Bài 28 – Ôn tập văn miêu tả
Bài 28 – Ôn tập văn miêu tả Hướng dẫn 1. Đây là một đoạn văn tả cảnh mặt trời lên trên biển rất hay và độc đáo. Theo em, điều gì đã tạo nên cái hay và độc đáo cho đoạn văn? Sau trận bão, chân trời, ngấn bể sạch như tấm kính lau hết mây hết bụi. Mặt trời nhú lên dần dần, rồi lên cho ...
Bài 28 – Ôn tập văn miêu tả
Hướng dẫn
1. Đây là một đoạn văn tả cảnh mặt trời lên trên biển rất hay và độc đáo. Theo em, điều gì đã tạo nên cái hay và độc đáo cho đoạn văn?
Sau trận bão, chân trời, ngấn bể sạch như tấm kính lau hết mây hết bụi. Mặt trời nhú lên dần dần, rồi lên cho kì hết. Tròn trĩnh phúc hậu như lòng đỏ một quả trứng thiên nhiên đầy đặn. Quả trứng hồng hào thăm thẳm, và đường bệ đặt lên một mâm bạc đường kính mâm rộng bằng cả một cái chân trời màu ngọc trai nước biển hửng hồng. Y như một mâm lễ phẩm tiến ra từ trong bình minh để mừng cho sự trường thọ của tất cả những người chài lưới trên muôn thuở biển Đông.
– Đoạn văn này hay và độc đáo vì tác giả Nguyễn Tuân đã sử dụng những hình ảnh so sánh hết sức đặc sắc, sáng tạo và giàu màu sắc. Có thể nói đây là một bức họa bằng ngôn ngữ tài hoa.
2. Nếu tả quang cảnh một đầm sen đang mùa hoa nở, em sẽ lập dàn ý như sau:
Mở bài: Giới thiệu vị trí của đầm sen và kích thước của nó. Cũng có thể nói rõ thời điểm quan sát đầm sen nở.
Thân bài: Miêu tả quang cảnh đầm sen: sen lan ra che gần kín mặt đầm. Lá sen to xòe rộng, có cái nằm ngang trên mặt nước, có cái nhô cao lên như những chiếc dù xanh. Hoa thì có những búp sen chưa nở nhô cao. Những bông hoa mới nở cánh màu hồng, màu trắng xòe ra bao quanh nhị vàng. Nhiều bông hoa đã tàn chỉ còn lại đài sen màu xanh lá chứa đầy hạt. Đứng trên bờ thấy mùi sen thơm thoang thoảng, một mùi thơm rất dễ chịu gợi nhớ tới những nắm cốm non gói lá sen.
Kết bài: Nói về vẻ đẹp của đầm sen, về lợi ích của việc trồng sen trong cuộc sống.
3. Nếu miêu tả một em bé ngây thơ, bụ bẫm đang tập đi, tập nói thì em sẽ lựa chọn những hình ảnh và chi tiết tiêu biểu, đặc sắc nào? Em sẽ miêu tả theo thứ tự nào?
– Ta có thể tả em bé theo thứ tự tả hình dáng trước rồi tả cử chỉ và cách nói năng sau:
Ta có thể theo thứ tự đó mà lựa chọn những hình ảnh và chi tiết tiêu biểu sau:
Dáng người em bé mập mạp.
Chân tay mũm mĩm.
Khuôn mặt đầy đặn, hồng hào. Hai má tròn còn thơm mùi sữa.
Đôi mắt đen trông lanh lợi.
Đôi môi đỏ hồng.
Em luôn hoạt động không chịu ngồi yên.
Em tự đứng lên, đi vài bước chập chững rồi lại ngã nhưng rồi lại đứng lên đi nhiều bước hơn.
Miệng em nói bi bô. Giọng còn ngọng nghịu. Bà mẹ luôn theo dõi từng bước đi của em, có lúc giơ tay ra đỡ cho con khỏi ngã và vừa nói theo con vừa dạy cho con tập nói chính xác.
4. Đọc lại Bài học đường đời đầu tiên của Tô Hoài và Buổi học cuối cùng của A. Đô-đê, sau đó hãy tìm ở mỗi bài một đoạn văn miêu tả và một đoạn văn tự sự. Căn cứ vào đâu mà em nhận ra điều đó? Chỉ ra một vài liên tưởng, ví von, so sánh mà em cho là độc đáo và thú vị của hai tác giả trong hai bài văn trên.
– Đoạn văn miêu tả trong Bài học đường đời đầu tiên:
Bởi tôi ăn uống điều độ và làm việc có chừng mực nên tôi chóng lớn lắm. Chẳng bao lâu, tôi đã trở thành một chàng dế thanh niên cường tráng. Đôi càng tôi mẫm bóng. Những cái vuốt ở chân, ở khoeo cứ cứng dần và nhọn hoắt. Thỉnh thoảng, muốn thử sự lợi hại của những chiếc vuốt, tôi co cẳng lên, đạp phanh phách vào các ngọn cỏ. Những ngọn cỏ gãy rạp, y như có nhát dao vừa lia qua. Đôi cánh tôi trước kia ngắn hủn hoẳn, bây giờ thành cái áo dài kín xuống tận chấm đuôi. Mỗi khi tôi vũ lên, đã nghe tiếng phành phạch giòn giã. Lúc tôi đi bách bộ thì cả người tôi rung rinh một màu nâu bóng mỡ soi gương được và rất ưa nhìn. Đầu tôi to ra và nổi từng tảng, rất bướng. Hai cái răng đen nhánh lúc nào cũng nhai ngoàm ngoạp như hai lưỡi liềm máy làm việc. Sợi râu tôi dài và uốn cong một vẻ rất đỗi hùng dũng. Tôi lấy làm hãnh diện với bà con về cặp râu ấy lắm. Cứ chốc chốc tôi lại trịnh trọng và khoan thai đưa cả hai chân lên vuốt râu.
– Đoạn văn tự sự trong Bài học đường đời đầu tiên:
Bỗng thấy chị Cốc từ dưới mặt nước bay lên, đến đậu gần hang tôi, cách có mấy bước. Chừng rớ được món nào, vừa chén xong, chị ta tìm đến đứng chỗ mát rỉa lông, rỉa cánh và chùi mép.
Tính tôi hay nghịch ranh. Chẳng bận đến tôi, tôi cũng nghĩ mưu trêu chị Cốc.
– Đoạn văn miêu tả trong Buổi học cuối cùng:
Chỉ đến lúc ấy, đã hơi hoàn hồn, tôi mới nhận ra thầy giáo chúng tôi mặc chiếc áo Rơ-đanh-gôt màu xanh lục, diềm lá sen gấp nếp mịn và đội cái mũ tròn bằng lụa đen thêu mà thầy chỉ dùng vào những hôm có thanh tra hoặc phát phần thưởng. Ngoài ra, cả lớp có cái gì đó khác thường và trang trọng. Nhưng điều làm tôi ngạc nhiên hơn cả là trông thấy ở phía cuối lớp, trên những hàng ghế thường bỏ trống, dân làng ngồi lặng lẽ giống như chúng tôi, cụ già Hô-de, xã trưởng cũ với cái mũ ba sừng, bác phát thư cũ và nhiều người khác nữa. Ai nấy đều có vẻ buồn rầu và cụ Hô-de mang theo quyển tập đánh vần cũ đã sờn mép để mở rộng trên lòng, cặp kính lớn đặt ngang trang sách.
– Đoạn văn tự sự trong Buổi học cuối cùng:
Buổi sáng hôm ấy, đã quá trễ giờ đến lớp, tôi rất sợ bị quở mắng, càng sợ vì thầy Ha-men đã dặn trước rằng thầy sẽ hỏi bài chúng tôi về các phân từ mà tôi chẳng thuộc lấy một chữ. Tôi thoáng nghĩ hay là trốn học và rong chơi ngoài đồng nội.
– Vài hình ảnh liên tưởng, ví von, so sánh độc đáo thú vị trong hai bài văn trên:
Hai cái răng đen nhánh lúc nào cũng nhai ngoàm ngoạp như hai lưỡi liềm máy làm việc (so sánh).
Trên mái trường, chim bồ câu gù thật khẽ, và tôi vừa nghe vừa tự nhủ:
– Liệu người ta có bắt cả chúng nó cũng phải hát bằng tiếng Đức không nhỉ? (Đây là một ý liên tưởng)
Tóm tắt:
Dù tả cảnh hay tả người cũng phải lựa chọn được các chi tiết và hình ảnh đặc sắc, tiêu biểu, sau đó trình bày theo một thứ tự nhất định. Muốn tả sinh động cần phải biết liên tưởng, tưởng tượng và ví von, so sánh.
Mai Thu