Cuộc di dân vĩ đại nhất loài người
Loài người xuất phát từ đâu? Làm thế nào chúng ta có thể hiện diện tại nơi chúng ta đang sống? Bắt đầu từ một nhóm người săn bắt hái lượm tận châu Phi, cho đến tận 200.000 năm sau, hơn 6,5 triệu hậu duệ của họ đã tản mát khắp nơi trên trái đất. ...
Loài người xuất phát từ đâu? Làm thế nào chúng ta có thể hiện diện tại nơi chúng ta đang sống? Bắt đầu từ một nhóm người săn bắt hái lượm tận châu Phi, cho đến tận 200.000 năm sau, hơn 6,5 triệu hậu duệ của họ đã tản mát khắp nơi trên trái đất.
Cho đến ngày hôm nay, nhiều nhà khoa học vẫn chưa có câu trả lời cho câu hỏi ai là con người hiện đại đầu tiên ở châu Phi và điều gì đã thúc đẩy lớp hậu duệ của họ phải rời bỏ lục địa quê hương khoảng 50.000 năm trước để mở mang bờ cõi Á - Âu. Thời điểm nào và làm thế nào mà con người đầu tiên có thể đặt chân lên châu Mỹ?
Những người khác sinh sống tại các vùng đảo Andaman ngoài khơi Myanmar mang trong mình những dấu hiệu gen di truyền tương đồng cổ nhất được phát hiện bên ngoài châu Phi - bằng chứng cho thấy loài người hiện đại (Homo sapiens) đã đến phía đông từ châu Phi khoảng 70.000 năm trước. Trải dài suốt quá trình di cư, họ đã gia tăng số lượng con cháu và tạo ra các tộc người mới.
Trải qua hàng thập kỷ, bằng chứng duy nhất để trả lời cho các câu hỏi trên là dựa vào những mẫu xương và đồ tạo tác mà tổ tiên chúng ta để lại trong cuộc hành trình của họ. Tuy nhiên, trong suốt 20 năm qua, các nhà khoa học đã dựa vào các mẫu DNA của con người hiện hữu ngày nay để xác định lại các cuộc di cư của loài người. "Mỗi một giọt máu của chúng ta đều chứa đựng một lịch sử lâu dài được viết bằng ngôn ngữ của gen tiến hoá", Spencer Wells, nhà di truyền dân tộc học thuộc tạp chí Địa lý quốc gia (Mỹ), cho biết.
Mã gen người, hay bộ di truyền, cho biết chính xác đến 99,9% nguồn gốc con người trên thế giới, phần trăm còn lại chỉ là nhiệm vụ của DNA về những điểm khác biệt của từng cá nhân như màu mắt hay nguyên nhân bệnh tật… cũng như một số không thể hiện rõ chức năng của nó. Bằng việc so sánh các dấu hiệu ở nhiều dân tộc khác nhau, các nhà khoa học có thể tìm hiểu được mối tương quan với tổ tiên của họ. Ở hầu hết các bộ di truyền, những thay đổi nhanh chóng này bị che phủ bởi sự thay đổi gen diễn ra mỗi lần ở DNA của người mẹ và người cha trong quá trình hình thành nên các thế hệ tiếp theo. Một cái được gọi là ty lạp thể DNA (mtDNA) được chuyển một cách nguyên vẹn từ mẹ sang con, hầu hết nhiễm sắc thể Y, nhiễm sắc thể nam tính, lại truyền từ cha sang con.
Những đột biến lâu dài trong mtDNA và (nam giới) nhiễm sắc thể Y của bạn chỉ là hai sợi chỉ liên kết trong một tấm thảm khổng lồ của người đóng góp cho bộ di truyền của chúng ta. Tuy nhiên, khi so sánh mtDNA và nhiễm sắc thể Y của những người từ các dân tộc khác nhau, các nhà di truyền học có thể biết được chắc chắn rằng những nhóm người đó rẽ theo những hướng khác nhau khi nào và ở đâu trong cuộc di dân lớn của họ trên khắp hành tinh này.
Klaas Kruiper, thợ săn tộc người San, đang đợi các thành viên gia đình trên sa mạc Kalahari của Nam Phi. Các điểm chung về gen di truyền trong tộc người San có thể cho thấy có mối liên quan đến người hiện đại. Họ giao tiếp với nhau bằng các tiếng gõ - một yếu tố được tìm thấy trong ngôn ngữ được nói ở các nhóm người châu Phi khác, những người mang mẫu DNA của tổ tiên xa xưa.
Vào giữa thập niên 80, cố giáo sư Allan Wilson và các đồng nghiệp tại Đại học California (Mỹ) đã sử dụng mtDNA để xác định nguồn gốc tổ tiên loài người. Họ đã so sánh mtDNA từ nhiều phụ nữ khắp nơi trên thế giới và phát hiện ra rằng những phụ nữ thuộc dòng dõi châu Phi có sự đa dạng gấp hai lần những thế hệ trước của họ. Từ đây, những đột biến rõ rệt này dường như xảy ra ở một mức độ ổn định và con người hiện đại có lẽ đã từng sống tại châu Phi lâu gấp hai lần những người ở nhiều nơi khác. Các nhà khoa học ngày nay tính toán được rằng loài người hiện hữu có liên quan đến một người phụ nữ độc lập đã sống gần 150.000 năm trước ở châu Phi, đây được xem là một "ty lạp thể của Eva". Người phụ nữ này không phải là duy nhất vào thời bấy giờ, tuy nhiên nếu các nhà di truyền học tính toán đúng, tất cả loài người chúng ta ngày nay đều có liên quan đến Eva thông qua một chuỗi các bà mẹ!
Ty lạp thể Eva mau chóng được "nhiễm sắc thể Y của Adam" kết hợp, người cha chung của tất cả chúng ta, cũng bắt nguồn từ châu Phi. Các cuộc nghiên cứu kỹ càng DNA sau này cũng đã khẳng định được một điều chắc chắn rằng: nguồn gốc của loài người trên trái đất hiện nay đều có tổ tiên từ những nhóm người săn bắt - hái lượm ở châu Phi.
Sự đa dạng ở các nhóm gen di truyền khác nhau (những chấm nhiều màu sắc) cho thấy châu Phi chính là quê hương sớm nhất của loài người hiện đại. Những nhóm người mang các mẫu gen di truyền đã rời khỏi châu Phi (giữa) và trải qua hơn hàng chục nghìn năm, họ đã định cư tại nhiều vùng khác nhau (phải). Khoảng từ 50.000 đến 70.000 năm trước, một "làn sóng" di dân nhỏ từ châu Phi đã tìm đến các bờ biển thuộc phía tây châu Á. Các nhà khảo cổ học nghĩ rằng cuộc di dân ra khỏi lục địa đen đã mở ra một cuộc cách mạng trong hành xử, bao gồm nhiều dụng cụ phức tạp, mạng lưới xã hội rộng lớn và các loại trang sức, mỹ thuật đầu tiên của loài người. Có thể một vài đột biến về thần kinh đã tạo ra ngôn ngữ nói và đưa tổ tiên chúng ta dần văn minh hơn, một nhóm nhỏ trong số đó bắt đầu tìm nơi định cư của mình khắp thế giới.
Tại châu Á, các nhà khoa học đã khám phá được những bằng chứng chứng tỏ những người di cư đầu tiên đã xuất hiện tại đây. Tại thung lũng Nile, dọc bán đảo Sinai và nằm về hướng bắc Levant, họ đã sử dụng các dụng cụ đánh bắt dưới nước thô sơ. Các bằng chứng di truyền tại châu Á cho thấy những người di cư đã có sự chia tách ra nhiều ngả khác nhau. Một nhóm định cư trong một thời gian ngắn tại Trung Đông, trong khi nhóm khác lại đi dọc bờ biển khắp bán đảo Arập, Ấn Độ và xa hơn nữa. Mỗi một thế hệ tiếp theo lại di chuyển đến một số nơi xa hơn thế hệ ông cha đã định cư.
Trải qua hàng nghìn năm, những bước chuyển chậm chạp của con người rồi cũng đưa họ đến với miền nam nước Úc. Tại đây các nhà khảo cổ đã tìm thấy xác một người đàn ông được chôn cất tại một địa điểm gọi là hồ Mungo, có niên đại khoảng 45.000 năm trước. Những dụng cụ tạo tác hoá thạch bên dưới ngôi mộ có thể có niên đại lên đến 50.000 năm - bằng chứng sớm nhất về con người hiện đại từ châu Phi di cư đến đây. Một số nhóm người bản xứ trên vùng đảo Andaman Islands gần Myanmar, ở Malaysia và Papua New Guinea cũng như ở hầu hết vùng Aborigines của Úc đều có những dấu hiệu di truyền ty lạp thể từ những người di cư đầu tiên.
Con người hiện nay tại châu Á và châu Âu đều có rất nhiều điểm khác biệt nhưng lại có chung di truyền mtDNA và nhiễm sắc thể Y, cho thấy họ có cùng nguồn gốc với một số người nào đấy.
Hầu hết các nhà khoa học ngày nay đều đồng ý rằng người Mỹ bản xứ (dân da đỏ) đều có nguồn gốc từ người châu Á cổ, những người đã vượt từ Siberia đến Alaska vào cuối thời kỳ băng giá khi mà mực nước biển xuống thấp và làm lộ dần "chiếc cầu đất" giữa hai miền lục địa. Hàng thập kỷ qua, người ta vẫn nghĩ rằng người châu Mỹ đầu tiên đã đến đây từ khoảng 13.000 năm trước khi kỷ băng giá kết thúc, mở ra một con đường nối liền với Canada ngày nay. Tuy nhiên một vài nhà khảo cổ học lại khẳng định rằng họ có những bằng chứng chứng minh những con người này đã hiện diện nơi đây sớm hơn, đó là khu di chỉ Meadowcroft Shelter ở Pennsylvania có 16.000 năm tuổi và Monte Verde ở miền nam Chi Lê, hơn 14.000 năm tuổi.
Các mẫu DNA của những người châu Mỹ bản xứ còn sống có thể giúp giải quyết một số nghi vấn này. Hầu hết những người này đều mang nhiều dấu hiệu DNA giống với người châu Á. Jody Hey, nhà di truyền học tại Đại học Rutgers cho biết: "Chính gen di truyền của người da đỏ ngày nay đã nói lên mối quan hệ với tổ tiên của họ từ xa xưa".