Đính chính một vài chi tiết về các trận thuỷ chiến chống quân Nguyên tại vùng sông Bạch Đằng, trong cuộc xâm lăng nước ta lần thứ ba
Hồ Bạch Thảo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư , Bản Kỷ quyển 5, trang 54b, chép về chiến dịch chống quân Nguyên trên sông Bạch Đằng và vùng phụ cận có chỗ sai lầm, vì đã chép gộp việc đón thuyền lương Trương Văn Hổ và trận thuỷ chiến giết chết Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp lúc bọn chúng rút quân về ...
Hồ Bạch Thảo
Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Bản Kỷ quyển 5, trang 54b, chép về chiến dịch chống quân Nguyên trên sông Bạch Đằng và vùng phụ cận có chỗ sai lầm, vì đã chép gộp việc đón thuyền lương Trương Văn Hổ và trận thuỷ chiến giết chết Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp lúc bọn chúng rút quân về nước, thành một trận. (1)
Người dịch Toàn Thư thấy được khuyết điểm này, nên có lời chú như sau:
“Đoạn này có nhiều sai lầm, đã chép lẫn lộn việc Ô Mã Nhi đi đón thuyền lương của Trương Văn Hổ với trận phục kích đánh Ô Mã Nhi khi chúng rút lui về nước.”(2). Tuy nhiên người dịch không đưa ra giải đáp về mối khúc mắc này.
Nay để làm rõ ràng hơn về trình tự các cuộc thuỷ chiến trong chiến dịch này, chúng tôi phối kiểm sử liệu 2 nước, qua các bộ Nguyên Sử và Đại Việt Sử Ký Toàn Thư; thấy được có 4 cuộc hành quân chính, lần lượt xảy ra như sau:
1. Trận đánh vào tháng 11 năm Đinh Hợi [1887], do Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp mang thuỷ quân từ tỉnh Quảng Đông sang xâm lăng nước ta. Sử hai nước chép như sau:
Nguyên Sử | Đại Việt Sử Ký Toàn Thư |
Quyển 209, Liệt Truyện: An Nam. Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp mang binh theo đường thuỷ; qua Ngọc Sơn [Mũi Ngọc, Quảng Ninh], Song Môn, cửa biển An Bang, gặp hơn 400 chiếc thuyền Giao Chỉ, xông vào đánh, giết hơn 4.000, bắt sống hơn 100, tịch thu 100 chiếc thuyền, rồi hướng vào nội địa Giao Chỉ |
Tập 2, trang 60. Khi ấy, thuỷ quân Nguyên đánh vào Vân Đồn, Hưng Đạo Vương giao hết công việc biên thuỳ cho Phó tướng Vân Đồn là Nhân Huệ Vương Khánh Dư. Khánh Dư đánh thất lợi, Thượng hoàng được tin, sai Trung sứ xiềng Khánh Dư giải về kinh. Khánh Dư nói với Trung sứ: “Lấy quân pháp mà xử tôi xin chịu tội, nhưng xin khất hai, ba ngày, để mong lập công rồi chịu tội búa rìu cũng không muộn.” Trung sứ theo lời xin đó. |
Xét tổng quát, sử hai nước chép về trận thứ nhất tương tự; tuy nhiên không chắc những chi tiết Nguyên Sử nêu lên về tổn thất của quân ta là hoàn toàn đúng sự thực.
2. Trận thứ hai vào tháng 12 năm Đinh Hợi [1287], quân ta tiêu diệt thuyền lương do Trương Văn Hổ chỉ huy:
Nguyên Sử | Đại Việt Sử Ký Toàn Thư |
Quyển 209, Liệt truyện: An Nam Thuyền lương của Trương Văn Hổ vào tháng 12 năm trước [1287] đến Đồn Sơn, gặp 30 chiếc thuyền Giao Chỉ, Hổ giao tranh, hai bên tổn thất tương đương. Đến vùng biển Lục Thuỷ, gặp nhiều thuyền giặc; thế không địch nổi, thuyền lại nặng không thể đi nhanh, bèn đánh chìm xuống biển, rồi hướng về Quỳnh châu [Hải Nam]. Thuyền lương của Phí Củng Thần vào tháng 11 định đến Huệ châu [Quảng Đông], nhưng gió thổi không tiến được, nên dạt đến Quỳnh châu hợp với Trương Văn Hổ. Thuyền lương của Từ Khánh phiêu dạt đến Chiêm Thành, rồi lại trở về Quỳnh châu. Quân lính chết 220 người, huỷ 11 chiếc thuyền, hơn 1 vạn bốn ngàn ba trăm thạch lương. |
Tập 2, trang 60. Khánh Dư liệu biết quân giặc đã qua, thuyền vận tải tất theo sau, nên thu thập tàn binh đợi chúng. Chẳng bao lâu thuyền vận tải quả nhiên đến, Khánh Dư đánh bại chúng, bắt được quân lương khí giới giặc nhiều không kể xiết, tù binh cũng rất nhiều. Lập tức sai chạy ngựa mang thư về báo. Thượng hoàng tha cho tội trước không hỏi đến và nói: “Chỗ trông cậy của quân Nguyên là lương thảo khí giới, nay đã bị ta bắt, sợ nó chưa biết có thể còn hung hăng chăng?” Bèn tha những tên bị bắt về doanh trại quân Nguyên để báo tin. |
Nguyên Sử xác nhận Trương Văn Hổ đánh chìm thuyền lương tại biển Lục Thuỷ; riêng Đại Nam Nhất Thống Chí chép về Cửa Lục thuộc tỉnh Quảng Yên như sau: “Phó tướng Vân Đồn là Trần Khánh Dư đánh thuyền lương của tướng Trương Văn Hổ ở biển Lục, thuyền lương đều đắm ở biển tức chỗ này. (3)” Nhìn trên bản đồ, Cửa Lục hay vịnh Cửa Lục, gần ngay khu du lịch Hạ Long. Cần nói thêm Nguyên Sử đã phạm sai lầm một cách cố ý, qua việc hạ bớt số lương thực tổn thất trong trận đánh đến mấy chục lần. Cũng tại Nguyên Sử quyển 209, phần liệt truyện An Nam, chép rằng: “Vạn hộ Trương Văn Hổ, Phí Củng Thần, Đào Đại Minh chuyển vận 70 vạn thạch lương, theo đường biển chia đường tiến.” Cớ sao thuyền mắc cạn phải đánh đắm, mà chỉ thiệt hại 1 vạn 4 ngàn thạch lương? Trong khi sử Việt chép rằng tất cả thuyền lương đều bị đắm tại biển Lục.
3. Cuộc hành quân đón thuyền lương của Trương Văn Hổ:
Tục ngữ cho rằng “binh gia đa trá”, nên khi dùng binh cho dù nói thật cũng không ai tin. Đó là trường hợp nhà Trần đối xử với quân Nguyên; sự việc xảy ra 2 lần.
Lần thứ nhất vào tháng 5 năm Ất Dậu [1285], trong cuộc xâm lăng lần thứ hai. Lúc bấy giờ bị quân ta gây áp lực mạnh, tình hình bắt buộc Thoát Hoan tại thành Thăng Long phải rút quân về gấp, không kịp báo tin cho Toa Đô hay. Toa Đô lúc này đóng quân tại Thiên Trường [tỉnh Nam Định], được phía ta báo tin này cho biết, nhưng y không tin; bèn mang quân đến tận nơi để kiểm chứng, rồi bị chết trong lúc giao tranh. Nguyên Sử, quyển 129 Liệt truyện Toa Đô, chép như sau: “ …Rồi có chiếu chỉ cho rút quân, Thoát Hoan dẫn quân về, Toa Đô không được biết. Giao Chỉ cho người báo tin, nhưng không tin thực; khi đến đại doanh, thì thấy thành không. Giao Chỉ vây tại sông Càn Mãn, Toa Đô chết trận…”
Lại một lần khác trong cuộc xâm lăng lần thứ ba, sau khi thuyền lương của Trương Văn Hổ bị đánh tan; Thượng hoàng Trần Thánh Tông bèn tha người bị bắt, cho đến trại quân Nguyên để báo tin; với ý đồ mong quân Nguyên thấy được tình hình đen tối, tự động rút lui về nước. Nhưng đối phương vẫn không tin mối thảm hoạ thực sự xảy ra, nên vào tháng giêng năm Mậu Tý [1288] chủ tướng Thoát Hoan ra lệnh cho Ô Mã Nhi đi ra biển nghênh đón.
Sử hai nước đều đề cập đến sự kiện “đón thuyền lương”, nhưng sau khi đối chiếu, thấy rằng Toàn Thư đã chép lầm việc Ô Mã Nhi đón thuyền lương với sự kiện bọn Ô Mã Nhi rút quân về Tàu, bị Hưng Đạo Vương đánh bại tại sông Bạch Đằng hơn một tháng sau đó. Sai lầm này có thể thấy được được với những bằng chứng sau đây:
–Thời gian: theo sử liệu Toàn Thư chép tại phía dưới cho biết bọn Ô Mã Nhi đi đón thuyền lương Trương Văn Hổ vào ngày 8 tháng 3 năm Mậu Tý [1288]. Thời điểm này sai, vì theo Nguyên Sử trong tháng 3, chủ tướng Thoát Hoan mang toàn quân rút về nước. Cũng theo Nguyên Sử Ô Mã Nhi nhận lệnh vào tháng giêng năm Mậu Tý [1288]; từ nội địa Việt Nam ra biển, rồi từ đầu tháng 2, theo cửa Đại Bàng [phía đông cửa Văn Úc, Hải Phòng] (4) hướng đông bắc đến cửa khẩu An Bang [thuộc tỉnh Quảng Ninh], nhưng không gặp Trương Văn Hổ. Sau đó y mang quân trở lại gặp Thoát Hoan, và được lệnh cùng Phàn Tiếp mang thuỷ quân trở về nước vào cuối tháng 2.
–Về địa điểm: Hưng Đạo Vương phục kích quân Nguyên từ nội địa ra sông Bạch Đằng; còn Ô Mã Nhi đón thuyền lương từ nội địa theo cửa Đại Bàng ra, như vậy không thể qua sông Bạch Đằng.
–Tổn thất hai bên trong cuộc hành quân: Nguyên Sử chép gặp hàng ngàn thuyền địch, có giao tranh, nhưng không ghi tổn thất. Chứng tỏ mục đích chuyến đi này Ô Mã Nhi chỉ mong tìm tung tích thuyền lương để báo cáo kịp thời, nên không muốn giao tranh. Riêng số lương thực 4 vạn thạch thì cướp của dân, thực sự cũng chẳng được bao nhiêu, vì ngay sau đó bảo rằng “lương hết, quân mệt”, cho rút về. Còn Toàn Thư chép Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp bị bắt trong trận này, thì vô lý, vì nếu sự việc thực sự xảy ra thì bọn này không thể tái xuất hiện trong trận rút lui, sẽ trình bày tại phần sau.
Nguyên Sử | Đại Việt Sử Ký Toàn Thư |
Quyển 209, Liệt Truyện: An Nam. Tháng giêng, lại mệnh Ô Mã Nhi theo hướng cửa biển Đại Bàng đón thuyền lương của Trương Văn Hổ….. Tháng hai, Ô Mã Nhi từ cửa khẩu Đại Bàng, hướng đến Đáp Sơn, gặp hàng ngàn thuyền giặc bèn đánh phá; đến cửa khẩu An Bang, không gặp thuyền Trương Văn Hổ, bèn trở lại Vạn Kiếp, tìm lương được hơn 4 vạn thạch Quyển 15, Bản Kỷ, Thế Tổ Tháng 2, Trấn Nam Vương mang binh trở về Vạn Kiếp. Ô Mã Nhi đón thuyền lương Trương Văn Hổ nhưng không gặp; các tướng cho rằng lương hết, quân mệt, nên bảo toàn quân rút về, Trấn Nam Vương chấp thuận… Trấn Nam Vương mệnh Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp mang thuỷ quân về trước; Trình Bằng Phi, Tháp Xuất mang binh hộ tống |
Tập 2, trang 61-62 Tháng 3, ngày mồng 8, quân Nguyên hội ở sông Bạch Đằng để đón thuyền lương của bọn Trương Văn Hổ nhưng không gặp. Hưng Đạo Vương đánh bại chúng. Trước đó, Vương đã đóng cọc ở cửa sông Bạch Đằng, phủ cỏ lên trên. Hôm ấy, nhân lúc nước triều lên, Vương cho quân khiêu chiến rồi giả cách thua chạy, bọn giặc đuổi theo, quân ta cố sức đánh lại. Nước triều xuống, thuyền giặc vướng cọc hết. Nguyễn Khoái chỉ huy quân Thánh dực dung nghĩa đánh nhau với giặc, bắt sống Bình chương Áo Lỗ Xích. Hai vua đem quân tiếp chiến, tung quân đánh lớn, quân Nguyên chết đuối nhiều không kể xiết, nước sông do vậy mà ngầu cả. |
4. Quân Nguyên đại bại trên sông Bạch Đằng:
Xét các khía cạnh lịch sử, cái đoạn Toàn Thư chép là “Quân Nguyên hội ở sông Bạch Đằng để đón thuyền lương của bọn Trương Văn Hổ nhưng không gặp. Hưng Đạo Vương đánh bại chúng” chính là trận cuối cùng quân Nguyên rút lui ra khỏi nước ta bằng đường thuỷ, bị Hưng Đạo Vương đánh bại. Qua sử hai nước có thể thấy: bọn Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp nhận lệnh từ chủ tướng Trấn Nam Vương Thoát Hoan vào cuối tháng 2 năm Mậu Tý [1288], xuất phát theo ngả Lục Đầu, sông Kinh Thầy, đến sông Bạch Đằng. Tại sông này, vào ngày 8 tháng 3; đoàn quân Nguyên bị “Hưng Đạo Vương đánh bại chúng. Trước đó, Vương đã đóng cọc ở cửa sông Bạch Đằng, phủ cỏ lên trên. Hôm ấy, nhân lúc nước triều lên, Vương cho quân khiêu chiến rồi giả cách thua chạy, bọn giặc đuổi theo, quân ta cố sức đánh lại. Nước triều xuống, thuyền giặc vướng cọc hết.” Trận chiến rất ác liệt, từ sáng sớm [ giờ Mão] cho đến chiều [giờ Dậu], các cấp chỉ huy địch như Nguyên soái Ô Mã Nhi, Tham tri chính sự Phàn Tiếp bị bắt hoặc giết; đạo quân hoàn toàn bị tiêu diệt.
Sử liệu 2 nước ghi như sau:
Nguyên Sử | Đại Việt Sử Ký Toàn Thư |
Quyển 15, Bản Kỷ, Thế Tổ Tháng 2, Trấn Nam Vương mang binh trở về Vạn Kiếp. Ô Mã Nhi đón thuyền lương Trương Văn Hổ nhưng không gặp; các tướng cho rằng lương hết, quân mệt, nên bảo toàn quân rút về, Trấn Nam Vương chấp thuận…..Trấn Nam Vương mệnh Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp mang thuỷ quân về trước; Trình Bằng Phi, Tháp Xuất mang binh hộ tống ….Tháng 3, Trấn Nam Vương mang các đạo quân trở về Quyển 166, Liệt Truyện: Phàn Tiếp ….. Phàn Tiếp năm thứ Chí Nguyên 21[1284] thăng chức Thiêm Kinh Hồ Chiêm Thành Hành trung thư tỉnh sự; theo A Lý Hải Nha trừng phạt Giao Chỉ, không lập nên công, bèn trở về. Năm thứ 24 [1287] lại trừng phạt Giao Chỉ, giữ chức Hành trung thư tỉnh Tham tri chính sự….. Tháng 2, trời nóng, lương thực hết; do đó Vương [Thoát Hoan] ra lệnh mang quân trở về. Phàn Tiếp và Ô Mã Nhi mang quân trở về; bị giặc chặn tại sông Bạch Đằng. Gặp lúc thuỷ triều rút, thuyền của Tiếp bị mắc cạn; thuyền giặc đến đông, tên bắn như mưa, từ giờ Mão [5-7 giờ sáng] đến Dậu [15-17 giờ]. Tiếp bị thương, rơi xuống nước; giặc dùng câu liêm kéo lên giết chết. Vào năm Chí Thuận thứ nhất [1330] được truy tặng Suy trung tuyên lực hiệu tiết công thần, Tư đức đại phu, Giang Chiết Hành tỉnh hữu thừa, Thượng đẳng công thần, thuỵ Trung Định |
Tập 2, trang 61-62 Tháng 3, ngày mồng 8, quân Nguyên hội ở sông Bạch Đằng để đón thuyền lương của bọn Trương Văn Hổ nhưng không gặp. Hưng Đạo Vương đánh bại chúng. Trước đó, Vương đã đóng cọc ở cửa sông Bạch Đằng, phủ cỏ lên trên. Hôm ấy, nhân lúc nước triều lên, Vương cho quân khiêu chiến rồi giả cách thua chạy, bọn giặc đuổi theo, quân ta cố sức đánh lại. Nước triều xuống, thuyền giặc vướng cọc hết. Nguyễn Khoái chỉ huy quân Thánh dực dũng nghĩa đánh nhau với giặc, bắt sống Bình chương Áo Lỗ Xích. Hai vua đem quân tiếp chiến, tung quân đánh lớn, quân Nguyên chết đuối nhiều không kể xiết, nước sông do vậy mà ngầu cả. …Ngày 17, đem các tướng giặc bị bắt là Tích Lệ Cơ Ngọc, Nguyên soái Ô Mã Nhi, Tham chính Sầm Đoàn, Phàn Tiếp, Nguyên soái Điền, các Vạn hộ, Thiên hộ làm lễ dâng thắng trận tại Chiêu Lăng. |
Căn cứ vào bài nghiên cứu của Lauren Hilgers đăng trên Archeology vào tháng 3/tháng 4/2016 do Trần Ngọc Cư dịch (5), với nhan đề “Bạch Đằng: một chiến trường hiển lộ dần.” Nội dung cho biết vào thập niên 1950 các nhà khảo cổ Việt Nam đã phát hiện hệ thống phòng thủ trên sông trong một ruộng lúa gần sông Bạch Đằng chạy ra biển; gồm những cụm gỗ dày đặc, chôn dưới bùn, mũi chỉa lên theo các góc khác nhau.
Kimura hiện làm việc tại đại học Tokai, Tokyo, nhận xét “Các nhà nghiên cứu của Việt Nam trước đó không thể giải thích rõ ràng các cọc gỗ đã được phân bố trên trận địa như thế nào.Trong những năm 1950 người ta chưa sử dụng được cách định tuổi gỗ bằng carbon phóng xạ và máy định vị GPS.” Trong các năm 2010,2011,2013; ông Kimura cùng Học giả Staniforth trở lại Việt Nam, khai quật ao cá gần sông Bạch Đằng, họ phát hiện được tổng cộng 55 cọc gỗ, cùng với các mảnh đồ gốm và gỗ. Điều quan trọng là các cọc gỗ được giám định có độ tuổi từ 700 năm trở về trước; gần như chắc chắn có liên quan đến cuộc xâm lăng của quân Mông cổ vào năm 1288.
Chú thích:
1.Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, bản dịch của NXB Khoa Học Xã Hội: Hà Nội, 1998, tập 2, trang 62.
2.Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, sđd, tập 2, trang 62.
3.Đại Nam Nhất Thống Chí, bản dịch của Viện Sử Học, NXB Thuận Hoá: Huế, 2006, tấp 4, trang 45.
4.Đất Nước Việt Nam Qua Các Đời, Đào Duy Anh, NXB Thuận Hoá, Huế, 1994, trang 134
5. Bauxite Việt Nam, ngày 27/3/2016: Bạch Đằng: một chiến trường xưa hiển lộ dần