Chiến lược phát triển Trường Đại học Thuỷ lợi giai đoạn 2016 – 2020, tầm nhìn 2030 sẽ trở thành một trong những trường đại học hàng đầu của Việt Nam, đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, đa ngành, đa lĩnh vực; nghiên cứu khoa học, phát triển và chuyển giao công nghệ tiên tiến trong các ngành khoa học, kỹ thuật, kinh tế và quản lý, đặc biệt trong lĩnh vực thủy lợi, môi trường, phòng chống và giảm nhẹ thiên tai. Chiến lược phát triển của Trường ĐHTL sẽ được thực thi trong từng giai đoạn, trong đó giai đoạn hiện nay sẽ đóng vai trò quyết định.
Nền giáo dục của các nước trong khu vực đã đạt đến trình độ cao, Việt Nam cũng đang nhanh chóng thực hiện đổi mới giáo dục để đạt được trình độ tương tự cả về tốc độ phát triển cũng như chất lượng giáo dục. Có thể thấy rằng Trường ĐHTL cần phải hội nhập và phát triển để có thể đáp ứng những yêu cầu về đạo tạo nhân lực trình độ cao, cũng như thực hiện tốt công tác nghiên cứu khoa học phục vụ cho mục tiêu trước mắt và lâu dài của đất nước.
Nhiệm vụ chủ yếu trong giai đoạn năm năm tới là tập trung vào việc áp dụng phương pháp tư duy mới cho sinh viên, giảng viên và các cán bộ quản lý; vận dụng các cơ chế thích hợp để cải thiện chất lượng cán bộ, phát triển chương trình đào tạo, nâng cấp và mở rộng các ngành đào tạo, thay đổi phương pháp dạy và học, thu hút đầu tư tài chính, hoàn thiện và phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng, huy động mọi nguồn lực, mở rộng hợp tác trong nước và quốc tế, cơ cấu lại bộ máy tổ chức của nhà trường.
Chiến lược phát triển Trường ĐHTL đã báo cáo Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và các vị lãnh đạo các Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Căn cứ xây dựng Chiến lược Phát triển là phân tích bối cảnh trong nước và quốc tế, kinh nghiệm của quá trình phát triển và dự báo nhu cầu phát triển trong tương lai. Các tài liệu liên quan đến thể chế, quy định của Chính phủ Việt nam liên quan đến giáo dục, chiến lược phát triển tài nguyên nước của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ ngành liên quan khác đều đã được nghiên cứu và phân tích kỹ.
Các kết luận của Chiến lược giai đoạn 2016 đến 2021 tầm nhìn đến 2030 được tóm tắt như sau:
Sứ mệnh: “Là trường đại học đa ngành, đa lĩnh vực, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu khoa học, phát triển và chuyển giao công nghệ tiên tiến trong các ngành khoa học, kỹ thuật, kinh tế và quản lý, đặc biệt trong lĩnh vực thủy lợi, môi trường, phòng chống và giảm nhẹ thiên tai; góp phần thúc đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa Đất nước và hội nhập quốc tế.”
Chiến lược đào tạo
ĐHTL sẽ tập trung chủ yếu vào các hoạt động liên quan đến các ngành như Tài nguyên nước, Tài nguyên và Môi trường, Phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, Kỹ thuật bờ biển, Phát triển nông thôn, Kinh tế và Quản lý, Kỹ thuật công trình, Công nghệ thông tin, Kỹ thuật phần mềm, Kỹ thuật dân dụng và vật liệu xây dựng, Kỹ thuật hóa học, Công nghệ chế tạo máy, Công nghệ sinh học,…
Quy mô tuyển sinh trình độ đại học đảm bảo quy mô đào tạo là 15.000 sinh viên chính quy theo quy định của Bộ GD&ĐT, và sẽ tăng lên khi cở sở vật chất của Trường được đầu tư mở rộng ở Khu Đại học Phố hiến – Hưng Yên, chuyển đổi Cơ sở 2 thành Phân hiệu Đại học Thủy lợi – Miền Nam. Tăng quy mô tuyển sinh trình độ thạc sĩ và tiến sĩ bình quân 10%/năm. Tiếp tục phát triển mở rộng ngành nghề đào tạo, ưu tiên mở các ngành nghề mà xã hội có nhu cầu lớn.
Xây dựng hồ sơ và trình Bộ GD&ĐT cho phép trong giai đoạn 2016-2021 có 32 ngành trình độ đại học chính quy, 06 ngành liên thông cao đẳng-đại học, 23 ngành trình độ thạc sĩ, 17 ngành trình độ tiến sĩ. Trong giai đoạn 2021-2030 mở mới 12 ngành trình độ đại học, 08 ngành trình độ thạc sĩ và 06 ngành trình độ tiến sĩ.
Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ
Hợp tác, xây dựng và phát triển một số lĩnh vực khoa học công nghệ mũi nhọn và truyền thống, tạo khả năng thương mại để giải quyết các vấn đề khoa học từ thực tế yêu cầu, phát triển trường ĐHTL thành trường đại học nghiên cứu tiên tiến về lĩnh vực công nghệ thủy lợi, thủy điện, môi trường.
Chiến lược phát triển nguồn nhân lực
Việc tuyển dụng các nhà nghiên cứu, giảng viên sẽ tuân theo những đòi hỏi nghiêm ngặt của Trường, các Viện, Trung tâm chuyên ngành. Việc lựa chọn và sàng lọc cũng sẽ được thực hiện theo quy định tuyển dụng và đào thải giảng viên của ĐHTL. Thêm vào đó, một quy chế toàn diện về chức năng, trách nhiệm và nhiệm vụ của cán bộ, giảng viên cũng sẽ được xây dựng. Mọi hoạt động tuyển dụng và đào tạo cho cán bộ quản lý sẽ tuân theo quy định hiện hành của Nhà nước và Nhà trường.
Chiến lược phát triển cơ sở hạ tầng
Cơ sở hạ tầng của Trường ĐHTL sẽ được đầu tư xây dựng đồng bộ, khang trang, hiện đại đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu, sinh hoạt phục vụ cuộc sống của cán bộ giảng viên và sinh viên trong toàn trường.
Sử dụng hiệu quả Cơ sở mở rộng Khu Đại học Phố Hiến – Hưng Yên, Phân hiệu Trường Đại học Thủy lợi – Miền Nam. Tất cả các giảng đường được lắp đặt điều hòa, máy chiếu, trang thiết bị tốt nhất để học tập, giảng dạy, nghiên cứu; phòng thí nghiệm, khu văn phòng, ký túc xá, đều sẽ được nâng cấp hoặc xây mới. Thư viện ĐHTL sẽ được bổ sung các giáo trình, tài liệu tham khảo và phát triển thành thư viện điện tử, được kết nối trực tiếp với mạng lưới thư viện quốc gia.
Chiến lược phát triển Tài chính và tiền lương
– Xây dựng phương thức quản lý để tăng cường phát triển, thu hút, sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính và tiến tới cơ chế tự chủ về tài chính song song với xu thế mở rộng quyền tự chủ cho các Trường đại học.
– Thực hiện đa dạng hóa nguồn tài chính bao gồm các nguồn từ đào tạo, nghiên cứu khoa học, nguồn dự án, nguồn phát triển các hoạt động dịch vụ hỗ trợ cộng đồng, nguồn từ giáo trình, tài liệu và cung cấp thông tin, nguồn hỗ trợ từ các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng, cựu sinh viên và từ ngân sách.
– Xây dựng cơ chế tài chính hợp lý, có khả năng khai thác, thu hút nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển của cơ sở đào tạo cả về quy mô và chất lượng một cách bền vững. Đảm bảo thu nhập của người lao động tăng hàng năm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người lao động.
Hợp tác quốc tế và khu vực
ĐHTL sẽ mở rộng các mối quan hệ quốc tế và khu vực, bao gồm các viện đào tạo, trung tâm nghiên cứu, tổ chức tài chính, tổ chức Phi chính phủ từ các nước thuộc Châu Âu, Châu Á và Châu Mỹ, từ đó tạo cơ hội tiếp cận với tiêu chuẩn giáo dục hàng đầu của các trường đại học tiên tiến trên thế giới, khả năng phát triển hợp tác nghiên cứu khoa học trong các lĩnh vực quan tâm chung. Điều đó cũng tạo tiền đề cho việc thực hiện trao đổi giáo sư, giảng viên, là một hoạt động chính trong công tác chuyên môn của ĐHTL.
Tiếp tục duy trì và và củng cố các hợp tác đã có với các nước và các tổ chức quốc tế, đặc biệt là Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc, New Zealand, Hà Lan, Ý, Đức, Mỹ, ADB, Ngân hàng Thế giới, UNDP, AFD…và tìm kiếm, mở rộng cơ hội hợp tác với các đối tác mới.
Chiến lược Công nghệ thông tin
Chiến lược phát triển sẽ đưa trường ĐHTL thành một trường tiên tiến trong khu vực tận dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học, tư vấn và quản lý, công nghệ đào tạo trực tuyến và Đại học điện tử. Việc đầu tư sẽ được thực hiện và kế hoạch nâng cấp sẽ được áp dụng cho từng khoa, viện, trung tâm để các đơn vị này có thể tự xây dựng chiến lược phát triển công nghệ thông tin của đơn vị mình
Công tác sinh viên
Thu hút thí sinh đăng ký vào Trường ngày càng tăng cả về số lượng và chất lượng. Nâng cao chất lượng của sinh viên trong học tập, rèn luyện, nghiên cứu khoa học và hoạt động tập thể để sinh viên phát triển phát triển toàn diện, có đạo đức, tri thức, sức khoẻ, thẩm mỹ và nghề nghiệp để có khả năng tìm các công việc phù hợp ngay sau khi tốt nghiệp và dễ dàng theo kịp cơ chế thị trường.
Chiến lược quản lý chất lượng đào tạo
Chiến lược Đảm bảo và Kiểm định chất lượng giáo dục với quan điểm “chất lượng đào tạo là mục tiêu hàng đầu và phải luôn tự đánh giá, kiểm tra chất lượng bằng nhiều phương pháp, nhiều nguồn thông tin để có giải pháp điều chỉnh cho thích hợp, nhằm mục đích ngày càng nâng cao chất lượng đào tạo. Kiểm định chất lượng cần tập trung vào kiểm tra mục tiêu đào tạo, kết quả thực hiện, về nguồn nhân lực, vật lực và sự chuẩn bị cho giai đoạn kế tiếp để đảm bảo thực hiện thành công toàn bộ chiến lược phát triển”.
Hoàn thiện đánh giá, kiểm định chất lượng chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn AUN-QA.