18/06/2018, 17:07

50 năm sự kiện Mậu Thân (1968-2018)- Phần 2

Lý Đăng Thạnh II- CHIẾN SỰ NĂM 1968 1- Một số tình hình tháng 1-1968 Tính đến đầu tháng 1-1968, Quân lực Mỹ tại Việt Nam gồm có 9 sư đoàn, 1 trung đoàn thiết kỵ và 2 lữ đoàn độc lập, với tổng cộng 331.098 binh sĩ lục quân và 78.013 binh sĩ thủy quân lục chiến, tập ...

AfterTetAttack

 Lý Đăng Thạnh 

II- CHIẾN SỰ NĂM 1968

1- Một số tình hình tháng 1-1968

Tính đến đầu tháng 1-1968, Quân lực Mỹ tại Việt Nam gồm có 9 sư đoàn, 1 trung đoàn thiết kỵ và 2 lữ đoàn độc lập, với tổng cộng 331.098 binh sĩ lục quân và 78.013 binh sĩ thủy quân lục chiến, tập trung trong khoảng 100 tiểu đoàn bộ binh và cơ giới. Ngoài Mỹ, lực lượng Thế giới Tự do còn có: hai sư đoàn bộ binh và 1 lữ đoàn TQLC của Hàn Quốc, Chiến đoàn 1 Úc – Tân Tây Lan, một trung đoàn Thái Lan.

Trong tháng 1-1968, các đơn vị Mỹ sang Việt Nam gồm: Tiểu đoàn 1/3 TQLC (3-1, đóng ở Đông Hà); Phi đoàn 262 trực thăng TQLC (10-1, đóng ở Ngũ Hành Sơn); Phi đoàn 8 ném bom (17-1, đóng ở Phan Rang); Đại đội 355 không yễm (18-1, đóng ở Camp Holloway, Pleiku). Trại biệt kích (CIDG) Biệt đội A-416 tại Mỹ Điền đi vào hoạt động (20-1-1968).

Các đơn vị Mỹ rời Việt Nam gồm: Tiểu đoàn 2/4 TQLC (3-1, chuyển sang Chiến đoàn đổ bộ); Phi đoàn 165 trực thăng TQLC (9-1, chuyển sang Chiến đoàn đổ bộ); Phi đoàn 13 ném bom (15-1). Ngày 31-1-1968, Tiểu đoàn 3 chống tăng bị giải thể, để sáp nhập thành phần cơ hữu vào Tiểu đoàn 3 xe tăng. 

Các đơn vị Mỹ di chuyển vị trí đóng quân gồm: Tiểu đoàn 2/503 bộ binh chuyển tới Ban Mê Thuột (đầu tháng 1); Sở chỉ huy Trung đoàn 5 TQLC chuyển tới Phú Bài (11-1); Sở chỉ huy Sư đoàn 3 TQLC chuyển tới Đông Hà (15-1); Sở chỉ huy Lữ đoàn 1/Sư đoàn 101 không vận chuyển tới Sông Bé (15-1); các tiểu đoàn không vận 1/327, 2/327, 2/502 chuyển tới Sông Bé (15-1); Tiểu đoàn 2/5 TQLC chuyển tới Phú Bài (15-1); Tiểu đoàn 2/26 TQLC chuyển tới Khe Sanh (16-1); các tiểu đoàn kỵ binh 1/5, 1/8 và 1/12 chuyển tới Phú Bài (17-1); Sở chỉ huy Lữ đoàn 1/Sư đoàn 1 kỵ binh chuyển tới Phú Bài (17-1) rồi tới Quảng Trị (25-1); Sở chỉ huy Lữ đoàn 2/Sư đoàn 101 không vận chuyển tới Gia Lễ (20-1); các tiểu đoàn bộ binh 1/501, 2/501, 1/502 chuyển tới Gia Lễ gần Phú Bài (20-1); Sở chỉ huy Trung đoàn 3 TQLC chuyển tới Quảng Trị (20-1); Sở chỉ huy Trung đoàn 1 TQLC chuyển tới Camp Evans, Huế (20-1); Sở chỉ huy Trung đoàn 4 TQLC chuyển tới Camp Carroll, Cam Lộ (20-1); Tiểu đoàn 2/7 kỵ binh chuyển tới Bồng Sơn (20-1); Tiểu đoàn 2/11 thiết kỵ chuyển tới Bố Đức (20-1); Tiểu đoàn 1/9 TQLC chuyển tới Khe Sanh (22-1); Sở chỉ huy Sư đoàn 1 kỵ binh chuyển tới Camp Evans (25-1); Sở chỉ huy Lữ đoàn 3/Sư đoàn 1 kỵ binh chuyển tới Camp Evans (25-1); các tiểu đoàn kỵ binh 1/7, 5/7 và 2/12 chuyển tới Camp Evans (25-1); Sở chỉ huy Lữ đoàn 3/Sư đoàn 4 bộ binh chuyển tới bãi Baldy (26-1); các tiểu đoàn bộ binh 1/14, 1/35, 2/35 chuyển tới bãi Baldy (26-1); Tiểu đoàn 4/39 bộ binh chuyển tới Bearcat; Tiểu đoàn 2/11 pháo binh chuyển tới Biên Hòa; Tiểu đoàn 6/27 pháo binh chuyển tới Quản Lợi; Tiểu đoàn 6/32 pháo binh chuyển tới Phú Hiệp; Tiểu đoàn 6/56 pháo binh chuyển tới Chu Lai; Tiểu đoàn 6/77 pháo binh chuyển tới Quảng Trị; Tiểu đoàn 70 công binh chiến đấu chuyển tới Dak To; Tiểu đoàn 299 công binh chiến đấu và Tiểu đoàn 504 quân cảnh chuyển tới Phú Bài.

2- Chiến dịch Rolling Thunder tiếp tục năm 1968 (1-1 đến 1-11-1968)

Từ ngày 2-3-1965 đến 1-11-1968, các lực lượng Mỹ gồm Bộ tư lệnh Không lực châu Á – Thái Bình Dương tại Thái Lan, Bộ tư lệnh Hạm đội 7, Không lực 7, Lực lượng đổ bộ 3/MACV, đã phối hợp mở chiến dịch trường kỳ Rolling Thunder, không kích các vị trí, tuyến vận chuyển quân sự tại Bắc Việt. Chiến dịch Rolling Thunder được tiếp tục trong năm 1968, đến ngày 1-11-1968 thì kết thúc.

Năm 1968, để vô hiệu hóa hệ thống tên lửa phòng không SAM-2 (S-75 Dvina) của Liên Xô, Không quân và Hải quân Mỹ vừa không ngừng phát triển kỹ thuật nhiễu điện tử, vừa đưa thêm nhiều hỏa tiển AGM-45 Shrike vào hoạt động, phóng từ các máy bay F-4 Phantom II, F-105F, F-105G Thunderchief, để phá hủy giàn ra đa và tên lửa Bắc Việt. Không lực Mỹ cũng trang bị cho các máy bay ném bom B-66 các máy nhiễu âm mạnh để vô hiệu các radar cảnh báo sớm, và phát triển các máy gây nhiễu nhỏ hơn lắp trên các chiến đấu cơ làm phân tán thông tin phản hồi tới radar Bắc Việt. Không lực Mỹ cũng trang bị cho máy bay Wild Weasel máy gây nhiễu sóng radar và hệ thống phản công điện tử của Bắc Việt, sau đó phóng hỏa tiển Shrike để phá hủy các trạm radar và giàn tên lửa.

Trong báo cáo tổng kết nhan đề ‘Report on the war in Vietnam’ công bố vào tháng 7-1968, đô đốc tư lệnh Bộ tư lệnh Thái Bình Dương Ulysses S. Grant Sharp đã viết:

“Nỗ lực không kích Bắc Việt trong ba tháng đầu năm 1968 bị giảm mạnh do ảnh hưởng gió mùa đông bắc. Trong suốt ba tháng, thời tiết xấu hơn dự đoán. Tại các tuyến đường phía bắc của Bắc Việt, trung bình mỗi tháng chỉ có ba ngày có thể thực hiện cuộc tấn công bằng cách quan sát. Thời tiết trong suốt tháng hai là tháng trải nghiệm ít ỏi nhất so với bất cứ tháng nào kể từ khi bắt đầu chiến dịch Rolling Thunder. (Một nguyên nhân chủ yếu của việc suy giảm các cuộc không kích Bắc Việt có thể là do lúc này quân đồng minh phải tập trung lực lượng đối phó với chiến sự Mậu Thân ở phía nam vĩ tuyến 17.)

Mức thiệt hại với các mục tiêu cố định ở các vùng phía bắc của Bắc Việt vẫn không thay đổi cho tới cuối tháng 3. Gần như tất cả các cuộc không kích đòi hỏi phải sử dụng các kỹ thuật ném bom thời tiết. Thời tiết đã ức chế mạnh mẽ việc đánh giá sau không kích của chúng ta và ta không thể đánh giá hiệu quả của nỗ lực.

Chiến dịch Rolling Thunder 57 vẫn được tiếp tục cho tới cuối tháng 6-1968. Có 9 mục tiêu mới được bổ sung vào danh sách mục tiêu cơ bản trong năm 1968; trong số này có 7 mục tiêu đã bị tấn công.

Kết quả từ tháng 1 đến hết tháng 3-1968

Các chiến dịch ném bom Bắc Việt vẫn tiếp tục trong năm 1968 với mục đích cô lập cảng Hải Phòng với phần còn lại của Bắc Việt, nhằm ngăn chặn sự phân phối hàng hóa vật tư nhập khẩu. Chiến dịch phối hợp này chống lại các LOC quanh Hải Phòng đã buộc Bắc Việt phải có những nỗ lực phi thường để duy trì dòng chảy hàng hóa vật tư trên các tuyến đường hiện có. Các khó khăn về phân phối của Hà Nội ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn khi số lượng tàu nước ngoài tại Hải Phòng tăng mạnh trong tháng 1 và một lần nữa trong tháng 3-1968 khi có hơn 40 tàu vào cảng mỗi tháng. Cảng Hòn Gai được sử dụng vào tháng 2-1968 làm một điểm đón 1 tàu của Liên Xô và 1 tàu của Anh, có thể là trong nỗ lực giảm áp lực lên Hải Phòng. Cảng này thường phục vụ vùng khai thác than gần đó và không góp phần đáng kể vào dòng chảy nhập khẩu vào Bắc Việt.

Việc mở rộng mạng lưới vận tải đường bộ tiếp tục do Bắc Việt tìm cách đạt được sự linh hoạt hơn bằng cách bổ sung các đường vòng và xây dựng các đoạn đường hoàn toàn mới. Có ý nghĩa quan trọng là tuyến đường mới được xây dựng để kết nối khu vực Ning-Ming của Trung Cộng với khu vực Hải Phòng – Cẩm Phả của Bắc Việt, một dự án phát triển sẽ tăng thêm khoảng 1.000 tấn/ngày cho khả năng xuyên biên giới giữa hai nước. Các nỗ lực sửa chữa ở những nơi khác trong nước được theo đuổi mạnh mẽ. Cầu Long Biên (Paul Doumer) nằm ngay phía bắc Hà Nội là đối tượng của nhiều cuộc không kích và bị thiệt hại nặng nề.

Cùng với hoạt động xây dựng tại cầu Long Biên, một số cầu phao và bến phà được xây dựng ở những nơi khác dọc theo bờ sông Hồng gần cầu Long Biên, đã chứng tỏ tầm quan trọng của tuyến đường vận chuyển vật liệu từ Trung Cộng và nội địa từ cảng Hải Phòng.”

Bảng lược kê các thành phần mục tiêu Bắc Việt ba tháng đầu năm 1968 (chú thích: một số mục tiêu cố định đã bị tấn công nhiều lần và thiệt hại của chúng có thể được báo cáo nhiều hơn một lần.)

Loại mục tiêu Bị phá hủy Gây thiệt hại Cộng chung
– Vị trí AAA/AW 143 333 476
– Vị trí SAM 14 76 90
– Vị trí giao thông 18 70 88
– Khu quân sự 25 142 167
– Khu chánh quyền 34 180 214
– Khu hậu cần 54 479 533
– Tòa nhà 532 232 764
– LOC’s 199 2.533 2.732
– Bến cảng 3 10 13
– Nhà máy điện 1 5 6
– Đoạn đường sắt 0 6 6
– Xe cơ giới 2.234 2.470 4.704
– Toa xe lửa 139 209 348
– Tàu thuyền cơ giới 1.200 1.515 2.715
Cộng 4.596 8.260 12.856

1

Chiến dịch Rolling Thunder kết thúc ngày 1-11-1968 theo lệnh của tổng thống Johson để thúc đẩy cuộc hòa đàm tại Paris. Nhận định về kết quả chiến dịch, trong báo cáo tổng kết nhan đề ‘Report on the war in Vietnam’ công bố vào tháng 7-1968, đô đốc tư lệnh Bộ tư lệnh Thái Bình Dương Ulysses S. Grant Sharp đã viết:

“Mặc dù có những hạn chế trong hoạt động, chu trình thời tiết, và một kẻ địch lắm thủ đoạn, chiến dịch Rolling Thunder đã có ảnh hưởng sâu sắc đến Bắc Việt. Đến tháng 4-1968, khi các hoạt động không quân trên các khu vực phía bắc của Bắc Việt bị ngưng lại, Bắc Việt vẫn phải đối mặt với nhiều vấn đề nghiêm trọng. Sự ảnh hưởng tích lũy của các chiến dịch đường không và nhu cầu chiến tranh ở Nam Việt Nam đã tạo ra những căng thẳng và quá tải chưa từng thấy đối với nền kinh tế, hệ thống sản xuất và phân phối của Bắc Việt, đời sống của nhân dân và bộ máy kiểm soát chánh trị. Các điều kiện có thể đã nghiêm trọng đến mức đã buộc Bắc Việt phải sử dụng chiến thuật ‘đàm phán’ để có thời gian khắc phục những vấn đề bức xúc hơn và để phục hồi lại hoạt động hậu cần chiến tranh ở miền Nam Việt Nam.

Có lẽ sự kiệt quệ về nhân lực nghiêm trọng nhất là do sự phát triển nhanh chóng lực lượng võ trang để cung cấp nguồn bổ sung cho chiến tranh ở miền Nam và cho hệ thống phòng không và phòng thủ bờ biển ở miền Bắc. Ngoài ra, cũng cần nhiều lao động sửa chữa và duy trì các đường giao thông quan trọng. Việc này bao gồm việc sửa chữa đường bộ và đường sắt, tu sửa lại các cây cầu và bến phà bị hư hỏng hoặc phá hủy bởi các cuộc không kích của Mỹ. Một yêu cầu nhân lực quan trọng khác là cho hệ thống phòng không không ngừng mở rộng. Họ cần công nhân xây dựng và chuyên viên tại nhiều trạm radar, pháo phòng không và các vị trí tên lửa đất đối không. Hầu hết những người này đều đến từ nông nghiệp; và phụ nữ, trẻ em và người già đã buộc phải lấp khoảng trống về nhân lực trong nền kinh tế.

Ngoài các vấn đề nhân lực, các chiến dịch không kích còn ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất nông nghiệp và các vấn đề phức tạp do thời tiết xấu gây ra, kết quả là sản lượng lương thực sụt giảm nghiêm trọng. Chiến dịch Rolling Thunder cũng làm phức tạp việc thu thập và phân phối lương thực của chánh phủ và ảnh hưởng đến doanh thu và lợi nhuận ngành nông nghiệp.

Chiến dịch không kích đã phá hủy hầu hết năng lực ngành công nghiệp nặng và khả năng phát điện của Bắc Việt. Hà Nội đã bị ép vào một tư thế phòng thủ được đánh dấu bằng những nỗi thất vọng và trì hoãn những khát vọng. Giao thông vận tải và công nghiệp buộc phải phân tán, do đó tạo ra các vấn đề liên quan đến phân phối lại lao động, phân bổ nguyên vật liệu và kiểm soát sản lượng. Các vấn đề quản lý tiếp theo là rất lớn.

Xuất khẩu của Bắc Việt đã giảm mạnh từ mức trung bình năm 1966 là 100.000 tấn/tháng xuống chỉ còn 20.000 tấn/tháng. Sự sụt giảm này là do bom đạn đã phá hủy cơ sở công nghiệp, cắt đứt giao thông liên lạc, và làm gián đoạn hoạt động của các cảng.

Chiến dịch không kích đã làm giảm mức sống, đặc biệt là không chỉ đối với người ở đô thị mà còn cho nông dân nông thôn. Sự xáo trộn của người dân, cản trở đi lại, phá hủy hàng hóa, và sự phân phối chặt chẽ hơn tất cả các hàng hóa, bao gồm thức ăn và quần áo, đã ảnh hưởng xấu đến người dân và ở các góc độ khác nhau đều do chiến dịch Rolling Thunder gây ra. Vấn nạn thiếu lương thực, đặc biệt là gạo, đã ảnh hưởng đến các thành phố, nhưng việc nhờ việc nhập khẩu mà lương thực tiếp tục được cung cấp dù còn hạn chế. Mức tiêu thụ thực phẩm tiếp tục là bị kiểm soát nghiêm ngặt và lượng calo dường như giảm xuống mức đe dọa hiệu quả của lực lượng lao động.

Tác động của chiến dịch Rolling Thunder lên tinh thần ở Bắc Việt là một vấn đề rất khó đánh giá. Trước khi hoạt động không kích căng thẳng hơn, tinh thần của nhân dân đã không phải là mối quan tâm hàng đầu của nhà cầm quyền. Khi các cuộc không kích tăng lên, tinh thần dường như đã trượt, đặc biệt là ở các trung tâm đô thị, vì người ta ngày càng tự đặt câu hỏi hoài nghi về lối tuyên truyền liên quan đến chiến thắng cuối cùng của họ.

Tất cả các vấn đề kinh tế và xã hội này ở các mức độ khác nhau đều là kết quả của chiến dịch không kích.

Những căng thẳng mà chúng gây ra đã góp phần tạo ra sự khác biệt ngày càng gia tăng giữa các lý tưởng độc đoán và các mục tiêu của chính phủ và khả năng kiểm soát và quản lý thực sự của họ. Khi các chiến dịch không khí tăng lên, Bắc Việt đã đáp ứng với mối quan ngại ngày càng tăng về an ninh nội bộ, đặc biệt là liên quan đến việc kiểm soát dân chúng trong các cuộc không kích. Việc di tản các cơ quan chính quyền và các bộ ngành ra khỏi thủ đô và sự ngăn chặn giao thông và truyền thông đã gây ra sự nhầm lẫn và và thậm chí còn thiếu hiệu quả.

Việc chấm dứt ném bom đã cho phép khôi phục các tuyến giao thông liên lạc và trở lại một cuộc sống bình thường hơn. Người Bắc Việt Nam đã chứng tỏ mình hết sức cực kỳ mau lẹ trong việc khắc phục những thiệt hại do Rolling Thunder gây ra. Với việc không còn nỗi lo sợ bị không kích ở hầu hết các khu vực, họ đã làm việc mạnh mẽ để sửa chữa và xây dựng lại, đặc biệt là các tuyến giao thông liên lạc.

Có lẽ thước đo quan trọng nhất về ảnh hưởng của chiến dịch không kích, là nên xem xét tình hình nếu không có vụ đánh bom nào cả. Dòng chảy tự do người, võ khí và đồ tiếp liệu không bị ngăn cản sẽ từ Bắc Việt trực tiếp đối đầu với các lực lượng của chúng ta ở miền Nam Việt Nam, có thể chỉ có một kết quả duy nhất cho Mỹ và các đồng minh, đó là số lượng thương vong nặng nề hơn so với với chi phí nhỏ hơn cho kẻ địch. Vì phương án này không thể chấp nhận được, nên việc đánh bom Bắc Việt, cần phải là một yếu tố thiết yếu của chiến lược tổng thể, và rõ ràng đã thành công trong việc thực hiện các mục đích của nó.”

3- Chiến dịch Sea Dragon tiếp tục năm 1968 (1-1 đến tháng 10-1968)

Trong năm 1968, Bộ tư lệnh Hạm đội 7 và Bộ tư lệnh Hải quân Mỹ tại Việt Nam tiếp tục mở chiến dịch trường kỳ Sea Dragon nhằm tuần tra và ngăn chặn các chuyến tàu chở binh lính và thiết bị quân sự từ Bắc Việt theo đường biển xâm nhập vào miền Nam, đồng thời tấn công một số vị trí trên bờ của Bắc Việt. Chiến dịch Sea Dragon vận hành đến tháng 10-1968 thì kết thúc. Trong báo cáo tổng kết nhan đề ‘Report on the war in Vietnam’ công bố vào tháng 7-1968, đô đốc tư lệnh Bộ tư lệnh Thái Bình Dương Ulysses S. Grant Sharp đã viết:

Trong ba tháng đầu năm 1968, địch gia tăng áp lực dọc theo khu phi quân sự và tăng cường vận chuyển hậu cần ở vùng phía nam của Bắc Việt. Các tàu Sea Dragon đã dịch chuyển theo về phía nam để tăng cường hỗ trợ hỏa lực hải quân cho khu phi quân sự. Chỉ còn hai tàu khu trục tuần tra phía nam khu vực Sea Dragon, chưa tới 34% các tàu hậu cần địch bị phát hiện và phá hủy hoặc làm thiệt hại. Các mục tiêu trên đất liền bị tấn công vẫn còn cao, nhưng thời tiết xấu đã cản trở việc đánh giá đầy đủ các kết quả. Quyết định của tổng thống Johnson tháng 4-1968 hạn chế các cuộc tấn công vào Bắc Việt ở khu vực dưới vĩ tuyến 190 Bắc tiếp tục giảm vùng cấm của Sea Dragon xuống một phần ba, nhưng trong khu vực mà chiến dịch còn được phép hoạt động, tàu của chúng ta tiếp tục khẳng định xuất sắc sứ mạng của mình.

4- Chiến dịch Steel Tiger (Lào) tiếp tục năm 1968 (1-1 đến 11-11-1968)

Từ ngày 1-4-1965 đến 11-11-1968, Không lực 7 và Chiến đoàn 77 Mỹ mở chiến dịch Steel Tiger, không kích, bắn phá các tuyến đường giao thông và các vị trí Việt Cộng trên lãnh thổ đông và nam Lào để ngăn chặn việc tiếp tế từ Bắc Việt vào Nam.

5- Chiến dịch Market Time (tỉnh Gia Định) tiếp tục năm 1968 (1-1 đến 1-12)

 Từ ngày 11-3-1965 đến tháng 12-1972, Hải quân Việt Nam Cộng Hòa và Chiến đoàn 115 Mỹ phối hợp mở chiến dịch trường kỳ Market Time, nhằm mục đích tăng cường tuần tra, giám sát vùng sông biển và bờ biển, bảo vệ đặc khu Rừng Sác (tỉnh Gia Định) giáp phía đông nam thủ đô Sài Gòn. Chiến dịch Market Time tiếp diễn trong năm 1968, từ 1-1 đến 31-12.

6- Chiến dịch Arc Light tiếp tục trong năm 1968 (1-1 đến 31-12)

Từ ngày 18-6-1965 đến 15-8-1973, Bộ tư lệnh Không quân chiến lược Mỹ chỉ đạo thực hiện chiến dịch Arc Light, chuyên sử dụng máy bay B-52 ném bom các vị trí Việt Cộng tại Bắc Việt, Nam Việt, Lào và Cambodia. Các đơn vị Mỹ trực tiếp thực hiện các cuộc không kích B-52 gồm các phi đội ném bom số 43, 307, 376, 3960, 4252, 4258. Chiến dịch Arc Light tiếp tục được thực hiện trong năm 1968 (từ 1-1 đến 31-12).

7- Chiến dịch Clearwater (Vùng 1 chiến thuật) (1-1-1968 đến 1-3-1973) 

Từ ngày 1-1-1968 đến 1-3-1973, Chiến đoàn 115 Hải quân Mỹ mở chiến dịch Clearwater, tìm diệt và ngăn chặn hoạt động xâm nhập của quân Việt Cộng tại các hòn đảo và tuyến đường biển thuộc Vùng 1 chiến thuật.

8- Cuộc không kích Rolling Thunder trên miền Bắc (tháng 1-1968)

Theo đài Tiếng nói Việt Nam (Hà Nội) trong tháng 1-1968, Không quân Mỹ tiếp tục cho máy bay ném bom miền Bắc Việt và một số máy bay đã bị phòng không miền Bắc bắn hạ.

Ngày 5-1, Bắc Việt tuyên bố bắn rơi tại tỉnh Ninh Bình chiếc máy bay thứ 2.700 rơi trên miền Bắc. Ngày 14-1, Bắc Việt tuyên bố tại Quân khu 4 bắn rơi chiếc máy bay thứ 300 ở quân khu.

9- Hội nghị 14 Trung ương Đảng Việt Cộng (2-1-1968)

Ngày 2-1-1968, Hội nghị 14 Trung ương Đảng Việt Cộng bắt đầu họp tại Hà Nội, nghe Trung ương cục miền Nam và Quân ủy trung ương báo cáo tình hình chiến trường miền Nam. Hội nghị nhất trí thông qua Chủ trương, kế hoạch, mục tiêu và phương pháp tổng tiến công và nổi dậy Xuân Hè 1968 nhằm giải phóng hoàn toàn miền Nam, và giao cho Trung ương cục và Quân ủy trung ương quyết định cụ thể ngày khởi đầu chiến dịch.

Sau hội nghị, uỷ viên Bộ Chính trị Lê Đức Thọ được tăng cường vào Nam làm phó bí thư Trung ương cục cho đến tháng 5-1968 lại trở ra Bắc phụ trách chỉ đạo đàm phán ngoại giao tại Hội nghị Paris. Thiếu tướng Hoàng Minh Thảo được cử làm tư lệnh Mặt trận B3.

Từ ngày 15 đến 17-1, Đoàn chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam họp hội nghị mở rộng, quán triệt Nghị quyết Hội nghị 14 về việc thực hiện phương hướng quân sự năm 1968, tuyên bố công khai quyết tâm “giữ vững và mở rộng vùng giải phóng chăm lo xây dựng và phát triển các lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng”.

2

Căn cứ quân Việt Cộng ở Nam Lào đầu năm 1968; Vị trí hệ thống địa đạo và hầm trú Việt Cộng đã phát hiện ở Vùng III chiến thuật tính đến tháng 1-1968 (Confidential US Army map)

3

Hệ thống vận chuyển phục vụ tấn công 1968; Đường ống xăng dầu 1968-75

10- Tình hình trên Tuyến đường mòn Trường Sơn (1968)

Trước năm 1967, nhiên liệu phục vụ chiến trường chứa trong các thùng phuy 100, 200 lít, do xe tải chở, voi hoặc xe đạp thồ, thậm chí do cả dân công lăn trên đường hoặc thả trôi theo sông suối mùa mưa. Đến năm 1968, quân Việt Cộng bắt đầu lắp đặt hệ thống đường ống dẫn có đường kính khoảng một tấc khởi phát từ đèo Mụ Giạ (tỉnh Quảng Bình) chạy dọc trên đất Lào theo biên giới Việt-Lào, tới khu vực Mường Nông (tỉnh Savanakhet), sát quốc lộ 9, đối diện với căn cứ Khe Sanh (tỉnh Quảng Trị). Đến mùa khô 1970-71, đường ống xăng dầu đã được kéo đến sát khu vực Lộc Ninh.

Từ đêm 8-2-1968, quân Việt Cộng lần đầu tiên tung chiến xa hạng nhẹ PT-76 vào chiến trường, tại trận tấn công căn cứ Lực lựơng đặc biệt Làng Vây gần Khe Sanh sát biên giới Việt-Lào trên đường số 9. Tuy nhiên do việc tiếp liệu sau đó gặp khó khăn nên chiến xa ít được cộng quân sử dụng, mãi cho đến năm 1971 mới xuất hiện khá nhiều tại chiến trường Hạ Lào, và lần này có thêm loại chiến xa hạng trung T-54, nhưng cũng hầu như không đương cự nỗi các chiến xa của Mỹ tối tân nguy hiểm hơn. Trong năm 1968, có thêm tổng cộng hơn 200.000 quân Bắc Việt vào Nam.

11- Chiến dịch đấu tranh chánh trị ở miền Nam Việt Nam (tháng 1-1968)

Để chuẩn bị cho cuộc tổng tấn công và nổi dậy Xuân Hè 1968 nhằm đánh chiếm hoàn toàn miền Nam, mật vụ Việt Cộng nằm vùng được lệnh mở ngay một cuộc đấu tranh chánh trị nhằm gây bất ổn cho xã hội Việt Nam Cộng Hòa.

Ngày 1-1-1968, cộng quân đồng loạt tổ chức cho 1.700 dân các quận lỵ Mõ Cày, Thạnh Phú, Hương Mỹ, Cái Mơn (tỉnh Kiến Hòa) xuống đường biểu tình ‘chống Mỹ Ngụy vi phạm lệnh ngừng tấn công quân sự của Mặt trận’.

Ngày 11-1, mật vụ cộng quân Sài Gòn – Gia Định tổ chức 350 công nhân nhà máy điện và nhà máy nước Sài Gòn bãi công đòi chống cắt giảm lương khi công nhân lỡ sai phạm. Chánh quyền liền điều 2 đại đội quân đến trấn giữ hai nhà máy và khôi phục lại sản xuất điện nước, bắt cách ly thẩm vấn 17 người cầm đầu công khai. Ngày 12-1, cộng quân tổ chức 500 công nhân cảng Sài Gòn bãi công đòi tăng lương và thưởng Tết. Ngày 13-1, chánh quyền ra sắc luật trưng dụng khẩn cấp tất cả nhân viên bất luận thuộc ngành chuyên môn nào tại công ty điện, nước Sài Gòn. Nhưng phần lớn công nhân vẫn tiếp tục bãi công. Ngày 15-1, có thêm 5.700 công nhân, tài xế, dệt, diêm quẹt và cao su bãi công. Đến 16-1, cộng quân đã huy động được tổng số công nhân tham gia bãi công lên tới 17.000 người, bao gồm các ngành điện, nước, bốc vác, vận tải công cộng, dệt, diêm quẹt, cao su, xay xát gạo và công nhân ba công ty xăng dầu Shell, Caltex, Esso. Chủ trương bãi công không còn là đòi tăng lương mà là phản đối chánh quyền đàn áp, bắt bớ công nhân. Trước tình hình đó, chánh quyền phải thỏa thuận với giới chủ hãng thống nhất tăng 12% lương tính từ tháng 9-1967.

12- Hoạt động phản chiến tại Mỹ tháng 1-1968

Đầu tháng 1-1968, hoạt động phản chiến tại Mỹ gia tăng và chiếm nhiều mục tin giật gân trên các báo ở Mỹ. Một phiên tòa tại Tòa án liên bang kết tội bác sĩ Benjamin Spok và giáo sĩ William Spon Copphin về tội âm mưu với ba người chống chiến tranh Việt Nam xúi giục những hoạt động phạm pháp. Bốn lính hải quân Mỹ đào ngũ để không sang Việt Nam và được thủ tướng thân cộng Olope Palmer cho cư trú chánh trị tại Thụy Điển. Ca sĩ Enner Kid được mời dự tiệc trưa tại Bạch Cung đã ghé tai nói nhỏ với phu nhân tổng thống Johnson  rằng: Chiến tranh đang diễn ra và người Mỹ vẫn không hiểu tại sao. Rồi chỉ tay vào mặt bà Johnson trước mặt năm mươi quan khách, bà Kid la lên: Bà cũng là một người mẹ, mặc dầu bà chỉ có con gái mà không có con trai, tôi là một người mẹ và tôi hiểu cảm giác khi rứt ruột đẻ đứa con. Tôi có một đứa con và rồi bà đẩy nó ra đánh nhau. Bọn trẻ nổi loạn có gì là lạ.

13- Hoạt động chuẩn bị đối phó của quân đồng minh (trong tháng 1-1968)

Trong tháng 1-1968, thực hiện Kế hoạch Bẫy Rập Lớn, Bộ tư lệnh Mỹ chỉ thị bố trí lại lực lượng Mỹ lớn nhất từ trước đến giờ để sẵn sàng đón đầu cuộc tổng tấn công của Việt Cộng.

Đầu tháng 1-1968, Tiểu đoàn 2/503 bộ binh được không vận ra Ban Mê Thuột.

Lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ chuyển quân ra tập trung ở phía nam khu phi quân sự sẵn sàng đón diệt các cuộc nam xâm mới của Bắc Việt. Ngày 11-1, Trung đoàn 5/Sư đoàn 1 TQLC tới Phú Bài. Ngày 15-1, Sư đoàn 3 TQLC tới Đông Hà. Ngày 20-1, Trung đoàn 3/3 TQLC tới Quảng Trị, Trung đoàn 1/1 TQLC tới căn cứ Camp Evans ở phía bắc Huế, Trung đoàn 4/3 TQLC tới căn cứ Camp Carroll ở Cam Lộ.

Ngày 15-1, Lữ đoàn 1/Sư đoàn 101 không vận tới Sông Bé cùng với 3 tiểu đoàn 1/327, 2/327, 2/502. Ngày 16-1, Tiểu đoàn 2/26 TQLC được tăng cường cho căn cứ  Khe Sanh.

Ngày 17-1, Lữ đoàn 1/Sư đoàn 1 kỵ binh đem bốn tiểu đoàn 1/5, 1/8, 2/8, 1/12 từ Bồng Sơn ra Phú Bài; rồi đến 25-1 tới bãi đáp Betty ở phía nam tỉnh Quảng Trị.

Ngày 20-1, Lữ đoàn 2/Sư đoàn 101 không vận tại Củ Chi được điều ra Gia Lễ gần Phú Bài và đặt dưới quyền chỉ huy của Sư đoàn 1 kỵ binh; tháp tùng là 3 tiểu đoàn bộ binh 1/501, 2/501, 1/502. Cùng lúc đó, Tiểu đoàn 2/7 kỵ binh tăng cường cho Bồng Sơn, Tiểu đoàn 2/11 thiết kỵ tới Bố Đức.

Ngày 22-1, Tiểu đoàn 1/9 TQLC tăng viện cho Khe Sanh.

Ngày 25-1, Sư đoàn 1 kỵ binh chuyển tới Camp Evans. Lữ đoàn 3/Sư đoàn 1 kỵ binh gồm ba tiểu đoàn 1/7, 5/7, 2/12 cũng từ bãi đáp Baldy tới đóng ở căn cứ Camp Evans.

Ngày 26-1, Lữ đoàn 3/Sư đoàn 4 bộ binh từ Đức Phổ chuyển ra bãi đáp Baldy để thay thế cho Lữ đoàn 3/Sư đoàn 1 kỵ binh trong địa bàn chiến dịch Wheeler/Wallowa.

Ngoài ra, hàng chục tiểu đoàn chiến đấu Mỹ khác cũng được gia cố cho các nơi hiểm yếu: Tiểu đoàn 4/39 bộ binh tới trại Bearcat (Long Thành), Tiểu đoàn 2/11 pháo binh tới Biên Hòa, Tiểu đoàn 6/27 pháo binh tới Quản Lợi, Tiểu đoàn 6/32 pháo binh tới Phú Hiệp, Tiểu đoàn 6/56 pháo binh tới Chu Lai, Tiểu đoàn 6/77 pháo binh tới Quảng Trị, Tiểu đoàn 70 công binh chiến đấu tới Dak To, Tiểu đoàn 299 công binh chiến đấu và Tiểu đoàn 504 quân cảnh tới Phú Bài. 

Ngày 27-1, Tiểu đoàn 37 biệt động quân Việt Nam Cộng Hòa được không vận ra tăng cường cho trận địa phòng thủ Khe Sanh.

Ngày 29-1-1968, lãnh đạo quân đồng minh công khai tuyên bố trên đài phát thanh từ 18 giờ tối 29-1 sẽ tạm ngừng các cuộc tấn công của quân đồng minh trên toàn lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa, ngoại trừ địa bàn Vùng 1 chiến thuật, để cho nhân dân và binh sĩ các bên vui hưởng Tết Nguyên Đán. Tuy nhiên mật lệnh của tư lệnh quân đồng minh gửi kín tới các đơn vị đã chỉ thị rõ phải sẵn sàng trực chiến bẻ gãy các cuộc tấn công của quân Việt Cộng sắp sửa xảy ra.

14- Giao tranh ở các tỉnh Quảng Tín, Đà Nẵng, Gia Định, Hậu Nghĩa, Long An, Thừa Thiên, Kontum (2 đến 10-1-1968)  

Kế hoạch tấn công Tết Mậu Thân của Việt Cộng dự kiến sẽ bắt đầu vào cuối tháng 1, đầu tháng 2 dương lịch 1968, vì thế lãnh đạo cộng quân ra lệnh tập trung đánh nhử mạnh trong mười ngày đầu tháng 1-1968, để cho quân đồng minh phải tập trung dồn sức căng thẳng đối phó, rồi sau đó cộng quân sẽ giảm hẳn cường độ đánh phá ở các nơi để tập trung đánh mạnh ở Khe Sanh, để cho quân đồng minh các nơi cũng chủ quan lơi lỏng sự phòng bị, giúp cho cộng quân tạo thế bất ngờ và mạnh mẽ khi khởi sự tấn công dịp Tết Mậu Thân. 

Từ ngày 3 đến 7-1, cộng quân Trung Trung Bộ và tỉnh Quảng Nam mở một loạt trận tấn công vào 9 nơi đóng quân Mỹ và Việt Nam Cộng Hòa ở các quận Quế Sơn, Tiên Phước và Tam Kỳ (tỉnh Quảng Tín). Ngược lại, Lữ đoàn 3 thuộc Sư đoàn kỵ binh Mỹ và quân VNCH cũng mở 4 cuộc hành quân phản kích vào cộng quân tại các khu vực này. Chỉ trong 5 ngày đôi bên xảy ra 16 trận đánh lớn nhỏ. Kết quả, quân Mỹ chết 109, bị thương 218; quân VNCH chết 361, bị thương 703; thiệt hại 39 máy bay, 17 xe tăng, 1 kho đạn. Cộng quân bỏ lại trận 1.259 xác và 735 thương binh; bị bắt và ra hàng 187.

Đêm 3-1, cộng quân tỉnh Quảng Đà pháo kích và tấn công sân bay chiến lược Mỹ ở Đà Nẵng, phá hủy 7 máy bay, phần lớn là phản lực cơ, cháy 1 kho đạn, làm chết 1 và bị thương 13 binh sĩ, nhân viên kỹ thuật Mỹ. Quân Mỹ phản kích làm chết 134, bị thương 185 cộng quân.

Cuối tháng 12-1967, Sư đoàn không vận 101 Mỹ được điều sang Việt Nam đóng quân tại Hóc Môn (tỉnh Gia Định). Ngày 4-1-1968, Sư đoàn 101 mở cuộc hành quân truy quét cộng quân tại khu vực Hóc Môn đã đụng độ và giao tranh dữ dội với 1 trung đoàn cộng quân Đông Nam Bộ. Kết quả, quân Mỹ chết 42, bị thương 94, thiệt hại 3 xe tăng, 3 trực thăng. Cộng quân bỏ lại trận 247 xác và 315 thương binh; bị bắt và ra hàng 8.

Đêm 7 rạng sáng ngày 8-1, cộng quân Trung Nam Bộ pháo kích và tấn công vào tiểu khu quân sự  Hậu Nghĩa cách Sài Gòn 34 cây số về phía tây bắc, sau hơn 1 giờ giao tranh đã đánh chiếm và đặt mìn san bằng trụ sở hành chánh tỉnh Hậu Nghĩa và 21 trụ sở trong tỉnh lỵ Khiêm Cường. Ngay sau đó, quân Việt Nam Cộng Hòa tổ chức bao vây và đến sáng 8-1, số còn lại của cộng quân phải theo rút theo đường Mỏ Vẹt về phía Cambodia. Kết quả, cộng quân bỏ lại trận 718 xác và 203 thương binh, bị bắt và ra hàng 152. Quân VNCH chết 329, bị thương 658, bị bắt 8, thiệt hại 3 đại bác 105 ly, 8 súng cối, 28 đại liên, 2 kho đạn, 1 kho xăng, 41 xe quân sự, 22 trụ sở cơ quan.

Đêm 7-1, cộng quân Trung Nam Bộ mở cuộc tấn công chi khu quân sự Cần Giuộc và các căn cứ Việt Nam Cộng Hòa ở Phước Hậu, Long Thượng, Rạch Kiến, Bình Tịnh (tỉnh Long An). Quân VNCH phản kích, đến sáng cộng quân rút lui. Kết quả, cộng quân bỏ lại trận 558 xác và 176 thương binh; bị bắt và ra hàng 33. Quân VNCH chết 314, bị thương 473, thiệt hại 22 đại bác.

Chi khu quân sự Phú Lộc là một hệ thống đồn bót vững chắc của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa,  được gọi là Yếu khu Bạch Mã thuộc tỉnh Thừa Thiên. Đêm 7-1, cộng quân Quân khu Trị Thiên mở cuộc tấn công chọc thủng tuyến phòng thủ của VNCH ở phía bắc đèo Hải Vân. Quân Mỹ và VNCH phản kích lại dữ dội, đẩy lui cộng quân sau 12 giờ giao tranh. Kết quả, quân Mỹ chết 29, bị thương 38; quân VNCH chết 147, bị thương 322. Cộng quân bỏ lại trận 455 xác và 276 thương binh.

Đêm 10-1, cộng quân Đông Nam Bộ và tỉnh đội Gia Định tập kích căn cứ Tiểu đoàn 1/Lữ đoàn 2/Sư đoàn 25 bộ binh Mỹ đóng ở Bàu Trâu (quận Củ Chi, tỉnh Hậu Nghĩa). Sau 1 giờ rưởi giao tranh, cộng quân phải rút lui. Kết quả, quân Mỹ chết 15, bị thương 42; cộng quân bỏ lại trận 68 xác và 37 thương binh.

Đêm 10-1, cộng quân Tây Nguyên pháo kích và tập kích vào sân bay Kontum, phá hủy 3 trực thăng, 14 xe quân sự, đánh sập 2 trại lính và khu sửa chữa máy bay, làm chết 3 và bị thương 5 binh sĩ  và nhân viên kỹ thuật Mỹ. Quân Mỹ phản kích làm chết 131, bị thương 27 cộng quân.  

15- Chiến dịch Sultan 2 (tỉnh Kontum) (5 đến 25-1-1968) 

Từ ngày 5 đến 25-1-1968, Biệt đội Project Delta Mỹ mở chiến dịch Sultan 2, do thám địch tình và tìm diệt quân Việt Cộng tại thung lũng Plei Trap, tỉnh Kontum.

16- Việt Nam Cộng Hòa thành lập Biệt khu 44 (5-1-1968 đến cuối 1973)

Để đối phó với Kế hoạch tổng tấn công Xuân Hè 1968 của cộng quân, ngày 5-1-1968, Bộ Tổng tư lệnh Quân lực Việt Nam Cộng Hòa thành lập trong Quân khu 4 thêm Biệt khu 44 để bảo vệ khu vực biên giới giáp Cambodia, gồm các tỉnh biên giới Kiến Tường, Kiến Phong, Châu Đốc và hai quận Hà Tiên, Kiên Lương tỉnh Kiên Giang, với Bộ tư lệnh đặt tại tỉnh lỵ Cao Lãnh. Lực lượng chiến đấu thường trực của Biệt khu 44 gồm Lữ đoàn 4 kỵ binh, Liên đoàn 4 biệt động quân, 8 tiểu đoàn biệt động quân biên phòng và 5 thiết đoàn kỵ binh Quân đoàn 4.

Từ sau cuộc hành quân vượt biên giới của quân Việt Nam Cộng Hòa sang Cambodia năm 1970 đến cuộc phản kích đợt tấn công Xuân Hè 1972 của cộng quân, Biệt khu 44 duy trì hai căn cứ tiền phương trên đất Cambodia ở Niek Luong và Kompong Trach, do các tiểu đoàn biệt động quân trấn đóng để bảo vệ từ xa khu vực biên giới Việt Nam – Cambodia. 

Sau khi giải tỏa được mối đe dọa của cộng quân tại dãi biên giới từ Hà Tiên đến Đồng Tháp Mười, cuối năm 1973, Bộ Tổng tham mưu giải tán Biệt khu 44, giao cho Sư đoàn 7 bộ binh thêm nhiệm vụ bảo vệ các tỉnh Kiến Tường, Vĩnh Long, Vĩnh Bình, trong khi Sư đoàn 9 bộ binh bảo vệ thêm các tỉnh Châu Đốc, Kiến Phong và bắc Kiên Giang.

17- Các chiến dịch Checkers, Niagara 1 (tỉnh Quảng Trị) (7 đến 20-1-1968) 

Trong ngày 7-1-1968, Bộ tư lệnh Quân Mỹ ra lệnh mở chiến dịch Niagara 1, tập trung nỗ lực tình báo để phát hiện tung tích quân Việt Cộng tại khu vực Khe Sanh phía tây tỉnh Quảng Trị. Hoạt động này bao gồm các kỹ thuật cao trong không ảnh, ra đa và một hệ thống ăng ten điện tử phân loại cao độ được bố trí tại các vị trí đóng quân và tuyến vận chuyển của cộng quân. Những thiết bị này bao gồm các thiết bị cảm biến điện hóa học, dò tia hồng ngoại, dò địa chấn, dò âm thanh. Cuối cùng là các cuộc tuần tra trên bộ và nỗ lực tình báo này đã phát hiện các cuộc tấn công của Bắc Việt vào Khe Sanh. Sư đoàn 325 Bắc Việt ở phía tây bắc. Sư đoàn 304 ở tây nam. Một trung đoàn của Sư đoàn 324 ở phía bắc khu phi quân sự 15 đến 20 cây số. Sư đoàn 320 ở xung quanh dãy núi Rockpile.

Từ ngày 15 đến 20-1, Sư đoàn 3 thủy quân lục chiến Mỹ mở chiến dịch Checkers, để điều chỉnh lại vùng đảm nhiệm chiến thuật; theo đó, Sư đoàn 3 bàn giao nhiệm vụ tại khu vực Phú Bài cho Sư đoàn 1 TQLC Mỹ rồi chuyển sở chỉ huy Sư đoàn 3 tới Đông Hà để tập trung bảo vệ tại khu phi quân sự phía bắc tỉnh Quảng Trị và cũng là địa đầu giới tuyến Việt Nam Cộng Hòa giáp Bắc Việt.

18- Chiến dịch Falcon (Vùng 3 chiến thuật) (8 đến 10-1-1968) 

Từ ngày 8 đến 10-1-1968, Liên quân Việt-Mỹ mở chiến dịch Falcon, hành quân do thám và tuần tra bảo vệ an ninh tại Vùng 3 chiến thuật.

19- Các chiến dịch Akron 5, Duntroon (tỉnh Phước Tuy) (10 đến 21-1-1968) 

Từ ngày 10 đến 21-1-1968, Lữ đoàn 1/Sư đoàn 9 bộ binh Mỹ có tăng cường Tiểu đoàn 3/5 kỵ binh, đã mở chiến dịch Akron 5, tìm diệt quân Việt Cộng và tiêu diệt mật khu 303, còn gọi là mật khu Hắc Dịch tại địa bàn tỉnh Phước Tuy. Chiến đoàn 1 Úc chỉ huy hai tiểu đoàn 2 và 7 cũng cùng lúc mở chiến dịch Duntroon để phối hợp tác chiến tại khu vực phía nam Hắc Dịch.

20- Kế hoạch Big Trap 2/Bẫy Rập Lớn 2 (11-1 đến 1-2-1968)

Từ vài ngày đầu năm 1968, các viên chức CIA báo cáo: Có những dấu hiệu chắc chắn về một cuộc tấn công quy mô lớn chưa từng có của Việt Cộng và Bắc Việt đang chuẩn bị.

Ngày 6-1-1968 tại Washington, một viên chức cao cấp CIA đưa cho thứ trưởng ngoại giao Nicholas Katzenbach xem nhiều tài liệu vừa tịch thu được của Việt Cộng, các báo cáo tình báo nội bộ, bản đồ, biểu đồ, báo cáo mới nhất từ các vùng chiến sự và khẳng định: Chúng ta đang đứng trước những cuộc tấn công ồ ạt vào dịp nghĩ Tết.

Từ ngày 8-1-1968, các đơn vị cộng quân ở đồng bằng sông Cửu Long bắt đầu di chuyển theo những tuyến đường mòn và kênh rạch áp sát vào các thị xã, thị trấn, gần như công khai trước mặt hàng trăm ngàn nông dân trong vùng. Dân chúng không ngớt bàn tán xôn xao: Chắc chắn Việt Cộng ở miền Tây sắp đánh lớn. Ngày 10-1, thiếu tướng tư lệnh Quân đoàn 4-Vùng 4 chiến thuật Nguyễn Văn Mạnh lập tức bay về Sài Gòn báo cáo tình hình.

Trong khi các đơn vị quân Việt Cộng chuyển đến các vùng trong nội địa và gần đô thị hơn thì các đơn vị quân Mỹ lại chuyển quân đến các vùng biên giới, như hình thành thế bao vây. Cả đôi bên đều muốn cố lừa nhau. Những chiếc tai nhạy cảm của việc bắt sóng điện đài đối phương ngày càng nhận được nhiều tín hiệu phát ra từ nhiều trạm hơn trước, nhưng Mỹ cứ để cho bộ binh cộng quân âm thầm chuyển quân mà không đón đánh, chỉ tập trung ném bom các vị trí nghi là nơi đặt kho tàng và chiến cụ của cộng quân. Trong khi đó, các mũi thọc sâu của quân Mỹ vào các căn cứ vốn có sẵn của cộng quân lại cũng không gây ra một phản ứng bình thường. Cộng quân cũng luôn muốn lãng tránh mà không đón đánh.

Ngày 11-1-1968, tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và đại tướng William Westmoreland tổ chức cuộc họp có sự tham dự của phó tổng thống Nguyễn Cao Kỳ, đại tướng tổng trưởng Bộ Quốc phòng Trần Thiện Khiêm, đại tướng tổng tham mưu trưởng Quân lực Cao Văn Viên, các tư lệnh quân đoàn – vùng chiến thuật Việt Nam và đồng nhiệm Mỹ, trung tướng tư lệnh Lực lượng 2 dã chiến Frederick C. Weyand, và một số sĩ  quan cao cấp Việt-Mỹ và các đồng minh khác.

Những người dự họp cho rằng, trước nay Việt Cộng gồm cả quân Bắc Việt lẫn Quân Giải phóng chỉ quen với lối đánh miền rừng núi và nông thôn, kết hợp giữa pháo binh với lối xung phong biển người, khi thấy sắp thua thì rút chạy tản mác, làm cho việc truy kích tiêu diệt không thể nào dứt điểm. Nếu thu hút địch vào thành thị thì với chiến thuật nghi binh, địch sẽ không thể công khai vận chuyển pháo hạng nặng vào thành phố mà chỉ mang theo võ khí cơ động hạng nhẹ. Trong khi đó nhà cửa cư dân ở đô thị có thể giúp dân chúng tạm trú ẩn mà không chịu nhiều thương vong khi có giao tranh xảy ra. Vì thế lãnh đạo đồng minh quyết tâm sẽ thu hút cộng quân dồn hết lực lượng bộ binh nhẹ về thành phố để bao vây diệt gọn, đồng thời bao vây chặt tuyến biên giới và tập trung hỏa lực tiêu diệt chủ lực đối phương, không cho tiến vào thành thị hay rút về Cambodia hay Lào như trước.

Cuộc họp thống nhất lần cuối kế hoạch phòng thủ đối phó với cuộc tổng tấn công chắc chắn sẽ có của cộng quân. Kế hoạch Big Trap/Bẫy Rập Lớn được tướng Westmoreland và tổng thống Thiệu nhất trí chuyển sang thực hiện giai đoạn hai từ ngày 11-1. Đến lúc này, sự hiện hữu của một cuộc tấn công như thế trong dịp Tết là gần như chắc chắn, nhưng giờ khởi sự cụ thể thì lãnh đạo liên quân đồng minh tất nhiên vẫn không ai biết.

Ngày 15-1, Bộ Tổng tham mưu Quân lực Việt Nam Cộng Hòa điện mật cho các tư lệnh quân đoàn và vùng chiến thuật: Từ nay đến Tết các đơn vị cấm trại một trăm phần trăm, tuyệt đối cảnh giác giữ gìn an ninh khu vực trấn đóng. Theo dõi kỹ mọi hoạt động của địch, chuẩn bị ứng phó với mọi tình huống giao tranh lớn trước, trong và sau tết.

Cũng trong ngày 15-1-1968, đại tướng Westmoreland và thiếu tướng trợ lý tổng tham mưu trưởng về quân báo Phillip B. Davidson mở cuộc họp để thông báo với Hội đồng Sứ quán Mỹ về những dấu hiệu đáng lo ngại đang rõ dần. Westmoreland cho biết sẽ có khoảng 40 đến 60 trận đánh lớn trước và trong dịp tết Nguyên đán trên phạm vi toàn Việt Nam Cộng Hòa, và khoảng 30 đến 40 trận sau dịp tết. Cuộc tấn công có thể sẽ khởi sự từ Khe Sanh và vùng ven biên rồi lan vào nội địa.

Từ ngày 20-1-1968, Bộ tư lệnh Quân lực Mỹ tại Việt Nam và Bộ Tổng tham mưu Quân lực Việt Nam Cộng Hòa chỉ thị cho tất cả sở chỉ huy từ cấp tiểu khu và sư đoàn trở lên đều phải thức trực chiến từ 9 giờ tối đến 5 giờ sáng trong tình huống đang lâm chiến cho đến hết ngày 10-2-1968.

Từ ngày 20-1, các trạm trinh sát của Mỹ và Việt Nam Cộng Hòa ở khắp nơi liên tục dồn dập báo tin phát hiện cộng quân từ các vùng rừng núi, biên giới đang di chuyển về các vùng đô thị. Chẳng hạn, ngày 28-1-1968, cố vấn Mỹ đóng ở Hương Thủy phía đông Huế báo cáo phát hiện 3 trung đoàn cộng quân vừa rời khỏi căn cứ ở vùng rừng núi và hiện đang đóng ở miền đồng bằng. Ngày 29-1, trạm Phú Bài báo tin cộng quân đang áp sát vào Huế.

Ngày 21-1, quân Việt Cộng tấn công Khe Sanh. Quân đồng minh cũng tỏ ra sẵn sàng nghênh chiến ở Khe Sanh, trong khi cũng hầu như ngưng hẳn các hoạt động quân sự những nơi khác, theo như thỏa thuận hưu chiến ngầm để dân chúng vui Tết. Từ sáng 28 Tết, các báo thân chánh quyền ở Sài Gòn đồng loạt loan tin vợ chồng tổng thống Nguyễn Văn Thiệu về ăn Tết ở Mỹ Tho, là quê vợ của ông Thiệu. Các báo cũng cố tình loan tin các tướng lãnh cấp cao nhất nghĩ Tết nơi này nơi kia, và sự phòng thủ trong Tết quá nhiều lơi lỏng. Trong khi đó, quân đồng minh đã hoàn thành bẫy rập sẵn sàng chờ đối phương sập vào khi giờ G bắt đầu, mà cụ thể của giờ G thì thật sự lãnh đạo quân đồng minh cũng không ai biết rõ, đơn giản là vì nó chưa được lãnh đạo Bắc Việt ban ra. Những ngày sau đó, quân đồng minh rút bỏ chi khu Hướng Hóa và làng Khe Sanh ở ngoại vi căn cứ Khe  Sanh gần giống như kịch bản Điện Biên Phủ trước đây.

Ngày 22-1, Bộ tư lệnh Quân viện Mỹ tại Việt Nam (MACV) báo cáo cho Bộ Quốc phòng tại Washington rằng đã có nhiều dấu hiệu chắc chắn cho thấy Việt Cộng sẽ mở các cuộc tấn công ngay trong dịp tết vào các đô thị mà tập trung trọng yếu là Sài Gòn và Huế.

Ngày 25-1, đại tướng Westmoreland thành lập Bộ tư lệnh Tiền phương (MACV Forward Command Post), đóng tại Phú Bài (Huế). MACV Forward có trách nhiệm trực chiến giải quyết mọi vấn đề chiến dịch Big Trap 2 và trực tiếp điều động tất cả  mọi lực lượng Mỹ hiện có tại Vùng 1 chiến thuật từ phía Bắc đèo Hải Vân ra đến phía Nam sông Bến Hải. Đến 10-3-1968 khi thấy tình hình chiến sự đã ổn định, đại tướng Westmoreland cho giải tán MACV Forward và thay bằng bộ chỉ huy Quân đoàn Lâm thời (Provisional Corps Vietnam), đóng tại Phú Bài, thuộc quyền điều động của Tư lệnh Lực lượng 3 Thủy bộ đóng ở Đà Nẵng. Đến 15-8-1968, Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ chánh thức đổi tên Quân đoàn Lâm thời thành Quân đoàn 24 tại một buổi lễ ở căn cứ Fort Hood, Texas.

Ngày 26-1, biệt kích Mỹ bắt được một cán bộ huyện uỷ Việt Cộng tại khu vực Đông Ba phía nam sông Hương, thu được một bản kế hoạch tổng tấn công và nỗi dậy tại huyện Đông Ba dài 8 trang, nêu rõ các nhiệm vụ chung và các mục tiêu cụ thể, nhiệm vụ của một số cán bộ và các phương châm hoạt động. Tuy nhiên cán bộ này khai vẫn không biết khi nào khởi sự tấn công vì cấp trên chưa phổ biến.

Thực hiện kế hoạch Bẫy Rập Lớn, tướng Westmoreland ra lệnh triển khai lại quân Mỹ để bảo vệ tốt hơn cho Sài Gòn. Ngay trước tết, 27 tiểu đoàn cơ động Mỹ được điều trở lại tuyến phòng thủ Sài Gòn và 22 tiểu đoàn Mỹ khác hình thành một vành đai bên ngoài, mà tập trung dày hơn ở phía tây. Bốn tiểu đoàn Mỹ được tă

0