18/06/2018, 17:01

Đông cung Hoàng Thái Tử Bảo Long

Ảnh chụp Thái Tử Bảo Long khi còn nhỏ đội mũ Thất Long Đường Cân mặc triều phục Võ Quang Yến Ngày 28 tháng 7 năm 2007, báo chí quốc tế đăng tin ông hoàng Bảo Long đã tạ thế tại thành phố Sens cách Paris phía nam khoảng 100 km, thọ 71 tuổi. Tên tuổi ông ít ai biết đến, ngay cả những ...

bao long

Ảnh chụp Thái Tử Bảo Long khi còn nhỏ đội mũ Thất Long Đường Cân mặc triều phục

Võ Quang Yến

Ngày 28 tháng 7 năm 2007, báo chí quốc tế đăng tin ông hoàng Bảo Long đã tạ thế tại thành phố Sens cách Paris phía nam khoảng 100 km, thọ 71 tuổi. Tên tuổi ông ít ai biết đến, ngay cả những người Việt trẻ hay lớn tuổi. Mấy ai có dè ông là một hoàng thái tử có cơ duyên lên ngôi vua nước Việt Nam nếu không có chính biến năm 1945 chấm dứt triều Nguyễn vào thời vua Bảo Đại, một triều đại phát nguyên 143 năm trước với vua Gia Long năm 1802. Ông chết đi để lại vai lãnh đạo triều đại cho người em trai độc nhất Bảo Thắng.

Ông sinh ngày 4 tháng 1 năm 1936. Tôi còn nhớ rõ năm ấy, tuy mới lên bảy, các anh tôi buộc tôi phải rời gia đình ở làng Mỹ Cang ngoài Phong Điền vào Huế học vì cụ mạ tôi không có đủ chữ nghĩa để dìu dắt tôi trong bước đầu trên đường học vấn. Hôm ấy, nghe mấy tiếng súng lệnh vang dội từ kinh thành, tôi từ trong nhà chạy ra sân ngạc nhiên tìm hiểu thì chị dâu tôi điềm đạm giải thích : vua có con đầu lòng đó, bà hoàng hậu có mang từ năm ngoái ! Vua là hoàng đế Bảo Đại, hoàng hậu là bà Nam Phương. Cặp vợ chồng trẻ đẹp nầy lấy nhau từ hai năm nay, sống với nhau trong một mối tình đằm thắm và đứa con trai trưởng Bảo Long được sinh ra ở điện Kiến Trung trong Tử Cấm Thành. Vật chất đầy đủ, tình yêu không thiếu, tưởng hoàng tử Bảo Long chỉ còn việc sống lên trong cung vàng điện ngọc, tràn đầy hạnh phúc, chờ ngày trưởng thành nối ngôi cha trong lúc triều Nguyễn vui mừng có người chính thức nối dõi, tránh được mọi sự rắc rối khi vua không có con thừa tự. Nhưng cuộc đời thật lắm éo le, không tuần tự diễn biến như đã vạch sẵn.

Mẹ ông, cô Nguyễn Hữu Thị Lan, tên thánh Marie-Thérèse (có người bảo Jeanne Mariette hay Henriette Jeannie), sinh trưởng trong một gia đình công giáo rất mộ đạo ở Gò Công, là con ông Pierre Nguyễn Hữu Hào và bà Lê Thị Bình, cháu ngoại ông đại phú hào Lê Phát Đạt hay Huyện Sỹ tức Long Mỹ Quận Công, người đứng đầu trong tứ đại danh gia: nhất Sỹ, nhì Phương, tam Xường, tứ Định, được dân miền Nam gọi là “đẻ bọc điều”. Cô Lan có một người chị cả, Agnès, sau nầy trở thành bà bá tước Didelot. Ra đời năm 1914, lúc 13 tuổi cô Lan được gia đình gởi qua Pháp học trường Couvent des Oiseaux ở thành phố lịch sự Neuilly, cạnh Paris. Học xong ban trung học năm 1932, thích thể thao, chơi âm nhạc, cô phải trở về nước, phụ nữ thời ấy dù thông minh sáng dạ, con vua cháu chúa, gia đình giàu có, không có thông lệ theo học đại học lâu dài. Trên chuyến tàu thủy hồi hương, nghe nói cũng có mặt vua Bảo Đại, sinh năm 1913, được gởi qua Pháp từ lúc 10 tuổi, vào học đường Hattemer, về nước lên ngôi năm 1926, trở lại Pháp học, nhưng hai người không làm quen với nhau. Phải đợi một năm sau, 1933, cuộc gặp gỡ mới diễn ra ở Đà Lạt. Nguyên khi qua học bên Paris, hoàng tử Vĩnh Thụy trở thành vua Bảo Đại ở trọ nhà ông Jean François Eugène Charles, cựu Khâm sứ, cựu Quyền Toàn quyền Đông Dương. Lúc trước, thời Hàm Nghi, Duy Tân, chính phủ bảo hộ chọn những hoàng thân trẻ tuổi đưa lên ngôi vua để tiện bề chỉ bảo. Lần nầy, họ theo dõi ngay hoàng tử từ thuở thiếu niên. Tình nghĩa vị hoàng tử Việt Nam với gia đình ông Charles có lẽ mặn nồng vì hoàng tử Vĩnh Thụy gọi bà Charles là mêmê tuơng đương với chữ mệ của ta (có người bảo là maman). Trong khuôn khổ phủ Toàn quyền Đông Dương, ông Charles và ông thị trưởng Đà Lạt tổ chức ở Langbian Palace (ngày nay là khách sạn Sofitel) một dạ hội. Nhân nghỉ hè ở Đà Lạt, cô Lan được mời lại dự với ông cậu Lê Phát An. Theo chính ngay lời của cô Lan thì ông Charles và ông thị trưởng Đà Lạt đã cố nài mời lại để có dịp giới thiệu cô cho vua Bảo Đại. Đã từng học phép lịch sự ở Couvent des Oiseaux, cô Lan biết gấp gối lễ phép cúi chào theo kiểu Tây phương. Sắc đẹp hồn nhiên, thái độ giản dị của cô Lan đã quyến rũ vị vua trẻ tuổi và đôi uyên ương không ngừng cùng nhau khiêu vũ suốt tối, say mê uyển chuyển trong điệu tango, bước đầu dẫn tới một cuộc kết hôn có thể cho là môn đăng hạ đối.

Cả hai đều là Tây học, đều đã có sống thời gian thiếu niên ở Pháp, trong cùng một môi trường văn hoá, tất nhiên dễ ăn ý với nhau. Đằng khác, nhiều vị tiên vương lấy vợ miền Nam thì việc cô Lan nguyên gốc người Gò Công cũng nằm trong cùng khuôn khổ truyền thống. Ngay cả Pierre Marie Antoine Pasquier, Toàn quyền Đông Dương, cũng tỏ ý đồng lòng cuộc hợp duyên nầy. Tuy nhiên có điểm tiêu cực là cô Lan người công giáo. Một ông vua, Thiên tử, trong một triều đại Khổng Mạnh, có thể chăng lấy một bà vợ không cùng tôn giáo với ông chồng ? Bà Từ Cung, mẹ vua, hoàn toàn chống đối cũng như nhiều vị quan trong triều hâm dọa từ chức. Bên cô Lan cũng gặp khó khăn khi muốn lấy chồng ngoại đạo, có nhờ người qua xin đức Giáo hoàng can thiệp nhưng việc không thành. Rút cuộc chính phủ bảo hộ và nhất là tình yêu thắng thế : đám cưới vô cùng long trọng được tổ chức ngày 20 tháng 3 năm 1934, chàng rể 21, cô dâu 20 tuổi. Điều kiện dàn xếp là con cái sẽ được chính thức giáo dục theo luân lý Khổng Phật nhưng, theo yêu cầu của cô dâu, giáo lý Cơ đốc được giảng thêm, những lớp học mà Bảo Long sau nầy bảo là ít ưa thích. Kết quả là khi lớn lên hoàng tử không theo một đạo nào hết ! Cựu hoàng Bảo Đại thì vào cuối đời (1988) trở thành tín đồ Công giáo. Tôi hân hạnh được dự buổi ông mang thánh giá diễu hành ở Paris năm 1992 nhân lễ Phục sinh. Riêng cô Lan còn có một yêu cầu chính đáng nhưng không được tuân theo là vua chỉ được có một vợ ! Ai cũng biết sau nầy vua Bảo Đại có nhiều tình nhân. Ngày 24 tháng 3 năm 1934, ba ngày sau hôn lễ, trái với các tiên vương chỉ phong hoàng hậu khi phụ hoàng đã mất, ông ban sắc dụ cho bà vợ mới cưới được măc áo vàng da cam vốn chỉ dành cho vua và tấn phong bà danh hiệu Nam Phương Hoàng Hậu, hương thơm miền Nam, một chức vụ mà bà không ngớt làm tròn phận sự : bà bỏ công ra sức chăm lo trường ốc, bệnh viện, nhà trẻ, dân nghèo, nhiều công tác từ thiện… phần lớn với tiền riêng của mình. Và nhất là làm tròn bổn phận một người vợ : hiến cho chồng hai con trai, ba con gái.

Sau hoàng tử Bảo Long (04.01.1936), bà liên tiếp cho ra đời ba hoàng nữ Phương Mai (01.08.1937) Phương Liên (03.11.1938), Phương Dung (05.02.1942) và hoàng tử Bảo Thắng (30.09.1943) tất cả sinh ra ở Đà Lạt trừ Phương Dung trong cung An Định ở Huế. Những năm đầu, Bảo Long sống ở điện Kiến Trung. Tuy sống với cha mẹ trẻ, thương quí nhau, được mẹ đặc biệt nuông chìu, sau nầy theo lời ông kể ông không giữ được nhiều những kỷ niệm vui. Những cuộc viếng thăm hằng tuần bà nội Từ Cung, xuất thân là một người giúp việc trong hoàng cung, còn để lại trong tâm trí ông những buổi buồn phiền. Sống trong những phòng xưa ở điện Kiến Trung kiến thiết lại theo lối Âu châu, như cha mẹ, ông sử dụng tiếng Pháp, sau 1945 mới nói nhiều tiếng Việt và tiếng Anh. Ngày 7 tháng 3 năm 1939, Bảo Long được phong Đông cung Hoàng thái tử. Từ ngày về nước năm 1933, vua Bảo Đại đã muốn tự mình chấp chính, cải tổ nội các, sửa đổi hành chính, nhưng vấp sự chống đối của Nam triều bảo thủ và chính phủ bảo hộ thống trị, không thực hiện được mong ước của mình, ông thất vọng, nản lòng và dần dần không quan tâm đến việc nước nữa. Ông cũng chán ngấy tinh thần khắc nghiệt mà hoàng hậu gây ra trong Tử Cấm Thành, rời tránh cung cấm đi tìm tiêu khiển trong thể thao, săn bắn và mua vui trong cánh tay các bà, ngày nay còn để lại những tên Mộng Điệp (ba con), Phi Ánh, Lý Lệ Hà, Jenny Wong tức Hoàng Tiếu Lan (một con), Vicky (một con), Clément… trong số hàng chục mỹ nhân. Vào khoảng 1940, sau một trận cải cọ gay gắt giữa hai vợ chồng ở Đà Lạt, viên Toàn quyền phái bà vợ mình lên dàn xếp nhưng bà nầy rủi ro bị nạn chết trên đường đi. Điểm tích cực là hai vợ chồng làm lành lại với nhau truớc linh cữu bà bạn và sau đó Phương Dung và Bảo Thắng ra đời. Ngày 9 tháng 3 năm 1945, Nhật đảo chính Pháp, vua Bảo Đại và hoàng hậu Nam Phương muốn bắt tay Nhật thử đem lại độc lập cho xứ sở. Nhưng chính phủ Trần Trọng Kim chưa làm đuợc gì thì Nhật đầu hàng ngày 16 tháng 8 năm ấy sau hai quả bom Hiroshima va Nagasaki. Trước phong trào Việt Minh đang lên, vua Bảo Đại ban chiếu thoái vị với lời tuyên bố bất hũ “… Trẫm ưng (muốn) được làm dân một nước độc lập (tự do) hơn làm vua một nước nô lệ (bị trị )…”, ngày 30 tháng 8 trao ấn kiếm cho đại diện phong trào cách mạng, trở thành công dân Vĩnh Thụy nhận lời mời lên đường đi Hà Nội làm cố vấn tối cao cho chính phủ Hồ Chí Minh.

Cựu hoàng hậu Nam Phương, hoàng thân Bảo Long và các em từ đây phải rời bỏ Tử Cấm Thành qua ở cung An Định trên bờ sông An Cựu. Cung nầy do vua Đồng Khánh, ông nội vua Bảo Đại, cho xây năm 1886 và hiện là dinh cư của bà Đoan Huy Hoàng Thái Hậu Từ Cung. Cuộc chung sống giữa hai bà tuổi tác, tánh tình, giáo dục, kiến thức hoàn toàn khác nhau là một thử thách lớn cho cựu hoàng hậu tương đối còn trẻ, mới có 31 tuổi ! Tuy vậy, là người có học, bà rất biết xử sự với mẹ chồng. Nhiều màn trong phim Ngọn nến hoàng cung của nhà đạo diễn Nguyễn Quốc Hưng (2004) tuy hư cấu cũng trình bày một phần nào quan hệ tế nhị giữa hai người phụ nữ vào cuối triều Nguyễn nầy. Chỉ hoàn toàn tự do trong giới hạn cung An Định, cựu hoàng hậu được phép mỗi sáng qua làm lễ trong nhà thờ chủng viện dòng Cứu Thế của các cha Canada bên cạnh, từ đấy biết được tin tức bên ngoài, kể cả những chuyện ngoại tình của ông chồng và chuyến ông đi qua ở lại bên Tàu. Bà còn phải đương đầu với vấn đề tài chánh vì bao nhiêu tiền bạc bị kẹt giữ trong Ngân hàng Đông Dương và bên Pháp. Lẽ tất nhiên Bảo Long và các em sống những ngày tương đối thiếu thốn của thời chiến tranh. Trái với lúc trước có thầy dạy riêng, bây giờ đi học trường công, cậu học trò mười tuổi chắc không làm sao biết xác định chân đứng của mình là con vua trong lập trường chính trị một nước dân chủ cọng hòa nhưng nghe nói luôn hăng say trong những hoạt động yêu nước tổ chức khắp mọi ngành hồi ấy. Cùng lúc, cựu hoàng hậu cúng rất nhiều vàng bạc nhân Tuần lễ vàng, làm gương cho biết bao các bà giàu có khác và được chính quyền Trung bộ mời bà chủ tọa tuần nầy. Năm 1946, sau khi cuộc chiến bùng nổ ở Huế, Bảo Long theo mẹ và các em qua ẩn lánh lần lượt ở chủng viện dòng Cứu Thế rồi ở chi nhánh Ngân hàng Đông Dương ở Huế. Ở đây, hoàng thân được đặc biệt che chở chống bom đạn : mỗi tối cậu học trò phải xuống ngủ một mình trong phòng tủ sắt dưới hầm. Nhưng rút cuộc quân đội Pháp đưa toàn gia đình sơ tán lên Đà Lạt tiện đường qua Pháp, vào lúc cựu hoàng Bảo Đại trở thành Quốc trưởng Việt Nam bắt đầu thương lượng với chính phủ Pháp.

Ở Đà Lạt, Bảo Long bắt đầu một cuộc sống mới : từ hoàng thân cậu trở lại thái tử trong một quốc gia không phải quân chủ cũng không phải cọng hòa. Cậu theo học trường dòng Taberd ở Đà Lạt hai năm trước khi được gởi qua Pháp vào học trường tư thục Ecole des Roches de Normandie miền tây nam nước Pháp. Như mọi học sinh Việt Nam hồi ấy, bị gián đoạn mấy năm cần phải theo kịp, Bảo Long cố gắng học hành và đỗ tú tài ban triết lý năm 1953, vào lúc 17 tuổi. Trong thời gian ở trường trung học nầy, phong phanh có lời dọa thái tử sẽ bị bắt cóc nên từ 1950, cậu luôn được một viên cảnh sát Pháp hộ vệ, ở lớp cũng như ở ký túc xá, trừ những tháng về nghỉ hè ở Đà Lạt. Chính ở đây mà Bảo Long có ý định ghi tên vào trường Võ bị Đà Lạt mặc dầu đã bắt đầu đi học Khoa học Chính trị ở Paris. Báo chí hồi ấy có đưa tin Pháp muốn đưa thái tử lên thế cựu hoàng Bảo Đại. Năm 1952, đang còn là học sinh, Bảo Long đã thay mặt cha đi dự lễ đăng quang Nữ hoàng Elizabeth II bên London. Nhưng cựu hoàng Bảo Đại từ chối và bắt thái tử ghi tên vào trường võ bị Saint-Cyr ở Pháp. Tốt nghiệp trường nầy năm 1957, Bảo Long học một năm bổ túc ở trường kỵ binh Saumur. Hồi nầy, sau khi bị tổng thống tương lai Ngô Đình Diệm lật đổ năm 1955, cựu quốc trưởng Bảo Đại và cựu hoàng hậu Nam Phương về sống ở Lâu đài Thorenc tại Cannes đến 1958. Bảo Long ít liên lạc với gia đình trong thời gian nầy cũng như sau đó, khi cựu hoàng hậu về cư trú ở La Perche tại Chabrignac, tỉnh Corrèze, vùng tây nam nước Pháp, một đồn điền rộng 160 ha, 32 phòng ở, 4 phòng khách, 7 phòng tăm, mà bà đã bỏ tiền ra mua. Cựu hoàng hậu Nam Phương sống ở đây cho đến lúc chết ngày 15 tháng 9 năm 1963 vì một bệnh viêm họng không kịp chữa, thọ 49 tuổi. Thật ra, cựu hoàng Bảo Đại cũng ít lại đây, chỉ thỉnh thoảng như khi có đám cưới hoàng nữ Phương Liên năm 1962.

Còn thái tử Bảo Long thì vào thời buổi nầy như tuồng đang chịu đựng những tác hại chính trị lên bản thân mình, luôn mang nặng một tinh thần bi thương, không lấy chuyện chêt sống làm trọng và, với quốc tịch Việt Nam, tòng quân vào Đoàn đệ nhất Kỵ binh Người nước ngoài (1er R.E.C.) Đội lính lê duơng. Chàng trai không sợ chết (có người bảo đi tìm chết nơi vào sinh ra tử) tình nguyện qua đánh giặc ở Algérie, đã tỏ ra là một chiến binh anh dũng, luôn có mặt ở hàng đầu khi xông pha chiến trận. Trên biên thùy Algérie-Tunisie, chàng đã lập nhiều thành tích cho đến lúc chiếc thiết giáp nổ mìn và chàng bị trọng thương, được chở vào bệnh viện. Dũng cảm của chàng được quân đội thưởng Huân chương Phẩm giá Quân sự (Croix de la Valeur Militaire) với nhiều sao bạc, bạc mạ vàng đánh dấu những cuộc chiến kiên cường. Những kỳ công của chàng cha mẹ chỉ biết qua báo chí một thời gian sau. Nhưng từ đây, người chiến sĩ không còn muốn vùng vẫy trên chiến địa nữa : vào giữa thập niên 60, Bảo Long về thực tập ít lâu ở trường luyện tập ngựa Cadre Noir có tiếng tại Saumur rồi từ giả quân đội với quân hàm đại úy. Ông trở nên nhân viên ngân hàng, sống ít lâu với Isabelle Ebey, một cô gái nạ dòng đã có hai con, làm nghề trang trí nội thất, nhưng cô nầy chết sớm. Không có bạn gái khác, gần như độc thân, thái tử sống một cuộc đời giản dị, kín đáo. Ông ít giao dịch tuy có giữ một số bạn bè thân thích từ thuở Ecole des Roches hay Saint-Cyr. Giữa Paris, thường đi dạo ở xóm Marais, nơi có nhiều nhà ở đẹp của những công hầu thế kỷ 17, gặp ông không ai biết ông là ai. Khiếu thẩm mỹ của ông, nhất là về nhà cửa, được đánh giá có nền tảng vững bền : khoảng giữa thập niên 70, một tờ báo có đăng một thiên phóng sự hình ảnh nhà ở của ông ở Paris trang trí Âu Á hỗn hợp tuyệt vời.

Giáo dục của thái tử Bảo Long cũng như của mấy em được cựu hoàng hậu chăm lo từ hồi còn trẻ. Từ Huế lên Đà Lạt rồi qua Pháp, ở Cannes cũng như ở Chabrignac, bà Nam Phương luôn dìu dắt các con trên đường học vấn. Ngoài Bảo Long đi tìm lối thoát trong quân đội, em trai Bảo Thắng đi học trường Adran ở Đà Lạt trước khi qua Pháp học tiếp Couvent des Oiseaux ở Neuilly, bị bệnh phì, không lấy vợ, vẽ tranh, chơi nhạc. Phương Mai nối tiếp con đường của mẹ, cũng được gởi vào học trường Couvent des Oiseaux ở Neuilly, sau thành hôn với Pietro Badoglio, một công tước người YÙ, có hai con. Phương Liên kết duyên với một ông chủ ngân hàng người vùng Bordeaux, Bernard Soulain, cũng có hai con. Chỉ có Phương Dung ít át, xấu số, như tuồng còn sống ở Paris. Mẹ mất, các em có đời sống riêng, Bảo Long chỉ còn ông cha, cựu hoàng Bảo Đại. Nhưng là một đứa con đứng đắn, nghiêm túc, ông rất đau lòng thấy cha chơi bời, cờ bạc, có tiếng khắp các casino, tiêu tiền phung phí cho đên sạt nghiệp. Hơn nữa, sau 1975, thấy cha hoàn toàn bỏ rơi cộng đồng người Việt, ông lại càng đau khổ. Năm 1982, khi cựu hoàng Bảo Đại cưới một cô gái người Lorraine, Monique Baudot, tự xưng là Princesse Monique Vĩnh Thụy, ông không có một lời bình phẩm. Năm 1990, ông rời Paris qua ở London. Từ đây cho đến đám tang vua Bảo Đại năm 1997, ít nghe nói đến ông. Hôm ấy, người ta thấy ông đứng im lặng, trang nghiêm, không chút xúc động lộ trên nét mặt, bên cạnh quan tài, trước một cử tọa đông người Âu hơn người Việt. Lễ xong, không một lời phát biểu, ông lẳng lặng bước qua cửa bên ra về, để lại bà Monique Baudot một mình bước sau áo quan do những cựu quân binh Pháp vác, trước xa những hoàng thân, hoàng nữ khác. Ai cũng biết quan hệ giữa hai cha con không những ngày càng lạt lẽo mà còn có chuyện gây cấn. Tuy nhiên hôm 5 tháng 10 năm 1997, nhân lễ cầu siêu 49 ngày cho vua Bảo Đại ở chùa Vincennes tại Paris, có đủ nghi thức cầu nguyện của các tôn giáo, có đủ mặt các hoàng thân, hoàng nữ và gia đình mặc tang phục, thái tử Bảo Long đứng ra cám tạ quan khách bằng tiếng Việt, gây xúc động không ít cho người đến dự. Một điều đáng chú ý là vắng mặt bà Monique Baudot vì một lẽ giản dị là bà không được mời !

tscqy-anh-201.jpg

Quan hệ bà nầy với hoàng tộc chưa chấm dứt. Số là cặp ấn kiếm triều Nguyễn trong thời gian chinh chiến bị sao lạc. Năm 1951, quân Pháp tình cờ tìm ra được ở một ngôi chùa cổ ngoài Bắc, tướng De Lattre de Tassigny tặng lại cho Quốc trưởng Bảo Đại. Sợ lại bị mất, Quốc trưởng cậy bà Bùi Mộng Điệp, còn mang chức thứ phi, đem qua Pháp trao lại cho cựu hoàng hậu Nam Phương. Sau khi cựu hoàng hậu mất đi, cặp ấn kiếm qua tay thái tử Bảo Long. Năm 1980, khi cựu hoàng Bảo Đại cần dùng chiếc ấn để minh họa cuốn sách Le dragon d’Annam (được dịch ra Con Rồng AnNam) của mình, Bảo Long không cho mượn. Đây lại là một duyên cớ để cha con giận nhau. Cặp ấn kiếm nầy hồi đó được gởi trong tủ sắt của Union des Banques Européennes (Liên hiệp Ngân hàng Âu châu). Hai năm sau, cựu hoàng đưa đơn kiện đòi lại cặp ấn kiếm. Tòa xử chiếc ấn giao cho Bảo Đại, Bảo Long được giữ thanh kiếm. Ngày nay, cựu hoàng Bảo Đại đã mất, chiêc ấn Hoàng Đế Chi Bửu đúc từ đầu triều Minh Mạng (1823), nặng 280 lạng 9 chỉ 2 phân vàng mười tuổi, vô duyên rơi về tay bà Monique Baudot tức Monique Vĩnh Thụy, một bà đầm không có chức vị trong gì hoàng tộc ? Sau khi cựu hoàng hậu qua đời, Bảo Long cho bán đấu giá những đồ gỗ bàn ghế, mấy trăm cổ vật của mẹ, chắc trong số ấy có thanh kiếm Khải Định niên chế, với một cái lưỡi 4 lạng 7 chỉ 5 phân vàng… Đây là một thái độ không đáng kính chút nào của một ông hoàng thái tử dù hết còn dính líu gì nữa với đất nước. Đúng ra, ông phải giao trả mọi di tích cho một viện bảo tàng Việt Nam.

bao lnog

Hoàng tử Bảo Thăng, người thừa kế của Hoàng thái tử Bảo Long.

Bảo Long thương cha hồi còn nhỏ, nhưng càng lớn lên ông càng thấy xa cha. Thái độ của cựu hoàng Bảo Đại không còn gây cảm phục nơi một đứa con yêu nước từ đó luôn bị thảm kịch trên đất quê hương dày vò vì dù sao ông nguyên cũng là một Đông cung Hoàng thái tử, bình thường là người sẽ lên cầm đầu vận mệnh đất nước. Cử chỉ cuối đời của ông phải chăng là do buồn phiền tức giân mà ra ? Hay là ông không còn muốn dính líu gì nữa với gia đình, với triều Nguyễn, với nước Việt Nam ? Đối với mẹ, ông luôn là một đứa con có hiếu, thẳng thắng, chính trực. Thành quả của một đôi trai tài gái đẹp, tước lộc không thiếu, trước một tương lai đầy hứa hẹn, Bảo Long rủi ro bạc mệnh vì thời cuộc không thực hiện được một cuộc sống anh dũng, tràn đầy hạnh phúc và cuối cùng lẻ loi, lạnh lẽ rời bỏ trần gian xa đất nước, trong sự thờ ơ của đồng bào. 
 

Xô thành, trước thềm Xuân Kỷ Sửu 
Huế Xưa và Nay 91 2009

Tham khảo

– Phạm Khắc Hòe, Từ triều đình Huế đến chiến khu Việt Băc, nxb Thuận Hóa, Huế 1987

– Bảo Đại, Con rồng Việt Nam, Nguyễn Phước Tộc xuất bản, Los Alamitos USA 1990

– Ban soạn thảo Hội Đồng Trị Sự Nguyễn Phúc Tộc : Hoàng phúc tộc thế phả, Xí nghiệp in 4, TPHồChiMinh 1995

– Lê Văn Lân : Chiếc bảo ấn cuối cùng của Hoàng đế Việt Nam, nxb Làng, USA1998

– Nguyễn Đắc Xuân : Chuyện các bà trong cung Nguyễn, nxb Thuận Hóa, Huế 1997 ; Hỏi đáp về triều Nguyễn và Huế xưa, nxb Trẻ, TPHồChíMinh 1999

– Lê Mộng Nguyên, Sa Majesté Bao Dai, Communication du 19 novembre 1999 à l’Académie des Sciences d’Outre-Mer, Paris

– Nguyen The Anh, The formulation of the national discourse in Vietnam,1940-1945, Journal of international and area studies9-1 (2002) 57-75

– Georges Nguyen Cao Duc : Bảo Long, le dernier Đông Cung Hoàng Thái Tử, http://aejjersite.free.fr Magasin Good Morning 02.09.2007 ; L’Impératrice Nam Phuong, Wikipedia.org/wiki/ NamPhuong 21.06.2008

Nguồn bài đăng

0