18/06/2018, 15:48

Bay qua tổ chim cúc cu (One Flew Over the Cuckoo’s Nest)

Bay qua tổ chim cúc cu (One Flew Over the Cuckoo’s Nest) được dựng thành phim năm 1975 bởi đạo diễn Miloš Forman và giành được cả 5 giải Oscar chính ( gồm Phim, Đạo diễn, Kịch bản, Vai nam chính và Vai nữ chính). BAY QUA TỔ CHIM CÚC CU – SỰ PHI LÝ VÀ NHỮNG GIỚI HẠN ...

@Eee2

Bay qua tổ chim cúc cu (One Flew Over the Cuckoo’s Nest) được dựng thành phim năm 1975 bởi đạo diễn Miloš Forman và giành được cả 5 giải Oscar chính ( gồm Phim, Đạo diễn, Kịch bản, Vai nam chính và Vai nữ chính).

BAY QUA TỔ CHIM CÚC CU – SỰ PHI LÝ VÀ NHỮNG GIỚI HẠN

Ngô Viết Hoàn

Trường ĐHSP Hà Nội

One flew over the Cuckoo’s Nest – cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của nhà văn Mĩ Kenneth Elton “Ken” Kesey được chuyển ngữ qua tiếng Việt với tựa đề Bay trên trên tổ chim Cúc cu được nhìn nhận là “viên ngọc quý của văn học thế giới cuối thập niên 60, đầu thập niên 70”. 

Mọi chuyện xảy ra ở một trại tâm thần đầy quy tắc bị đảo lộn hoàn toàn khi McMurphy xuất hiện. Bất trị như một chú ngựa hoang, hắn vào viện để trốn án lao động khổ sai và không hề có ý định cứu thế. Nhưng trong những ngày ở đó, cái phần tốt đẹp yêu tự do, thích tung hoành của hắn đã làm nên một cuộc cách mạng, tạo ra mối liên kết giữa những thân xác yếu ớt, những trí não bị tổn thương, nhắc họ nhớ về cá tính, về chính mình hoặc về những kẻ đã-từng-là-mình. Sự nổi loạn đó thách thức trật tự đạo đức giả mà Liên hợp áp đặt.. Cuộc chiến bất cân sức bắt đầu. Và rồi đúng như cuộc đời, kẻ yếu đã không thể thắng. McMurphy đã chết dữ dội như cách hắn sống, nhưng Liên hợp không giết được hắn, cũng không thể bắt hắn sống theo cách nó đặt ra… 

Được tạo nên từ những trang văn vừa sảng khoái vừa bi thương, Bay trên tổ chim cúc cu đã chạm tới những câu hỏi phức tạp nhất về tự do và khuôn khổ, cá nhân và hệ thống, bình thường và bất thường, sự tỉnh táo và điên loạn… Một best seller, một kiệt tác văn chương có mặt trong danh sách những cuốn sách vĩ đại nhất thế kỷ hai mươi, làm chỗ dựa cho một trong ba bộ phim duy nhất trong lịch sử giải Oscar từng chiến thắng ở toàn bộ các đề cử quan trọng nhất, Bay trên tổ chim cúc cu có sức mạnh của một tác phẩm không thể bị lãng quên. 

Câu chuyện về một bệnh viện tâm thần với những con bệnh “điên khùng” được phản ánh không phải lần đầu tiên trong tác phần của Ken Kesey. Văn học hiện đại thế giới thế kỷ XIX với một bậc thầy truyện ngắn – Anton Pavlovich Chekhov – đã mang lại cho độc giả những kiệt tác, những ám ảnh và day dứt với hình tượng “người trong bao”, rồi “Phòng số sáu”. Người ta giật mình và thảng thốt trước một hiện thực nước Nga – chuyên chế và bảo thủ. Điều đáng lưu ý không phải chỉ có cái xã hội ngoài kia đang cầm tù họ, mà chính họ lại tạo ra cái nhà tù của riêng mình mà không dám trốn thoát khỏi nó. Tuy vậy, Ken Kesey với cảm quan hậu hiện đại đã mang lại những điều kỳ diệu cho văn học Mĩ nói riêng, văn học nhân loại nói chung. Một hiện thực, không phải ở một bang cụ thể nào hay chỉ của riêng nước Mĩ, mà đó là hiện thực chung của xã hội hậu hiện đại. 

Time Magazine nhận định: “Tác giả Kesey (…) đã lấy cái nhìn của người TRONG trong trại về thế giới của người BÊN ngoài để làm lật nhào những giả định dễ chịu của độc giả về sự bình thường, đồng thời biến cuốn sách thành một tiếng gầm phản kháng chống lại các quy tắc xã hội phàm tục mà kẻ cai trị vô hình đã áp đặt lên.” Rõ ràng, có rất nhiều điều đặt ra trong tác phẩm này, chứ không đơn thuần là câu chuyện của sự nổi loạn hay sự sợ hãi. Vấn đề là trong cuộc sống luôn luôn tồn tại những giới hạn. Và con người luôn cố gắng đề vượt qua các giới hạn đó. Song họ không nhận thức được rằng, có những giới hạn mà ta ngỡ mình đã vượt qua nhưng kỳ thực, ta chỉ chạm tới nó mà thôi. 

Trong một khoa tâm thần của một bệnh viện, mọi giới hạn dừng lại ở những quy tắc mà người ta đã cố gắng tạo dựng và áp đặt. Thời gian, giờ giấc, các sinh hoạt, chuyện uống thuốc, các phương thức điều trị,…tất cả đều có những quy tắc riêng của nó. Và ngay các những bác sĩ, y ta của bệnh viện này, cũng hành xử với bệnh nhân theo cái cách ít nhân đạo nhất – đó là biến những kẻ đã điên thành điên nặng, và biến những kẻ chưa điên trở thành một tên điên. Hiện thực xung quanh những con người như tù trường Bromden, Frederickson, Charlie Cheswick, Billy Bibbit,…là sương mù và những khúc nhạc hãi hùng được lặp lại từ ngày này qua ngày khác. Trong cái “mái ấm” này, những con người tội nghiệp ấy chỉ được nói ra những thứ mà người ta muốn họ nói và bị buộc câm miệng với những ý định dù là nhỏ bé nhất của bản thân. Mụ y tá Ratched với nụ cười đạo đức giả luôn nở trên môi sẵn sàng mang đến cho các bệnh nhân những biện pháp “trị liệu tốt nhất” cho họ. Mọi thứ vẫn cứ tiếp tục như vậy nếu như không có sự xuất hiện của McMurphy – con người của bản năng và sự nổi loạn. Ngay từ những phút đầu tiên, anh đã cảm nhận một sự bất bình thường tràn ngập khắp khoa điều trị. Nhưng điều quan trọng hơn, anh cảm nhận được dấu hiệu của sự “hoàn toàn bình thường” trong mỗi con người kia. Có điều gì đáng canh giữ họ và làm cho họ chết khiếp mà trở nên ngoan ngoãn? Những viên thuốc mà bên trong là một con chip hay bức tường được gắn thiết bị theo dõi hay tệ hơn là sốc điện,..? Tất cả những thứ đó sẽ là những biện pháp chữa trị rất hiệu quả nếu như người ta áp dụng cho đúng đối tượng và với một tấm lòng yêu thương bệnh nhân thực sự. Và như thế, xem ra nó chẳng có gì đáng sợ hãi. Phải chăng, cái bóng ma ghê rợn ấy không phải ai khác mà chính là mụ y tá Ratched – một con người luôn mong muốn biến những đồng loại của mình thành một con tốt trên bàn cờ mà mụ ta là chủ soái. 

McMurphy không giống như những con gà kia, anh bày tỏ sự bất bình trước những phi lý đang diễn ra. Anh cố gắng mang đến cho họ những nụ cười, bởi theo anh, khi nào con người ta còn có thể cười được có nghĩa là không gì có thể hạ gục được họ. Anh biến một khoa bệnh tâm thần thành một sòng bài mà nói chính xác hơn, anh đang bày lại cho họ biết những quy luật của cuộc đời, khi mà con người ai cũng luôn mong muốn phần thắng trong tay,…Cuộc tiệc rượu và cả những cô gái điếm, cuộc du ngoạn không thể tưởng tượng trên một thuyền câu của những bệnh nhân tâm thần,…Không ai có thể ngờ được một con bệnh nhút nhát và sợ hãi lại có thể làm được những điều bất ngờ khi điều khiển con thuyền vượt qua những giới hạn mong manh. 

Trong cái phân khoa lạ lùng ấy, những bệnh nhân bị biến thành những thằng điên trong sự giám sát của những bác sĩ, y tá cũng là những kẻ điên. 

Thật nực cười khi những quy tắc và luật lệ của bệnh viện tâm thần cố bắt McMurphy phải chui vào khuôn khổ. Một kẻ tung hoành như hắn ! Và hắn bắt đầu phá luật. McMurphy bắt đầu tạo ra mối dây liên kết giữa những bệnh nhân. Họ cùng nhau phá luật. Họ sống cuộc sống của những người bình thường, bình thường như mọi người bình thường khác. McMurphy kết giao với “Tù trưởng” Bromden, một người da đỏ to lớn, vốn tưởng là kẻ ù lì chậm chạm và đầu đất, nhưng thực ra chỉ giả điên một cách an phận. Họ, cùng những người điên, bắt đầu đòi lại những quyền làm người, trong khi mụ y tá trưởng cùng tay chân của mình cố gắng đập tắt cuộc “nổi loạn”. Sức sống mới trối dậy trong những người điên ấy, mụ cần phải dập tắt để bảo đảm sự bình lặng của nhà thương điên và bảo đảm uy quyền của chính mình. Mụ hành xử một cách điên loạn. Thậm chí còn điên hơn cả những người điên!

McMurphy – Bromden, họ là một cặp dị biệt nhất trong số những bệnh nhân của y tá Ratched. Một bên là kẻ nổi loạn muốn dùng hành động để chống lại tất cả mọi sự phi lý đang được áp đặt. Một bên là ý thức với sự tỉnh táo và luôn quán chiếu tất cả mọi chuyện. Như thế phải chăng, hai nhân vật đó âu cũng là cái bản năng và cái ý thức của con người? Người ta có thể loại bỏ những bản năng, đưa chúng ta vào khuôn khổ với những quy định, luật lệ; nhưng liệu rằng họ thể kìm hãm hoặc dò xét dòng suy nghĩ đang không ngừng chảy trong mỗi chúng ta? Kết thúc câu chuyện, McMurphy thực sự từ một con người bình thường, với ý muốn đem lại cho bản thân anh và những người bạn xung quanh một cuộc sống bình thường nhất, con người nhất, trở thành một con bệnh tâm thần. Cái ý thức người mạnh mẽ trong anh đã bị những kẻ “lương y” kia cướp mất bằng những dòng điện ghê rợn. Thế nhưng rõ ràng, trong một khoảng thời gian ngắn ngủi, anh đã thay đổi được những bệnh nhân ở đây, chí ít họ đã có một chút “tôi” trong mỗi cá nhân và thay vì cắn xé lẫn nhau như những con gà ngu ngốc, họ đã biết gắn kết với nhau, tiếng cười đã trở lại dù rằng chỉ trong những giây phút thoáng qua. McMurphy đã thử, điều quan trọng là anh đã dám nghĩ và làm cái việc mà tất cả mọi người đều nghĩ rằng không thể nào, không ai có thể làm được. Những hành động đó của Mc đưa ra một chân lý giữa cuộc sống này: có những giới hạn mà chúng ta biết chắc rằng mình không thể vượt qua nhưng vẫn phải thực hiện. 

Xét đến cùng, trong cuộc chạy đua với những điều phi lý đang diễn ra đầy rẫy trong khoa tâm thần ấy cũng như ngay giữa cuộc đời này, McMurphy không hề đơn độc. Billy Bibbit tự sát – đó là một hình ảnh dã man hay một sự giải thoát? Đó là hành động do sự sợ hãi, khiếp đảm mang đến hay ý thức của Billy thúc giục anh phải vượt qua những giới hạn này dù rằng anh có phải trả giá bằng cái chết của chính mình? Rồi ngay cả Mc, khi không còn một chút ít nào ý thức của một con người, cũng đã được thủ lĩnh Bromden giải thoát. Thủ lĩnh không muốn ra đi một mình và bỏ lại người bạn đã giúp cho anh hiểu được rõ hơn những gì đang diễn ra và những gì anh cần làm. Hành động đó của Bromden, nếu đặt trong bối cảnh thông thường của cuộc sống sẽ bị lên án là dã man và vô nhân đạo nhưng trong hoàn cảnh này, đó là một việc nên làm. 

Toàn bộ cuốn tiểu thuyết là sự cố gắng gắn kết những con người với nhau của McMurphy, điều đó tưởng chừng như quá tầm thường và vô nghĩa nhưng lại là chân lý lớn nhất của cuộc đời. Bởi mỗi người trong chúng ta không ai có thể tồn tại một cách đơn độc, tách rời khỏi những người khác. Và rằng, một cá nhân không thể thay đổi bất cứ điều gì dù là nhỏ nhoi nhất của xã hội nhưng ngược lại, nếu một tập thể tâm đầu ý hợp thì có thể biến chuyển ngay cả những điều khó khăn nhất.

Bromden đã làm được những việc mà Mc không làm được. Anh đã phá tan cánh của của nhà ngục tâm thân để trở về với đại ngàn, trở về với bộ tộc da đỏ của anh, trở về với một xã hội mà con người được sống là con người nhất. Rõ ràng, lại một chân lý nữa của cuộc sống được phơi bày giữa đống ngổn ngang của khoa tâm thần, của những trang viết bóp nghẹt nhịp tim độc giả – trong cuộc chạy đua giữa người yếu và kẻ mạnh, hầu hết những người yếu sẽ thua và nhận về mình những kết cục bi thảm nhất, thế nhưng, một con người nếu biết nhận thức rõ về đối phương và quan trọng nhất là chính bản thân mình, biết được ý nghĩa đích thực của cuộc sống là gì thì kẻ đó có thể vượt qua và làm được cái anh ta muốn.

*

Nếu như trong Phòng số sáu, Chekhov tạo ra được một nhà thương điên, một không gian tù ngục. Các nhân vật của ông cũng bị cuộc đời hoặc chính mình làm cho chết khiếp mà phải chui vào căn phòng đặc biệt ấy. Nhưng trong tác phẩm của Chekhov, các phương diện đối nghịch nhau không nhiều và cũng không bị đẩy đến cao trào. Các nhân vật chìm đắm trong bầu không khí ẩm ướt và ngột ngạt của sự cam chịu. Không ai dám nổi loạn, dù rằng trong ý thức. Ken Kesey đã đưa tác phẩm của mình qua một thái cực khác, nhân vật của ông từ sự tự ý thức để bảo vệ bản thân, qua sự nổi loạn trong ý thức, đến sự nổi loạn tăng cấp trong hành động. Mọi thứ được đẩy dần lên đến cao trào để rồi vỡ òa và đọng lại một nốt lặng trong lòng độc giả 

Và đúng như New York Herald Tribune khẳng định:“Với tư cách một tác phẩm hư cấu, đây là tiểu thuyết xứng đáng được khen tặng đặc biệt, vì bối cảnh, vì câu chuyện, vì cách viết đầy sức mạnh chứa trong đó sự hài hước đớn đau, nỗi giận dữ và lòng trắc ẩn, và, trên hết thảy, vì đã tạo ra nhân vật Randle P. McMurphy”…

Bay Qua Tổ Chim Cúc Cu – Kiệt tác lận đận của điện ảnh Mỹ   (kenh14.vn)

Jack Nicholson luôn là sự lựa chọn số 1 của Milos Forman

Jack Nicholson luôn là sự lựa chọn số 1 của Milos Forman

Oscar Grand Slam (hay còn gọi là Big Five) là danh từ dùng để tôn vinh bộ phim nào đoạt được 5 giải Oscar quan trọng nhất: Phim hay nhất, Đạo diễn, Nam chính, Nữ chính và Kịch bản xuất sắc nhất, và trong lịch sử hơn 80 năm của giải Oscar, chỉ có 3 phim đoạt được danh hiệu này. Đó là: It Happened One Night (1934), One Flew Over the Cuckoo’s Nest (1975) và The Silence of the Lambs (1991).

Trong tất cả danh sách bầu chọn những phim hay nhất mọi thời đại của điện ảnh Mỹ, One Flew Over the Cuckoo’s Nest (Bay qua tổ chim cúc cu) luôn luôn là một cái tên không thể thiếu. One Flew Over the Cuckoo’s Nest còn lập được một kỷ lục vô tiền khoáng hậu, đó là tại một số rạp ở Thụy Điển, bộ phim đã trụ vững liên tục suốt… 12 năm (1975 – 1987).

Từ tiểu thuyết ăn khách đến vở kịch… ế khách!

Năm 1962, văn đàn nước Mỹ dậy sóng với cuốn tiểu thuyết hiện thực của nhà văn trẻ Ken Kesey cùng tác phẩm đầu tay One Flew Over the Cuckoo’s Nest. Tên cuốn sách được lấy từ bài dân ca quen thuộc dành cho trẻ em Con ngỗng của mẹ. Cuốn sách rất ăn khách và nhanh chóng trở thành một hiện tượng trong xã hội Mỹ lúc ấy. Ngôi sao điện ảnh danh tiếng Kirk Douglas rất thích câu chuyện và quyết định mua bản quyền cuốn sách. Sau đó, ông cho chuyển thể One Flew Over the Cuckoo’s Nest thành một vở kịch diễn trên sân khấu Broadway và ông thủ vai chính Randall McMurphy.

Câu chuyện xảy ra tại một bệnh viện tâm thần ở bang Oregon nước Mỹ. Sự êm ả đến buồn tẻ bấy lâu nay của viện tâm thần bỗng bị xới tung bởi sự có mặt của Randall McMurphy (hay còn gọi là Mac) – một tội phạm bị tình nghi có dấu hiệu tâm thần và được đưa vào bệnh viện để kiểm tra, giám định. Từ những kẻ thụ động, răm rắp làm theo lệnh của các nhân viên bệnh viện chẳng khác gì tù nhân, các bệnh nhân đã được Mac khơi dậy lòng tự trọng, sự nhận thức về giá trị của một con người, họ đã biết cho nhau, hy sinh vì nhau và họ đã dám phản kháng để tự giải phóng khỏi sự áp đặt.

Nhưng vở kịch lại sớm gặp thất bại vì bị công chúng phản ứng. Họ không hiểu tại sao lại mang nỗi đau khổ của những người điên ra làm trò cười. Một vở kịch đầy tính khiêu khích, bởi đề tài của nó quá mới mẻ khiến ai cũng phải khó chịu. Kết quả là vở kịch chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn. Kirk Douglas dự định sẽ giảm tiền lương của diễn viên để vở diễn có thể tiếp tục, nhưng một số người không đồng ý. Kirk quyết định ngưng vở diễn, đồng thời ông bắt đầu tiến hành chuyển One Flew Over the Cuckoo’s Nest lên màn ảnh với mong muốn được tiếp tục thủ vai Randall McMurphy.

10 năm lận đận trước khi trở thành kiệt tác

Ban đầu Kirk định bán lại bản quyền cuốn sách không phải vì ông nản lòng, mà vì không tìm được ai để chuyển nó thành một bộ phim. Lúc ấy người con lớn của Kirk là Michael Douglas – đang có tham vọng trở thành nhà sản xuất – lại rất thích cuốn sách. Anh đã đề nghị bố bàn giao bản quyền lại cho mình để anh tìm đối tác sản xuất bộ phim.

Năm 1971, Michael gọi điện cho nhà sản xuất phim độc lập Saul Zaentz và mời cùng hợp tác. Ông ta đồng ý nhưng với điều kiện bộ phim phải thoát khỏi sự kiểm soát của Kirk Douglas. Michael khẳng định anh được toàn quyền với cuốn sách. Lúc ấy không một xưởng phim lớn nào nhận tài trợ cho bộ phim, nhưng Saul Zaentz và Michael Douglas vẫn quyết định làm bộ phim kể cả với chi phí rất thấp. Chính vì vậy, họ không thể mời được một đạo diễn sáng giá nào! Điều mà họ cần là một ai đó có khả năng nhưng lại không đòi thù lao quá cao. Và đó chính là lý do họ tìm đến Milos Forman. Quan trọng hơn, trong tất cả những đạo diễn mà họ đã tiếp xúc chỉ có Milos là người duy nhất đưa ra ý tưởng giống với Michael và Saul Zaentz.

Trở lại giữa thập niên 1960, nhân một chuyến đi châu Âu, Kirk đến thủ đô Praha. Ông đã gặp Milos Forman – một đạo diễn trẻ tài năng và giàu trí tưởng tượng. Hai người trò chuyện rất hợp nhau và Kirk ngỏ ý mời Milos chuyển cuốn sách One Flew Over the Cuckoo’s Nest thành phim. Milos vui vẻ nhận lời, nhưng cuốn sách từ Kirk đã không bao giờ đến. Mãi 10 năm sau, Milos Forman mới nhận được một bưu phẩm từ Mỹ do Michael Douglas và Saul Zaentz gửi. Và trong bưu phẩm chính là cuốn One Flew Over the Cuckoo’s Nest.

Sau đó khi gặp lại Milos Forman tại Mỹ, Kirk đã trách: “Anh tệ thật! Tôi đã gửi cho anh quyển sách 10 năm trước đây. Thế mà thậm chí anh chẳng hồi âm cho tôi một lời!”. Milos ngớ người: “Đó cũng chính là điều tôi nghĩ về anh. Anh thật tệ! Ngay khi rời khỏi Tiệp Khắc, anh đã quên phắt những gì đã nói với tôi. Tôi đã phải đợi anh trong suốt khoảng thời gian đó”. Trên thực tế, Kirk đã gửi ngay quyển sách cho Milos khi về đến Mỹ, nhưng khi qua hải quan Tiệp Khắc, nó đã bị tịch thu!

Một tập hợp những tài năng diễn xuất thượng thặng

Việc quan trọng kế tiếp là tìm người đóng vai chính McMurphy. Trớ trêu là ban đầu khi bàn giao dự án lại cho con trai Michael, Kirk Douglas chắc mẩm rằng vai McMurphy sẽ được giao cho ông. Nhưng khi chọn vai, Michael không thèm đếm xỉa đến khát khao được đóng vai này của cha mình, với lý do là Kirk đã quá già!

Ban đầu James Caan đã được nhắc đến, sau đó là Marlon Brando, Gene Hackman, Burt Reynold… nhưng tất cả đều không đi đến đâu. Trước khi quay một năm, cái tên Jack Nicholson mới được đưa ra. Lúc đó anh chỉ là một diễn viên đang lên, góp mặt trong một vài bộ phim nhỏ. Nhưng thực sự Jack là một diễn viên thông minh và nhạy cảm. Anh đã làm mọi người phải ngạc nhiên trong những buổi thử vai.

Từ đó Jack Nicholson luôn là sự lựa chọn số 1 của Milos Forman. Nhưng khi mọi việc đã sẵn sàng thì họ phát hiện ra Jack đã tham gia vào một phim khác. Nếu muốn Jack thì sẽ phải đợi 6, 7 tháng nữa. Nhà sản xuất bắt đầu nghĩ đến việc tìm diễn viên khác. Nhưng trước sự kiên trì của Milos, tất cả đều nhất trí đợi Jack.

Đối với vai mụ y tá trưởng Ratched, tất cả đều nhất trí phải chọn ai đó thể hiện được vẻ độc ác ẩn giấu từ bên trong. Mụ ta chỉ là một công cụ của cái ác và không hề biết những hành động của mình là tàn nhẫn, mà chỉ nghĩ mình đang giúp đỡ mọi người. Đã có 6 nữ diễn viên được chấm thử vai này: Anne Bancroft, Colleen Dewhurst, Geraldine Page, Jane Fonda, Ellen Burstyn và Angela Lansbury, nhưng không có ai làm Milos Forman hài lòng. Mãi đến một tuần trước khi bấm máy thì bất ngờ người được chọn là một cái tên gần như vô danh, Louise Fletcher. Thật ra Louise Fletcher đã đến xin thử vai từ nửa năm trước đó, nhưng Milos không chú ý đến cô. Một tuần trước khi bấm máy, ông thử cho Louise một cơ hội và cô đã hoàn toàn chinh phục mọi người bởi sự cảm thụ về nhân vật rất xuất thần của mình. Ai đã xem vai diễn này của Louise đều có cảm giác hình như dưới lớp da của mụ y tá trưởng Ratched là một dòng nước lạnh như băng giá đang chảy trong huyết quản! Từ ánh mắt, động tác, lời thoại, nụ cười… tất cả đều được thể hiện tinh tế đến rợn người!

Cuốn sách One Flew Over the Cuckoo’s Nest thật sinh động và hấp dẫn bởi tác giả Ken Kesey đã xây dựng hàng loạt vai phụ đầy màu sắc với nhiều tính cách khác nhau, dựa trên những nguyên mẫu có thật tại bệnh viện tâm thần Agnews ở San Jose – nơi ông đã từng làm việc. Chính vì vậy, đạo diễn Milos Forman muốn những nhân vật phụ trong phim một khi xuất hiện thì khán giả sẽ không thể quên được anh ta.

Nổi bật nhất trong những vai phụ ấy là những diễn viên lần đầu đóng phim: Will Sampson, một anh chàng da đỏ lầm lì ít nói, cao trên 2m (vai “Tù trưởng” Bromden), Brad Dourif (vai Billy Bibbit – được đề cử Oscar vai phụ), Sydney Lassick (vai Cheswick), Christopher Lloyd (vai Max Taber)… Ngoài ra đạo diễn Milos Forman còn sử dụng rất nhiều bệnh nhân thật để màu sắc của bộ phim đạt đến sự chân thực tối đa.

Với kinh phí khiêm tốn là 4,4 triệu USD, One Flew Over the Cuckoo’s Nest sau đó đã đạt được thành công khổng lồ tại thị trường Mỹ với doanh thu 109 triệu USD, Oscar Grand Slam và vô số những giải thưởng khác. Bộ phim là bệ phóng cho hàng loạt tên tuổi lừng lẫy của điện ảnh thế giới sau này như: nhà sản xuất Michael Douglas và Saul Zaentz, đạo diễn Milos Forman, diễn viên Jack Nicholson…

0