18/06/2018, 15:49

Cộng sản đấu cộng sản tại Đông Nam Á

Tù binh Trung Quốc bị bắt trong chiến tranh biên giới 1979 Douglas Pike Ngô Bắc dịch và phụ chú Lời người dịch: Tác giả, Douglas Pike, một nhân viên ngoại giao cao cấp, nguyên là Trưởng Phòng Đông Dương Sự Vụ, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ trong chính quyền Tổng Thống Jimmy Carter. ...

Tù binh Trung Quốc bị bắt trong chiến tranh biên giới 1979

Douglas Pike

Ngô Bắc dịch và phụ chú

Lời người dịch: Tác giả, Douglas Pike, một nhân viên ngoại giao cao cấp, nguyên là Trưởng Phòng Đông Dương Sự Vụ, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ trong chính quyền Tổng Thống Jimmy Carter.  Tác giả Douglas Pike có cho người dịch Ngô Bắc hay biết rằng ông đã đại diện Bộ Ngoại Giao trong Ủy Ban Liên Bộ Ngoại Giao – Quốc Phòng tại Ngũ Giác Đài để theo dõi thường trực suốt Cuộc Chiến Tranh Biên Giới Trung-Việt năm 1979.

Sau khi rời khỏi guồng máy hành chính, ông đã lần lượt là Giám Đốc Văn Khố Đông Dương, Viên Nghiên Cứu Đông Á, Đại Học U. C. Berkeley, và đồng Giám Đốc Trung Tâm Việt Nam, Texas Tech Univerisity cho đến lúc từ trần vào năm 2002.

Một tình trạng chiến lược được dự liệu hiêm hoi đã nảy sinh tại Đông nam Á kể từ khi có sự sụp đổ của nam Việt Nam hồi Tháng Tư 1975.  Tình trạng này là cuộc đấu tranh quyền lực trần truồng (no-holds-barred) giữa các nước cộng sản; nó bao gồm một cuộc chiến tranh lạnh chua chát giữa hai siêu cường cộng sản và các cuộc chiến tranh nóng bỏng huynh đệ tương tàn giữa các nước cộng sản trong vùng.

       Bốn biến cố đặc biệt cung cấp khung cảnh cho một sự khảo cứu tình trạng này: (1) sự chấm dứt chiến tranh Việt Nam, lên đến đỉnh điểm trong sự chiến thắng hoàn toàn cho các phe cộng sản Đông Dương khác nhau; (2) sự bộc phát chiến tranh nồi da nấu thịt, trong nội bộ cộng sản, với các hợp âm mang âm hưởng dân tộc chủ nghĩa và ý thức hệ; (3) mối quan hệ mới, đang phát triển giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, mà, ngoài việc có ý nghĩa hiển nhiên đối với Liên Bang Sô Viết, sẽ có tác động gián tiếp trên Đông Nam Á, Nhật Bản, Hàn Quốc, và các nước khác; và (4) sự cải thiện kinh tế-xã hội, sự dẻo dai về tâm lý, và sự may mắn rõ ràng được thụ hưởng bởi khối ASEAN tức Hiệp Hội Các Nước Đông Nam Á (Thái Lan, Nam Dương, Mã Lai, Tân Gia Ba, và Phi Luật tân).  Bốn sự phát triển này có tình chất quan trọng nhất trong việc xác định diễn tiến hiện tại và tương lai của các biến cố tại Đông Nam Á.

Tổng quan

       “Sự thăng bằng” vẫn là phương thuốc bằng vàng trị bách bệnh trong thuật ngữ của các nhà hoạch định chính sách trong vùng, ít nhất với những người tại các quốc gia không cộng sản.  Trong khi sự ổn định có thể mang khái niệm duy trì nguyên trạng (status quo), sự thăng bằng có một âm vang rung động cân đối một cách thích đáng với nó.  Ngày nay, sự thăng bằng có một ý nghĩa mới.  Không còn bị nhận thức như một tình trạng đơn giản của sự quân bình giữa hai lực lưỡng cực nữa, nó đã trở thành một động lực đa phương đa diện.  Sự thay đổi trong ý nghĩa này thực sự là một phó sản của các biến cố.  Thí dụ: nơi đã từng có hai nước Á Châu cộng sản chính yếu, giò đây có ba nước; bất kỳ chủ thuyết nguyên khối nào đã hiện hữu trong phe cộng sản đã bị thay thế bởi sự đối nghịch thẳng thừng; các sự thay đổi chính trị tại Đông Dương đã tạo ra một sự biến đổi cán cân địa chính trị liên tục và thực sự mọi nước trong vùng giờ đây chấp nhận các chính sách tinh tế hơn với nhiều ưu tiên liên hệ với nhau hơn.

       Những gì đã từng là một cảnh tượng tương đối đơn giản giờ đây phức tạp hơn – là vì, phần lớn, ba sự thay đổi chính yếu.  Trước tiên là bản chất biến cải của các mối quan hệ tại lưu vực Thái Bình Dương.  Từ Thế Chiến II đến nay, các mối quan hệ này được đặt định phần lớn trên các mệnh lệnh an ninh quốc gia – đối với các quốc gia công sản cũng như không cộng sản, thực dân cũng như phi thực dân.  Thời kỳ này bị khống chế bởi quan tâm về năng lực quân sự.  Giờ đây, sự độc quyền của các quyết định chính sách phát sinh từ các nhu cầu an ninh quân sự đã bị phá vỡ và nhiều vấn đề phi quân sự khác nhau đã tiến lền hàng đầu.  Ngoài các yếu tố kinh tế truyền thống – mậu dịch, viện trợ, sự phân phối tài nguyên, sự tiếp cận nguyên liệu, và sự chuyển giao kỹ thuật – các vấn đề phi quân sự gồm cả các sự chuyển giao khí giới, sự lan truyền hạt nhân nguyên tử, và nhân quyền.  Trong tương lai, các vấn đề phi quân sự này sẽ bắt đầu xâm chiếm (dù thế, dĩ nhiên, chúng sẽ không bao giờ thay thế) các ảnh hưởng điều hành trước đây trong các mối tương quan Á Châu.

       Sự thay đổi quan trọng thứ nhì liên can đến chủ nghĩa dân tộc, đặc biệt loại dân tộc chủ nghĩa sơ đẳng và quá khích đã đánh dấu cảnh tượng kể từ thập niên 1920.  Chủ nghĩa dân tộc Á Châu rõ ràng sẽ là một lực nhỏ dần tại phần lớn các nước (Căm Bốt có lẽ là ngoại lệ chính).  Chắc chắn, dân tộc chủ nghĩa Á Châu đang thay đổi trong bản chất – một sự phản ảnh của các sự xâm lấn kinh tế vào các nhu cầu an ninh.  Điều này có nghĩa rằng thập niên tới sẽ đẩy đến một kỷ nguyên hậu dân tộc chủ nghĩa cho Á Châu hay không?  Có lẽ là không.  Nhưng dường như loại dân tộc chủ nghĩa được tìm thấy tại Á Châu trong năm thập niên vừa qua sẽ thay đổi một cách sâu sắc và ít trở thành một chất xúc tác cho sự thay đổi.  Sự tranh giành bắt nguồn trong di sản ngữ học dân tộc sẽ vẫn tồn tại, và có lẽ còn gia tăng.  Nhưng điều này sẽ không phải là dân tộc chủ nghĩa tác hành; đúng hơn nó sẽ là một sự phục hồi các sự thù nghịch có niên kỳ lùi lại trước khái niệm hiện đại về dân tộc chủ nghĩa.  Nó sẽ là một sự quay trở lại cuộc đấu tranh quyền lực bị gián đoạn bởi sự cập bến của thực dân Âu Châu hồi thế kỷ thứ 18.  Loại dân tộc chủ nghĩa dính liền với Hồ Chí Minh, U Nu, Sukarno, và những người khác đang bị tháo gỡ.

       Tình trạng thay đổi thứ ba, phần lớn chưa được định hình, là điều có thể mệnh danh là sự khủng hoảng Á Châu trong sự tự nhận thức, theo lối mà người Á Châu tự nhìn mình.  Nó liên can đến các thái độ sở đắc của họ đối với sự phát triển kinh tế – xã hội và đặc biệt được thể hiện tại các nước đang hay sắp sửa cất cánh về kinh tế.

       Trong quá khứ, Á Châu đã nhìn ra bên ngoài để tìm kiếm các mô hình của sự phát triển kinh tế và chính trị.  Các dân tộc Á Châu đã ôm chầm lấy – mặc dù không phải lúc nào cũng có ý thức – nhiều quan điểm và các phán đoán trị giá của các dân tộc thuộc các nước xa xôi.  Khởi thủy, họ ganh đua với Âu Châu; sau đó họ nhìn tới Hoa Kỳ hay Liên Bang Sô Viết; sau nữa, trong một đường hướng khác, họ nhìn tới Nhật Bản và Trung Quốc.  Nhưng lần lượt từng hình ảnh đã trở thành hoen ố.  Không còn bất kỳ nước nào trong chúng là một đối tượng không cần tranh cãi cho sự thi đua nữa.  Mỗi đối tượng, ở một số tầm hạn, đều bị nhìn là có khuyết điểm. Do đó, người Á Châu bước tới các cổng của thế giới hiện đại – đời sống tốt đẹp – chỉ để được nói cho biết rằng nó không hiện hữu.  Vấn đề về các lối sống tương lai được đặt thành câu hỏi.  Vấn đề này của sự tự nhận thức có nhiều ngụ ý ý thức hệ; nó ảnh hưởng đến cả các dân tộc theo chủ nghĩa cộng sản lẫn phi cộng sản.  Việt Nam, thí dụ, mệnh danh hiện tượng là vấn đề về “phẩm chất của đời sống”.  Tại thực sự mọi quốc gia tại Á Châu, mối quan tâm đang lớn mạnh về sự khôn ngoan của việc duy trì (hay thay đổi) các sự sắp xếp kinh tế hiện hữu và các chiến lược cùng mục đích tương lai đã được tuyên bố.  Điều này không hoàn toàn xa lạ đối với người nghèo, hay không được tình cảm bởi giới trẻ.  Nó cũng không có tính chất ý thức hệ theo nghĩa thông thường.  Đúng ra, nó có tính chất phản ý thức hệ — nó được đặt nền trên ý tưởng rằng không hệ thống tư bản hay hệ thống xã hội/cộng sản nào hoạt động thật hoàn hảo.  Nó vươn tới thực sự mọi nhóm xã hội-chính trị quan trọng tại mọi xã hội Á Châu và, trong phần lớn các trường hợp, tới chính các tầng lớp thượng tầng của giới lãnh lạo.  Tại từng nước một, điều này đã tạo ra một sự bất định lớn lao về việc làm thế nào để xây dựng tương lai, và ngay cả về việc tương lai sẽ phải như thế nào.  Nó không phải là một cuộc khủng hoảng về ý chí hay mục đích cho bằng sự thiếu vắng cả một mô hình làm việc lý tưởng hóa lẫn một sự vững chắc về tâm lý.

       Vì lý do này, Đông Nam Á ngày nay thực sự chờ đợi các câu trả lời.  Giờ đây, hơn bất kỳ thời điểm nào trong lịch sử cận đại, dân chúng và các quốc gia trong vùng dễ tiếp nhận hơn các ý tưởng mới và sự lãnh đạo bên ngoài.  Nhưng các ý tưởng phải có tính cách canh tân và khả thi, và giới lãnh đạo phải có khả năng lãnh đạo, chứ không chỉ cầm cương vận hành.

       Điều kiện căn bản của Đông Nam Á không chỉ đang trở nên phức tạp hơn, nó ngày càng quan trọng hơn.  Các vốn liếng trong ván bài chính trị quyền lực lên cao một cách rõ rệt, đặc biệt đối với Liên Bang Sô Viết và Trung Quốc.  Điều này xảy ra một phần vì sự tranh chấp Nga – Hoa trở nên có tính cách trung tâm cho chính trị trong vùng.  Một phần bởi có sự tái sinh và tăng trưởng của chủ nghĩa ái quốc cực đoan (chauvinism) tại Đông Dương.  Sự đối đầu của Việt Nam với Trung Quốc đã nâng cao vốn liếng đánh cược của ván bài.  Quyết định của Hà Nội làm như thế trong Tháng Mười Một 1978 khi ký kết với Mạc Tư Khoa sáu hiệp ước và sự thỏa thuận mà Trung Quốc gọi là một liên minh quân sự.  Do đó, cuộc đấu tranh quyền lực đã mang chiều kích và ý nghĩa bổ túc, không chỉ tại Đông Dương và trong cuộc đấu tranh của thế giới cộng sản, mà còn tại toàn thể Lưu Vực Thái Bình Dương.  Bản thân vùng đất vốn có tầm quan trọng cơ hữu đang gia tăng một cách vững chắc.  Với khoảng 300 triệu người, nước đông dân thứ năm thế giới (Indonesia), và các nguồn nhân lực và tài nguyên thiên nhiên bao la, Đông Nam Á là một khu vực có các rào cản to lớn cho hòa bình ổn định.  Đó là một vùng của sự đối nghịch văn hóa và chủng tộc, các sự tranh giành đô thị – nông thôn, các nền kinh tế cạnh tranh, các áp lực dân số, các vấn đề dân tộc ít người rắc rối, các cuộc nổi dậy không bao giờ chấm dứt, và thông thường, các chính sách ngoại giao thiếu mạch lạc.  Gần như chắc chắn, trong thập niên tới, vùng này sẽ trở một loại lò thử thách.  Phía Việt Nam, các tác nhân quan trọng trên diễn trường, tự nhìn mình như một lực lượng cách mạng và thay đổi tại Đông Nam Á, và điều đó không thôi đủ để làm cho khung cảnh trở nên náo động.  Việt Nam đã sẵn tung chiến bào vào cuộc tranh đấu, không chỉ bằng việc cấp ngân khoản cho các cuộc nổi dậy, mà còn bởi việc liệt kê cuộc tranh chấp giữa phe tư bản và cộng sản như lực lượng phân hóa chính yếu, và từ đó là mối đe dọa quan trọng cho hòa bình, trong khu vực.

Chiến lược và tham vọng

       Sự thắng lợi của Việt Nam trong chiến tranh đã nâng nước này lần đầu tiên trong lịch sử của nó lên vị thế một tác nhân quan trọng thành kẻ mà giờ đây phần còn lại của Á Châu phải tranh đua.  Đó là điều không thể đảo ngược được.  Với gần 50 triệu người dân, Việt Nam đứng thứ 17 về dân số trong hơn 150 nước của thế giới.  Nó là nước cộng sản lớn thứ ba.  Nó có một quân đội thường trực lớn thứ tư, một quân đội được tôi luyện bằng chiến đấu và được trang bị đầy đủ.  Nó có tiềm năng kinh tế và sự giàu có của đất nước.  Nó tọa lạc ở vị trí chiến lược.

       Một cách chính xác giới lãnh đạo Việt Nam – mười bẩy người của Bộ Chính Trị và các tướng lĩnh trên cùng – có quan điểm về an ninh của mình ra sao? Trong những năm hậu Chiến Tranh Việt Nam, các lý thuyết gia Hà Nội thường phát biểu rành mạch quan điểm của họ.  Quan điểm của họ có thể tóm tắt trong bảy mệnh đề: 1) Cán cân chiến lược thế giới đã bị thay đổi một cách cơ bản và không thể truất bãi được bởi sự chiến thắng của cộng sản tại Việt Nam.  2) Ba  lực lượng chính yếu hay trào lưu cách mạng giờ đây chế ngự khung cảnh quốc tế: tính ưu việt của thế giới xã hội chủ nghĩa, sự thống nhất của các thế giới thứ ba và thứ tư trong một quyết tâm để kiểu chính sự bất quân bằng kinh tế, và tính đấu tranh gia tăng của các nhà cách mạng có ý thức chính trị khác nhau tại các xã hội tư bản chủ nghĩa.  3) Chiến tranh cách mạng kéo dài, như được hoàn thiện tại Việt Nam, được chứng tỏ sẽ là phương cách bất khả bị khuất phục để đánh bại bất kỳ đối thủ nào và sẽ là chiến lược của tương lai.  4) Hoa Kỳ đã khước từ làm một siêu cường, và tuyến phòng thủ nó đã duy trì trong nhiều thập niên tại Á Châu bị sụp đổ.  5) Đông Nam Á giờ đây đang chịu các áp lực cách mạng lớn lao.  Viễn ảnh cho vùng đất này là sự phủ nhận ảnh hưởng của Hoa Kỳ trong khu vực và sự loại bỏ chủ nghĩa tư bản.  6) Việt Nam có một vai trò vinh quang để đóng giữ trong tất cả các điều này, vai trò hướng dẫn và đỡ đầu; có thể nó sẽ còn thay thế cho Algeria như lãnh tụ của cánh đấu tranh của thế giới thứ ba.  7) Việt Nam có thể và phải thúc đẩy cho cuộc cách mạng thế giới, bởi chưa bao giờ viễn ảnh lại tươi sáng như vậy.

       Thế giới quan chính thức của Hà Nội được tuyên bố công khai là như thế.  Ý nghĩa của nó như sau đây: Thế giới đang tiến thành cộng sản bởi có các lực lượng quyết đoán không có gì có thể chận đứng được.  Việt Nam vì thế phải có một thái độ năng động hơn là tích cực đối với diễn tiến.  Điều cần phải nhấn mạnh rằng đây chỉ là nhận thức, không phải là sự phân tích thực tế.

       Viên tư lệnh hàng đầu giới quân sự của xứ sở, Văn Tiến Dũng, gần đây đã lượng định sức mạnh và các nhược điểm chiến lược của Việt Nam trong một bài báo 1 vừa có tính cách bộc lộ và xác thực.  Ông ta đã liệt kê điều mà ông xem sẽ là sáu nguồn cội của sức mạnh chiến lược của Việt Nam.  (Đúng với ngữ nghĩa đặc thù của các bản văn cộng sản Việt Nam – trong đó các động từ là [is] và phải [ought to] được dùng thay cho nhau – ông ta đặt ra một số điều kiện nào đó như đã sẵn hiện hữu trong khi nói rõ ràng chúng vẫn còn là điều sẽ được đạt tới).  Sáu nguồn cội đó là:

       1. Truyền thống đoàn kết và tinh thần dân tộc của Việt Nam;

       2. Hệ thống kinh tế – xã hội tập thể của đất nước;

       3. Các lực lượng vũ trang quốc gia mới được tái tổ chức và phát triển về mặt kỹ thuật;

       4. Giới lãnh đạo quân sự và dân sự khéo léo trong việc tạo lập ra các chiến lược ưu việt do kinh nghiệm lâu dài trong việc sử dụng khoa học quân sự Mác-xít (học thuyết chiến tranh nhân dân);

       5. Một chính nghĩa dân tộc;

       6. Sự ủng hộ quốc tế cũng như sự ủng hộ của lịch sử (có nghĩa Việt Nam đang di chuyển trong cùng chiều hướng mà lịch sử đang dẫn dắt thế giới).

       Tướng Dũng cho hay rằng một số trong sáu điều kiện là các sức mạnh hiện hữu; các tình trạng này gồm nguồn thứ nhất, thứ tư và thứ năm.  Điều kiện thứ nhì hiện hữu, nhưng đòi hỏi sự làm việc.  Điều kiện thứ ba và thứ sáu vẫn chưa được thành đạt một cách thỏa đáng.  Trong một ý tưởng mang tính chất triết lý, Tướng Dũng đã đưa ra nhận định này về chiến tranh:

Chiến tranh là một sự trắc nghiệm cao nhất và bao quát nhất cho một quốc gia và hệ thống xã hội của nó.  Nó không chỉ là một sự tranh đua về sức mạnh và ý chí mà còn là một cuộc tranh đua giữa hai đối thủ về kỹ năng và chiến lược.  Thắng lợi sẽ ngả về bên có chiến lược quân sự đúng đắn, áp dụng đúng nghệ thuật của khoa học quân sự, phát triển động lực chủ quan cao nhất, và giới hạn hữu hiệu nhất các nỗ lực gây chiến của đối thủ của nó. 2

       Trong khoảng thập niên sắp tới, hai sự cứu xét sẽ chế ngự các quan hệ của Đông Dương cộng sản với các lân bang phương nam của nó: các quyền lợi an ninh liên can đến cả các quan hệ nhà nước với nhà nước lẫn đảng với đảng, và các quyền lợi kinh tế nhất thiết liên can đến một sự liên kết ý thức hệ chặt chẽ.

       Một số câu hỏi chiến lược nền tảng nào đó đối diện với các nhà hoạch định quân sự Việt Nam khi họ (và phần còn lại của Đông Nam Á) tự mình nhắm đến cán cân lực lượng mới trong vùng.  Liệu thập niên tới sẽ nhìn thấy một sự phân cực của quyền lực địa chính trị tại Đông Nam Á với Hà Nội ở một đầu cực và Jakarta ở đầu cực kia – một loại cân bằng thế kỷ thứ 19 của sự tranh giành quyền lực – hay không?  Hay sẽ được nhìn thấy một nhóm [bán] đảo [insular (đảo) trong nguyên bản, có lẽ phải là peninsular (bán đảo) hay lục địa (mainland) thì chính xác hơn, chú của người dịch] (Đông Dương, Thái Lan, Mã Lai, Singapore, Miến Điện) chống lại các lực lượng ngoài khơi (Nam Dương, Phi Luật Tân)? Hay sẽ là một Đông Dương chống lại phần còn lại của Đông Nam Á? Liệu cuộc đấu tranh có thể châm ngòi cho nỗ lực phối hợp để đẩy lùi chủ nghĩa cộng sản tại Đông Dương hay không? Trung Quốc đang hăm dọa như thế nào và Liên Bang Sô Viết đáng tin cậy ra sao?

       Các quyền lợi an ninh của Việt Nam tại Đông Nam Á rõ ràng gồm bốn thành tố.  Quan tâm đầu tiên và bao chùm là việc bảo đảm một vùng hợp tác, không đe dọa; trên hết, điều này áp dụng cho bán đảo Đông Dương.  Thứ nhì là ngăn cản sự phát triển mặt trận chống phe cộng sản chủ nghĩa, hoặc là một khối ASEAN đấu tranh, một khối SEATO được tu chỉnh, hay một số sự kết hợp cấp miền khác đối nghịch với Việt Nam.  Thứ ba là để loại bỏ sự hiện diện quân sự của Hoa Kỳ ra khỏi khu vực và làm giảm bớt ảnh hưởng tổng quát của Hoa Kỳ.  Thứ tư là nhằm giới hạn hoạt động của siêu cường trong miền, kể cả CHNDTQ và (không có vẻ làm như thế) Liên Bang Sô Viết.

       Sự cứu xét thứ nhì của Hà Nội cho vùng này là một sự hỗn hợp ý thức hệ – kinh tế.  Các nhà theo dõi Hà Nội tại Hoa Thịnh Đốn, Đông Kinh, và các nơi khác hiện đang trắc nghiệm một giả thiết lên hai tuổi liên quan đến công trình tổng thiết kế tương lai cho các quan hệ đối ngoại của Việt Nam.  Giả thiết đặt trên sự ước định rằng Việt Nam, trong khoảng thập niên tới, sẽ không khởi sự một sự chinh phục quân sự công khai bên ngoài Đông Dương (chẳng hạn như một sự tấn công quân sự trực diện vào Thái Lan).  Thay vào đó – và đây là giả thiết – Việt Nam sẽ tìm cách tập hợp một mặt trận thống nhất toàn thế giới vĩ đại của các quốc gia thuộc thế giới thứ tư (và một số thuộc thế giới thứ ba) và sử dụng mặt trận này như một khí cụ để phân hóa thế giới về mặt kinh tế.  Các nước nghèo đói sẽ quay lại chống các nước giàu có hơn, và các nguyên liệu sẽ được sử dụng như các vũ khí để chống lại chủ nghĩa đế quốc (có nghĩa các nước phe tư bản chủ nghĩa).  Thí dụ, mặt trận sẽ hy vọng sẽ hoàn thành với thiếc và cao su những gì mà khối Ả Rập đang làm với dầu hỏa.

       Các chiến thuật sử dụng sẽ biến đổi tùy theo các tình hình địa phương.  Đông Nam Á sẽ là lãnh vực chính yếu của Việt Nam, bởi bất kỳ sự thành công nào ở đó sẽ trợ lực cho các nhu cầu kinh tế và các quyền lợi an ninh của Việt Nam.  Các nước khối ASEAN sẽ bị khuyến dụ hay áp lực để cắt đứt các liên hệ với các nước phe tư bản chủ nghĩa và các tổ hợp đa quốc gia.  Và Hà Nội sẽ tuyên bố rằng nó đang làm mọi điều, nhân danh hòa bình, để định nghĩa hòa bình trong miền như sự vắng bóng của sự hợp tác kinh tế với chủ nghĩa tư bản Tây Phương/Nhật Bản.

       Việt Nam sẽ không chỉ dọa nạt các nước khối ASEAN như một sự thao diễn đơn thuần về sức mạnh trần truồng.  Nó sẽ đề nghị, cùng lúc, một học thuyết biện minh cho mặt trận thống nhất chống lại chủ nghĩa tư bản.  Rất có thể khái niệm sẽ được trình bày như một sự đóng góp triết lý mới cho các hệ thống ý thức hệ thế giới.  Bản chất của nó sẽ là một sự hỗn hợp của chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa tập thể.  Khẩu hiệu chính thức sẽ là khẩu hiệu thời chiến tranh của Việt Nam: Tiến Tới Dưới Ngọn Cờ Của Độc Lập Dân Tộc và Xã Hội Chủ Nghĩa.  (Sự sử dụng từ ngữ độc lập dân tộc, giống như thật nhiều từ ngữ được sử dụng bởi phía Việt Nam, có ý nghĩa cá biệt, hay còn đặc thù hơn nữa).  Học thuyết sẽ nói với vùng này và các nước nghèo đói hơn  của thế giới: một quốc gia không thể thực sự độc lập nếu nó còn duy trì các quan hệ với chủ nghĩa tư bản bên ngoài, hoặc là các nước theo tư bản chủ nghĩa hay các tổ hợp đa quốc gia.  Nó cũng không thể đứng trung lập trong cuộc đấu tranh khổng lồ giữa hai hệ thống xã hội của chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa cộng sản.  Trong khi hệ thống kinh tế của một nước phải có tính chất tập thể chủ nghĩa tự căn bản (bởi vì đây là phương cách duy nhất để trở thành độc lập dân tộc), nó không nhất thiết cần phải tranh giành với bất kỳ nước theo tập thể chủ nghĩa cá biệt nào hay phải hoàn toàn đi theo kinh tế học Mác Xít chính thống.  Trắc nghiệm chính yếu là liệu nền kinh tế của quốc gia có thoát ra khỏi các ràng buộc vướng víu với hệ thống tư bản chủ nghĩa hay không, có nghĩa, liệu nó có “phi liên kết” về mặt kinh tế hay không.  Kẻ thù tối hậu có thể là tư bản chủ nghĩa, nhưng kẻ thù trước mắt là sự liên lập (interdependence) kinh tế, từ ngữ xấu xa nhất trong ngữ vựng. Sự độc lập dân tộc (national independence) có nghĩa một chính sách ngoại giao cau có, có phần nào theo chủ nghĩa biệt lập (ngay cả bài ngoại).  Nó có nghĩa không có các liên hệ đáng kể với thế giới theo tư bản chủ nghĩa.  Nó không đòi hỏi phải chọn bên trong cuộc tranh chấp Trung Quốc – Sô Viết.

       Một chính sách như thế có nghĩa rằng Hoa Kỳ và các nước tư bản chủ nghĩa khác tại Á Châu sẽ đối diện với Việt Nam như một kẻ phá hoại kinh tế cương quyết phá hỏng, nếu có thể, việc hoạch định kinh tế liên lập.  Tại Đông Nam Á, nó sẽ tìm cách triệt hủy các doanh nghiệp kinh tế cấp miền và, nếu có thể, đóng cửa tư bản chủ nghĩa toàn diện.  Việt Nam cùng lúc có thể theo đuổi các nỗ lực để nhận được viện trợ kinh tế từ Hoa Kỳ — và nhìn không có gì không nhất quán trong chính sách này.  Nó sẽ lập luận rằng như một quốc gia xã hội chủ nghĩa trọn vẹn, Việt Nam có thể dám ăn nhậu cùng với ma quỷ, trong khi các nước Đông Nam Á theo tư bản chủ nghĩa thì quá yếu ớt để chống đỡ các áp lực và sự tán tỉnh của các quốc gia theo tư bản chủ nghĩa và các tổ hợp đa quốc gia.

       Như một kiến trúc về lý thuyết, mặt trận thống nhất chống tư bản chủ nghĩa có cả lý lẽ lẫn sự tiện lợi để tiến cử nó.  Nó là một kế hoạch với dự kiến.  Nó cung cấp các câu trả lời đơn giản cho các câu hỏi khó khăn, và nó mang theo bên mình một bàu không khí của sự vững tin.

       Nhưng đối với những kẻ sẽ thay đổi đường hướng của lịch sử thế giới, khoảng cách giữa giấc mơ và sự biến bất ngờ thì to lớn.  Trong hai năm sau khi ý tưởng lần đầu tiên xuất hiện trên các ấn phẩm của Hà Nội, ít điều được thực hiện để chuyển dịch nó thành chính sách.  (Ngoại lệ chính yếu là động thái của Việt Nam tại Hội Nghị Colombo năm 1976).  Dĩ nhiên, chiến tranh và các vấn đề to lớn giờ đây đang đeo đuổi Việt Nam chắc chắn làm trì hoãn việc thi hành và một ý đồ như thế này đòi hỏi sự ấn định thời biểu cẩn thận.  Có thể sự phán đoán của Hà Nội rằng thời điểm của ý tưởng này chưa tới.

       Dù sao, các nước Á Châu và Hoa Kỳ phải ghi nhớ giả thiết này trong đầu, và trông chừng thường trực bằng chứng để hậu thuẫn hay bác bỏ nó.  Nó đã sẵn nêu lên hai câu hỏi: 1) Thế giới tư bản chủ nghĩa sẽ đáp ứng ra sao nếu giả thiết trở thành một thực tế? 2) Trong bất kỳ trường hợp nào, một cách xác thực, đâu là bản chất của chính sách thế giới tư bản chủ nghĩa tương lai đối với Việt Nam trong các vấn đề kinh tế?

Sự hỗn loạn nội bộ

       Các khó khăn nội bộ nói chung được nhìn như các trở ngại cho sự điều hành các công việc ngoại giao.  Nếu đây là trường hợp của Việt Nam (và không bao giờ có vẻ như thế), các quan hệ đối ngoại của nó giờ đây sẽ thực sự bị bất động.  Tình hình nội bộ tại Việt Nam đã xấu hơn một cách liên tục trong mười tám tháng qua.  Tất cả các báo cáo từ Việt Nam, ngay cả các báo cáo bởi các viên chức Hà Nội, cho biết về sự rối loạn và chiến tranh, đói khát và tham nhũng, vô nhận đạo và cái chết.  Quang cảnh nói chung phù hợp với quang cảnh của những ngày đen tối nhất của chiến tranh với các sự thiếu hụt thực phẩm khẩn cấp, một nền kinh tế suy giảm một cách liên tục, sự quản lý tồi tệ của các viên chức lan tràn, và tác phong sai trái của cán bộ.  Nền kinh tế đau ốm đã trở nên tệ hại hơn bởi thời tiết xấu, các sự ùn tắc giao thông, và việc ngăn cản của các nông dân các chuyến vận tải thực phẩm.  Hậu quả, giá cả thực phẩm đã lên gấp đôi trên thị trường tự do hay không kiểm soát được và các sự khan hiếm đã nẩy nở tại thị trường nhà nước.  Về mặt chính trị, các khó khăn như thế đã được chuyển dịch thành sự cai trị hà khắc hơn, nhà cầm quyền bạo tàn, và sự chống đối bi thảm.  Có nhiều cuộn giây thép gai được giăng ra tại Sàigòn ngày nay hơn bất kỳ thời nào khác trong chiến tranh.  Sự đàn áp chính trị và các sự hỗn loạn kinh tế gộp lại làm tăng vọt số người tỵ nạn.  Hơn một nửa triệu người đã rời bỏ Đông Dương kể từ khi chấm dứt Cuộc Chiến Tranh Việt Nam; đó là cuộc di cư đông nhất tại Á Châu kể từ sau sự phân chia năm 1947 tiểu lục địa Ấn Độ.

       Khó khăn nghiêm trọng nhất nằm nơi sự sản xuất thực phẩm.  Sản lượng nông nghiệp đã sụt giảm một cách rõ rệt – có thể nhiều đến 20 phần trăm – trong hai năm qua, bởi thời tiết xấu, sự quản lý tồi tệ (giờ đây thành kinh niên) của lãnh vực đó, và sự kiện rằng nông cụ lỗi thời vẫn chưa nhận được bất kỳ sự hiện đại hóa đáng kể nào.  Trước đây, một phần năm số gạo tiêu thụ thường được nhập cảng từ Trung Quốc, nơi ngày nay không còn là một nguồn cung cấp.  Cùng với khoản thiếu hụt 20 phần trăm này, các sự tổn thất và năng suất thấp kém hiện thời buộc phải cộng thêm vào sự thiếu hụt 20 phần trăm nữa.  Khẩu phần thực phẩm “được bảo đảm chính thức” cho cả nước giờ đây là 1,300 calories mỗi ngày; cho dù có được đáp ứng, vẫn còn thiếu 300 calories so với mức mà các nhà dinh dưỡng xem là mức để sinh tồn.  Ý nghĩa ghê rợn của điều này – và khả tính của các vụ bạo động vì lúa gạo không thể bị loại bỏ — rằng Việt Nam đang bị đẩy vào vòng tay của Liên Bang Sô Viết, bởi nếu không có sự giúp đỡ của Mạc Tư Khoa, Việt Nam sẽ chết đói.

       Sản lượng nông nghiệp của Việt Nam đã gia tăng một cách rõ rệt ngay sau khi chiến tranh chấm dứt; tức, trong hai vụ thu hoạch thời bình đầu tiên (vụ tháng Mười năm 1975 và vụ Tháng Năm 1976).  Tuy nhiên, kể từ đó, sản lượng đã sụt giảm trong năm vụ thu hoạch liên tiếp.  Bốn năm sau sự chấm dứt chiến tranh, nhà máy kỹ nghệ Việt Nam hiện đang chỉ hoạt động vào khoảng 55 phần trăm khả năng; vào lúc chấm dứt chiến tranh, nó đang chạy với 65% khả năng.  Hệ thống vận tải của xứ sở cũng mất năng lực trong hai năm qua.  Một phần ba xe tải hàng (truck) bất động, không chạy được vì thiếu đồ phụ tùng hay vì một số lý do khác, so sánh với chỉ 5% vào những ngày cuối cùng của cuộc chiến.  Điểm cần ghi nhận nơi này rằng đây là những hiện tượng của thời sau chiến tranh.  Về mặt kinh tế, Việt Nam đã hoạt động khá hơn trong những năm thuộc thời chiến.

       Một vấn đề quốc gia khác là một phó sản của các khó khăn này.  Trong một nỗ lực để gia tăng sản lượng, nâng cao năng suất, và xiết chặt kỷ luật, chế độ đã áp đặt thêm các sự kiểm soát.  Các sự kiểm soát này làm tăng cường độ sự nguyền rủa từ lâu về hệ thống cộng sản Việt Nam, một sự kết hợp của sự phục vụ lười biếng của chính phủ và thủ tục giấy tờ xiết họng.

       Một vài thí dụ về tình trạng này như sau:

– Một thuyền trưởng tàu chở hàng người Na Uy nói ông đã nhìn thấy khoảng 10,000 bao xi măng bị hủy hoại bởi nơi chúng bị chất là một sân kho hàng lộ thiên trong mùa mưa tại Hải Phòng.  Gần đó, được rào quanh cản thận bởi giây thép gai, là vài nghìn bao gạo, bị mục nát và tràn ngập bởi các con chuột.

– Trong Tháng Năm 1978, sau vụ đổi tiền, một doanh nhân ngoại quốc tại Sàigòn đã nạp đơn xin phép lấy tiền ra để mua một con tem và gửi đi một lá thư.  Ông ta đã phải đợi ba tuần lễ.

– Các kỹ thuật gia Bảo Gia Lợi (Bulgary) ghi nhận rằng vườn hoa đàng sau khách sạn của họ được viền quanh không phải bởi gạch hay đá mà bởi dụng cụ cách điện bằng men sứ nhập cảng đắt tiền.

– Trên một nhật báo tại Sàigòn, một lá thư của một người mẹ than phiền rằng cần đến năm “con dấu” (chữ ký) của năm “ông quan lạnh lùng” để mua một hộp sữa đặc.

– Một du khách người Đức đi qua hải quan tại phi trường Hà Nội đã viết: “Các mẫu đơn nhập cảnh, được điền khai với bản sao, tra hỏi mọi dữ kiện cá nhân có thể tưởng tượng được và đòi hỏi một danh sách chi tiết tất cả các vật dụng mang theo.  Bất kỳ ai có các vé xổ số đều phải liệt kê chúng ra.  Nếu không mang theo bất kỳ thứ gì, người đó sẽ phải ghi rõ “nil” (không).  Bất kỳ ai nghĩ chỉ cần một dấu đánh đơn giản là đủ sẽ phải điền khai trọn vẹn một mẫu khác”.

– Nhà máy giấy của Thụy Điển tại Bãi Bằng được chiết tính tốn phí, theo các sự ước lượng nguyên thủy, vào khoảng 280 triệu mỹ kim.  Nó sẽ có thể phải chi phí tới gần 1 tỷ mỹ kim trước khi hoàn tất.  “Với khoản tiền đó”, một kỹ sư Thụy Điển cho hay, “chúng tôi có thể cung cấp cho Việt Nam tất cả nhu cầu về giấy của họ trong hai mươi năm sắp tới”.

Tóm lại, nếu Việt Nam là một tổ hợp tư nhân tại một nước tư bản chủ nghĩa, giờ đây nó sẽ có mặt tại tòa án phá sản.  Bất kể các động lực về sự bình đẳng ra sao, chế độ đã chỉ thành công trong việc làm tồi tệ hơn các điều kiện kinh tế đối với mọi người dân.  Mặc dù nó đã gây tổn thương cho một số người xứng đáng nhận lãnh điều đó, nó cũng gây tổn thương cho những người không đáng phải gánh chịu.  Có điều chắc chắn, không ai được lợi gì cả.  Sự giàu có đã không được tái phân chia, chỉ có sự thống khổ.  Sự bất công kinh tế thì xấu xa, nhưng về mặt thực tế nó không tệ hơn các sự xáo trộn kinh tế.

Cuộc chiến tranh với Trung Quốc đã là một ống cống làm tiêu hao kinh tế, và khi cuộc chiến tranh tại Căm Bốt tiếp tục, nó chỉ có thể nhận chìm hơn nữa tình trạng kinh tế của Việt Nam.  Điều đó sẽ có nghĩa sự phát tán tiếp tục khối nhân lực có kỹ năng đã sẵn bị hạn chế, dầu hỏa, và các tài nguyên khác.  Nó sẽ buộc làm chậm lại hay triển hoãn Kế Hoạch Năm Năm mới.  Nó sẽ làm cắt giảm một cách rõ rệt viện trợ kinh tế của các chính phủ ngoại quốc (được ước lượng vào khoảng 1 tỷ mỹ kim mỗi năm trong ba năm sắp tới), và nó sẽ làm nản lòng hơn nữa đầu tư nước ngoài mà không có nó Việt Nam không thể phát triển được về mặt kinh tế.

Thế trận tam giác Cộng sản

       Ván bài lớn lao của địa chính trị tại Đông Nam Á đã thay đổi tự nền tảng từ một tình trạng Trung Quốc đấu với Liên Bang Sô Viết, với Việt Nam như một quả câu lông (shuttlecock), thành một cuộc tranh giành ba bên thực sự.  Các vốn liếng đặt cược đối với mói bên đều lên cao.  Các biến cố tương lai trong vùng sẽ, ở một tầm mức rộng lớn, tùy thuộc vào mối quan hệ có mục đích trái ngược nhau của ba bên và dĩ nhiên, vào các sự đáp ứng của các tác nhân bên ngoài – khối ASEAN, Nhật Bản, và Hoa Kỳ.

       Gần như từ khởi đầu, cách cư xử của Việt Nam về cuộc tranh chấp Nga – Hoa đã là việc theo đuổi điều được gọi là một “chính sách độc lập”.  Định nghĩa thi hành của từ ngữ có khuynh hướng thay đổi qua thời gian – tức liệu nó có “cân đối” đối với nước này hay nước kia hay không – nhưng trong bản chất nó có nghĩa toan tính để điều giải cuộc tranh chấp trong khi sử dụng nó sao có lợi tối đa cho Việt Nam.

       Câu hỏi căn bản giờ đây là liệu Việt Nam đã từ bỏ nguyên tắc từ lâu của nó về “sự độc lập” trong việc điều hành các sự vụ ngoại giao hay không.  Nó đã tự liên minh toàn diện và thường trực (thường trực đến mức có thể được như trong bất kỳ liên minh nào) với Liên Bang Sô Viết hay đây chỉ là sự kết hợp vì tiện nghi không có tính chất chặt chẽ hay lâu bền?  Các biến cố gần đây cho thấy tình trạng nêu trước; lịch sử Việt Nam khiến ta nghĩ đến trường hợp sau.  Không ai có thể trả lời câu hỏi này với sự chắc chắn, có lẽ ngay cả với các nhà lãnh đạo Việt Nam; nhưng đường lối khôn ngoan hơn là đồng hành với lịch sử.  Một lực ly tâm tự nhiên đang hoạt động, đẩy Việt Nam ra khỏi trung tâm.  Việt Nam và Liên Bang Sô Viết được kết hợp với nhau bởi các lực khác của quyền lợi hỗ tương.  Chúng sẽ chỉ còn chặt chẽ chừng nào mà các quyền lợi đó chiêm ưu thế.

       Vào lúc này, chất xúc tác trong trò chơi tay ba [ménage à trois, tiêng Pháp trong nguyên bản, chú của người dịch] là Căm Bốt.  Cuộc chiến tranh giữa Việt Nam và Căm Bốt chứa chất nhiều điều: Nó là một sự bộc phát của các sự tranh giành cổ xưa có nguồn gốc sâu xa trong các sự sợ hãi lịch sử và thù ghét chủng tộc.  Nó là một nỗ lực chiếm đất của cả hai bên phát sinh từ các sự tranh chấp trên các đường biên giới bị xác định một cách thô thiển.  Trong ba năm, nó đã là một loạt các sự khiêu khích và trả đũa bởi cả hai được trù hoạch (đặc biệt bởi Căm Bốt) như một sự khống chỉ để làm nản lòng các sự xâm nhập khác nữa.  Nó đã dần trở nên điều gì đó giống như một cuộc chiến tranh ủy nhiệm cho Liên Bang Sô Viết và Trung Quốc, khi cả hai nhấn sâu thêm các vai trò cố vấn/tiếp tế và khi mỗi bên đặt vào đó một chút ít tự hào dân tộc.  Tuy nhiên, nhiều hơn cả, đó là một cuộc cãi cọ giữa hai nhánh của chủ nghĩa cộng sản, một chính thống và một tà đạo, hay như một cách nói của Việt Nam, “một chính đáng và một triệt để”.  Dường như cuộc chiến tranh không phải là sự biểu tỏ một điều duy nhất: sự quan tâm lo âu cho sự an sinh và nhân quyền của người dân Căm Bốt.

       Cộng sản Việt Nam từ lâu đã xem rằng một Liên Bang Đông Dương, bao gồm Việt Nam, Lào, và Căm Bốt, sẽ là cấu hình chính trị tối hậu thích đáng cho bán đảo Đông Dương.  Một mục đích được công bố trong bản tuyên bố Đảng Cộng Sản Đông Dương năm 1930, nó được thay thế bởi “mối quan hệ đặc biệt” mơ hồ hơn trong năm 1951, với sự thành lập Đảng Lao Động.  Mục đích “mối quan hệ đặc biệt” rõ ràng được nhắm vào ba điều kiện: 1) các chính phủ tại hai thủ đô sẽ không bao giờ có một quyết định quan trọng mà không có sự chấp thuận trước về nó với Hà Nội; 2) Sự loại bỏ mọi ảnh hưởng ngoại lai tại Căm Bốt và Lào và 3) một nhóm được tổ chức (phi Việt Nam), một cách đáng mong mỏi hơn nằm trong đảng cộng sản tại mỗi trong hai nước này, sẽ là “người của Hà Nội” (Hanoi’s boys) tại Phnom Penh và Vientiane.  Với các điều kiện này, Việt Nam có thể chờ đợi, ngay đến năm 2000, cho sự thành lập chính thức một liên bang hay liên hiệp.

       Tại Căm Bốt, sau sự thắng lợi của cộng sản, sự thù nghịch của Pol Pot đối với Việt Nam tự bộc lộ trọn vẹn; ông ta tiến hành việc thanh trừng những kẻ trong đảng của ông ta trong bất kỳ trường hợp nào có thể bị xem là thân Hà Nội.  Mọi ảnh hưởng Việt Nam đã bị loại bỏ một cách có hệ thống, và các chính sách chống Việt Nam đã được định chế hóa.  Mục tiêu của Việt Nam đã mau chóng biến việc ngăn chặn tiến trình này bằng việc thay thế sự lãnh đạo của Pol Pot trên đảng cộng sản và nhà nước Căm Bốt.  Đã có ba cách để làm điều này: “dùng đòn quật ngã: judo chop”, phong trào giải phóng, hay chiến tranh với đơn vị lớn.  Việt Nam đã thử cả ba cách.     

       Các dùng “đòn quật ngã”, đã được mưu tính trong năm 1977 và đầu năm 1978, là một loạt các vụ đột nhập quân sự không sâu, tìm cách châm ngòi một vụ đảo chính (coup d’état)tại Phnom Penh, hay nói chung khiến cho quang cảnh chính trị Căm Bốt bị vỡ ra thành một cuộc nội chiến đích thực.  Nỗ lực thứ nhì, bắt đầu vào giữa năm 1978, là một chiều hướng chiến tranh cách mạng.  Trước tiên, Việt Nam đã lập ra một mặt trận thống nhất tổ chức đại chúng, sau đó một quân đội giải phóng, và sau cùng một chính phủ lâm thời.  Kế tiếp, nó thả cương bộ máy này vào Căm Bốt để tiến hành một cuộc chiến tranh nhân dân.  Nỗ lực này tiếp diễn tốt đẹp nhưng chậm chạp – rõ ràng quá chậm.  Trong Tháng Mười Hai, 1978, vì các lý do vẫn chưa hoàn toàn sáng tỏ, Việt Nam đã chấp nhận sự lựa chọn thứ ba, một cuộc chiến tranh với các đơn vị lớn có thể dễ dàng được nhìn thấy.  Khoảng 100,000 quân đã tấn công chớp nhoáng Căm Bốt, lật đổ Pol Pot và thiết lập một chính phủ chư hầu.  Pol Pot chạy trốn vào trong rừng và khởi sự một phong trào kháng chiến.  Đó là tình hình hiện thời. Đó là một sự mạo hiểm với nhiều rủi ro của Việt Nam.  Để thành công, chính quyền Căm Bốt mới phải trở nên khả tồn.  Nó phải có khả năng để trấn áp cuộc kháng chiến, tái lập các định chế đã bị hủy diệt của đất nước, và chống đỡ sự chống đối ngoại giao ở hải ngoại.  Sự trợ giúp của Việt Nam sẽ được cung ứng, nhưng tối hậu, nỗ lực phải là của Căm Bốt đích thực hay nó sẽ bị thất bại.  Nếu nó thất bại, Việt Nam sẽ thấy rằng thà tự tháo gỡ mình ra khỏi một vấn đề rầy rà bằng một trận đánh quyết định mau lẹ thì đúng hơn, điều này sẽ thực sự làm tình hình trầm trọng hơn.

       Cuộc xâm lăng của Việt Nam vào Căm Bốt là một sự chấn động, đặc biệt đối với những ai đã được bảo đảm rằng nó sẽ không xảy ra – thí dụ, Nhật Bản. 3 Sự lượng định về ý nghĩa của cuộc xâm lăng và về sự đáp ứng thích hợp biến đổi khác nhau.  Một số nhìn cuộc xâm lăng như một mối đe dọa cho phần còn lại của Đông Nam Á; họ cảm thấy cần có một sự đáp ứng tức thời, dù chỉ hạn chế, chẳng hạn như đặt ra một số sự “kiềm chế” trên Việt Nam.  Các người khác nhìn nó như một cuộc giao tranh trong nội bộ công sản sẽ vẫn được kiềm chế trong phạm vi thế giới cộng sản; thay vì đe dọa khối ASEAN, họ nghĩ rằng nó sẽ khiến cho Hà Nội thẳng thắn hơn trong hành vi của nó.

       Bất kể các thái độ biến đổi này, sự chuyển động của Việt Nam đã là động tác sau cùng của sự phá hủy trong mối quan hệ Trung – Việt từng có thời thân thiện một cách hợp lý.  Nó đã châm ngòi cho một cuộc chiến tranh biên giới với Trung Quốc.

Các quan hệ Trung Quốc – Việt Nam

       Trong thập niên qua, các quan hệ Trung Quốc – Việt Nam đã suy giảm một cách liên tục.  Kể từ sau cái chết của Hồ Chí Minh, phía Trung Quốc tuyên bố, Bộ Chính Trị Việt Nam đã bắt đầu ngả về phía Mạc Tư Khoa.  Để dẫn chứng, Bắc Kinh đã nêu ra sự kỳ thị: Đảng Cộng San Việt Nam đã cự tuyệt người gốc Hoa các công việc cán bộ ở cấp cao và thường đối xử với họ như “các con ong trên ống tay áo”.  Bắc Kinh cũng giải thích sự thống nhất sớm sủa Miền Bắc và Nam Việt Nam như một bước tiến để loại bỏ sự hiện diện của Trung Quốc ra khỏi Việt Nam.  Các sự phàn nàn khác được kê khai là sự tịch thu và quốc hữu hóa tài sản người gốc Hoa tại Nam Việt Nam; biến người gốc Hoa tại Việt Nam thành các con đê tế thần cho các chứng bệnh kinh tế; một loạt các cử chỉ khiêu khích khác liên quan đến quốc kỳ và các bản đồ cùng các biểu tượng khác, vốn rất quan trọng tại Á Châu; và sự sử dụng lời lẽ thù hận hay ít nhất giả trá bởi báo chí Hà Nội khi nói về Trung Quốc.

       Đó là đến mức mà phía Trung Quốc cho thấy họ có thể dung chấp.  Điều họ không thể tha thứ là cuộc xâm lăng của Việt Nam vào Căm Bốt, sự kiện mà họ nhìn như một nỗ lực bởi Việt Nam để thiết lập bá quyền trong vùng.  Đối với Trung Quốc, điều này được nhìn nguy hiểm gấp đôi bởi vì, cùng với sự thân mật gia tăng chưa từng thấy của Việt Nam với Liên Bang Sô Viết, nó có hơi hám của sự thông đồng – âm mưu của Mạc Tư Khoa để sử dụng Việt Nam như một lực lượng thừa ủy nhiệm nhằm ngăn chận Trung Quốc đứng ngoài Đông Nam Á.  Phía Trung Quốc đã đáp ứng với một số động tác đẩy tình hình đến bờ vực chiến tranh (brinkmanship) rõ rệt – họ cắt đứt viện trợ kinh tế và đã đưa ra “các sự cảnh cáo nghiêm khắc”.  Các vụ đụng độ biên giới gia tăng, và cả hai bên đã ra lệnh các sự tăng cường quân sự ở biên giới.

       Tình hình sau chót đã lên đến cực điểm trong cuộc chiến tranh biên giới hồi Tháng Hai – Tháng Ba 1979.  Một cuộc tấn công ba mũi bởi các lực lượng Trung Quốc vào Việt Nam được kết thúc với sự chiếm cứ Lạng Sơn và thỏa mãn phía Trung Quốc rằng sự trừng phạt đã được giáng xuống.  Tuy nhiên, trận đấu chưa bao giờ thực sự được ráp nối với nhau tại Lạng Sơn hay nơi khác, và sự triệt thoái của Trung Quốc đã để lại vấn đề quân sự trong sự ngờ vực.  Chính vì thế, kết cuộc của cuộc chiến tranh biên giới không được quyết đoán trong thực chất.  Ít điều đã được giải quyết liên quan đến các sự khiếu nại và các vấn đề nguyên thủy đã được nêu ra.  Điều này đặc biệt xác thực liên quan đến Căm Bốt, nơi mà vấn đề về sự xâm lược của Việt Nam vào Căm Bốt vẫn còn đó đối với Trung Quốc và đối với phần còn lại của thế giới.

Các quan hệ Sô Viết – Việt Nam

       Các quan hệ của Mạc Tư Khoa với Việt Nam, như có thể được ước định, được cải thiện một cách vững chắc trong khi các quan hệ Trung Quốc – Việt Nam tồi tệ hơn.  Tuy nhiên, nó không phải là một hiệu ứng hoàn toàn trái ngược ở mức độ liên quan đến Việt Nam.  Như đã ghi nhận trước đây, tình trạng kinh tế thảm hại của Việt Nam, không kém gì sự đe dọa của Trung Quốc, đã buộc sự ngả về Mạc Tư Khoa của nó.  Bộ Chính Trị có thể đã hy vọng (đúng hơn giả định) rằng các chuyển động thân Mạc Tư Khoa sẽ không bị giải thích như các cử chỉ thù nghịch đối với Trung Quốc hay bất kỳ nước nào khác.  Một hy vọng khá tuyệt vọng, nó đã không thành tựu.

       Bước tiến hướng đến Mạc Tư Khoa liên can đến ba sự phát triển chính.  Việt Nam đã gia nhập vào sự dàn xếp kinh tế được đặt cơ sở tại Mạc Tư Khoa mệnh danh là khối Comecon trong Tháng Tám, 1978.  Nó đã ký kết một loạt các thỏa hiệp, kể cả một hiệp ước Hữu Nghị và Hợp Tác trong Tháng Mười Một 1978.  Và Liên Bang Sô Viết đã thực hiện một cuộc chuyển vận lớn lao kéo dài một tháng trang bị quân sự đến Việt Nam trong Tháng Mười Một và Mười Hai, 1978.

       Các lực lượng nguyên do của mối quan hệ hiển nhiên này giữa Việt Nam và Liên Bang Sô Viết thì không rõ ràng gì cả.  Một sự giải thích cho rằng các quan hệ mới xảy ra theo sự đòi hỏi của Mạc Tư Khoa.  Luận đề này cho rằng Liên Bang Sô Viết tìm cách ràng buộc lòng trung thành của Việt Nam để bảo đảm cho giá trị nhận được về các chuyến hàng thực phẩm và viện trợ kinh tế khác của Liên Sô.  Kế hoạch trường kỳ của Mạc Tư Khoa, theo lý thuyết này, là nhằm sử dụng vị trí chiến lược của Việt Nam; sau khi biến Việt Nam thành hùng mạnh về kinh tế và quân sự (từ đó thúc vào sườn phía nam của Trung Quốc), người Nga sau rốt sẽ kết hợp nó vào vùng ảnh hưởng của Sô Viết.  Một sự giải thích khác nói rằng đề xướng không phải xuất phát từ Mạc Tư Khoa mà là từ Hà Nội.  Bị kinh hãi bởi đường lối đẩy đến bờ vực chiến tranh của Trung Quốc, phía Việt Nam đã tìm kiếm các sự bảo đảm an ninh và sự viện trợ kinh tế và quân sự bổ túc, và đã thúc đẩy Liên Bang Sô Viết tiến vào một liên minh.

       Việc gia nhập khối Comecon có mang lại cho Việt Nam một số lợi điểm kinh tế — sự tiếp quản một số trong các dự án kinh tế của Trung Quốc bị bỏ dở dang và một hối suất ưu tiên trong mậu dịch trong khối.  Tuy nhiên, điều rõ ràng rằng ít nhất một vài nước trong thế giới xã hội chủ nghĩa đã lạnh nhạt với chuyện tình Mạc Tư Khoa – Hà Nội.  Tiệp Khắc đã phản dối tư cách hội viên của khối Comecon và Lỗ Ma Ni đã nêu ra một ngoại lệ mạnh mẽ đối với một hiệp ước hứa hẹn sự ủng hộ của Mạc Tư Khoa dành cho Việt Nam trong trường hợp có chiến tranh, được giả định với Trung Quốc.

       Một cách chính xác những gì mà Liên Bang Sô Viết đã tự cam kết trong hiệp ước thì không rõ ràng chi hết.  Điều khoản có hiệu lực liên quan đến các bảo đảm an  ninh là Điều Sáu, ghi:

Trong trường hợp một bên nào bị tấn công hay bị đe dọa tấn công, hai bên ký kết vào bản hiệp ước sẽ tức thời tham khảo với nhau nhằm loại bỏ sự đe dọa và sẽ thực hiện các biện pháp thích đáng và hữu hiệu để bảo toàn hòa bình và an ninh của hai nước …

       Bản hiệp ước đã không được viện dẫn tới trong suốt cuộc chiến tranh biên giới Viêt Nam – Trung Quốc.  Điều cuối cùng mà cả Hà Nội hay Mạc Tư Khoa muốn có là một cuộc chiến tranh Sô Viết – Trung Quốc.  Liên Bang Sô Viết đã hạn chế sự ủng hộ của nó cho Việt Nam vào việc chuyên chở các trang bị quân sự chẳng hạn như rất cần thiết và có thể được phân phối một cách mau chóng, và vào việc cổ động cho sự ủng hộ quốc tế dành cho lý lẽ của Việt Nam.  Không có vẻ rằng cuộc chiến tranh đã làm thay đổi các quan hệ Hà Nội – Mạc Tư Khoa một cách đáng kể.  Có lẽ mối quan hệ phần nào được định nghĩa một cách rõ ràng hơn.  Có thể chiến tranh đã dựng lên một sân khấu cho các yêu cầu bổ túc trên Việt Nam bởi Liên Bang Sô Viết.  Vào lúc bài viết này được viết ra, các báo cáo mang điềm xấu đang được loan truyền tại Á Châu rằng Mạc Tư Khoa đang đòi hỏi các quyền hạn đặt căn cứ hải quân tại Việt Nam để đánh đổi viện trợ bổ túc nhằm thay thế cho các tổn hại trong thời chiến.

Mối dây liên hệ Đông Nam Á

      

0