Chị em Thúy Kiều (Trích Truyện Kiều)
Hướng dẫn I – KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG Đoạn trích nằm ở phần đầu Truyện Kiều từ câu số 15 đến câu số 38, giới thiệu gia cảnh của nhà Vương viên ngoại (Có nhà viên ngoại họ Vương – Gia tư nghĩ cũng thường thường bậc hung – Một trai con thứ rốt lòng – Vương Quan là chữ nối dòng ...
Hướng dẫn
I – KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG
Đoạn trích nằm ở phần đầu Truyện Kiều từ câu số 15 đến câu số 38, giới thiệu gia cảnh của nhà Vương viên ngoại (Có nhà viên ngoại họ Vương – Gia tư nghĩ cũng thường thường bậc hung – Một trai con thứ rốt lòng – Vương Quan là chữ nối dòng nho gia – Đầu lòng…).
Đoạn trích giới thiệu chung về vẻ đẹp của hai chị em (4 câu đầu) ; vẻ đẹp của Thuý Vân (4 câu tiếp) và phần còn lại là vẻ đẹp của Thuý Kiều (16 câu).
Tác giả sử dụng bút pháp ước lệ, lấy vẻ đẹp của thiên nhiên để gợi tả vẻ đẹp của con người, khắc hoạ chân dung chị em Thuý Kiều.
Ca ngợi vẻ đẹp, tài năng của hai chị em, dự cảm về kiếp người tài hoa bạc mệnh là biểu hiện của cảm hứng nhân văn của Nguyễn Du.
II – HƯỚNG DẪN ĐỌC – HIỂU VĂN BẢN
1. Đoạn thơ có thể chia làm ba phần nhỏ. Phần thứ nhất gồm 4 câu đầu giới thiệu chung về vẻ đẹp của hai chị em. Phần thứ hai 4 câu gợi tả vẻ đẹp của Thúy Vân. Phần thứ ba 16 câu còn lại gợi tả vẻ đẹp và tài năng của Thúy Kiều. Từ miêu tả và giới thiệu chung, tác giả giới thiệu từng người. Theo trình tự giới thiệu Thúy Vân trước, sau đó giới thiệu Thúy Kiều. Không phải vì Thúy Vân được giới thiệu trước là quan trọng mà là tác giả đã cố ý đảo trật tự. Hãy chú ý rằng Vương Quan là em út lại được giới thiệu trước. Có thể thấy rằng, nhân vật trung tâm, quan trọng thì Nguyễn Du dành để giới thiệu sau cùng, với số câu nhiều hơn. (Vương Quan được giới thiệu 2 câu, Thúy Vân 4 câu, Thúy Kiều 16 câu.)
2. Thúy Vân được miêu tả, so sánh với trăng, với hoa, với ngọc, với mây và với tuyết. Nhũng hình ảnh đó cho thấy Vân là người cười tươi như hoa, tiấng nói trong như ngọc, khuôn mặt như trăng rằm, tóc óng hơn mây, da trắng hơn tuyết. Một vẻ đẹp phúc hậu, đoan trang, quý phái.
Chân dung Thúy Vân tuy chỉ gợi tả trong bốn câu nhưng khá rõ nét. Vẻ đẹp ấy mang tính cách và như dự báo trước số phận, vẻ đẹp của Thúy Vân gợi ra sư hoà hợp, thân thiện với xung quanh: mây thua, tuyết nhường. Số phận của nàng sẽ bình lặng, suôn sẻ.
3. Khi tả Thúy Kiều, tác giả vẫn dùng những biện pháp ước lệ, vẫn lấy thiên nhiên làm đối tượng so sánh. Nhưng có mấy điểm khác so với Thúy Vân:
– Trước hết tác giả giới thiệu Thúy Kiều sắc sảo mặn mà hơn so với Thúy Vân.
– Tác giả tập trung vào giới thiệu vẻ đẹp của đôi mắt Thúy Kiều.
– Sau đó tập trung vào giới thiệu những tài năng của Kiều: Thúy Kiều được coi là người thông minh bẩm sinh, có tài thơ, tài vẽ, và đặc biệt là âm nhạc. Không những nàng giỏi nhạc, sáng tác khúc Bạc mệnh, mà còn giỏi chơi đàn Hồ cầm. Tài năng của Thúy Kiều đạt đến mức nhà nghề mà thiên hạ chỉ có đến hai người (Sắc đành đòi một tài đành hoạ hai).
Vẻ đẹp của Kiều không được miêu tả cụ thể, chi tiết, mà được gợi ra một cách gián tiếp: “Nghiêng nước, nghiêng thành”, vẻ đẹp đó cũng dự báo số phận long đong của nàng. Bởi vì vẻ đẹp sắc sảo mặn mà ấy là do thiên nhiên đố – kị: ghen thua thắm, hờn kém xanh.
4. Bên cạnh vẻ đẹp về hình thức, tác giả còn nhấn manh vẻ đẹp về tài năng, về tâm hồn của Thuý Kiều. Nàng có nhiều tài và tài nào cũng đạt mức độ cao: Pha nghề thi hoạ đủ mùi ca ngâm. Không những thế, Kiều còn là người giàu tĩnh cảm, nàng sáng tác khúc Bạc mệnh làm cho ai nghe thấy cũng cảm động, xót xa.
5. Khi miêu tả, Nguyễn Du đã dự báo số phận của hai người. Điều đó là đúng. Vẻ đẹp của Thúy Vân là một vẻ đẹp hiền lành. Chính vì vậy mà mây thua,, tuyết nhường. Mà khi đối tượng đã nhường, đã thua thì không có gì căng thẳng, mâu thuẫn. Mọi việc sẽ suôn sẻ, hanh thông. Trái lại, vẻ đẹp của Thúy Kiều làm cho nghiêng nước, nghiêng thành. Như thế là đã gây tai hoạ cho người ta. Không những thế, vẻ đẹp đó lại còn làm cho hoa ghen, liễu hờn. Khi hoa, liễu, những cỏ cây vô tri, vô giác còn hờn, còn ghen thì con người sẽ gây khó dễ cho nàng là lẽ tất nhiên. Đời nàng sẽ khó bề yên ổn, bình lặng.
Thực tế sau đó đã chứng minh cuộc đời Thúy Vân êm đềm, suôn sẻ. Còn Thúy Kiều thì thanh lâu hai lượt thanh y hai lần. Nàng không những phải bán mình, phải vào lầu xanh, phải làm đầy tớ, rồi lại bị hầu rượu Hồ Tôn Hiến, bị ép gả cho thổ quan. Đến mức nàng phải tự tử ở sông Tiền Đường, về sau, tuy được sum họp với Kim Trọng, nhưng tình vợ chồng cũng chỉ là tình bạn bầy mà thôi.
6. Hai bức chân dung Thúy Vân và Thúy Kiều đều đặc sắc “mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười". Hai bức chân dung đều có những nét đẹp riêng của hai vẻ đẹp phúc hậu và sắc sảo. Về dụng công, thì Nguyễn Du tập trung cho bức chân dung của Thúy Kiều (vì nàng là nhân vật chính). Số câu dành cho Thúy Vân là 4, trong khi số câu dành cho Thúy Kiều là 16. Thúy Vân cũng được nói đến là có sắc, có tài, nhưng Nguyễn Du dành nhiều câu thơ để tả về tài năng của Thúy Kiều. Nói về ấn tượng thì chân dung của Thúy Kiều gây ấn tượng mạnh hơn về sắc, về tài, về tình. Nhưng về hình dáng bên ngoài thì bức chân dung của Thúy Vân cụ thể hơn, giúp người đọc hình dung ra nhân vật rõ nét hơn.
Mai Thu