Các Vương Phi, Hoàng Hậu miền Nam trong cung Nhà Nguyễn
Nguyễn Bá Hoa Đây phương Nam, đây ruộng Cà Mau no lành, Với tiếng hát êm đềm trong suốt đêm thanh… Trăng phương Nam sáng toả khắp bờ Cửu Long… Nước chảy con thuyền xuôi dòng, Vọng tiếng khoan hò ấm lòng (Trăng Phương Nam của Anh Hoa) ...
Nguyễn Bá Hoa
(Trăng Phương Nam của Anh Hoa)
Từ khi lên kế vị, chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên ngày đêm lo tìm biện pháp thực hiện thánh ý của vương phụ là Nguyễn Hoàng: Xây dựng cơ nghiệp muôn đời” ở phía nam Hoành Sơn. Ông cho rèn luyện binh sĩ, trọng dụng nhân tài, tướng tá, mặt khác ông lo tu bổ, xây dựng thành lũy. Nhờ có Đào Duy Từ trung thành giúp sức, năm 1630 Duy Từ cho đắp lũy Trường Dục, năm 1631 cho đắp lũy Đồng Hới, trên giáp núi Đâu Mâu, dưới đến cửa biển Nhật Lệ. Năm 1632 lũy đắp xong, chúa Sãi tuyên bố không triều cống cho Bắc Hà nữa. Đối với các lân bang, Chúa Sãi chủ trương thân thiện với Chiêm Thành và Chân Lạp. Chúa Sãi có 15 người con: 11 công tử và 4 công nữ. Năm 1620, Chúa gả công nữ (quận chúa) Ngọc Vạn cho vua Chân Lạp Chey Chetta II tạo thuận lợi cho dân chúng vào sinh cơ lập nghiệp ở Thủy Chân Lạp. Năm 1631, Chúa gả công nữ Ngọc Khoa cho vua Chiêm Thành là Pô Romê củng cố nền hoà hiếu một thời gian khá lâu dài giữa hai nước Chiêm – Việt..
Từ cuối thế kỷ 17, các Chúa Nguyễn có công chinh phục và mở cuộc di dân về phương Nam.
Năm 1777, Thái thượng vương Nguyễn Phúc Thuần bị nghĩa quân Tây Sơn bắt ở Long Xuyên và đem lên Sài Gòn, giết ngày 18-9-1777 cùng với một số hoàng tộc và các cận thần. Chúa Nguyễn Phúc Thuần bị giết, kết thúc giai đoạn lịch sử 9 đời Chúa Nguyễn.
Sau đó, chỉ có một người cháu là Nguyễn Phúc Ánh chạy thoát ra được đảo Thổ Chu. Sau 26 năm nằm gai nếm mật, Nguyễn Phúc Ánh đã sử dụng nhân tài vật lực của Nam bộ chẳng những khôi phục lại sự nghiệp của các Chúa Nguyễn ở xứ Đàng Trong mà còn thống nhất đất nước từ Nam Quan đến mũi Cà Mau.
Các quan lại giúp cho Nguyễn Vương (Nguyễn Phúc Ánh) lập nên Đế chế nhà Nguyễn phần nhiều là người Nam bộ. Triều Nguyễn, khi tìm chọn phi tần cho các vị Hoàng đế, thường hướng vào phụ nữ Nam kỳ. Nam Kỳ ít nhiều vẫn còn được xem như một vùng “đất hứa”. Về sau một số các con của các trung thần người Nam bộ được tuyển chọn vào cung làm dâu (phủ thiếp), làm rể (phò mã) các vua nhà Nguyễn. Nhiều bà có học vấn, có đức hạnh được phong Hoàng hậu, Hoàng Thái hậu, có bà có tuổi thọ cao có đạo đức nên ảnh hưởng lớn trong đời sống cung đình. Nhắc lại lịch sự, năm Nhâm Tuất, ngày 1-6-1802, Nguyễn Vương lên ngôi, lấy hiệu là Gia Long, là vị vua sáng lập triều Nguyễn, truyền ngôi được 13 đời vua.
I – Vua Gia Long: có 21 bà vợ còn biết tên, nhưng chỉ có 3 bà được Nguyễn Phước Tộc Thế Phả (NPTTP) ghi tiểu sử. Đó là các bà Thừa Thiên Cao Hoàng Hậu Tống Thị Lan, người Huế gốc Thanh Hoá, bà Thuận Thiên Cao Hoàng Hậu Trần Thị Đang, người Huế và bà Đức Phi Lê Thị Ngọc Bình con vua Lê Hiển Tông, em ruột Ngọc Hân Công Chúa.
Vua Minh Mạng có hàng trăm bà vợ, nhưng NPTTP chỉ ghi có 43 bà (có con), trong số 43 bà đó cũng chỉ có một số ít được ghi tiểu sử. Trong số ít bà được ghi tiểu sử, chúng ta biết được 4 bà gốc người Nam bộ.
1/ – Bà Tá Thiên Nhân Hoàng Hậu Hồ Thị Hoa (1791 – 1807): Người vợ đầu tiên của vua Minh Mạng khi ngài đang còn ở nơi Tiềm để, bà Hồ thị Hoa sinh ngày 5 tháng 11 năm Tân hợi (30-11-1791) là người huyện Bình An, Biên Hoà (nay là Thủ Đức) con gái của Phúc Quốc Công Hô văn Bôi (Hồ văn Vui). Theo “Đại Nam liệt truyện” thì vào năm Bính Dần (1806), bà Hồ Thị Hoa lên 15 tuổi, có đức hạnh, ăn nói lễ phép dịu dàng, một lòng hiếu kính đối với cha mẹ và người trên (Thục, thận, hiền, trinh), được vua Gia Long và bà Thuận Thiên Hoàng hậu tuyển chọn làm phủ thiếp (phối thất) cho hoàng tử Đảm (sau nầy là vua Minh Mạng). Khi vào cung bà được vua Gia Long và hai Bà Thừa Thiên và Thuận Thiên Hoàng hậu rất thương mến. Vua Gia Long ban cho bà cái tên là Thật. Vua dạy rằng: Phi nguyên có tên Hoa là lấy ý nghĩa ở bốn chữ: “Đặc dĩ phương văn“ (để truyền hương thơm) sao cho bằng tên “Thật” gồm cả phúc lẫn quả.
Ngày 11 tháng 5 năm Đinh mão (16-6-1807) bà sinh ra Hoàng tử Nguyễn Phúc Tuyền tức là Miên Tông (sau nầy là vua Thiệu Trị) sinh được 13 ngày thì bà qua đời. Hoàng tử khóc mãi. Bà nội là Thuận Thiên Cao Hoàng hậu đem vào Cung nuôi dưỡng. Có lần, vua Minh Mạng (lúc đó còn là Hoàng tử Đảm) đến thăm và bảo rằng: “Trẻ con mới sinh ra mà đã biết thương khóc mẹ, sau nầy thế nào cũng giữ tròn đạo hiếu”. Bà Hồ thị Hoa qua đời ngày 23 tháng 5 năm Đinh Mão (28-6-1807) lúc 17 tuổi, còn quá trẻ làm cho vua Gia Long và các Hoàng hậu thương tiếc vô cùng. Vua xuống dụ cấm thần dân không được dùng từ Hoa. Khi gặp từ nầy phải đọc trại ra là Huê, Hoá, Ba. Có lẽ vì thế từ thời vua Gia Long trở về sau có một số tên bị thay đổi cách đọc như tỉnh Thanh Hoa được đổi thành Thanh Hoá, chợ Đông Hoa đổi thành Đông Ba, Phàn Lê Hoa đổi thành Phàn Lê Huê, cái Hoa thành cái Bông, Hoa lợi thành Huê lợi…
Nhắc thêm về việc cử dùng từ Hoa: Từ Sài Gòn qua Gia định hướng Thủ Đức du khách phải đi ngang qua cầu Bông còn gọi là cầu Xóm Bông. Theo sách sử do người Tây phương viết, cầu nầy thường được gọi vắn tắt là “2e Pont” (Cầu thứ 2), để phân biệt với cầu thứ nhứt (1er Pont) là cầu Bà Nghè (tức cầu Thị Nghè)… Xưa kia Cầu Bông tên là Cầu Hoa, vì nơi đây có trồng nhiều giống cây trổ hoa rất đẹp. Sở dĩ Cầu Hoa đổi tên ra Cầu Bông là vì trùng tên với bà Hoàng hậu vợ vua Minh Mạng, như đã nói trên.
Lăng của Hoàng hậu Hồ thị Hoa được xây dựng vào năm 1841, sau khi vua Thiệu Trị lên ngôi. Lăng toạ lạc tại làng Cư Chánh thuộc huyện Hương Thuỷ, Thừa Thiên; vua Hiến Tổ dâng tôn thuỵ là Tá Thiên Lệ Thánh Đoan Chính Cung Hoà Đốc Khánh Từ Huy Minh Hiền Thuận Đức Nhân Hoàng hậu, đặt tên nhà thờ là Vĩnh Tư Điện, tên lăng là Hiếu Đông.
Trước đó, khi vua Minh Mạng tức vị, vào năm 1821 bà được sách tặng Chiêu Nghi thuỵ Thuận Đức, năm Bính Thân (1836), bà được vua Minh Mạng tặng là Thần Phi, đến năm Mậu Tuất (1838) lại lập đền thờ riêng tại làng Vạn Xuân (gần Kim Long – Huế). Tháng 3 nhuần, năm Thiệu Trị nguyên niên (1841), quần thần dâng biểu xin truy tôn huy hiệu, vua Hiến Tổ Chương Hoàng đế thỉnh mạng cùng Nhân tuyên từ khánh Thái Hoàng Thái Hậu (túc bà Thuận Thiên Cao Hoàng hậu) được chuẩn y. Ngày 16 tháng 4 năm đó, vua dẫn tôn nhân văn võ đình thần dâng kim sách kim bửu truy tôn là Tá Thiên Nhân Hoàng hậu và được đưa về phối thờ với Thánh Tổ tại Thế Miếu ở gian thứ nhất bên trái. Đồng thời cũng cho lập nhà thờ tại nguyên quán gọi là Hồ tộc từ đường ở thôn Linh Chiểu, huyện Nghĩa An, Biên Hoà tức là Thủ Đức ngày nay, năm 1852 đổi tên là Dũ Trạch Từ.
Du khách có thể viếng thăm Hồ tộc Từ tại làng Linh Chiểu tây, gần quận lỵ Thủ Đức; bên quốc lộ, khỏi quán ăn “Con gà quay” rẽ về hướng tay mặt theo một con đường làng, du khách có thể nhìn thấy hai ngôi cổ mộ quét vôi trắng có tường bao quanh, cỏ cây hoang dại mọc um tùm gần như che lấp tấm bảng “cổ tích được xếp hạng” (monument classé) do Viện Khảo cổ Việt Nam trông coi. Hai ngôi mộ đó, một ngôi là của Phúc Quốc Công Hồ văn Vui và một ngôi nữa của thân mẫu ngài, là bà Hồ văn Rạng. Lại còn một ngôi mộ thứ ba nữa ở làng Tân Mai gần tỉnh lỵ Biên Hoà. Ngôi mộ nầy chính là của ông Hồ văn Rạng, được xem như là ông tổ của họ Hồ ở miến Nam. Những ngôi mộ của họ Hồ ở Thủ Đức và Biên Hoà, cũng như những ngôi mộ họ Phạm ở Gò Công, đều thấy có nhắc đến trong điều thứ 5 của Hiệp ước Pháp – Việt ký ngày 15-3-1874. (T.V.K – VNAH). Rất tiếc, ngày nay khu di tích nầy không còn nữa, nhìn “Cảnh đấy, lòng đây luống đoạn trường!”
2/ – Bà Thục Tần Nguyễn Thị Bảo (1801 – 1851) Bà huý Nguyễn Thị Bửu, người Gia Định, con quan tư không Nguyễn Khắc Thiệu, sinh ngày 30 tháng 7 năm Tân Dậu (7-9-1801). Năm Giáp tuất (1814) bà được vào hầu vua Minh Mạng khi ngài còn ở nơi Tiềm để. Sau bà được tấn phong Thục Tần. Bà Nguyễn Thục Tần sinh được 4 hoàng tử, nhưng chỉ nuôi được một người là Miên Thẩm (1819-1870) (Tùng Thiện Vương) và 3 bà công chúa: Nguyễn Phúc Vĩnh Trinh (1816-1892), Trinh Thận (1824-1904), và Tĩnh Hoà (1830-1882).
Năm Kỷ dậu (1849) người con trai của bà là Miên Thẩm Tùng Thiện Vương xây Tiêu Viên bên bờ sông Lợi Nông (An Cựu), dâng sớ xin vua Tự Đức cho rước mẹ về phụng dưỡng. Nguyên lúc trước bà được phong Thục Tần, nhưng vì phạm lỗi nên bị thu lại sắc phong.
Ngày 17 tháng 8 năm Tân hợi (12-9-1851) bà qua đời, Tùng Thiện Vương dâng sớ cầu khẩn xin phục hồi, lời lẽ trong tờ sớ hết sức thống thiết, nên vua Tự Đức động lòng đặc ân cho phục hồi, ban thụy là Đoan Liệt. Về sau cả 4 người con của bà đều trở thành những nhà thơ nổi tiếng nhất ở đất thần kinh, đó là Tùng Thiện Vương, Quy Đức (Nguyễn Phúc Vĩnh Trinh), Mai Am và Huệ Phố, đã lưu lại với đời nhiều bài thơ có giá trị. Ngoài thơ, những thi sĩ nầy còn giỏi nhạc, trong Phủ Tùng Thiện Vương đã có lập một đội nhạc riêng. Miên Thẩm, tự Thận Minh hiệu Thương Sơn, một bậc thi hào trong Mặc Vân Thi xã, được vua Tự Đức khen: “Thi đáo Tùng, Tuy thất Thịnh Đường”.
3/ – Bà Hoà Tân Nguyễn Thị Khuê, huý là Bích Chi, người Phú Lộc, Gia Định, là con gái của Chưởng cơ Nguyễn văn Thanh trấn thủ tỉnh Quảng Yên. Năm sinh và năm mất của bà không rõ. Bà sinh được 10 người con: 4 hoàng tử (Miên Cư, Miên Tỉnh, Miên Bảo, Miên Thân ) và 6 hoàng nữ.
4/ – Bà Cung nhân Nguyễn Thị Xuân: người thứ 38 trong danh sách 43 bà phi có tên của vua Minh Mạng; quê ở Gia Định, con gái của Chính đội Nguyễn văn Châu. Bà sinh được một hoàng tử là Miên Ký (1838-1881) có tài về văn chương dưới triều vua Tự Đức, được phong tước Cẩm Quốc Công.
II – Vua Thiệu Trị (1841-1847): có 3 bà vợ người Nam bộ:
1/- Bà Thái Hoàng Thái Hậu Từ Dũ (1810 – 1901) Một bậc hiền-phụ ở nước ta vào cuối thế kỷ 19. Bà tên là Phạm thị Hàng, hoặc Hằng hoặc Hào, sinh ngày 19 tháng 5 năm Canh Ngọ (1810) sinh quán là Gò Công. Trưởng nữ của Thượng thư bộ Lễ Phạm Đăng Hưng và bà Phạm Văn thị (không rõ tên). Bà là vợ của Hiến Tổ Chương Hoàng đế (vua Thiệu Trị). Thuở nhỏ bà thích đọc sách, tinh thông kinh sử, có tiếng hiền đức và chí hiếu.Từ năm 14 tuổi, bà được Thuận Thiên Cao Thái Hoàng Thái hậu tuyển triệu vào chầu cháu nội là Hoàng Thái tử Miên Tông ở tại Tiềm để. Năm 1841, khi Miên Tông lên ngôi, tức là vua Thiệu Trị, bà được phong làm Cung Tần. Năm 1843 được sắc phong làm Thành Phi. Năm 1846 được phong làm Quí Phi, rồi Nhất giai phi. Bà giữ chức Thượng nghi kiêm cai quản tất cả các bà trong Lục nghi. Bà là tấm gương cần kiệm, nhân hậu, có ảnh hưởng lớn đối với vua Tự Đức. Năm 1847, vua Thiệu Trị bệnh nặng; chưa kịp sách lập cho bà làm Hoàng hậu thì vua băng hà.
Vua Tự Đức nối ngôi, nhiều lần ngõ ý định tấn tôn cho thân mẫu, nhưng bà Từ Dũ nhất mực từ chối. Mãi đến mấy năm sau, nhân ngày khánh thành cung Gia Thọ, ngày 15 tháng 4 năm Tự Đức thứ hai (1849), bà mới thuận nhận tôn hiệu Hoàng Thái hậu. Tháng 6 năm quí mùi (1883), vua Tự Đức mất, để di chiếu tôn bà làm Từ Dũ Thái Hoàng Thái hậu.
Năm 1885 kinh thành thất thủ, bà cùng với 2 bà Hoàng Thái hậu và Hoàng Thái phi, vợ vua Tự Đức phải rời bỏ kinh thành theo vua Hàm Nghi chạy ra Quảng Trị. Sau đó, theo lời tâu xin của vua Hàm Nghi, bà và lưỡng cung được đưa trở về Huế.
Ngày mùng 5 tháng 4 năm Tân sửu (1901), bà mệnh chung, thọ 93 tuổi: tôn thụy là Nghi Thiên Tán Thánh Từ Dũ Bác Huệ Trai Túc Tuệ Đạt Thọ Đức Nhân Công Chương Hoàng hậu.
Nói tóm lại, bà ra đời thời vua Gia Long (1810), được tuyển vào Cung thời vua Minh Mạng, làm vợ vua Thiệu Trị, làm mẹ vua Tự Đức và sống tuổi già trải qua các đời vua Dục Đức, Hiệp Hoà, Kiến Phúc, Hàm Nghi, Đồng Khánh và bà mất thời vua Thành Thái (1901).
Dưới thời vua Tự Đức, ở miền Nam có vụ tranh chấp ở rạch Láng Thé (Vĩnh Long), lúc bấy giờ, thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa làm Tri huyện Trà Vang, vì binh vực cho thổ dân mà bị án oan, bà Nguyễn thị Tồn vợ của Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa phải vượt sông lặn lội tới Đế đô để minh oan cho chồng. Nghe được tin có người đàn bà ở đất Đồng Nai vượt bao nhiêu nguy hiểm đến kinh đô Huế minh oan cho chồng, bà Từ Dũ, cho dời đến gặp mặt. Bà Nguyễn thị Tồn vào yết kiến và tâu lên mọi viêc. Bà Từ Dũ rất cảm động và tặng một tấm biển đề bốn chữ vàng “LIỆT PHỤ KHẢ GIA”.
Người Nam Bộ, đặc biệt là người Gò Công, dù đường sá xa xôi khi có những món ngon vật lạ như mắm tôm, trái sầu riêng, trái măng cụt, các giống lúa gạo thơm… họ đều đem ra dâng tiến cho bà. Người Huế có giống gạo thơm, biết làm mắm tôm, biết ăn gỏi cá từ đấy.
2/- Bà Lệnh Phi Nguyễn Thị Nhậm: (không rõ ngày sinh và ngày mất) Bà là người An Giang, con của Kinh môn Quận công Nguyễn văn Nhân, bà được tiến cung cùng một năm với bà Phạm Thị Hàng. Tiếc cho Lệnh Phi chỉ sinh được công chúa là Nhàn Yên (An Thạnh Công chúa) nên về sau bà có thứ bậc sau bà Phạm Thị Hàng.
3/- Bà Đức Tần Nguyễn Thị Huyên: (không rõ ngày sinh và ngày mất ) Bà là người gốc tỉnh Thừa Thiên, nhưng từ đời ông Nội đã vào Gia Định. Bà Đức Tần là con của Cai cơ Nguyễn Đức Xuyên và là thân mẫu của hoàng tử Hồng Diêu (1845-1875), hoàng tử thứ 25 của vua Thiệu Trị.
III – Vua Tự Đức: có một bà vợ là người Nam bộ:
1/- Bà Học Phi Nguyễn Thị Hương, Bà là người Vĩnh Long, không thấy Nguyễn Phúc Tộc Thế Phả ghi tên cha mẹ. Năm 1870 bà theo lệnh vua Tự Đức nhận công tử Ưng Đăng (Ưng Thi) mới 2 tuổi, con trai của Kiên Thái Vương Hường Cai, làm dưỡng tử. Sau nầy Ưng Đăng được tôn lên làm vua tức là vua Kiến Phước.
Tám vị vua sau vua Tự Đức (từ Dục Đức đến vua Khải Định) không vị nào có phi tần người Nam bộ cả.
IV – Riêng vị vua cuối cùng là Hoàng đế Bảo Đại: đi học ở Pháp về cưới bà Marie Thérèse Nguyễn Hữu Thị Lan.
– Nam Phương Hoàng hậu (1914-1963) Húy là Nguyễn Hữu Thị Lan và có tên thánh là Jeanne Mariette, con của Long Mỹ Quận công Nguyễn Hữu Hào, một đại điền chủ ở Nam bộ thời bấy giờ, bà là cháu ngoại ông Lê Phát Đạt, tức là ông Huyện Sỹ, một nhà giàu nhất Nam bộ đầu thế kỷ XX. Bà sinh năm Giáp Dần (1914) tại tỉnh Gò Công. Tuy là con nhà giàu có và thế lực nhất Nam Kỳ, nhưng ngay từ thuở nhỏ đã tỏ ra là một người tính tình rất thuần hậu vui vẻ. Năm 1927 bà được cho di du học tại Pháp, theo học trường Couvent des Oiseaux tại Paris, bà tốt nghiệp Tú tài Toàn phần. So với thời đó có thể nói bà là một người trí thức tây học có tầm cỡ.
Hoàng tử Vĩnh Thuỵ được phong là Đông Cung Thái tử, theo sự gợi ý của Pháp, ông được vua Khải Định uỷ thác cho Khâm sứ Trung Kỳ Charles làm cha đỡ đầu và cho sang Pháp du học. Năm 1922, Hoàng tử Vĩnh Thuỵ theo vợ chồng ông Charles sang Pháp. Năm 1925, vua Khải Định băng hà, Hoàng tử tạm bỏ dở việc học về thọ tang cha đồng thời ở lại nhận lễ phong Vương, lên ngôi xong, vua Bảo Đại sang Pháp tiếp tục việc học. Đến năm Nhâm thân (1932), theo lệnh của chánh phủ Pháp, hai vợ chồng ông Charles đưa Bảo Đại trở về Việt Nam. Năm đó cô Nguyễn Hữu thị Lan cũng về thăm quê nhà. Pháp dàn cảnh để “ người quốc sắc kẻ thiên tài” hai người coi như ngẫu nhiên gặp nhau trên một chuyến tàu (chiếc tàu Messageries Maritimes). Thâm tâm của Pháp muốn vua Bảo Đạo phải cưới một người vợ theo ý của họ, nghĩa là một con chiên ngoan dạo Thiên chúa, có học thức,có quốc tịch Pháp. Sau khi về Huế, để thực hiện ý đồ đó,người Pháp đề nghị hoàng đế Bảo Đại lên Đà Lat nghỉ mát, đồng thời cũng ngầm thông báo cho ông Nguyễn Hữu Hào đưa người con là Nguyễn Hữu Thị Lan lên thăm xứ Hoa Đào và trong một buổi dạ tiệc hai người gặp nhau. Sau những lần gặp nhau ở Đà Lạt, hai người tây học nhưng còn dè dặt một chút giữ gìn văn hóa đông phương ‘’tình trong như đã mặt ngoài còn e“. Sau đó,Vị Quân vương thông báo cho thân mẫu là bà Từ Cung và triều đình biết cũng như yêu cầu “nạp phi” cô Nguyễn Hữu Thị Lan. Trước sự việc bất ngờ, triều đình và Lưỡng cung rất bối rối nhất là vấn đề tôn giáo. Biết được điều lo lắng nầy, Pháp buộc triều đình Huế phải thông báo cho hoàng gia biết quyết định về hôn nhân của vua Bảo Đại. Thế là cả Hoàng tộc và triều đình Huế phải tuân theo ý muốn của vua Bảo Đại. Ngày 20-3 -1934 lễ thành hôn của vua Bảo Đại và bà Nguyễn Hữu Thị Lan được tiến hành một cách long trọng, trước sự hiện diện của Triều đình và các quan chức đại diện cho Pháp. Điều đặc biệt hơn hết là khi nhập cung xong, vua Bảo Đại tổ chức một buổi lễ trọng thể tấn phong ngay cho bà làm Hoàng hậu, và ra một chỉ dụ cho phép bà được mặc áo vàng – một màu cao quý mà từ xưa đến nay chỉ đặc biệt dành cho nhà vua. Vua Bảo Đại ban mỹ danh cho vị Hoàng hậu là Nam Phương Hoàng hậu (hương thơm của phương Nam – Parfum du Sud). Lễ tấn phong được cử hành ở đại sảnh trong điện Cần Chánh. Trước sân chầu trải thảm đỏ và vàng để cho Hoàng đế ngự qua.Triều thần tập họp đông đủ. Giữa hai hàng quan chức Triều đình nghinh đón, Hoàng hậu vận triều phục, đầu đội mũ cửu phượng, chân đi hia mũi nhọn, từ từ tiến về phía Hoàng đế đang ngồi chờ trên ngai vàng. Khi đến trước mặt Hoàng đế, Hoàng hậu khấu đầu vái ba vái rồi ngồi vào một chiếc ngai thấp hơn ở bên phải Hoàng đế. Sau đó, Nam Phương Hoàng hậu được chuyển vào ở tại điện Kiến Trung trong Tử Cấm Thành, cùng với nhà vua. Điện Kiến Trung được xây dưới thời vua Khải Định, kiểu kiến trúc có pha đường lối kiến trúc tây phương, bây giờ được sửa lại rất đẹp với nhiều tiện nghi, có nhiều phòng ngủ, phòng ăn, phòng làm việc.
Buổi xế chiều, Hoàng hậu vào triều kiến Đức Hoàng Thái hậu. Đức bà rất hoan hỉ và tiếp đón Hoàng hậu một cách niềm nở. Một Kim sách được mở ra khắc tên Hoàng hậu và tờ Sắc chỉ phong Hoàng hậu cho bà được niêm yết ở lầu Phu Văn cho bá tánh biết.
Ngay buổi chiều ngày cưới Hoàng đế và Hoàng hậu có mời ông bà Charles đến dùng cơm tối. Sau đó, biết mình đã hoàn thành nhiệm vụ, hai ông bà trở về Pháp. (Chuyện nội cung Cựu Hoàng Bảo Đại – NXB. Thuận Hoá – NĐX)
Từ khi được tấn phong hoàng hậu đứng đầu lục viện, với phương pháp làm việc khoa học, bà Nam Phương hoàng hậu đã chu toàn công việc của mình một cách tuyệt hảo đến nỗi bà Từ Cung, một người rất khó tánh trong các lễ nghi còn phải khen ngợi. Bao nhiêu lễ cúng kỵ trong Hoàng tộc, một tay bà Nam Phương đảm nhiệm không sai sót chỗ nào. Vừa chăm sóc nuôi dạy các hoàng tử, các công chúa, vừa trông coi công việc của lục viện, một việc không đơn giản chút nào lại phải ngày ngày sang hầu Thánh Cung, Tiên Cung và Từ Cung thế mà nét mặt luôn vui tươi, không một chút than thở, một người dâu như bà thì khó ai tốt hơn.
Việc tấn phong hoàng hậu cho bà Nguyễn Hữu Thị Lan khi mới nhập cung gặp phải chủ trương “Tứ bất lập” của triều Nguyễn, việc nầy có quy định rất rõ trong các thể chế, luật lệ, lễ nghi từ thời vua Minh Mạng về sau: không lập hoàng hậu, không lập Thái tử, không đặt chức Tể tướng và không lấy đỗ Trạng nguyên. Việc tấn phong nầy đã phá vỡ 4 điều cấm kỵ đó và được xem như một ngoại lệ.
Năm 1939, Vua Bảo Đại và Nam Phương Hoàng hậu cùng với 3 người con lên đường sang Pháp. Trong chuyến đi nầy bà Nam Phương Hoàng hậu tha thiết ước nguyện được ghé qua La-Mã và xin được yết kiến Đức Giáo Hoàng. Khi đến La Mã, vua Bảo Đại và Hoàng hậu được Đức Giáo Hoàng tiếp đón trọng thể, uy tín của bà được tăng thêm. Hoàng hậu Nam Phương là người phụ nữ đầu tiên của nhà Nguyễn cùng chồng làm ngoại giao.
Hoàng hậu Nam Phương sinh được 5 người con: 2 hoàng tử là Bảo Long (1936), Bảo Thăng (1943) và 3 công chúa là Phương Mai (1937), Phương Liên (1938), và Phương Dung (1942).
Ngày 25-8-1945, vua Bảo Đại tuyên bố thoái vị. Năm 1948, bà sang Pháp sống với các con tại một ngôi nhà ở Chabrignac, ngoại ô Paris cho đến ngày qua đời (1963). Má phấn sanh nhằm thởi loạn lạc, buồn việc nước, lo việc nhà, Hoàng hậu sống cô đơn trong ngôi nhà đá cẩm thạch ở ngoại ô Paris, lâu lâu bà mới về Paris vài ngày. Ngày 14-9-1963, sau khi từ Brive về, bà than bị đau cổ. Hôm sau, bà cho mời bác sĩ chẩn bệnh, bác sĩ cho biết bà bị viêm họng, nhưng không ngờ vài tiếng đồng hồ sau, Hoàng hậu lại bảo khó thở, nghẹt thở (diphtérie), vì nhà ở ngoại ô, các bác sĩ không đủ phương tiện chữa trị, Hoàng hậu qua đời đúng vào năm bà 49 tuổi (1963). Bà được an táng ngay tại Chabrignac, trong một nghĩa địa của nhà thờ. Một ngôi mộ đơn sơ không tương xứng với một người đã một thời từng là bậc Mẫu Nghi thiên hạ. Trước mộ có dựng một tấm mộ bia cẩm thạch khá lớn ghi bằng tiếng Pháp:
“Ici repose l’ Impératrice d’ Annam née Jeanne Mariette Nguyễn Hưu Hào’’ 4-12-1914 – 15-9-1963.
Mặt sau tấm mộ bia có trang trí hình hoa văn và ghi một dòng bằng chữ Hán: “ĐẠI NAM NAM PHƯƠNG HOÀNG HẬU CHI MỘ’’.
Nhắc đến đây, người đời không khỏi chạnh lòng thương tiếc vị Hoàng hậu, tài hoa bạc mệnh, ‘’Má phấn sinh nhằm ngày loạn lạc…’’, vì chiến tranh phải lạc bước nơi Tây phương cho đến ngày trở về cát bụi mà chưa tìm ra lối về quê hương trăm nhớ nghìn thương. Cát bụi về cùng cát bụi, Thiên tài quốc sắc vẫn ngậm ngùi!
Nguồn bài đăng