Desmond Tutu – Tổng Giám mục đấu tranh vì nhân quyền
Nguồn : 100 Leaders (truy cập ngày 17/8/2015) Biên dịch & Hiệu đính : Phạm Hồng Anh Desmond Tutu là một giám mục Giáo hội Anh giáo, là người đã đấu tranh để chấm dứt chế độ apartheid (a-pác-thai) ở Nam Phi – chế độ phân biệt người da đen và da trắng. Ông đã chứng kiến người da đen ở ...
Nguồn: 100 Leaders (truy cập ngày 17/8/2015)
Biên dịch & Hiệu đính: Phạm Hồng Anh
Desmond Tutu là một giám mục Giáo hội Anh giáo, là người đã đấu tranh để chấm dứt chế độ apartheid (a-pác-thai) ở Nam Phi – chế độ phân biệt người da đen và da trắng. Ông đã chứng kiến người da đen ở Nam Phi chịu cảnh phân biệt đối xử và bị tước mọi quyền lợi, và đứng ra kêu gọi mọi người phản kháng một cách hòa bình. Dưới sự lãnh đạo của ông, Hội đồng các Giáo hội Nam Phi (South African Council of Churches) đã yêu cầu chính phủ chấm dứt chế độ a-pác-thai. Sau năm 1994, khi chế độ phân biệt chủng tộc được xóa bỏ, Giám mục Tutu đứng đầu một ủy ban giúp hòa giải sự chia rẽ dân tộc sâu sắc ở Nam Phi. Sau đó Tutu tiếp tục đấu tranh để xây dựng một đất nước Nam Phi dân chủ, nơi mọi người đều được tự do. Ông cũng đấu tranh cho công lý khắp nơi trên thế giới.
Desmond Tutu theo học tại trường Thần học Thánh Peter tại Johannesburg, Nam Phi và được phong chức mục sư Anh giáo vào năm 1961. Ông trải qua nhiều vai trò trong Giáo hội và được bổ nhiệm làm trưởng đoàn mục sư Anh giáo ở Johannesburg năm 1975. Ở cương vị này, Tutu bắt đầu kêu gọi mạnh mẽ việc chấm dứt chế độ apartheid một cách hòa bình.
Tutu tổ chức những cuộc biểu tình hòa bình phản đối chế độ phân biệt chủng tộc. Ông bị bắt giữ hai lần và bị tịch thu hộ chiếu. Ông kêu gọi các quốc gia khác gây áp lực bằng cách tẩy chay (ngừng các hoạt động thương mại với) Nam Phi. Ông ủng hộ biểu tình phi bạo lực. Năm 1984, Giám mục Tutu được trao giải Nobel Hòa bình vì những đóng góp của ông cho phẩm giá con người và tự do ở Nam Phi.
Sau khi chế độ apartheid bị xóa bỏ vào năm 1993, tổng thống Nam Phi Nelson Mandela đã yêu cầu Tutu tiếp tục cống hiến để đảm bảo Nam Phi có một sự quá độ hòa bình thành một đất nước dân chủ, dựa trên nền tảng bình đẳng và tự do cho tất cả mọi người.
Sau khi nghỉ hưu, Tutu tiếp tục ủng hộ công lý trên toàn cầu. Năm 2009, ông được trao Huy chương Tự do của Tổng thống Hoa Kỳ. Cùng với nhóm Lãnh đạo cao niên (The Elders)[1], ông tiếp tục vận động nhằm thúc đẩy những giải pháp hòa bình cho các cuộc xung đột trên thế giới.
—————————————————
[1] The Elders là một nhóm các nhà lãnh đạo thế giới, được tổng thống Nelson Mandela khởi xướng thành lập năm 2007. Giám mục Tutu làm Chủ tịch nhóm này. Các thành viên sáng lập khác có Kofi Annan, Ela Bhatt, Gro Harlem Brundtland, Jimmy Carter, Li Zhaoxing, Mary Robinson, Jonathan Park, Muhammad Yunus và Aung San Suu Kyi, người mà ghế được để trống tượng trưng, vì bà lúc đó vẫn là một tù nhân chính trị bị giam giữ ở Myanmar.