LỊCH SỬ HÌNH THÀNH
[ 17/05/2013 21:29 PM | Lượt xem: 8843 ]
Tên đơn vị: TRƯỜNG CAO ĐẲNG VĂN HOÁ NGHỆ THUẬT VIỆT BẮC.
Mã trường: CDT1209
Địa điểm trụ sở chính: Phường Đồng Quang - Thành phố Thái Nguyên-Tỉnh Thái Nguyên.
Lịch sử nhà trường qua các thời kỳ:
- 1959 - 1960: Thành lập Trường Sơ cấp văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc do Sở Văn hóa khu tự trị Việt Bắc quản lý.
- 11/11/1965: Thành lập trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc do Uỷ ban Hành chính khu tự trị Việt Bắc quản lý
- 25/7/2005: Nâng cấp thành Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc trực thuộc Bộ Văn hóa – Thông tin.
- 31/7/2007 Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Các ngành đào tạo hiện nay:
I. Trình độ Trung cấp:
II. Trình độ cao đẳng:
THÀNH CÔNG CỦA NHÀ TRƯỜNG LÀ KẾT QUẢ CỦA SỰ ĐOÀN KẾT VÀ TRÍ TUỆ TẬP THỂ
NGƯT. ThS. Đỗ Quang Đại – Hiệu trưởng.
Năm 1965 Chủ tịch Ủy ban hành chính khu Tự trị Việt Bắc đã ký Quyết định số 589/TC-DC ngày 11/11/1965 về việc thành lập Trường Trung học Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc trên cơ sở Trường Bồi dưỡng cán bộ Văn hóa Khu tự trị Việt Bắc. Đây là một quyết định thể hiện sự quan tâm sâu sắc của các cấp lãnh đạo Đảng và Nhà nước đối với sự nghiệp đào tạo và phát triển văn hóa nghệ thuật của cả nước nói chung và vùng đồng bào các dân tộc thiểu số khu vực Việt Bắc nói riêng. Việc thành lập trường Trung học văn hóa nghệ thuật Việt Bắc đã mở ra một chặng đường phát triển mới trong sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ văn hóa, nghệ thuật của nhà trường.
Năm mươi năm trôi qua, biết bao thế hệ cán bộ, giảng viên, học sinh, sinh viên đã gắn bó và trưởng thành từ ngôi trường Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc. Năm mươi năm đủ dài để chứng kiến những thế hệ các bác, các cô, chú, anh, chị đầu tiên đã đổ biết bao mồ hôi, công sức để gây dựng nên một ngôi trường khang trang, to đẹp như ngày hôm nay. Chúng tôi – những thế hệ đi sau xin được tỏ lòng tri ân sâu sắc tới công ơn của những người đã hi sinh cả cuộc đời mình cho sự nghiệp trồng người, cho sự nghiệp văn hóa nghệ thuật của khu vực Việt Bắc nói riêng và của cả nước nhà nói chung.
Nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày thành lập trường (11/11/1965 – 11/11/2015 ), chúng tôi có dịp lắng lại để chiêm nghiệm, tri cố về những ngày tháng đầy khó khăn, thử thách của thầy và trò nhà trường từ những ngày đầu mời thành lập cho đến những ngày tháng chiến tranh toàn trường phải đi sơ tán, những thiếu thốn thời kỳ bao cấp, những gian nan khi trường mới chuyển địa điểm ra thành phố,... Nhưng chúng tôi cũng tự hào biết bao khi có một tập thể đoàn kết, nhất trí, chung sức chung lòng, tâm huyết cống hiến tài sức, trí tuệ cho sự nghiệp xây dựng và phát triển nhà trường ngày một lớn mạnh.
Ngay từ những ngày đầu mới thành lập (tháng 11/1965), đúng vào thời điểm cuộc chiến tranh chống đế quốc Mĩ của quân và dân ta đang diễn ra vô cùng ác liệt, trường Trung học Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc cùng với các cơ quan, trường học trong cả nước đã phải trải qua những năm tháng vô cùng khó khăn, đầy gian nan, thử thách.
Bắt đầu từ tháng 12/1965, chỉ sau một tháng thành lập, trước yêu cầu cấp bách của lịch sử, trước âm mưu gây ra cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân đánh phá miền Bắc của đế quốc Mỹ, hầu hết các cơ quan, trường học đóng trên địa bàn thị xã Thái Nguyên đều được lệnh phải sơ tán ra khỏi địa bàn. Trong hoàn cảnh đó, thầy và trò trường cũng đã phải trải qua 8 năm sơ tán với 4 lần di chuyển (từ cuối năm 1965 đến giữa năm 1973). Ban đầu, Nhà trường sơ tán vào khu rừng núi Khe Mo – Đoàn Kết, Đồng Hỷ. Đến đầu năm 1969, do tính chất ác liệt của cuộc chiến tranh, thầy và trò nhà trường một lần nữa lại phải đi sơ tán đến xã Việt Tường, ăn ở, sống cùng với dân trong xã. Nhưng cũng chỉ một tháng sau, lại có lệnh sơ tán lần thứ 3 lên xã Vô Tranh – Tức Tranh. Cùng lúc này, máy bay địch mở rộng bắn phá rộng ra đến các tỉnh Vĩnh Phúc, Thái Nguyên. Các địa điểm quan trọng của Thái Nguyên như cầu Gia Bảy, núi Voi, mỏ sắt Trại Cau, núi Chùa Hang, ga Đồng Quang, nhà máy điện Cao Ngạn,... đều bị địch bắn phá ác liệt. Chính vì vậy, trường lại phải sơ tán thêm một lần nữa. Lần này phải di chuyển lên tận vùng rừng núi của Lâm trường Ngả Hai, Bắc Sơn, Lạng Sơn, cách thành phố hơn 50km. Thầy, trò của trường đã vượt qua mọi vất vả, gian khó để học tập và rèn luyện với một niềm tin tưởng sâu sắc về một tương lai tươi sáng. Qua những dòng hồi tưởng của các bác, các cô, các chú, các thầy cô giáo thế hệ đầu tiên của nhà trường, chúng tôi – những thế hệ trẻ hôm nay cũng cảm nhận được phần nào những gian lao vất vả, những khó khăn thiếu thốn nhưng tràn đầy niềm vui, niềm tin của thầy và trò của nhà trường ngày ấy. Trong rừng sâu nơi sơ tán, trong những điều kiện hết sức khó khăn, nhà tranh, vách đất... nhưng thầy và trò nhà trường vẫn đều đặn dạy dỗ và học tập, “tiếng hát át tiếng bom”, những tác phẩm hội họa, kịch, múa, âm nhạc... vẫn tiếp tục ra đời, thậm chí một số tác phẩm hội họa còn được gửi đi dự thi ở các nước bạn như Hunggari, Tiệp Khắc, được đánh giá cao.
Sau khi đất nước thống nhất, đầu năm 1976, khu tự trị Việt Bắc giải thể, nhà trường được chuyển giao về Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Dul ịch) quản lý. Từ đây, lịch sử nhà trường bước sang một trang mới với một tâm thế mới, một nhiệm vụ chính trị mới.
Thời điểm này trường đóng tại địa điểm thị trấn Chùa Hang, huyện Đồng Hỷ, Tỉnh Thái Nguyên. Do vậy, các tổ chức Đảng, đoàn thể của nhà trường đều hoạt động dưới sự quản lý của huyện Đồng Hỷ.
Thủ tướng Phạm Văn Đồng và các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy Thái Nguyên với cán bộ, giáo viên, học sinh nhà trường năm 1985
Có thể nói, giai đoạn từ những năm 1976 đến năm 1990 là giai đoạn mà thầy và trò trường Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn nhất. Những tháng ngày chiến tranh gian nan đã trôi qua, một thời kỳ hậu chiến tranh với những khó khăn mới lại bắt đầu. Song cũng trong thời điểm này, sự nghiệp đào tạo của nhà trường bắt đầu có những biến chuyển mới. Các ngành nghề đào tạo mới được mở rộng. Ngay sau khi sơ tán trở về, ngoài các ngành đào tạo chủ đạo như Âm nhạc, Múa, Hội họa, Nhà trường đã bắt đầu tổ chức khai giảng những khóa học đầu tiên về các ngành Sân khấu kịch, Văn hóa quần chúng (1974), Thông tin thư viện (1978), thu hút đông đảo học sinh đến học tập. Việc học đi đối với hành cũng được nhà trường chú trọng hơn. Hàng năm, đặc biệt là vào dịp nghỉ hè, nhà trường thường tổ chức đưa các đoàn học sinh đi biểu diễn thực tập, thực tế, tham gia các chương trình biểu diễn phục vụ chính trị cho các hoạt động của tỉnh, thành phố Thái Nguyên và các tỉnh bạn thuộc khu vực Việt Bắc. Nhờ đó, chất lượng đào tạo được đảm bảo và ngày một cao. Song để có thể duy trì được sự nghiệp đào tạo như vậy trong suốt một thời gian dài phải kể đến sự đóng góp công lao to lớn của thế hệ cán bộ, giáo viên lúc bấy giờ. Trong điều kiện kinh tế khó khăn cơm không có ăn, cán bộ không có lương, học sinh không có học bổng, có những lúc một năm nhà trường phải nghỉ học đến 3 tháng để tăng gia sản xuất. Thầy trò cùng đi trồng ngô, trồng sắn, trồng đỗ ở Tân Đô, Hích, Khe Mo, nông trường chè sông Cầu... để cải thiện đời sống. Có những lúc, để lớp múa được duy trì, cán bộ, thầy cô nhà trường đã pahri tự trồng đỗ tương để xay lấy sữa cho học sinh uống bồi dưỡng lấy sức để học; trồng rau, nuôi gia súc, gia cầm để cải thiện bữa ăn cho học sinh... Nhưng chính trong những khó khăn chồng chất đó, những thành quả lao động và học tập của cán bộ, thầy và trò lại càng vinh quang hơn. Các khóa đào tạo âm nhạc, múa, sân khấu, hội họa, thông tin thư viện, văn hóa quần chúng vẫn đều đặn ra trường. Nhiều học sinh, sinh viên của trường đã trưởng thành được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú, Nghệ sĩ ưu tú và trong số ác cán bộ lãnh đạo chủ chốt của các sở, ban, ngành văn hóa, các đoàn nghệ thuật... ở các tỉnh Việt Bắc hiện nay chính là các thế hệ trưởng thành từ những ngày tháng khó khăn đó.
Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh chụp ảnh lưu niệm với thầy trò nhà trường năm 1993
Năm 1991, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Thái đã ký Quyết định số 10/UB-QĐ ngày 16 tháng 01 năm 1991 đồng ý chuyển trường Trung học Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc sang địa điểm mới tại phường Đồng Quang, Thành phố Thái Nguyên.
Phó thủ tướng Nguyễn Khánh và các đồng chí lãnh đạo tỉnh đến thăm trường
Đã hơn 20 năm trôi qua từ ngày chuyển ra trung tâm thành phố, trường Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc đã có một cơ ngơi khang trang hơn, sạch đẹp hơn. Và cũng kể từ đây, trường thực sự phát triển và lớn mạnh về mọi mặt. Sự nghiệp đào tạo được chú trọng. Ngoài các ngành đào tạo truyền thống, các ngành đào tạo mới như: sư phạm Âm nhạc, sư phạm Mỹ thuật, Bảo tàng học, Hướng dẫn viên du lịch, Thanh nhạc... tiếp tục được mở rộng; ngoài hệ đào tạo chính quy, thì nay có thêm hệ vừa học vừa làm (tại chức cũ), hệ Bồi dưỡng kiến thức ngắn hạn, các lớp bồi dưỡng năng khiếu nghệ thuật hè dành cho thiếu nhi... xứng đáng trở thành địa chỉ tin cậy, thành cái nội đào tạo văn hóa nghệ thuật cho con em các dân tộc thuộc khu vực Đông Bắc.
SỨ MẠNG
Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật và du lịch khu vực Đông Bắc; thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học, góp phần đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của khu vực và hội nhập quốc tế.
TẦM NHÌN
Trở thành trung tâm đào tạo trọng điểm ngành văn hóa, du lịch có thương hiệu trong nước và khu vực.
MỤC TIÊU TỔNG QUÁT
Xây dựng và phát triển trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc thành trường Đại học Văn hóa, Nghệ thuật và Du lịch Việt Bắc; cung cấp nguồn nhân lực văn hóa, nghệ thuật và du lịch có chất lượng cao cho khu vực Đông Bắc và cả nước; đào tạo theo hướng đa nghề, đa cấp, đa lĩnh vực, liên thông các bậc học; xây dựng hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu đào tạo, mở rộng hợp tác quốc tế trong đào tạo, nghiên cứu và áp dụng khoa học công nghệ, mang bản sắc riêng của văn hóa vùng Đông Bắc.