Nét đặc sắc của võ thuật Trung Hoa
Nguyễn Diệu Minh Chân Như Cũng như Yoga của Ấn Độ, ngày nay, môn Thái cực quyền đã được toàn thế giới biết đến như một thành tựu độc đáo của người Trung Hoa.Thái cực quyền, trước hết là một môn võ thuật. Nhưng nó không chỉ là võ thuật. Nó còn là sự biểu hiện cụ thể, sinh động ...
Nguyễn Diệu Minh Chân Như
Cũng như Yoga của Ấn Độ, ngày nay, môn Thái cực quyền đã được toàn thế giới biết đến như một thành tựu độc đáo của người Trung Hoa.Thái cực quyền, trước hết là một môn võ thuật. Nhưng nó không chỉ là võ thuật. Nó còn là sự biểu hiện cụ thể, sinh động và độc đáo của hệ thống tư tưởng, triết lý và vẻ đẹp văn hóa Trung Hoa.
“Thái cực “…là một danh từ được dùng đầu tiên ở Dịch kinh. Quyển kinh này quan niệm rằng lúc trời đất (tức địa cầu) chưa hình thành là Thái cực (hoặc còn gọi là Thái sơ, Thái nhất nữa). Sau, đến nhà Tống, có Chu Đôn Di vẽ ra một bức Thái cực đồ, có thuyết minh kỹ càng, nhằm giải thích ý nghĩa hàm ngụ và sự biến hóa phát triển của ý niệm Thái cực”(1). Tiếp theo sau đó, “đời Thanh Càn Long (Cao Tôn Hoằng Lịch, làm vua từ 1736-1796 – ND) có nhà võ thuật dân gian ở tỉnh Sơn Tây là Vương Tông Nhạc dùng Chu tử toàn thư mở rộng Dịch kinh về triết lý thái cực âm dương để giải thích quyền lý rồi viết thành sách Thái cực quyền luận và tên gọi Thái cực quyền từ đó mới được xác định”(2).
Chúng ta đều nhận thấy, ngay như tên gọi của Thái cực quyền cũng đã mang đậm sắc màu của triết học truyền thống Trung Hoa, chứng tỏ được nguồn gốc văn hóa sâu xa của nó. Và quả thực, “…sự hình thành Thái cực quyền có nguồn gốc, bối cảnh văn hóa rất sâu xa”(3).
Mặt khác, Thái Cực quyền còn có một mối quan hệ chặt chẽ đối với sinh hoạt tôn giáo của xã hội Trung Quốc thời xưa. Đó chính là sinh hoạt của Đạo giáo, đặt trọng tâm trong việc tu luyện phép đạo dẫn để được trường sinh. Thái cực quyền “…thu nạp cả phép đạo dẫn, phép thổ nạp, cả đến học thuyết kinh lạc của Trung y”(4).
Có thuyết cho rằng Thái Cực quyền xuất phát từ núi Võ Đang – một thánh địa của Đạo giáo, do đạo sĩ Trương Tam Phong sáng tạo nên. Dù thuyết đó đúng hay sai thì mối quan hệ giữa Thái cực quyền và Đạo giáo được xác định là khá mật thiết. Mối quan hệ đó trước hết ở cách nhìn về sinh mệnh con người. Một quyển sách quan trọng của Đạo giáo là Huỳnh Đình kinh (xuất hiện cách nay hơn 1.600 năm) đề ra một quan niệm hết sức độc đáo là: “Nhân thể hữu thần linh” (thân thể con người có thần linh). Gạn lọc yếu tố thần bí, nhà nghiên cứu Dr. Rolf Homann đã chỉ ra yếu tố thực tiễn, tích cực của quan niệm này: “Qua sự phân tích của ông (Dr. Rolf Homann), ta thấy quan niệm thân thể con người có thần linh của Đạo giáo Trung Quốc dẫn đến hệ quả quan trọng: giá trị con người rất cao quý. Con người không phải là thứ động vật hai chân sống hoàn toàn theo bản năng, mà chính là một trong tam tài, là một tiểu vũ trụ… Sinh mệnh của mỗi cá nhân, do đó đều rất quý, không ai được phép tự hủy mình hay phương hại đến sinh mạng người khác”(5).
Điều này đã gặp gỡ quan niệm của những người luyện Thái cực quyền. Khác với các môn võ thuật khác như Thái quyền đạo, Không thủ đạo…, Thái cực quyền không phải là một môn võ sát thủ, cũng không đặt mục tiêu công phá lên hàng đầu. Tính chiến đấu của Thái cực quyền thể hiện rõ nhất ở hai điểm: bất đỉnh và bất đâu. Đả thủ ca, Sơ hữu Vương Tông Nhạc có viết: “Dẫn tiến lạc không hợp tức xuất, triêm liên niêm tùy bất đâu đỉnh” (dẫn địch tiến vào chỗ trống, thu người chính là để phát lực, thâm nhập, liên tục, dính sát, nương theo, không cách ly, không nghịch thế). Bất đỉnh tức là không được không thuận. Hệ quả của nó là quyền pháp Thái cực quyền yêu cầu hóa giải trước rồi tấn công sau. Bất đâu nghĩa là không được rời ra. Hệ quả của nó là, trong chiến đấu, Thái cực quyền thể hiện nguyên tắc người tiến, ta thoái lui để hóa giải; người thoái, ta thuận thế truy kích. Điều này tạo nên tình thế bất niêm bất xuất (không dính không rời), một tiến một lùi, một thuận một nghịch, một âm một dương. “Tượng hai con cá tròn dựa nhau, khớp như luyện tập đẩy tay Thái cực quyền (tức là luyện tập thôi thủ ) hai người cùng ra lực đẩy tay theo hình. Trong khi luyện tập, tay hai bên tạo thành hình tròn không ngừng biến hóa, bên tiến bên lùi, bên co bên duỗi, áp bên dán theo, chính là phù hợp bên âm bên dương, bên dương bên âm thay đổi, cùng nhau tiêu trưởng, đúng đạo lý thay nhau biến hóa”(6).
Như vậy, hai đối thủ, trong cách nhìn của Thái cực quyền, chính là hai cực đối lập mà thống nhất, mâu thuẫn mà hòa hợp. Cách nhìn đó giúp cho Thái cực quyền thoát khỏi sự hạn chế của bạo lực và tự nâng mình lên tầm cao của nghệ thuật. Và cũng có lẽ nhờ vậy mà “phương pháp thôi thủ cận đại này có thể tránh sự cố phương hại đối phương, hạn chế các phép đánh đấm”(7).
Khi đơn luyện, tức luyện quyền lộ, bản thân người luyện Thái cực quyền được xem như là một thái cực. Vì thế mỗi động tác đều phân hư thực, nhanh chậm, cương nhu, vuông tròn: “…Thái cực quyền biểu hiện ở động tĩnh, cương nhu, hư thực, mở đóng (khai hợp)… là các trạng thái đối lập thống nhất”(8). Đây cũng chính là cách nhìn của truyền thống văn hóa Trung Hoa về con người. Con người chính là một vũ trụ thu nhỏ. Trong con người cũng có âm dương, với đầy đủ tính chất đối lập và thống nhất. Nghĩa là con người có cùng bản thể với toàn bộ vũ trụ to lớn bên ngoài. Rèn luyện Thái cực quyền chính là quá trình hướng đến sự cân bằng âm dương trong con người. Nó chủ trương đạt được sự tĩnh tại của nội tâm thông qua hình thái vận động tròn trịa, viên mãn bên ngoài: “…Thái cực quyền thể hiện động tác tròn trặn, luôn luôn không rời đường cung tròn, khiến động tác toàn bài chuyển vận liền lạc, một khí mà thành”(9).
Vì lý do đó, ta có thể nói, Thái cực quyền không chỉ là bài tập thể lực, mà quan trọng hơn, nó còn là một bài luyện tinh thần, tâm trí, cách nhìn, tính cách. Không phải ngẫu nhiên mà tâm và ý được nhấn mạnh trong Thái cực quyền như là những yếu tố then chốt: “Tâm vi lệnh, khí vi kỳ, yêu vi đạo” (tâm là lệnh, khí là cờ lệnh, eo là cờ nhận lệnh)(10); “tiên tại tâm, hậu tại thân…” (trước ở trong tâm sau mới ở trong thân…) (11); “toàn thân ý tại tinh thần, bất tại khí, tại khí tắc trệ” (toàn thân ý ở tinh thần, không ở khí, ở khí thì trì trệ) (12). Để có thể có được sự vận động tự nhiên liên tục như nước chảy thành dòng, “tịnh như sơn nhạc, động nhược giang hà” (yên tịnh thì như núi lớn, chuyển động thì như sông dài) (13), người luyện Thái cực quyền cần phải đạt đến một tâm tư bình tĩnh, lắng đọng, không hấp tấp nóng nảy, không cố chấp, không phô trương. Đây chính là mối quan hệ mang tính cách biện chứng giữa vận động thể lý và trạng thái tâm lý.
Sự thành công của Thái cực quyền trong việc bảo vệ sức khỏe, phát huy nghệ thuật chiến đấu, nâng cao đời sống tinh thần cho con người, mang ý nghĩa văn hóa xã hội rộng rãi, một mặt, là nhờ nó có cơ sở vững chắc từ học thuyết âm dương ngũ hành, “từ đời Tống trở đi là một trong ba tư trào triết học lại chính là cơ sở triết học của Thái cực quyền”(14); nhưng mặt khác, nó cũng chính là sự kiểm chứng từ trong thực tiễn cho tính đúng đắn của triết lý âm dương ngũ hành.
Ngày nay, Thái cực quyền đã phát triển thành nhiều hệ thống nhưng nó vẫn nhất quán ở cơ sở tư tưởng triết lý của nó. Có thể kể đến 5 hệ thống phổ biến nhất của Thái cực quyền (Thái cực quyền ngũ đại gia) là: Thái cực quyền kiểu họ Trần do Trần Vương Đình đời Minh sáng lập; Thái cực quyền kiểu họ Dương do Dương Lộ Thiền (1799-1872) sáng lập; Thái cực quyền kiểu họ Võ do Võ Vũ Tương (1812-1880) sáng lập; Thái cực quyền kiểu họ Tôn do Tôn Lộc Đường (1861-1932) sáng lập và Thái cực quyền kiểu họ Ngô do Ngô Giám Tuyền (1834-1902) sáng lập. Các cao thủ Thái cực quyền cận đại có thể kể đến, Trần Phát Khoa (1887-1957) – hậu đại của Trần Vương Đình; Dương Trừng Phủ (1838-1936) – cháu của Dương Lộ Thiền…
Sang TK XXI, một thế kỷ hiện đại với sự phát triển ồ ạt của khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin, chẳng những môn võ mang tính truyền thống như Thái cực quyền không bị quên lãng mà trái lại, nó đã được khắp thế giới biết đến; “Thái cực quyền không chỉ lưu hành rộng khắp cả nước (Trung Hoa) mà đang dần mở ra với thế giới”(15). Nó đã trở thành một trong những phương pháp tốt nhất giúp con người thoát khỏi mặt tiêu cực của đời sống cơ giới, và giúp giữ lại sự nhạy cảm, tinh tế vốn có của con người, giữ lại sợi dây liên lạc giữa con người và tự nhiên, đúng như một nhà vật lý phương Tây Fritjof Capra đã nhận định: “…Phép tập Thái cực quyền không phải nghe sao tập vậy mà phải luôn luôn cùng thày bước lại từ đầu… Phép đánh quyền Trung Quốc đòi hỏi bàn tay vận động tự nhiên, không gò bó. Tất cả những phương thức đó được phương Đông áp dụng nhằm phát triển mặt trực giác của ý thức”(16).
Đất nước Trung Hoa rộng lớn và có lịch sử phát triển lâu đời, dĩ nhiên, hệ thống văn hóa, tư tưởng vô cùng phức tạp. Nhưng ngày nào họ còn trân trọng giá trị tư tưởng về sự hòa hợp được đúc kết trong những thành tựu văn hóa đặc sắc như Thái cực quyền thì họ vẫn giữ được sợi dây liên hệ của lịch sử để có thể bước tới tương lai.
Chú thích :
1. Đàm Trung Hòa, Hỏi đáp về Thái cực quyền, Nxb TP.HCM, 1996, tr.10.
2, 3, 4, 6, 8, 9, 14, 15, Trịnh Cần, Điền Vân Thanh, Võ thuật thần kỳ, Nxb Hà Nội, 1996, tr.149, 150, 17, 249.
5. Dr. Rolf Homann, Lược khảo Huỳnh Đình kinh, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2003, tr.3.
7, 10, 11, 12, 13. Nguyễn Anh Vũ biên dịch, Thái cực quyền toàn tập, Nxb Đồng Nai, 2000, tr.255, 547, 549, 545.
16. Fritjof Capra, Đạo của vật lý, Nxb Trẻ, TP.HCM, 2001, tr.50.
Nguồn: Tạp chí VHNT số 315, tháng 9-2010