18/06/2018, 16:58

Christopher Columbus (1451-1506) nhà hàng hải Ý khám phá châu Mỹ

Phạm Văn Tuấn 1/ Thomas More và cuốn sách “Không Tưởng”. Vào năm 1516, một học giả kiêm văn sĩ, kiêm chính trị gia người Anh là Sir Thomas More (1478-1535) đã viết ra một tác phẩm rất nổi tiếng, là cuốn truyện “Không Tưởng” (Utopia), đề cập tới một hòn ...

20131014_columbus_large.jpg

Phạm Văn Tuấn

1/ Thomas More và cuốn sách “Không Tưởng”.

Vào năm 1516, một học giả kiêm văn sĩ, kiêm chính trị gia người Anh là Sir Thomas More (1478-1535) đã viết ra một tác phẩm rất nổi tiếng, là cuốn truyện “Không Tưởng” (Utopia), đề cập tới một hòn đảo tại nơi này một xã hội sinh hoạt theo trí tưởng tượng của tác giả. “Utopia” theo tiếng Hy Lạp có nghĩa là “không ở nơi nào cả” (nowhere). Theo Sir Thomas, những người Utopian này ở trong một môi trường sống dư thừa, không phải lo lắng, không gặp cảnh nghèo khó, không phải bận tâm về cuộc sống vì đây là một xã hội hạnh phúc. Tất cả người dân được hưởng mọi tự do, kể cả tự do tư tưởng. Mọi người trong xã hội này đều biết tôn trọng các quyền lợi của người khác và không bao giờ xâm phạm vào các niềm tin của người khác. Người dân xứ Utopia này rất yêu chuộng hòa bình, họ chỉ tham chiến khi cần tự bảo vệ. Như vậy danh từ “Utopia” hay “Utopian” tượng trưng cho một lý tưởng hay một sự toàn hảo.

Kể từ khi đó, xứ Utopia là một sản phẩm của trí tưởng tượng của Sir Thomas More và tác giả đã đặt hòn đảo này ở bên ngoài khơi của châu Mỹ, vì trước đó vài năm, các người châu Âu đã biết được sự hiện hữu của châu Mỹ sau chuyến viễn du vào năm 1492 của nhà hàng hải Christopher Columbus.

Châu Mỹ đã được người châu Âu coi là một nơi hoang dã không người lui tới, một nơi mà nhiều người có thể khởi đầu mọi xây dựng mà không bị ảnh hưởng bởi các thành kiến của thế giới cũ. Và đối với Sir Thomas More, châu Mỹ có thể là nơi để lập ra một xã hội toàn hảo.

2/ Nhà hàng hải Christopher Columbus.

Trong các công cuộc thám hiểm bằng đường biển, chuyến đi quan trọng nhất và nổi tiếng nhất là của Christopher Columbus, thực hiện vào năm 1492. Quan trọng và nổi tiếng không phải vì sự táo bạo và thời gian vượt biển lâu dài, mà là vì sự tìm thấy châu Mỹ.

Vào thời văn minh Cổ Hy Lạp, nhà triết học lừng danh là Plato đã đề cập tới một nền văn minh bị biến mất trên một hòn đảo chìm sâu xuống biển có tên gọi là Atlantis. Qua thế kỷ thứ 8, các tu sĩ người Ái Nhĩ Lan đã dùng một loại thuyền có bọc da, tên gọi là “curragh” để tìm ra hải đảo Iceland rồi tới thế kỷ sau, các người Na Uy đã định cư trên hải đảo này. Sau năm 980, những người đi biển Na Uy này lại tìm ra đảo Greenland. Ðây là một hòn đảo cung cấp cho các người định cư mới một vùng đất mở rộng với nhiều loài chim lạ, rồi họ tới các các hải đảo khác như đảo Baffin vào khoảng năm 1,000 và sau đó, tới miền Newfoundland.

Như vậy tại phần phía bắc của Ðại Tây Dương, các người Bắc Âu đã dùng thuyền, đi khá xa nhưng họ đã không ghi lại các khám phá hàng hải của họ. Còn tại phần Ðại Tây Dương ở phía tây của châu Âu, cho tới thế kỷ 15 chỉ có một ít báo cáo về vài hòn đảo nằm ngoài khơi. Ðã có một bản đồ thời đó vẽ một hòn đảo lớn theo truyền thuyết, tên gọi là “Antilla”, nằm ở phía tây của xứ Bồ Ðào Nha và trên cũng vĩ độ với hải cảng Lisbon. Người châu Âu thực sự tìm ra hai nhóm đảo Madeiras và Azores vào giữa thế kỷ 14, còn nhóm đảo Canaries được biết tới vào năm 1402.

Cho tới cuối thế kỷ 15, các học giả về môn địa dư đều cho rằng nếu bằng một con tầu biển đi về hướng tây, người ta có thể tới được các xứ Trung Hoa và Nhật Bản. Người thời đó chưa biết rằng sau Ðại Tây Dương còn có lục địa châu Mỹ và một đại dương bao la là Thái Bình Dương.

Sáng sớm ngày 12 tháng 10 năm 1492, nhà hàng hải Christopher Columbus đã bước lên bờ một hòn đảo thuộc châu Mỹ, một miền đất chưa ai được biết đến. Ðây là một sự kiện lịch sử, đã mở đầu cho việc tìm hiểu Tân Thế Giới và dẫn tới việc phổ biến nền văn minh tây phương trên lục địa này.

Christopher Columbus đã tới được Tân Thế Giới do sự tình cờ. Chủ đích của ông là đi tìm một con đường biển để tới châu Á và khi nhìn thấy miền đất này, ông Columbus đã tin tưởng cho tới ngày qua đời rằng ông đã đạt được mục tiêu. Dù cho có sự nhần lẫn đó, người đời sau vẫn xếp ông Columbus là một trong các nhà hàng hải lớn lao nhất.

Cha của Christopher Columbus tên là Domenico Colombo, là một người thợ dệt len, có cơ sở thương mại tại thành phố cảng Genoa, nước Ý. Christopher tên thật là Cristoforo, ra đời vào cuối mùa hè hay đầu mùa thu năm 1451. Lúc thiếu thời, Christopher cùng với em trai tên là Bartholomew giúp cha trong việc chải len. Khi lớn lên, Christopher là một chàng thanh niên cao lớn, tóc đỏ, tính tình trầm lặng và rất sùng đạo. Giống như các thanh niên khác của xứ Genoa, Christopher đã theo các đoàn tầu thuyền đi đánh cá mòi và có lẽ đi tới tận đảo Corsica. Christopher cũng có dịp tới các bờ biển Bắc Phi và trong các chuyến hải hành này, chàng đã học hỏi được kỹ thuật đi biển.

Vào năm 1476, Christopher Columbus đã theo tầu buôn xứ Genoa tới hải cảng Lisbon thuộc xứ Bồ Ðào Nha rồi tới cả nước Anh và miền Flanders. Vào thời kỳ này, các quốc gia thuộc miền Ðịa Trung Hải đang gây chiến với nhau, vì vậy các tầu buôn đều phải có hộ tống. Con tầu chở Christopher khi tới phần biển phía nam của Bồ Ðào Nha thì bị tầu lạ tấn công và bị chìm. Christopher bơi được vào bờ và tìm đường tới Lisbon.

Vào cuối thế kỷ 15, Bồ Ðào Nha là quốc gia đứng đầu về viễn du hàng hải. Trong một nửa thế kỷ và dưới sự bảo trợ của Hoàng Tử Henry, các thủy thủ Bồ đã thực hiện được các cuộc hải hành quan trọng tới các miền bờ biển Bắc Phi và đã mang về nhiều tài sản giá trị. Nhiều thương nhân gốc Genoa đã làm ăn phát đạt tại Lisbon và vì vậy, Christopher Columbus đã nhìn thấy cơ hội có thể trở nên một thuyền trưởng của các con tầu biển Bồ Ðào Nha.

Việc đầu tiên Christopher Columbus phải làm là học nói, đọc và viết các tiếng La Tinh, tiếng Bồ và tiếng Castilian là ngôn ngữ chính của Tây Ban Nha, để có thể tự mình hiểu rõ các sách nói về địa dư. Christopher cũng mưu sinh trong một thời gian bằng nghề vẽ bản đồ. Năm 1479, Christopher kết hôn với cô Dona Felipa Perestrello, có cha là một trong các thuyền trưởng của Hoàng Tử Henry. Họ đã có một con trai tên là Diego. Nhờ giai cấp gia đình cao sang của vợ, Christopher có thể giao du với các nhân vật quan trọng và cũng nhờ vợ, ông đã có được bộ sưu tập các bản đồ của người cha vợ thuyền trưởng và sau đó, tìm hiểu thêm các khám phá và kế hoạch của nước Bồ Ðào Nha. Vào năm 1481, Christopher Columbus phục vụ dưới quyền của Vua John II của Bồ Ðào Nha và đã đi tới Elmina, một hải cảng thương mại của nước Bồ trên miền Bờ Biển Vàng (Gold Coast) của châu Phi.

Christopher Columbus là người tự học, biết nhìn xa trông rộng lại có nhiều kinh nghiệm hàng hải nhờ các chuyến viễn du. Giống như nhiều nhà trí thức đương thời, Christopher biết rằng trái đất tròn. Do tin tưởng rằng bằng đường biển đi về hướng tây, ông có thể tới được châu Á là một miền đất giàu có. Hơn 200 năm về trước, Marco Polo đã mô tả nước Trung Hoa khiến cho các người châu Âu rất thèm muốn tới được châu Á. Hàng hóa của châu Á nếu vận chuyển bằng đường bộ, sẽ gặp nhiều trắc trở và bị hư hỏng, khiến cho giá thành tăng cao. Như vậy, các con tầu biển có thể chuyên chở nhiều hàng hóa hơn, sẽ khiến cho giá phẩm vật rẻ hơn. Tới lúc này, các thủy thủ Bồ Ðào Nha đã tìm thấy con đường vòng qua phía nam của châu Phi để đi tới Ấn Ðộ. Christopher tin rằng châu Á nằm ở phía tây của châu Âu nhưng vấn đề đặt ra là khoảng cách giữa hai châu này là bao nhiêu.

Christopher Columbus đã nghiên cứu các chi tiết về khoảng cách đề cập trong Thánh Kinh, trong cuốn sách du lịch của Marco Polo và trong cuốn “Imago Mundi” (Hình ảnh của Thế Giới) của Hồng Y Pierra d’ Ailly xuất bản vào đầu thế kỷ 15, cũng như căn cứ vào các lập luận của một nhà địa dư người Ý kiêm bác sĩ, có tên là Paolo Toscanelli, để đi tới phần kết luận quá lạc quan là nước Trung Hoa chỉ cách châu Âu 3,500 dậm về hướng tây trong khi khoảng cách thực sự là 11,766 dậm.

Sau nhiều năm nghiên cứu với các dẫn chứng từ các học giả và từ các người đi biển danh tiếng, Christopher Columbus đã đệ trình kế hoạch thám hiểm của mình lên Vua John II của nước Bồ Ðào Nha vào năm 1484. Một ủy ban của nhà vua đã cứu xét dự án rồi bác bỏ vì lý do khó tin. Trong khi đó, người vợ qua đời, Christopher bèn mang con qua nước Tây Ban Nha, tìm kiếm người tài trợ kế hoạch. Ông gửi con cho các sư huynh tại tu viện La Rabida.

Tại nước Tây Ban Nha, Christopher Columbus nhờ một số bạn bè có thế lực đệ trình kế hoạch thám hiểm lên Vua Ferdinand và Nữ Hoàng Isabella. Mặc dù đang bận tâm về cuộc chiến tranh với người Moors tại Granada, hai vị vua này cũng giao kế hoạch cho một ủy ban cứu xét và trong khi chờ đợi, ông Columbus đã cưới bà Beatriz Enriquez de Harana. Họ có một người con tên là Fernando.

Do cứu xét lại kế hoạch của Columbus, Vua John mời nhà thám hiểm trở lại Bồ Ðào Nha nhưng đúng vào lúc này, Bartholomew Dias đã trở về sau khi tìm thấy Mũi Hảo Vọng. Như vậy con đường biển đi tới Ấn Ðộ đã được mở ra và người Bồ Ðào Nha không còn quan tâm tới con đường hướng về phía tây nữa. Trước tin tức này, Columbus đành ở lại Tây Ban Nha.

Tháng 1 năm 1492, quân đội Tây Ban Nha đã chiến thắng tại Granada nên Vua Ferdinand và Nữ Hoàng Isabella đồng ý tài trợ chuyến đi của Columbus. Yếu tố quan trọng thứ nhất trong quyết định này là do vị quan Luis de Santagel, người thủ quỹ Cơ Mật Viện của Nữ Hoàng, đã hứa với nhà vua rằng ông ta sẵn sàng dùng tài sản tư để tài trợ dự án. Yếu tố thứ hai là vì Tây Ban Nha không được chính thức chấp nhận dùng con đường biển qua Tây Phi Châu, khi đó đã do nước Bồ Ðào Nha kiểm soát. Ngoài sự đồng ý tài trợ, hai nhà vua Tây Ban Nha này cũng hứa sẽ ban cho Christopher Columbus tước hiệu Ðô Ðốc của Ðại Dương (Admiral of the Ocean Sea) và Phó Vương của tất cả các hải đảo và lục địa nếu tìm thấy được.

Thành phố hải cảng Palos ở phía tây nam của Tây Ban Nha được lệnh cung cấp hai tầu biển dành cho công cuộc thám hiểm, đó là chiếc Nina và chiếc Pinta, đều dài khoảng 70 feet (24 mét). Chiếc tầu chỉ huy với tên hiệu Santa Maria tuy lớn hơn nhưng kém hơn về trang bị buồm, được chính Christopher Columbus điều khiển. Thuyền trưởng và các thủy thủ của hai con tầu kia được tuyển mộ tại hải cảng Palos. Công việc chuẩn bị kéo dài mười tuần lễ.

3/ Chuyến đi đầu tiên của Christopher Columbus.

Mờ sáng ngày 3 tháng 8 năm 1492, đoàn thủy thủ tham dự buổi lễ cầu nguyện rồi Columbus bước lên tầu Santa Maria. Cả ba con tầu kéo neo, dương buồm rời hải cảng Palos trước khi mặt trời mọc. Sau 3 ngày ra đi, con tầu Pinta bị mất bộ phận lái, còn cánh buồm tam giác của con tầu Nina cho thấy không thích hợp với công cuộc đi biển. Columbus ra lệnh cho đoàn tầu dừng lại tại quần đảo Canaries để sửa chữa tầu và lấy lương thực mới. Ngày 9 tháng 9, ba con tầu lại ra khơi, gặp gió mậu dịch thổi từ hướng đông bắc rất thuận tiện cho việc đi về hướng tây. Vì thế trong một ngày, đoàn tầu thám hiểm đã vượt qua được 182 dậm, tốc độ trung bình là 8 hải lý (knots), một độ nhanh hàng hải rất đáng kể đối với thời bấy giờ.

Trong khi đoàn tầu tiếp tục di chuyển, Christopher Columbus đã ghi lại cuộc hành trình bằng hai cuốn sổ ghi, một cuốn dành riêng cho mình còn cuốn kia cố ý ước lượng khoảng cách ngắn đi để công bố cho các thủy thủ, vì bằng cách này, Columbus hy vọng sẽ tránh cho các thủy thủ không bị sợ hãi vì đã đi quá xa. Tuy thế, thời gian ở trên tầu quá lâu đã làm cho các thủy thủ lo ngại, họ e sợ hướng gió sẽ không đổi chiều để đưa họ trở về bến cũ, rồi thời tiết tốt đẹp, không mưa cũng khiến cho họ e sợ rằng sẽ không có nước uống. Tới ngày 10 tháng 10, tinh thần của thủy thủ bị suy sụp. Sau 30 ngày lênh đênh trên biển cả bao la, các thủy thủ trên con tầu Maria sắp nổi loạn, đã đòi hỏi Christopher Columbus phải quay trở về và vì vậy, Columbus đã hứa với họ rằng sẽ làm việc này nếu trong hai hay ba ngày nữa không nhìn thấy đất liền.

Vào ngày 11 tháng 10, tầu Pinta vớt được một mẩu tre, một cây sào, một miếng ván và một cây gậy có lẽ được chặt bằng dao sắc. Tới 2 giờ sáng ngày 12 tháng 10, thủy thủ Rodrigo de Triana trên con tầu Pinta đã la lên: “Ðất liền! Ðất liền!”. Columbus bèn ra lệnh cho con tầu Santa Maria tiến tới gần, xác nhận quả là đất liền và cả đoàn tầu chờ đợi ở ngoài khơi cho đến sáng. Sau đó, Christopher Columbus và các thủy thủ đã bước lên bờ và họ là những người châu Âu đầu tiên đặt chân lên quần đảo Caribbean và hòn đảo này là đảo Walting, thuộc Bahama của San Salvador. Columbus cùng các thủy thủ đã quỳ xuống đất, cảm tạ Thượng Ðế đã giúp đỡ họ trong chuyến đi an toàn và thành công, rồi nhận miền đất này thuộc quyền của các Vua Tây Ban Nha. Họ đã gặp thổ dân da đỏ Arawark Taino, một giống người hiền lành và các thổ dân đã chào hỏi đoàn thám hiểm cũng như trao đổi quà tặng. Khi nhìn thấy các vòng vàng nhỏ đeo trên mũi của thổ dân, Christopher Columbus lại càng tin chắc rằng ông đã tới được xứ Ấn Ðộ. Columbus đã ghi trong nhật ký như sau: “tôi định đi nữa để coi xem có thể tìm ra hòn đảo Nhật Bản hay không”.

Christopher Columbus ra lệnh dương buồm ra khơi và đã dừng lại tại các hòn đảo mà ông đặt tên là Santa Maria de la Conception (bây giờ là đảo Rum Cay), Fernandina (Long Island), và Isabella (Crooked Island). Vào ngày 6-12-1492, đoàn tầu dừng lại tại bờ biển phía bắc của đảo Hispaniola. Tại mọi nơi, Columbus đều hỏi thổ dân xem có thể kiếm ra vàng tại đâu và các thủy thủ đã không tìm thấy một thành phố hay một lâu đài hoàng gia nào, họ chỉ gặp các thổ dân hút thuốc xì gà và đây là các người châu Âu đầu tiên biết tới thuốc lá. Sau khi đo lường kinh độ và vĩ độ, Columbus chỉ biết kết luận rằng ông đã tới được các hòn đảo nằm bên ngoài xứ Cathay.

Ba tháng sau ngày nhìn thấy đất liền, Christopher Columbus và đoàn tầu của ông đã đi vòng vo qua các vùng biển xa lạ và khá nguy hiểm là các đảo Bahama, Cuba và Hispaniola. Trên đảo Hispaniola, Columbus phấn khởi khi thấy dân làng đeo nữ trang bằng vàng và cũng đã nhận được một quà tặng là một mặt nạ vàng. Ðoàn tầu biển ba chiếc khi tới Cape Haitien thì chiếc Santa Maria bị đụng đá ngầm nên đáy tầu bị rách và phải bỏ lại. Với khối lượng gỗ của con tầu này, Columbus đã xây dựng một pháo đài nhỏ tại La Navidad. Một số thủy thủ vì bị lôi cuốn bởi các câu chuyện về mỏ vàng, nên đã tình nguyện ở lại trên đảo. Ðây là nhóm dân 39 người định cư đầu tiên tại Tân Thế Giới.

Vào ngày 16-1-1493, Christopher Columbus quyết định cho đoàn tầu trở về. Hai con tầu Nina và Pinta chất đầy phẩm vật gồm vàng bạc, các con vẹt có lông màu sắc sặc sỡ, các loại cây cỏ và sinh vật lạ, một số nữ trang và quần áo của thổ dân cùng nhiều thổ dân bị bắt cóc. Do tình cờ, hai con tầu biển này lọt vào vùng biển phía bắc của đảo Bermuda, nơi có gió thổi rất thuận tiện. Sau một tháng hải hành tốt đẹp, tầu gặp bão khi đến gần quần đảo Azores nhưng rồi cuối cùng, con tầu Nina do Columbus chỉ huy cũng tới được hải cảng Lisbon để sửa chữa. Vào ngày 4 tháng 3, Columbus được Vua John đón tiếp tại Lisbon. Cuối cùng, vào ngày 15-3-1493, cả hai con tầu cùng bỏ neo tại hải cảng Palos.

Vua và Nữ Hoàng Tây Ban Nha đã đón tiếp Christopher Columbus tại triều đình Barcelona. Columbus đã tặng cho các vua sáu thổ dân, vàng bạc và một số cây cối cùng các con vật lạ. Christopher Columbus được mời ngồi bên phải các vị vua và được ban tước hiệu “Don Cristobal Colon”. Ðây là lúc vinh quang nhất của ông.

4/ Các chuyến đi về sau.

Christopher Columbus đã báo cáo về các hòn đảo nằm bên ngoài bờ biển của xứ Cathay, một nơi có nhiều vàng bạc và hương liệu, với thổ dân vừa e dè, vừa dễ chịu, rất dễ cải theo đạo Thiên Chúa. Columbus cũng mô tả vẻ đẹp thiên nhiên của núi cao, bãi biển cát trắng, các loại cây gồi đặc thù của vùng nhiệt đới, nhưng phần báo cáo về quý kim thì đã bị ước lượng quá đáng. Sở dĩ ông nói quá về số lượng vàng bạc của địa phương để các nhà vua Tây Ban Nha sẵn lòng tài trợ các chương trình thám hiểm kế tiếp.

Cùng với vài thổ dân trình ra làm bằng chứng cụ thể, Christopher Columbus đã mô tả về vài hòn đảo nhỏ nằm ngoài khơi mà ông cho rằng sâu vào bên trong là nước Trung Hoa, đúng như lời Marco Polo đã nói rằng những thổ dân tại các hải đảo này còn man rợ và họ sống như các thú vật. Do vậy, Vua Ferdinand và Nữ Hoàng Isabella đều đồng ý cử Columbus đi thám hiểm một lần nữa để cố gắng tiếp xúc với triều đình của Ðại Hãn.

Từ năm 1455, nước Bồ Ðào Nha đã xin được sắc lệnh của Giáo Hoàng cho độc quyền trên đại dương ở phía đông và phía tây nam. Người Bồ đã dùng quần đảo Canaries làm chuẩn và cho rằng vùng biển từ quần đảo này trải dài xuống phía nam Ðại Tây Dương là của mình.

Ðể bảo đảm các quyền lợi tại phía tây, các vua Tây Ban Nha cũng xin Giáo Hoàng đặc quyền thương mại và chinh phục các xứ sở tại phía tây đại dương. Giáo Hoàng thời bấy giờ là Alexander VI, cũng là người Tây Ban Nha và thuộc nhóm Borgia, nên đã lắng nghe các yêu cầu của Vua Ferdinand và Nữ Hoàng Isabella. Hai nhà vua này đòi đặt một đường ranh dọc 100 hải lý (khoảng 300 dậm) phía tây của quần đào Azores. Phía tây đường ranh này thuộc Tây Ban Nha còn phía đông thuộc Bồ Ðào Nha. Sự phân chia này là do đề nghị của Christopher Columbus khi nhận xét về nơi thay đổi hướng gió, thay đổi hướng từ trường của địa bàn và cũng là nơi có khác lạ về mặt biển. Giáo Hoàng Alexander VI đã chấp thuận đề nghị của Tây Ban Nha bằng Ðạo Luật Inter Caetera. Vua Bồ Ðào Nha bèn phản đối sự phân vùng kể trên, đòi hỏi Tây Ban Nha phải tôn trọng đạo luật Aeterni Regis năm 1481 của Giáo Hoàng khi trước. Sau khi thương thảo, hai nước Bồ Ðào Nha và Tây Ban Nha đã đi tới Hòa Ước Tordesillas ký vào tháng 6 năm 1494, về sau được duyệt bởi Giáo Hoàng, theo đó đường ranh dọc do Tây Ban Nha đề nghị được đặt lùi 270 hải lý về phía tây, tức là ở kinh độ 46 độ 37’W, và cũng vì thế mà sau này miền đất Brasil nằm ở phía đông đường ranh, đã thuộc về Bồ Ðào Nha.

Sự phân chia kể trên đã khiến cho 25 năm về sau, khi thám hiểm mỏm cực nam của Nam Mỹ, Ferdinand Magellan đã bị cảnh cáo không nên vi phạm lằn ranh và các giới hạn về lãnh thổ của nhà vua Bồ Ðào Nha. Nhưng khi xẩy ra cuộc cạnh tranh về thám hiểm và khám phá các vùng đất mới, không một thế lực nào khiến cho Hòa Ước Tordesillas hay Ðạo Luật Inter Caetera được các quốc gia khác tôn trọng và Vua Francis của nước Pháp đã nói rằng muốn được coi “di chúc” của ông Adam chia Tân Thế Giới cho Hoàng Ðế Tây Ban Nha Charles V và Vua Bồ Ðào Nha. Rồi tới giữa thế kỷ 16, ông bộ trưởng William Cecil của Nữ Hoàng Anh Elizabeth đã cảnh cáo vị đại sứ Tây Ban Nha rằng “Giáo Hoàng không có quyền chia thế giới rồi phân phối các vương quốc cho những người được ưa thích”. Thế nhưng vào năm 1493, các quyền lợi của Tây Ban Nha đã được coi trọng và việc phân vùng ảnh hưởng đã ổn định. Christopher Columbus đã ở trên cực điểm của danh vọng. Trong 10 năm, nhà hàng hải này thường qua lại giữa Tây Ban Nha và vùng đất mới mà ông cho rằng sau đó là nước Trung Hoa.

Vào tháng 9 năm 1493, Christopher Columbus ra đi lần thứ hai và sau 21 ngày thuận gió, nhà hàng hải tới được phía bắc của quần đảo Windward mà ông đặt tên là Dominica, theo tiếng Ý là ngày Chủ Nhật, ngày nhìn thấy đảo. Sau đó Columbus đi theo đường vòng cung của các đảo Leeward tới tận Puerto Rico và đặt tên cho các đảo lần lượt là Santa Maria de Guadalupe, Santa Maria de Monserrate (Montserrat), Santa Cruz (nay là đảo St. Croix). Khi đến đảo Hispaniola để thăm lại khu định cư Navidad gần Cape Haitien, Columbus thấy rằng nơi này đã bị đốt trụi, 39 thủ thủ khi xưa đã bị giết chết. Columbus liền lập ra một nơi định cư thứ hai trên đảo Hispaniola. Chính trên các hải đảo miền Trung Mỹ này, các thủy thủ Tây Ban Nha đã được ăn khoai lang (yam), gặp loại cây bông gòn, các thứ cây trái mới lạ. Christopher Columbus cũng khám phá ra đảo Jamaica. Vào mùa xuân năm 1496, đoàn tầu biển của Christopher Columbus trở về Tây Ban Nha và nhà hàng hải vẫn thuyết phục Vua Tây Ban Nha rằng xứ Trung Hoa sắp ở trong tầm tay thám hiểm.

Tới tháng 5 năm 1498, Christopher Columbus lại rời Tây Ban Nha, ra đi lần thứ ba, lần này hướng về phía nam nhiều hơn. Trong kỳ thám hiểm này, nhà hàng hải đã tới đảo Trinidad và đây là một khám phá địa dư mới. Vài ngày sau, đoàn thám hiểm đặt chân lên đồng bằng Orinoco rồi Columbus khảo sát Vịnh Paria và nhận ra rằng đây phải là một lục địa rất lớn: Christopher Columbus đã tới vùng bờ biển phía bắc của Nam Mỹ.

Trong chuyến đi lần thứ tư vào mùa hè năm 1502, Christopher Columbus đã tới Honduras mà ông tưởng lầm là bán đảo Mã Lai. Ðể tranh đua với Vasco da Gama của Bồ Ðào Nha khi đó đã tìm thấy Ấn Ðộ, nhà hàng hải Columbus cho tầu đi về phía nam, tới Nicaragua và Costa Rica. Trong cuộc thám hiểm lần thứ tư này, Columbus đã gặp thất bại trong việc tìm đường qua châu Á, trong các công cuộc định cư trên đảo Hispaniola và tại các nơi khác.

Christopher Columbus đã chết vào ngày 20 tháng 5 năm 1506, vào tuổi 55, tại Valladolid, trong cảnh nghèo khó. Di hài của nhà hàng hải lừng danh này được chuyển tới an táng tại phần đất của một tu viện ở Seville vào năm 1513, nơi đã chôn cất người con Diego của ông.

Christopher Columbus là nhà hàng hải đã băng qua đại dương, tới các vùng biển hoàn toàn xa lạ và nhờ bản năng tài giỏi, ông đã điều khiển đoàn tầu vượt qua được những miền nước sâu, nước cạn, cũng như các vùng đá ngầm và các đảo san hô để tới mục tiêu đúng lúc. Vì vậy người đời sau vẫn coi ông Columbus là một trong các nhà hàng hải tài ba nhất của thời đại đó. Ý tưởng táo bạo đi về hướng tây để tới châu Á cũng khiến cho Christopher Columbus được coi là một con người cương quyết theo đuổi lý thuyết do mình đặt ra.

Việc khám phá ra Tân Thế Giới của Christopher Columbus đã khiến cho ông được xếp hạng với các nhân vật gây ảnh hưởng lớn lao nhất trong lịch sử của Nhân Loại, chỉ sau các vị sáng lập ra các tôn giáo của Thế Giới./.

Nguồn bài đăng

0