A. CHỨC NĂNG VÀ NHIỆM VỤ : 1. Chức năng : - Trường Cao đẳng Giao Thông Vận Tải là cơ sở đào tạo công lập, nằm trong hệ thống giáo dục quốc dân; chịu sự quản lý trực tiếp của Ủy Ban Nhân Dân TP. Hồ Chí Minh, Sở Giao thông Vận Tải TP. Hồ Chí Minh, đồng thời chịu sự quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục & Đào tạo, Sở Giáo dục & Đào tạo về chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và chính sách phát triển giáo dục; về tiêu chuẩn giảng viên, mục tiêu, nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo; về tuyển sinh, tổ chức đào tạo, thi, kiểm tra, công nhận tốt nghiệp và cấp văn bằng; về thanh tra giáo dục. - Trường có chức năng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ có trình độ Cao đẳng kinh tế, kỹ thuật nghiệp vụ và các trình độ thấp hơn theo cơ cấu của hệ thống giáo dục quốc dân, phục vụ cho ngành giao thông vận tải và các ngành nghề khác trong xã hội. - Trường là cơ sở đào tạo đa cấp, đa ngành, đa lĩnh vực, là cơ sở nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Ngoài ra, Trường còn có chức năng liên kết đào tạo, hợp tác quốc tế, tư vấn và kiểm định các công trình thuộc lĩnh vực giao thông công chính; ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật cho sự nghiệp phát triển kinh tế - chính trị - xã hội của TP. Hồ Chí Minh và cả nước. 2. Nhiệm vụ : - Trường có nhiệm vụ đào tạo : + Bậc cao đẳng với các ngành : Công nghệ kỹ thuật ôtô, Công nghệ kỹ thuật xây dựng cầu đường, Kế toán, Kỹ Thuật Điện, Tin Học Ứng Dụng, Quản Trị Kinh Doanh. Đào tạo bậc cao đẳng nghề, liên thông từ bậc trung cấp lên bậc cao đẳng. + Bậc Trung cấp chuyên nghiệp, gồm 12 chuyên ngành : Sửa chữa máy vi tính, Sửa chữa, khai thác thiết bị cơ khí ôtô, Điện công nghiệp và dân dụng, Xây dựng công trình giao thông đường bộ, Phân tích lập trình, Quản lý doanh nghiệp vận tải, Kế toán giao thông vận tải, Kỹ thuật điện lạnh, Xây dựng dân dụng và công nghiệp, Xây dựng công trình thủy, Điều khiển phương tiện thuỷ nội địa, Khai thác vận tải thủy nội địa. + Bậc Trung cấp nghề và sơ cấp nghề : Sửa chữa máy vi tính, Sửa chữa ôtô, Điện công nghiệp và dân dụng, Kỹ thuật viên tin học, Điều khiển phương tiện thủy nội địa, Vận hành máy phương tiện thủy nội địa, Vận hành xe cơ giới, Lái xe ôtô-môtô các hạng, Kế toán sơ cấp, Bồi dưỡng nâng bậc nghề giao thông- công chính. - Xây dựng, đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ giảng viên, giáo viên bảo đảm đủ về số lượng, cân đối về cơ cấu trình độ theo quy định của Nhà nước. - Nghiên cứu, triển khai các nhiệm vụ, đề tài khoa học – công nghệ chuyên ngành; thực hiện gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học và lao động sản xuất để nâng cao chất lượng đào tạo theo yêu cầu phát triển ngành giao thông vận tải và sự phát triển kinh tế – xã hội. - Tổ chức phối hợp với Sở GTVT, các cơ sở đào tạo lái xe thực hiện việc ôn luyện & thi sát hạch lái xe các hạng từ A1 - F B. QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN QUA CÁC THỜI KỲ Trong hơn 35 năm hình thành và phát triển, Trường đã trải qua các giai đoạn sau: - Trường Công nhân lái xe được thành lập rất sớm theo quyết định của Sở Giao thông vận tải TP.HCM vào năm 1977 trên cơ sở trường dạy lái xe trước ngày Giải phóng miền Nam 30/04/1975. - Trường Công nhân kỹ thuật được thành lập theo quyết định số 279/QĐ-TC ngày 18/03/1981 của Sở Giao thông vận tải TP.HCM trên cơ sở sát nhập 02 trường, Trường Công nhân kỹ thuật và Trường Công nhân lái xe thuộc Sở Giao thông vận tải TP.HCM. - Trường Công nhân kỹ thuật - nghiệp vụ được thành lập theo quyết định số 14/QĐ-TC ngày 09/04/1983 của Sở Giao thông vận tải TP.HCM trên cơ sở sát nhập 02 trường, Trường Công nhân kỹ thuật và Trường Nghiệp vụ thuộc Sở Giao thông vận tải TP.HCM. - Trường Công nhân kỹ thuật đường thủy được thành lập theo quyết định số 126/QĐ-UB ngày 10/06/1985 và Trường Công nhân kỹ thuật đường bộ được thành lập theo quyết định số 127/QĐ-UB ngày 10/06/1985 của Ủy ban Nhân dân TP.HCM từ việc tách Trường Công nhân kỹ thuật nghiệp vụ thành 02 trường thuộc Sở Giao thông vận tải TP.HCM. - Trường Kỹ thuật đường thủy được đổi tên trường theo quyết định số 47/QĐ-UB ngày 21/02/1991 của Ủy ban Nhân dân TP.HCM từ tên cũ là Trường Công nhân kỹ thuật đường thủy. - Trường Kỹ thuật nghiệp vụ Giao thông – Công chánh được thành lập theo quyết định số 1268/QĐ-UB-NCVX vào ngày 27/02/1995 của Ủy ban Nhân dân TP.HCM trên cơ sở hợp nhất 02 trường : Trường Kỹ thuật đường thủy và Trường Công nhân kỹ thuật đường bộ thuộc Sở Giao thông - Công chánh. - Trường Trung học Giao thông – Công chánh được thành lập theo quyết định số 4946/QĐ-UB-QLĐT ngày 23/09/1998 của Ủy ban Nhân dân TP.HCM trên cơ sở nâng cấp từ Trường Kỹ thuật nghiệp vụ Giao thông – Công chánh. - Trường Trung học Giao thông – Công chính được đổi tên trường theo quyết định số 3353/QĐ-UB ngày 15/07/2005 của Ủy ban Nhân dân TP.HCM từ tên cũ là Trường Trung học Giao thông – Công chánh. Trường Trung học Giao thông – Công chính trực thuộc và chịu sự lãnh đạo, quản lý của Sở Giao thông – Công chính Thành phố Hồ Chí Minh. - Trường Cao đẳng Giao thông vận tải được thành lập theo quyết định số 6939/ QĐ - BDGĐT ngày 15 tháng 10 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo trên cơ sở Trường Trung học Giao thông công chính Tp.HCM. Trường Cao đẳng Giao thông vận tải trực thuộc Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, chịu sự quản lý nhà nước về giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo; Trường hoạt động theo điều lệ trường cao đẳng do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành. C. ĐỘI NGŨ CÁN BỘ - GIÁO VIÊN - CÔNG NHÂN VIÊN Tổng số cán bộ, giáo viên và công nhân viên là : 233 người. Trình độ giảng viên: - Tiến sĩ khoa học: 03 - Nghiên cứu sinh: 02 - Thạc sĩ : 62 - Cao học : 30 - Đại học : 100 |