Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế (gọi tắt là trường ĐHKH), tiền thân là trường Đại học Tổng hợp Huế, được thành lập theo Quyết định số 426/TTg ngày 27-10-1976 của Thủ tướng chính phủ trên cơ sở sát nhập Đại học Khoa học và Đại học Văn khoa của Viện Đại học Huế trước đây (Viện ĐH Huế thành lập năm 1957). Năm 1994, theo Nghị định số 30/CP của Chính phủ về việc thành lập Đại học Huế, trường Đại học Tổng hợp trở thành trường thành viên của Đại học Huế và được đổi tên thành trường Đại học Khoa học.
Sứ mạng:
Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế có sứ mạng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; nghiên cứu cơ bản và ứng dụng về khoa học tự nhiên, khoa học xã hội - nhân văn và kỹ thuật - công nghệ đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước.
CƠ SỞ VẬT CHẤT PHỤC VỤ CHO ĐÀO TẠO VÀ NGHIÊN CỨU KHOA HỌC
Hiện nay Trường có 15 khoa, 7 phòng chức năng, 5 trung tâm nghiên cứu, 1 trung tâm thông tin thư viện và 1 viện nghiên cứu. Tổng số CBCC, lao động là 439 người, trong đó có 02 Giáo sư, 44 PGS, 67 Tiến sĩ và 197 thạc sĩ.
Trường đang đào tạo 17 chuyên ngành tiến sĩ, 24 chuyên ngành thạc sĩ, 24 chuyên ngành Cử nhân, 02 chuyên ngành đào tạo THCN và đào tạo THPT khối chuyên Toán, Văn, Hoá, Sinh. Tổng số học viên, sinh viên, học sinh của Trường hiện nay gần 10 ngàn; tuyển sinh hàng năm hơn 1.500 sinh viên chính quy, 1.500 sinh viên hệ vừa làm vừa học và 500 hệ chuyên tu - bằng hai, quy mô tăng từ 10 - 12%.
Khuôn viên của Trường có diện tích 3,7ha; với 09 tòa nhà đã và đang được xây dựng với 92 phòng học đạt tiêu chuẩn, trong đó có 12 phòng được trang bị hệ thống nghe nhìn hiện đại; 47 phòng thí nghiệm cơ bản, phòng thí nghiệm chuyên đề, phòng tư liệu và phòng bảo tàng; 08 phòng thực hành máy tính (gần 400 máy tính) và 01 thư viện trung tâm. Các phòng thí nghiệm được xây dựng hiện đại, thư viện có nguồn tài liệu bao gồm sách, báo, tạp chí… đáp ứng tốt cho công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học của cán bộ, sinh viên, học viên của Trường.
Trải qua hơn 60 năm xây dựng và phát triển, Trường đã đào tạo được gần 30 ngành cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ, THCN, THPT... trong đó có hơn 15 ngàn cử nhân hệ chính quy.
Trường ĐHKH luôn chú trọng kết hợp đào tạo với nghiên cứu khoa học. Đến nay, Trường đã và đang thực hiện 1.535 đề tài NCKH, trong đó có 22 đề tài hợp tác quốc tế, 4 đề tài cấp Nhà nước, 159 đề tài nghiên cứu cơ bản, 312 đề tài cấp Bộ và cấp Bộ trọng điểm, 108 đề tài cấp Tỉnh, 614 đề tài cấp cơ sở và 314 đề tài nghiên cứu của sinh viên.
Trường có mối quan hệ hợp tác với nhiều trường Đại học và các viện nghiên cứu như: Pháp, Anh, Nhật Bản, Úc, Mỹ, Đức, Thái Lan, New Zealand, Canada, Đan Mạch, Ý, Hà Lan….
Theo kế hoạch chiến lược phát triển của Trường đến năm 2015 và tầm nhìn 2020 như sau:
- Từ 2009 – 2010, Trường có 530 cán bộ, trong đó CBGD có trình độ SĐH chiếm từ 70-80% .
- Từ 2011 – 2015, có 650 cán bộ, trong đó CBGD có trình độ SĐH là 80-90% (30% tiến sĩ, tiến sĩ khoa học; 40% GVC trở lên, 7% PGS và GS và 2% giảng viên cao cấp).
- Đến giai đoạn 2016 – 2020, có 750 cán bộ, trong đó có 90-95% CBGD có trình độ SĐH (60% giảng viên có trình độ thạc sĩ và 35% giảng viên đạt trình độ tiến sĩ).
CÁC THẾ MẠNH VỀ KH, CN, CGCN, SXKD CỦA TRƯỜNG
- Các lĩnh vực nghiên cứu cơ bản, đặc trưng của một trường đại học khoa học cơ bản ở miền Trung (KHTN, KHXHNV, KHCN, Kỹ thuật và KHGD).
- Đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội thực tiễn của khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
- Phát huy thế mạnh về đội ngũ và trang thiết bị hiện có để phấn đấu trở thành một trung tâm nghiên cứu và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ở khu vực Miền Trung.
- Xây dựng đề tài đa ngành, đa cấp, đa lĩnh vực; đề tài ứng dụng và chuyển giao công nghệ, góp phần quy hoạch phát triển bền vững và khai thác hợp lý tài nguyên thiên nhiên.
Phát huy truyền thống hơn 30 năm xây dựng và phát triển, trong những năm tới Trường sẽ không ngừng nâng cao chất lượng, mở rộng quy mô đào tạo và NCKH. Chú trọng mở một số ngành đào tạo mới theo hướng công nghệ - ứng dụng; tăng quy mô đào tạo hợp lý phù hợp thế mạnh đội ngũ, CSVC của Trường nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội; tích cực điện tử hoá bài giảng, xuất bản giáo trình; trang bị phòng học, phòng thực hành, phòng thí nghiệm hiện đại, chất lượng cao; áp dụng đào tạo tín chỉ cho các ngành học. Tăng cường liên kết với các đối tác để tiến hành ký kết hợp tác nghiên cứu các đề tài trọng điểm, các đề tài có tính chuyển giao công nghệ, ứng dụng cao và tham gia thỉnh giảng trao đổi chuyên môn.
Các danh hiệu thi đua:
Năm 1979, năm 2004 và năm 2006: Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen. Năm 1983: Chủ tịch Hội đồng Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba. Năm 1991: Chủ tịch Hội đồng Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhì. Năm 1996: Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhất. Năm 2001: Chủ tịch nước tặng Huân chương Độc lập hạng Ba. Năm 2011: Chủ tịch nước tặng Huân chương Độc lập hạng Nhì. Năm 2017: Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhì. Trường đã liên tục đạt danh hiệu Trường tiên tiến xuất sắc trong nhiều năm liền. |