ Việt Nam kiên trì các đề nghị đã đưa ra trong tháng 3-1988 và nhấn mạnh một lần nữa: Trong khi chờ đợi phía Trung Quốc đàm phán, hai bên không dùng vũ lực và tránh mọi đụng độ để tình hình không phát triển xấu thêm. Lập trường của Việt Nam coi trọng lợi ích cơ bản của hai nước, kiên trì phấn đấu để bình thường hóa quan hệ giữa hai nước.

Ngày 14-4-1988, Bộ Ngoại giao nước ta ra Tuyên bố nghiêm khắc lên án việc Quốc hội Trung Quốc sáp nhập quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam vào tỉnh Hải Nam của Trung Quốc là hoàn toàn bất hợp pháp và không có giá trị. Chính phủ Việt Nam một lần nữa khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và chủ trương thương lượng để giải quyết tranh chấp giữa hai nước về hai quần đảo này.

Ngoài ra, Trung Quốc còn tiến hành ngăn cản xu thế đối thoại vừa hé mở ở Đông Nam Á, gây sức ép với ta về “vấn đề Campuchia”, gây chia rẽ nước ta với Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa khác bởi vì các nước này, nhất là Liên Xô đang cải thiện quan hệ với Trung Quốc.

Trước những hành động lấn chiếm của phía Trung Quốc, Đảng và Nhà nước ta trước sau như một vẫn tỏ thái độ mong muốn cải thiện quan hệ Việt – Trung, tiến tới khôi phục quan hệ bình thường giữa hai nước; đồng thời kiên quyết bảo vệ độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.

Nhân dân ta rất bất bình với những hành động lấn chiếm của Trung Quốc. Cả nước dấy lên phong trào bảo vệ Trường Sa, lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Các đoàn đại biểu nhân dân đã đến Trường Sa thăm hỏi, động viên, tặng quà các chiến sĩ Trường Sa”[3].

Những dẫn chứng trên đây chứng tỏ rằng, việc thể hiện những trang sử hào hùng của giai đoạn chiến tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia thời hiện đại không hề bị quên lãng. Người làm công tác lịch sử Đảng có thể còn bị ràng buộc bởi những quy định này khác nhưng luôn luôn ghi nhớ về trọng trách bảo tồn và phát huy những giá trị lịch sử của các cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới, hải đảo và chủ quyền quốc gia thời hiện đại. Ngoài những công trình lịch sử lớn kể trên, độc giả còn có thể cùng với họ chia sẻ những trang viết về chiến tranh biên giới tại các trang 618-622 của bộ Lịch sử phong trào công nhân và công đoàn đường sắt Việt Nam (1880-2010) do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia ấn hành năm 2011, các trang 147-148 trong Lịch sử Công ty Quản lý đường sắt Yên Lào (1952-2012) cũng do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia ấn hành năm 2012.

Tuy ngòi bút còn bị hạn chế bởi nhiều lẽ, nhưng nếu so với những gì đã được trình bày ở các công trình thông sử như Đại cương lịch sử Việt Nam (tập III), Tiến trình lịch sử Việt Nam chẳng hạn, chúng tôi đã nói và viết được nhiều hơn, phản ánh được nhiều thực tế lịch sử hơn. Hy vọng một ngày nào đó, những gì được viết dưới thời Giáo sư Nguyễn Văn Phùng sẽ trở lại trong các trang sử của nước nhà.

Một lần nữa chúng tôi xin bày tỏ lòng mong muốn sao cho những người làm công tác lịch sử Đảng ngày càng được tham gia nhiều hơn nữa vào những sinh hoạt sử học thời hiện đại của đất nước. Chắc chắn tiếng nói và việc làm của chúng tôi cũng phần nào có ích cho hoạt động chung của Hội Khoa học lịch sử Việt Nam. 

Hà Nội, Xuân Giáp Ngọ

K.Đ.T.

Chú thích:

[1] Biên niên sự kiện lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam (5-1975 – 12-1995), Nxb Chính trị quốc gia, 2002, tr.120-121.

[2] Lịch sử Chính phủ Việt Nam, tập 3, 1976-2005, Nxb Chính trị quốc gia, 2006, tr.70-74.

[3] Lịch sử Chính phủ Việt Nam, tập 3, 1976-2005, Sđd, tr.237-240.

0