18/06/2018, 17:07

Đi tìm thành Bình Lỗ của nhà nước Đại Cồ Việt

Lê Đắc Chỉnh & Bùi Thiết (Bài viết nhân dịp kỷ niệm 1050 năm nhà nước Đại Cồ Việt) 1. GIỚI THIỆU CHUNG Bình Lỗ là tên một thành cổ thời nhà nước Đại Cồ Việt, thành này do vua Lê Đại Hành cho xây dựng để chống quân xâm lược nhà Tống vào năm 980/981. Vai trò của tòa ...

dai co viet.png

Lê Đắc Chỉnh & Bùi Thiết

(Bài viết nhân dịp kỷ niệm 1050 năm nhà nước Đại Cồ Việt)

 1. GIỚI THIỆU CHUNG

Bình Lỗ là tên một thành cổ thời nhà nước Đại Cồ Việt, thành này do vua Lê Đại Hành cho xây dựng để chống quân xâm lược nhà Tống vào năm 980/981. Vai trò của tòa thành này đã được  Đại Việt Sử ký Toàn thư, Quyển VI, Kỷ Nhà Trần, thời Anh Tông Hoàng Đế ghi lại như sau:

“Ngày 24 tháng 6 năm Canh Tý (năm 1300), Hưng đạọ vương (Trần Quốc Tuấn) ốm nặng . Vua (Trần Anh Tông) ngự giá đến nhà thăm, hỏi rằng: Chẳng may chết, giặc phương Bắc lại xâm lấn, thì kế sách làm sao? Hưng Đạo trả lời: Ngày xưa Triệu Vũ đế dựng nước, vua Hán cho quân đánh, thì nhân dân làm kế thanh dã, rồi đem đại quân từ Khâm Châu đánh vào Trường Sa, dùng đoản binh úp đằng sau, đó là một thì. Đến thời Đinh – (Tiền) Lê, dùng được người hiền lương, đất phương Nam mới mạnh mà phương Bắc thì mệt mỏi suy yếu, trên dưới cùng lòng, lòng dân không chia, xây thành Bình Lỗ mà phá được quân Tống, đó là một thì” (ĐVSKTT. KHXH; H; 1972; tập II; tr.88).

Sau này các nhà nghiên cứu dựa vào sử liệu cũ và nhất là qua câu truyện trên đã đi đến khảng định chiến thắng Bình Lỗ là có thật và trận Bình Lỗ đã xảy ra ở nơi có thành Bình Lỗ (Bình Lỗ. Wikipedia). Tuy nhiên đến nay đã trải qua 1037 năm (981 – 2018) mà tòa thành lịch sử này vẫn chưa được công nhận. Vì sao vậy ? Để tìm lại vị trí của tòa thành và chiến công lừng lẫy ở Bình Lỗ, chúng tôi đã tiến hành khảo sát nhiều năm, qua các thư tịch, trên thực địa và nhận thấy phải làm rõ hai con đường thời bấy giờ, đó là:

  • Đường tiến của quân Tống do Hầu Nhân Bảo chỉ huy và
  • Đường hành quân ngăn chặn của vua Lê Đại Hành.

2 .VỀ CON ĐƯỜNG TIẾN CỦA QUÂN TỐNG, DO HẦU NHÂN BẢO CHỈ HUY

Sách: Việt sử lược (VSL), thế kỷ XIII, chép rằng: “Năm Thiên phúc thứ Nhất (981), mùa xuân, tháng ba. Hầu Nhân Bảo đem quân đến Lãng Sơn, Trần Khâm Tộ đem quân đến Tây Kết, Lưu Trừng đem quân đến sông Bạch Đằng.  Vua tự làm tướng, đem quân chống lại, đóng cọc ngăn sông. Quân Tống lui về giữ sông Ninh. Vua sai quân đánh giả hàng, để dụ Nhân Bảo. Quân Tống bị thua, ta bắt chém được Nhân Bảo. Bọn Khâm Tộ nghe tin quân (Tống), bèn rút lui” (Bản dịch 2005. Tr 61).

Cùng sự kiện trên, sách Đại Việt sử ký toàn thư (ĐVSKTT), cũng chép: ”Năm Thiên phúc thứ hai (981), mùa xuân, tháng ba, Hầu Nhân Bảo và Tôn Toàn Hưng đem quân đến Lạng Sơn,  Trần Khâm Tộ đến Tây Kết,  Lưu Trừng đến sông Bạch Đằng.  Vua tự làm tướng đem quân chống lại, sai quân sĩ đóng cọc ngăn sông. Quân Tống rút lui, lại đến sông Chi Lăng.  Vua sai quân sĩ giả hàng để dụ Nhân Bảo, nhân thế bắt được Nhân Bảo, chém đi. Bọn Khâm Tộ…nghe tin quân thủy thua, đem quân về. Vua đem các tướng đánh đuổi, Khâm Tộ thua to, (quân) chết hơn phân nửa, thây chất đầy đồng, bắt tướng chúng là Quách Quân Biện và Triệu Phụng Huân đem về Hoa Lư”  (Bản dịch 1972; Tập I; tr.167).

Sách Thiền Uyển tập anh (TUTA), thế kỷ XIV, khi nói về Đại sư Khuông Việt, chép rằng: ”Năm Thiên phúc thứ nhất (981)  binh Tống đến quấy nước ta, Vua biết rõ việc đó, liền sai sư đến bàn thờ cầu đảo. Quân giặc kinh hãi, rút về giữ sông Hữu Ninh, lại thấy sóng gió nổi lên, giao long nhảy nhót, giặc bèn tan vỡ”  ( Bản dịch và nghiên cứu về TUTA của Lê Mạnh Thát, Nxb Tp. Hồ Chí Minh, 1999).

Ba tài liệu trên, có sự không thống nhất, giữa Lãng Sơn  với Lạng sơn  và giữa: Sông Ninh,  sông Hữu Ninh sông Chi Lăng. Xét ba con sông trên, có thể phủ nhận: khi xưa không có con sông nào (hay con đường bộ nào) có tên như vậy xuyên qua từ Lãng Sơn (nếu được hiểu là từ Lạng Sơn và Chi Lăng ngày nay) đi về phía Nam. Có thể sách ĐVSKTT và VSL, do người đời sau sao lại, nhằm kiêng húy vua Lê Duy Ninh, nên đã đổi Ninh thành Lăng và chép lộn ngược chữ Hữu thành chữ Chi, vì thế Hữu Ninh nhầm ra thành Chi Lăng ? (có dịp chúng tôi sẽ trở lại vấn đề này!).  Riêng sông Bạch Đằng là có thật, đã tồn tại hơn ngàn năm nay, với tên nôm là sông Rừng.  Với truyền thống lịch sử hùng tráng của nó, và đi vào dân ca muôn thuở: Con ơi nhớ lấy lời cha. Gió to sông cả, chớ qua sông Rừng.

Bạch Đằng  là con sông lớn thuộc lưu vực sông Thái Bình (trên bản đồ Hình 1 là phần màu vàng), có nhiều chi lưu và hợp lưu từ phía đồng bằng và trung du  mạn đông bắc Bắc Bộ đổ vào sông Đại Than (hay sông Lục Đầu), rồi chảy theo sông Bạch Đằng để ra vịnh Hạ Long, ở cửa Ba Lạt giữa tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng ngày nay. Vì những hạn chế về ghi chép của Địa lý học – Lịch sử, nên có thể con sông nào là phụ lưu của sông Bạch Đằng, nhận dòng chảy của mình, đều là sông Bạch Đằng chăng?  Rõ ràng đạo quân Tống chỉ có thể tiến vào cửa sông Bạch Đằng   mà thôi! 

dai co viet 2

Hình 1: Đường tiến của quân Tống do Hầu Nhân Bảo chỉ huy và đường hành quân đánh chặn của quân Đại Cồ Việt theo hệ thống sông ở Bắc Bộ.

Ở đây có sự nhầm lẫn sự kiện xẩy ra trên: sông Chi Lăng, sông Ninh hay sông Hữu Ninh  với sông  Bạch Đằng, ở chỗ chưa làm rõ: vì sao quân Tống bị thua và thua ở đâu? Có phải trên sông Bạch Đằng? Vì sao phải rút về sông Hữu Ninh?  Rõ ràng sử liệu cho biết quân của Hầu Nhân Bảo không phải cả hai lần đều bị thua ở trên sông Bạch Đằng. Hai tình tiết trên chỉ có thể xẩy ra chính ngay trên sông Bạch Đằng nếu quan niệm về cách gọi tên của sông Bạch Đằng là toàn bộ hệ thống chi lưu của nó. 

3 .VỀ CON ĐƯỜNG HÀNH QUÂN NGĂN CHẶN CỦA LÊ ĐẠI HÀNH

Sau khi biết rõ quân Tống sẽ tiến vào xâm lăng nước ta, nhà Vua đã hoạch định một chiến lược ngăn chặn và nhất quyết đánh bại chúng. Chiến lược này thể hiện ngay ở giai đoạn lựa chọn con đường hành quân tiếp cận mục tiêu địch. Với kinh nghiệm từ khi giúp nhà Đinh thống nhất đất nước, rồi làm đến chức Thập đạo tướng quân, và  là người của vùng sông nước, nên ông  biết quân Tống sẽ theo con đường nào vào xâm lăng? Tất nhiên phải là đường sông nước, phải từ sông Bạch Đằng vào sâu trong đồng bằng và trung du Bắc bộ.

Vì vậy để ngăn chặn “Lê Đại Hành đã thân chinh dẫn đại quân từ kinh thành Hoa Lư theo đường thủy, ngược sông Đáy, sông Nhuệ mà vào sông Hồng, rồi từ đó tiến lên miền địa đầu Đông Bắc đất nước” (Chiến tranh Tống- Việt 981.Wikipedia).  Từ sông Bạch Đằng quân Tống muốn vào sâu hơn nữa phải qua sông Đại Than (hay còn gọi là sông Lục Đầu, gần Phả Lại ngày nay). Về các hướng tiến quân này Truyện hai vị thần ở Long Nhãn, Như Nguyệt đã ghi rất rõ như sau: Vào năm Tân Tỵ (981), … hai tướng binh là bọn Hầu Nhân Bảo và Tôn Toàn Hưng đem quân sang xâm lược phương Nam, đến sông Đại Than”. Và để ngăn chặn quân Tống tiến theo đường sông “Lê Đại Hành và tướng quân Phạm Cự Lượng kéo quân tới sông Đồ Lỗ cự địch” rồi “hai bên đối đầu cầm cự”.  Quân Tống tiến đến sông Đại Than và quân Đại Cồ Việt làm chủ được khu vực Đồ Lỗ (nếu hiểu là sông Cà Lồ), thì rõ ràng quân Tống sẽ phải tiến lên theo đường sông Cầu.

Từ sông Cầu muốn vào Cổ Loa, Đại La, chỉ có thể là con sông có tên là Lo hay Lỗ và đây cũng là con đường mà quân Đại Cồ Việt đã hành quân lên miền Đông Bắc ngay từ tháng 10 năm 980. Kết cục, quân Tống thất bại thảm hại trên dòng chảy sông Bạch Đằng, tức sông Lo hay Lỗ.

Vậy  sông Lo (Lỗ) là con sông nào?

Xét về địa lý cổ, thì  cách ngày nay hơn ngàn năm, với bình độ cho phép để hình thành chi lưu dòng chảy về phía nam của sông Cầu, vùng đất thích hợp nhất khi đó thường có độ cao hơn 3 m so với mực nước biển. Còn ngày nay trên và dưới sông Cầu đều cao hơn 4m (đây là số liệu cuối thế kỷ XX, tất nhiên hơn ngàn năm trước độ chênh cao này phải nhỏ hơn nhiều). Đó là vùng đất có sông Lo (hay Lỗ).

Nếu xét về địa danh học, thì vùng đất được gọi là: lo, Lỗ, là vùng đất có sông Lo, Lỗ, Lù, Lũ…  chảy qua. Vùng đất đó bắt đầu từ đoạn sông Cầu (nay thuộc đất từ xã Tam Giang, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh, rồi qua xã Xuân Giang theo hướng chếch  Tây Nam, ngoằn ngoèo về xã Phù Lỗ (huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội). Trên địa bàn, chúng tôi thống kê được một hệ thống địa danh Việt cổ mang trên mình tên gọi là Lo, Lỗ (thậm chí cả Lũ…), như : Lũ Hạ, Lũ Thượng, Lũ Trung (nay là xã Kim Lũ, huyện Sóc Sơn , Hà Nội). Với địa danh Lo, có tên bến Đò Lo trên sông Cà Lồ, là đoạn chảy qua làng Lũ Thượng và thôn Yên Tân (xã Hòa Tiến, huyện Yên Phong). Với địa danh  Lỗ, có rất nhiều.

Vì sao từ  Lo, Lũ…để có Lỗ ?  Đây là quy luật hán việt hóa các âm Việt cổ, với Lo Lồ…khi hán hóa thì ký tự hán ghi âm Việt là Lỗ.  Theo đó các địa danh có Lo, Lũ…đều được ghi ký tự và đọc âm Hán là Lỗ   để có được: Đồ Lỗ (Đò Lo ngày nay), Phù Lỗ (Sóc Sơn, Hà Nội), hương Bình Lỗ,  làng Ba Lỗ ( thôn Châu Lỗ thuộc Mai Đình, Hiệp Hòa, Bắc Giang), …

dai co viet 3

Hình 2: Bản đồ khu vực cửa sông Cà Lồ (trích từ bản đồ Việt Nam năm 1927) có chú thích một số địa danh và dấu tích từ thời chống Tống năm 981 và 1077.

Như vậy, có thể đi đến nhận định rằng: Sông Cà Lồ, đoạn hạ lưu tiếp giáp với sông Như Nguyệt (một khúc sông Cầu), chính là nơi đã xẩy ra trận đại thắng của Lê Đại Hành, năm 981 trên sông Bạch Đằng.

 4 .THÀNH BÌNH LỖ Ở ĐÂU ?

Các học giả Việt Nam thời Trung đại cố công tìm kiếm vị trí tòa thành theo hướng từ Hà Nội ngược lên đất Thái Nguyên, như sách Địa dư chí (ĐDC) của Nguyễn Trãi –thế kỷ XV. Khâm định Việt sử thông giám cương mục (KĐVSTGCM của Quốc sử quán triều Nguyễn, đưa ra hướng tìm kiếm vị trí tòa thành từ Hà Nội đi Thái Nguyên; song họ chỉ có phán đoán nhưng thiếu căn cứ khoa học. Học giả Đào Duy Anh, người chú thích sách ĐVSKTT, có sự chỉ định hướng tìm kiếm tòa thành dọc theo đôi bờ sông Như Nguyệt, rằng “Lê Đại Hành chặn quân Tống ở sông Như Nguyệt, nên có thể đoán định rằng thành Bình Lỗ là ở khoảng sông Như Nguyệt” (Sđd. tr. 304). Nhưng Đào Duy Anh cũng chưa đưa ra được vị trí chính xác của tòa thành ?

Theo xác định ban đầu của chúng tôi, thì thành Bình Lỗ, được xây dựng trên một gò đất cao nằm ở bờ nam sông Cà Lồ, có đường kính khoảng 700m, có tọa độ địa lý là 21o23’ vĩ độ Bắc và 105o 91’ kinh tuyến Đông. Nơi đây xưa kia có độ cao đến 8 m so với mặt nước biển, hai bên bờ con sông này từ Đò Lo đến cửa sông không có nơi nào cao như thế, và cao hơn xung quanh khoảng 3 m (so với mốc cao đạc trên bản đồ 1927 ở gần cửa sông Cà Lồ chỉ cao 5 m).

dai co viet 4

Hình 3: Mặt bằng thành Bình Lỗ, hình ảnh qua vệ tinh (thôn Ngọc Hà, Xuân Giang, Sóc Sơn, Hà Nội)

    

Thành Bình Lỗ mở hướng chính Nam, hơn 2/3 chu vi nằm gọn trong vòng ôm hình móng ngựa của dòng chảy sông Cà Lồ và chính con người khi xưa xây đắp tòa thành đã tôn thêm và khơi đào khúc sông chảy vòng qua thành tạo thành như một con hào bảo vệ.  Lòng sông Cà Lồ rộng bình quân 50m, nước không sâu lắm, về mùa xuân chỉ giao động từ 1,00-2,50m, đoạn hạ lưu đến cửa sông Cà Lồ chỉ dài khoảng 2 km.

Với điều kiện đó nên xưa kia quân  dân Đại Cồ Việt dễ dàng “đóng cọc ngăn sông”  để thuyền bè quân Tống không qua được.

Nếu từ gò thành nhìn về phía Đông ta thấy có một vạt đất rộng khoảng 5 km2 được bao bọc bởi ba đoạn sông: Một là hạ lưu sông Cà Lồ dài 2 km;  Hai là đoạn sông Cầu cũng dài khoảng 2 km; Ba là một nhánh sông nhỏ dài khoảng 3 km, nối tắt từ sông Cà Lồ (điểm bắt đầu từ chân thành Bình Lỗ) kéo dài đến cuối bến đò Như Nguyệt rồi chảy vào sông Cầu. Nhánh thứ 3 này xưa là một con sông nhỏ, đã bị lấp kín bởi hai con đê xây dựng từ thời Trần và Hậu Lê.

Xét trên bình diện Địa- quân sự, hai bên bờ của đoạn hạ lưu sông Cà Lồ và kể cả con sông nhỏ bị vùi lấp là những vị trí đắc địa nhất. Ngày nay dọc theo con sông nhỏ ta thấy vẫn còn lưu lại những  địa danh với cái tên ngòi Ác, cầu Cửa Ma, đầm Lâu, bờ Xác…, như phản ánh lại chiến công xưa. Và TUTA đã kịp ghi lại trận đánh trên sông Hữu Ninh năm ấy với những từ ngữ rất khốc liệt “Quân giặc kinh hãi, rút về giữ sông Hữu Ninh, lại thấy sóng gió nổi lên, giao long nhảy nhót, giặc bèn tan vỡ”, hẳn nơi đây là những nơi chôn vùi quân xâm lược. 

 “Truyện hai vị thần ở Long Nhãn, Như Nguyệt” cũng mô tả trận đánh quân Tống năm ấy diễn ra khá phù hợp với khu vực này: “Đêm sau, (nhà Vua) lại mộng thấy một người dẫn đoàn quỉ áo trắng, từ phía nam sông Bình Giang mà tới, một người dẫn đoàn quỉ áo đỏ từ phía bắc sông Như Nguyệt mà lại, cùng xông vào đánh trại giặc”. Sau này các nhà nghiên cứu cho rằng Bình Giang chính là sông Cà Lồ hay còn gọi là sông Bình Lỗ. Phía nam sông Bình Giang tức là phía nam sông Cà Lồ, đó cũng chính là vị trí của thành Bình Lỗ và năm đó thành Bình Lỗ được chọn là đại bản doanh của quân Đại Cồ Việt do Lê Đại Hành trực tiếp chỉ huy. Còn phía bắc sông Như Nguyệt (sông Như Nguyệt kéo dài từ cửa sông Cà Lồ đến Phả Lại ngày nay) là đoạn sông Cầu bắt đầu từ cửa sông Cà Lồ ngược lên phía bắc của con sông này.

dai co viet 5

Hình 4: Một góc thành Bình Lỗ xưa. Nơi đây đang bị đào bới sâu xuống lòng đất để lấy nguyên liệu, phi tang một cách vĩnh viễn mọi dấu tích xưa

Với những dẫn chứng như trên có thể đi đến nhận định khó bác bỏ rằng gò đất cao bên bờ sông Cà Lồ có tọa độ địa lý là 21o23’ vĩ độ Bắc và 105o 91’ kinh tuyến Đông chính là vị trí thành Bình Lỗ, như Trần Quóc Tuấn nhắc nhở vua Trần trước lúc lâm chung.

Trải qua hơn 10 thế kỷ, trên gò thành này đã có những giai đoạn phát triển rực rỡ. Từ cuối thế kỷ 17 đến nửa đầu thế kỷ 20, tại đây có hẳn một ngôi làng sấm uất có tên là Đại Phùng, theo một thống kê năm 1937 dân số ở đây đã lên đến 1125 người với một giáo xứ đông vui có tên là Trung Nghĩa.

Nay làng mạc trên gò thành và vết tích của tòa thành cổ không còn, đã bị hủy hoại hoàn toàn, thay vào đó là hơn 10 lò gạch thủ công vẫn đang ngày đêm đào bới sâu xuống lòng đất để lấy nguyên liệu, phi tang một cách vĩnh viễn mọi dấu tích xưa.

5 . NHẬN XÉT VÀ KẾT LUẬN

Nhà nước Đại Cồ Việt kéo dài 86 năm, trải qua 3 triều đại và đã hoàn thành 3 nhiệm vụ lịch

sử  trọng đại khác nhau: nhà Đinh lập nước, nhà Tiền Lê giữ nước, nhà Lý dời đô.

Trận Bình Lỗ là chiến thắng chống ngoại xâm lớn nhất của nhà nước Đại Cồ Việt, nhà nước quân chủ trung ương tập quyền đầu tiên của nước ta. Chiến thắng Bình Lỗ để lại kinh nghiệm vô cùng quý báu về chiến tranh nhân dân, bảo vệ nền độc lập nước nhà. Đó còn là bài học của một nước nhỏ nếu biết đoàn kết toàn dân và có chỉ đạo sáng suốt thì nhất định sẽ đánh thắng được đế quốc to, dù chúng lớn hơn gấp nhiều lần.

Bài thơ Nam quốc sơn hà (NQSH), bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước ta, phát ra lần đầu ở đây, chính bên thành Bình Lỗ. Trong khu vực còn nhiều dấu tích như Thành Phủ của hai vị anh hùng Trương Hống, Trương Hát ở làng Ngọc Hà (Xuân Giang, Sóc Sơn, Hà Nội), đền Xà (hay còn gọi là đền Trương tướng quân hoặc đền Thánh Tam giang) nơi phát ra bài thơ NQSH lần thứ hai, Đình Mừng (Tam Giang, Yên Phong, Bắc Ninh) nơi ăn mừng sau chiến thắng Bình Lỗ của quân dân Đại Cồ Việt và nhiều dấu tích , cổ vật… cho thấy thành Bình Lỗ là có thật.

Hy vọng rằng, những nghiên cứu và đánh giá ban đầu nêu ở trên được mọi người chia sẽ và  giúp sức, để trả trận chiến và thành Bình Lỗ oanh liệt về sống mãi với lịch sử đất nước./.

    

                                                                                   

 Hà Nội, 2/4/2018 

0