1. Quá trình xây dựng và phát triển
- Ngày 30/10/1976, theo Quyết định số 213-CP của Thủ tướng Chính phủ, Phân hiệu Trường Hành chính Trung ương được thành lập tại miền Nam trực thuộc Ban Tổ chức của Chính phủ, đặt tại số 10 đường 3/2 Tp. Hồ Chí Minh (địa điểm cũ của Học viện Quốc gia Hành chính của chế độ trước đây).
- Ngày 30/3/1977, Quyết định số 81/CP của Hội đồng Chính phủ cho khôi phục lại Trường Hành chính Trung ương, trực thuộc Ban Tổ chức của Chính phủ.
- Ngày 30/8/1977, theo Quyết định số 231/CP của Hội đồng Chính phủ, Trường Hành chính Trung ương từ Ban Tổ chức của Chính phủ được chuyển sang trực thuộc Phủ Thủ tướng, trong đó có Phân hiệu Trường Hành chính Trung ương đóng tại Tp. Hồ Chí Minh.
- Ngày 12/5/1980, Quyết định số 142/CP của Hội đồng Chính phủ đã sát nhập Trường Hành chính Trung ương và Trường Kinh tế Trung ương thành Trường Hành chính và Kinh tế Trung ương.
- Ngày 08/6/1981, theo Quyết định số 233/CP của Hội đồng Chính phủ, Trường Hành chính và Kinh tế Trung ương được tách thành 2 trường: Trường Hành chính Trung ương và Trường Quản lý Kinh tế Trung ương.
- Ngày 26/9/1981, Quyết định số 91/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) quy định nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của Trường Hành chính Trung ương, trong đó có Phân hiệu tại Tp. Hồ Chí Minh.
- Ngày 01/11/1990, tại Quyết định số 381-CT của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Trường Hành chính Trung ương được đổi tên thành Trường Hành chính Quốc gia, trong đó có cơ sở Học viện tại Tp. Hồ Chí Minh.
- Ngày 06/7/1992, tại Nghị định số 253-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng, Trường Hành chính Quốc gia được đổi tên thành Học viện Hành chính Quốc gia, trong đó có cơ sở Học viện tại Tp. Hồ Chí Minh.
- Ngày 15/02/2007, theo Quyết định số 152/QĐ-BNV của Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Cơ sở Học viện tại Tp. Hồ Chí Minh được trở thành Phân viện của Học viện Hành chính Quốc gia tại Tp. Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, Quyết định này chưa được triển khai thực hiện do việc hợp nhất giữa Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Học viện Hành chính Quốc gia.
- Ngày 07/5/2007, Quyết định số 60-QĐ/TW của Bộ Chính trị đã hợp nhất Học viện Hành chính Quốc gia với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và đổi tên thành Học viện Hành chính, trong đó có cơ sở Học viện tại Tp. Hồ Chí Minh.
- Ngày 10/12/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 121/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11 năm 2013. Mục 4 Nghị quyết này nêu rõ: Chuyển Học viện Hành chính từ Học viện Chính trị – Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh về Bộ Nội vụ theo Kết luận số 64-KL/TW ngày 28/5/2013 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI; văn bản số 176-CV/TW ngày 23-10-2013 của Ban Bí thư và gọi tên là Học viện Hành chính Quốc gia.
2. Những kết quả đạt được
2.1. Kết quả trên các lĩnh vực công tác
- Các đơn vị tại Cơ sở Tp. Hồ Chí Minh bảo đảm thực hiện công tác giảng dạy, quản lý các lớp đào tạo, bồi dưỡng. Hiện nay, Cơ sở Học viện đang quản lý 24 lớp đại học chính quy với tổng số 2.036 sinh viên; 51 lớp đại học chính hình thức vừa làm vừa học với tổng số 6.464 học viên; 09 lớp cao học với hơn 400 học viên. Trong năm 2013, đã mở 37 lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước với 3.133 học viên. Ngoài ra, Cơ sở Học viện còn mở nhiều lớp chuyển đổi kiến thức để thi cao học hành chính, lớp bồi dưỡng ngắn hạn theo các chuyên đề cho các địa phương.
- Các giảng viên của các bộ môn thực hiện triển khai đa dạng, có chất lượng nhiều loại hình đào tạo, bồi dưỡng với số lượng lớn các lớp, các khóa; tham gia xây dựng, đổi mới chương trình, giáo trình của hệ đào tạo, bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước, đặc biệt là Chương trình đào tạo thạc sỹ Quản lý công và thạc sỹ Chính sách công.Các bộ môn đã được quan tâm, khuyến khích, ủng hộ mạnh mẽ trong việc cử giảng viên đi học nâng cao trình độ bậc đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ; tham dự các đoàn công tác khảo sát tiếp thu kinh nghiệm trong nước và nước ngoài; hướng nghiệp, tạo môi trường cho các giảng viên trẻ rèn luyện kỹ năng nghiệp vụ.
- Hoạt động khoa học tại Cơ sở Học viện nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Lãnh đạo Học viện cũng như sự tham gia tích cực của cán bộ, giảng viên, sinh viên tại Học viện và các nhà quản lý, nhà khoa học ngoài Học viện. Chất lượng và số lượng các hoạt động khoa học tại Cơ sở Học viện ngày càng được nâng cao; hình thức của các hoạt động này không chỉ dừng lại ở việc nghiên cứu đề tài khoa học, mà còn thể hiện một cách phong phú thông qua ấn phẩm Tập san Quản lý nhà nước, hội thảo khoa học, các lớp bồi dưỡng kỹ năng nghiên cứu. Cơ sở Học viện đã tiến hành phối hợp với các chuyên gia, tổ chức quốc tế tổ chức các hoạt động khoa học góp phần nâng cao chất lượng hoạt động khoa học tại cơ sở, đồng thời tạo điều kiện nâng cao năng lực nghiên cứu, trình độ chuyên môn cũng như kinh nghiệm thực tiễn cho cán bộ giảng dạy, nghiên cứu.
- Được sự quan tâm của Đảng uỷ, Ban Giám đốc Học viện, trong thời gian qua, công tác tổ chức – cán bộ của Cơ sở Tp. Hồ Chí Minh đã không ngừng được củng cố, phát triển. Các bộ môn, các phòng quản lý được tách ra nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ phát triển của Cơ sở. Việc bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, điều động, chuyển công tác, tiếp nhận, giải quyết nghỉ theo chế độ, rà soát và bổ sung đưa vào diện quy hoạch cán bộ lãnh đạo cấp vụ, cấp phòng đến năm 2015 được tiến hành theo đúng quy định. Sự trưởng thành từng bước của một lực lượng giảng viên trẻ có tiềm năng là chuyển biến tất yếu của hướng đi có tính chiến lược cho sự phát triển bền vững của Cơ sở TP. Hồ Chí Minh mà Lãnh đạo Học viện đã hoạch định và chỉ đạo sát sao thực hiện.
- Hoạt động của Văn phòng Cơ sở với 3 mảng công tác(công tác tham mưu tổng hợp, nghiệp vụ hành chính; công tác phục vụ hậu cần, công tác tài vụ – kế toán) được tiến hành đều tay, đồng bộ. Văn phòng Cơ sở Học viện đã triển khai thực hiện chỉ đạo của Giám đốc Học viện, Ban Chỉ đạo về củng cố tổ chức và hoạt động của Văn phòng.
- Công tác Thông tin – Tư liệu – Thư viện, chỉ trong năm qua, đã phục vụ 63.000 lượt yêu cầu với tổng số tài liệu luân chuyển 85.200 cuốn; kiểm kê, thanh lọc, kiểm dò đối chiếu gần 80.000 bản sách; sắp xếp, phân loại các văn bản, các liểu luận, luận văn theo chủ đề phục vụ bạn đọc tra cứu tiện lợi về các lĩnh vực được 3.200 lượt người sử dụng; xử lý nghiệp vụ phân loại tài liệu mới 1.811 cuốn.Công tác phát hành tài liệu phục vụ cho các lớp ngày càng được quan tâm. Cập nhật kịp thời thông tin về các sự kiện của Cơ sở vào cổng thông tin điện tử Học viện; làm bản tin chào mừng các ngày lễ lớn.
- Việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, viên chức được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Cơ sở. Cơ sở TP. Hồ Chí Minh tiếp tục tận dụng, khai thác cơ sở vật chất với nhiều hình thức như cho thuê phòng học, hội trường, nhà ăn, căn tin, cụm sân quần vợt, các khu đất trống. Lãnh đạo Học viện chỉ đạo, thành lập Ban quản lý các dịch vụ có thu để tham mưu giúp Lãnh đạo Học viện tiến hành các hoạt động khai thác theo nguyên tắc hợp pháp, hợp lý, dân chủ, công khai, công bằng. Ngoài tiền lương, phần thu nhập từ hỗ trợ hàng tháng, tiền ăn trưa, tiền thưởng vào các dịp lễ, Tết đều đặn và gia tăng đáng kể.
- Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức được tổ chức hàng năm tại Cơ sở Học viện, tạo điều kiện để cán bộ, công chức trực tiếp tham gia công tác tổ chức, hiến kế, đóng góp ý kiến xây dựng để phát triển Cơ sở; giải đáp những ý kiến thắc mắc, khiếu nại về những vấn đề liên quan đến chế độ, chính sách, quyền lợi, nghĩa vụ và những vấn đề khác.
- Công đoàn Bộ phận tại Cơ sở TP. Hồ Chí Minh có 16 Tổ Công đoàn trực thuộc với 165 công đoàn viên. Công đoàn Bộ phận chăm lo đời sống và bảo vệ quyền lợi người lao động, phối hợp tổ chức tốt Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức hàng năm; phối hợp với các tổ chức, đoàn thể tổ chức các hoạt động sinh hoạt chung góp phần tạo không khí hào hứng, đoàn kết trong cơ quan.
- Đoàn – Hội Sinh viên Học viện đã tổ chức nhiều hoạt động: các đội hình chuyên, phát hành các số Tập san Sức trẻ, hiến máu nhân đạo; ngày hội Hoa nhânái thăm mái các mái ấm tình thương, hội thao truyền thống APÁS Games, hội thi Nét đẹp sinh viên hành chính thu hút đông đảo đoàn viên, sinh viên tham gia. Phòng Công tác sinh viên tuy mới thành lập nhưng đã có nhiều cố gắng trong hoạt động, tạo sự gắn kết chặt chẽ với Đoàn, Hội sinh viên trong xây dựng, phát triển phong trào chung trong đoàn viên, sinh viên. Đoàn Học viện Hành chính Cơ sở Tp. Hồ Chí Minh nhiều năm được xếp vào hàng lá cơ đầu của hoạt động Đoàn của Tp. Hồ Chí Minh, được Trung ương Đoàn tặng Bằng khen hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
2.2. Nhìn nhận chung về tình hình thực hiện nhiệm vụ trên các lĩnh vực
* Về ưu điểm:
- Đảng ủy Bộ phận, các đơn vị, đoàn thể tại Cơ sở Học viện tạo thành bộ máy hoạt động tổng lực, tiếp tục phát huy những cơ sở nền tảng mà Lãnh đạo Học viện quan tâm, chủ trương xây dựng, tạo điều kiện căn bản cho sự trưởng thành chắc chắn của Cơ sở Tp. Hồ Chí Minh.
- Các đơn vị tại Cơ sở Tp. Hồ Chí Minh trong nhiều năm liền đã cố gắng vượt bậc hoàn thành tốt nhiệm vụ; tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức, sự tận tâm của đa số đảng viên, cán bộ, công chức đã được khẳng định.
- Các thành tựu đạt được có tính toàn diện trên các lĩnh vực: từ đào tạo, bồi dưỡng và quản lý đào tạo, bồi dưỡng đến hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng; từ giảng dạy cho đến nghiên cứu khoa học, khảo sát thực tiễn; từ tham mưu tổng hợp, nghiệp vụ hành chính, quản lý tài chính, tài sản đến phục vụ hậu cần; từ hoạt động mở lớp cho đến tận dụng, khai thác cơ sở vật chất, tăng nguồn thu; từ phát huy quy chế dân chủ, tăng cường minh bạch công khai, cho đến chăm lo đời sống, tổ chức sinh hoạt đoàn thể, tạo ra môi trường lành mạnh.
- Tổ chức bộ máy và nguồn nhân lực tiếp tục được củng cố, tăng cường một cách tích cực, có bước đi phù hợp và mang tính chiến lược, đặc biệt là phát triển nguồn nhân lực trẻ được đào tạo bài bản, chính quy trong và ngoài nước, tạo ra sức trẻ, có khả năng tiếp cận với những giá trị chung của nền hành chính hiện đại, quản lý công trong điều kiện hội nhập phục vụ công tác giảng dạy, nghiên cứu của Cơ sở Học viện.
* Về hạn chế:
- Cơ hội tham gia, đóng góp của đội ngũ giảng viên của Cơ sở Tp. Hồ Chí Minh vào đổi mới, xây dựng chương trình, giáo trình cho các loại hình đào tạo, bồi dưỡng của Học viện vẫn còn hạn chế; vẫn chưa được tạo điều kiện phối hợp để thực hiện chủ trương, chỉ đạo của Lãnh đạo Học viện về phát huy khả năng tại chỗ của các cơ sở trong giảng dạy các khóa cao học.
- Tuy có có gắng và đạt những kết quả khả quan hơn những năm trước, nhưng hoạt động nghiên cứu khoa học vẫn chưa đều tay ở tất cả đơn vị, chưa có nhiều sản phẩm phục vụ trực tiếp cho công tác đào tạo, bồi dưỡng của Cơ sở Học viện.
- Do chưa có hệ thống quy định, quy chế về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các đơn vị; phân công phối hợp giữa các đơn vị đầy đủ, hoạt động của các đơn vị, trên các lĩnh vực và của toàn bộ Cơ sở chưa thật hiệu lực, hiệu quả, có cảc trường hợp phân tán, trì trệ.
3. Xác định mục tiêu, phương hướng phát triển, nhiệm vụ cơ bản trong thời gian tới
*Về mục tiêu:
Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, thực chất, toàn diện các mặt công tác, tập trung nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học, kiện toàn tổ chức bộ máy và nhân sự, nhất là đội ngũ giảng dạy, nghiên cứu, nâng cao vị trí pháp lý, vai trò của Cơ sở Tp. Hồ Chí Minh trong hệ thống Học viện Hành chính Quốc gia.
*Về phương hướng:
- Đánh giá khách quan, sát thực tình hình thực hiện nhiệm vụ trong những năm qua, nêu lên những kết quả cụ thể, chỉ ra những hạn chế cần khắc phục. Trên cơ sở phân tích toàn diện bối cảnh tác động, quán triệt chỉ đạo của lãnh đạo Học viện, xây dựng chương trình, kế hoạch công tác của Cơ sở năm 2014 và những năm tiếp theo một cách sát thực khoa học, cụ thể và khả thi.
- Hướng hoạt động của Cơ sở Tp. Hồ Chí Minh vào trọng tâm củng cố tổ chức, ổn định môi trường, tập trung các nguồn lực thực hiện tốt nhiệm vụ.
- Tiếp tục đưa hoạt động của Cơ sở Tp. Hồ Chí Minh vào quy củ, nề nếp, xây dựng các quy chế, quy định về tổ chức và hoạt động, quan hệ công tác, từng bước kiện toàn tổ chức bộ máy và hoạt động, nâng cao năng lực và hiệu quả công tác.
* Về nhiệm vụ cơ bản:
- Tham gia tích cực vào công tác tiếp tục đổi mới toàn diện chương trình, nội dung tài liệu đào tạo, bồi dưỡng: các chương trình đào tạo, bồi dưỡng mới theo ngạch; các chương trình đào tạo, bồi dưỡng chức danh; Chương trình đào tạo thạc sỹ Quản lý công, Chương trình đào tạo thạc sỹ Chính sách công theo hướng thực hành.
- Xây dựng kế hoạch tăng cường năng lực của đội ngũ giảng viên, nhất là giảng viên trẻ; xây dựng chế độ trợ giảng, phân công bồi dưỡng, hướng dẫn cho giảng viên trẻ và quy trình công nhận giảng viên thực thụ. Đề nghị giảng viên tham gia các khóa đào tạo bồi dưỡng trong và ngoài nước, tiến tới đáp ứng yêu cầu về khả năng tự đảm nhiệm. Có chiến lược và bước đi cụ thể xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ chuyên môn và quản lý ở tầm mức của Trung tâm phía Nam về đào tạo, nghiên cứu khoa học hành chính, quản lý nhà nước.
- Tổng kết, đánh giá một cách toàn diện việc thực hiện chủ trương của Lãnh đạo Học viện về phân cấp đào tạo, bồi dưỡng và quản lý đào tạo, bồi dưỡng. Khảo sát để xác định dựa trên các cơ sở đầy đủ và khách quan khả năng đảm nhiệm của các đơn vị đào tạo và quản lý đào tạo đối với các loại hình đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá thực lực hiện nay và khả năng sắp tới của Cơ sở một cách tổng thể. Tiếp tục đưa công tác quản lý đào tạo tại Cơ sở vào nề nếp với quy trình tiến hành mang tính chuyên nghiệp, nhanh chóng triển khai áp dụng phần mềm quản lý đào tạo để chính quy hóa, hình thành cơ chế phối hợp ăn khớp giữa các bộ phận, giúp Lãnh đạo Học viện điều hành thông suốt; Chuyển từ thế thụ động, nghiêng về quản lý sự vụ sang thế chủ động, nhắm vào thiết kế, tham mưu, đề xuất các kế hoạch, chương trình. Các đơn vị tiếp tục đề xuất, tham gia công tác xây dựng hệ thống các quy định, quy chế, quy trình áp dụng trong quản lý đào tạo.
- Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học trong giảng viên, học viên và sinh viên. Hướng hoạt động nghiên cứu khoa học vào phục vụ trực tiếp công tác đào tạo, bồi dưỡng của Cơ sở. Nâng cấp Tập san Quản lý nhà nước.
Phát huy tiềm lực tổng hợp của đội ngũ cán bộ giảng dạy, nghiên cứu tại Cơ sở Học viện, kết hợp với các nhà khoa học, các nhà thực tiễn từ các cơ quan quản lý nhà nước, khai thác, sử dụng năng lực nghiên cứu của đội ngũ học viên, sinh viên; hướng nghiệp, phát triển năng lực nghiên cứu khoa học cho đội ngũ các cán bộ khoa học trẻ. Mở rộng nguồn phối hợp, hợp tác nghiên cứu khoa học trong nước, quốc tế.
Chú trọng việc trang bị kiến thức, kỹ năng về phương pháp nghiên cứu khoa học hành chính, cho cán bộ nghiên cứu, giảng dạy, học viên; mở rộng các loại hình hoạt động khoa học tiếp thu kinh nghiệm về phương pháp định lượng, công cụ xử lý khảo sát trong nghiên cứu; ứng dụng công nghệ thông tin sâu rộng trong nghiên cứu khoa học.
- Đề nghị xây dựng Đề án về tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy của Cơ sở theo Quyết định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Học viện Hành chính Quốc gia sẽ ban hành. Bổ sung cho các phòng, bộ môn còn khuyết lãnh đạo quản lý. Tạo điều kiện cho cán bộ, giảng viên tham dự đầy đủ các lớp đào tạo – bồi dưỡng, tự học tập nâng cao trình độ chuyên môn và bồi dưỡng ngoại ngữ, tin học, bồi dưỡng lý luận chính trị. Thực hiện đúng, đầy đủ và kịp thời các chế độ, chính sách cho cán bộ, viên chức.
- Tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo Học viện về củng cố tổ chức và hoạt động của Văn phòng. Tăng cường chất lượng công tác tham mưu tổng hợp đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý, lãnh đạo điều hành hoạt động chung của Lãnh đạo Học viện. Thực hiện công tác quản lý điều hành về công tác quản trị, hành chính, tăng cường công tác tài chính – kế toán đáp ứng yêu cầu phục vụ các hoạt động, sinh hoạt, vật chất và góp phần giải quyết khó khăn đời sống của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức của cơ sở.
- Xây dựng cơ chế quản lý công sản, chế độ sử dụng cơ sở vật chất trên nguyên tắc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tiêu cực, công khai, minh bạch, ưu tiên phục vụ nhiệm vụ chính trị và vì lợi ích chung. Lãnh đạo các đơn vị chức năng, đoàn thể tăng cường công tác kiểm tra, giám sát bảo đảm sử dụng cơ sở vật chất đúng quy định và hiệu quả.
Chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của cán bộ, công chức, học viên, sinh viên. Khai thác hợp pháp, hợp lý cơ sở vật chất, mở rộng các loại hình dịch vụ đào tạo trong phạm vi có thể để tăng thu nhập, ổn định đời sống của cán bộ, công chức. Hỗ trợ cán bộ, công chức có hoàn cảnh khó khăn.
- Thực hiện Quy chế dân chủ. Giải quyết thỏa đáng những vấn đề nêu ra trong Hội nghị cán bộ công chức, viên chức. Tổ chức các buổi đối thoại với cán bộ, viên chức, với người học để đánh giá tình hình và xử lý kịp thời những vấn đề phát sinh, đề ra các giải pháp.
- Xây dựng, thực hiện chương trình, kế hoạch giám sát việc thực hiện quy chế dân chủ trong cơ quan; thực hiện chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức và công tác cán bộ; việc sử dụng cơ sở vật chất. Tổ chức các cuộc họp liên tịch với các tổ chức, đoàn thể; kiểm tra việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ và chỉ đạo khuyến khích, chấn chỉnh kịp thời. Định hướng, một mặt tiếp tục duy trì và phát huy các thành tựu xuất sắc mà Đoàn, Hội Sinh viên Cơ sở Tp. Hồ Chí Minh đã phấn đấu đạt được trong nhiều năm liền xứng đáng là lá cờ đầu trong hoạt động Đoàn, phong trào sinh viên chung của các trường đại học, học viện tại Tp. Hồ Chí Minh, ủng hộ các hoạt động sinh động, đa dạng tạo thành sân chơi lạnh mạnh phục vụ giáo dục toàn diện sinh viên. Mặt khác, chỉ đạo Đoàn, Hội Sinh viên không chỉ dừng lại ở bề nổi mà chú trọng chiều sâu, đầu tư thỏa đáng các nguồn lực cho những hoạt động thiết thực đẩy mạnh phong trào học tốt, nghiên cứu khoa học tốt.
[*] Phó Bí thư Đảng ủy HVHCQG, Bí thư Đảng ủy Bộ phận, Phó Giám đốc HVHC, thường trực Cơ sở Tp. Hồ Chí Minh
ĐẢNG ỦY BỘ PHẬN
THÀNH LẬP
Ngày 23/11/2009 theo Quyết định số 309/QĐ-ĐUHV của Đảng ủy Học viện Hành chính.
CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ
- Lãnh đạo Cơ sở Học viện thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, lãnh đạo thực hiện công tác chuyên môn hiệu quả, nâng cao đời sống cho cán bộ – công nhân viên để hoàn thành nhiệm vụ của Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia giao.
- Lãnh đạo tập trung, thống nhất các mặt về công tác chính trị – tư tưởng, công tác tổ chức – cán bộ, công tác đoàn thể tại Cơ sở Học viện tại Tp. Hồ Chí Minh.
- Chú trọng công tác xây dựng tổ chức cơ sở Đảng.
CƠ CẤU TỔ CHỨC – NHÂN SỰ
- Ban chấp hành gồm 08 đồng chí
- Có 11 chi bộ trực thuộc với 134 đảng viên
Bí thư: Đ/c Phạm Quang Huy
Phó Bí thư: Đ/c Trần Trọng Đức
THÀNH TÍCH TIÊU BIỂU
- Từ khi thành lập đến nay: liên tục được công nhận Đảng bộ trong sạch vững mạnh.
- Năm học 2010 – 2011: được tặng Giấy khen đạt thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng Đảng.
Chia sẻ tin đăng đến bạn bè