Trường Đại học Tài chính Quản trị kinh doanh được thành lập theo Quyết định số 1320/QĐ-TTg ngày 18/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở nâng cấp trường Cao đẳng Tài chính – Quản trị Kinh doanh trực thuộc Bộ Tài chính. Trường Đại học Tài chính - Quản trị kinh doanh là cơ sở giáo dục đại học công lập trực thuộc Bộ Tài chính.
Trường Cao đẳng Tài chính – Quản trị Kinh doanh trực thuộc Bộ Tài chính, được thành lập theo quyết định số 6584/QĐ-BGD&ĐT ngày 21/11/2005 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo trên cơ sở tổ chức lại hai trường: Cao đẳng Tài chính Kế toán I và Cao đẳng Bán công Quản trị Kinh doanh thuộc Bộ Tài chính.
Trường Cao đẳng Tài chính Kế toán I tiền thân là trường Trung học Tài chính Kế toán I được thành lập năm 1965, chuyên đào tạo cán bộ Tài chính Kế toán. Năm 2003 trường được nâng cấp thành trường Cao đẳng Tài chính Kế toán theo quyết định số 3539/QĐ-BGD&ĐT ngày 03/07/2003 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo. Với bề dày 40 năm xây dựng và trưởng thành, nhà trường đã đào tạo hàng chục vạn cán bộ Tài chính Kế toán cung cấp nguồn nhân lực cho ngành Tài chính và cho xã hội, nhà trường được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương lao động hàng ba năm 1995, Huân chương lao động hạng nhất năm 2000, Huân chương độc lập hạng ba năm 2005.
Trường Cao đẳng bán công Quản trị Kinh doanh tiền thân là trường Vật giá Trung ương được thành lập năm 1967, đến năm 1994 đổi tên là trường Trung học Quản trị Kinh doanh. Năm 1996 trường được nâng cấp thành trường Cao đẳng bán công Quản trị Kinh doanh theo quyết định số 376/QĐ-TTg ngày 06/06/1996 của Thủ tướng Chính phủ. Trải qua 38 năm xây dựng và trưởng thành (trong đó có 9 năm đào tạo bậc Cao đẳng) nhà trường đã mở rộng qui mô và nâng dần chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực quản lý kinh tế cho các đơn vị, tổ chức, cá nhân trong nền kinh tế. Nhà trường được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng Ba năm 1997, Huân chương lao động hạng Nhất năm 2002.
SỨ MẠNG LỊCH SỬ VÀ MỤC TIÊU ĐÀO TẠO CỦA
TRƯỜNG ĐẠI HỌC TÀI CHÍNH - QUẢN TRỊ KINH DOANH
1. Sứ mạng lịch sử
Xây dựng và phát triển Trường Đại học Tài chính - Quản trị kinh doanh trở thành Trường Đại học đa ngành, tiên tiến trong các lĩnh vực Kế toán, Tài chính và Quản trị kinh doanh của Việt Nam, có uy tín trong khu vực và thế giới, một trung tâm giáo dục có chất lượng và không ngừng được cải tiến, với phương pháp đào tạo liên tục được đổi mới và hoàn thiện, một trung tâm có uy tín trong lĩnh vực dạy nghề về Kế toán, Tài chính - Ngân hàng, Quản trị kinh doanh và Hệ thống thông tin kinh tế. Một trung tâm văn hóa nhằm cung cấp cho xã hội những cán bộ, có trình độ cao đẳng đủ phẩm chất chính trị, đạo đức, văn hóa và năng lực nghề nghiệp thích ứng với điều kiện môi trường đang thay đổi và đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của Việt Nam.
2. Mục tiêu phát triển của Trường Đại học Tài chính - Quản trị kinh doanh
2.1 Mục tiêu tổng quát
Xây dựng Trường Đại học Tài chính - Quản trị kinh doanh thành trường kinh tế đa ngành, đào tạo theo hướng kỹ năng thực hành; vững mạnh toàn diện theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa (chuẩn về chương trình đào tạo, đội ngũ cán bộ giảng dạy; cơ sở vật chất kỹ thuật dạy học; hệ thống quản lý).
2.2 Mục tiêu đào tạo trước mắt của trường
a. Về chất: "Đào tạo cử nhân kinh tế đa ngành, có kỹ năng thực hành cao, có phẩm chất đạo đức và sức khỏe tốt, thực hiện thành thạo các tác nghiệp về quản lý kinh tế cho các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong các thành phần kinh tế, các ngành kinh tế theo đường lối công nghiệp hóa, hiện đại hóa và một nền kinh tế hội nhập".
b. Về lượng:
- Với 4 ngành và 9 chuyên ngành đào tạo:
+ Ngành Kế toán
Mục tiêu đào tạo: Đào tạo cử nhân Kế toán có phẩm chất chính trị, đạo đức và sức khỏe tốt; có trách nhiệm với xã hội; nắm vững những kiến thức cơ bản về kinh tế, chính trị, xã hội; nắm vững kiến thức và kỹ năng chuyên sâu về kế toán; thiết kế và điều hành hệ thống kế toán trong các đơn vị kế toán; có tư duy độc lập; có năng lực nghiên cứu tự bổ sung kiến thức theo yêu cầu công việc.
- Chuyên ngành đào tạo: Kế toán doanh nghiệp và Kế toán công
+ Ngành Kiểm toán
Mục tiêu đào tạo: Đào tạo cử nhân ngành Kiểm toán có phẩm chất chính trị, đạo đức và sức khỏe tốt; có trách nhiệm với xã hội; nắm vững những kiến thức cơ bản về kinh tế, chính trị, xã hội; nắm vững kiến thức và kỹ năng chuyên sâu về kế toán-kiểm toán; thiết kế và điều hành hệ thống kiểm toán trong các đơn vị kiểm toán; có tư duy độc lập; có năng lực nghiên cứu tự bổ sung kiến thức theo yêu cầu công việc.
- Chuyên ngành đào tạo: Kiểm toán
+ Ngành Tài chính-Ngân hàng
Mục tiêu: Đào tạo cử nhân trình độ đại học ngành Tài chính-Ngân hàng có phẩm chất chính trị, đạo đức và sức khoẻ tốt, có trách nhiệm với xã hội; nắm vững những kiến thức cơ bản về kinh tế, quản lý và quản trị kinh doanh; có kiến thức và kỹ năng chuyên sâu về Tài chính-Ngân hàng; có tư duy độc lập; có năng lực tự học tập bổ sung kiến thức đáp ứng yêu cầu của công việc.
- Chuyên ngành đào tạo: Tài chính doanh nghiệp,Ngân hàng, Thẩm định giá và chuyên ngành Thuế
+ Ngành Quản trị kinh doanh
Mục tiêu: Đào tạo cử nhân Quản trị kinh doanh có phẩm chất chính trị, đạo đức và sức khỏe tốt, có trách nhiệm với xã hội; nắm vững những kiến thức cơ bản về kinh tế, quản lý, xã hội và nhân văn; có kiến thức và kỹ năng chuyên sâu về quản trị, điều hành các loại hình doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế; có tư duy nghiên cứu độc lập; có năng lực nghiên cứu tự bổ sung kiến thức theo yêu cầu công việc.
- Chuyên ngành đào tạo: Quản trị kinh doanh tổng hợp
+ Ngành Hệ thống thông tin kinh tế
Đào tạo cử nhân ngành Hệ thống thông tin quản lý có phẩm chất chính trị, đạo đức và sức khỏe tốt, có trách nhiệm với xã hội; nắm vững những kiến thức cơ bản về kinh tế, quản lý và quản trị kinh doanh; có kiến thức chuyên sâu, cập nhật về hệ thống thông tin; có khả năng nghiên cứu tự bổ sung kiến thức thích ứng với môi trường làm việc; có đủ năng lực tổ chức hệ thống thông tin để giải quyết vấn đề và tạo ra những cơ hội mới trong quản lý và quản trị kinh doanh.
- Chuyên ngành đào tạo: Tin học - Kế toán
Trong tương lai sẽ mở rộng thêm ngành nghề và các chuyên ngành theo hướng chuyên sâu, phù hợp với xu thế hội nhập kinh tế.