Trường Trung học và Dạy nghề Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nam Bộ được thành lập theo Quyết định số 2360 NN-TCCB/QĐ, ngày 30 tháng 12 năm 1996, của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trên cơ sở hợp nhất và tổ chức lại Trường Trung học Thủy lợi 3 ( Bộ Thủy lợi trước đây) và Trường Trung học Kỹ thuật Nông nghiệp Long Định ( Bộ Nông nghiệp trước đây).
Trong đó, Trường Trung học Thủy lợi 3 ( Bộ Thủy lợi trước đây ) thành lập và hoạt động từ ngày 29 /06/1976, ngay sau năm giải phóng hoàn toàn Miền Nam 1975, tọa lạc tại Tân Mỹ Chánh, Mỹ Tho, Tiền Giang. Trường Trung học Kỹ thuật Nông nghiệp Long Định có tiền thân là Trường Trung cấp Nông nghiệp, được thành lập và hoạt động từ năm 1974 tại chiến khu Lộc Ninh ( Quân giải phóng gọi là R ). Sau giải phóng Miền Nam, vào năm 1976, Trường được thành lập với tên là Trường Trung học kỹ thuật nông nghiệp Long Định, tọa lạc tại Long Định, huyện Châu Thành, Tiền Giang.
Như vậy, cho tới ngày 28/01/2008, ngày thành lập Trường cao đẳng Nông nghiệp Nam Bộ, Trường đã có trên 32 năm kinh nghiệm đào tạo bậc trung cấp chuyên nghiệp, công nhân, chuyển giao kỹ thuật các ngành kinh tế, kỹ thuật nông nghiệp ở Nam Bộ. Riêng 10 năm của Trường Trung học Dạy nghề - Nông nghiệp và PTNT Nam Bộ, Trường đã đào tạo gần 12 000 cán bộ kỹ thuật các bậc cho khu vực Nam Bộ.
Trường đã có quan hệ hợp tác về đào tạo với trên 50 cơ quan, trung tâm, trường học khắp vùng Nam Bộ để đào tạo theo yêu cầu của xã hội.
Với thành tích đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật, kinh tế cho ngành Nông nghiệp trên 32 năm tại Nam Bộ, Trường đã nhận được nhiều phần thưởng cao quí của Nhà nước và Chính phủ: Huân chương Lao động hạng Ba, Huân chương Lao động hạng Nhì, Huân chương Lao động hạng Nhất, Huân chương Độc lập hạng Ba; Cờ Thi đua của Chính phủ ; một nhà giáo nhận danh hiệu:” Nhà giáo ưu tú ” v.v.
1. Sứ mệnh:
Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ, hội nhập khu vực và quốc tế, góp phần phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn khu vực Nam Bộ, trong đó lấy đào tạo nguồn nhân lực các lĩnh vực nông nghiệp, ngư nghiệp và phát triển nông thôn làm trọng điểm.
2.Tầm nhìn
Phấn đấu đến năm 2020 trở thành trường cao đẳng đa cấp, đa ngành trọng điểm quốc gia tại khu vực Nam Bộ, đào tạo và nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ chất lượng cao, có thương hiệu trong nước, trong khu vực và quốc tế, mang lại lợi ích cho người học và đóng góp vào sự phát triển nguồn nhân lực của đất nước.
3.Mục tiêu cụ thể
Giai đoạn 2009-2012: Là một trong các cơ sở đào tạo trình độ cao đẳng có uy tín của ngành; hoàn thành cơ bản việc chuyển đổi mục tiêu đào tạo theo hướng đào tạo đa cấp, đa ngành, đa lĩnh vực, có chất lượng, hiệu quả cao, đáp ứng được nhu cầu của xã hội và dạy nghề cho nông dân; phát triển nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ, tiếp cận hợp tác, hội nhập khgu vực và quốc tế, từng bước phát triển thương hiệu của Trường.
Giai đoạn 2012-1015: Trở thành một trong các cơ sở đào tạo trình độ cao đẳng có chất lượng, hiệu quả đạt tiêu chuẩn quốc gia, trong đó có tối thiểu 4 ngành đào tạo trọng điểm có thương hiệu trong khu vực và quốc tế.
Tầm nhìn đến 2020: Trở thành một trong các cơ sở đào tạo trọng điểm tại khu vực Nam Bộ đào tạo đa cấp, đa ngành, trong đó lấy đào tạo nguồn nhân lực nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ nông, ngư nghiệp và phát triển nông thôn chất lượng cao, có thương hiệu trong nước, trong khu vực và quốc tế làm trọng điểm.
4. Các nhiệm vụ trọng tâm
4.1. Nâng cao chất lượng đào tạo
Không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo toàn diện, HS-SV tốt nghiệp có kiến thức, năng lực làm việc, khả năng nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, khả năng làm việc độc lập và làm việc theo nhóm, có phẩm chất đạo đức, lương tâm nghề nghiệp, ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong công nghiệp, sức khỏe, khả năng tìm và tự tạo việc làm, hoặc tiếp tục học lên trình độ cao hơn đáp ứng được mục tiêu đào tạo theo qui định của Nhà nước và nhu cầu của xã hội.
Thực hiện kiểm định chất lượng trường.
Đến năm 2020 có tối thiểu 4 ngành đào tạo trọng điểm đạt chuẩn khu vực và quốc tế, gồm: Chăn nuôi - Thú y, Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Chế biến nông sản.
4.2. Phát triển qui mô đào tạo
Phát triển qui mô đào tạo dài hạn theo các giai đoạn như sau:
Đến năm 2011: 3000 – 3500 HS-SV
Đến năm 2015: 4000 – 4500 HS-SV
Tầm nhìn đến năm 2020: 5000 – 5500 HS-SV
4.3. Tăng cường năng lực đào tạo
Xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên, cán bộ nghiệp vụ đảm bảo chất lượng, số lượng và cơ cấu hợp lý; phát triển ngành nghề, nội dung, chương trình đào tạo theo hướng đào tạo đa cấp, đa ngành nghề đáp ứng nhu cầu của xã hội, đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng hiện đại, lấy người học làm trung tâm; hiện đại hóa hệ thống giáo trình, tài liệu giảng dạy, thư viện và cơ sở vật chất đảm bảo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của nhà trường theo tiêu chuẩn Việt Nam; đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ, sáng kiến cải tiến kỹ thuật, làm tốt công tác quản lý, giáo dục, thực hiện chính sách của nhà nước đối với HS-SV; tăng cường hợp tác trong nước, hội nhập khu vực và quốc tế; thu hút các nguồn lực tài chính cho sự nghiệp phát triển của nhà trường; thực hiện tự chủ theo qui định đảm bảo không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả, qui mô đào tạo, phát triển Trường bền vững và cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao đời sống cán bộ, giáo viên, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và nhu cầu học tập của nhân dân.
4.4. Đào tạo nghề cho nông dân
Thực hiện nhiệm vụ đào tạo nghề cho nông dân theo Nghị quyết số 26 – NQ/TW ngày 05/08/2008 Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân và nông thôn và hướng dẫn, phân công của Bộ Nông nghiệp và PTNT.
5. Nguồn tài chính thực hiện Chiến lược
Ngân sách nhà nước;
Nguồn kinh phí tự chủ của Trường;
Nguồn kinh phí huy động từ hợp tác quốc tế, từ các dự án, chương trình và xã hội hóa giáo dục đào tạo;
Các nguồn kinh phí khác.