TRƯỜNG CAO ĐẲNG VĂN HÓA NGHỆ THUẬT THÁI BÌNH
Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Thái Bình (tiền thân là Trường Nghiệp vụ Văn hóa thông tin thành lập năm 1975) được thành lập đến nay đã hơn 40 năm; năm 1988, Trường được nâng cấp lên Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật, đến tháng 12 năm 2005 được nâng cấp lên Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật.
Quá trình xây dựng và trưởng thành của Trường có thể tóm tắt như sau:
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, cả nước cùng đi lên CNXH, trước yêu cầu nhiệm vụ mới của đất nước, ngày 5/7/1975 UBND tỉnh Thái Bình có Quyết định số 54/TC-NV về việc thành lập trường Nghiệp vụ VHTT Thái Bình. Chức năng, nhiệm vụ của Trường là đào tạo và bồi dưỡng ngắn hạn cán bộ nghiệp vụ VHTT cho phong trào cơ sở với các chuyên ngành chủ yếu là diễn viên, nhạc công chèo, bảo tàng, giáo dục truyền thống, thư viện xã, chủ nhiệm nhà Văn hóa, kẻ vẽ, biên tập truyền thành và nhạc cụ dân tộc, đối tượng là cán bộ VHTT các xã, phường, thị trấn; đào tạo công nhân kỹ thuật cho một số đơn vị trong ngành VHTT. Biên chế của Trường có 13 CBGV- là cán bộ của các đơn vị sự nghiệp của Ty VHTT được điều ra vừa làm công tác xây dựng, quản lý và giảng dạy.
Đến năm 1978, Nhà trường được Bộ Văn hóa thông tin giao cho liên kết đào tạo: Trung học chủ nhiệm nhà văn hóa cấp huyện, trung học thư viện, trung học văn hóa quần chúng, bảo tàng, phát hành sách, thông tin lưu động, hội họa cho các tỉnh phía Bắc. Lớp quản lý nhà văn hóa cấp huyện khai giảng tại Đông La, Đông Hưng vinh dự được đón Bộ trưởng Bộ VHTT Nguyễn Văn Hiếu về dự và giảng bài đầu tiên cho lớp học.
Trong hơn 10 năm, Trường đã đào tạo trên 300 cán bộ nghiệp vụ có trình độ trung học và công nhân kỹ thuật 3/7, công nhân truyền thanh, thuyết minh phim và trên 1000 cán bộ nghiệp vụ VHTT cơ sở.
Ngày 14/12/1988, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình đã ký Quyết định số 606/QĐ-TC về nâng cấp Trường Nghiệp vụ VHTT thành Trường Trung cấp VHNT Thái Bình.
Thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Trường Trung cấp VHNT, sự nghiệp đào tạo liên tục phát triển. Cùng với việc đào tạo bồi dưỡng cán bộ VHTT cho cơ sở, Trường liên tục đào tạo hơn 1000 học sinh ở các ngành nghề VHNT trình độ trung cấp để bổ sung cho các đoàn nghệ thuật, các đơn vị sự nghiệp của ngành và các đoàn nghệ thuật Lai Châu, Yên Bái. Đến năm 1990, Trường đào tạo trung cấp sư phạm Nhạc-Họa phục vụ cho giáo dục tiểu học và trung học cơ sở. Đến năm 2003, nhà Trường được UBND tỉnh Thái Bình giao đào tạo Trung cấp Quản lý VHTT cho cán bộ các xã, phường, thị trấn; đến năm 2004 đào tạo Trung cấp Văn hóa du lịch.
Ngày 21/12/2005, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Quyết định số 7327/QĐ-BGD&ĐT về việc thành lập Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Thái Bình trên cơ sở Trường Trung học Văn hóa nghệ thuật Thái Bình. Đến ngày 30/5/2006, UBND tỉnh Thái Bình có Quyết định số 36/QĐ-UBND quy định chức năng, nhiệm vụ và bộ máy hoạt động của Nhà trường và quyết định Trường là đơn vị trực thuộc UBND tỉnh quản lý.
Trong 12 năm từ 2006 đến nay, cùng với việc tiếp tục đào tạo bậc trung cấp, bồi dưỡng ngắn hạn chuyên ngành văn hóa nghệ thuật, Nhà trường đã mở và đang đào tạo 7 mã ngành cao đẳng gồm: Cao đẳng sư phạm Nhạc -Họa, Mỹ thuật chuyên ngành, chèo, Thanh nhạc, Quản lý văn hóa và thư viện với 11 khóa chính quy 3 năm, 7 khóa chính quy liên thông và vừa học vừa làm với số lượng 2585 sinh viên, chất lượng khá giỏi hàng năm đạt từ 55%-60%.
Hơn 40 năm qua, Trường đã đào tạo 25 ngành nghề khác nhau với 5.128 học sinh trung cấp, 2585 sinh viên cao đẳng, liên kết đào tạo 523 học viên Đại học; đào tạo-bồi dưỡng ngắn hạn cho hàng chục ngàn cán bộ VHTT và các hạt nhân múa hát chèo cho phong trào văn hóa cơ sở, hát múa chèo cho giáo viên phổ thông, cho cán bộ công chức, viên chức và người lao động. Hiện nay, Trường đang đào tạo tới 12 ngành nghề ở các trình độ cao đẳng, trung cấp trong đó có một số ngành nghề chủ yếu: Diễn viên-nhạc công chèo, nhạc cụ dân tộc, thanh nhạc, nhạc cụ đàn phím điện tử (organ), múa, chuyên ngành hội họa, thư viện, quản lý văn hóa, du lịch, sư phạm âm nhạc, sư phạm hội họa, trong đó có 7 mã ngành cao đẳng. Về số lượng HSSV tăng nhanh, riêng năm học 2008-2009 số lượng 1700 HSSV tăng gần gấp 4 lần năm học 2003-2004. Các ngành nghề cao đẳng đã và đang đào tạo 11 khóa chính quy, 4 khóa liên thông. Trung cấp diễn viên chèo đã và đang đào tạo 19 khóa chính quy, 02 khóa tại chức, mỗi khóa từ 20-30 học sinh, đào tạo trung cấp nhạc cụ dân tộc tới 17 khóa chính quy, 2 khóa tại chức, mỗi khóa từ 10-20 học sinh, sư phạm nhạc -họa tới 21 khóa mỗi khóa từ 100-150 học sinh.
Chất lượng đào tạo không ngừng được nâng lên; học sinh hàng năm đạt tỷ lệ từ 55-60% khá, giỏi, học sinh tốt nghiệp đạt 96%. Qua kỳ tham gia liên hoan ca múa nhạc và kịch hát truyền thống, các kỳ thi tài năng trẻ các trường VHNT toàn quốc (2 năm một lần), trường đều tham gia và đạt giải cao. Đoàn tuyển của trường luôn luôn ở tốp đầu trong các trường tham gia. Khi đánh giá về chất lượng đào tạo nghệ thuật chèo, nguyên Thứ trưởng Bộ VHTT-Giáo sư Nguyễn Trung Kiên đã từng khẳng định "Việc đào tạo Chèo của Trường Văn hóa nghệ thuật Thái Bình đã có bề dày, có cốt cách, có chiều sâu, chất lượng cao, hiệu quả tốt. Nhiều học sinh hát hay, múa dẻo, diễn tốt, thể hiện chất chèo truyền thống". Học sinh tham gia phục vụ tốt các nhiệm vụ chính trị của Tỉnh và các ngành; đi kiến tập, thực tập ở các cơ sở văn hóa, giáo dục đều được các cấp, ngành và nhân dân địa phương quý mến và đánh giá cao. Số học sinh tốt nghiệp có việc làm đạt 95% trở lên, riêng học sinh chèo, nhạc cụ dân tộc 100% có việc làm. HSSV Nhà trường có mặt ở khắp mọi miền đất nước, chỉ tỉnh riêng học sinh chèo đã có mặt ở 16/18 nhà hát- đoàn chèo toàn quốc. Nhiều HSSV của trường đã trở thành nghệ sỹ ưu tú, nghệ sỹ xuất sắc, đạt danh hiệu các tài năng nghệ thuật trẻ của các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp, giáo viên dạy giỏi các cấp, cán bộ quản lý giỏi ở các đơn vị VHTT-giáo dục trong và ngoài tỉnh; có những HSSV nay đã là giảng viên, cán bộ quản lý ở một số trường Đại học, cao đẳng và trung cấp VHNT.
Tiếp nối truyền thống vẻ vang hơn 40 năm qua, Nhà trường cần tập trung làm tốt những việc sau:
Tiếp tục đổi mới công tác quản lý giáo dục Đại học; mở rộng quy mô, đa dạng hóa ngành nghề, loại hình đào tạo gắn với nhu cầu xã hội; mở thêm các ngành nghề mới, trong đó có nghệ thuật ứng dụng, nghệ thuật múa rối nước; không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ CBGV, chất lượng đào tạo, cơ sở vật chất. Xây dựng Nhà trường trở thành trung tâm đào tạo, nghiên cứu nghệ thuật chèo, nhạc cụ truyền thống có chất lượng cao của Tỉnh và khu vực. Đẩy mạnh xã hội hóa công tác đào tạo VHNT, tiến tới hợp tác quốc tế để đào tạo một số ngành nghề mà xã hội có nhu cầu.
Đổi mới công tác quản lý, xây dựng bộ máy gọn nhẹ, có hiệu lực và hiệu quả cao, giữ vững nền nếp kỷ cương trong mọi hoạt động; Thực hiện 3 công khai trong giáo dục, công bố chuẩn đầu ra đối với các ngành nghề đào tạo, thực hiện kiểm định chất lượng ngoài và công tác khảo thí. Thường xuyên đổi mới chương trình, phương pháp giảng dạy, chuyển tất cả các ngành nghềsang đào tạo theo tín chỉ, không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội.
Làm tốt công tác giáo dục chính trị, pháp luật và đạo đức, lối sống cho CBGV và HSSV gắn với việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, và các cuộc vận động do Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Bộ Giáo dục - Đào tạo phát động. Tăng cường đào tạo – bồi dưỡng đội ngũ CBGV “Vừa hồng vừa chuyên”, đoàn kết thống nhất, gắn bó và say mê với nghệ thuật, với nghề dạy học. Phấn đấu thực hiện tốt “Thầy mẫu mực, HSSV thanh lịch, Nhà trường văn hoá”.
Đẩy nhanh xây dựng cơ sở mới của Trường đã được UBND Tỉnh phê duyệt. Tăng cường và sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất hiện có, mua sắm trang thiết bị, đồ dùng dạy học theo hướng đồng bộ, hiện đại.
Đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện của Đảng và phát huy vai trò của các đoàn thể trong trường học; xây dựng nếp sống văn hoá, cơ quan đơn vị Văn hoá. Động viên và đẩy mạnh phong trào thi đua “Dạy tốt - học tốt, quản lý giỏi”, phong trào nghiên cứu khoa học, sáng kiến kinh nghiệm gắn với thực tế đời sống xã hội để góp phần làm cho văn hoá thấm sâu, lan toả mạnh mẽ trong cuộc sống tinh thần của nhân dân.
CÁC HÌNH THỨC KHEN THƯỞNG ĐÃ ĐƯỢC GHI NHẬN
1. Danh hiệu thi đua
Năm | Danh hiệu thi đua | Số, ngày, tháng, năm của quyết định công nhận danh hiệu thi đua; cơ quan ban hành quyết định |
2010 | Cờ đơn vị dẫn đầu phòng trào thi đua năm 2010 | Thủ tướng Chính phủ |
2011 | Cờ đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua năm 2011 | Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch |
2014 | Cờ đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua năm 2014 | Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch |
2014 | Cờ đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua năm 2014 | Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình |
2. Hình thức khen thưởng
Năm | Hình thức khen thưởng | Số, ngày, tháng, năm của quyết định công nhận danh hiệu thi đua; cơ quan ban hành quyết định |
2010 | -Huân chương lao động hạng Nhất - Bằng khen của Bộ VH,TT&DL | QĐ số 1200/QĐ-CTN ngày 05/8/2010 |
2011 | -Bằng khen của Bộ VH,TT&DL | QĐ số 1623/QĐ-BVHTT-DL ngày 28/6/2011 |
2012 | -Bằng khen của UBND tỉnh | Quyết định số 72/QĐ-UBND ngày 10/1/2013 của UBND tỉnh Thái Bình |
2013 | - Bằng khen của Bộ VH,TT&DL | Quyết định số 4911/QĐ-BVH,TT&DL ngày 31/12/2013 của Bộ Văn hoá, thể thao &Du lịch. |
2015 | - Bằng khen của Bộ VH,TT&DL | Quyết định số: 2035/QĐBVH,TT&DL ngày 1 |
2015 | Bằng khen của UBND tỉnh | Quyết định số 876/QĐ-UBND ngày 12/4/2016của UBND tỉnh Thái Bình |
2016 | Bằng khen Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2015 - 2016 | Quyết định số 4577/QĐ-BGDĐT ngày 14/10/2016 của Bộ Giáo dục & Đào tạo |
2017 | Bằng khen | Quyết định số 3971/QĐ-BVH,TT&DL ngày 23/10/2017 của Bộ Văn hoá, thể thao &Du lịch. |
2017 | Bằng khen của UBND tỉnh | Quyết định số /QĐ-UBND ngày / /2017 của UBND tỉnh Thái Bình |