18/06/2018, 16:27

Về vai trò và vị trí của Đề Nắm trong phong trào Yên Thế giai đoạn 1884-1892

Bức ảnh mô tả cảnh xử chém những người theo nghĩa quân Yên Thế tại Quảng Yên (nay thuộc tỉnh Quảng Ninh) năm 1905. Khởi nghĩa Yên Thế chấm dứt vào năm 1913- Nguồn ảnh TS Khổng Đức Thiêm TỪ CHỦ SOÁI ĐẾN PHÓ TƯỚNG TẢ DỰC TƯỚNG QUÂN – BƯỚC TIẾN CỦA MỘT CON NGƯỜI VỐN GIẦU LÒNG VỚI ...

11_zing_1

Bức ảnh mô tả cảnh xử chém những người theo nghĩa quân Yên Thế tại Quảng Yên (nay thuộc tỉnh Quảng Ninh) năm 1905. Khởi nghĩa Yên Thế chấm dứt vào năm 1913- Nguồn ảnh

TS Khổng Đức Thiêm 

  1. TỪ CHỦ SOÁI ĐẾN PHÓ TƯỚNG TẢ DỰC TƯỚNG QUÂN – BƯỚC TIẾN CỦA MỘT CON NGƯỜI VỐN GIẦU LÒNG VỚI QUÊ HƯƠNG XỨ SỞ

Bao quanh Đề Thám là bao điều bí ẩn, đến nay trong tác phẩm Hoàng Hoa Thám (1836-1913) do Nhà xuất bản Tri thức vừa ấn hành mới giải mã được phần nào, dù cho nhiều nhà nghiên cứu Pháp – Việt đã bỏ công nhiều chục năm nghiên cứu, dù có đến hàng vạn trang tư liệu ghi chép về ông. Với Đề Nắm – tức Lương Văn Nắm, thủ lĩnh đầu tiên của phong trào Yên Thế, vốn đã lặng lẽ ẩn danh, lại mất sớm, tài liệu người Pháp ghi chép về ông không nhiều, cháu con tản mát thì việc phác lại chân dung của một con người được sinh ra cách ngày nay gần 2 thế kỷ đâu có phải là ngày một, ngày hai có thể làm xong.

Đến tận giờ, câu hỏi Đề Nắm sinh năm nào và sinh ra ở đâu, phụ thân là người làng Khủa hay làng Gia, khi phụ thân mất ông về nương nhờ ở quê mẹ là làng Hà Châu hay làng Khủa vẫn chưa có câu trả lời cuối cùng, mặc dù mấy làng trên xưa đều nằm trong xã Thế Lộc, tổng Yên Lễ, huyện Yên Thế, nay đều trong xã Tân Trung, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang, ngoại trừ Hà Châu vốn thuộc Hiệp Hòa – Bắc Giang, sau cắt về huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên.

Sự nghiệp chống Thanh phỉ và tình thân hữu được tôi luyện trong lửa đạn giữa ông và Đề Sặt (Đỗ Văn Hùng) gần như đã được thừa nhận, trừ phi vẫn còn băn khoăn vì hình như Đề Sặt chứ không phải là ông, được cử là Chủ soái tại buổi tế cờ ở đình làng Hả chiều 16-3-1884 phát động cuộc khởi nghĩa Yên Thế và do ông càng ngày càng trở nên thao lược hơn, nghĩa quân quý trọng hơn nên Đề Sặt mới lùi xuống làm Phó soái.

Giờ đây khi viết về phong trào chống Pháp của nhân dân địa phương, không mấy người để tâm đến sự khác biệt về các khái niệm khởi nghĩa Yên Thế, phong trào Yên Thế. Phải chăng sự khác biệt đó không lớn cho nên có thể sử dụng khái niệm nào cũng được, thậm chí nó còn được gộp thành phong trào khởi nghĩa Yên Thế.

Năm 1984 và 1997, bản thân tác giả đã trình làng công trình mang tên Khởi nghĩa Yên Thế (1884-1913), được dư luận nói chung thừa nhận mốc khởi đầu và kết thúc vì trên toàn cục của suốt gần 30 năm, sử dụng khái niệm khởi nghĩa là được nhưng về thời điểm kết thúc, có nhà sử học như Lê Nguyễn đã đề nghị, cần minh xác rằng năm 1913 là thời điểm Hoàng Hoa Thám bị sát hại chứ không phải là thời điểm kết thúc cuộc kháng chiến của nhân dân Yên Thế. Trên thực tế, cuộc kháng chiến anh dũng này đã bị dập tắt hoàn toàn vào đầu năm 1910 rồi[1]. Sự gợi ý và nhắc nhở này đáng được lưu tâm, tiếp nhận.

Trở lại cách đặt vấn đề về các khái niệm kể trên, tác giả nhận thấy rằng cụm từ khởi nghĩa Yên Thế được dùng xác đáng nhất là vào các năm 1884-1885, còn sau đó phải là phong trào chống Pháp của nhân dân Yên Thế, phong trào Yên Thế mới thật phù hợp. Tại sao vậy?

Trước hết, trong khoảng gần 2 năm đó, tập hợp dưới ngọn cờ của Đề Nắm mới chỉ là những nhóm vũ trang trong vùng, như Lịch sử quân sự Đông Dương đã thừa nhận, những toán này gồm 400 tay súng, đóng trong một vùng dưới quyền Đề Nắm. Chỉ trừ một lực lượng nòng cốt thường trực khoảng 60 người, còn lại họ gồm những dân trong vùng hễ có lệnh là tập hợp ngay… Đề Nắm tổ chức vùng Yên Thế và lập ra ở đây những pháo đài thật sự. Phải từ cuối năm 1885 trở đi, cuộc khởi nghĩa Yên Thế mới mở rộng thành phong trào Yên Thế khi nó tăng cường sức hút và là trung tâm chỉ đạo của nhiều cuộc khởi nghĩa khác như Thái Nguyên của Đề Công – Đề Nguyên, Bảo Lộc của Cai Biếu – Tổng Bưởi và nhất là nhóm vũ trang của Bá Phức – Đề Thám vừa tách khỏi cuộc khởi nghĩa Cai Kinh. Cuốn Niên giám xứ Đông Pháp – 1909 đã phác họa gần đúng tình trạng khi đó trong các dòng: “Từ thời kỳ đó trở đi, duy chỉ còn các toán An Nam một mình làm chủ vùng Yên Thế dưới sự chỉ huy của nhiều thủ lĩnh hỗn hợp: Bá Phức, Đề Nắm, Đề Thám, Đề Huỳnh. Những toán này hợp nên về nguyên tắc bởi dân cư địa phương đã cầm vũ khí chống lại quân Tàu xâm lược [trước đó]. Khi ấy chúng lại hành binh vì lợi ích bản thân rồi chẳng bao lâu đã quay lại chống chúng ta… Việc đánh chiếm Yên Thế đáng ra có thể tương đối dễ dàng nếu tiến hành có phương pháp nhưng lại diễn ra trong những điều kiện hết sức đáng tiếc và chẳng mạch lạc đầu cuối gì hết. Hơn nữa hồi ấy chúng ta chẳng ngờ các toán An Nam lại quan trọng và có giá trị đến như vậy. Những đạo quân đầu tiên của chúng ta (Brière de l’Isle, Reygasse, Dugènne) đã chỉ lướt qua xứ sở, không chiếm đóng nó và lại quá ư vô tình đem sắt lửa trút vào tất cả hàng xóm nào mà họ gặp phải đôi chút kháng cự”.

Trở lại quê hương, Bá Phức – Đề Thám lúc đầu hoạt động trong một vùng rộng lớn của các huyện Võ Giàng, Quế Dương, Việt Yên, Hiệp Hòa được coi là khá giầu có, gây cho người Pháp nhiều tổn thất, được thừa nhận là Quân thứ Song Yên trong phong trào Cần Vương. Hiệp thống Đại thần Tán tương Quân vụ Nguyễn Thiện Thuật thay mặt Hàm Nghi ban bằng sắc thưởng thụ Thân Văn Phức là Viên ngoại lang sung chức Tham biện Tán tương Quân vụ. Với danh nghĩa ấy, Quân thứ Song Yên trở thành cánh quân chống Pháp có thế lực nhất trên địa bàn hai huyện Yên Dũng – Yên Thế, tranh giành ảnh hưởng với lực lượng Đề Nắm – Đề Sặt. Từ đầu năm 1888, để được thu nạp vào Quân thứ Song Yên và chiến đấu dưới ngọn cờ Cần Vương, các lực lượng nghĩa quân có mặt ở địa phương đều mở các cuộc tấn công quân Pháp một cách dồn dịp. Ngày 10-1-1888, quân của Quản Ẩm đánh vào thị xã Bắc Ninh,  nghĩa quân của Cai Biều – Tổng Bưởi bắn phá Nghĩa Liệt (5-4), còn nghĩa quân do Đề Thám chỉ huy, thắng lớn trong trận đánh vào đồn khố xanh Bỉ Nội (25-4). Một lực lượng đông tới 500 người do Đề Công – Đề Nguyên lãnh đạo rời Tam Đảo, làm náo động cả một vùng giữa Hà Nội và Bắc Ninh, trong khi một lực lượng khác gồm 200 nghĩa quân quấy rối, uy hiếp đồn binh Hà Châu (4-7).

Đây cũng là thời kỳ vùng Yên Thế dồn tụ nhiều toán nghĩa quân nhất. Ngoài lực lượng của Đề Công – Đề Nguyên ở Tam Đảo mới trở lại, còn có một số toán nghĩa quân Bãi Sậy lên, Cai Kinh sang do phong trào bị đàn áp dữ dội hoặc đã tan rã. Đó là chưa kể, toán do Đề Thám – Bá Phức chỉ huy lui dần lên Yên Thế, toán của Cai Biều – Tổng Bưởi cũng áp dần đến sông Thương. Nó đã gây nên nhiều xáo trộn trong chỉ đạo, làm xuất lộ những mầm mống về sự xô xát và bất hòa ở một số khu vực và một số thủ lĩnh.

Việc thống nhất lực lượng và sự chỉ đạo vào chung ngọn cờ Cần Vương do Bá Phức đang nắm giữ đã trở nên hết sức cấp thiết. Vào ngày rằm tháng bảy năm Mậu Tý (22-8-1888) các thủ lĩnh và nghĩa quân đã tập hợp ở đình làng Dĩnh Thép để họp Đại hội, cử ra một Bộ Chỉ huy tối cao. Đại hội đã nhất trí cử:

– Chánh tướng, Tổng thống quân vụ: Bá Phức.

– Phó tướng, Tả dực tướng quân, phụ trách hậu cận, quân nhu: Đề Nắm.

– Phó tướng, Hữu dực tướng quân, phụ trách quân đội: Đề Thám[2].

Ngoài ra, Bộ Chỉ huy tối cao đã phân định khá rạch ròi từng khu vực hoạt động, đại để như sau:

– Khu vực Yên Thế, Việt Yên, Yên Dũng, do Bá Phức, Đề Nắm, Đề Thám tổ chức hoạt động và kiểm soát, là địa bàn chính của cuộc khởi nghĩa.

– Khu vực Hiệp Hòa, Kim Anh, Đa Phúc và Tam Đảo do Thống Luận – Thống Ngò, Đề Công – Đề Nguyên chỉ đạo.

– Khu vực Bảo Lộc – Phượng Nhỡn nằm dưới sự kiểm soát của Cai Biều – Tổng Bưởi.

Đại hội Dĩnh Thép tháng 8-1888 đã đánh dấu bước chuyển biến về chất và trong chừng mực nào đó nó đã đưa phong trào Yên Thế vào phạm trù Cần Vương, góp phần vào việc tạo ra sự thay đổi về tính chất của phong trào Yên Thế: từ nông dân tự phát sang ý thức hệ phong kiến yêu nước, giầu lòng tự tôn dân tộc. Nhờ đó, nghĩa quân Yên Thế đã có thêm sức bật quyết định. “Họ tiếp tục tấn công vào đồn binh Bỉ Nội, Kép (25-9-1888), Úc Sơn (10-12), Lạn Tràng (16-12). Lại có cả một binh sĩ Pháp tên là Pellét lính thợ công binh” cũng gia nhập vào hàng ngũ của nghĩa quân.

Chính vì lẽ đó, Đề Nắm đã tự nguyện dừng bước trước hệ tư tưởng cũ, chấp nhận đánh đổi vai trò chủ soái của mình để giữ vị trí Phó tướng, Tả dực tướng quân để phong trào Yên Thế ngày càng lớn mạnh hơn.

  1. SỬ DỤNG HỆ THỐNG LÀNG CHIẾN ĐẤU VÀ ĐỒN LŨY KIÊN CỐ LÀ TƯ TƯỞNG CHỦ ĐEẠO TRONG NGHỆ THUẬT QUÂN SỰ CỦA ĐỀ NẮM

Trong vòng 8 năm (1884-1892), nghĩa quân Yên Thế đã chiến đấu vô cùng dũng cảm và lập nên những chiến tích vang dội nhất trong lịch sử đấu tranh của nhân dân địa phương trước quân Pháp do các Thiếu tướng Brière de l’Isle (3-1884), Godin (10-1890 và 12-1890), Voyron (3-1892); các Đại tá Godard, Guigné, Dugènne, Destainne, Frey; các Trung tá Chapuis, Winkel Mayer, Reygasseu; các Thiếu tá Dumond, Piquet, De Beylié, Tane, Régis, Pardes, Lacabine, Courot, Bérard, Prétét, Darguélas, Vallence, Henri, Bertin, Vandenbrock và viên Đại thần có nhiều kinh nghiệm đánh dẹp của Nam triều là Hoàng Cao Khải cầm đầu. Trong tổng số 48.000 lượt lính có mặt ở chiến trường Yên Thế trong suốt 30 năm, không kể mấy ngàn quân của Thiếu tướng Brière de l’Isle đánh chiếm thành Tỉnh Đạo hồi tháng 3-1884 và những cuộc càn quét, đánh phá Yên Thế quy mô dưới 1.000 quân, có thể kể tới các chiến dịch lớn sau: cuộc tấn công vào Yên Thế tháng 10-1889: 1850 quân đủ cả bộ binh, pháo binh, kỵ binh và lính cơ; cuộc tấn công Cao Thượng tháng 11-1890: 1.400 quân; cuộc tấn công lần thứ 4 vào Hố Chuối tháng 1-1892: 1.300 quân; cuộc tấn công hệ thống phòng thủ sông Sỏi tháng 3-1892: 2.800 quân. Các sắc lính, như lính thủy đánh bộ, lê dương, khố đỏ, khố xanh, lính cơ, lính dõng thuộc các quân chủng bộ binh, thủy binh, kỵ binh, pháo binh, công binh đều có mặt ở Yên Thế. Ngoài ra, còn có 2 pháo thuyền Jacquin, Moulun, 60 đại bác các loại, 10 súng cối 15mm, các loại súng máy, bộc phá, lựu đạn, đuốc lamase (cây đình liệu), các bảng sắt chống đạn… Chính những con người và những “Hồ Chuối, Cao Thượng, Sặt, Phú Khê là những tên làng của vùng Yên Thế thường được nêu trong các bản thông báo quân sự ở Đông Dương… Đây là bãi chiến trường và là nơi xảy ra những sự kiện quân sự quan trọng nhất trong xứ thuộc địa ở Viễn Đông”[3].

Có lẽ, ít có nơi nào mà hiệu suất kìm giữ chân và hiệu lực tiêu diệt đối phương lại lớn và mạnh mẽ như hệ thống làng chiến đấu cũng như các đồn lũy được nhân dân và nghĩa quân Yên Thế tạo ra dưới thời Đề Nắm. Đó là một hiện thực lịch sử minh chứng một cách hùng hồn tài năng quân sự và cố kết dân chúng vào một mục tiêu chung mà không phải ai cũng làm được. Mô tả việc xuất hiện và hiệu năng của các làng chiến đấu ở Yên Thế, một tài liệu của Pháp viết: “Từ lâu cư dân vùng Yên Thế đã phải tổ chức phòng vệ làng xóm của họ để chống lại những cuộc xâm chiếm luôn luôn xảy ra. Nhằm vào mục đích này, phần lớn các làng xóm đều được bao bọc bằng một lũy tre dầy có hai hoặc ba lớp gồm rào tre và tường đất tạo nên một chướng ngại vật rất chắc chắn, giữa hai hàng rào tre là những ao sâu chạy liên tiếp. Những đoạn đường nhỏ hẹp quanh co chỉ vừa rộng cho một con trâu đi lọt, chia làng ra làm vô số khu vực nhỏ hẹp riêng biệt, tạo thành những ổ đề kháng trong trường hợp cần thiết. Để đi vào trong làng, chỉ có hai hoặc ba cổng có ụ đất che chắn, phía trước có một lũy đất khúc khuỷu dài độ vài mét có đặt nhiều ổ bắn. Những làng tựa lưng vào chân đồi cũng được bố trí tương tự; làng bao quanh thành đường vòng cung, cao dần có một hai chỗ bỏ ngỏ về phía sau làng để bảo đảm cho dân chúng con đường rút lui vào phần đất gồ ghề mà người ta có dụng ý để cho rừng và gai góc xâm chiếm. Trong chỗ rậm rạp ấy, có nhiều đường mòn ẩn nấu, chỉ có dân làng mới biết được và do đó họ có thể trốn thoát được ra ngoài đồng khi thấy không thuận lợi”[4].

Như vậy là, ngoài những làng Tè (Vân Cầu), làng Châu (Ngô Xá), làng Giã (Mục Sơn), vùng Yên Thế đã xuất hiện thêm những làng Sặt, Thế Lộc, Cao Thượng, Luộc Hạ, Lèo Bắc, Lèo Nam, Thuống Thượng, Bằng Cục, Khê Thượng, Phú Khê, Ba Làng… Đó là những làng xóm tuy “không có những sa mạc nóng bỏng và khô khan có khả năng ngăn bước tiến của các đạo quân nhưng lại có những khu rừng bạt ngàn không thể nào len lỏi vào được để thiết lập các căn cứ, những thung lũng tròn có bốn bề núi non bao bọc, những ngọn đèo không thể nào vượt qua và vô số những làng phòng thủ kiên cố có thể làm cho một toán quân hy sinh xương máu nếu muốn tấn công vào”[5].

Đó cũng là làng Sặt có “những lối đi ngầm được cây cối che lấp, chưa hề bị đụng tới, những hầm ngầm dưới đất, những chiếc hang khoét vào thân tường hay ở ngay dưới nền nhà”[6] và cũng là làng Cao Thượng tựa lưng vào sườn đồi Yên Ngựa có những ngôi nhà “liên lạc với làng bằng một con đường nhỏ hẹp chỉ mới được vạch sơ quan. Tất cả đều dựa vào vị trí đặc biệt của địa thế, hòa lẫn vào cây cối đến mức ngay cả những người được báo trước khó lòng tìm được lối vào, những ngôi nhà có thể chỉ huy lẫn nhau, có khả năng phòng thủ mạnh”[7]. Còn Khê Hạ thì hệ thống “hầm hào có khả năng phòng thủ tách riêng như hòn đảo nổi ở phía tây nam làng, phần đông dân nhất”[8].

“Toàn bộ những công trình bố trí như vậy, đảm bảo cho cư dân Yên Thế sự yên ổn lớn, tạo khả năng chống lại các cuộc tấn công của các toán quân có số lượng nhỏ, kể cả việc gây tổn thất cho các toán quân ấy”[9].

Đồng thời với quá trình này, Yên Thế hình thành một đội ngũ những người quen trận mạc; giỏi đánh phòng ngự, vận động, vây thành, diệt viện, phục kích, tấn công. “Hầu hết mọi người ở đây đều đã chống lại kẻ xâm lược Tầu hoặc Pháp đôi khi không phải là không thắng lợi. Trong rất nhiều thôn làng vẫn tồn tại những kẻ già nua, những kẻ thoát khỏi vòng chiến, thường làm quân sư khuyên bảo dân chúng nhiều điều rắc rối… hễ có dịp, lại sẵn sàng lấy ra khẩu súng bắn nhanh dấu trên xà nhà, trong một ống tre. Cho nên, có một cái trái ngược đập vào mắt ta là so với thái độ của người An Nam ở vùng đồng bằng thì người An Nam ở vùng Yên Thế rất kiêu hãnh dưới cái vỏ lễ phép có suy tính mà ta thấy được dưới những dấu hiệu của sự kính cẩn khoa trương kia có cái bản năng không sợ đánh nhau mà ta cần kể đến”[10].

Phẩm chất của con người Yên Thế vốn được tôi luyện trong lò lửa tranh đấu, đã trở nên cứng rắn và ngời sáng chủ nghĩa anh hùng. Nó “không có óc cuồng tín, tính quả cảm đến điên cuồng của người dân xứ Kabyle hoặc Soudane nhưng lại thông minh sắc sảo hơn, có một khả năng đặc biệt tiếp thu những phương thức hoạt động của chúng ta (quân đội Pháp) và tỏ ra có một nghệ thuật cao cường trong việc lựa chọn những vị trí phòng thủ, trong phương pháp xây dựng các công trình phòng ngự và tỏ ra coi thường cái chết không khác gì những người xứ Kabyle và Soudanes[11].

Hệ thống làng chiến đấu cùng với núi sông đã trở thành điểm tựa cho nhân dân và nghĩa quân Yên Thế trong những ngày chống Pháp. Khi mới đặt chân tới đây vào năm 1884, chính Joseph Galliéni, người sau này nước Pháp phong làm Thống chế, đã phải ngao ngán thốt lên: “Cùng với các khu rừng vô cùng rậm rạp và vị trí địa lý vô cùng thuận lợi, nằm giữa những vùng đồng bằng phì nhiêu của vùng châu thổ và các vùng đồi núi Cai Kinh và Bảo Đài, Yên Thế luôn luôn là thành trì của các toán cướp An Nam ở Bắc Kỳ”[12].

Tư tưởng chỉ đạo về phương châm chiến lược, phương thức tác chiến với kẻ thù của Đề Nắm là ngoài hệ thống làng chiến đấu còn phải có một căn cứ đủ mạnh trong các khu rừng rậm rạp, hiểm trở để dùng làm nơi đóng quân, cất giữ lương thực, rồi từ đó tỏa ra giao chiến với địch. Để hỗ trợ cho nó, cần phải xây đắp một hệ thống đồn lũy kiên cố, ẩn giấu vào mọi địa hình địa vật để tạo nên những hiệu quả bất ngờ trong cuộc chiến và dùng làm nơi thu hút lực lượng kẻ thù đến, buộc chúng phải đánh theo cách của nghĩa quân. Bên cạnh đó, nghĩa quân phải phát huy hết sức mạnh của hệ thống làng chiến đấu vào cuộc đề kháng của mình. Để làm việc này, ông đã chọn khu vực sông Sỏi để xây dựng hậu cứ Khám Nghè.

Xây dựng căn cứ để đánh lâu dài với kẻ thù có tiềm lực quân sự và kinh tế gấp bội, đó là nét tiêu biểu của cuộc khởi nghĩa Yên Thế giai đoạn đầu. Nó đã phát huy được hầu hết năng lực, hiệu quả, sức mạnh và ưu điểm để giành những thắng lợi lớn. Cùng một lúc, Bộ Chỉ huy nghĩa quân phải giải quyết việc xây dựng lực lượng vũ trang thường trực thoát ly hoàn toàn bên cạnh lực lượng bán thoát ly ở các làng chiến đấu, vấn đề lương thảo, vũ khí, đạn dược, quân trang, quân dụng, gây dựng sự tin tưởng và ủng hộ của dân chúng. Tất nhiên, đó là những vấn đề khá nan giải, nhưng giải quyết được nó sẽ góp phần làm trong sáng tính chất của cuộc khởi nghĩa này.

Khu căn cứ Khám Nghè gồm một hệ thống đồn lũy liên hoàn, hỗ trợ nhau, trong đó đồn chính là đồn Khám Nghè, còn gọi là đồn Đề Nắm. Đồn được xây dựng trong một khu vực thung lũng cây cối rậm rạp, xung quanh có nhiều mỏm đồi và núi cao án ngữ. Nó nằm sát bờ sông Sỏi, đắp theo hình đa giác, mỗi góc là một pháo đài, mô phỏng kiểu thành Tỉnh Đạo hoặc kiểu thành của kỹ sư Vauban[13]. Tường đồn ở đây được đắp cao và dầy, bằng ngay đất lấy ở các vùng xung quanh và ở các dãy hào bảo vệ. Khi xây dựng đồn, Đề Nắm đã khéo kết hợp với địa hình, sử dụng lớp mây tre dầy đặc để làm hàng rào thiên nhiên bảo vệ rất hữu hiệu, làm nhiệm vụ vừa ngăn cản, vừa che chở, chặn đứng bước tiến của quân thù. Toàn bộ khu đồn được dựng đặt trên một khu đất rộng chừng 1,7 ha, bên trong có nhiều nhà cửa, doanh trại và kho tàng. Đồn Khám Nghè làm nhiệm vụ án ngữ con đường Bố Hạ – Thái Nguyên, khống chế Na Lương – khu vực thảo nguyên bằng phẳng.

Bên cạnh đồn chính, còn có đồn Đề Trung, đồn Đề Lâm. Đồn Đề Trung còn có tên là đồn Ao Rắn, xây đắp trên một gò đất nối cao giữa một thung lũng lòng chảo, sát bờ sông Sỏi, hình chữ nhật (44 x 88 mét), bốn góc đều có pháo đài, tường đất cao, hào sâu. Trong đồn cũng có nhiều nhà cửa và kho tàng. Đồn Đề Lâm đối diện với Khám Nghè, giữ vị trí tiền đồn, không kiên cố lắm[14].

Mùa xuân năm 1886, Đề Nắm lại tổ chức việc xây dựng một hệ thống phòng thủ mạnh tại khu rừng Hữu Thượng, trong một vùng thấp trũng được phủ kín cây cối, bạt ngàn chuối dại, nằm sát suối Gồ (ngòi Sặt) để xây dựng đồn chính mang tên là đồn Hố Chuối hai Pháo đài bắc và Pháo đài nam phù trợ.

Đánh giá về đồn Hồ Chuối, Đại tá Frey thừa nhận: “Trái với những nguyên tắc thông thường về việc lựa chọn địa điểm để thiết lập một vị trí phòng thủ, đồn này nằm vào một chỗ đất trũng, một nửa đồn được đào sâu vào lòng đất. Đất được dùng vào việc để đắp bức tường bắn được lấy cùng một lúc ở phía ngoài và trong tường, làm cho đồn được che lấp một cách kỳ diệu khỏi tầm mắt và tầm súng của pháo binh đặt ở vùng xung quanh… Các khu vực tiếp cận với đồn đều lởm chởm trong một chiều sâu khoảng 40 mét dầy đặc cọc tre to, nhỏ được vót nhọn. Nhiều hầm đào xung quanh đồn rất sâu, được bố trí đều đặn và chính xác như những hình đa giác ta học, ở dưới đáy mỗi hầm cắm từ hai đến ba chông tre, làm cho việc đi vào càng thêm khó khăn. Ở một vài chỗ, những cái hầm này được phủ kín bằng lá khô và cành cây, làm cho người ta không trông thấy được. Những mặt ở phía bắc và đông, còn được bảo vệ bằng một cái hào dài khoảng 10 mét lổn nhổn những cành tre dầy gai, cọc tre, chướng ngại vật đủ loại và nhờ có một cái đập nước nên lúc nào cũng ngập nước đến khoảng 1,60 mét”[15].

Viên Đại tá này còn viết thêm: “Do cảnh tượng rùng rợn của nó, do số lượng các công trình phòng ngự cùng những trở ngại chồng chất làm cho nó trở thành một công sự vô cùng vững mạnh. Cái đồn lũy này quả xứng đáng với cái tên Đồn của thần chết mà dân địa phương đã đặt cho nó”[16].

Cùng với thời gian xây dựng đồn Hố Chuối, Đề Thám đã lựa chọn 4 mỏm đồi ở cánh đồng Bãi Khách, bao quanh như một cái hom giỏ, xây dựng hệ thống Đồn Hom. Về căn bản, quan điểm lựa chọn địa hình địa vật của Đề Thám khác với Đề Nắm. Ông không đắp lũy đất mà chỉ đào những hệ thống hào giao thông chìm sâu dưới đất, không có bờ, ẩn kín trong cây rừng. Đề Hậu xây dựng đồn Đồng Vương, một pháo đài hình thoi. Thống Tài xây đồn Hang Sọ, Đề Huỳnh đắp đồn làng Nứa, Lãnh Ngân làm đồn làng Vàng, Đề Cẩn dựng đồn Bãi Mét và Đề Nắm cho tiến hành xây dựng cơ sở hậu cần ở Vòng Dông (Tân Sỏi). Riêng Đề Sặt chuyên lo củng cố hệ thống làng chiến đấu Dương Sặt – Thế Lộc, Luộc Hạ – Cao Thượng.

Đúng như Histoine militaire de l’Indochine đã từng nhận xét: “Đã từ lâu vùng Thượng Yên Thế nằm trong tay một số thủ lĩnh phiến loạn. Đóng trong một vùng vô cùng thích hợp chiến tranh du kích, những toán quân của họ không ngừng phát triển lên”.

  1. NHỮNG HIỆU QUẢ KỲ DIỆU CỦA HỆ THỐNG LÀNG CHIẾN ĐẤU

Từ tháng 8-1889, thực dân Pháp đã có một cảm giác rõ nét là, nghĩa quân Yên Thế “toán chính theo lệnh của Đề Nắm, chiếm đóng tất cả vùng phía bắc Tỉnh Đạo, những sào huyệt chính đóng ở làng Dương Sặt và Thế Lộc”[17] và ở đâu người Pháp “cũng gặp ở khắp nơi một đám dân chúng đầy ác cảm, họ trốn chạy khi ta (quân Pháp) đến gần hoặc đặt trướng ngại vật trong làng của họ. Sự vận động của quân ta (Pháp) đều bị đám dân chúng bản xứ ở trên các điểm cao do thám. Chúng ta (Pháp) chịu không điều tra được chút gì và đội quân không thu được kết quả”[18].

Để thực hiện ý định tiêu diệt các lực lượng khởi nghĩa hiện đóng ở các làng Dương Sặt – Thế Lộc, ngày 21-8-1889, hai viên Chánh quản Dallamgné và Picar đã huy động toàn bộ lính khố xanh ở hai đồn binh Bỉ Nội và Bích Động kéo đến tấn công vào làng Dương Sặt. Chúng đã được nghĩa quân đón tiếp bằng nhiều loạt đạn rất căng, quật ngã 9 tên. Quân Pháp “cố gắng lọt vào làng được phòng thủ rất kiên cố. Mặc dù họ đã nỗ lực phi thường nhưng vô ích và để tránh sự hy sinh không đáng có họ đành phải rút lui mặc dù được tám mươi lính của Chánh quản Moutin đi từ Bắc Ninh tới tăng viện”[19].

Thông qua trận đánh trả thông minh và táo bạo, tên tuổi của Đề Sặt được nhân dân trong vùng ca ngợi. Nhằm phát huy thành quả và đánh chặn quân Pháp ngay từ lúc chúng mới ló ra khỏi hang ổ, ngày 22-8, Đề Sặt đã mang một lực lượng rời Dương Sặt tấn công dồn dập vào tốp khố xanh ngay tại cửa ngõ của đồn binh Bỉ Nội, khiến chúng “đành phải tháo lui mang theo 8 thương vong”[20]. Đề Nắm cũng rời đồn binh Tỉnh Đạo đang trong tay mình, tung ra một lực lượng 150 nghĩa quân “tập kích một tiểu đội thám báo thuộc đồn Hà Châu và truy kích suốt 7 km”[21].

Quân Pháp lại phải tính tới khả năng đồng thời với việc hủy diệt cụm làng chiến đấu Dương Sặt – Thế Lộc phải tái chiếm đồn binh Tỉnh Đạo. Nhằm vào mục đích đó, ngày 26-8, Đại úy Gorce đem một lực lượng từ Bắc Ninh lên phối hợp tác chiến với đồn binh Hà Châu. Ngày 27-8, viên sĩ quan này đem 28 lính rời đồn Hà Châu, tìm cách đi vòng để tiến lên Nhã Nam. Lúc quân Pháp đi ngang qua Phủ Mọc, liền bị nghĩa quân do Đề Sặt chỉ huy tấn công dữ dội, phải bỏ chạy, để lại 5 xác chết. Mãi đến ngày 6-9, Gorce mới đem quân tới thẳng đồn Tỉnh Đạo. “Sau một trận giao tranh nhỏ, toán quân (Pháp) chiếm được căn cứ ấy”[22]. Trên đường trở lại đồn binh Hà Châu, chúng đã bị lực lượng của Đề Nắm truy kích với một khí thế “vô cùng ác liệt, dũng cảm”[23].

Thông qua các nguồn tin tức tình báo, Gorce thấy rằng nếu như muốn khôi phục sự hoạt động trở lại của đồn binh Tỉnh Đạo phải tập trung binh lực để tấn công vào Dương Sặt – Thế Lộc. Ngày 10-9, viên Đại úy này đem quân tiếp cận với Dương Sặt. “Khi toán quân đến gần làng, tiếng trống nổi lên để kêu gọi dân làng, tù và cũng ầm vang để tập hợp người chiến đấu. Làng đang bị quân giặc (tức nghĩa quân) chiếm cứ vững chãi. Từ phía bắc và phía đông (tức Thế Lộc) nhiều toán khác (do Đề Nắm chỉ huy) kéo đến cứu viện”. Bị áp đảo Gorce vội vã đem quân tháo chạy về Hà Châu để xin Bắc Ninh cứu viện.

Được bổ sung thêm quân và đại bác, ngày 17-9 Gorce tập hợp ở Bỉ Nội một lực lượng gồm 228 quân (136 bộ binh, 30 kỵ binh, 62 khố xanh) và một khẩu đội sơn pháo, lại hùng hổ đến Dương Sặt – Thế Lộc. Lúc 6 giờ sáng ngày 18-9, Gorce cho quân tấn công vào phía chính diện làng Dương Sặt và cố sức vượt qua phòng tuyến kiên cố của nghĩa quân.

Dưới sự chỉ huy của Đề Sặt, nghĩa quân lùi dần vào phòng tuyến thứ hai rồi phòng tuyến thứ ba. Gorce cho tung hàng loạt lựu đạn nhằm phá các rào lũy, mở đột phá khẩu để tiến sâu vào trong làng. Nghĩa quân đã chống trả quyết liệt, đánh bật chúng ra khỏi làng. Gorce đành hủy bỏ cuộc tấn công ở phía chính diện, cho quân vòng đến phía cuối làng, hạ lệnh nã pháo vào làng và cho đội kỵ binh án ngữ con đường lên Tỉnh Đạo. Đề Sặt đã dẫn nghĩa quân rời khỏi các lũy tuyến xông vào đánh nhau với kỵ binh hơn nửa giờ đồng hồ. Từ phía Thế Lộc, Đề Nắm cũng dẫn nghĩa quân tấn công tốp kỵ binh dự trữ do De Lahay cầm đầu, giết chết viên chỉ huy này.

Cuộc chiến đấu kéo dài đến tận 1 giờ chiều, Để Nắm – Đề Sặt mới cho thu quân, rút về Hố Chuối. Chiều hôm đó để trả thù, giặc Pháp đốt phá làng Thế Lộc.

Những chiến thắng liên tiếp của Dương Sặt – Thế Lộc, Tỉnh Đạo, Phủ Mọc một lần nữa đã đề cao tài năng và uy tín Đề Nắm – Đề Sặt và ghi vào lịch sử những dòng rực rỡ về các làng chiến đấu tiêu biểu của Yên Thế.

Thực dân Pháp rất cay cú vì chưa tiêu diệt được lực lượng nghĩa quân “nhưng sự có mặt của Đội Văn đứng đầu một toán lớn và trang bị vũ khí đầy đủ đã đem lại cho bọn giặc (tức nghĩa quân Yên Thế) một chỗ dựa rất quan trọng khiến cho những đội quân nhỏ bé của ta (Pháp) từ nay khó lòng ứng chiến với chút thắng lợi. Vì thế Đại úy Gorce được lệnh cắt những hoạt động chống các toán ở Hữu Thượng, các đội quân phải rút lui về các đồn binh”.

Yên Thế chuyển sang một tình thế đấu tranh mới.

Cùng với việc truy đuổi Đội Văn, thực dân Pháp đã tiếp tục triệt phá cụm làng chiến đấu Dương Sặt – Thế Lộc, chiếm lại đồn binh Tỉnh Đạo. Đến đầu tháng 12-1889, Đại tá Frey được lệnh đem một lực lượng khá lớn, rời Đáp Cầu, trở lại càn quét Yên Thế vì chúng “nhận được tin báo là có một căn cứ được thiết lập một cách vững chắc ở vùng Hữu Thượng. Sự có mặt của căn cứ này đã được báo cho các đạo quân trước nhưng nhiều cuộc trinh sát không đưa lại kết quả gì”[24].

Trong hơn 3 tuần lễ hành quân, chúng chỉ bắt được vài ba nghĩa quân, nhưng không thể khai thác được gì vì họ kiên quyết không khai báo. Một vài khu doanh trại đang làm dở để đón nghĩa quân Đội Văn xung quanh hai làng Hữu Thượng Bắc và Hữu Thượng Nam, có thể chứa được vài trăm người, bị giặc đốt trụi. Cuối tháng 12-1889, Frey bỏ dở cuộc càn quét, cay đắng thừa nhận sự thất bại: “Không thể nào biết được địa điểm cụ thể qua các tên lý trưởng ở các làng cũng như qua dân làng. Hơn nữa một số tiền thưởng lớn cũng không làm cho người dân, dù họ là một nông phu nghèo khổ nhất sống qua ngày đoạn tháng, cung cấp một tin tức nhỏ nhặt về địa điểm này”[25].

Sự thú nhận của viên Đại tá đội quân viễn chinh Pháp đã sơ phác để ta thấy được một phần sức mạnh của cuộc chiến tranh nhân dân đang bùng cháy trên núi rừng Yên Thế.

Kiên trì với mục đích chiến đấu chống ngoại xâm, giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc, Đề Nắm và Bộ Chỉ huy tối cao của cuộc khởi nghĩa Yên Thế đã vạch ra được một phương châm chiến lược đúng đắn, định ra được kẻ thù chính để tập trung toàn bộ mũi nhọn của cuộc đấu tranh vào chúng và tập hợp mọi lực lượng quy tụ vào một mối. Họ đã sớm hình thành được quan niệm xây dựng căn cứ địa để làm bàn đạp và chỗ dựa cho cuộc đấu tranh. Đó là hệ thống đồn lũy Khám Nghè – Hố Chuối, các làng chiến đấu Dương Sặt – Thế Lộc, Luộc Hạ, Cao Thượng. Họ còn xây dựng được lòng tin vững chắc trong toàn thể dân chúng trong vùng, lôi kéo được nhiều binh lính người Việt, trong đó có cả người Pháp đứng vào hàng ngũ nghĩa quân bằng sự chính nghĩa và những sách lược mềm dẻo của mình. Họ đã kịp thời chấn chỉnh lại tổ chức và cơ ngũ để nó đủ sức gánh vác sứ mệnh lịch sử rất trọng đại mà dân tộc giao cho họ, hạn chế được nhiều nét tiêu cực mà một phong trào có quy mô lớn như thế thường gặp phải (trả thù cá nhân, cướp bóc, tranh giành phạm vi ảnh hưởng). Thông qua lửa đạn, tên tuổi của Đề Nắm, Đề Thám và cả Đề Sặt, Bá Phức nữa đã thành tiêu điểm của lòng cảm phục trong hàng ngũ nghĩa quân, trong nhân dân và là nỗi khiếp sợ của kẻ thù.

Bước vào năm 1890, trên địa bàn Yên Thế, nghĩa quân tiếp tục thắng lớn tại các làng chiến đấu Luộc Hạ (25-3), Cao Thượng (23-4). Trước những thất bại đau đớn đó, nhằm tiêu diệt và đánh tan các cứ điểm quan trọng của nghĩa quân Yên Thế, thiết lập lại một số đồn binh làm chỗ dựa cho các nhà chức trách trung thành với Chính phủ Pháp đang cai trị ở trong vùng, đầu tháng 11-1890 thực dân Pháp đã cử Thiếu tướng Godin, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 2, chỉ huy cuộc tấn công vào Yên Thế mà mục tiêu thứ nhất được đặt ra là chiếm lĩnh cứ điểm Cao Thượng bằng một cuộc tấn công mạnh mẽ để đánh gục tinh thần đối phương, biểu dương sức mạnh của quân đội viễn chinh Pháp; mục tiêu thứ hai là tiêu diệt ổ đề kháng Luộc Hạ, cửa ngõ của vùng Hữu Thượng và nơi tập kết đối phương bởi Cao Thượng – Luộc Hạ là hai nơi cung cấp nhân tài vật lực, trạm liên lạc với Cai Biều – Tổng Bưởi, Lưu Kỳ – Hoàng Thái Nhân và vùng Bãi Sậy. Sự tồn tại hai cứ điểm này, qua lăng kính của giới quân sự Pháp khiến cho dân chúng sẽ nổi loạn ở khắp nơi và càng làm cho đối phương tự coi mình như là vô địch. Tuy nhiên, ngay sau khi cuộc chiến diễn ra, dù với binh hùng tướng manh, quân Pháp đã thừa nhận sự thất bại, như Đại tá Frey đã viết trong cuốn Pirates et rebelles au Tonkin của mình những dòng sau đây: “Sự trùng hợp của hai trận đánh ngày 6-11 mà bọn cướp đã tiến hành với những quân số khác nhau rất xa là biểu hiện của một quan điểm chiến lược chứng tỏ người chỉ huy những toán cướp ở Yên Thế có một trí óc thông minh khác thường: trong khi chỉ để một nhóm quân rất nhỏ cố thủ kiên quyết ở Cao Thượng làm thất bại cuộc tấn công chính của chúng ta thì các bộ phận, các toán cướp nhiều hơn tập hợp lại nhằm đè bẹp bằng một cuộc tấn công quy mô toán quân của Đại úy Tétard quân số rất ít. Sự trùng hợp này có thể chỉ là một sự ngẫu nhiên. Dù sao một điều chắc chắn là nhờ ở phương pháp đặc biệt thăm dò tin tức, bọn cướp thường nắm được trước những mục tiêu của các toán quân chúng ta. Điều này có thể làm cho lời phỏng đoán của một số sĩ quan trên đây có thể tin được”.

Không đạt được kết quả trong cuộc càn quét và tiêu diệt, ngày 10-11 Godin cho Đại úy Plessier mang hơn 100 quân, 1 sơn pháo đánh chiếm lại đồn binh Tỉnh Đạo rồi chốt giữ. Liên tiếp trong các ngày 11 và 12-11-1890, Godin tung quân càn quét Dĩnh Thép, Cầu Khoai, Lèo Nam rồi tràn xuống Yên Lễ, Ngô Xá, Dương Lâm, Dương Sặt.

Đầu tháng 12-1890, cam chịu thất bại, Godin đành ra lệnh kết thúc chiến dịch càn quét.

Chiến thắng Cao Thượng – Luộc Hạ đầu tháng 11-1890 một lần nữa chứng tỏ tài thao lược của Đề Nắm, Đề Thám và Bộ Chỉ huy nghĩa quân. Đây là những trận đánh cho thấy nghĩa quân đã từng ngang ngửa với kẻ thù, và đã làm cho kẻ thù nhận biết được thế nào là sức mạnh của lòng quả cảm, dám đánh và dám thắng của con người Yên Thế.

  1. SỨC MẠNH KHÔN LƯỜNG MÀ HỆ THỐNG ĐỒN LŨY ĐEM LẠI

Nhờ sự mật báo của viên giám mục Tây Ban Nha, ngày 9-12-1890 Đồn trưởng đồn binh Nhã nam là Đại úy Plessier đem quân đánh vào căn cứ Hố Chuối nhưng bị đẩy lùi nhanh chóng. Ngày 11-12-1890, Thiếu tá Tane đem toàn bộ lực lượng của mình tấn công Hố Chuối lần thứ hai nhưng cũng phải vội vã tháo chạy. Những thất bại liên tiếp ở Hố Chuối đã khiến cho Godin phải rời Bắc Ninh lên Nhã Nam để điều khiển trận đánh. Viên Thiếu tướng Lữ đoàn trưởng phải điều động thêm binh lính ở Đáp Cầu, Thái Nguyên, Bố Hạ, Kép tung vào chiến dịch và giao cho Trung tá Winckel Mayer chỉ huy cuộc tập kích, Trung úy Breffi làm Tham mưu trưởng. Một lực lượng lớn quân Pháp đã tập trung về Nhã Nam gồm 586 lính, 11 sĩ quan, 4 sơn pháo nhưng ngay trong ngày 20-12-1890, sau khi đã vãi 8.866 viên đạn súng trường, phóng 83 quả đạn đại bác và để lại 33 xác chết, Winckel Mayer vội vã lui quân.

Sau trận này, Godin rời Nhã Nam để về Hà Nội nhận chức Tổng tư lệnh quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương, lập tức cho tăng thêm viện binh và giao cho Đại tá Frey trực tiếp chỉ huy chiến dịch tấn công Hố Chuối lần thứ 4.

Ngày 2-1-1891, Đại tá Frey, người vừa thay Thiếu tướng Godin làm Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 2 và là người chỉ huy chiến dịch tấn công vào Hố Chuối, cùng các Thiếu tá Régis (chỉ huy pháo binh), Thiếu tá Darguélos (Tham mưu trưởng), đến Luộc Hạ với một lực lượng 1.161 binh lính, 11 sĩ quan, 5 sơn pháo, 2 súng cối 55mm. Với một binh lực áp đảo, ngày 11-1-1890, quân Pháp hạ được căn cứ Hố Chuối trong quyết tâm gây một tiếng vang lớn và tức thời về mặt tinh thần nhằm lưu lại trong sử liệu Bắc Kỳ tính chất độc đáo và kiên định của nó.

Rút khỏi Hố Chuối, nghĩa quân lui về phòng tuyến sông Sỏi – căn cứ được Chabrol mô tả như sau: “Doanh trại có hào lũy kiên cố của Đề Nắm ngay trên bờ sông Sỏi, rất gần đường Bố Hạ đi Thái Nguyên qua mỏ Na Lương. Nó gồm có 7 đồn lũy nhỏ được gọi tên khi thì bằng số thứ tự, khi thì bằng tên gọi các người chỉ huy: đồn số 1 (đồn chính của Đề Nắm), đồn số 2 (Đề Lâm), đồn số 3 (Đề Truật), đồn số 4 (Đề Trung), đồn số 5 (Đề Dương), đồn số 6 (Thống Tài), đồn số 7 (Bá Phức). Mỗi một công sự này có một lũy bằng đất nện có trổ những lỗ châu mai để bắn ra theo tầm cao thấp. Người ta thấy trong một công sự của đồn số 1 có 4 tầm đạn cao thấp được trát phồng bên sườn nhờ những sườn dự bị sẵn trong lộ tuyến hoặc những tường chắn hay lá chắn và xung quanh đồn có rất nhiều hàng rào tre bao bọc ở những khoảng cách khác nhau. Trong những khoảng cách hình vòng tròn ngăn cách giữa chân lũy và hàng rào bên ngoài có từng lớp từng lớp các công sự phụ mà những con người nhẫn nại và dẻo dai như những người An Nam mới có khả năng đem chồng chất lên đó (những đống gạch gỗ, những đám chông, những rào gai). Nhưng công sự phụ tốt nhất đó là rừng rậm. Khi phát quang những khu ven rừng thì vẫn còn cách xa mới tiếp giáp được đồn. Luôn đặt hàng rào áp sát ngay vào bụi rậm, chúng làm giảm tầm bắn của kẻ sử dụng nhưng đồng thời cũng là giảm tầm bắn của đối phương vì ở đây kẻ thua thiệt hơn là đối phương, trừ khi họ có pháo binh tốt. Bọn giặc (nghĩa quân) làm như vậy trước tiên buộc các cánh quân xung kích phải xé nhỏ ra và xuất hiện trước tầm bắn của các lỗ châu mai của chúng trong trạng thái rời rạc”[26].

Trong mùa hè năm 1891 nghĩa quân Yên Thế hoạt động vẫn còn dồn dập. Họ tấn công vào Vân Cốc (21-6), Mai Khê và tốp nghĩa quân do Đề Nắm chỉ huy đã giao chiến với khố xanh Bỉ Nội – Ngòi Vo ở làng Bùi (28-6) và ở Phú Khê (14-7). Đồn trưởng đồn binh Cao Thượng là Chánh vệ Henri đã cùng 35 khố xanh giao chiến với 80 nghĩa quân ở làng Ngô Xá – “làng ở trên một quả đồi thấp có nhiều bụi rậm, được bao quanh bằng vách rơm chắc chắn”[27]. Nghĩa quân đã dùng dao găm lăn xả vào địch, tiêu diệt một số tên. Cùng ngày, 150 nghĩa quân đánh địch ở Vô Tranh (19-7).

Hầu hết các hoạt động kể trên của nghĩa quân Yên Thế trong vòng 6 tháng đầu năm 1891 đều tập trung vào vấn đề tạo ra hành lang an toàn cho việc vận chuyển lương thực, vũ khí lên phòng tuyến sông Sỏi. Hồi giữa tháng 8-1891, một tốp nghĩa quân do Đề Nắm trực tiếp chỉ huy còn đánh nhau với quân Pháp ở Phú Khê và giao chiến lớn ở Khê Hạ (21-8-1891), những làng chiến đấu cuối cùng, nằm cách Phủ Lạng Thương có dăm bẩy kilômét, cửa ngõ của vùng Yên Thế, diệt 10 sĩ quan và lính Pháp. Trong những tháng còn lại, nghĩa quân Yên Thế tiếp tục tỏa ra để chuyển vận lương thực, vũ khí. Ngày 12-10, họ chạm trán với toán quân của Trung úy Détrés, Đồn trưởng đồn Cao Thượng tại Lục Liễu và với toán 40 lính (20 lê dương, 20 khố đỏ) của Plessier tại Thuống Thượng (14-10) và Nhã Nam (17-10).

Từ cuối tháng 10-1891, thực dân Pháp lại bắt tay vào chuẩn bị một chiến dịch lớn tấn công vào Yên Thế mà mục tiêu chủ yếu nhằm tiêu diệt hệ thống phòng tuyến sông Sỏi, với chủ trương “chống lại những công sự của Đề Nắm là đối tượng của một sự chuẩn bị lâu dài và khôn ngoan” vì lực lượng của Đề Nắm tuy không được tổ chức mạnh như của Lưu Kỳ nhưng lại có tinh thần chống Pháp ngoan cường hơn. Đề Nắm thường xây dựng căn cứ cố định nên quân đội Pháp dễ huy động một lực lượng lớn để đến công phá tiêu diệt. Tuy nhiên, những đồn lũy này nằm chìm sâu trong các khu rừng rậm, khó xác định vị trí chính xác và địa bàn hành quân chỉ bằng 1/10 địa bàn Đông Triều nên đã gây nhiều khó khăn cho việc tiếp tế. Việc chỉ huy chiến thuật của các đạo quân vùng này đã trở thành vấn đề tinh tế, vì sẽ vấp phải rừng rậm, phải có nhiều thời gian hơn cho cuộc hành quân “mò mẫm, đúng hơn là phải loanh quanh trong các con đường dễ bị lạc lối, không có cao điểm để quan sát bao quát”. “So sánh với các cuộc hành quân ở Đông Triều chống lại Lưu Kỳ thì những cuộc hành quân đánh phá các đồn lũy của Đề Nắm cũng giống như những cuộc hành quân đã được tiến hành tại Yên Thế, đơn giản hơn trong việc chuẩn bị chúng, việc tiến hành đỡ mệt nhọc hơn nhiều, nhưng việc chỉ đạo chiến thuật các toán quân phải tinh vi hơn nhiều và nhất là việc thực hiện những cuộc hành quân này đẫm máu hơn nhiều”[28].

Để thực hiện các kế hoạch và chủ trương được vạch ra, đầu tháng 3-1892 thực dân Pháp đã giao cho Thiếu tướng Voyron, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 1 chỉ huy chiến dịch, Thiếu tá Lacabile làm Tham mưu trưởng để huy động một lực lượng gồm 2.800 binh lính, 31 sĩ quan, 12 sơn pháo 80mm, 2 sơn pháo 95mm, 4 cối 15mm.

Mục tiêu tác chiến của chiến dịch này là bổ vây phòng tuyến sông Sỏi, kiểm soát toàn bộ các con đường liên hệ với khu căn cứ bằng các đạo quân ở Chợ Phổng, Mỏ Trạng, Trại Sơn, Quỳnh Lâu, chốt giữ đường Nhã Nam – Bố Hạ, tiến hành đánh nghi binh ở Nhã Nam, Luộc Hạ, đặt pháo ở mỏm Đồn Đèn nã vào hệ thống đồn Khám Nghè.

Đây là lần đầu tiên nghĩa quân Yên Thế phải đối phó với một lực lượng rất đông đảo, có uy lực về vũ khí và pháo binh áp đảo, có nhiều sĩ quan đã quen thuộc vùng Yên Thế qua chiến dịch tấn công vào căn cứ Hố Chuối vừa qua (Daval, Ronget…).

Chiến sự bùng nổ vào ngày 11-3-1892 và kết thúc vào đầu tháng 4-1892. Mặc dù nghĩa quân thắng lớn ở Khám Nghè và Đồn Hom nhưng cuối cùng họ vẫn bị đánh bật ra khỏi phòng tuyến sông Sỏi. Vào dịp tết Hàn thực (3 tháng 3 năm Nhâm Thìn, tức 11-4-1892), Đề Sặt đã đầu độc Đề Nắm rồi mang 50 thủ hạ, 48 khẩu súng đến Cao Thượng quy hàng Đồn trưởng là Đại úy Braudíet với lòng mong mỏi rời cuộc chiến để chấn hưng lại làng Sặt mà ông ta gốc gác ở đó.

Cái chết của Đề Nắm đã gây nên một tổn thất lớn lao đối với cuộc khởi nghĩa Yên Thế. Nó đã làm cho Bộ Chỉ huy mất đi một thủ lĩnh có tài, có uy tín bởi lòng dũng cảm, chí khí quật cường và lòng kiên định, suốt đời dám hy sinh cho sự nghiệp đánh đuổi ngoại xâm. Sự phản bội và đầu hàng của Đề Sặt còn có một tác hại khốc liệt hơn nữa, vì Đề Sặt vốn cũng nổi tiếng trong trận mạc, một người có tài năng về quân sự. Do đó, nó đã gây nên những mảng vỡ ồ ạt trong suốt mấy tháng trời đối với đội ngũ nghĩa quân.

Sự mất mát đầu tiên này nhanh chóng trở thành một căn bệnh lây truyền. Liên tiếp sau đó là Đề Tuân (13-4), Đề Lâm (16-4), Đề Sắt (Trần Văn Duệ, 20-4) cùng nhiều tốp khác đến đầu thú ở đồn Bỉ Nội, Dĩnh Thép và ra hàng các đơn vị của Geil, Vandenbrock. “Ngày 21-4, riêng mình viên chỉ huy đồn Cao Thượng đã tiếp nhận 4 tay thủ lĩnh quy hàng và 81 trong số đồ đảng của họ. Chúng đã nộp cho ông ta, tổng cộng là 74 khẩu súng và 1.500 viên đạn… tất cả các cuộc đầu hàng ấy đều không ngoài điều kiện nào khác là được bảo toàn tính mệnh, có thể chứng tỏ sự mong muốn từ bỏ cuộc chiến thực sự”[29] của một số thủ lĩnh và nghĩa quân.

Trong tháng 5-1893, nhiều cuộc đầu hàng lại diễn ra ở Bố Hạ, Nhã Nam, Bỉ Nội, Cao Thượng, trong đó đáng kể là cuộc đầu hàng của Lãnh Lộc, Duyện Dương, Lãnh Du vốn dưới quyền Đề Thám, mang theo 8 súng trường, một súng cối, hơn 300 viên đạn; cuộc đầu hàng của Giới Linh, Đề Nhuận cùng 20 thủ hạ nộp 14 súng hoặc của Thống Bùi mang 23 người, 7 súng ra hàng ngày 17-5.

Tính chung trong hai tháng 4 và 5-1893, nghĩa quân Yên Thế vợi đi 193 tay súng, trong đó có nhiều thủ lĩnh cùng 144 khẩu súng và hàng ngàn viên đạn các loại.

Các tháng tiếp theo vẫn còn nhiều vụ rời bỏ hàng ngũ nghĩa quân, và theo con số của Pháp, đến hết tháng 8-1894, có tới 287 người ra thú cùng với số súng tương đương. Tất nhiên trong số những người ấy, có trường hợp chỉ trá hàng như Đề Tiền. Histoire militaire de l’Indochine viết: “Một trong những tay thủ lĩnh đến quy hàng là Đề Tiền, chỉ trao nộp những khẩu súng kíp, đã bị tố cáo là đang tàng trữ những vũ khí tốt hơn để lại tiếp tục chiến đấu. Ngày 23-7, một cuộc khám xét tại nhà y đã phát hiện được 9 khẩu súng bắn nhanh và còn tốt, 250 viên đạn. Trước hành động bội phản ấy, y bị hành hình ngày 28 (tháng 7-1892)”[30].

Mặc dù đến tháng 7-1892, Thân Văn Phức vẫn được Tống Duy Tân ban bằng sắc thưởng thụ hàm chức Tán tương Quân vụ và đến tháng 2-1894 mới kết thúc vai trò của mình trong phong trào Yên Thế nhưng với sự hy sinh của Đề Nắm, có thể khẳng định ảnh hưởng của phong trào Cần Vương đã chấm dứt. Kể từ đây, Đề Thám sẽ một mình gánh vác sự nghiệp còn lại với một đội ngũ tướng lĩnh trẻ trung nhưng cũng giầu lòng yêu nước. Những ông Tổng, ông Thống, ông Đề, ông Đốc, ông Quản đã hoàn toàn vắng bóng, thay vào đó là những Cả, những Hai, những Ba, vừa gần gụi lại hết sức thân thương với nhân dân Yên Thế.

Nhưng, trong lòng các thủ lĩnh, trong lòng đồng bào Đề Nắm vẫn sống mãi. Tấm lòng trung trinh của ông vẫn ngời sáng muôn đời, như đôi câu đối hiện còn ở đình làng Hả:

“Nhân sinh tự cổ thùy vô tử

Lưu thủ đan tâm, chiếu đãn thanh”

(Xưa nay hỏi có ai không chết

Hãy để lòng son chiếu sử xanh)

  Hà Nội, xuân Giáp Ngọ, 2014

K.Đ.T

Chú thích:

[1] Lê Nguyễn: Xã hội Việt Nam thời Pháp thuộc. Nhân vật và những sự kiện, Nxb Văn hóa thể thao, 2005, tr.242.

[2] Một số tài liệu của Pháp có nhắc tới sự kiện này. Sách của Paul Chack: “Bá Phức từ năm 1886 đã từng là đồng đảng kiên định nhất của Cai Kinh, và năm 1888 trong một hội nghị lớn ở làng Dĩnh Thép đã được phong là Tổng thống quân vụ, tức là chỉ huy toàn quân” và cho biết vào năm 1894, Bá Phức 67 tuổi. Histoire militaire de l’Indochines: “Bá Phức, thủ lĩnh của tất cả các toán giặc trong vùng”. Frey: “Đề Thám có một tuỳ tướng là Bá Phức, một ông già 65 tuổi, nổi tiếng là tàn ác và căm thù người Pháp. Thủ lĩnh của toán giặc quan trọng thứ hai ở vùng Yên Thế là Đề Nắm, có một viên tuỳ tướng là Đề Sặt… Đề Thám thường chỉ huy các vấn đề quân sự. Đề Nắm chủ yếu được phân công việc buôn bán”. Vậy là Bá Phức sinh khoảng 1825-1826.

[3] Frey. Pirates et rebells au Tonkin.

[4] Frey. Pirates et rebelles au Tonkin.

[5] Frey. Pirates et rebelles au Tonkin.

[6] Péroz. Hors des chemins battus.

[7] Frey. Pirates et rebelles au Tonkin.

[8] Chabrol. Opérations militaires au Tonkin.

[9] Frey. Pirates et rebelles au Tonkin.

[10] Péroz. Hors des chemins battus.

[11] Frey. Pirates et rebelles au Tonkin.

[12] Philippe Hduy. Histoire de l’Indochine1624-1954.

[13] Theo lời kể của nhân dân, Đề Nắm có mặt trong đám dân phu xây dựng thành Tỉnh Đạo, do đó học được kỹ thuật và kiểu dáng.

[14] Khu vực đồn Đề Lâm nay thuộc khu trại chăn nuôi của nông trường cam Yên Thế.

[15] Frey. Pirates et rebelles au Tonkin.

[16] Frey. Pirates et rebelles au Tonkin.

[17] Histoire militaire de l’Indochine.

[18] Histoire militaire de l’Indochine.

[19] Histoire militaire de l’Indochine.

[20] Histoire militaire de l’Indochine.

[21] Histoire militaire de l’Indochine.

[22] Frey. Pirates et rebelles au Tonkin.

[23] Frey. Pirates et rebelles au Tonkin.

[24] Frey. Pirates et rebelles au Tonkin.

[25] Frey. Pirates et rebelles au Tonkin.

[26] Chabrol. Opérationes militaires.

[27] Daufès. La garde indigène de l’Indochine.

[28] Chabrol. Opératiions militaires.

[29] Histoire militaire de l’Indochine.

[30] Histoire militaire de l’Indochine. Theo tài liệu chúng tôi tìm hiểu, thì Đề Tiền tên thật là Nguyễn Chí Công người làng Hoà Mục (nay thuộc xã Hợp Đức, Tân Yên), từng là lý trưởng nhiều vụ không chịu nộp thuế cho nhà nước mà lại nộp cho nghĩa quân. Sau đó ông lên Hố Chuối tham gia nghĩa quân dưới trướng Thống Tài. Ngoài việc các thủ lĩnh và nghĩa quân ra hàng, còn xảy ra việc một số thủ lĩnh sát hại nhau như Đề Cúc (Lương Văn Cúc, người Phúc Đình), vốn là thày phù thủy, khi vỡ phòng tuyến đã giết Lãnh Ngân (còn gọi là Thống Nứa, tên thật là Nguyễn Văn Ngân, người làng Nứa, xã Đồng Lạc-Yên Thế) và Lãnh Thuỷ rồi chạy sang trú ngụ ở nhà Bang Giốc bên Đào Quán.

0