Trường Đại học Thủ đô Hà Nội có tiền thân là trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội được thành lập ngày 06/01/1959. Trong suốt quá trình xây dựng và trưởng thành, nhà trường đã không ngừng phát triển, đóng góp xuất sắc vào sự nghiệp giáo dục đào tạo của Thủ đô Hà Nội nói riêng và của cả nước nói chung. Lịch sử hình thành và phát triển của nhà trường gắn liền với sự nghiệp đấu tranh cách mạng cũng như phát triển của đất nước và Thủ đô và có thể được chia ra các giai đoạn chủ yếu sau đây:
1. Năm 1959: Trường Sư phạm Trung, Sơ cấp Hà Nội
Trong thời gian chuẩn bị cho năm học 1959 – 1960, Sở Giáo dục Hà Nội đã gửi tờ trình lên Bộ Giáo dục và Ủy ban Hành chính thành phố xin phép cho Hà Nội được mở trường Sư phạm. Sở Giáo dục đã giao nhiệm vụ cho hai đồng chí Nguyễn Công Tạc và Bùi Đình Tân cùng một số giáo viên cũ của trường Sư phạm Sơ cấp và Chu Văn An II chịu trách nhiệm tổ chức trường Sư phạm đầu tiên của Thủ đô: Trường Sư phạm Trung, Sơ cấp Hà Nội.
Nguồn: Internet
2. Năm 1969: Trường Sư phạm Cấp II Hà Nội
Việc đào tạo giáo viên cấp 2 hệ 7+2, thật ra chỉ là giải pháp tình thế nhằm khắc phục tình trạng thiếu giáo viên nghiêm trọng của Thủ đô Hà Nội mấy năm sau hòa bình lập lại. Nhưng chúng ta đã sớm nhận thức được, là muốn có đội ngũ giáo viên cấp 2 có chất lượng hơn thì cần sớm nâng cấp hệ đào tạo khi điều kiện cho phép. Chính vì vậy mà trường chỉ mở 2 khóa 7+2, sau đó chuyển sang hệ 10+1.
Đầu năm học 1969 – 1970, nhà trường chỉ còn hệ đào tạo Sư phạm cấp II với 4 ban: văn sử, toán lí, sinh hóa, sinh địa. Đây cũng là năm học cuối cùng của khóa I, hệ đại học. Cũng từ năm học này, trường mang tên mới: Trường Sư phạm cấp II (10+3) Hà Nội.
Việc chuyển từ đào tạo theo các hệ trung cấp sang hệ đại học (10+3), tuy mới là thí điểm nhưng cũng đánh dấu một bước ngoặt lớn về chất đối với nhà trường. Sự thay đổi của hệ đào tạo giáo viên cấp II từ bậc trung cấp sang bậc đại học mở đầu thời kì ổn định tương đối lâu dài của nhà trường. Sự thay đổi hệ đào tạo đặt ra nhiều vấn đề mới mẻ về nội dung, phương pháp, công tác quản lí điều hành buộc nhà trường phải suy nghĩ, tìm tòi các biện pháp giải quyết.
Nguồn: Internet
3. Năm 1978: Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội
Từ một trường Sư phạm không chính quy của địa phương, chưa có tư cách pháp nhân để tổ chức các kì thi và cấp bằn tốt nghiệp cho các giáo sinh hệ 10+3, giờ đây nhà trường đã được công nhận là một đơn vị đào tạo Cao đẳng Sư phạm chính quy của nhà nước (theo QĐ 164-TTG ngày 21-03-1978 của Thủ tướng Chính phủ vể công nhận chính thức một số trường Cao đẳng Sư phạm). Từ năm 1978, nhà trường bắt đầu một thời kìa mới, thời kì của một hệ đào tạo lâu dài nhất, ổn định nhất và đạt được nhiều thành tựu đáng tự hào nhất, tất cả đều xuất phát từ quyết định có tính pháp lí trên.
Ngay từ năm học 1989 – 1990, nhà trường đã thí điểm việc áp dụng quy trình đào tạo mới: chuyển từ cách đào tạo theo niên chế sang cách đào tạo tích lũy học phần. Để làm được việc này, nhà trường đã phải tự lực thiết kế lại chương trình đào tạo theo học phần cho cả 16 ban đào tạo khác nhau.
Năm học 2013 – 2014 là năm học thứ 55 kỉ niệm thành lập trường trong khí thế thi đua dạy tốt – học tốt lập thành tích chào mừng Lễ đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất lần thứ hai và kỉ niệm 55 năm thành lập Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội, nhà trường đã có những chuyển biến toàn diện và mạnh mẽ.
Bên cạnh việc duy trì và phát triển, đến thời điểm này, Nhà trường đã tích lũy đầy đủ cả lực và chất để trở thành một trường đại học. Tất cả đã sẵn sàng cho một sự phát triển ở tầm cao mới.
4. Trường Đại học Thủ đô Hà Nội
Ngày 31/12/2014 Thủ tướng Chính phủ đã kí Quyết định thành lập Trường Đại học Thủ đô Hà Nội trên cơ sở nâng cấp Trường CĐSP Hà Nội. Từ giai đoạn này Nhà trường đã chuyển sang một thời kì mới, đầy tự hào nhưng cũng đầy thách thức.
Trường Đại học Thủ Đô Hà Nội là trường đại học đa ngành theo định hướng nghề nghiệp, chất lượng cao, đi tiên phong trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Có sứ mạng kết nối, phát triển truyền thống của Thăng long – Hà Nội ngàn năm văn hiến bằng việc theo đuổi các hoạt động đặc thù, với chất lượng vượt trội trong phục vụ cộng đồng, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Ngày 26/12/2016 UBND Thành phố Hà Nội đã có quyết định sáp nhập Trường TC Kinh tế – Kĩ thuật đa ngành Sóc Sơn vào Trường ĐH Thủ đô Hà Nội, đây cũng là một dấu mốc mới trong sự phát triển của Nhà trường. Từ đây, Trường ĐH Thủ đô Hà Nội là tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực đa ngành, đa lĩnh vực có trình độ cao đẳng, đại học, trên đại học tổ chức các hoạt động giáo dục nghề nghiệp theo nhu cầu xã hội và các hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ phục vụ công tác đào tạo phát triển Nhà trường theo mục tiêu xác định, đúng quy định của pháp luật.
Phương châm chất lượng:
Kỷ cương nghiêm – Chất lượng thực – Hội nhập nhanh
Sứ mạng:
Sứ mạng của Trường Đại học Thủ đô Hà Nội là kết nối, phát triển truyền thống của Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến bằng việc theo đuổi các hoạt động đặc thù với chất lượng vượt trội, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội của Thủ đô và cả nước.
Tầm nhìn:
Đến năm 2030, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội sẽ trở thành một trong những trường Đại học đa ngành, đào tạo theo định hướng nghề nghiệp ứng dụng hàng đầu của quốc gia, có uy tín cao trong khu vực và thế giới.
Chính sách chất lượng:
– Duy trì và cải tiến thường xuyên hiệu lực của Hệ thống Quản lí chất lượng theo Tiêu chuẩn quốc tế ISO 9001 : 2008 để ngày càng thỏa mãn nhu cầu giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế của Thủ đô và toàn xã hội.
– Phát triển chương trình đào tạo theo định hướng ứng dụng nghề nghiệp, chất lượng cao và đa dạng trong hoạt động đào tạo.
– Hoàn thiện hệ thống giáo trình chuyên ngành phục vụ cho các ngành đào tạo của Trường.
– Thường xuyên xây dựng, đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, viên chức đáp ứng yêu cầu quản lý và giảng dạy bậc Đại học.
– Chuẩn bị tốt các điều kiện để đăng ký kiểm định chất lượng trường Đại học.
– Tăng cường phát triển hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ thông tin, hợp tác quốc tế phục vụ giảng dạy và học tập.
– Xây dựng cơ sở vật chất của Nhà trường theo hướng hiện đại, đa năng, đạt chuẩn quốc gia và khu vực.
– Đảm bảo cho người học sau tốt nghiệp có chuyên môn giỏi, kỹ năng tốt, ý thức nghề nghiệp cao, đáp ứng nhu cầu về chất lượng nguồn nhân lực trong quá trình hội nhập quốc tế.
– Đẩy mạnh hoạt động tự chủ của các đơn vị.
Xem thêm tại đây: Quyết định về việc ban hành hệ thống quản lý chất lượng