Ghi chú về nền văn học Việt Nam
Đặng Thanh Bình Nhà Tần mất, Triệu Đà lập quốc Nam Việt trên đất Lưỡng Quảng, thông thương với Nam Âu Lạc của người Mol ở bắc Việt Nam ngày nay. Sau bị nhà Tây Hán diệt. Năm 29, nhà Đông Hán cử Nhâm Diên sang làm quan sứ (như đại sứ ngày nay) ở Nam Âu Lạc, đến năm 34 cử Tô Định làm ...
Đặng Thanh Bình
Nhà Tần mất, Triệu Đà lập quốc Nam Việt trên đất Lưỡng Quảng, thông thương với Nam Âu Lạc của người Mol ở bắc Việt Nam ngày nay. Sau bị nhà Tây Hán diệt. Năm 29, nhà Đông Hán cử Nhâm Diên sang làm quan sứ (như đại sứ ngày nay) ở Nam Âu Lạc, đến năm 34 cử Tô Định làm tiên phong, dẫn quân xâm chiếm Nam Âu Lạc, nhưng thất bại. Năm 40 cử Mã Viện phục ba tiến hành xâm chiếm lần thứ hai nhưng kế hoạch bị giang dở. Năm 137 Khu Liên lập quốc trên đất Tượng Lâm (Nhật Nam). Đất Nam Âu Lạc tự trị dưới thời Sĩ Tiếp, Đào Hoàng đến thời Lý Trường Nhân. Từ thời Lý Thúc Hiền tới thời Lý Tự Tiên, châu Giao độc lập. Tình hình An Nam trở nên phức tạp cho đến năm 880 Khúc Thừa Dụ làm cuộc binh biến, giành độc lập cho bắc Việt Nam. Nước Đại Việt trải các triều: Lý, Trần, Lê, Nguyễn thì thuộc Pháp.
* Về phương diện lịch sử chúng ta có thể tạm chia Việt Nam thành 4 thời kỳ: Thời kỳ tiền sử; thời kỳ dựng nước, thời kỳ trung đại và thời kỳ hiện đại.
– Thời kỳ tiền sử với nền văn hoá mang tính bản địa như Đông Sơn.
– Thời kỳ dựng nước chứng kiến sự giao thoa văn hoá giữa bản địa và ngoại lai (Trung Quốc và Ấn Độ)
– Thời kỳ trung đại là sự bành trướng về lãnh thổ.
– Thời kỳ hiện đại là sự tiếp thu văn hoá phương tây.
* Về phương diện tư tưởng chúng ta có thể tạm chia Việt Nam thành 4 thời kỳ: Thời kỳ bản địa, thời kỳ ảnh hưởng của phật giáo; thời kỳ ảnh hưởng của nho giáo; thời kỳ ảnh hưởng của phương tây.
– Thời kỳ bản địa, đây là thời kỳ văn hoá của người Mol chưa bị ảnh hưởng mạnh từ các luồng tư tưởng ngoại lai
– Thời kỳ chịu ảnh hưởng của phật giáo, lấy từ Mâu Tử viết Lý hoặc luận đến cuối triều Lý đầu triều Trần.
– Thời kỳ chịu ảnh hưởng của nho giáo, lấy từ triều Trần tới cuối triều Nguyễn
– Thời kỳ chịu ảnh hưởng của phương tây, lấy từ triều Nguyễn tời nay.
Chúng ta không có những bằng chứng về một nền văn học của người Mol, nhưng chúng ta có thể giả thuyết rằng: tồn tại nền văn học dân gian của người Mol. Bước vào thời điểm công nguyên, Phật giáo du nhập trực tiếp vào Việt Nam. Qua trường hợp của Mâu Tử chúng ta biết rằng Đạo giáo cũng du nhập vào Việt Nam. Mâu Tử vốn là đệ tử của Đạo giáo nhưng khi sang sinh sống ở Việt Nam thì lại trở thành Phật tử và là tác giả của tác phẩm Lý hoặc luận. Cùng thời lại có trường hợp của Khương Tăng Hội sang nước Ngô (thời Tam quốc) truyền đạo [xin xem thêm Lê Mạnh Thát] Sách Thiền Uyển tập anh chép: “Một phương Giao Châu, đường thông Thiên Trúc, Phật pháp lúc mới tới, thì Giang Đông chưa có, mà Luy Lâu lại dựng chùa hơn hai mươi ngôi, độ Tăng hơn 500 người, dịch kinh 15 quyển, vì nó có trước vậy” [Câu quốc sư Thông Biện dẫn lời sư Đàm Thiên (trình vua Tuỳ Cao Tổ) để trả lời hoàng thái hậu Ỷ Lan] . Vậy là Phật giáo được truyền trực tiếp vào Việt Nam, sau đó từ Việt Nam truyền trực tiếp lên Ngô quốc. Vậy thì vì sao người Việt không tiếp thu chữ viết từ Ấn Độ như các tộc người xung quanh ?
Thời chiến quốc rồi thời tam quốc ở phương bắc đã gây ra áp lực dẫn tới những dòng người di cư xuống phía nam, những người phương bắc đủ cả đi qua và dừng lai ở bắc Việt Nam, giống như người bản địa, họ tiếp thu Phật giáo. Ngoài mang theo tư tưởng Đạo giáo họ còn mang theo chữ viết. Ngành khảo cổ học phát hiện ra rất nhiều hiện vật có khắc Hán tự khoảng 2000 năm [xin xem thêm Nguyễn Việt] Đó là những bằng chứng cho thấy chữ Hán đã được du nhập vào Việt Nam từ rất sớm. Không chỉ Việt Nam mà các nước trong khu vực đều chịu ảnh hưởng lớn từ Phật giáo, ngay cả Trung Quốc đến thời Đường, Phật giáo cũng vẫn rất phát triển.
Nền văn học Việt Nam thời kỳ dựng nước rất ít ỏi, lác đác một vài tác giả, mà chủ yếu là các Thiền sư, những bài thơ, bài văn chủ yếu là về Phật học. Một sự kiện mang tính bước ngoặt đối lịch sử đó là sự chấm dứt của triều đại nhà Đường. Phương bắc bước vào giai đoạn Thập đại Ngũ quốc, rồi nhà Tống. Phật giáo Trung Quốc giai đoạn này suy tàn. Trong khi phương nam giành độc lập, Phật giáo tiếp tục hưng thịnh, đỉnh điểm là thời nhà Lý. Chữ Hán có lẽ đã trở nên thông dụng trong xã hội, đã đến thời điểm cải tiến để mang một hình thái mới cho phù hợp với yêu cầu: do đó những tín hiệu của chữ Nôm ra đời. Sự xuất hiện của nhu cầu đòi hỏi phải có một hình thái chữ viết mới mà chữ Hán không đáp ứng được cho thấy nhận thức, lý luận của người Việt đã đạt trình độ nhất định. Giai đoạn này chúng ta chứng kiến sự ra đời của một thế hệ vàng với những cái tên như: Mãn Giác (1052-1096); Viên Chiếu (999-1090); Viên Thông (1080-1151); Không Lộ ( —–1119); Quảng Nghiêm (1121-1191)… Có khoảng 40 nhà sư sáng tác. Những tập văn như: Báo cực truyện, Thiền Uyển tập anh; Việt điện u linh tập của Lý Tế Xuyên… Tôi cho rằng đây là thế hệ vàng đầu tiên trong lĩnh vực văn học, có 2 nguyên nhân tạo ra thế hệ vàng này là: Các thiền sư uyên thâm về chữ Hán và uyên thâm về Phật học. Các nhà sư này chính là độ chín của sự phát triển Phật học. Không chỉ có bó hẹp trong lĩnh vực văn học, thế hệ này còn đạt độ chín trong lĩnh vực tư tưởng, lý luận. Về phương diện Phật học, thành quả của thế hệ này có sự đóng góp rất lớn của nhóm tây du trước đây gồm: Vận Kỳ, Giải Thoát Thiên, Khuy Xung, Trí Hạnh, Tuệ Viêm, Đại Thừa Đăng [xin xem thêm Lê Mạnh Thát]
Phật học tiếp tục phát triển sang thời Trần, đồng thời với nó văn học cũng phát triển, đặc biệt là lý luận, tư tưởng phát triển vượt trội, bứt phá. Văn học thời Lý chủ yếu từ 2 nguồn là: các thiền sư và văn học dân gian. Trong khi sang thời Trần thì chủ yếu là: vua quan. Tuy nhiên thời kỳ này, do những đòi hỏi trong lý luận, tư tưởng mạnh mẽ mà chữ Nôm đang dần thế chỗ chữ Hán. Phải đề cập tới Hàn Thuyên về khía cạnh này. Chữ Nôm ra đời bắt nguồn từ những đòi hỏi trong nhận thức chứ không phải từ việc cần ghi lại những tên gọi Việt. Nó ra đời khi mà người Việt dùng tiếng nói mẹ đẻ để hoạt động tinh thần.
Một điểm khá thú vị là khi chữ Nôm hình thành thì cũng là thời kỳ người Việt du nhập mạnh Nho giáo, cuối thời Trần rồi tới đầu thời Lê và sau này là thời Nguyễn, Nho giáo trở thành độc tôn. Đạo giáo thì hoà nhập với tín ngưỡng dân gian, song hành cùng Phật giáo. Không chỉ có Nho giáo ảnh hưởng tới Việt Nam, mà toàn bộ mọi khía cạnh của văn hoá Trung Quốc ảnh hưởng tới Việt Nam. Thời kỳ này xuất hiện một số tác giả lớn như: Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, Nguyễn Bỉnh Khiêm. Thế nhưng thế hệ vàng thứ hai lại là những tác giả ở giai đoạn sau như: Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn-Đoàn Thị Điểm (1705-1748); Cung oán ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều (1741-1798); Hoàng lê nhất thống chí của Ngô Văn gia phái; Thượng kinh ký sự của Lê Hữu Trác (1720-1791); Truyện Kiều của Nguyễn Du (1766-1820); Thơ của Hồ Xuân Hương (1772-1822)… Còn rất nhiều các tác giả khác. Thế hệ vàng này là kết quả của sự ra đời chữ Nôm và ảnh hưởng của Nho giáo.
Năm 1858 người Pháp nổ súng tấn công Đại Nam, năm 1884 triều Nguyễn chấp nhận sự bảo hộ của Pháp. Trước đó, nhờ các giáo sĩ phương tây, phiên âm tiếng Việt dưới dạng chữ La tinh mà dẫn đến hình thành một loại chữ viết mới, mà ngày nay gọi là chữ Quốc ngữ. Người được biết đến là Alexandre de Rhodes (1591-1660). Đồng thời với sự hình thành của chữ Quốc ngữ, tư tưởng phương tây cũng bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam, đầu tiên là trong lĩnh vực tôn giáo qua những giáo sĩ. Cuộc tranh đấu giữa văn hoá Việt Nam (về sâu xa là văn hoá Trung Quốc) với văn hoá phương tây diễn ra, trong đó có chữ viết. Việt Nam ghi nhận nền Nho học suy tàn với những người còn sót lại trong lĩnh vực văn học như Nguyễn Khuyến (1835-1909). Chữ quốc ngữ ra đời và được phổ biến rộng rãi, gắn liền với nó là những sáng tác văn học. Thể loại báo chí ra đời, cũng đóng góp rất lớn vào sự phổ biến của chữ Quốc ngữ cũng như mở toang cánh cửa giữa các nhà thơ, nhà văn nước nhà. Bấy giờ, sự ra đời của báo chí, tạo ra một sân chơi chung rộng lớn từ bắc chí nam, đã đẩy sự giao lưu, giao thoa văn nghệ lên một bậc, chứ không còn dừng lại ở một nhóm (thường là theo địa lý) nhỏ vài ba người như xưa kia. Một ưu điểm nữa của báo chí là giữ vai trò lưu trữ những tài liệu quý về văn học.
Những sáng tác văn học (dùng chữ Quốc ngữ) thời gian đầu còn ít và chưa có gì đặc sắc nhưng khi đã đến độ chín thì Việt Nam xuất hiện thế hệ vàng thứ ba, mà tiêu biểu như: Phan Khôi (1887-1959); Lưu Trọng Lư (1911-1991); Thế Lữ (1907-1989); Xuân Diệu (1916-1985); Nguyễn Bính (1918-1966); Hàn Mặc Từ (1912-1940); Vũ Hoàng Chương (1916-1976); Vũ Trọng Phụng (1912-1939); Ngô Tất Tố (1894-1954); Nam Cao (1915/1917-1951); Nguyễn Công Hoan (1903-1977); Văn Cao (1923-1995); Đoàn Chuẩn (1924-2001); Phạm Duy (1921-2013); Phạm Đình Chương (1929-1991); Đặng Thế Phong (1918-1942); Bùi Xuân Phái (1920-1988); Nguyễn Gia Trí (1908-1993); Tô Ngọc Vân (1906-1954); Nguyễn Tường Lân (1906-1946); Trần Văn Cẩn (1910-1994); Hoài Thanh (1909-1982)…… Còn rất rất nhiều nữa, mà chúng ta không thể kể hết.
Thế hệ vàng này xuất hiện trên cơ sở 2 yếu tố là: sự ra đời của chữ Quốc ngữ và ảnh hưởng mạnh mẽ của văn hoá phương tây. Ở thế hệ này một sự cách tân mạnh mẽ mang tính cách mạng cả trên tư tưởng, thẩm mỹ cũng như hình thức thể hiện. Chúng ta hiện vẫn nhìn phòng trào thơ mới chỉ dừng lại ở giai đoạn 1930-1945. Cái nhìn này bị chi phối bởi sự kiện lịch sử năm 1945. Tôi cho rằng thế hệ vàng này đã thực hiện cuộc cách tân cơ bản làm thay đổi toàn bộ nền văn học Việt Nam thời điểm đó, nhưng cuộc cách tân này vẫn tiếp tục ở giai đoạn phong trào nhân văn giai phẩm. Thật đáng tiếc, một đòn đánh mạnh, đã làm nền văn học Việt Nam què một chân, chân còn lại chính là nền văn học miền nam Việt Nam. Bây giờ, nền văn học Việt Nam đã mở những cánh cửa ra nền văn học chung của thế giới, chúng ta bây giờ mới đang quan sát xem: họ nghĩ gì, viết gì và làm văn học như thế nào với một tâm tư chất chứa trong lòng và mong mỏi cầu thị, hội nhập, cho đến khi ta bắt kịp họ thì những chất chứa, suy tư của chúng ta cũng đủ lớn, khi ấy sẽ có một thế hệ vàng nữa. Thế hệ nhìn các vấn đề thế giới dưới con mắt Việt Nam.
Đây là một bài viết ngắn, đưa ra một cái nhìn khác về những đợt sóng, những quy luật của nền Văn học Việt Nam. Bài viết này còn nhiều thiếu sót khi không đưa được ra những thống kê cụ thể về các tác giả, tác phẩm và năm tháng. Đồng thời cũng không khảo sát được một khu vực văn học khác trong tổng cấu thành của nền văn học Việt Nam là: Văn học dân gian (và có thể rộng hơn là cả nền văn học của các tộc người anh em).
Tạm kết: Qua những khảo sát trên, chúng ta nhận thấy, nền văn học Việt Nam là những ngọn đồi liên tiếp. Ngọn đồi chữ Hán và Phật giáo; Ngọn đồi chữ Nôm và Nho giáo; Ngọn đồi chữ Quốc ngữ và văn hoá phương tây. Sườn sau của ngọn đồi này bắt liền với sườn trước của ngọn đồi kia. Nhưng luôn có dòng sông lượn ngay cạnh những sườn đồi.
* Bảng sơ đồ: Văn học Việt Nam
??? | VH đương đại | Văn học dân gian | Đương đại | |
Hưng thịnh | VH phương tây | Hiện đại | ||
Chữ Quốc ngữ | ||||
Tiếp thu
Suy tàn |
||||
Hưng thịnh | Nho giáo | Lê | ||
Chữ Nôm | ||||
Tiếp thu
Suy tàn |
||||
Hưng thịnh | Phật giáo | Trần
Lý |
||
Chữ Hán | ||||
Tiếp thu | ||||
VH dân gian | Dựng nước | |||
P/S: Văn học Việt Nam có một quy luật nhất định (tiếp thu-hưng thịnh-suy tàn). Dường như trước quy luật này, tất cả các yếu tố, từ chính trị-kinh tế-xã hội đều không giữ vai trò quyết định. Trong bài Vài ghi chú về chữ Việt cổ tôi có đưa lại câu hỏi lớn của ngành Văn hoá học: Có nên tiếp thu các yếu tố từ nền văn hoá khác không ? việc tiếp thu sẽ giúp nền văn hoá Việt Nam có cơ hội sinh tồn tốt hơn, nhưng cũng đồng thời đánh mất đi bản sắc. Với bài viết này, thì việc tiếp thu các yếu tố của nền văn hoá khác không quá quan trọng bởi vì, sau khi tiếp thu: sẽ Việt hoá các yếu tố ấy như các thế hệ vàng đã làm.