06/02/2018, 10:31

Chữa lỗi về chủ ngữ và vị ngữ (tiếp theo)

Hướng dẫn I. KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG Bài này tiếp tục giúp các em nắm được các loại lỗi về câu: loại câu viết thiếu cả chủ ngữ, vị ngữ; viết câu thể hiện sai quan hệ về nghĩa giữa các bộ phận trong câu. – Về loại lỗi thứ nhất, ta thấy câu thiếu cả chủ ngữ, vị ngữ thường là ...

Hướng dẫn

I. KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG

Bài này tiếp tục giúp các em nắm được các loại lỗi về câu: loại câu viết thiếu cả chủ ngữ, vị ngữ; viết câu thể hiện sai quan hệ về nghĩa giữa các bộ phận trong câu.

– Về loại lỗi thứ nhất, ta thấy câu thiếu cả chủ ngữ, vị ngữ thường là những câu mới chỉ có thành phần phụ trạng ngữ phát triển dài. Người viết lầm tưởng cụm từ có một độ dài nhất định đó đã là câu hoàn chỉnh, cho nên đã đặt dấu chấm ở cuối cụm từ. Như vậy nguyên nhân mắc lỗi chủ yếu do người viết không nắm vững cấu tạo của câu, không ý thức được rằng tập hợp từ đã viết mới chỉ là thành phần phụ của câu và câu còn thiếu cả chủ ngữ lẫn vị ngữ. Cách chữa thông thường đối với loại câu sai này là thêm cụm chủ – vị vào sau trạng ngữ.

– Ở loại lỗi thứ 2 (quan hệ về nghĩa giữa các bộ phận trong câu không tương hợp), ta thấy nguyên nhân mắc lỗi chủ yếu do người viết thiếu một tư duy lôgíc cần thiết, nói cách khác, tư duy thiếu chặt chẽ, minh xác. Bên cạnh đó, còn có một nguyên nhân khác là người viết không nắm chắc, hiểu kĩ nội dung cần thể hiện trong câu. Cách chữa chủ yếu đối với loại câu sai này là xác lập lại mối quan hệ lôgíc, quan hệ ngữ nghĩa giữa các bộ phận trong câu sao cho hợp lí, chặt chẽ về mặt từ ngữ trong câu, khi sửa, cần sắp xếp lại trật tự các từ ngữ sao cho phù hợp và nếu cần thiết, có thể thay thế một hoặc một vài từ nào đó.

II. HƯỚNG DẪN LUYỆN TẬP

1. – Có thể dùng cách đặt câu hỏi để xác định chủ ngữ, vị ngữ trong từng câu ở bài tập này. Cụ thể, để xác định chủ ngữ, ở câu a và câu b, có thể dùng câu hỏi Cái gì? (Ví dụ: Cái gì được đổi tên thành cầu Long Biên?; Cái gì lại nhớ những năm tháng chống đế quốc Mĩ oanh liệt và oai hùng?); còn ở câu c, dùng câu hỏi Ai? (Ví dụ: Ai cảm thấy chiếc cầu như chiếc võng đung đưa, nhưng vẫn dẻo dai, vững chắc?).

Để xác định vị ngữ, ở cả 3 câu, có thể dùng câu hỏi Như thế nào? Ra sao?

– Dựa vào gợi ý trên, HS tự làm.

2. Như đã hướng dẫn cách làm một số bài tập ở Bài 29, trong bài tập này, muốn tìm được chủ ngữ, vị ngữ thích hợp để điền vào chỗ trống, HS cần dựa vào nội dung của các từ ngữ cho sẵn (là trạng ngữ chỉ thời gian, nơi chốn), sao cho phần thêm vào phải tương hợp về nội dung với phần cho sẵn. Ví dụ:

– Ở trường hợp a, có thể chọn một trong các từ ngữ dưới đây để điền vào chỗ trống:

+ học sinh ùa ra đường.

+ học sinh nhanh chóng toả về các ngả đường.

+ ai nấy đều vội vã ra về kẻo trời tối.

+ quãng đường trước cổng trường chật kín người.

Các trường hợp còn lại, HS tự làm.

3. Muốn chỉ ra chỗ sai và đề xuất được cách chữa các câu sai trong bài tập này, trước hết, em đọc kĩ từng câu. Khi đọc, em lưu ý trả lời câu hỏi: từng câu đã diễn đạt một ý trọn vẹn, hoàn chỉnh chưa? Em sẽ nhận thấy ở cả 3 câu, mới chỉ có thành phần phụ trạng ngữ được phát triển dài, chưa có chủ ngữ, vị ngữ. Cách chữa như đã được hướng dẫn ở các bài tập trước, là dựa vào nội dung của thành phần trạng ngữ cho sẵn, em tìm chủ ngữ, vị ngữ, để phần thêm vào có sự tương hợp với phần cho sẵn. Ví dụ:

– Ở câu a, có thể chọn một trong các từ ngữ dưới đây để thêm vào:

+ hai chiếc thuyền đang bơi.

+ một chiếc du thuyền chở đầy khách đang từ từ rẽ sóng.

+ đàn chim sâm cầm đang dập dềnh trên mặt nước.

Hai câu còn lại, HS tự làm.

4. Nguyên nhân sai chủ yếu của các câu trong bài tập này là quan hệ về nghĩa giữa một số bộ phận trong câu không tương hợp. Nếu đọc kĩ từng câu (đọc 2, 3 lượt), em sẽ nhận thấy sự không tương hợp ấy được biểu hiện như sau:

– Câu a: Cây cầu (chủ ngữ) không thể bóp còi rộn vang cả dòng sông yên tĩnh (vị ngữ).

Cách chữa: Chuyển câu trên thành câu ghép; vị ngữ 2 được điều chỉnh thành vế câu:

Cây cầu đưa những chiếc xe vận tải nặng nề vượt qua sông; tiếng còi xe rộn vang cả dòng sông yên tĩnh.

– Câu b: Vừa đi học về (trạng ngữ) không tương hợp với mẹ (chủ ngữ).

Cách chữa: Chuyển câu này thành câu ghép, điều chỉnh trạng ngữ thành vế câu:

Thuý vừa mới đi học về, mẹ đã bảo Thuỷ sang đón em.

– Câu c: Tuấn (chủ ngữ) không tương hợp với được bạn ấy cho một cây bút mới (vị ngữ).

Cách chữa: Điều chỉnh vị ngữ cho tương hợp với chủ ngữ:

Khi em đến cổng trường thì Tuấn gọi em và cho em một cây bút mới.

Chú ý: Ở 3 câu trên, em có thể đề xuất các cách chữa khác.

Mai Thu

0