Nguyễn Trãi: bề tôi của bốn dòng vua- Bài 2
Lê Tư 5. V ề An Nam, làm l ạ i viên cho ng ườ i Minh: 1417 – 1422 Nguyễn Trãi là nho sĩ, ông được giáo dục để phục vụ một minh chủ nhất định. Nhà nho không có ý niệm tự mình lãnh vai đầu đàn mà hoàn toàn dựa vào vị vua hay lãnh chúa do họ chọn để làm việc và cống hiến. ...
Lê Tư
5. Về An Nam, làm lại viên cho người Minh: 1417 – 1422
Nguyễn Trãi là nho sĩ, ông được giáo dục để phục vụ một minh chủ nhất định. Nhà nho không có ý niệm tự mình lãnh vai đầu đàn mà hoàn toàn dựa vào vị vua hay lãnh chúa do họ chọn để làm việc và cống hiến. Xét thời điểm xuất hiện những văn bản do Nguyễn Trãi viết khi quay lại An Nam, ta thấy sớm nhất là những bài thơ nhắc đi nhắc lại mười năm loạn lạc xa nhà tức được viết vào năm 1417. Các tác phẩm tiếp theo thể hiện một Nguyễn Trãi đi lại tự do đồng thời có nhiều quan hệ với giới quyền thế, gồm cả quan Minh lẫn thổ quan. Mãi đến năm 1423 mới xuất hiện văn bản đầu tiên ông viết nhân danh Lê Lợi là “Thư tố oan” gửi Trần Trí xin hòa hoãn chiến tranh.
Quãng 1417 – 1423 gần trùng với giai đoạn Lý Bân nắm quyền Tổng binh, Trần Hiệp trông coi hai Ty Bố Chính và Án Sát. Dường như Nguyễn Trãi đã theo Lý Bân về nước (1417); khi Lý Bân bệnh mất năm 1422, ông mới bỏ người Minh tìm đến Lê Lợi. Trãi có thể cùng làm việc với Lý Bân – Trần Hiệp, nhưng không hợp cặp Trương Phụ – Hoàng Phúc. Lý Bân nhiều khả năng là minh chủ một thời của ông.
Bân nhận lệnh Minh Thành tổ sang thay Trương Phụ do vua nghe lời tâu của nội quan Mã Kỳ, cho rằng Phụ có ý định gây vây cánh tại địa phương. Họ Lý mang theo chương trình cải tổ việc cai trị. Ông thực hiện yêu cầu từ bộ Lại, đưa quan chức địa phương sang Nam Kinh triều cận. Lại thẩm tra dân số, đất đai, lương thực làm thành sổ “tu tri” báo về trung ương. Bên cạnh Tổng binh mới, nhà vua còn tăng cường quản lý phương xa bằng biện pháp bố trí chức Ngự Sử để bổ sung tai mắt. Nhân sự bộ máy cai trị vì thế phình ra. Ngày 24/2/1418, thêm chức “thừa sai” tại ba ty tổng cộng 100 người. Nguyễn Trãi có thể là một trong số thư lại nói trên.
Bài thơ “Thanh Minh” dưới đây thể hiện tâm trạng bồn chồn khi Nguyễn sắp về đến Giao Chỉ. Thời gian “mười năm” giúp chúng ta xác định tác phẩm ra đời cuối tháng 2 hoặc đầu tháng 3 ta năm Vĩnh Lạc XV (1417).
清明
一從淪洛他鄉去 |
Thanh Minh
Nhất tòng luân lạc tha hương khứ |
Thanh Minh
Từ lúc phải luân lạc quê người,
Bấm đốt biết thanh minh đã trôi qua mấy bận.
Cách nghìn dặm, không được cúng dọn mộ phần.
Trải mười năm, quyến thuộc hao mòn hết.
Trời chợt sáng sau cơn mưa bóng mây,
Quá nửa chừng xuân rộ trà mi nở.
Lại tạm gắng gượng nâng cốc rượu,
Không để ngày ngày dằn vặt nỗi nhớ nhà.
Chắc chắn Nguyễn Trãi không quay lại An Nam nếu cuộc nổi dậy Hậu Trần chưa bị tận diệt. Ngày 16/8/1414, Minh Thực lục ghi nhận Trần Quý Khoáng và Nguyễn Súy chịu tội chết ở kinh đô (Minh Thực lục II, 12). Thông tin như vậy dĩ nhiên lan truyền nhanh trong cộng đồng An Nam tại Trung Nguyên. Có thể dự định trở về nhen nhóm nơi Ức Trai chỉ trở thành quyết định sau khi ông tiếp xúc với các phái đoàn thổ quan sang Nam Kinh triều cống. Một đoàn quan lại bản xứ do Nguyễn Huân cầm đầu đã sang Minh năm 1416, thời điểm lý tưởng cho Nguyễn tìm hiểu tin tức trước quyết tâm sau cùng. Huân là người địa phương mang chức vụ cao nhất trong Bố chính ty, nắm rõ nội tình thuộc địa.
Xét hoạt động của Lý Bân, ta thấy Bân nhận mệnh trấn Giao Chỉ vào ngày 26/2/1417 (Minh Thực lục II, 41). Báo cáo đầu tiên của Tổng binh từ nhiệm sở mới được ghi nhận vào ngày 25/6/1417 (Minh Thực lục II, 43). Như vậy, Bân rời Trung Hoa đầu xuân, đến An Nam vừa quá đầu mùa hạ, thuận mùa gió đông bắc trên vịnh Bắc bộ. So với các tác phẩm lập đi lập lại chi tiết “mười năm” của Nguyễn Trãi, chúng ta thấy khoảng tháng 4 năm 1417, ông gần đến An Nam nên bần thần nôn nóng (bài Thanh Minh). Khi ngụ tại nhà khách Đông Quan tiếp quan chức địa phương đến thăm, Nguyễn ca ngợi ngày xuân như dài mãi, tức đầu hè (bài Họa Tân Trai vận). Nhiều chỉ dấu cho thấy Nguyễn đã theo chân họ Lý trở về.
Nhớ quê, ý nghĩ đầu tiên đập vào tâm trí Ức Trai là mồ mả tổ tiên hoang phế, thân quyến tiêu tan. Luân lạc tới mức bỏ lễ tục quan trọng trong nhiều năm chỉ có thể là luân lạc tại Trung Hoa. Nguyên nhân bất khả kháng là phải tránh cùng chung số phận bi thảm với nhiều thành viên gia tộc. Năm lần bảy lượt Nguyễn phát biểu như thế, nên cần chấp nhận sự thật như thế. Toàn Thư chép rõ trường hợp đại gia đình Trần Thúc Dao bị thảm sát dưới tay Giản Định. Do hoàn cảnh bức bách, Nguyễn đã trở thành tôi con Đại Minh. Ông suy nghĩ hồn nhiên tựa người Minh. Chấm dứt tha phương giống như vượt thoát cơn mưa ảm đạm. Dẫu nền cai trị dị tính đè nặng An Nam, Nguyễn vẫn thấy trời lại sáng, hoa lại nở.
Rất nhiều người Giao Chỉ giữ chức vụ quan trọng trong hệ thống tam ty. Dưới đây là bài thơ đối đáp với nhân vật đứng đầu một địa phương, nhiều khả năng là địa phương có khách xá của Ty Bố chính Giao Chỉ, đến thăm Ông tại nơi tạm trú. Người này biết rõ thân thế Nguyễn Trãi.
和新齋韻
風流郡守文章伯 |
Họa Tân Trai vận
Phong lưu quận thú(89) văn chương bá |
Họa vần Tân Trai
Quận thú phong nhã là bậc cự phách trong giới văn học,
(Như) cây cao bóng cả nên thương đến tôi là con nhà xưa.
Thơ dễ thành trước núi sông thật đẹp,
Mắt sắp lòa qua năm tháng vô tình.
Mười năm binh lửa, thân bằng còn chẳng mấy,
Ngàn năm vũ trụ, biến cố xảy ra nhiều.
Nhà khách nồng bụi thơm, ngày xuân như dài mãi,
Vờn quanh khói sóng mộng an bình lâng lâng.
Đã 10 năm từ khi binh lửa dấy lên đến lúc Nguyễn Trãi về tạm nghỉ nơi nhà khách, tức cuộc gặp vị thổ quan xảy ra năm 1417. Khi đó, Đỗ Hy Vọng giữ chức Tri phủ Giao châu, Trãi gặp Vọng chăng?
Quê nhà luôn đẹp, chỉ người lão suy. Nguyễn lại nhắc hai thảm kịch đeo đẳng. Cuộc tàn sát chi tộc Trần Nguyên Đán là có thật, Nguyễn trốn tránh mười năm cũng có thật. Người chung huyết thống tàn hại nhau, người làm quan thuộc địa để tâm an ủi. Tình cảm ấm áp kéo mùa xuân yên lành dài mãi… Phải thực vậy không?
Tách hết ngôn từ giao tiếp trang trọng, đọng lại còn đôi mắt sắp lòa. Ở đây, “mắt lòa” mang nghĩa gì khi Nguyễn không than vãn sức nhìn kém lần nào nữa, cho đến một bài thơ sáng tác lúc gần cuối đời? Cuộc đàm đạo thơ ca nơi khách xá ngập hương thơm mang nội dung cốt lõi thế nào? Vị Quận thú ngưỡng mộ thanh danh Đại tư đồ nhà Trần chăng? Ngài thương Nguyễn vốn con nhà thư hương xưa chăng? Chưa chắc! Dựa vào trình bày của tác giả ta thấy viên lãnh đạo địa phương muốn thăm dò vì sao ông ra đi, và quan trọng hơn là mục đích chuyến trở về. Như chim từng bị tên, Nguyễn thông báo ngay mình sắp trở thành vô dụng. Gã trung niên mắt mũi kèm nhèm mơ cuộc sống thanh nhàn hẳn dễ được dung chấp hơn tay quý tộc dày dạn ôm tham vọng khó đoán.
歸昆山舟中作
十年飄轉嘆蓬萍 |
Quy Côn Sơn chu trung tác
Thập niên phiêu chuyển thán bồng bình |
Thơ làm trong thuyền về Côn Sơn
Mười năm trôi dạt chẳng khác cánh bèo!
Lòng muốn về như cờ tinh ngày ngày xao động.
Đã bao lần nhờ hồn mộng tìm về làng cũ,
Chỉ để rỏ lệ máu rửa mồ mả tổ tiên.
Sau binh lửa, sao ngăn được rìu búa!
Nơi đất khách, vẹn giữ tình này với non sông.
Tấc lòng uất ức không chịu nổi,
Trằn trọc bên cửa sổ thuyền đến khi trời sáng.
Quê hương trong tâm Nguyễn chính là nhà ngoại tổ, nơi ông trải tuổi thiếu thời. Tầm quan trọng của dòng mẹ đối với dân An Nam thế kỷ XV rất đáng để ý. Trưởng nam Hồ Nguyên Trừng phải nhường ngôi vua cho em trai Hồ Hán Thương vì mẹ Thương họ Trần.
Nằm thuyền về Côn Sơn, Nguyễn buông thả tâm tình bục vỡ. Mười năm bập bềnh theo ý người khác, Nguyễn tạm tồn tại trong lòng Trung Hoa nhưng Trương Nghi – Phạm Thư là ước vọng chưa thành. Không rửa được hận riêng bằng địa vị cao hơn, Nguyễn đành thanh tẩy mộ phần tổ tiên bằng nước mắt. Dường như căm giận từ Giản Định giáng lên chi tộc Nguyên Đán tàn nhẫn hơn ta tưởng. Ngoài giết người, phía nổi dậy xúc phạm cả nơi an nghỉ của phe từ chối ủng hộ họ. Câu 5 giải thích nguyên nhân buộc Nguyễn phải ly hương, ý tưởng vướng vất lời Trang Tử.(94) Rìu búa chẳng chấp nếu cội cây vô tích sự. Phân trần mang điều gì đó như nuối tiếc. Giữa mớ hỗn độn di chứng kháng Minh thất bại, Nguyễn gặp tai họa bởi thuộc thành phần thế gia, thành phần mười năm sau chính ông gọi là “cố gia”. Đó là các gia tộc lớn mà quyết định chọn phe của họ góp phần định kết quả ván cờ chính trị. Nguyễn thuộc bên thua cuộc, bỏ đi chủ yếu nhằm giữ gìn mạng sống. Từ nơi xa khuất, nguyện vọng ấp ủ duy nhất là trở về. Ông thổ lộ uất ức chỉ một lần này trong toàn bộ tác phẩm của mình.
亂後到崑山感作
一別家山恰十年 |
Loạn hậu đáo Côn Sơn cảm tác
Nhất biệt gia sơn kháp thập niên |
Cảm tác khi về đến Côn Sơn sau buổi loạn ly
Từ lúc lìa quê đến nay gần trọn mười năm
Trở về, thông cúc nửa phần hoang rậm.
Có hẹn với suối rừng sao đành phụ ước!
Cúi đầu giữa bụi đất chỉ biết thương mình.
Vừa ngang qua xóm làng thấy như đi trong mộng,
Chiến tranh chưa dứt mừng thân vẫn vẹn toàn.
Biết chừng nào mới được dựng nhà dưới núi cao?
Lấy nước suối pha trà, lấy đá làm gối ngủ.
Chúng ta quay lại với “Đề Đông sơn tự 題東山寺”, tác phẩm trình bày co kéo trong lòng Nguyễn Trãi năm ngoài ba mươi tuổi, thời điểm ngay trước khi trình diện người Minh: “Quân thân nhất niệm cửu anh hoài, Giản quý lâm tàm túc nguyện quai. Tam thập niên dư trần cảnh mộng, Sổ thanh đề điểu hoán sơ hồi 君親一念久嬰懷澗愧林慚夙願乖三十餘年塵境夢數聲啼鳥喚初回,” Một niềm trung hiếu đeo đẳng mãi. Tủi với suối, thẹn với rừng vì sai lời nguyện xưa. Hơn ba mươi năm mộng giữa cõi trần, Vài tiếng chim kêu gọi người tỉnh lại.
Nguyễn Trãi sinh năm 1380, cộng “tam thập dư niên” thì thời điểm xuất hiện bài thơ nằm quãng cuối 1409 đầu 1410. Năm đó, “quân 君” của Nguyễn chẳng ai khác hơn là Hồ Hán Thương. Thương cùng phụ hoàng đã bị an trí tại phương Bắc. “Thân 親” Phi Khanh đầu hàng sớm, có lẽ cũng đang trên đất Trung Hoa vì theo báo cáo đứng tên Trương Phụ, nhóm nhân sự khả dụng gồm 9.000 người lần lượt sang Kim Lăng từ tháng 11 năm 1407. Tuy Giản Định đế bị bắt vào nửa sau năm 1409 nhưng Nguyễn Sư Cối vẫn dọc ngang Đông Triều, Trần Quý Khoáng vẫn khổ chiến ở Thanh Nghệ. Vua và cha đều trong tay người Minh, hoàn cảnh xã hội Giao Chỉ rối rắm tiềm ẩn nguy cơ bất chợt, chẳng ai màng thành lập lực lượng “phản Minh phục Hồ” vì Thái thượng hoàng chấp nhận đời lính thú ở Quảng Tây, hoàng huynh Hồ Nguyên Trừng âm thầm cộng tác… nhiều lý do đưa Nguyễn đến quyết định ra đầu thú. Qua “Đề Đông Sơn tự”, Nguyễn xác định phải bỏ suối-rừng vì lòng trung-hiếu. Đây là lời từ tạ quê hương trước khi hàng giặc. Theo Ức Trai, ông hành động như vậy để tròn nghĩa vụ với vua và cha.
Vừa trở lại Côn Sơn, Nguyễn nhắc ngay đến nguyện ước cũ. Lầm lũi xuyên tháng ngày bụi bặm, ông tiếc cuộc sống bị bỏ lỡ. Tái sử dụng đúng hai khái niệm rừng và suối trong bài thơ xưa, Nguyễn thể hiện ám ảnh thường trực bởi lối sống chưa có cơ may theo đuổi. Cuộc sống nhàn tản, như cội cây vô hại ngoài tầm búa rìu, khoác ý nghĩa nào trong tâm trí tác giả? Đi suốt sự nghiệp Ức Trai, chúng ta chứng kiến sở thích tiêu dao nổi lên chỉ khi ông gặp vấn đề thế cuộc nan giải. Sống ẩn dật rất khác kiểu xuất gia nhà Phật, nhiều khi nó chỉ là quãng dừng giữa các chuyến hành trình. Tuy nhiên, tha thiết thoái lui trên mức bình thường cũng cho thấy phần nào tính chất miễn cưỡng trong hợp tác với người Minh. Chủ động thích nghi hoàn cảnh, chòi đạp vượt thoát sự tầm thường là nhận thức. Miễn cưỡng lại ngự trị tiềm thức. Quãng đời tha hương còn ban cho Nguyễn sự lão luyện giữa cuộc nhân sinh. Với kinh nghiệm hơn năm năm làm việc ở Trung Nguyên, dựa vào căn bản học vấn và lý lịch gia đình, Nguyễn dư biết người Minh chẳng vội buông “con nhà cũ” khỏi tầm quan sát.
夏日漫成 傳家舊業只青氈 離亂如今命苟全 浮世百年真似夢 人生萬事總關天 一壺白酒消塵慮 半榻清風足午眠 唯有故山心未斷 何時結屋向梅邊 |
Hạ nhật mạn thành
Truyền gia cựu nghiệp chỉ thanh chiên(95) |
Tùy bút ngày hè
Nghiệp cũ gia truyền chỉ độc tấm chăn xanh,
Từ ly loạn đến nay, tạm được toàn mạng.
Trăm năm phù thế thực như giấc mộng,
Muôn việc đời người đều xếp đặt bởi trời.
Rượu trắng một bầu xua tan lo âu trần tục,
Gió mát nửa giường đủ qua giấc ngủ trưa.
Chỉ lấn cấn lòng nhớ hoài núi cũ,
Dựng nhà bên cội mai biết đến chừng nào?
Bài này tiếp lời “Loạn hậu đáo Côn Sơn cảm tác”. Nguyễn tổng kết thành quả đạt được sau mười năm xáo trộn: ông còn sống nhưng chưa hoàn toàn tự do. Có vẻ tác phẩm được viết tại nhà khách phía nam thành, sau chuyến về Côn Sơn.
Tác giả rơi vào tình cảnh cha mình ngày xưa, cũng vật vờ khách xá chờ sắp xếp từ trên, cũng mượn rượu cùng giấc ngủ đẩy đưa ngày tháng. So với hoàn cảnh vật chất cùng cực mô tả qua “Thủ vĩ ngâm” hay “Ký hữu” bảy năm trước thì nay ông thoải mái hơn nhiều. Ông có đệm để ngồi, rượu để nhắm, khác hẳn những ngày no nước uống hoặc xơi cơm thiếu rau mục túc. Ước thúc từ chính quyền bề ngoài là “lễ” nhưng đủ chặt chẽ khiến Nguyễn cảm thấy mất quyền đối với bản thân. Một số phận khác bi đát hơn Nguyễn, từng sang Trung Hoa dưới tư cách tù nhân đã gọi ràng buộc đó là “lễ la 禮羅”, cái lưới lịch sự. Người tù Lê Cảnh Tuân (? – 1416) vừa đi vừa làm thơ cạnh khóe nhà cầm quyền.[32] Tuân mơ “phục Trần” lại rất lắm lời nên người Minh dè bĩu chê bai, nhưng ông chưa hề than vãn bản thân bị ngược đãi hay bạo hành. Đại Minh khá xứng đáng với tên gọi của nó, vua Minh tôn trọng phẩm giá trí thức dù họ suy nghĩ thế nào đi nữa.
Lý Bân vừa đến Giao Chỉ đã hút ngay vào việc chinh tiễu ở Lục Na (Bắc Giang nay), châu Thuận (Quảng Trị, Huế nay), châu Nam Linh (Quảng Bình nay). Như đề cập bên trên, việc bổ sung 100 thư lại vào bộ máy xảy ra vào tháng 2/1418 nên có vẻ Nguyễn rảnh rỗi trong lúc chờ đợi Tổng binh phê duyệt công tác tái tổ chức. Ông được nuôi ăn chứ chưa nhận lương bổng, không tiền mua rượu nhưng sẵn lòng vui.
Quy Côn Sơn trùng cửu ngẫu tác
Trùng dương(96) mấy phát(97) khách thiên nha(98),
Kịp phen này được đỗ(99) nhà.
Túi đã không tiền khôn chác(100) rượu,
Vườn tuy có cúc chửa đơm hoa.
Phong sương đã bén biên(101) thi khách,
Tang tử(102) còn thương tích cố gia(103).
Ngày khác hay đâu còn việc khác,
Tiết lành mựa nỡ(104) để cho qua.
Tạm hiểu như sau: Nhiều bận gặp tiết Trùng Dương trên đất khách, Hôm nay may mắn thưởng lễ ở nhà. Túi không tiền nên khó mua rượu, Vườn có cúc nhưng chưa đơm hoa. Gió sương đã bám tóc người thơ, Chạnh thương dấu vết danh gia nơi quê cũ. Mỗi ngày đều có công việc khác nhau, Nên hãy tận hưởng hiện tại, chớ bỏ qua tiết lành.
Cặp đề giúp ta ước định tác phẩm ra đời vào tháng 9 ta năm 1417. Cặp trạng nhắc Đào Tiềm, ẩn sĩ thích uống rượu ngâm hoa cúc. Nguyễn thiếu cả rượu lẫn cúc nghĩa là hoàn toàn thiếu điều kiện sống theo sở nguyện như cụ Đào. Ông ngao du trong ràng buộc vô hình. Bên cạnh ý nghĩa bóng bẩy, sự túng bấn giúp chúng ta biết tình trạng mới hồi hương của Nguyễn; do chờ phân bổ công việc nên chưa có thu nhập. Tết Trùng cửu rất đặc biệt đối với gia tộc Trần Nguyên Đán. Vào tiết này, cụ Tư Đồ thường mời thân hữu cùng các con rễ đến phủ thự để thưởng ngoạn rượu, thơ, hoa cúc và mùa thu. “Song viết” tao nhã định hình phong độ “cố gia”. Bên Trung Hoa, mọi người không rõ Nguyễn là ai; về Giao Chỉ, Nguyễn gần như sờ nắn được uy thế xã hội của mình. Ông nhắc hai chữ “cố gia” nhiều lần. Đó là cơ sở hỗ trợ Nguyễn thăng tiến nhanh trong xã hội Đại Việt, cũng chính là căn cội những thảm kịch phá hủy cuộc đời ông. Bóng ngoại tổ vẫn che phủ lên người cháu nay đầu chớm bạc.
Tầm vóc Nguyễn Trãi trong Giao Chỉ Bố chính sứ ty khó so được với nhóm hàng thần đợt đầu như Đồng Ngạn Dực, Mạc Viễn, Đỗ Hy Vọng…..nhưng cũng không quá thấp kém. Thi tập còn lưu vài bài thơ tác giả đối đáp với các nhân vật đứng đầu địa phương. Qua đó, chúng ta hiểu được phần nào thái độ của Ức Trai đối với chính quyền thuộc địa.
次韻陳尚書題阮布政草堂
一心報國尚桓桓 |
Thứ vận Trần Thượng thư đề Nguyễn Bố chính thảo đường Nhất tâm báo quốc thượng hoàn hoàn Tiểu cấu mao đình thả tự khoan Vi tỉnh(105) thối quy hoa ảnh chuyển Kim môn(106) mộng giác lậu thanh tàn Cầm thi nhã thú chân kham thượng Tùng cúc hoan minh diệc vị hàn Hậu lạc(107) tưởng tri chung hữu ý Hảo tương sự nghiệp bách niên khan |
Họa vần Trần Thượng thư đề nhà tranh của Nguyễn Bố chính
Lòng đền ơn nước còn hăng hái,
Dựng tạm gian nhà tranh để tự tìm khuây.
Từ tòa tử vi trở về, bóng hoa đã ngã,
Mộng kim môn tỉnh lại, sắp lặng tiếng đồng hồ.
Thú đàn thơ tao nhã quả thật đáng chuộng,
Hẹn thề vui vầy với thông cúc cũng chưa nguôi.
Đoán biết rằng rốt cuộc ông ấp ủ cái ý lo trước thiên hạ,
Sự nghiệp một đời rất đáng chiêm ngưỡng.
Trần Thượng thư: Binh bộ Thượng thư Trần Hiệp (1370 – 1426) chịu trách nhiệm trông coi hai ty Bố chính và Án sát từ khi Lý Bân sang thay Trương Phụ trấn thủ An Nam (1417). Ông còn kiêm tham mưu quân vụ cho Lý Tổng binh. Dường như Trần Thượng thư giao việc lại cho Hoàng Phúc khi Lý Bân bệnh chết năm 1422. Trần Hiệp tái nhận nhiệm vụ năm 1424 khi Hoàng Phúc được gọi về Bắc. Ông bị nghĩa quân Lam Sơn giết trong trận Tốt Động năm 1426.
Nguyễn Bố chính: Nguyễn Huân, nhận chức Hữu Bố chính sứ năm 1416, thăng Tả Bố chính sứ năm 1426. Mất tích khi theo Liễu Thăng tiến vào An Nam năm 1427. Trong trận đánh cuối cùng tại Xương Giang, Toàn Thư chỉ ghi lại việc bắt sống các chỉ huy Thôi Tụ và Hoàng Phúc, không đề cập Nguyễn Huân.
Ngày 4/7/1416 Huân còn ở Kim Lăng nhận chức Hữu Bố chính sứ. Ông là người đứng đầu đoàn đi cống đông đến 139 người. Rất có thể Nguyễn Trãi đã gặp Nguyễn Huân cùng nhóm quan lại địa phương từ bên Trung quốc. Huân vốn quê Nam Sách, Hải Dương nên nếu làm việc tại Ty Bố chính thì phải lưu trú khách xá như Nguyễn Trãi. Có vẻ với chức vụ quan trọng mới nhận, Huân đã làm nhà riêng, sinh hoạt tách biệt với thuộc cấp. Quan Bố chính có sức khỏe phi thường. Ban ngày, ông chỉ về nhà khi nắng ngả xiên; ban đêm, có thể nhân việc cần kíp, say sưa chờ mệnh không biết đồng hồ đã cạn.
Nếu các câu 3,4,5,6 văn vẻ kiểu xã giao, thì các câu 1,2,7,8 đưa đến vài thông tin đáng chú ý.
Đối tượng hành động “báo quốc 報國”, đền ơn nước là hoàng đế Đại Minh. Nguyễn Trãi khâm phục tinh thần phụng sự mẫu quốc của Huân. Nhận xét này khá giống lời Tuyên Đức về sau tóm tắt thành tích quan Tả Bố chính (1426): “Ngươi, Nguyễn Huân, một lòng ngay thực, suy lự thuần lương, đạt thời cơ biết đạo trời; lòng thành hăng hái qui hướng triều đình, dốc tâm cần lao đảm nhiệm chức vụ, vỗ về người thuận theo, diệt trừ kẻ nghịch, giúp ích rất nhiều, trải qua năm tháng tấm lòng trung không suy hao.”(108)
Để sinh hoạt riêng, viên quan to thuộc Ty Bố chính chỉ dựng gian nhà cỏ. Nếu không phải vì liêm khiết hay quy định ngặt nghèo của trung ương, có thể nói mức sống tại Đại Việt-An Nam từ cuối Trần đến Minh thuộc cực kỳ thấp. Khách xá hay nhà quan đều dựng bằng tranh lá. Dù sống thanh đạm, Huân vẫn ôm lòng “tiên ưu hậu lạc 先憂後樂”, đây cũng là tấm lòng Nguyễn Trãi khi phục vụ nhà Lê. Theo Ức Trai, lòng trung với vua Minh và tinh thần trách nhiệm với dân Việt của Huân đáng nêu gương lâu dài.
Ứng xử của Nguyễn với viên thổ quan đứng đầu bộ máy hành chính Giao Chỉ mang vẻ tôn kính nhưng e dè. Huân đậm phong thái quan lại hơn văn nhân. Khoảng cách giữa Nguyễn và giới cai trị thuộc địa thu hẹp nhanh chóng khi đối tượng là đệ tử Khổng Mạnh. Bài trường luật tặng Giám sát Ngự sử Hoàng Tông Tái dưới đây có lẽ nằm trong số những tuyệt phẩm của Ức Trai.
題黃御史梅雪軒
豸冠巇巇面似鐵 |
Đề Hoàng Ngự sử mai tuyết hiên
Trãi quan(109) nga nga diện tự thiết |
Đề hiên mai tuyết của Ngự sử họ Hoàng
Đội mũ quan ngự sử cao, gương mặt nghiêm trang,
Không chỉ yêu hoa mai, còn yêu cả tuyết.
Yêu mai, yêu tuyết, yêu vì cớ gì?
Yêu vì tuyết trắng tuyền, mai thanh khiết.
Trời sinh mai và tuyết vốn là hai vật kỳ diệu.
Lại thêm “đài bách” thật đủ “tam tuyệt”.
La Phù tiên tử (hoa mai trắng) linh hồn như giá băng,
Trong khoảnh khắc có thể khiến ngọc quỳnh nát vụn.
Cây ngọc vỡ lấp lánh trong đêm sâu.
Trăng qua cửa, gió luồn song gieo giá rét.
Nếu không có gió đưa thoảng hương thầm,
Thì rối rắm một màu làm sao phân biệt!
Dạo hết hiên nhà không sợ buốt hai vai.
Ánh sáng lung linh càng trong veo trước mắt.
Trăn trở thương xót từ cửu trùng xuống đến dân phương xa,
(Nên) Người áo gấm cầm cờ tiết phải lưu lại ngoài vạn lý.
Phong khí như gió sương cuốn đất, tràn ngập trời thu,
Nơi hoang vu nóng nực tâm vẫn hướng về ngụy khuyết,
Tháng mười Giao Nam ấm như mùa xuân,
Trong giấc mộng, chỉ có hoa là bẻ được.
Tự cổ đã có người gửi tâm vào vật,
Tinh thần cao thâm noi theo hiền nhân xưa,
Đông Pha không thể thiếu trúc,
Liêm Khê có chủ thuyết về yêu sen.
Trời đất vạn đời đều hướng đến thanh cao,
(Như) Trăng hồ Tây, ý thơ cầu Bá.
Như trên đã nói, Thành tổ nghi ngờ Trương Phụ tạo thế lực riêng nên điều Lý Bân sang thay thế. Đồng thời, sai Giám sát Ngự sử bắt đầu tuần xét việc cai trị An Nam.
Bài thơ nhiều khả năng được tặng cho Hoàng Tông Tái khi họ Hoàng mới ổn định chỗ ở tại Giao Nam, tức cuối năm 1417 hay đầu năm 1418.
Minh Thực lục còn lại một ghi chép về Hoàng, khi đó giữ chức Tuần án Giao Chỉ. Ngày 12/01/1420, triều đình nhận báo cáo từ Ngự sử Tông Tái đề nghị rằng các quan chức chưa đỗ đại khoa, đa số người quê Lưỡng Quảng-Vân Nam, sau hai năm phải được khảo hạch bởi Tuần vũ, Án sát, Giám sát Ngự sử sở tại. Ông chê bọn này chăn dân vụng về, xử án sai luật do căn bản học vấn chưa đầy đủ. Vua thuận theo.
Tờ tâu chứng tỏ Hoàng thực sự quan tâm tới hiệu quả việc cai trị. Suy cho cùng, nhiệm vụ của Ngự sử là gìn giữ sao cho chính sách Đại Minh được thực hiện trọn vẹn tại An Nam. Dĩ nhiên, vị vua lịch duyệt như Thành tổ không bao giờ dại dột đè nén dân chúng đến mức họ phải nổi loạn chống triều đình. Điều hòa thu nhập cao nhất cho đế quốc nhưng ở mức dân đen kham nổi là nghệ thuật “muối mơ” tinh xảo. Nếu xảy ra loạn lớn, kinh phí thu được từ địa phương chưa chắc đủ để huy động quân đội từ chính quốc. Hơn nữa, chiến tranh dằng dai sẽ là thảm họa cho chính Trung Hoa.
Sự đồng cảm với công việc Ngự sử khiến cảm xúc của Nguyễn trong bài thất ngôn trường thiên thăng hoa. Bên cạnh “Côn Sơn ca”, đây là thi phẩm hào hứng sảng khoái nhất của ông. Nguyễn đã xếp phẩm cách của Hoàng ngang bằng đặc tính tượng trưng hoa mai và tuyết. Ca ngợi tới mức đó tưởng đã hết lời. Bài hành phảng phất từ ngữ và ý thơ của nhiều danh tài Trung Hoa : Đỗ Phủ (712 – 770), Lâm Bô (967-1028), Tô Đông Pha (1037-1101), Lục Du (1125-1210), Lư Mai Pha (Nam Tống), Trịnh Khải (Đường)…
Mai đọng tuyết (www.shutterstock.com)
Nguyễn nói về mai, tuyết, gió, trăng, giá buốt… những yếu tố không hiện diện vào thời điểm đề thơ nên có thể đoán rằng các câu 7 đến 14 chủ yếu miêu tả cảnh trong tranh vẽ kèm theo cảm tưởng. Tranh thể hiện cội mai đầy hoa, đọng tuyết dưới trăng vào đêm nhiều gió. Hoa mai rụng khiến tuyết rơi tan, tia vỡ lóng lánh giúp người thưởng ngoạn cảm được sức gió, ánh trăng và giá lạnh. Vì là tranh nên thiếu “ám hương”, hương thầm, yếu tố quan trọng khiến nghệ sĩ họ Nguyễn nhanh chóng nhận biết. “Mai tuyết hiên” giống như “art gallery” gia đình, trưng bày toàn tranh mai-tuyết. Hoàng Ngự sử ngầm gửi tín hiệu đến mọi người về cốt cách của mình. Điều này khiến Nguyễn hết sức ngưỡng mộ.
Câu 15 đến 18 khắc họa phong thái Tông Tái bằng ngòi bút hào sảng. Hình ảnh nhà nho Ngự sử nghiêm khắc, uy lực, luôn hướng về phép nước hẳn là mẫu người lý tưởng một thời của nhà thơ khi mới làm quan cho họ Hồ. Viên quan cầm tiết ngoài vạn dặm chính là biểu tượng lòng yêu thương con dân xa xôi của Thiên tử. Trung thành với vua và quan tâm tới dân thường luôn là điều khiến Nguyễn rung động. Ca ngợi Bố chính Huân ông cũng dựa trên tiêu chí này.
Hoàng tự ví mình với mai-tuyết, Nguyễn cho rằng Giao Nam thiếu tuyết nên so quan Ngự sử với trúc-sen. Cuối cùng, Nguyễn vút bổng theo tuyết cầu Bá và chơi vơi giữa mai Tây hồ.
Tương thông văn hóa cực độ giữa nhà nho An Nam với trí thức Đại Minh hé lộ cá tính dễ tạo nên phiền toái khi ông gia nhập tập đoàn Lam Sơn. Nguyễn thiếu hẳn ghi chép thù tạc với quan tướng giàu chất rừng núi dưới trướng Lê Lợi,(121) thay vào đó, bóng dáng những kẻ hẹp hòi, đâm thọt, báng bổ thấp thoáng trong vô số tác phẩm của ông. Thái độ khinh mạn chỉ biết có vua vô tình dựng quanh Nguyễn hàng rào đố kỵ. Cái giá phải trả sẽ đắt quá một đời người.
題何校尉白雲思親
庭闈一別歲花深 |
Đề Hà Hiệu úy bạch vân tư thân
Đình vi nhất biệt tuế hoa thâm |
Đề tranh “Bạch vân tư thân” của Hà Hiệu úy
Từ khi giã biệt cha mẹ đến nay đã lâu,
Con người ai cũng cùng lòng yêu kính.
Ngắm mây nơi đất khách, tình dễ thiết tha,
Mở tranh khi rỗi việc, ý khôn dằn nén.
Ai chẳng nhớ cây dâu cây thị quê nhà!
Ngày xưa, ngày nay vẫn một niềm trung hiếu.
Cầm bài thơ tặng ông tự tôi cũng xúc động,
Viết vừa xong nước mắt đã đầm vạt áo.
Hà Hiệu úy: có thể là tướng Đả Trung, người trấn thủ Tây Đô cùng Lương Nhữ Hốt đến giờ phút sau cùng của cuộc chiến. Khi Vương Thông giảng hòa với Lê Lợi ông mới dẫn quân về Đông Quan để hồi hương. Minh Thực Lục và Quân trung từ mệnh tập gọi ông là Đả Trung, nhưng Lam Sơn thực lục lại gọi Hà Trung.
Bài thơ giản đơn vì dành tặng võ tướng, điểm đặc biệt duy nhất là giọt nước mắt của Nguyễn. Ông nhắc đến “lệ” ba lần trong văn thơ, một lần khóc Đại Ngu, một lần tẩy uế mồ mả tổ tiên, và lần này chia sẻ tâm tình hiếu thảo với quan Hiệu úy. Mẹ Nguyễn mất sớm, nhớ song thân phương Bắc gợi suy đoán rằng Nguyễn Phi Khanh hiện vẫn sống bên nước Minh. Ức Trai giống ông ngoại, thiếu hào hứng với những gì liên quan đến chiến tranh. Chỉ một điểm chung duy nhất giữa ông và viên tướng Tàu: có cha, mẹ hoặc cha mẹ đang sống ở phương Bắc.
Về khía cạnh văn hóa, ta thấy người Minh thích chơi tranh. Họ dùng tranh để thể hiện nhân cách. Thơ Nguyễn nhiều bài lấy cảm hứng từ hội họa. Có lẽ tranh phong cách Trung Hoa trở nên phổ biến hơn tại Giao Chỉ nhờ thời đô hộ ngắn ngủi này.
Ba bài thơ gửi tặng ba quan viên nghề nghiệp rất khác nhau, Nguyễn Huân đứng đầu Ty Bố Chính sau Thượng thư Trần Hiệp, Hoàng Tông Tái giám sát việc cai trị Giao Chỉ từ Ty Án Sát, Hà Trung phục vụ Đô Ty. Như vậy, bối cảnh ra đời của chúng nhiều khả năng là dịp Nguyễn Trãi ra mắt dàn lãnh đạo Tam ty khi bắt đầu nhiệm vụ tại An Nam.
Nguyễn Trãi ca ngợi quan tướng nhà Minh từ vị trí thấp hơn. Ông buộc lòng làm thế hay thực lòng nghĩ thế?
Ức Trai vốn hiểu thời nên tùy thời. Năm 1417/1418, Hậu Trần đã bị tiêu diệt. Tình hình tương đối ổn định vì các toán nổi dậy rời rạc không đe dọa sự tồn tại của chính quyền Giao Chỉ. Nhóm Lam Sơn chưa trở thành lực lượng có thể gây chấn động nền móng cai trị vững vàng. Qua “Đại Cáo”, Lê Lợi đánh giá thời điểm này là “Chính tặc thế phương trương chi nhật 正賊勢方張之日,” chính lúc quân thù đương mạnh. Điều cốt yếu, phải làm được gì tốt nhất cho dân chúng trong khả năng mình. Ức Trai ca ngợi Nguyễn Huân vì vị Bố chính mang lòng “lo trước vui sau”, ca ngợi Hoàng Tông Tái vì viên Ngự sử thừa mệnh vua chăm sóc dân miền xa, ca ngợi Hà Trung vì quan Hiệu úy là người con yêu thương cha mẹ. Các đức tính được tôn vinh thể hiện ước nguyện nảy sinh từ hoàn cảnh cụ thể. Với quan chức dân sự, ông “nịnh” họ thương dân; với tướng quân đội, ông sẻ chia giọt nước mắt hiếu thảo. Ức Trai có thể đổi chủ theo “thời”, nhưng không thể đổi dân hay đổi cha mẹ. Đối với người Đại Việt luôn xem Minh là giặc, nếu chỉ trích Nguyễn vì những lời tán tụng bên trên sẽ hóa ra hẹp bụng.
Những gì thể hiện qua văn chương có phải lúc nào cũng thật? Chưa hẳn! Nguyễn tuyển ý và từ theo từng trường hợp. Ví dụ như vài chi tiết trong “Băng Hồ di sự lục”. Nguyễn tán thưởng ông ngoại vì quyết định lui nghỉ rất thức thời khi họ Hồ nắm quyền chính; hay miêu tả cụ Trần bình thản từ chối uống thuốc, chấp nhận cái chết. Sự thực, Băng Hồ bị loại khỏi giới quyền lực bởi mánh khóe của Hồ Quý Ly, sau đó cụ buộc phải chấp nhận gầy dựng quan hệ hôn nhân với họ Hồ để bảo vệ gia tộc. Mặt khác, Băng Hồ muốn trường thọ nên từng cầu thọ; Nghệ tông nhìn thấy đàn tinh đẩu ở Côn Sơn trong bài luật “Đề Tư Đồ Trần Nguyên Đán từ đường” : “Tinh đẩu đàn hoang lộ chuyển mê 星斗壇荒路轉迷,”[36] Đàn tinh đẩu bỏ hoang, lối đi mờ dấu. Hai điểm mâu thuẫn thực tế xảy ra vì văn tưởng niệm chỉ được phép nói đến mặt tích cực của người đã khuất. Ức Trai cầm viết trong khuôn thước đó.
Nói vậy, không có nghĩa tác giả mang gian dối vào thi ca để thù tiếp. Ông triệt để đối lập với loại người khôn vặt. Ức Trai chỉ muốn nối chí cổ nhân. Với quan có học, ông khơi gợi tâm nhân nghĩa; với tướng ít học, ông đồng cảm lòng hiếu kính; mà theo Nho giáo, hiếu khởi đầu cho nhân. Ức Trai quan niệm dân là mục đích, vua quan chỉ là phương tiện. Nguyễn nghĩ sâu và xa khi tặng thơ cho giới cầm quyền; nhờ thế, ông khá thành công khi đi trên băng mỏng.
Ngôn chí XVII
Đột xung biếng tới áng can qua,
Địch(122) lều ta dưỡng tính ta.
Song viết(123) hằng lề(124) phiến sách cũ,
Hôm dao(125) đủ bữa bát cơm xoa(126).
Đêm thanh nguyệt hiện ngoài hiên trúc,
Ngày vắng chim kêu cuối khóm hoa.
Quân tử hãy lăm bền chí cũ(127),
Chẳng âu(128) ngặt(129) chẳng âu già.
Để đoán bài thơ ra đời thời điểm nào, chúng ta chú ý chữ “can qua”, chiến tranh trong câu một. Nguyễn Trãi chứng kiến nhiều cuộc chiến : nhà Hồ đánh Chiêm Thành; nhà Minh đánh Giao Chỉ; quân khởi nghĩa kháng cự quân chiếm đóng; Lê Lợi đại thắng quân Minh; Lê Thái tổ dẹp phản loạn họ Bế, họ Nông, họ Đèo; Lê Thái tông trấn áp họ Hoàng, họ Cầm, họ Hà…. Thái độ của Nguyễn khác nhau đối với từng cuộc chiến.
Nhà Hồ chinh phạt Chiêm Thành năm 1402, tướng lĩnh chỉ huy quân viễn chinh thuộc lứa tuổi của Nguyễn Phi Khanh nên cha ông từng dùng thơ tiễn chân thân hữu. Qua lời tiễn Nguyễn Bằng Cử, Nhị Khê bày tỏ thái độ vừa bực tức vừa khinh miệt đối với giặc phương Nam bằng các chữ “oán phẫn 怨憤”, căm oán hay “cuồng hồ 狂胡”, man di ngông cuồng. Trần Nguyên Đán cũng dùng ngôn từ bỉ thị như vậy khi tiễn Lê Quý Ly và Trần Ngạc nam tiến (1383), cụ xem kinh đô giặc là “nghĩ điệt 蟻垤” , ổ mối hay “chí 痣”, mụn cơm. Về chiến tranh với Chiêm, không sợ sai nếu cho rằng Nguyễn Trãi có quan điểm giống cha và ông ngoại. Tâm tình đó dễ hiểu vì đến tận bây giờ người Việt vẫn chưa quên những lần Chế Bồng Nga triệt phá Thăng Long.
Quân Minh tiến đánh Giao Chỉ từ 1406 đến 1407. Với người trưởng thành theo dòng ý thức hệ Nho giáo như Nguyễn Trãi, sự biến đó thật chạnh lòng. Ông thảng thốt, chịu đựng, khốn khổ… nhưng tuyệt không lời nào kết án giặc. Để bung thoát tình trạng tiến thoái lưỡng nan, Nguyễn thường xuyên cân nhắc việc trình diện người Minh. Như thế, ông chấp nhận quy trình và động tác thiên triều trừng phạt chư hầu, nếu chư hầu phạm lỗi. Đã có lúc Nguyễn tin vào tính phổ quát của hệ thống Hoa tâm.
Người truyền cho Ức Trai ý thức về bầu trời khác ngoài bầu trời Trung nguyên chính là Lê Lợi. Dưới mắt ngài, vua Minh chỉ là đứa trẻ giảo quyệt, quân tướng Minh chỉ là chuột lũ cáo bầy đánh giết dễ dàng. Cách diễn đạt hoa mỹ, phấn hứng ý tưởng thô lỗ của chủ tướng về bọn giặc qua Đại cáo thể hiện đồng cảm sâu của Nguyễn. Trải bao va chạm với Minh triều, từ lo âu, đầu phục, hợp tác (1410 – 1419) đến ngờ vực, thất vọng (1420 – 1422); rốt cục, Nguyễn ủng hộ quan điểm Lê Lợi, nhìn giặc Bắc như đám người tham, ác, cư trú nhầm nơi (1423 – 1428).