24/06/2018, 16:45

Câu hỏi ôn tập bài 8: Nước Mĩ – Lịch sử 9

CÂU HỎI ÔN TẬP Câu hỏi 1: Nguyên nhân nào làm cho nền kinh tế của Mĩ phát triển mạnh mẽ từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai ? Trả lời câu hỏi: Nguyên nhân làm cho nền kinh tế Mĩ phát triển nhanh chóng sau Chiến tranh thế giới thứ hai: – Nước Mĩ ở xa chiến trường, được hai đại dương là Đại ...

CÂU HỎI ÔN TẬP

Câu hỏi 1: Nguyên nhân nào làm cho nền kinh tế của Mĩ phát triển mạnh mẽ từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai ?

Trả lời câu hỏi:

Nguyên nhân làm cho nền kinh tế Mĩ phát triển nhanh chóng sau Chiến tranh thế giới thứ hai:

– Nước Mĩ ở xa chiến trường, được hai đại dương là Đại Tây Dương và Thái Bình Dương che chở, không bị chiến tranh tàn phá.

– Nước Mĩ giàu lên trong chiến tranh do được yên ổn phát triển sản xuất và bán vũ khí, hàng hóa cho các nước tham chiến, Mĩ đã thu được 114 tỉ USD lợi nhuận.

Vì vậy, sau chiến tranh, Mĩ đã vươn lên chiếm ưu thế tuyệt đối về mọi mặt trong thế giới tư bản.

Câu hỏi 2: Những biểu hiện nào cho thấy nền kinh tế Mĩ chiếm ưu thế tuyệt đối trong thế giới tư bản sau Chiến tranh thế giới thứ hai?

Trả lời câu hỏi :

– Trong những năm 1945 – 1950, nước Mĩ chiếm hữu một nửa sản lượng công nghiệp toàn thế giới (56,47% năm 1948).

– Sản lượng nông nghiệp của Mĩ gấp 2 lần sản lượng nông nghiệp của năm nước Anh, Pháp, Tây Đức, I-ta-li-a và Nhật Bản cộng lại.

– Mĩ nắm trong tay 3/4 trữ lượng vàng của thế giới (24,6 tỉ USD), là chủ nợ duy nhất trên thế giới.

– Về quân sự, Mĩ có lực lượng mạnh nhất thế giới tư bản và độc quyền vũ khí nguyên tử.

Câu hỏi 3: Tình hình kinh tế Mĩ từ những năm 70 của thế hỉ XX như thế nào?

Trả lời câu hỏi :

Từ những năm 70 của thế kỉ XX tuy vẫn đứng đầu thế giới về nhiều mặt nhưng kinh tế Mĩ không còn giữ ưu thế tuyệt đối như trước kia nữa: “Sản lượng công nghiệp chỉ còn chiếm 39,8% của thế giới, dự trữ vàng chỉ còn 11,9 tỉ USD (1974).

Câu hỏi 4: Những nguyên nhân nào làm cho địa vị kinh tế của Mĩ bị suy giảm?

Trả lời câu hỏi :

Nguyên nhân làm cho địa vị kinh tế của Mĩ bị suy giảm:

Sau khi phục hồi kinh tế:

+ Các nước Tây Âu và Nhật Bản đã vươn lên mạnh mẽ và trở thành những trung tâm kinh tế lớn ngày càng cạnh tranh gay gắt với Mĩ,

+ Kinh tế Mĩ không ổn định do vấp phải nhiều cuộc suy thoái, khủng hoảng.

+ Do theo đuổi tham vọng bá chủ thế giới, Mĩ đã phải chi những khoản tiền khổng lồ cho việc chạy đua vũ trang, sản xuất các loại vũ khí hiện đại rất tốn kém, thiết lập hàng nghìn căn cứ quân sự và nhất là tiến hành các cuộc chiến tranh xâm lược.

+ Sự giàu nghèo quá chênh lệch giữa các tầng lớp trong xã hội, nhất là ở các nhóm dân cư – tầng lớp lao động bậc thấp.

Câu hỏi 5: Sau Chiến tranh thế giới thứ hai Mĩ thực hiện chính sách đối nội như thế nào?

Trả lời câu hỏi :

– Để phục vụ mưu đồ bá chủ thế giới, những năm đầu tiên sau chiến tranh, Mĩ đã ban hành hàng loạt đạo luật phản động như cấm Đảng Cộng sản Mĩ hoạt động, chống lại phong trào đình công và loại bỏ những người có tư tưởng tiến bộ ra khỏi bộ máy Nhà nước.

– Thực hiện chính sách phân biệt chủng tộc đối với người da đen và da màu.

Câu hỏi 6: Nhân dân Mĩ đã có thái độ như thế nào trước chính sách đối nội của chính phủ Mĩ?

Trả lời câu hỏi :

– Các tầng lớp nhân dân Mĩ đã đấu tranh phản đối các đạo luật phản động và đã có một vài đạo luật bị hủy bỏ.

– Tuy bị chính quyền ngăn chặn những phong trào đấu tranh của các tầng lớp nhân dân vẫn tiếp tục và có lúc lên cao dữ dội như các “mùa hè nóng bỏng” của người da đen (diễn ra trong những năm 1963, 1969 — 1975), phong trào phản chiến trong những năm Mĩ xâm lược Việt Nam (1969 – 1972).

Câu hỏi 7: Hãy trình bày những nét nổi bật trong chính sách đối ngoại của Mĩ từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai ?

Trả lời câu hỏi :

Nét nổi bật trong chính sách đối ngoại của Mĩ từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai đến nay:

– Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, giới cầm quyền Mĩ đã đề ra “Chiến lược toàn cầu” nhằm chống phá các nước xã hội chủ nghĩa, đẩy lùi phong trào giải phóng dân tộc và thiết lập sự thống trị trên toàn thế giới.

– Mĩ đã tiến hành “viện trợ” để lôi kéo, khống chế các nước nhận viện trợ, lập các khối quân sự, gây nhiều cuộc chiến tranh xâm lược.

– Từ 1991, khi trật tự hai cực bị phá vỡ, dựa vào sự vượt trội về các mặt kinh tế, khoa học – kĩ thuật, quân sự, các giới cầm quyền Mĩ ráo riết tiến hành nhiều chính sách, biện pháp để xác lập trật tự thế giới “đơn cực” do Mĩ hoàn toàn chi phối và khống chế.

Câu hỏi 8: Mĩ đã gặp khó khăn gì trong việc thực hiện chính sách đối ngoại?

Trả lời câu hỏi :

– Tuy đã thực hiện được một số mưu đồ, nhưng Mĩ cũng vấp phải nhiều thất bại nặng nề như can thiệp vào Trung Quốc (1945 -1946), Cu Ba (1959 – 1960), nhất là thất bại của Mĩ trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam (1954-1975).

– Trong việc chạy đua để lập trật tự thế giới “đơn cực” do Mĩ hoàn toàn chi phối và khống chế, Mĩ cũng gặp khó khăn đó là: sự phản đối của các nước đồng minh, của nhân loại tiến bộ, các lực lượng yêu chuộng hòa bình trên thế giới…

Một số chuyên mục của lịch sử lớp 9

  • Giải bài tập Sách giáo khoa môn Lịch sử lớp 9
  • Câu hỏi ôn tập môn Lịch sử lớp 9
  • Đề thi – Đáp án môn Lịch sử lớp
  • Đề thi học sinh giỏi môn Lịch sử lớp 9 

Xem thêm: âu hỏi ôn tập bài 7: Các nước Mĩ La-tinh ( Phần 1) – Lịch sử 9

0