Trường Đại học Nông Lâm – Đại học Huế tiền thân là Trường Đại học Nông nghiệp II trực thuộc Bộ Nông nghiệp được thành lập vào ngày 14 tháng 8 năm 1967 tại tỉnh Hà Bắc (nay là tỉnh Bắc Giang) theo Quyết định số 124/CP của Hội đồng Chính phủ “căn cứ nhu cầu của Nhà nước về đào tạo cán bộ ngành Nông nghiệp có trình độ đại học”. Lúc mới thành lập, Trường có 2 khoa Trồng trọt và Chăn nuôi - Thú y. Sau khi vận hành ổn định, vào năm 1969 Trường lập thêm Khoa Chung (gồm giáo dục đại cương và giáo dục chính trị-xã hội) và vào 1971 thành lập thêm Kinh tế Nông nghiệp nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển nông thôn.
Đại tướng về thăm Trường Trung học Nông nghiệp Huế (1978)
Sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, xuất phát từ mục tiêu đặt ra từ ngày thành lập trường là “trường đại học nông nghiệp cho miền Trung và Tây Nguyên”, Chính phủ đã ra Quyết định 213/CP ngày 5 tháng 8 năm 1983 chuyển Trường Đại học Nông nghiệp 2 ở Hà Bắc vào Thành phố Huế sáp nhập với Trường Cao đẳng Nông Lâm nghiệp Huế thành Trường Đại học Nông nghiệp 2 Huế.
Ngày 4 tháng 4 năm 1994, Chính phủ đã ban hành Nghị định 30/1994/NĐ-CP về thành lập Đại học Huế trên cơ sở sáp nhập các trường đại học đã có tại thành phố Huế và trường Cao đẳng Nghệ thuật Huế. Trường Đại học Nông nghiệp II Huế trở thành trường đại học thành viên của Đại học Huế với tên gọi là Trường Đại học Nông Lâm.
Đến tháng 7/2016, Trường gồm có 8 Khoa chuyên môn, 8 Phòng chức năng, 5 Trung tâm và 1 Viện nghiên cứu phát triển. Nhà trường có tất cả là 424 cán bộ, giảng viên và nhân viên (không kể HĐLĐ tại các trung tâm, dự án). Đội ngũ cán bộ giảng viên cơ hữu của Trường là 291 người, trong đó: 02 Giáo sư, 29 Phó Giáo sư, 52 Tiến sĩ và Tiến sĩ khoa học (không bao gồm các PGS và TS là GV của Trường nhận nhiệm vụ kiêm nhiệm chức vụ quản lý - lãnh đạo ở cấp ĐHH); 176 Thạc sĩ (không tính các học viên cao học sẽ nhận học vị vào nửa cuối năm 2016) và 32 cử nhân (bao gồm học viên cao học sắp nhận học vị). Số lượng cán bộ viên chức đang đào tạo trong nước và nước ngoài là 71 người (40 nghiên cứu sinh và 31 học viên thạc sĩ). Trường hiện đang đào tạo 22 chương trình đại học, 2 chương trình cao đẳng, 10 chương trình đào tạo Thạc sĩ và 8 chương trình đào tạo Tiến sĩ.
Cơ sở vật chất phục vụ tốt cho công tác đào tạo
Trường Đại học Nông Lâm – Đại học Huế có sứ mạng đào tạo nguồn nhân lực khoa học kỹ thuật chất lượng cao, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ đáp ứng nhu cầu phát triển nông nghiệp, nông thôn cho miền Trung, Tây Nguyên và cả nước theo hướng hội nhập khu vực và quốc tế.
Nhà trường tiếp tục đẩy mạnh quan hệ HTQT
Trải qua gần 50 năm xây dựng và phát triển Trường Đại học Nông Lâm – Đại học Huế đã đào tạo hơn 27.000 kỹ sư; 1.500 thạc sĩ kỹ thuật, nông nghiệp và hàng trăm tiến sĩ, đã thực hiện hàng trăm đề tài nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ thuộc các ngành Nông - Lâm - Ngư nghiệp, Cơ khí - Công nghệ, quản lý đất đai và phát triển nông thôn; Các kỹ sư và chuyên gia của Trường đào tạo ra đã đáp ứng có hiệu quả sự nghiệp phát triển của đất nước, góp phần đáng kể vào sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước, đặc biệt là các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên. Trường đã xây dựng được uy tín và thương hiệu là trường đào tạo hàng đầu về nguồn nhân lực khoa học – kỹ thuật trong lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng nông thôn và phát triển kinh tế - xã hội ở miền Trung – Tây Nguyên và cả nước. Sau 50 năm xây dựng và phát triển, Nhà trường đã đạt được nhiều phần thưởng cao quý.
Cùng với đó, với sự phát triển không ngừng về mọi mặt, năm 2017, trường được công nhận là cơ sở giáo dục đảm bảo chất lượng giáo dục. Đây là 1 trong 2 trường thành viên đầu tiên của Đại học Huế và cũng là trường Đại học Nông Nghiệp đầu tiên đạt được kết quả này.
1. SỨ MẠNG
Trường Đại học Nông Lâm – Đại học Huế có sứ mạng đào tạo nguồn nhân lực khoa học kỹ thuật chất lượng cao, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ đáp ứng nhu cầu phát triển nông nghiệp, nông thôn cho miền Trung, Tây Nguyên và cả nước theo hướng hội nhập khu vực và quốc tế.
2. MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN CỦA TRƯỜNG
2.1. MỤC TIÊU TỔNG QUÁT
Đến năm 2020, Trường Đại học Nông Lâm – Đại học Huế là một trong những trường đại học hàng đầu về lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
2.2. MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN CỤ THỂ
- Ổn định quy mô đào tạo là 10.000 người học, trong đó tỷ lệ sau đại học chiếm ít nhất là 30%, có ít nhất 3 chương trình đào tạo chất lượng cao.
- Bảo đảm trên 50% cán bộ giảng dạy có trình độ Tiến sĩ; 100% cán bộ quản lý và cán bộ phục vụ được đào tạo chuẩn hóa chuyên môn, nghiệp vụ.
- 100% giảng viên tham gia nghiên cứu khoa học; 80% giảng viên hàng năm có bài báo đăng trên các tạp chí chuyên ngành trong nước và quốc tế.
- 100% các Khoa có chương trình hợp tác quốc tế; 40% giảng viên có tham gia các hoạt động hợp tác quốc tế.
- Hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại đáp ứng yêu cầu đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.
- Tăng nguồn thu từ hoạt động khoa học - công nghệ và đào tạo; tiến đến tự chủ và cân đối tài chính.
2.3. MỤC TIÊU GIÁO DỤC VÀ TRÁCH NHIỆM XÃ HỘI
Mục tiêu giáo dục của Trường Đại học Nông Lâm - Đại học Huế là đào tạo nguồn nhân lực khoa học kỹ thuật về lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn có kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp giỏi; có phẩm chất, đạo đức, sức khoẻ tốt; yêu nghề, năng động, sáng tạo để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động trong nước, chủ động hội nhập khu vực và quốc tế.
- Xây dựng môi trường giáo dục chuyên nghiệp, dân chủ, công khai, minh bạch và thân thiện hướng tới người học, lấy đảm bảo chất lượng và trách nhiệm giải trình làm nền tảng phát triển, đào tạo phù hợp chuẩn đầu ra theo yêu cầu của xã hội.
- Thực hiện phương châm kết hợp đào tạo với nghiên cứu khoa học, lý thuyết gắn với thực hành: tạo điều kiện cho người học thực hành, thực tập và nghiên cứu khoa học nhằm phát triển kỹ năng nghề nghiệp, tư duy khoa học, năng lực sáng tạo, trách nhiệm nghề nghiệp, tinh thần vượt khó, ý thức lập thân, lập nghiệp và tinh thần sẵn sàng nhận nhiệm vụ.
- Phát triển thể chất và tinh thần của người học: tạo điều kiện cho người học rèn luyện sức khỏe, văn hóa văn nghệ, sinh hoạt cộng đồng, phát triển kỹ năng sống.
- Gắn kết với địa phương qua việc triển khai ứng dụng các kết quả nghiên cứu, chuyển giao công nghệ góp phần phát triển kinh tế xã hội các tỉnh Miền Trung và Tây Nguyên; hợp lực cùng hệ thống quản lý nhà nước các cấp, doanh nghiệp và cựu sinh viên xác định nhu cầu đào tạo, tìm môi trường thực tế nghề nghiệp và vị trí việc làm cho người học.